Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

Thi sĩ Hoàng Cầm – nghĩ lúc nằm im

Nguyễn Thị Ngọc Hải

hoang-cam

Tháng 4 năm 2000, tôi được người cháu - Nguyễn Hữu Chiến Thắng - phóng viên chuyên làm các chương trình Văn học nghệ thuật của Đài truyền hình Việt Nam, dẫn đến ngôi nhà số 43 phố Lý Quôc Sư. “Ngôi nhà khó đến”. Sao vậy nhỉ? “bệnh kinh niên của văn nghệ sỹ” là rượu và bạn kia mà. Hơn nữa, qua những câu chuyện của “đám Thụy Kha, Trọng Tạo và nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán“, ai cũng biết thi sĩ “Bên kia sông Đuống” không hề bị chia cắt với bạn của ông. May mắn là lúc đó ông còn ra phòng khách tiếp chuyện chúng tôi. Không như gần mười năm sau, lần gặp của tôi với nhà thơ do Nguyễn Đình Toán dẫn tới, đã phải trò chuyện với ông ngay tại giường nằm.

Trên báo chí, người đọc biết nhà thơ đã đau yếu nên con cháu buộc phải giữ cho ông không được quá sức vì tiếp khách, vui bây giờ cũng mệt. Nhà thơ được miêu tả là khó nhọc trong cả việc tính đếm số con của mình. Nhà báo Như Bình viết rằng “đến thăm Hoàng Cầm là một nhẫn nại mà chả phải ai cũng tỉ mẩn theo được. Nhiều người đã nhẫn nại nhiều lần bấm chuông ngôi nhà im ỉm khóa. Một đạo diễn đến xin phép dàn dựng kịch thơ Kiều Loan cũng phải điện thoại nói chuyện cả tiếng từ dưới đất lên sân thượng tầng năm không cách gì gặp mặt được. Mỗi khắc lại cô đơn hơn một chút giữa trần thế.”

Hoàng Cầm đi hơi còng lưng và chậm, ông chẳng coi đó là cuộc phỏng vấn mà là cuộc trò chuyện thân tình, càng cởi mở hơn khi biết đây là “dân Sài Gòn” ra Bắc ghé thăm. Ông vừa ngồi xuống đã pha trò: “Sài Gòn ra à? Sài Gòn xoáy lốc ma quỷ”. Thế là vừa … sợ, vừa nặng tình với Sài Gòn chăng?

Trong buổi chiều đó, ông bộc bạch, không chú ý lắm đến câu hỏi, mà luôn hướng đến một câu chuyện tâm tình. Ông nói những câu ngắn mà có tính tổng kết đời mình như cách một thầy chiêm tinh bói toán:

“Bao giờ thì con người được sống hoàn toàn hết mình. Hay chỉ là sống vì những cái không phải là mình?

Cái chết xóa đi tất thảy. Hay là tất thảy tự xóa đi trước cái chết?

Chỉ được có văn và đào. Còn tài lộc hỏng cả.

Tham sân si của tôi tất cả chỉ là cái bóng của một tình thương. Si chỉ là nhân tố phụ, thương mới là động lực chính. Tình nhiều hơn tài.

Luôn đứng mũi nhọn của thất tình.

- Hỉ nộ ái ố bi lạc dục đều thái quá. Làm chồng của một người vợ đã có tới 6 con riêng.

Khuynh hướng là của sự đam mê, của sự liều lĩnh.

Yêu màu tím. Màu trắng, cát trắng phẳng lì.

Đời chỉ là hai chữ dở dang.

Thích câu của Đặng Đình Hưng: Cô đơn cứ phải toàn phần mới sinh năng lượng.

Ước mơ gì ??  Với Phạm Duy ôm ngang lưng nhau đi bên Hồ Gươm.”

“Đời ông ăn vào hai chữ dở dang”. Đó là lời ông thầy tướng Sài Gòn nói thế. Vào một cái hẻm tôi vẫn còn nhớ cả số nhà ở phố Phan thanh Giản. Đúng đến rung mình, vì những chuyện riêng một mình mình biết. Thầy Toàn, mù trắng cả hai mắt.

Thưa thầy tôi người miền Bắc vào chơi (năm ấy tôi 54 tuổi còn ông thầy khoảng 66, 67 rồi). Tôi không nói tên. Vào chơi với con gái 5, 6 tháng. Thầy xem có chuyện gì lạ, có biến cố gì không.

Ông thầy ngồi 2 phút trầm ngâm tính toán. Vâng, những điều chưa diễn ra không biết có đúng không. Trước khi ông về Bắc nhớ cho tôi biết những điều sẽ nói ra với ông có đúng không. Cái đó dễ thôi.

Ông ấy bảo chỉ 4,5 ngày nữa thôi, ông sẽ gặp một người đàn bà vừa trẻ đẹp vừa giàu muốn giúp đỡ gia đình ông hoàn toàn mọi mặt.

Đúng 4 ngày sau. Tôi đang tìm sách ở nhà một người bạn. Đang đứng trên cái ghế đẩu đặt trên cái bàn cao lênh nghênh tìm cuốn sách của Đốt. Tiếng xe máy, rồi người phụ nữ gọi chủ nhà, anh Đức ơi. Tôi ngượng vì đang đứng trên bàn nên tụt xuống ngồi đọc sách. Chị nhìn tôi trân trân. Đức đang dở nấu nước dưới bếp củi, nhìn ra reo lên:

Dung đấy à. Thần tượng của cô đây rồi.

Đức chạy lên: Cầm ơi ra đây tí. Giới thiệu đây là Hoàng Cầm, người mà ta ngưỡng mộ hay nhắc tên và tác phẩm.

Rồi Đức đùa: Cầm ơi, anh có chứng minh thư ở đó không, đưa ra cho bạn tôi xem.

Cô lặng lẽ nhìn tôi đang ngượng ngùng đọc sách.

Cô bảo cả đời mới có được một bất ngờ sung sướng đến vậy. Em xin mời anh Đức và anh Hoàng Cầm đến chơi nhà em ngay bây giờ và ở đó ăn cơm với gia đình. Em và anh Đức là bạn học thời Cấp 3.

Anh Đức giới thiệu: Hoàng Cầm thì không phải riêng cô này mê, nhưng cô đặc biệt vì lấy vở Kiều Loan phát triển làm đề tài luận án tốt nghiệp cử nhân loại ưu: “Kịch thơ trong Văn học Việt Nam hiện đại”. Cô luôn mong mỏi có ngày gặp được tác giả. Nay thật mừng cho cô ấy. Chắc chắn anh cũng cảm động việc đó phải không?

Tôi có hỏi cô học những tác giả nào. Cô nhắc một số tên tuổi, trong đó có Vũ Hoàng Chương. Tôi cho biết đó là bạn thân vừa như ông anh vì Vũ Hoàng Chương hơn tôi 7 tuổi.

Tôi đến thăm gia đình cô. Ở đó tôi gặp người mẹ của cô. Cũng đẹp lắm, chồng chết, di cư vào Nam, kém tôi 1 tuổi.”

Ông không nói kỹ, nhưng nhiều người cho biết, đó cũng là một người đàn bà nữa, có là người tình không - nhưng rõ ràng rất nặng ân tình, giúp đỡ nhau sau đó. Nhà thơ đa tình và tài hoa của ông đã “giúp” cho lời thầy bói trở thành hiện thực.

Tôi bắt đầu muốn ông nói về thơ, điều khó nhất do vấn đề sẽ rộng vô tận và người đời, sách báo đã nói quá nhiều về Hoàng Cầm. Nhưng đây sẽ là lời của chính Hoàng Cầm bộc bạch vào lúc mà thiên hạ nghĩ là “chuyện xong rồi”. Sau nữa, thơ Hoàng Cầm, mỗi người nhớ, mỗi người yêu theo cảm xúc của riêng mình, nhưng chẳng ai dám cho là đủ về những sắc màu dân gian Kinh Bắc giữa những nhớ thương của Quan họ da diết. Đọc về quê của ai mà lại nhớ quê mình muốn khóc. Tràn đầy tình thương với “ngây xanh miền thuở bé” để mong “nếu có ngày mai anh trở gót - quay về lãng đãng bến sông xa”. Cô gái giặt lụa ngoài hồ, những “nắng pha cạn màu bên ngõ vắng”, trăng chếch cuối tường, tiếng gà tiễn biệt. Con bạc má lại về đậu trên cành chanh, “những bông gì chao chát rụng lung lơi” của một làng quê ai cũng có trong tim. Cái làng đẹp ấy nhờ tình yêu khắc khoải của nhà thơ làm cho nó trở nên yêu thương  tha thiết, tiếc nhớ níu lấy nó đang mất đi từng giây. Thiên tài là thế, nhân loại nhức nhối nỗi thiếu quê hương, chỉ vì nhìn thấy sắc vàng chan chứa như đọng mật và cánh đồng bình thản, mái nhà và hàng rào xiêu đổ trong bức “Mùa gặt “ của Van Gogh.

Lạ thật, dỗ dành người yêu nín khóc lại hứa sẽ… đưa về bên kia sông? Làng quê là món quà chỉ làm mênh mang thêm nỗi buồn thương thôi mà?

Hoàng Cầm giải thích  “Em ơi buồn làm chi, anh đưa em về bên kia sông Đuống, ngày xưa cát trắng phẳng lì”. Ông tư lự:

“Khuyên em đừng buồn đó là rất buồn. Thật ra cái buồn với tôi có màu tím. Hoàng hôn màu tím. Tối đặc lại là hết hoàng hôn. Tận cùng của tươi đẹp. Tím là đến hết. sông Đuống chả có gì đặc biệt. Cái gì mình yêu thì cái đó đẹp. Năm nào tôi cũng về. Tết ra, thường làng nào cũng hội làng, cũng hát quan họ. Thỉnh thoảng Thụy Kha, Ngô Thảo… có gọi tôi đưa về nghe hát quan họ. Các làng quê, những người phụ trách văn hóa hay chủ tịch, họ có biết cái tên Hoàng Cầm chứ chắc không biết tỉ mỉ.

Tôi không có máu lang thang như Nguyễn Bính có thời không chiu lấy vợ sớm, rủ bạn giang hồ vặt. Mình nào vợ, con, không có tiền. Mất tới 30 năm lận đận vì Nhân Văn, không đi chơi nhiều. Nhà văn là phải đi nhiều. Giờ mà chưa biết Đalat thật vô lý.”

Tôi xin nhà thơ nói về “Chất Kinh Bắc”, vì nó luôn đậm đà hiện hữu dù là ông viết bất cứ đề tài gì. “Chất” đó theo ông hiểu là gì.

Nhà thơ Hoàng Cầm:

“Tôi chỉ biết, con người ta theo khoa học Gen, tôi may mắn được sinh ra bởi một người mẹ gần như hoa khôi của nhiều lần hội Lim. Bà được thưởng tấm lụa điều ngang 40 phân đủ may 5 áo dài tứ thân và 5 cái váy, đủ một bộ Quan họ hoàn chỉnh. Và một bánh pháo xưa - Đại quang toàn hồng chứ không lót loại vớ vẩn. Đốt xong toàn hồng xác pháo chứ xác không trắng vàng. Chỉ có một giải cho mỗi Hội. Các cụ bô lão ngồi bình chấm giải.

Phường Quan họ tối đa là 9, nếu không hoặc 5, bao giờ cũng số lẻ. 49 làng Quan họ Bắc Ninh trước Cách mạng Tháng Tám. Làng Quan họ nổi tiếng là làng Bựu Xim. Thôn Bựu Xim là quê mẹ của Nguyễn Du. Bà Trần Thị Tần 19 tuổi lấy ông Nguyễn Nghiễm đi kinh lý về nghe Quan họ, đẻ ra Nguyễn Du. Đó cũng chính là quê mẹ tôi. Ở chính cái thôn đó. Trong bài Vĩ Thanh “Về Kinh Bắc “ là từ lúc bố mẹ tôi nghèo. Cha là ông đồ lang thang dạy học mang vợ đi theo bán hàng xén gánh nhỏ chợ làng chợ huyện.

Kinh Bắc có nghề làm tranh Đông Hồ. Bản vẽ gốc khắc gỗ mất gần hết . Ông Nguyễn Đăng Chế có giữ được một ít, vài ba cái thôi. Cũng có một số bản có giá trị như Hứng dừa, Đánh ghen… nghe đâu cũng bị bán ra nước ngoài. Giờ in lưới nhiều. Tháng 11 ta bắt đầu in. Tìm màu sắc thiên nhiên. Làng tôi làm hàng mã. Tôi có một ông cậu ruột làm nghề này rất giỏi, ông làm được cả ô tô đời mới trông như thật. Đèn kéo quân thắp tới 3 tầng lửa, quay tán ngược chiều nhau, cắt dán các tích cổ, quay trong ánh sáng sinh động như điện ảnh. Nghệ thuật đèn kéo quân.”

Nói về quê hương, ông ngậm ngùi:

“Giờ tôi rất tiếc quê, bất cứ làng nào. Không còn nghe tiếng một số loài chim. Đêm hè, vùng ao hồ, không còn nghe tiếng con cuốc kêu. Mõ đêm hè cuốc lội- dằng dịt lá trường sinh…

Con chích chòe, liếu điếu vỗ hoa soan lả tả muốn tìm không có nữa. Ngay cây soan người ta cũng ít giồng. Ác như thế. Nhớ về quê là đau xót, thương tiếc. Những con chim ở thơ không gặp nó đâu nữa. Nếu có thì đã về ngay.

Sang mùa vải chín (vải ta hạt to, chua; vải thiều quý hơn đắt hơn). Con tu hú báo mùa vải cuối tháng Tư khi chợ chớm có bán vải. Con tu hú nó báo trước. Đứng trên đê nghe rõ xa dần tận cây đa xa vài kilomet. Không thấy nó, nhưng tiếng ấy không quên được. Hồi bé tôi đi trọ học, nghe nó suốt.”

Hoàng Cầm cho biết, ông tuy yếu nhưng đang cố uống thuốc để… đi Đalat, sửa chữa điều ông cho là vô lý khi giờ đó ông chưa biết Đalat. Nguyên do là khi biết được chuyện này, Hội Nhà văn của Đalat sẵn sang lo hết để đón nhà thơ vào thăm. Hoàng Cầm lo sức khỏe yếu và nhất là không làm việc được.

“Tôi vẫn cố gắng viết về một số bạn bè, về Thụy Kha và Nguyễn Trọng Tạo, nhưng vất vả lắm vì rất chóng mệt. Tết rồi, quá sức một tí lại bệnh.”

Ông luyến tiếc nhớ lại ngày còn sung sức, xa tít mãi từ năm 1947 đã viết một bài về ông Trường Chinh lúc đó đang tập hợp văn nghệ sĩ trí thức thành một lực lượng của kháng chiến. “Đó là thời kỳ 47, 48, hết 49 - văn nghệ sĩ có tự do vô hạn. Không ai yêu cầu hay đề nghị, có thể viết tự do, tất cả văn nghệ sĩ ai cũng yêu nước. Họ viết tất cả những gì mình muốn, về cuộc kháng chiến, động viên bộ đội, nhân dân, kể cả viết các tráng ca. Chính thời gian này ông đã thành lập đội Văn nghệ tuyên truyền: ”Có cả Phạm Duy công tác hơn một năm sau anh ấy mới vào Khu Bốn, gặp tướng Nguyễn Sơn, người chỉ huy quân sự-chính trị rất hiểu biết, tôn trọng văn nghệ và quý tài năng, đã giúp Phạm Duy, mới có được những tác phẩm hay như thế. Tôi thành lập đội Văn nghệ tuyên truyền cũng rất tự do, chỉ báo cho chỉ huy trưởng biết là tôi lập đội, ông Lê Quảng Ba người Thổ, chỉ huy trưởng chiến khu 12, chiến khu cuối cùng của ta lúc đó.”

Nói đến tự do quan trọng thế nào với sáng tạo văn học nghệ thuật, Hoàng Cầm kể, “tôi không dám dẫn ra câu này khi trả lời bất cứ báo chí nào. Đó là câu Tổng thống Pháp Mitterand trong chuyến thăm Việt Nam đã đến tận trụ sở Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật 51 Trần Hưng Đạo Hà Nội gặp gỡ văn nghệ sỹ. Câu ông Tổng thống nói thế này: Chỉ có tự do tuyệt đối và phóng túng vô hạn mới có nghệ sĩ lớn”.

Về mơ ước cùng Phạm Duy ôm ngang lưng đi bên Hồ Gươm thì thế nào?

Hoàng Cầm kể:

“Lần đầu khi anh Phạm Duy về, tôi đang ốm nặng, đau nhừ các khớp xương. Tôi cố ngồi lên khi anh đến đây. Máy bay hạ cánh lúc 8 giờ. Con tôi đi đón anh, cầm theo cuốn văn xuôi của tôi tặng. Phạm Duy chỉ về khách sạn thay quần áo rồi anh cùng 5 người con đến đây ngay, ngày 4 Tết. Bạn về gặp nhau sau bao cách xa mừng tùi, ôm chặt nhau. Phạm Duy to lớn, ngồi thấp xuống bên tôi, duỗi chân thoải mái, kể về các con anh, nhất là ca sĩ Thái Hiền. Thái Hiền ôm tôi, cảm động nói, cháu chưa gặp nhưng biết bác từ quá lâu rồi. Khi nghe cha giục, con hát luôn cho bác nghe đi, cô hát liền mấy bài thơ Hoàng Cầm do bố phổ nhạc: “Lá diêu bông”, “Cây tam cúc”… Vì quá cảm động, giọng cô có lúc nhòe đi một tí nhưng rất hồn nhiên trong sang.

Kể chuyện Phạm Duy phổ nhạc, Hoàng Cầm nghĩ rằng vì Phạm Duy nhập vào dân ca khá sâu, hợp chất dân gian của thơ đậm màu Kinh Bắc.

Ngay với các họa sĩ nổi tiếng như Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên… họ cũng thấy ở nhau nhiều đồng điệu. Các họa sĩ thì bảo “thơ mày nhiều hội họa quá” còn Hoàng Cầm mê tranh Dương Bích Liên cô đơn vô tận “xa lánh chơi vơi cô đơn không ai định được nó ở đâu cả”. Khác với phong cách Nguyễn Sáng mà Hoàng Cầm cũng rất mê “táo bạo về cuộc sống”.

Ông tiếc nuối:

“Tôi bị xấu số. Những họa sĩ này ông nào cũng vẽ chân dung cho tôi rất đẹp nhưng tôi không giữ được tấm nào. Nhà cửa chật chội. Không tủ. Thời gian nghèo quá đi bán rượu 1977 đói kém tới mức không bao giờ có thịt trong bữa ăn. Quanh năm không còn biết tới phở. Văn Cao vẽ tôi hai bức. Những người vẽ một bức có Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái. Hình như anh Lập Ngôn có bán được 2 bức chân dung Hoàng Cầm cho một người Nhật, một người Pháp.”

Hỏi chuyện đời ông, dù chỉ toàn kể ra chuyện thuở bé bị đòn roi, chẳng liên quan gì tới câu ông tự tổng kết “Không điệu sao thành Hoàng Cầm”.

Một mảnh thời thơ bé của ông thế này:

“Từ lớp 1- gọi theo cách bây giờ - có xếp thứ tự hàng tháng đến hết cấp 2, ông cụ tôi giao hẹn: Cho mày chỉ được phép xếp đến thứ 3 thôi. Hễ thứ 4 là bỏ bớt quần áo nằm sẵn lên giường. Có roi mây treo sẵn. Tại làm sao tháng này xếp thứ 5. Thưa thầy tại con kém toán. Tại sao kém toán. Thưa thầy tại con không nghe kỹ. Tại sao không nghe kỹ. Cứ tại sao như thế đến cùng. Tại con có lỗi ạ. Tao cho lần này 3 roi nhá. Đứng dậy. Rửa mặt. Cứ như thế cho đến khi thi Đíp lôm.”

Vài câu thế thôi. Chúng tôi im lặng như nghe đằng sau đó một cuộc đời dài phải hàng cuốn sách với cả vinh quang và thăng trầm buồn bã. Thuở nhỏ học ở Bắc Ninh. Đậu tú tài năm 1940. Làm thơ từ lúc… 8 tuổi. “Hận Nam Quan” làm năm 1937 sau được đưa vào chương trình học của Giáo dục quốc gia. 16 tuổi bước vào văn học cộng tác với Nhà Xuất bản Tân Dân. Năm 1946 thành lập Đội văn nghệ tuyên truyền đầu tiên của Quân đội. Năm 1952 tướng Nguyễn Chí Thanh điều ông làm trưởng đoàn Văn công Tổng cục Chính trị. Vụ Nhân văn-Giai phẩm 1956. Năm 82 - ông bị giam 18 tháng vì tác phẩm “Về Kinh Bắc” với những cô đơn, đau đớn được nhà thơ Hoàng Hưng ghi lại trong “Hoàng Cầm ở xà lim Bộ”. Sau khi bị giam, mắc bệnh tâm thần mất hai năm 85-87. Hai người vợ và một đứa con đều chết trong thiếu đói và nghèo khổ cùng cực… Năm 1988 ông được phục hồi…

Một tiểu sử nặng chĩu chưa ai viết lại đầy đủ. Nhà thơ Hoàng Hưng thuyết phục ông viết hồi ký bằng tiếng dưới dạng 43 CD và công việc chuyển thành bản thảo chữ đòi hỏi nhiều nỗ lực…

Cuộc đời thi sĩ không chỉ nặng bóng thời gian trong một đất nước đau khổ vì chiến tranh, vì những xử sự ấu trĩ sai lầm của lãnh đạo văn nghệ một thời kỳ - mà hơn thế nhiều, cuộc đời của thơ, của sức sống nghệ thuật thơ ông sống trong tâm hồn Việt Nam các cung bậc Yêu-Thương-Buồn-Đẹp.

Tình yêu của một đứa trẻ “Tôi có cái buồn cô đơn khi 5, 7 tuổi. Giời bắt tội tôi yêu sớm quá.” Lên 8 trọ học ở Phủ Lạng Thương về nhà chiều thứ 7 cậu bé thấy choáng váng tâm hồn trước hình ảnh một cô gái lớn hơn mình 8 tuổi, ngẩng đầu lên nhìn ra đường bên gánh hàng xén của mẹ mình. Yêu một “chị” như thế đến ngẩn ngơ khi một ngày “chị” đi lấy chồng biến mất. Nỗi si mê mà đau đớn của trẻ nhỏ như đứa trẻ bỗng nhiên bị mẹ bỏ rơi không hiểu chuyện gì. Đó không là tình yêu trai gái, mà là tình yêu thương của đứa trẻ mong manh, sợ sự mất mát giữa bơ vơ. Sự đắm đuối chưa ý thức trước cái đẹp của Kinh Bắc quê nhà.

Hoàng Cầm kể, vẫn thoáng cười. Khi hỏi tự đánh giá thơ mình thì ông nghiêm trở lại:

“Nếu làm tuyển tập cũng phải nghìn trang. Nhưng thơ làm gì mà nhiều. Những “Mưa Thuận Thành”, “Về với ta”, “Cây Tam cúc”… Nếu tuyển thì chỉ độ 5 bài. Thơ cảm thấy không ra gì là tôi xé từ đầu. Tôi đã xé thế nhiều chứ.”

Tôi gặp Hoàng Cầm lần thứ hai, sau đó 8 năm. Khi đó ông đă 87 tuổi. Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán đưa tới. Hoàng Cầm lúc đó đã yếu hẳn, quần áo đã được người nhà cắt chiếc quần rời ống cho dễ dàng trong việc vệ sinh cơ thể.

“Lúc ngồi lúc nằm, nếu không phải chống tay thế này mới ngồi dậy”. Nguyễn Đình Toán dọn chăn gối trên giường:  Được chưa? Ổn không? Ông xoay xỏa vừa nói như tâm sự thay lời chào. Chắc chắn ông chả nhớ ra người mà ông đã chuyện trò lâu rồi. Bao nhiêu người thân sơ, hâm mộ, bao nhiêu nhà báo đã tới nghe ông. Tôi cũng không nhắc lại, mà nhanh chóng để “sà” ngay vào câu chuyện đang tự nhiên.

“Gãy mất xương đùi trái. Đi chụp hằn lên một nét gãy. Đám Thụy Kha Trọng Tạo bảo nó vận vào đời “Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”. Ngày nào cũng nằm một tí. Gãy đã 5 năm. Bác sĩ hỏi mổ không. Thôi. Què thế này cũng được rồi. Suốt 20 giờ không việc gì để làm cả. Nghĩ gì ư? Về dĩ vãng, sự nghiệp, chuyện gì cũng nghĩ hết mà chẳng chuyện gì. Vợ con, người yêu, bạn, công việc. Chỉ thoáng thôi. Nhớ giờ không sâu nữa.”

Giờ đây có nhiều người cũ tới thăm ông không? “Mười ba giai nhân tất cả - những người có thành tích tên tuổi. Linh tinh không kể. Họ ở Sài Gòn nhiều. Hoặc tản mạn đi đâu hết.

Con dâu báo tin, ông Đạt mất tối qua rồi. Ôi giời. Nó vừa buồn, vừa như giải thoát. Giải thoát cái khổ.

Tôi với Lê Đạt thân nhau ở miền Bắc sau Giơnevơ. Tuy thế không đi cùng nhau bao giờ. Về sáng tác thôi. Ông đăng bài trên báo Nhân dân, thấy một cái tên mới, thơ cũng được. Đến hôm có một hội nghị tôi sang dự mới gặp, quý nhau lắm. Từ đấy cho đến Hòa bình lập lại sau này càng thân. Ông Đạt có một tính vui nhiều người không hiểu dễ bực. Hay hài hước, người ta cho là châm biếm. Hồi tiếp quản mới về Hà Nội được 1 tuần, văn công Tổng cục Chính trị biểu diễn ra mắt công chúng tại Nhà hát lớn oai lắm. Ông đi dự với một bạn nữa, thấy tôi vào ông chào lớn: Chào đoàn trưởng. Người ta cũng cười ồ cho là ông chế diễu.”

“Giờ, đến chơi thường xuyên có đám trẻ: Thụy Kha, Trọng Tạo tới thường xuyên. Nói chuyện gì à? Nó nói những chuyện mình chưa biết. Văn nghệ thôi. Anh này anh kia đi đâu. 24 trên 24 giờ xoay xỏa ở cái giường nghĩ đủ chuyện.”

Vậy các tứ thơ có còn chợt đến với nhà thơ nữa không?

“Thơ đầy bụng nhưng không viết được. Chỉ 3 phút, tư tưởng loãng rối dần. Biết thôi hết rồi.”

Nguyễn Đình Toán chen vào: Thì ghi âm. Gọi con cháu lên ghi. Không phí lắm.

“Nhiều ý lắm. Nhưng phải nhớ là rắc rối rồi.”

Thi sĩ giờ đây chắc chả còn thể đưa cô nào buồn về bên kia sông Đuống được nữa rồi nhỉ? Hỏi thế, chúng tôi nghĩ ông sẽ than phiền thêm, nhưng thật bất ngờ:

“Năm ngoái tôi còn về quê đó. Xe lăn. Ô tô đi thuê. Về làng Lạc Thổ Đông Hồ. Còn một ông anh con bác ruột. Dân làng còn một vài người cũ, thành các cụ, bận, yếu. Mình sang chơi mừng lắm. Đi với các con về giỗ tổ họ Bùi, vào 25 tháng 2 ta năm ngoái. Ngã 2004. Ngồi xe lăn từ 2005.”

Hoàng Cầm ngưng nói chuyện, để… hút thuốc lào. Cái thứ thuốc nặng đô bình dân này cũng chả thấm gì với ông. Vừa loay hoay châm đóm vừa miêu tả:

“Thuốc lào thì từ lúc lên 9 lên 10, thấy các cụ hút nên hút trộm thử. Đi ra chỗ có các bác thợ cày ngoài đồng xin hút. Các ông ấy thấy thế khoái lắm. Thuốc lào ngon phải Tiên Lãng. Trước mua hàng bánh. Mỗi bánh hút 3 tháng. Say lơ mơ thích lắm. Say như thuốc độc. Cái choáng váng thích lắm. Anh hút không đứng vững là ngã. Bây giờ chuẩn bị chỗ ngồi sẵn nên không ngã. Già rồi say nhanh lắm. Trẻ đâu dễ say được thuốc lào. Từ sáng đến giờ chưa hút điếu nào. Hộp đựng thuốc, trẻ con nó mua.”

Nói đến thuốc lào, Nguyễn Đình Toán có nhiều chuyện để thi nhau với Hoàng Cầm kể mỗi người nhớ một chi tiết.

Toán cười: ”Năm 93 vào Huế. Ông Hải Bằng phải về nhà chặt tre làm điếu đem đến Hội Văn nghệ. Lúc ra Quảng Trị thèm thuốc quá nhờ trẻ con đi mua điếu không có. Vào đến Cửa Việt - Nguyễn Quang Lập mới tìm cho. Lần khác nữa, ra sân bay, Toán phải sáng kiến uống bia xong đục vỏ lon làm điếu.”

Hoàng Cầm nói tiếp:

“Mình phải cầm đóm lấy mới ngon. Châm hộ không ngon. Hay nhất là lúc tự mình làm lấy chuẩn bị hút.”

Bây giờ là lúc nói chuyện thơ. Ông còn thuộc “Bên kia sông Đuống” không ?

Hoàng Cầm đọc:  “Em ơi buồn làm chi, anh đưa em về bên kia sông Đuống, ngày xưa cát trắng phẳng lì. Giọng giờ nó cũng hỏng rồi. Xanh xanh bãi mía bờ dâu - Ngô khoai biêng biếc - Đứng bên này sông sao nhớ tiếc -Sao xót xa như rụng bàn tay… Ai về bên kia sông Đuống – Cho ta gửi tấm the đen - Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên - Những hội hè đình đám… Giọng yếu lắm. Hay gì. Trước sang sảng. Có lúc khan hẳn… Ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể - Những chuyện muôn đời chẳng nói năng.-Đêm đi sâu quá lòng sông Đuống - Bộ đội bên sông đã trở về… Đọc như thế là mệt rồi.”

Dù báo chí và các nhà nghiên cứu văn học đã viết nhiều về hoàn cảnh ra đời của “Bên kia sông Đuống” nhưng đây là dịp thử “xác nhận” nghe chính nhà thơ kể phút “xuất thần” ra bài thơ tiêu biểu vào hạng nhất của tình yêu quê hương trong cuộc chiến chống Pháp.

“Đề tài Bên kia sông Đuống nó vụt ra. Lúc đó tôi đang tổ chức một đội văn nghệ nho nhỏ ở chiến khu tại Phú Bình Thái Nguyên, Khu 12. Buổi chiều lúc 3,4 giờ mấy anh cán bộ phía Nam sông Đuống lên báo cáo tình hình Pháp chiếm những đâu, báo cáo để xin chủ trương và kinh phí công tác. Ông tư lệnh Lê Quảng Ba mời tôi sang – Có mấy anh cán bộ ở vùng đã mất đất rồi lên báo cáo, anh sang cùng nghe cho biết tình hình.

Sang nghe họ báo cáo nói tỉ mỉ làng nào đất nào, bắt bao người đốt bao nhà. Huyện Thuận Thành. Nào Lang Tài, La Lương… Những làng ven sông Đuống. Tôi thương cảm. Quê mình sao khốn khổ thế này. Ông Lê Quảng Ba đưa cho hai cái bánh chưng nói đêm nay không ngủ được, cầm về mà ăn.

Quả thế thật. Không sao ngủ được. Thương quê quá. Ngồi chán, hút thuốc lào. Lại nằm. Chợt có một cái gì (giời thôi), nghe rõ ràng giọng mình đọc hẳn hoi mấy câu đầu Em ơi buồn làm chi - Anh đưa em về sông Đuống - ngày xưa cát trắng phẳng lì. Sông Đuống trôi đi - một dòng lấp loáng - Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ. Rõ ràng giọng mình đọc lên sang sảng. Có gì ghi ngay kẻo mấy phút nữa sẽ không còn nhớ. Tôi bị thế nhiều rồi. Nó cứ lịm đi đâu mất. Sẵn bút giấy tôi ngồi ghi luôn. Cứ thế nó tuôn trào ra ngỡ ghi không kịp. Cứ ghi cho có nó đã. Không phải nghĩ nữa, âm điệu chữ nghĩa cứ tuôn trào ra… Đàn lợn âm dương chia lìa trăm ngả -…

Bài thơ được những cán bộ khắp nơi ở xa về Việt Bắc đón nhận. Những anh từ Côn Đảo, Phú Quốc, từ Campuchia về dự hội nghị… Khổ - tôi cứ phải ngồi đọc cho họ chép bài thơ rất dài thế. Mãi sau báo Cứu Quốc in lên. Cảm tưởng sảng khoái quá, mình sống không vô ích. Cảm giác đầu tiên là thấy mình sống hữu ích, không đến nỗi thừa. Có ích cho mọi người là cảm giác.” Nhưng nghe nói sau đó nó có lúc bị cấm? Có phải vì nó làm cho lòng người nhớ thương thao thiết quá? “Cấm ư? Lúc đó tôi đã nghĩ, cứ cấm đi. Ai có cấm cũng không giết nó được. Tôi cho 10 năm nữa nó sẽ sống lại.”

Làng quê đằm thắm màu sắc lễ hội men say đọng buồn thương vắng xa tha thiết ấy bây giờ có còn đẹp dấu vết xưa cũ nữa không?

Hoàng Cầm:

“Làng ấy nửa buôn bán nửa nông nghiệp. Nghề nông là làm thêm. Xưa nay vẫn thế, đi chợ này chợ khác. Không hẳn thuần túy làng Việt Nam. Nó đẹp hay không tự mình. Lúc nào tôi cũng thấy nó đẹp. Xóm bên cạnh tết vẫn làm tranh. Gần như hợp tác xã. Vẽ lại. Vẫn bán con gà con lợn, đám cưới chuột.

Về làng bây giờ hai bên sông đã khác. Một vài nhà gác cao lên bên sông. Bến đò nay xây cầu sắt hẳn hoi. Mất đi thơ mộng. Chả có cảm xúc gì, chỉ thấy văn minh. Trước là bến đò không, đi bộ xuống, nay thông thống cả. Không còn cảm giác quê hương. Mất cái gì không biết, chỉ thấy mất. Nay đi trên cầu, mất cảm giác làng quê, mất đi không khí quê hương cũ. Chỉ cần một ngôi nhà ngói lên. Đã gọi là bến mà. Xưa có quán tạm trên bến cho người chờ đò vào uống nước. Nay có cầu, tất nhiên bến đò mất đi. Còn uống nước làm quái gì. Văn minh là tất nhiên chứ gì? Đúng rồi, nhưng văn minh lên phá không khí.

Trẻ giờ nó không có kỷ niệm. Càng già kỷ niệm càng gay gắt, bao giờ cũng trôi về thuở ấu thơ ấy chứ.”

Tôi nhắc ông: “Trẻ họ có kỷ niệm của trẻ chứ ạ. Nói vậy sợ người trẻ họ không bằng long?”

Nhà thơ giải thích:

“Bọn trẻ thí dụ 20 tuổi thì kỷ niệm lúc 7-8 tuổi có gì? Muốn có kỷ niệm phải có thời gian. Không có thời gian lấy đâu ra kỷ niệm. Chúng nó kỷ niệm giống nhau. Sống ở thành phố, cuộc đổi mới. Đều được bố mẹ nuôi, đi học giống nhau. Nó ít kỷ niệm hoặc kỷ niệm không đáng nhớ lắm Nói về tâm tưởng thì nó nghèo lắm ấy. Suy từ mấy đứa con tôi chẳng hạn, đều là con ngoan giỏi. Không phải loại vô học. Nó đức độ. Thơ bố nó đi học cũng phải thi cử qua rồi, bố là tác giả, biết rồi. Không quan tâm lắm. Con chị học bên Hà Lan thì lại sưu tầm, đứa cháu thuộc thơ cẩn thận lắm. Còn mấy đứa ở nhà, thơ tôi in ra. Sáng dậy nó còn ngủ. Tôi để tập thơ để ở đầu giường ngay mang tai nó. Nó: ờ, bố mới in thơ. Giở ra lướt lướt, in đẹp đấy nhỉ. Rồi để đó không đem theo đọc. Không có gì nó quý.”

Vậy nó quý cái gì?

Nhà thơ nói tiếp, vẫn không đổi giọng:

“Bố có khách, nó quý người khách lắm. Dịp giỗ vợ tôi, bạn bè đến nó phấn khởi lắm. Khách nói chuyện thơ với bố. Nó vẫn quý, nhưng bận không nghe. Đứa nào cũng phải tính làm ăn, có tiền cho vợ con nó khá lên. Thời đại nó thế mất rồi. Nó nghĩ ít. Hay nó nghĩ gì không biết.”

Sống ở Hà Nội nhưng ông không viết gì về thành phố này, dù thời gian đã trải nghiệm khá lâu?

Ông kể đã sống ở Hà Nội từ khi diễn vở Kiều Loan năm 1941- 42. Lúc đó mới biết Hà Nội nó ở chỗ nào.

Giờ đây tuổi cao, sức yếu nhiều, suốt ngày nhà thơ làm gì?

“Vẫn đọc báo. Tivi xem cả ngày phát chán. Có cảm giác nhân loại này tivi Việt Nam nói nhiều nhất thế giới. Nói nhiều quá, quanh quẩn chỉ có thế. Mình ở thế không muốn xem cũng phải xem. Thấy nói thừa nhiều quá. Các ông đi thăm chỗ này chỗ kia chả hiểu ông làm gì, bàn gì không biết.

Ăn cháo. Một tí thịt băm. Củ cải dầm ăn được. Cơm không nhai được. Răng hết rồi. Thuốc lào không kể được. Ngày tới 10 điếu.”

Hút thế hại sức khỏe lắm ạ.

“Câu ấy ai cũng nói. Nhưng nó theo cả đời rồi. Thật ra sống đủ rồi. Không muốn sống đau ốm. Thế nên, cho…trách giời một tí.”

Câu nói vui này của ông, hai năm sau – vào tháng 5 năm 2010 khi thi sĩ thực sự vĩnh biệt chúng ta để qua sông thật rồi, trong tang lễ, nhiều người cũng nói lên điều này. “Hoàng Cầm đã sống đủ một cuộc đời trọn vẹn để cái chết của ông chỉ nhẹ nhàng như quay về lãng đãng bến sông xa”, “Ông xứng đáng là nhà thơ lớn nhất của thời đại chúng ta. Tôi yêu nước mình vì đọc thơ Hoàng Cầm” (Phạm Duy). Trong thế hệ ông, Hoàng Cầm gần như cuối bảng người ra đi, cho nên đám tang tại Hà Nội, có đủ vòng hoa của thân nhân các nhà thơ lớn thời của ông đưa đến thay mặt những Trần Dần Lê Đạt, Vũ Trọng Phụng, Trần Huyền Trân, Trịnh Công Sơn….Vợ nhà thơ Lê Đạt nói: Trần Dần Lê Đạt Hoàng Cầm đều đã đi qua một cuộc đời cơ cực nhưng bản tính nghệ sĩ mạnh mẽ đã giúp họ lấy buồn làm vui…

Con người từng trải ấy nay giang sơn chỉ còn là chiếc giường nhỏ trên tầng năm, cao gần ngang tháp chuông Nhà Thờ Lớn Hà Nội, hàng ngày nghe “tiếng chuông nhà thờ rung” còn gợi nhớ điều gì?

Hoàng Cầm:

“Chuông nhà thờ không thể nào sánh với chuông chùa ở vùng quê. Xâm xẩm, chuông chùa quê Việt Nam nó ghê lắm. Từng tiếng tắt hẳn dư âm rồi mới cái khác tiếp, chìm dần đưa vào cõi không. Vời vợi rồi chìm hết. Nghe ở nhà quê mới hay. Quán Sứ cũng có nhưng không thật không khí Việt Nam. Muốn hưởng cái đó phải yên tĩnh của nhà quê. Mà phải nghèo.”

Sao vậy ạ?

“Mới cảm thấy thế nào là hư vô không còn gì cả. Tiếng chuông chùa lên là thôi tan dần mới thật là Phật. Chuông nhà thờ buồn chiều một tí, nhưng chuông chùa đưa người ta vào hư vô và cảm thấy thật sự là hư vô.”

Tác giả của Lá diêu bông hư vô - mộng mị của tình yêu non trẻ, người tự nhận “đó là trời cho chứ không phải tôi cố đa tình” và cho rằng ông chỉ mộng mơ ước mình chạm vào tình yêu được ví như ngôi sao cô đơn. Và vì thế thơ ông luôn phủ một lớp sương buồn.

Nhưng thơ Hoàng Cầm làm rung động bao con tim không chỉ vì tình yêu say mê đượm buồn (vì thật ra tình yêu đẹp thế, quên mình thế, điên thế đâu có thật trên đời?), mà còn vì hình bóng những làng quê.

Hãy thử hỏi nhà thơ xem, theo ông, cái gì làm cho khung cảnh một làng quê ông trở thành tình thương nhớ những làng quê muôn nơi của mọi tâm hồn?

Hoàng Cầm:

“Gắn lòng với dân tộc, thương quê. Cái gì nói lên được quê hương và những người quê hương sẽ trường tồn. Đó là một quy luật.”

Nguồn: http://www.viet-studies.info/NTNgocHai_HoangCam.htm

Lên trang viet-studies ngày 5-5-16