Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

Làm từ thiện là để tạ ơn đời

Trần Trọng Thức

Tặng sách cho các trẻ mồ côi tại một mái ấm ở Bình Dương. Ảnh: UYÊN VIỄN

(TBKTSG) - Anh bạn thân của tôi là một nhà giáo nghỉ hưu, sống hồn nhiên, tính tình hiền lành dễ mến, hễ thấy chuyện gì giúp ích được cho người khác mà trong khả năng của mình anh đều không nề hà.

Mấy năm nay những lúc rảnh rỗi, anh theo các đoàn phát chẩn của nhà chùa đến với bà con thiếu cơm ăn áo mặc ở các vùng sâu vùng xa. Gần đây anh tìm đến các quán cơm 2.000 đồng dành cho người lao động nghèo với tâm thế một tình nguyện viên như tôi và cảm thấy rất yêu thích những nơi thế này.

Trong câu chuyện thân tình, chưa khi nào tôi nghe anh nói rằng mình đang làm “từ thiện”, có thể với một người khiêm tốn thì hai tiếng này quả là quá tầm so với những gì anh làm lâu nay. Vậy mà hôm Chủ nhật vừa rồi anh lại quan tâm đến nó sau khi tình cờ được nghe “Chương trình 60’ mở” của Đài Truyền hình VTV 6 có chủ đề “Món quà từ thiện bị từ chối” nói về 3.600 phần quà Tết của Nhóm từ thiện Xây nhà vùng cao bị một địa phương làm khó phải đưa đi nơi khác. Câu hỏi mà những người làm chương trình đặt ra một cách gay gắt: “Làm từ thiện vì ai, và để làm gì” là quá lạnh lùng và thiếu thiện ý với hoạt động vốn là nét đẹp đời thường ở một đất nước còn quá nhiều người nghèo trong khi Nhà nước thì không thể lo cho hết.

Cư dân mạng những ngày qua không ngớt “ném đá” vào tiết mục này là điều dễ hiểu bởi ngay cả một người hiền lành như anh bạn tôi cũng bày tỏ sự hoang mang rằng phải chăng đây là nội dung định hướng dư luận của một đài truyền hình quốc gia? Tôi hoàn toàn chia sẻ suy nghĩ của anh và tìm cách lý giải ý nghĩa sâu xa của một công việc mình yêu thích.

Theo từ điển Hán Việt Thiều Chửu, “Từ thiện” là kết hợp giữa “Từ” nghĩa là thương yêu và “Thiện” có nghĩa là tốt lành. Vậy thì “từ thiện” đơn giản là làm việc tốt từ lòng yêu thương người. Những hành vi, việc làm tốt mà không xuất phát từ lòng thương thì không được gọi là từ thiện.

Bởi suy cho cùng thì làm việc tốt là để tạ ơn đời đã cho mình một cuộc sống may mắn hơn số đông người khác mà thôi.

Ngay từ thuở xa xưa từ thiện được xem là căn bản của đạo đức và tình nhân đạo, cũng như là một đức tính hay đức hạnh cần thiết trong nhiều tôn giáo, chính vì vậy mà các tín đồ được khuyến khích thực hiện việc này.

Vì làm từ thiện là tự nguyện nên không có những ràng buộc nào về thời gian và không gian, không nhất thiết phải theo một mô hình nào. Tuy nhiên, theo quan điểm chung từ thiện là hành vi giúp người, nhưng không phải hành động nào giúp người cũng được gọi là từ thiện. Từ thiện phải đi chung với bất vụ lợi (làm không vì lợi ích riêng) và thiện nguyện (tự nguyện làm vì điều tốt).

Phạm trù đạo đức này được hình thành bẩm sinh từ khi có xã hội loài người (nhân chi sơ tánh bổn thiện – Khổng Tử). Khi con người hình thành cộng đồng, xây dựng nên xã hội thì từ thiện trở thành ý thức tương trợ lẫn nhau, tạo thành động lực để cộng đồng phát triển lớn mạnh. Càng về sau này, khi con người nhận thức một cách sâu xa các yếu tố cộng hưởng tạo nên sự bền vững của một cộng đồng thì từ thiện không chỉ là phạm trù đạo đức mà trở thành trách nhiệm xã hội.

Dài dòng với chữ nghĩa như thế chẳng qua là để trả lời cho câu hỏi trong chừng mực rất ngớ ngẩn và bề trên “làm từ thiện vì ai và để làm gì?” khi mà hoạt động này hiện nay đan chen những điều được và chưa được, khi mà ngày càng có nhiều cá nhân và tổ chức tham gia với mức độ và hoàn cảnh khác nhau.

Nước ta không có những Bill Gates, Warren Buffett, Mark Zuckerberg đem phần lớn tài sản lên đến hàng tỉ đô la cống hiến cho sự nghiệp từ thiện, nhưng cũng có không ít người như doanh nhân Phạm Văn Bên ở Đồng Tháp bỏ ra 40 tỉ đồng xây dựng nơi ăn chốn ở miễn phí cho sinh viên Đại học Nông lâm TPHCM. Nói chung là hiện nay có một số đông những người làm kinh doanh thuận lợi trong xã hội chúng ta đã không quên nghĩ đến việc chia sẻ lộc trời với những số phận khó khăn qua các hoạt động từ thiện. Chúng ta cũng có ngày càng nhiều những nhà hảo tâm đủ các thành phần xã hội tự nguyện đến với người nghèo bằng những khoản đóng góp tiền bạc hoặc công sức. Nhờ đó các tổ chức từ thiện không ngừng phát triển và qua đó mới có những bữa “cơm có thịt” để trẻ em ở vùng cao được ăn ngon hơn, mặc ấm hơn; mới có những “suất cơm 2.000 đồng” đủ chất bổ dưỡng giúp cho người lao động nghèo ngược xuôi ở các đô thị lớn giảm bớt gánh nặng mưu sinh, và còn nhiều nữa...

Một vài anh chị nhà báo đến tìm hiểu các hoạt động từ thiện thường hỏi thăm về những khó khăn gặp phải. Câu hỏi xuất phát từ một thực tế không phải lúc nào mọi chuyện cũng đều dễ dàng. Lớp học tình thương lo bữa cơm chiều và buổi học đêm miễn phí cho hàng trăm đứa trẻ ban ngày phải quần quật giúp cha mẹ kiếm sống, là từ tâm của hai vợ chồng chủ quán cơm chay, vậy mà có đơn giản đâu. Địa phương không vui khi phóng sự về lớp học này được đưa lên truyền hình, chẳng qua là vì “đã báo cáo với cấp trên phường này không còn hộ nghèo và 100% trẻ em trong lứa tuổi đã được đi học”. Một vài Việt kiều gom góp tiền bạc của bạn bè đem về nước xây trường học cho trẻ em vùng núi, nhưng lại bị hoài nghi từ cả hai phía bên trong lẫn bên ngoài. Làm từ thiện mà chính quyền không vui là xem như... “hết cửa”.

Làm việc gì mà chẳng khó, nhưng đừng bao giờ đòi hỏi hễ cứ làm từ thiện thì sẽ được mọi người giúp đỡ. Không đâu, ngoài việc tuân thủ luật pháp là chuyện đương nhiên còn phải chịu sự giám sát thầm lặng của xã hội, đó là chưa kể đôi khi gặp những bộ óc siêu đẳng lấy chuyện vạch lá tìm sâu làm niềm vui thì cũng dễ nản lòng.

Thế cho nên đã làm từ thiện thì phải chấp nhận tất cả, biết giữ mình để đừng sai sót, công khai minh bạch thường xuyên mới tạo được lòng tin của xã hội, mới có thêm ngày càng nhiều bạn đồng hành.

Chưa hết, làm từ thiện không phải là ban phát mà là chia sẻ bằng tấm lòng thành, đó chính là sự tôn trọng người không may cần đến sự giúp đỡ. Nhưng nếu có ai đó làm từ thiện để tìm chút ít hư danh thì cũng chẳng sao, như anh bạn tôi lâu nay làm từ thiện một cách hồn nhiên từng nói, “cho đi cái mình có vì mục đích gì đi nữa thì cũng giúp được chút nào đó cho người khó khăn, còn hơn là ném đồng tiền vào nơi vô bổ”.

Thật đáng quý với những tấm lòng nhân hậu làm từ thiện một cách hồn nhiên như anh, không tính toán thiệt hơn, không để chuyện đơn giản trở nên phức tạp. Bởi suy cho cùng thì làm việc tốt là để tạ ơn đời đã cho mình một cuộc sống may mắn hơn số đông người khác mà thôi. 

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/147453/Lam-tu-thien-la-de-ta-on-doi.html