Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2016

Những năm học ở Mỹ có làm sinh viên Trung Quốc thay đổi hay không?

Phạm Nguyên Trường dịch
clip_image002
Mười năm gần đây, sinh viên Trung Quốc – nước cộng sản lớn nhất và đối thủ địa chính trị chính của Mỹ – tràn ngập các trường đại học Mỹ. Theo số liệu của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), năm 2014, trong các trường đại học Mỹ có tất cả 304 ngàn sinh viên Trung Quốc – tức là gần một phần ba toàn bộ sinh viên ngoại quốc. Chúng ta cảm nhận điều đó không chỉ qua số liệu. Nhưng, trong khung cảnh ngôn ngữ chính thức của Trung Quốc, trong đó thường có những lời chỉ trích các giá trị của phương Tây, người ta càng cảm nhận rõ hơn hiện tượng này.
Khi hai nước ngày càng chia rẽ, đương nhiên là sẽ xuất hiện câu hỏi: Chuyện gì sẽ xảy ra với thế giới quan của một người đang học tập ở nước Mỹ hiện đại? Trong điều kiện thông tin tự do, tự do hội họp và tự do tôn giáo – niềm tự hào của nước Mỹ – sinh viên Trung Quốc có hướng tới những tư tưởng mới và cách suy nghĩ khác hay không? Hay như một số người khẳng định: Sinh viên Trung Quốc rất gắn bó với nhau, họ tạo ra những nhóm và cộng đồng tách biệt, trong đó những thói quen và thế giới quan cũ vẫn còn y nguyên – cho đến ngày họ buộc phải quê hương?
Cuộc khảo sát của tờ Foreign Policy cho thấy, trên thực tế, cuộc sống của sinh viên Trung Quốc ở Mỹ không đơn giản như những mô tả bên trên. Các sinh viên Trung Quốc ở Mỹ biết được nhiều chuyện khi họ quan sát sự khác nhau giữa hệ thống giáo dục, các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như đời sống xã hội và hoạt động trí tuệ ở đây với những điều họ nhìn thấy ở quê nhà. Kết quả là họ thường bắt đầu thán phục nước Mỹ. Đồng thời, họ cũng thông cảm hơn với những nhiệm vụ cực kỳ to lớn mà những nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đối diện. Và họ cũng biết rằng ở Mỹ đường phố không được “lát vàng”.
Cuộc thăm dò được tiến hành online bằng hai thứ tiếng. Có 94 sinh viên nữ và 92 sinh viên nam tham gia. Điều kiện duy nhất là người trả lời phải là công dân Trung Quốc đã và đang theo học tại các trường đại học Mỹ. Phần lớn đều nằm trong độ tuổi từ 18 đến 29, tuyệt đại đa số gần hay trên 20 tuổi một chút. Trong số những trường học thường nhắc đến nhiều nhất (theo thứ tự giảm dần): University of California at Berkeley, University of Indiana in Bloomington, Washington University, Bryn Mawr College in Pennsylvania và the University of Kansas. 81% người trả lời nói rằng họ là người đầu tiên trong gia đình được tới Mỹ để học tập.
Những người thấy quá nhiều sinh viên Trung Quốc trong các trường đại học Mỹ thường tự hỏi: Cuộc sống ở Mỹ (có bạn bè người Mỹ, đi qua những thành phố lớn nhỏ và thấy cách làm việc của những thầy giáo và các chính trị gia Mỹ) có tạo được ảnh hương tốt đối với những quan niệm về đất nước này, một đất nước mà các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc thường xuyên phê phán và là đối tượng của lòng ghen tị hay không. Nói chung, câu trả lời là có ảnh hưởng tốt.
Hơn 60% số người được hỏi trong thời gian học tập ở Mỹ đã thay đổi quan điểm của họ về đất nước này theo hướng tích cực. Quan điểm của 23% trở nên xấu đi và quan điểm của những người còn lại (17%) không thay đổi. Mới nhìn, dường như kết quả này cho thấy các sinh viên có đồng tình và tiếp thu những giá trị Mỹ. Ví dụ, một số người nói rằng đã có thay đổi bản thân sau thời gian học tập ở nước ngoài: một người đàn ông “đã tìm thấy đức tin đích thực trong Kitô giáo” và một người phụ nữ thì nói rằng đã trở thành “người có tham vọng và độc lập hơn”. Ngoài ra, có các phương tiện truyền thông tự do (và do đó, đáng tin cậy hơn) cũng tạo được ảnh hưởng tích cực. Một người trả lời viết: “Nhờ sự cởi mở của Internet mà nhiều sinh viên, trong đó có tôi, đã có thái độ thực tế hơn đối với chính phủ Trung Quốc”.
Nhưng, với đa số người được hỏi, đánh giá Mỹ cao hơn không tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đối với quan hệ với chính đất nước mình. Hơn nữa, quan hệ với quê hương lại thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Trong thời gian học tập ở Mỹ, quan hệ của 55% số người được hỏi đối với Trung Quốc đã được cải thiện, chỉ có 22% có thái độ tiêu cực hơn đối với cố quốc mà thôi.
Hai chỉ số nói trên – nhận thức tích cực hơn cả về Mỹ lẫn Trung Quốc – không phải là bất ngờ đối với giáo sư chính trị học Haifeng Hoon ở University of California, Merced, người chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của đời sống ở nước ngoài đối với quan điểm của sinh viên Trung Quốc. Trong cuộc trả phỏng vấn tờ Foreign Policy, giáo sư Hoon nói rằng kết quả dường như “vô lý”, nhưng không phải là bất ngờ. Ông giải thích rằng khi sinh viên sống ở Mỹ, “những quan niệm trừu tượng” về xã hội tự do và tự do ngôn luật được thể hiện trên thực tế đã biến thành kinh nghiệm sống cụ thể, giúp cải thiện thái độ đối với Mỹ. Nhưng những người Trung Quốc có “quan niệm quá lãng mạn” về Mỹ và tình cảm “chối bỏ” bản sắc dân tộc Trung Quốc của mình lại thay đổi theo hướng ngược lại, đấy là khi sinh viên nhận thấy rằng nước ngoài không phải là tuyệt vời, như họ nghĩ trước đây. Ngoài ra, giáo sư Hoon cho rằng kết quả của “tự do thông tin và trao đổi những quan điểm và ý kiến đa dạng làm cho một số sinh bắt đầu đánh giá đúng mức độ phức tạp của công việc quản lý đất nước rộng lớn và phức tạp, mặc dù khi còn ở Trung Quốc họ có thể nghi ngờ là chính quyền thường xuyên nói dối”.
Dường như việc sinh viên Trung Quốc được tiếp xúc với thông tin tự do thường tạo ra những ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo khảo sát của tờ Foreign Policy thì cái gọi là “Bức tường lửa vĩ đại của Trung Quốc” – hệ thống sàng lọc nội dung Internet, giới hạn khả năng của công dân trong việc truy cập với các phương tiện truyền thông lớn và mạng xã hội Mỹ, trong đó có tờ New York Times, Facebook và Twitter – đã có ảnh hưởng lớn đối với sinh viên Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc thường tuyên bố việc áp dụng “tường lửa” là một vấn đề nội bộ của quốc gia (Lu Wei, điều phối viên chính mạng Internet của Trung Quốc không nói rằng họ sử dụng bộ lọc, nhưng lại thường nói về “chủ quyền trên Internet”). Mặc dù vậy, các dữ liệu của cuộc khảo sát cho thấy rằng tác động của hệ thống kiểm duyệt Internet của Trung Quốc không chỉ nằm trong đường biên giới của Trung Quốc. 90% số người được hỏi nói rằng “tường lửa” có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, và 34% nói rằng ảnh hưởng đối với cuộc sống của họ “là khá lớn”.
Cụ thể là gì? 54% số người được hỏi nói rằng kiểm duyệt ảnh hưởng đến “việc học tập hoặc lao động” của họ. 34% nói rằng kiểm duyệt ảnh hưởng đến đời sống xã hội của họ. Một số sinh viên cho rằng đe dọa của kiểm duyệt thậm chí còn ảnh hưởng đến những quyết định quan trọng đối với cuộc đời; một số người được hỏi cho rằng kiểm duyệt ở Trung Quốc là lý do chính làm cho họ muốn ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp.
Có thể, các trường đại học Trung Quốc đang tìm mọi cách để được quốc tế công nhận. Nhưng, nền giáo dục Mỹ vẫn tiếp tục là lực hút mạnh nhất đối với những học sinh Trung Quốc muốn đi du học. 78% số người được hỏi nói rằng họ học ở Mỹ chủ yếu là do “chất lượng giáo dục” và 15% thì nói rằng tác nhân chính ảnh hưởng đến quyết định của họ là “triển vọng tìm được việc làm trong tương lai”.
Theo lời của cố vấn cao cấp của Chủ tịch Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), ông Peggy Blumenthal, thì phụ huynh Trung Quốc tin rằng ở Mỹ con em họ sẽ nhận được một nền giáo dục có khả năng cạnh tranh trên bình diện quốc tế. “Tầng lớp trung lưu và lớp trên ở Trung Quốc có nhiều tiền và chỉ có một con... có thể đầu tư cho con cái, và họ quan tâm tới những trường học tốt nhất thế giới, nơi có nền giáo dục như thế” – Blumenthal nói. “Và khi họ đang cân nhắc các lựa chọn ở những nước khác nhau, họ cho rằng hệ thống giáo dục của Mỹ là đặc biệt hấp dẫn”.
Tờ Foreign Policy tiến hành khảo sát trực tuyến, do đó, việc lựa chọn người trả lời có tính ngẫu nhiên. Nhưng, theo lời Giáo sư Hoon thì kết quả “có giá trị lớn, vì tầm quan trọng của vấn đề và chưa có nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này”. Mặc dù Giáo sư Hoon nhấn mạnh rằng cỡ mẫu còn nhỏ và có thể không phản ánh quan điểm của tất cả sinh viên Trung Quốc đang học tập ở nước ngoài, ông cũng nói rằng kết quả “phù hợp với các dữ liệu khoa học đã có và những điều mà nhiều sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài đã biết”.
Trong những năm sống ở Mỹ, hàng trăm ngàn sinh viên Trung Quốc tạo lập nên cộng đồng này, họ có cơ hội được sống trong hoàn cảnh mới, có cơ hội thay đổi quan điểm của mình và học được những kỹ năng mới. Thường thì cuộc sống ở Mỹ và kinh nghiệm mà họ thu được, dù muốn dù không, cũng được nhìn nhận qua lăng kính của các mối quan hệ thù địch giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng, đối với nhiều sinh viên Trung Quốc mọi sự không đơn giản như vậy. “Tôi thích Mỹ – một người tham gia cuộc khảo sát viết. Nhưng tôi yêu Trung Quốc – đây là quê hương tôi”.