Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Trắng Trên Đen 18 & 19

Ruben David Gonzalez Gallego

Vũ Thư Hiên dịch

CÁI XE ĐẠP

Hiệu báo ngủ. Người lớn tắt đèn, đi ra. Đã đến giờ trẻ con phải đi ngủ. Thời gian đẹp nhất trong ngày là trong khoảng hai giờ sau khi có hiệu báo ngủ. Ngủ ngay thì chưa muốn. Trong phòng tối om. Không phải ngày hội, bật điện mà làm gì. Ngày hội là chuyện khác. Ngày hội thì có thể mở đồ hộp để dành, có thể uống rượu, không có rượu thì trà cũng xong. Không phải ngày hội, lại chưa thấy buồn ngủ, thì có thể chuyện vãn. Ban đêm tha hồ chuyện trò tào lao, chẳng đứa nào cười đứa nào. Ban đêm có thể nhớ đến gia đình, nhớ bố nhớ mẹ. Ban đêm thì được. Không đứa nào chê mình yếu đuối, giễu mình là đồ con cưng. Ban đêm không đứa nào nói thế.

Trong đêm ấy, chúng tôi chuyện vãn với nhau về bố mẹ. Tôi nín lặng. Khi không còn chuyện gì để nói, anh em bảo tôi kể một câu chuyện hay trong những sách tôi đã đọc. Tôi kể. Nhưng trong đêm ấy tôi chả có chuyện gì để mà nói. Tôi chỉ nghe.

Hầu như bao giờ cũng vậy, vào mùa thu lũ trẻ chúng tôi hay tranh luận xem bố mẹ đứa nào oách nhất. Lẽ dĩ nhiên, bố mẹ đứa nào cũng oách hết. Những bà mẹ hiền nhất trần đời, những ông bố oai hùng nhất trần đời. Nhưng không phải tất cả mọi đứa đều có bố. Đứa nào có bố thì bố nó là nhất trên hết mọi cái nhất.

- Bố tớ tốt. – một cậu cất lời - Nhất hạng.

- Tớ nhớ cậu kể là bố cậu rượu chè cơ mà.

- Rượu chè thì đã sao chứ? Dù sao bố tớ vẫn cứ tốt. Hè năm nay ông hàng xóm nhà tớ sắm cho con trai một cái xe đạp nhân dịp sinh nhật nó. Xe đạp người lớn nhá, hai bánh hẳn hoi nhá. Ai muốn đi thử nó cũng cho đi. Mọi người lần lượt được đi xe đạp trong sân nhà nó. Bố tớ ba ngày liền nhịn rượu, ông suy nghĩ lung lắm. Ông đi đi lại lại trong nhà, mặt hầm hầm. Mẹ tớ mua bia cho bố tớ uống, ông ấy cũng không uống. Rồi bố tớ lấy quyển vở với cái bút máy của tớ ra, tính tính toán toán. Ông đến phòng kế toán, đến văn phòng công đoàn. Ngày thứ bảy ông ấy lên tỉnh về, tỉnh như sáo. Ông mang về cho tớ một cái đài. Bố tớ bảo: ông hàng xóm mua cho con cái xe đạp nhân dịp sinh nhật thằng bé, còn tôi, khi tôi muốn, tôi cũng mua quà cho vợ con tôi được chứ bộ. Tôi nhịn rượu hai tuần. Tôi xin làm ca đêm để tăng thu nhập. Cái đài của tớ to thế này này, loại đắt tiền, không đứa nào có cái đài to như thế. Bắt đài nào cũng được nhá. Cả nhạc, cả chương trình thiếu nhi, bắt tuốt. Cả chương trình phát thanh đọc chuyện cho người mù. Cái đài tốt ơi là tốt. Chứ cái xe đạp của ông hàng xóm ấy à, trước sau gì nó cũng hỏng. Bố tớ thông minh, ông ấy biết phải mua thứ gì cho đích đáng. Đài tốt hơn xe đạp, phải không các cậu?

Không ai buồn tranh luận. Chuyện rành rành là thế rồi. Đài là thứ đích đáng, chứ xe đạp là cái gì? Một cục sắt với hai bánh xe, không hơn không kém.

CÔ GÁI TÂY BAN NHA

Bệnh viện. Tôi nằm, bó bột đến thắt lưng. Tôi nằm ngửa. Tôi nằm như thế đã hơn một năm. Tôi nhìn lên trần. Hơn một năm tôi nhìn bất di bất dịch vào một chỗ trên trần. Tôi không muốn sống một tí nào nữa. Tôi cố gắng ăn ít, uống ít. Tôi cố gắng được. Tôi cố gắng vì tôi hiểu rằng càng ăn thưa đi bao nhiêu thì nhu cầu nhờ người ta giúp mình thưa đi bấy nhiêu. Phải nhờ người khác giúp đỡ là chuyện khó chịu nhất, kinh khủng nhất trong đời.

Một cuộc thăm bệnh. Ông bác sĩ cùng các sinh viên trẻ theo chân ông diễu qua các phòng bệnh. Bác sĩ đến giường tôi. Ngó vào bệnh lịch của tôi, ông xướng lên cái mà tôi đã nghe cả năm. Bác sĩ nói về hai tay, hai chân tôi, về tình trạng kém trí năng. Tôi quen rồi. Thường xuyên có những cuộc thăm bệnh như thế này. Tôi đã quen rất nhiều thứ trong cái nhà thương này. Tôi mặc ông ta. Tôi cóc cần mọi sự.

Bác sĩ lật tấm ga, cầm lấy cái que ông dài dòng và nhàm chán hướng dẫn đám sinh viên chán ngán quan sát thân hình tôi. Ông giảng cho họ về những phương pháp điều trị và đủ mọi thứ ba lăng nhăng khác. Các sinh viên gần ngủ gục.

- Hai cộng với hai là mấy? – bất thần, ông hỏi tôi.

- Bốn.

- Thế ba cộng với ba?

- Sáu.

Đám sinh viên vui vẻ hẳn lên, họ gần tỉnh ngủ hẳn. Bác sĩ giải thích ngắn gọn và đầy thuyết phục rằng không phải tất cả các khu vực trong não bộ của tôi đã bị hư hại. “Thằng bé thậm chí còn nhớ tên nó và nhận ra các bác sĩ”. Ông mỉm cười với tôi. Tôi biết thừa những nụ cười ấy thế nào, tôi căm ghét những nụ cười ấy. Đó là cách người ta cười với những đứa trẻ còn khờ dại hoặc những con vật, những nụ cười không chân thật.

- Thế hai nhân hai là mấy?

Ông ta đặc biệt nhấn mạnh khi phát âm chữ “nhân”. Thế này thì thật quá đáng. Thậm chí đối với thằng tôi, cái đó cũng là quá đáng, thậm chí trong cái nhà thương thổ tả này.

- Hai lần hai là bốn, ba lần ba là chín, bốn lần bốn mười sáu. Tôi đang rét run lên đây này. Các người hãy đắp tấm ga lại cho tôi, hay ít nhất thì cũng đóng cửa thông khí lại. Vâng, tôi biết lắm, tôi là đứa thiểu trí năng, nhưng dù có là đứa thiểu trí năng thì nó cũng biết lạnh như ai. Tôi không phải con thỏ trong phòng thí nghiệm của các người.

Cụm từ “con thỏ trong phòng thí nghiệm” tôi nghe lỏm được trong phòng thay băng. Ông bác sĩ ngẩn người ra nhìn tôi. Ông ta đứng sững. Im lặng. Một cô gái trong đám quần thần của ông ta nhanh nhẹn cúi xuống, kéo tấm ga đắp cho tôi và cũng nhanh nhẹn như thế cô ta lui ra.

Cuộc thăm bệnh kết thúc.

Buổi tối, một cô gái trẻ xinh đẹp vận thường phục đến bên giường tôi. Chị không khoác áo choàng trắng. Đã hơn một năm tôi không gặp người nào không vận áo choàng trắng. Chị cúi xuống tôi trong một cử chỉ quyết đoán và hỏi tôi:

- Em người Tây Ban Nha?

- Vâng.

- Chị cũng người Tây Ban Nha. Chị đang theo học ở học viện sư phạm. Tụi chị có một bài làm là kể lại chuyện “Truyền kỳ về đạo quân của Igor ”. Lời văn phức tạp lắm. Chị chẳng hiểu gì cả, em giúp chị được không?

- Nhưng tôi còn bé, mà bà thì học đại học.

- Em cứ gọi chị bằng “chị”.

- Được, em sẽ giúp chị.

Chị lấy trong xắc ra một cuốn sách, kéo ghế lại gần giường tôi, rồi đọc. Chị đọc chậm, như đánh vần. Phần lớn những chữ “khó hiểu” thì tôi đã biết, những chữ tôi chưa biết thì trong sách có đủ chú thích tiện lợi.

Trời tối dần. Đã đến lúc chị phải đi. Chị gập sách lại, đứng lên.

- Chúng mình vẫn chưa đọc hết, mai chị lại đến nhá. Tên chị là Lolita.

- Còn em là Ruben.

Chị mỉm cười.

- Chị biết tên em rồi. Mai chị lại đến, Ruben ạ.

Đêm ấy tôi hầu như không ngủ. Cho tới lúc đó chưa hề có ai đến với tôi. Hầu như tất cả đều có ai đó “ở ngoài tự do” – bố mẹ, ông bà, anh chị em. Thậm chí một cậu người Georgia cũng có người anh em con chú con bác tìm đến. Cậu người Georgia giảng giải cho tôi hiểu rằng anh em con chú con bác là người cùng một huyết thống. Mà người cùng huyết thống là người gần gụi nhất trên đời của mình. Cậu Georgia có rất nhiều người cùng huyết thống. Tôi thì chẳng có một ai.

Ngày hôm sau những người bảo trợ đến với chúng tôi. Học viện sư phạm bỗng dưng nhận đỡ đầu cho khoa nhi của bệnh viện. Có nghĩa là về mặt danh nghĩa họ vẫn là những người bảo trợ của chúng tôi, chắc vậy, nhưng chính hôm ấy họ mới đến, mà đến chính với phòng chúng tôi. Trong số những người bảo trợ tất nhiên có Lolita. Chị khoác áo choàng bên ngoài áo thường.

Lolita lại bên giường tôi.

- Em thấy chưa, chị đã đến. Sao em lại khóc?

***

Những người bảo trợ đến luôn, hầu như mỗi chủ nhật. Lolita không phải lần nào cũng đến, thỉnh thoảng chị mới đến, nhưng đã đến thì chị ngồi lâu bên giường tôi. Chúng tôi nói chuyện vãn. Chuyện lăng nhăng thôi. Được nói chuyện với một con người đối với tôi là quý, hoặc quá quý, cho nhận thức trẻ thơ. Một thứ gì thật là sang. Lolita tham, đối với chị cái gì cũng ít, bao giờ ít. Đến thăm một đứa trẻ cô đơn đang nằm bệnh không thôi là ít. Một hôm các anh chị sinh viên mang máy chiếu phim đến bệnh viện. Họ chiếu phim hoạt hình ở phòng nghỉ của bệnh viện. Như mọi khi, trong phòng bệnh trơ khấc có một mình tôi. Chị Lolita rẽ vào, nhìn thấy tôi chị nói một câu gì đó, tôi cũng trả lời một câu gì đó, tôi không nhớ. Chắc hôm nay tâm trạng chị không vui, tôi nghĩ. Rồi Lolita chạy vụt ra khỏi phòng. Thế là chủ nhật sau các anh chị sinh viên mang máy chiếu đến tận phòng bệnh của tôi. Họ kê giường tôi vào sát tường, kê ngang. Trong cái ô sáng trên tường bệnh viện con sói với bộ điệu tức cười không làm sao vồ được con thỏ tinh ranh. Họ chiếu cho tôi xem tất cả mười hồi, mười hồi của bộ phim hoạt hình nổi tiếng nhất Liên Xô. Lần đầu tiên trong đời tôi được xem bộ phim hoạt hình ấy.

Cái gì cũng là lần đầu tiên đối với tôi khi tôi có chị. Lần đầu tiên tôi được chuyển từ giường bệnh qua xe lăn để được ra ngoài đường phố. Lần đầu tiên trong suốt cuộc sống ở trong bệnh viện tôi được nhìn thấy bầu trời. Một bầu trời thực thay vì cái trần trong phòng bệnh.

***

Ngày hội. Ngày hội trong bệnh viện. Ngày hội chẳng dính dáng gì đến tôi. Tôi cóc cần nó. Đó là ngày vui vẻ của ai đó, ở đâu đó. Chẳng phải của tôi.

Chị Lolita xinh đẹp tuyệt vời của tôi chạy vào trong phòng bệnh. Chị vận quần áo Tây Ban Nha, phấn son rực rỡ, không khoác áo choàng trắng.

- Ruben ơi, xe đẩy sẽ được mang tới ngay bây giờ để chở em tới phòng nghỉ. Hôm nay chị sẽ nhảy đấy.

Chị xinh tươi, chị sung sướng. Một ngày hội thật sự tưng bừng.

Một cô y tá bước vào. Một y tá bình thường của mọi ngày trong áo choàng trắng:

- Không được di chuyển bệnh nhân vừa qua phẫu thuật.

Lolita đến là tôi quên bẵng ca mổ. Không biết lần thứ bao nhiêu rồi các bác sĩ tháo bột cho tôi, không biết lần thứ bao nhiêu rồi tôi phải chịu cái đau vô lý. Lúc nào cũng “không được”. Lúc nào cũng “cấm”. Không được bất cứ cái gì, không được bất cứ lúc nào. Nói chung, tôi gần như đã quen với cái “không được” vĩnh cửu ấy. Lolita chạy ra khỏi phòng bệnh. Chị bỏ đi.

Vài phút sau, mấy người ồn ào bước vào. Họ nói với nhau bằng tiếng Tây Ban Nha. Lolita, Pablo, và một chàng trai thấp bé có ria mép. Pablo cầm ghi ta, Pablo thì tôi đã biết. Anh để ria mép chuyển qua tiếng Nga:

- Lolita, cô phải đến địa điểm mít tinh ngay lập tức.

- Tôi sẽ biểu diễn múa ở đây. Ở đây, và ngay bây giờ.

- Cô sẽ biểu diễn ở chỗ người ta bảo cô phải biểu diễn. Tôi sẽ lấy cây đàn. Pablo, ta đi nào.

- Thế nào, Pablo, anh đi chứ?

Lolita vênh váo nhìn chàng trai lộc ngộc. Nhìn thẳng, thách thức, sung sướng. Pablo cụp mắt xuống.

Anh chàng để ria mép bỏ đi, kéo theo Pablo. Chỉ còn lại hai chúng tôi trong phòng.

Lolita múa. Chị múa, bật ngón tay đánh nhịp.

Lolita múa. Chị biểu diễn cho chính chị. Nghiêm trang, căng thẳng, chị hai nhón tay bật thành tiếng một giai điệu kỳ lạ, xa xôi. Không ghi ta, không Pablo. Chị biểu diễn thật sự, bằng toàn bộ con người chị.

Thỉnh thoảng cũng có những đội ca múa đến nhà trẻ chúng tôi. Những cô gái ngốc nghếch gắng sức dậm chân ầm ầm xuống sàn diễn của câu lạc bộ nhà trẻ. Người dẫn chương trình tiến ra trước sân khấu, tuyên bố tiết mục kế tiếp. Những cô gái ngốc nghếch lại dậm chân theo một kiểu khác.

Chỉ một lần duy nhất cái nền nếp được thiết lập vững chãi bị vi phạm. Nhân Ngày Chiến Thắng một đội ca múa lại đến chỗ chúng tôi. Họ lại vặn lên điệu nhạc quen thuộc không biết là lần thứ bao nhiêu. Bất thình lình thầy giáo dạy sử của chúng tôi chạy ra sân khấu. Thầy ghé vào tai anh nhạc công chơi ắc-coóc Nga đang bối rối, nói nhỏ điều gì đó. Rồi thầy bắt đầu nhảy, với những bước nhảy khuỵu gối, huân chương kêu rổn rảng. Các cô gái dãn ra trước người cựu chiến binh, nhường chỗ cho ông. Ông ta say, thây kệ cho ông ta nhảy. Hôm ấy thầy quả có quá chén. Ngày Chiến Thắng mà lị. Tôi thấy cách biểu diễn của thầy quen thuộc mà mơ hồ. Một sức mạnh không bị kiềm chế toả ra từ người thầy. Sau lần đó không bao giờ tôi còn được chứng kiến một cảnh tượng tương tự.

Cũng lần đầu tiên, trong một bệnh viện miền Bắc nước Nga, tôi được thấy một vũ điệu sinh động, đích thực. Một vũ điệu Tây Ban Nha, chính cống Tây Ban Nha.

***

Chúng tôi chia tay. Lolita phải đi rồi.

- Chị sẽ tìm được em, em trai ạ. Nhất định chị sẽ viết thư cho em, em đợi thư chị nhé!

Chị hứa viết thư cho tôi, nhưng tôi không tin, lại một lần nữa tôi không tin.

- Chị chẳng tìm được em đâu. Đến em cũng còn chẳng biết rồi sẽ bị đưa đến nhà trẻ nào nữa là.

Tôi không tin.

Mấy năm sau tôi nhận được một bức thư. Một bức thư bình thường. Bức thư đầu tiên tôi nhận được trong đời. Trong bức thư là một tấm bưu ảnh đẹp. Trong bưu ảnh là một cô gái Tây Ban Nha vận quần áo sặc sỡ đang múa. Quần áo trên người cô được thêu bằng chỉ màu. Ở nước Nga không có những bưu ảnh như thế.

Cô giáo đưa cho tôi bức thư. Cô đặt cái phong bì đã bóc trước mặt tôi và ngồi xuống đối diện.

- Ruben này, cô thấy cần phải nói chuyện nghiêm chỉnh với em. Cô đọc cái thư này rồi. Trong đó không có gì là nguy hiểm. Tạm thời thì chưa. Cô hi vọng em hiểu rằng em không được phép viết thư trả lời. Tây Ban Nha là một nước tư bản. Thư từ với các nước tư bản là không được. Bất cứ một người nước ngoài nào cũng có thể là một tên gián điệp. Em là một đứa bé thông minh, em phải hiểu rằng ban quản trị nhà trẻ không có quyền để em gặp chuyện nguy hiểm.

Cô cầm lấy phong bì, đi ra.

Tôi ngắm nghía tấm bưu ảnh một lúc lâu rồi giấu nó vào bên trong cuốn sách toán.

Sáng hôm sau tấm bưu ảnh không có ở đấy nữa.