Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

Từ án tử cho 6700 cây xanh Hà Nội, nghĩ về đặc tính tinh thần của cây

Nguyễn Vũ Hiệp

Phải đến khi 6700 cây xanh Hà Nội đồng loạt đứng trước mũi rìu, ta mới nhận thấy một hiện tượng mà ngày thường ít người để tâm: có một mối liên kết vô hình mà vững bền giữa cây xanh và những cư dân sống quanh chúng. Liên kết này mạnh hơn quyền lợi vật chất: người Hà Nội đã hành động quả quyết để bảo vệ cây cối, dù họ chỉ im lặng trước nền giáo dục, công nợ và giá xăng. Liên kết này cũng mạnh hơn tình cảm quyến luyến đơn thuần: cây khiến con người xót xa hơn sự mai một của một phong cảnh cũ. Bạn tôi nói rằng trong những ngày cây xanh bị chặt, dù chưa đọc báo, cô đã mơ hồ cảm thấy như mình mất một người thân. Như thế, cây là một sinh thể có các đặc tính tinh thần, hơn là một khúc gỗ trơ chỉ để che mưa che nắng.

Trong nền văn hóa của nhiều quốc gia, cây là một biểu tượng nổi bật. Cây được dùng làm mô hình mô tả vũ trụ và sự sống trong cả huyền môn Do Thái lẫn thần thoại Bắc Âu. Trong tôn giáo Ai Cập cổ, hai vị thần Isis và Orisis được sinh ra từ một cây keo – loại cây “mang cả sự sống lẫn cái chết bên trong mình”. Ở Địa Trung Hải, cây sồi được xem như hiện thân của sao Mộc và thần Zeus. Thần thoại Hy Lạp nhắc đến Hamadryad – những nữ thần sinh ra từ tinh khí của cây. Tương tự, Phật giáo mô tả Gandhaba (Càn-thát-bà), các tiểu thần trú ngụ trong rễ, cành và thân cây gỗ.

clip_image001

Họa tiết cây của người Celt, hàm ý rằng vạn vật trong thế giới đều gắn kết với nhau

Nền văn hóa Celt bị cây lũng đoạn. Người Celt cổ sống quanh cây và thờ tự qua cây. Họ xem cây là nơi loài tiên (fairy) trú ngụ, và là cổng trung gian cho những quyền năng phi thường. Theo ghi chép hồi thế kỉ 1 của một nhà địa lý Strabo, người Celt phủ kín những vùng đất thiêng bằng cây sồi, và tiến hành nghi lễ dưới gốc cây lâu năm nhất. “Dru-” – cây sồi – cũng là từ gốc để hình thành “druid” – tầng lớp tăng lữ Celt cổ. Một thái độ tương tự với cây cối có thể được bắt gặp trong Thần đạo Nhật Bản (Shinto). Người Nhật xem thiên nhiên là thiêng liêng, và giao tiếp với thiên nhiên là cách giản dị nhất để gần gũi với các vị thần. Nhiều loại cây thiêng, như sakaki, được dùng làm vật dẫn giao tiếp. Không ít đền thờ được xây gần “thần mộc” (shinboku) – những cây to trong vùng linh địa. Khi các thầy tu cử hành nghi lễ, một dây yorishiro được thắt quanh thần mộc, biến cây thành một cơ thể vật lí cho các vị thần trú chân.

clip_image003

Một thần mộc trong đền thờ Shinto

Các bậc chứng ngộ đều rất chuộng các gốc cây. Sau ba ngày ba đêm thiền định dưới gốc cây bồ đề, Phật Thích Ca thức tỉnh. Jesus cầu nguyện trong vườn cây dầu suốt đêm trước ngày bị bắt. Trang Tử ví lời mình như cái cây to giữa đồng rộng, không sợ búa rìu, không chết yểu, tỏa bóng mát che chở khách tiêu dao.

Những cái cây xứng đáng với thái độ quí trọng này. Tri thức cổ xưa khẳng định rằng trong đời sống tinh thần của vạn vật quanh ta, cây là một trong những cột trụ quan trọng nhất.

Tượng của cây là một nét thẳng. Trái với mọi dạng hình học khác, đường thẳng tạo thành một mạch dẫn năng lượng nguyên vẹn – không biến đổi, phá vỡ, thu lại hay khuếch tán ra. Bởi thế mà trong phong thủy, Mộc – nét thẳng – mang lại sự nuôi dưỡng và sinh sôi. Tượng Mộc tương ứng với mùa xuân cũng vì lí do đó. Sách Lã Thị Xuân Thu chép rằng trong tiết Đông Chí, khí trời rút lên, khí đất thu lại, thiên nhiên lui vào giấc ngủ để chuẩn bị cho một chu kì mới sắp bắt đầu. Khi tiết xuân sang, khí trời và khí đất gặp nhau, trời đất giao hòa, khiến muôn vật lại tươi tốt. Cây – đường thẳng nối liền trời và đất, không có lí trí như động vật và con người, cũng đóng vai trò tương tự. Chúng là mạch truyền nối liền trời và đất, là những sinh thể ẩn chứa mùa xuân. Tán và rễ cây tạo ra những trường năng lượng thuần khiết, làm giảm bớt năng lượng tiêu cực gây ra bởi động vật và con người. Bởi vậy, những thành phố có nhiều cây xanh thường mang đến cho mọi người một cảm giác bình yên hiếm thấy.

Vì kết nối đất trời, cây cũng trở thành trụ đỡ cho kết nối của con người với vũ trụ và vạn vật. Không đáng ngạc nhiên, khi có một loại cây được đặt cho cái tên mang từ “giác” trong “giác ngộ” – cây bồ đề (bodhi).

Người Việt cũng từng chia sẻ một nền văn hóa quí trọng cây. Tín ngưỡng cổ của Việt Nam xoay quanh những nhiên thần như thần sông, cây, đá. Cây đã để lại nhiều dấu vết rải rác trong hệ thống tâm linh hiện tại – từ cái tên Tản Viên của vị thần núi cai quản Bắc Bộ đến hòn đá giữa thân cây cổ thụ được tạc thành Tứ Pháp chùa Dâu. Tuy vậy, theo đà thâm nhập của Khổng giáo Trung Hoa, lớp nhiên thần địa phương dần dần lép vế. Ngót một nghìn năm, đám nho sinh sùng tín đã dành mọi cố gắng có thể để hoặc tiêu diệt những vị thần hoang dã, hoặc thay đổi tích truyện nhằm chụp cho họ cái lốt thần nhân. Mục đích trên hết là đồng hóa các nhiên thần, buộc họ phải sáp nhập vào hệ thống Thiên Đình Trung Hoa – một hệ thống tập quyền dành mọi vinh quang cho các thiên thần trung tâm và nhân thần dưới trướng. Sau một nghìn năm, người Việt lãng quên cái gốc nhiên thần, và cũng quên luôn thiên nhiên đã từng bao bọc, chở che, nuôi dưỡng họ. Hệ thống tinh thần của Việt Nam hiện tại là một hệ thống mất cân đối, trong đó quyền năng lấn át trí huệ, con người áp đảo thiên nhiên.

Dù có hay không tác động của ngoại lực, một hệ thống bất cân đối cũng không thể vững bền. Rơi vào làn sóng vật chất phương Tây, quan hệ thân thuộc giữa đất và người Việt Nam đang gãy đổ nhanh chóng.

Nếu án tử cho 6700 cây xanh Hà Nội được thực thi, chúng ta sẽ phải đối mặt với hai hệ quả tinh thần nghiêm trọng. Thứ nhất, cần nhớ rằng cây là nơi trú ngụ của một lượng rất lớn những vong hồn và tinh linh. Công cuộc chặt hạ của chính quyền thành phố không khác gì một cuộc ném bom rải thảm trong thế giới linh hồn. Tình trạng hỗn loạn gây ra sẽ làm rối ren thêm những nhiễu nhương đang sẵn có. Thứ hai, Hà Nội là nơi giao nhau của nhiều địa mạch quan trọng. Chặt cây Hà Nội là cách đơn giản nhất để cắt mạch khí của quốc gia. Khi thủ đô hứng thêm một đòn tương tự vụ “vỡ cọc trấn yểm” hồi trước, không ai biết có thể xảy ra chuyện gì.

May cho chúng ta, khi phần thắng đã nằm trong tay những ai gắn bó với mảnh đất này, biết yêu thương và bảo vệ những điều thân quí nhất.

Nguồn: http://bookhunterclub.com/tu-an-tu-cho-6700-cay-xanh-ha-noi-nghi-ve-dac-tinh-tinh-than-cua-cay/