Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

Bình Ngô đại cáo: vấn đề dịch giả và dịch bản


Nguyễn Đăng Na, TC Han Nom 5/2002
Trong bài Bình Ngô đại cáo (BNĐC): một số vấn đề về văn bản(1) chúng tôi đã trình bày và chứng minh hai luận điểm quan trọng:
1. Bài Bình Ngô đại cáo trong Bản kỷ thực lục sách Đại Việt sử ký toàn thư là văn bản có độ tin cậy cao nhất. Tại văn bản này không có câu “Đại Thiên Hành Hóa hoàng thượng nhược vân” [       ] thậm chí hai chữ “cái văn” [ ] cũng chẳng hề có. Ngô Sĩ Liên chỉ viết: “Đế đã dẹp yên giặc Ngô, Đại cáo với thiên hạ. Bài văn ấy như sau: Việc nhân nghĩa...”(2)
2. Bốn chữ “Đại Thiên Hành Hóa” [   ] là hiệu của Lê Lợi do các tướng tôn xưng ngài sau chiến thắng Tân Bình, Thuận Hóa năm 1425. Tôn hiệu này tồn tại cho tới khi quân Minh hoàn toàn bại trận năm 1427. Sau đấy Lê Lợi lên ngôi, đặt niên hiệu là Thuận Thiên.
Trên cơ sở hai luận điểm trên, trong bài này, chúng tôi giải quyết tiếp vấn đề quan trọng khác: dịch bản và dịch giả BNĐC.
Nếu thống kê đầy đủ có lẽ số bản dịch BNĐC đến nay phải lên tới hàng trăm. Đặc biệt, sau lễ kỉ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi, các nhà dù biết chữ Hán uyên thâm hay chỉ biết võ vẽ đều đua nhau “dịch lại” BNĐC. Rồi nào là Tuyển tập,nào là Tổng Tập, nào là các sách Nguyễn Trãi - Thăng Long - Hà Nội, Nguyễn Trãi toàn tập..., mỗi dịch giả đều cố gắng góp thêm trí tuệ của mình với mong muốn làm sao có được bản “thiên cổ hùng văn” hoàn thiện nhất. Song một vấn đề ít được quan tâm là, bản dịch nào ra đời sớm nhất, do ai dịch và bản dịch của ai đang chi phối đông đảo thế hệ bạn đọc ? Tổng kết hai vấn đề đó quả là cần thiết, không chỉ giúp các nhà đang biên soạn sách giáo khoa có chỗ dựa, mà còn chống lại tệ nạn “đạo văn” dưới mọi hình thức hoặc xào xáo các bản dịch của tiền nhân, rồi đề tên mình vào, khi bị bắt quả tang thì vội chối ngay rằng, tôi không biết có bản dịch này, hoặc bản dịch kia không ghi ký hiệu sách, còn bản dịch của tôi có ký hiệu sách hẳn hoi... Đấy cũng là mục đích của bài viết này. Xin bắt đầu bằng vấn đề thứ nhất:
1- Ai là người đầu tiên dịch BNĐC ra chữ quốc ngữ đương đại ?
Theo tư liệu chúng tôi sưu tầm được thì, người đầu tiên dịch BNĐC ra chữ quốc ngữ hiện đại là Trần Trọng Kim. Ông công bố bản dịch này trong sách Sơ học An Nam sử lược do phổ thông giáo khoa thư xã xuất bản năm 1916 tại Sài Gòn. Có lẽ, đây là quyển sách giáo khoa đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ có dạy bài BNĐC. Với tính chất dùng cho cấp “sơ học”, Trần Trọng Kim chủ yếu chỉ lược dịch và ông cũng nói rõ điều đó: “Bình Định vương dẹp xong giặc Minh rồi, bèn làm tờ cáo cho thiên hạ biết. Tờ bá cáo ấy đại lược nói rằng: ...”(3). Tuy dịch theo lối “đại lược”, nhưng bản này đáng được lưu ý vì trước hết, đó là bản dịch đầu tiên và được dùng làm cơ sở cho bản chính thức giảng dạy trong các trường Việt Nam sau này. Hơn nữa, bản lược dịch này, còn là một gợi ý cho các nhà làm sách giáo khoa về cách lựa chọn những đoạn văn quan trọng nhất để dạy cho học sinh nếu như trong chương trình quy định chỉ học trích đoạn BNĐC. Bởi vậy, chúng tôi thấy cần giới thiệu bản dịch này. Dưới đây là toàn văn bản lược dịch:
Việc “nhân nghĩa” cốt ở yên dân, quân “điếu phạt” không gì bằng trừ bạo.
“Nước Đại Việt ta, thật là một nước văn hiến; kể từ Triệu, Đinh, Lý, Trần mấy đời gây dựng ra nước; so với Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi đàng làm đế một phương.
“Mới rồi, chỉ vì họ Hồ cơ cầu; đến nỗi lòng người ta oán nhà Minh nhân dịp hở, thừa thế hại dân; lũ ác rắp mưu gian, đem lòng bán nước. Kiếm cách lừa dối thiên hạ kể nghìn muôn lối gớm ghê; gẫm từ gây việc binh đao đã hai mươi năm tai vạ. Nhân nghĩa vứt đi hết, thế giới đến thế thì thôi ! Thuế má vét cho nhiều, núi sông chẳng còn gì cả ! Thần nhân đều lấy làm giận, trời đất cũng không thể dung !
“Ta đây, phát tích từ núi Lam-sơn, ẩn thân ở chỗ hoang dã. Đau lòng nát ruột, chốc đà mười mấy năm trời, ngậm đắng nuốt cay, nào phải một ngày nay đó ! Đương khi cờ nghĩa mới nổi, chính lúc thế giặc vẫn hăng. Lương chứa Linh - sơn, mấy tuần đã cạn, quân tan Côi - huyện một đứa chẳng còn. Tụ tập mấy lũ lưu dân vác cần câu mà đánh giặc, gắn bó một lòng phụ tử, rót rượu ngọt để khao quân.
“Thành ra: Vì đại nghĩa mà thắng được hung tàn, lấy chí nhân mà thay cho cường bạo, kẻ kia bó tay mà ngồi chịu chết; quân ta không đánh mà giặc phải tan. Bọn tướng giặc đã bị bắt rồi, van lạy xin thương làm phúc; bụng hiếu sinh ta cũng mở rộng, thần vũ chẳng giết làm gì. Kìa Tham tướng Phương Chính, kìa Nội quân Mã Kỳ, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, lúc qua sông mà hãy còn mất vía; nọ Tổng binh Vương Thông, nọ Tham chính Mã ánh, cấp cho mấy nghìn con ngựa, khi về nước mà vẫn còn giật mình. Họ đã sợ chết tham sống mà xin cùng ta giảng hòa: ta lấy toàn quân là hơn mà muốn cùng dân yên nghỉ.
“Cho hay:
“Ba quân đã đến ngày đại định, kỷ niệm công vô địch về sau.
“Bốn bể gây nên cuộc thái bình bá cáo lời duy tân từ đó !”(4)
Với tính chất minh họa cho quyển “sử luợc” dùng để dạy đối tượng “sơ học”, dịch như vậy là đủ.
Xin sang vấn đề thứ hai:
2- Ai là dịch giả bài BNĐC đang được lưu hành trong nhà trường hiện nay ? Vấn đề tuy nhạy cảm và tế nhị nhưng không thể không bàn.
Từ bản dịch đầu tiên của Trần Trọng Kim năm 1916 đến nay, BNĐC có tới hàng trăm bản dịch khác nhau nhưng chung quy có thể chia chúng làm ba loại:
a) Loại thứ nhất do từng tác giả tự dịch và ghi rõ tên tuổi của mình. Loại này chiếm số lượng rất lớn, chẳng hạn các bản Cao Huy Giu trong Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) tập 3 (KHXH, H. 1968, tr.51-55); Văn Tân trong Nguyễn Trãi toàn tập (KHXH, H. in lần 2, 1976, tr.77-82); Lê Văn Uông trong Lam Sơn thực lục (Ty Văn hóa, Thanh Hóa, 1976, tr.256-259): Bùi Hạnh Cẩn trong Nguyễn Trãi Thăng Long Hà Nội (Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, 1980, tr.208-214); Hoàng Văn Lâu trong ĐVSNTT bản Chính Hòa 18 (KHXH, H. 1985, tr.284-289); Ngô Linh Ngọc - Mai Quốc Liên trong Nguyễn Trãi toàn tập tân biên tập 2 (Văn học và Trung tâm Quốc học, H. 2001, tr.37-42) v.v và v.v...
b) Loại thứ hai bản mà lâu nay ta vẫn gọi là do Bùi Kỷ dịch hoặc do người đời sau dựa vào bản gọi là của Bùi Kỷ để dịch và hiệu đính lại, như các bản trong Việt Nam Văn học sử yếu (Nha Học chính Đông - Pháp xb. H. 1943, tr.259-262),Văn học10 tập 1 (Nxb. Giáo dục, H. 2002, tr.118-126 ), Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập 2 (Nxb. Văn hóa, H. 1962, tr.253-260; In lại lần 2, Nxb. Văn học, H. 1976, tr.363-372); Ức trai di tập (KHXH và Mũi Cà Mau xb. 1994, tr.136-145); Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 4 (Nxb. KHXH, H.1995, tr.65-73)...
c) Loại thứ ba, tổng hợp các bản dịch từ trước tới nay và đối chiếu với nguyên văn chữ Hán để sửa chữa, thay đổi, hiệu chỉnh... Số lượng loại này không nhiều, chẳng hạn bài trong Văn học 9 tập 1 (Nxb. Giáo dục, H. 2002, tái bản lần thứ 12, tr.14-23); Trùng san Lam Sơn thực lục (Nxb. KHXH, H. 1992, tr.56-62)...
Tuy chia làm ba loại, nhưng các bản dịch tựu trung bản có hai đặc điểm:
- Thứ nhất, các bản gọi là “tự dịch”, trừ một số rất ít, còn nhìn chung đều chịu ảnh hưởng khá nặng nề của văn bản mà lâu nay ta thường cho là Bùi Kỷ dịch. Xin đưa ra hai ví dụ.
+ Bản Lê Văn Uông dịch:
... “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân 
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo 
Như nước Đại Việt ta từ trước 
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu 
Cõi bờ sông núi đã riêng 
Phong tục Bắc Nam cũng khác 
Trải Đinh, Lê, Lý, Trần nối đời dựng nước 
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương 
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau 
Mà hào kiệt không đời nào thiếu”...(5)
+ Bản Bùi Hạnh Cẩn dịch:
... “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn 
Đem chí nhân thay cường bạo 
Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật 
Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay 
Sĩ khí đã hăng 
Quân thanh lừng lẫy... ”(6)
- Thứ hai, hệ thống văn bản gọi là của Bùi Kỷ hoặc dựa vào bản gọi là của Bùi Kỷ để dịch và hiệu đính lại..., đã được đưa vào sách giáo khoa chính thức giảng dạy trong nhà trường từ trước đến nay. Bởi vậy, rất nhiều thế hệ thầy cô giáo và học trò thuộc lòng. Vả chăng, loại văn bản này do âm vang hùng tráng, lại đúng với lối văn tứ lục, nên chỉ cần qua một lượt là đã thuộc lòng ngay. Mà các dịch giả sau này đều qua sự đào tạo của nhà trường thì dù muốn hay không khi dịch lại BNĐC, âm hưởng của bản dịch kia từ trong tiềm thức xa xôi thuở cắp sách tới trường trỗi dậy, len lỏi một cách vô thức vào bản dịch mới. Hai đoạn trích trên kia là những minh chứng. Từ đó, ta thấy vị trí của bản dịch mà lâu nay ta vẫn cho là do Bùi Kỷ dịch có vị trí vô cùng quan trọng. Nhưng rồi một câu hỏi được đặt ra: Liệu bài dịch này có phải là của Bùi Kỷ không ? Câu hỏi nghe ra có vẻ giật gân và bất kính. Nhưng khoa học là khoa học. Hơn nữa, sự nhầm lẫn trong khoa học là chuyện không có gì lạ và cũng thường hay xẩy ra. Chỉ có điều, nếu chưa biết thì thôi, còn nếu biết rồi thì không thể không đính chính. Do đó, ta hãy kiểm tra lại hệ thống tư liệu.
Năm 1916, Trần Trọng Kim đã lược dịch BNĐC. Ba năm sau - năm 1919, ông dịch toàn văn và công bố trong Việt Nam sử lược. Năm 1928, Việt Nam sử lược được tái bản. Trong tập 1, từ trang 204 đến trang 213, tác giả dành riêng choBNĐC với lời giới thiệu: “Bình Định vương dẹp xong giặc Minh rồi, sai ông Nguyễn Trãi làm tờ bá cáo cho thiên hạ biết. Tờ BNĐC này bằng Hán văn, là một bản văn chương có có giá trị trong thời Lê”(7). Từ trang 205 đến hết trang 209 là nguyên văn chữ Hán bài BNĐC và tiếp theo là bài dịch (từ trang 210 đến trang 213). Để bạn đọc có tư liệu đối chứng chúng tôi xin in lại toàn văn bài dịch BNĐC của Trần Trọng Kim kể cả các chú thích của ông theo đúng lối viết chính tả thời đó:
“Tượng mảng:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt chỉ vì khử bạo. Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã chia, phong tục bắc nam cũng khác. Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, gây nên độc lập, cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, hùng cứ một phương. Dẫu cường nhược có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có.
Vậy nên:
Lưu Cung sợ uy mất vía, Triệu Oa nghe tiếng giật mình. Cửa Hàm Tử giết tươi Toa - Đô, sông Bạch Đằng bắt sống Ô Mã. Xét xem cổ tích đủ có minh trưng(8).
Vừa rồi:
Vì họ Hồ chính sự phiền hà, để trong nước nhân dân oán bạn. Quân cuồng Minh đã thừa tứ ngược(9), bọn gian tà còn bán nước cầu vinh. Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ. Chước dối đủ muôn nghìn khóe, ác chứa ngót hai mươi năm. Bại nhân nghĩa nát cả càn khôn, nặng khoa liễm(10) vét không sơn trạch: Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống bể mò châu. Nào hố bẫy hươu đen, nào lưới dò chim chả. Tàn hại côn trùng thảo mộc, nheo hóc thay ! quan quả điên liên(11). Kẻ há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán. Nay xây nhà mai đắp đất, chưn tay nào phục dịch cho vừa. Nặng nề về những nỗi phu phen, bắt bớ mất cả nghề canh cửi. Độc ác thay ! trúc rừng không ghi hết tội, dơ bẩn thay ! nước bể khôn rửa sạch mùi. Lẽ nào trời đất tha cho, ai bảo thần nhân nhịn được.
Từ đây:
Núi Lam-sơn dấy nghĩa, chốn hoang giã nương mình. Ngắm non sông căm nỗi thế thù, chết cùng quân nghịch tặc. Đau lòng nhức óc, chốc là mười mấy nắng mưa, nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối. Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh, ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ. Những trằn trọc trong cơn mộng mị, chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi. Vừa khi cờ nghĩa dấy lên, chính lúc quân thù đang mạnh.
Lại ngặt vì:
Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu. Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần, nơi duy ác hiếm người bàn bạc. Đòi phen vùng vẫy, vẫn đăm đăm con mắt dục đông(12), mấy thuở đợi chờ, luống đằng đẵng cỗ xe hư tả(13). Thế mà trông người người càng vắng ngắt, vẫn mịt mờ như kẻ vọng dương(14), thế mà tự ta ta phải lo toan, thêm vội vã như khi chửng nịch(15) Phần thì giận hung đồ ngang dọc, phần thì lo quốc bộ khó khăn. Khi Kinh-sơn lương hết mấy tuần, khi Khôi-huyện quân không một đội. Có lẽ trời muốn trao cho gánh nặng, bắt phải trải qua bách chiết thiên ma, cho nên ta cố gắng gan bền, chấp hết cả nhất sinh thập tử. Múa đầu gậy, ngọn cờ phấp phới, ngóng vân nghê bốn cõi đan hồ. Mở tiệc quân, chén rượu ngọt ngào, khắp tướng sĩ một lòng phụ tử. Thế giặc mạnh, ta yếu mà ta địch nổi, quân giặc nhiều ta ít mà được luôn.
Dọn hay:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo. Trận Bồ - Đằng sấm vang sét dậy, miền Trà Lân trúc phá tro bay. Sĩ khí đã hăng, quân thanh càng mạnh. Trần Trí, Sơn Thọ mất vía chạy tan, Phương Chính, Quí An tìm đường trốn tránh. Đánh Tây - kinh phá tan thế giặc, lấy Đông-đô thu lại cõi xưa. Dưới Ninh-kiều máu chảy thành sông, bến Tụy-động xác đầy ngoài nội. Trần Hiệp đã thiệt mạng, Lý Lương lại phơi thây. Vương Thông hết cấp lo lường, Mã Anh khôn đường cứu đỡ. Nó đã trí cùng lực kiệt, bó tay không biết tính sao, ta đây mưu phạt tâm công, chẳng đánh mà người chịu khuất. Tưởng nó phải thay lòng đổi dạ, hiểu lẽ tới lui, ngờ đâu còn kiếm kế tìm phương, gây mầm tội nghiệt. Cậy mình là phải, chỉ quen đổ vạ cho người, tham công một thời, chẳng bõ bày trò dở duốc. Đến một đứa trẻ ranh như Tuyên-đức, nhàm võ không thôi, lại sai đồ dút dát như Thành, Thăng, đem dầu chữa cháy. Năm Đinh Mùi tháng chín Liễu Thăng từ Khâu-ôn tiến sang, Mộc Thãnh từ Vân-nam kéo đến. Ta đã điều binh giữ hiểm để ngăn lối Bắc quân, ta lại sai tướng chẹn ngang để tuyệt đường lương đạo. Mười tám, Liễu Thăng thua ở Chi-lăng, hai mươi, Liễu Thăng chết ở Mã-yên. Hai mươi lăm, Lương Minh trận vong, hai mươi tám, Lý Khánh tự vẫn. Lưỡi đao ta đang sắc, ngọn giáo giặc phải lùi. Lại thêm quân bốn mặt vi thành, hẹn đến rằm tháng mười duyệt tặc. Sĩ tốt ra oai tì hổ, thần thứ đủ mặt trảo nha. Gươm đã mài, đá núi cũng mòn, voi uống nước, nước sông phải cạn. Đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông. Cơn gió to trút sạch lá khô, tổ kiến hổng sụt toang đê cũ, Thôi Tụ phải quỳ mà xin lỗi, Hoàng Phúc tự trói để ra hàng. Lạng-giang, Lạng-sơn thây chất đầy đường, Xương-giang, Bình-than máu trôi đỏ nước. Ghê gớm thay ! sắc phong vân cũng đổi, thảm đạm thay ! sáng nhật nguyệt phải mờ. Binh Vân-nam nghẽn ở Lê-hoa, sợ mà mất mật, quân Mộc Thãnh tan chưng Thăng-trạm chạy để thoát thân. Suối máu Lãnh-cân nước sóng rền rĩ, thành xương Đan-xá, cỏ nội đầm đìa. Hai mặt cứu binh, cắm đầu trốn chạy, các thành cùng khấu, cổi giáp xuống đầu. Bắt tướng giặc mang về, nó đã vẫy đuôi phục tội, thể lòng trời bất sát, ta mở đường hiếu sinh. Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho giăm trăm chiếc thuyền, ra bến bể chưa thôi trống ngực. Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến Tàu còn đổ mồ hôi. Nó đã sợ chết cầu hòa, ngỏ lòng thú phục, ta muốn toàn quân là cốt, cả nước nghỉ ngơi.
Thế mới là mưu kế thật khôn, vả lại suốt xưa nay chưa có. Giang san từ đây mở mặt, xã tắc từ đây vững nền. Nhật nguyệt hối mà lại minh, càn khôn bĩ mà lại thái. Nền vạn thế xây nên chắc chắn, thẹn nghìn thu rửa sạch làu làu. Thế là nhờ trời đất tổ tôn khôn thiêng che chở giúp đỡ cho nước ta vậy.
Than ôi !
Vẫy vùng một mảnh nhung y, nên công đại định, phẳng lặng bốn bề thái vũ, mở hội vĩnh thanh. Bá cáo xa gần, ngỏ cùng nghe biết.”
Xin hãy đối chiếu bài này với bài mà lâu nay ta vẫn gọi là bản Bùi Kỷ xem chúng có gì khác nhau ? Rõ ràng, hai bài giống hệt nhau từng dấu chấm dấu phẩy. Thế thì tại sao đang từ Trần Trọng Kim lại bị biến thành Bùi Kỷ ?
Vốn là, năm 1943 khi biên soạn Việt Nam văn học sử yếu Dương Quảng Hàm đã sử dụng lại bản dịch BNĐC từ sách Quốc văn cụ thể của Bùi Kỷ. Nhưng cái chính là, ở cuối bản dịch, Dương Quảng Hàm lại ghi: “Bùi Kỷ dịch. Quốc văn cụ thể (Tân Việt Nam thư xã Hà Nội)”(16). Vì sao Dương Quảng Hàm viết như vậy ? Có lẽ bởi ông hiểu nhầm câu giới thiệu về BNĐC của Bùi Kỷ. Trong Quốc văn cụ thể, Bùi Kỷ dùng bài dịch BNĐC của Trần Trọng Kim với mục đích minh họa cho lý thuyết về văn tứ lục và mở đầu bài dịch, giới thiệu: “Bài này dịch theo bài chữ Nho, ở trong bộ Hoàng Việt văn tuyển”(17). Thực ra, lời giới thiệu ấy là ông Bùi Kỷ nhắc lại ý của Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược; bởi trước khi dịch BNĐC, ông Trần Trọng Kim cho in toàn văn bản chữ Hán và giải thích: “tờ BNĐC này làm bằng chữ Hán (...). Nay theo nguyên văn ở trong bộ Hoàng Việt văn tuyển mà chép ra như sau này”(18). Khi nhắc lại ý của Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ chẳng ngờ bị người đời sau đó hiểu lầm cho rằng, ông bảo chính ông dịch BNĐC từ Hoàng Việt văn tuyểncủa Bùi Huy Bích. Sự hiểu lầm trên kéo dài đã 60 năm ! Nếu không đính chính thì sách giáo khoa còn ghi mãi câu “Bùi Văn Nguyên dịch dựa theo bản dịch của Bùi Kỷ”.
Chúng tôi biết rằng, dù có bớt đi một bài dịch của Bùi Kỷ hoặc có thêm một bài dịch cho Trần Trọng Kim thì cũng chẳng hề làm tăng hoặc giảm uy tín khoa học của hai ông. Râu ai thì trả về cằm người nấy. Tuy nhiên bài viết này dựa trên tư liệu chúng tôi hiện có. Nếu như quý vị độc giả nào, tìm được tư liệu ngược lại thì xin phủ chính cho, chúng tôi vô cùng biết ơn và thành thực xin lỗi bạn đọc.
Trên đây là vấn đề về dịch giả  dịch bản. Những vấn đề chữ nghĩa của bài BNĐC chúng tôi sẽ trình bày tiếp trong một bài viết khác.

N.Đ.N
CHÚ THÍCH
(1) Nguyễn Đăng Na: Bình Ngô đại cáo: một số vấn đề về văn bản, Tạp chí Hán Nôm, số 4 (53) - 2002, tr.40-44.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập V, KHXH, H. 1993. Nguyên văn đoạn này như sau: “Đế ký bình Ngô, Đại cáo thiên hạ, kì văn viết: Nhân nghĩa chi cử...”.
(3) Trần Trọng Kim: Sơ học An Nam sử lược, Phổ thông giáo khoa thư xã, SG., in lần đầu năm 1916, quyển 2, tr.173.
(4) Trần Trọng Kim: Sđd., tr.173-174.
(5) Lam Sơn thực lục, Ty Văn hóa Thanh Hóa, Sđd., tr.256.
(6) Nguyễn Trãi Thăng Long Hà Nội, Sở Văn hóa - Thông tin, H., Sđd., tr.211.
(7) Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, Nhà in Vĩnh Thành, 1928.
(8) Minh trưng: chứng cớ rõ ràng.
(9) Tứ ngược: hết sức làm tàn ngược.
(10) Khoa liễm: thuế má.
(11) Quan: người góa vợ; quả: người góa chồng; điên liên: những kẻ không có nhà ở, không trông cậy vào đâu được.
(12) Dục đông: ý nói muốn về lấy Đông Đô.
(13) Hư tả: cỗ xe để không bên tay trái để đợi người hiền.
(14) Vọng dương: trông ra biển không thấy gì.
(15) Chửng nịch: vớt người chết đuối.
(16) Dương Quảng Hàm: Việt Nam văn học sử yếu, Nha Học chính đông - Pháp xb, H., in lần đầu năm 1943, tr.262.
(17) Bùi Kỷ: Quốc văn cụ thể, Tân Việt Nam thư xã, H., in lần đầu 1932, tr.96.
(18) Trần Trọng kim: Việt Nam sử lược, Sđd., tr.204