Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

Vũ Hữu Định – Tình ca người lỡ vận

Đặng Tiến

 

Văn thơ Miền Nam 1954-1975 được gọi là nền văn học bất hạnh. Vì nó đã bị xuyên tạc, tuyên án, thiêu hủy và bôi xóa; các tác giả đã bị tù đày, đọa đày và lưu đày.

Trong số đó, có nhà thơ Vũ Hữu Định (1941-1981), từ 1972 đã xem mình như một người lỡ vận:

Ta đã hát khúc hát đời lỡ vận

Hát âm u trong đêm tối một mình. (tr. 79)

Vũ Hữu Định (VHĐ) tên thật là Lê Quang Trung, sinh tại Thừa Thiên, sống nhiều nơi ở Tây Nguyên, lập gia đình tại Đà Nẵng và định cư tại đây. Làm thơ từ thập niên 1960, đăng báo rải rác. Năm 1975, đi học tập cải tạo thời gian ngắn vì là cán bộ Xây Dựng Nông Thôn, rồi làm công nhân Nhà Đèn. Đầu năm 1981, tại làng An Hải, Đà Nẵng, anh qua đời vì say rượu té từ lầu một, cái chết còn gây nghi vấn. Sinh thời, anh không có tác phẩm xuất bản. Đến 1996 bạn bè mới đóng góp để nhà xuất bản Trẻ ấn hành thi tập Còn một chút gì để nhớ gồm 45 bài, lấy tên từ một bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc và thịnh hành một thời:

Phố núi cao phố núi đầy sương,

Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn. (tr. 13)

Hiện nay, sau khi tái bản thơ Nguyễn Bắc Sơn, Linh Phương, truyện ngắn Y Uyên, nhóm Thư Ấn Quán của Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn đã sưu tầm và in lại thơ VHĐ[1] để tặng biếu, không bán, trong tinh thần bảo lưu và truyền bá di sản văn học Miền Nam. Chúng tôi đã có lần đề cao thiện chí này; nay một lần nữa, xin công nhiên ca ngợi một việc làm tâm huyết.

Thơ Vũ Hữu Định lần này gồm 80 bài – chắc là còn thiếu – là một tập thơ hay, tài hoa, trong sáng, đáp ứng được sở thích đông đảo người đọc; một tác phẩm có giá trị cao về mặt tư tưởng, tình cảm, nghệ thuật, lưu lại tấm lòng của nhà thơ quá cố, ghi tạc niềm thủy chung của bằng hữu, trong một hoàn cảnh lịch sử, xã hội nghiệt ngã và bạc bẽo.

*

Thơ VHĐ quay chung quanh các chủ đề: quê nhà, tình bạn, tình yêu trong khát vọng một không gian rộng rãi. Trước khi đi vào các đề tài này, chúng ta nên biết qua thân thế tác giả, qua những bài thơ tâm sự, chủ yếu là Bài thơ năm bốn mươi, làm dịp tết Tân Dậu, 1981, trước khi qua đời, thơ “kiểm điểm” vô hình trung thành thơ tuyệt mệnh, như bài Di chúc của Nguyễn Khuyến :

Bốn mươi tuổi rồi đây

vợ năm con không no không đói

bốn mươi tuổi rồi

hai lăm năm uống đắng

(giỏi nghề rượu từ thuở mười lăm)

học hành thì lăng nhăng

thân tự lập thân từ năm bảy tuổi

không nhớ hết nghề đã trải

bán báo, đánh giày, ở đợ

đánh trống phòng trà, dạy học, làm thơ

phó giám đốc nuôi trẻ bơ vơ

còn cả chục nghề thôi không kể

ham đọc sách chẳng phải vì ham học

thần thánh trăm ông chẳng phục ông nào

ông nào cũng tốt

ông nào cũng tào lao

có lắm thánh nhân thì đời chỉ rối mù

nhiều triết học thêm tối mù đa sự

bốn mươi năm khoảng dăm lần tù… (tr.99)

Trong bài Ngựa hí đầu non, ta còn biết thêm:

Sinh nhằm tuổi Ngọ, đêm vừa hết..

Mới hai tháng đã biết mùi bom đạn

1942, thời chiến tranh Nhật-Đồng Minh. Lên bảy tuổi:

Đã theo mẹ đêm đêm qua xóm

xách đèn rao khoai sắn cầm hơi (tr.80)

Trong bài Cảm ơn người vợ, 1972, ta được biết anh cưới vợ khoảng 1965:

Bảy năm tình chồng vợ

bảy năm em hẩm hiu

lần nào em sinh nở

ta cũng phải vắng nhà

đứa đầu lòng tù tội

đứa thứ hai, đi xa. (tr.143)

chúng ta không biết rõ anh tù tội vì việc gì, làm gì đến nỗi dăm lần tù. Theo chứng từ của bạn bè, VHĐ là người cởi mở, vui chuyện, ưa rượu, ưa bạn, đàn giỏi hát hay, nhẹ trách nhiệm gia đình, vợ con đương nhiên là phải khó khăn. Và anh cũng thừa nhận điều đó:

Năm đứa con như năm hạt ngọc

Nếu không có em sao khỏi cát lầm

Còn anh thì cứ lông bông… (tr. 101)

Tháng 3/1973, nhà thơ Tường Linh có bài Gặp lại Vũ Hữu Định, ghi nhận hoàn cảnh của anh:

Thì ra ngươi chửa hết gian nan

Thôi hãy cầm như lửa thử vàng…

Chúng ta đã chấm phá được đôi nét chân dung VHĐ. Chân dung ấy sẽ rõ nét hơn khi quần tụ bạn bè, trên chiếu rượu:

Nợ nần chưa thoát nổi

càng nợ, càng hăng vay

thiếu cái danh, nhưng không thiếu bạn bè

đi đâu cũng có phần rượu tặng. (tr.99)

Trong mọi tình cảm, có lẽ tình bạn là mang nhiều âm sắc thời đại nhất. Đã xa rồi những “cố nhân” trong thơ Đường, thơ Tống. Xa rồi giọng u hoài, trầm mặc của Nguyễn Trãi

Bạn bè đất Việt ai thăm hỏi

nhờ nhắn: đời ta vẫn cỏ bồng

Hay giọng băn khoăn, xa xăm của Nguyễn Khuyến thăm hỏi bác Châu Cầu, lụt lội năm nay bác ở đâu, giọng nhẹ nhàng, thơ mộng của Huy Cận thương bạn chiều hôm sầu gối tay. Cũng đã xa rồi những Tống Biệt Hành, Vọng Nhân Hành của Thâm Tâm. Tao loạn, thì đất nước đã trăm lần tao loạn. Nhưng chiến cuộc 1960-1975 mang một sắc thái đặc biệt, và tình bạn sinh tử thời này ngân vọng một âm hao riêng, trong chất bi phẫn nặng phần phi lý:

Trên non may có tình bằng hữu

tuổi trẻ đau chung một khúc ca

ôm nhau thức với vầng trăng lạnh

vượt lá tìm sao định hướng nhà.

có những ngày đi trong núi thẳm

tuổi trẻ nhìn nhau, nhớ xóm thương làng

thở chung một tiếng nghe sầu cháy

tâm sự chuyền nhau điếu thuốc quan san

cám ơn điêu đứng rừng sinh tử

cạm bẫy người giăng để giết người

tuổi trẻ gần nhau trong gió lửa

giữ dùm nhau những tiếng chim cười. (tr.58)

Bài Chuyện người Tuổi Trẻ này, VHĐ làm tặng nhà thơ Trần Dzạ Lữ, cùng một bài khác, mang rõ nét thời sự:

….

Ngày Huế giải phóng

mày lang thang trong Nam

xa nhau càng nghĩ càng thương

thằng bạn thơ cuộc đời bầm dập

trốn lính, đi lính, rồi thì học tập

thương ơi câu nói “ở răng cho vừa đời”

nghe nói mày về quê đi bán bánh mì

vợ giặt mướn cho nhà thương đẻ

rồi nghe nói mày đi Nam trở lại

quê không dụng nổi đôi vợ chồng thơ

năm năm rồi mày sống xa quê

ôi cái làng quê Nam Phổ Hạ

thời chiến tranh mày quay quắt mong về (tr. 54)

Hòa bình, thống nhất mà lại làm nhiều người xa quê – và xa nhau – hơn là chiến tranh, chia cắt. Bài thơ này làm khoảng 1980, bắt đầu bằng câu ca dao quen thuộc:

Gió đưa cây cải về trời

Rau răm ở lại chịu lời đắng cay

Ai hiểu sao thì hiểu.

Tình bạn, bao giờ cũng mang tính cách thời đại, xã hội. Tình yêu có không gian rộng rãi hơn: tiếng sét ái tình có thể giáng xuống bất cứ lúc nào và nơi nào. Tình bạn có thuở, có thì, có nơi, có chốn. Yêu nhau rồi mới ngồi vào chiếu; ngồi vào chiếu rồi mới ra tình bạn. Bá Nha, Tử Kỳ cùng chiếu nhạc buổi Xuân Thu. Quản Trọng, Bảo Thúc cùng miếng đỉnh chung thời Chiến Quốc. Montaigne và La Boétie cùng phất áo giữa tòa án Bordeaux. Nguyễn Khuyến, Dương Khuê áo mão đồng khoa… Vũ Hữu Định, Trần Dzạ Lữ, Trần Hoài Thư, cùng nhiều bạn khác cùng gối đầu trên báng súng, tai nghe trực thăng, đại bác… Cơn binh lửa tạo ra và củng cố tình bạn. Cái quý là tình bạn còn lại sau cơn binh tàn, lửa tắt. Và quý hơn nữa, trong tình bạn ấy, sau khi chắt lọc tiếng trực thăng đại bác nhiễu nhương, còn lại tiếng đập cùng nhịp của những trái tim. Ấy là tình người. Tình yêu là định mệnh cá nhân; tình bạn là cơ duyên thời đại. Cao quý thay lòng chung thủy giữa những tâm hồn tự nguyện, trong tình yêu cũng như tình bạn.

Vũ Hữu Định, người đã ra đi, tình còn ở lại.

*

Nói đến thời đại là nói đến quê hương. VHĐ tha thiết với quê hương, dù anh sinh một nơi, sống một nơi và giữa hai nơi là những bước chân lang bạt kỳ hồ. Anh khẳng định:

Mùa lúa năm nay đòng đòng đã trổ

anh yêu mùa yêu đất yêu quê. (tr. 42)

Nhưng quê anh nơi nào?

Những con lạch anh chèo ghe thăm lúa

thả lưới giăng câu, mười mấy năm ròng

Cau với bưởi bây giờ thơm hương trái

em bên vườn da thịt có thơm không? (tr. 41)

VHĐ là “kẻ chợ”, dân thành phố; ở đây anh thác lời “kẻ quê”, một nông dân mười mấy năm cày sâu cuốc bẫm, nhà mới thay tranh mong đón em về… Lời không thật nhưng tình thì thật.

Tình quê nơi VHĐ, quyện với tình bạn và tình yêu là một khát vọng hạnh phúc trong nguồn cội. Quê hương của VHĐ không chính xác như trong những “bức tranh quê” mà ta đã gặp, những đồng chiêm trũng miền Vụ Bản, Nam Định của Nguyễn Bính, hoặc thôn làng sơn cước Hà Tĩnh trong thơ Huy Cận, hay làng Trung Phước dưới chân núi Quảng Nam trong thơ Bùi Giáng, Tạ Ký, Tường Linh. Nơi VHĐ, quê hương làm tâm cảnh tượng trưng cho một giấc mơ. Giấc mơ Trở Về của đứa con biết mình lạc hướng, vì cơn lốc của lịch sử đã đành, nhưng cũng có phần cố tình lạc hướng. Phải hiểu như thế mới giải quyết được nhiều mâu thuẫn trong thơ anh.

Và hiểu rằng nỗi nhớ nhà thường xuyên ám ảnh anh, không giống với nỗi nhớ bất ngờ, bất chợt trong thơ Nguyễn Bắc Sơn đồng lứa:

Qua cầu Sông Lũy nhìn quanh quất

Nước đỏ cầu đen chợt nhớ nhà

Tình quê, đề tài cho nhiều bài thơ, có thể là nền thơ VHĐ:

Mây còn bay nên đời còn mộng

tuổi trẻ ra đi sao lại nhớ nhà

ơi người tuổi trẻ sầu trong mắt

đêm trên rừng mộng gởi quê xa.

quê xa ta có em và mẹ,

nhớ ao bèo xanh bông tím thiết tha

nhớ người con gái bên hàng xóm

chiều thả thuyền vớt mộng nở hoa… (tr.57)

Cảnh mơ hồ nhưng tình tha thiết. Quê xa đây là mộng tưởng. VHĐ không được hạnh phúc có một làng chính xác để ca ngợi như Huy Cận, Bùi Giáng. Nhưng anh chẳng quan tâm đến điều đó:

nghĩ ra thì ở đâu cũng vậy

ta vẫn là ta khinh bạc đắng cay.

có lẽ ta là thằng bất sá

cớ sao ở đâu rồi cũng bằng lòng

thả trôi cái sống cho đời dạt

mẹ buồn ta tóc trắng lưng cong (tr.52)

Quê hương, nơi VHĐ là niềm u hoài khôn nguôi, hướng về cõi hạnh phúc đã mất hay chưa đến, trong nghĩa “quê hương và lưu đày” trong Kinh Thánh, hay Albert Camus.

U hoài bốc men cho những vần bay bướm:

Hoa dại ven đường gửi lại các em

Tiếng giã gạo gửi cho người mất ngủ

Trăng mười bốn gởi tâm hồn thiếu nữ

Trăng mười lăm gởi những kẻ yêu nhau

*

Tình sôi nổi, thiết tha nhất trong đời người có lẽ là tình yêu. Thơ tình yêu là lối thơ dễ làm và khó hay nhất. Một là vì đề tài lâu đời trở thành khuôn sáo, hai là người làm thơ tình khi thành thật thì chủ quan, đắc ý, tự nghĩ thơ mình là hay, hóa ra dễ dãi, trong khi người đọc bên ngoài, cho rằng lẩm cẩm. Thơ tình ngày nay, muốn thành công, phải giàu lượng trí tuệ và chất nghệ thuật; nhưng thơ hoa mỹ lại mất nét thành thực đơn sơ. Mà tình yêu chính là cảm xúc đơn sơ.

Thơ tình VHĐ gây cảm xúc vì chỗ tha thiết mà tự nhiên ấy:

Anh đang sống thiếu một phần thân thể

sống thiếu em nên anh thở không đều

thèm ngực trần, môi ngọt với tay yêu

đã trói chặt hồn trăm năm lãng tử

đã quen đau nên thấy được mặn mà

của tội lỗi mà anh kêu hạnh phúc

ôi vết chém đã qua thời đau nhức

đâm da non để thành sẹo muôn đời

anh thở đều để sống em ơi. (tr.44)

Hơi thở rạo rực đã phả vào bài Tiếng dội của sương chiều, 5 chữ nhẹ nhàng nhưng da diết, trong sáng mà hàm súc – một bài lý tưởng để phổ nhạc (câu này viết nhắn gửi Phạm Duy):

anh nằm đâu, ngồi đây

ngó nước nguồn reo vỡ

nước nguồn chảy bao năm

đá núi mòn dấu nhớ

anh nằm đây, ngồi đây

một mình anh vẫn thở

mười năm trong trắc trở

anh thở khác ngày xưa

nghe dội tiếng rừng mưa

nghe vang lời suối nhớ

anh nằm nghe lay động

đau của những nhánh cành

anh ngồi trong lá xanh

trên những hồn lá chết

tay anh nắm tha thiết

những chiếc lá còn tươi

thả xuống suối mà chơi

trôi đi còn tiếng dội… (tr. 46)

Nguồn thơ róc rách tuôn tuôn tự nhiên, u uẩn trong veo, thắm tươi đau đáu, trầm lặng ngân vang. Một bài thơ tình hiện đại, rõ nét nếu ta so sánh với Tình quê đồng dạng của Hàn Mạc Tử, nửa thế kỷ trước. Đâu đó, trong Thân phận làm người, André Malraux đã định nghĩa tình yêu là “cái phần mình thay đổi ở người kia”, nghe sâu sắc, nhưng trừu tượng. VHĐ nói anh thở khác ngày xưa có cường điệu nhưng cụ thể, và xúc động. Thể ngũ ngôn ngắn hơi, ít để lại tác phẩm hay. Bài Tiếng dội của Sương Chiều là một tác phẩm toàn bích.

Cùng một hơi thở – hơi thơ ấy còn có bài Rừng hương mật đắm đuối. Cảm hứng tuôn tràn một mạch, ào ạt, sung mãn mà âm trầm, tao nhã. Thao thao tình cảm, thao thiết ưu tư:

Anh đang sống - đang thở đều rất lạ

Thở yêu em yêu đau đớn của đời

Anh cảm được phút của mùa đang đổi

Giây của sông dừng lại đợi chiều trôi

Ở đâu đó rừng của Thu ảm đạm

Uống chút hương hoa của suối mà say

Mây của nghìn năm mây vẫn là mây

Nhưng một buổi lạ như vừa mới có

Một ngày nào mặt trời kia rét lạnh

Máu đỏ trùng dương một lần chết cuối cùng

Giấc lạnh vang lời gió nhắn với rừng

Anh hối hả trở về mau cho kịp. (tr. 95)

Nhịp thơ dập dồn, hình ảnh điệp điệp, ý tứ trùng trùng, tuôn tuôn từ một hồn ứ chứa bao nhiêu tình rừng thẳm. Do đó mà thơ tình VHĐ ngày nay còn gây hào hứng.

Thơ tình, chứ không huê tình kiểu “áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc”. Thơ tình xưa nay thường khệ nệ đèo thêm phần thuyết lý, dạy đời: thơ Pháp từ Ronsard đến Aragon, thơ Việt từ Nguyễn Trãi “đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng” đến Xuân Diệu “vội vàng lên với chứ”. Thơ VHĐ mang sắc phơi phới, hồn nhiên, đớn đau mà vẫn tin đời – có lẽ do niềm tin ở trời đất, mà anh diễn đạt rất mãnh liệt trong bài tứ tuyệt:

Sướng quá, nâng ly, khà một tiếng

Mừng rằng sắc núi vẫn màu xanh

Đám mây bay thấp ngang nhà cỏ

Hương rượu nồng hơn mọi thứ tình. (tr.14)

Tâm giới hào sảng trước sắc giới ưu ái như trong đoạn thơ trên, được định hình trong một thi giới bao la, biển rộng trời cao. Thơ VHĐ ít có giới hạn chật hẹp, nếu Pleiku phố xá không xa thì cũng được nấn rộng bằng sương mù, cây xanh, núi cao – và nhất là có em!

Nơi VHĐ tình yêu, tình bạn, tình quê, quyện vào niềm nhớ đất thương trời mêng mang mênh mang mênh mang.

*

Hình ảnh tạo tính nhất quán cho tập thơ, xuyên suốt, tiếp dẫn các bài thơ, tự rừng núi đến thôn quê, ao bèo, thửa ruộng, lũy tre, mái nhà, là con chim.

Một mặt chim là tri âm, chia sẻ tâm sự và ước mơ:

Có lẽ con chim rừng bữa nọ

Hát với anh là chia sẻ ngọn nguồn. (tr. 18)

Chim là một ẩn dụ đa hiệu. Hình ảnh thị giác, nó là không gian gần mà xa, cảm nhận thính giác, tiếng chim là thời gian dội vào tim, có khi hẹn hò hoan lạc thủy chung:

Con chim bỏ đi có bận quay về

Cất tiếng hát chào niềm vui của gió. (tr. 121)

Có khi nhắc thân phận hiện thực trơ vơ:

Con chim lạ lùng năm nọ của tôi ơi

Hóa mấy kiếp mà sao tôi vẫn vậy. (tr. 123)

*

Thơ VHĐ là điển hình cho thơ trữ tình hiện đại. Nó không gai góc, thách thức; ngược lại, nó kết thân, đằm thắm, quen thuộc. Lay động người đọc bằng tình cảm trong sáng và thiết tha, bằng nét tài hoa vô tội.

Đây là đọan cuối trong bài thơ “kiểm điểm”, VHĐ làm 1981, trước khi vĩnh biệt trần gian:

Ta đang nhớ thuở sông dài núi rộng

đường thênh thang của một gã giang hồ

ta đang thèm đi để học làm thơ

chờ ta đến xin nhớ phần rượu tặng. (tr.102)

Câu thơ tuyệt mệnh thu gọn không gian, cuộc đời, tâm tình, hoài bão văn chương và những khát vọng chưa nguôi của Vũ Hữu Định.

Trên chiếu rượu vui ít buồn nhiều hôm nay, bạn bè, trong và ngoài nước, luôn luôn giữ phần rượu tặng, cho Định.

Định ơi,

Orléans, ngày 25/2/2006


[1] Thơ Vũ Hữu Định, nxb Thư Ấn Quán, Hoa Kỳ, 2006

PO Box 58, South Bound Brook, NJ 08880, USA – E-mail tranhoaithu@yahoo.com.

Chúng tôi trích dẫn và đánh số trang từ sách này.