Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

TỘI ÁC CỦA GIÁO VIÊN THOÁI HOÁ

Trần Thế Công

Theo truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của người dân Việt Nam, nghề giáo luôn được coi là một nghề cao quý; và những người giáo viên luôn nhận được sự yêu quý, kính trọng từ tất cả mọi người bởi phẩm chất cao thượng, trí tuệ uyên bác và lối sống mẫu mực của họ. Thế nhưng trong giai đoạn xã hội suy thoái về nhiều mặt như hiện nay, có không ít những giáo viên bị xuống cấp về đạo đức, về năng lực, về năng lực hành vi, và trở thành những cản trở, gánh nặng không hề nhẹ đổ lên tuổi thơ của nhiều thế hệ học trò.

Trong tác phẩm “Đời thừa”, Nam Cao đã có chia sẻ rằng: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương, nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”. Bởi văn chương vốn được coi là món ăn tinh thần của rất nhiều con người, góp phần làm nên nhân cách của rất nhiều con người. Nếu Nam Cao có sống ở thời đại bây giờ, chứng kiến sự thoái hoá của một bộ phận giáo viên bây giờ, có lẽ ông sẽ phải chua xót mà viết thêm vào câu văn của mình rằng “Còn sự cẩu thả trong giáo dục thì thật sự là một tội ác”.

Chúng ta cảm nhận rất rõ tội ác của những kẻ đầu độc chúng ta bằng thực phẩm bẩn, bằng hoá chất độc hại thải ra môi trường sống của chúng ta. Và những người giáo viên thoái hoá kia, họ chưa bao giờ bị coi là những kẻ độc ác, nhưng họ đang âm thầm đầu độc tâm hồn trẻ thơ bằng tất cả những mặt trái trong nhân cách của họ, nô lệ trí óc trẻ thơ bằng tất cả những khiếm khuyết trong kiến thức và tư duy của họ…

Là một người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; chứng kiến, chịu đựng và đơn độc chống lại những tội ác của họ đối với các học sinh của mình, tôi thường xuyên cảm thấy sự bất lực và thất bại. Bởi vậy, tôi xin chia sẻ hiểu biết của tôi về những tội ác này, hi vọng nhận được sự đồng cảm từ những đồng nghiệp hay những bậc phụ huynh học sinh, và hi vọng hơn nữa là có ai đó đứng lên cùng tôi đấu tranh với những kẻ thủ ác trong hàng ngũ người thầy.

1. Dạy ít, thi nhiều & học thêm.

Đây là bộ công cụ của những kẻ “làm tiền”, xuất hiện không chỉ trong giáo dục mà cả trong y tế, và trong nhiều lĩnh vực dịch vụ khác nữa. Nhưng trong giáo dục, bộ công cụ này gây tác hại nặng nề lên trẻ.

Từ lâu, nhiều người giáo viên tin rằng mình là người giỏi và vì thế có quyền hưởng nhiều lợi ích hơn những ngành nghề khác. Nhưng họ không phải là người thầy, họ chỉ là những “thợ dạy”. Và “thợ dạy” thì không cần nhiều kỹ năng hơn một thợ xây. Nhưng họ không cho rằng như vậy, họ cần nhiều tiền hơn mức lương mà nhà nước quy định, họ nghĩ đến kiếm thu nhập ngoài. Họ nghĩ đến việc dạy thêm.

Để học sinh chịu đi học thêm, họ tìm cách gia tăng áp lực và nỗi lo lắng đối với học sinh cũng như với phụ huynh học sinh. Cách hiệu quả nhất là và thông dụng nhất là đánh vào điểm số. Cho điểm thấp những học sinh không đi học thêm và cho điểm cao những học sinh đi học thêm chỗ mình, học sinh sẽ tự nhận thấy cần phải đi học thêm. Cộng thêm với những lời nhắc nhở khéo, gợi ý khéo cho phụ huynh học sinh trong mỗi kỳ họp hoặc trong những cuộc trao đổi riêng, phụ huynh sẽ tiếp tay gây thêm áp lực để con cái phải đi học.

Nhưng không phải đứa trẻ nào đi học thêm cũng giỏi và đứa trẻ nào không đi học thêm cũng dốt. Nhiều đứa trẻ thông minh có khả năng tự học sẽ hoàn thành tốt bài thi trên lớp mà không cần đi học thêm. Chỉ cần một vài em học sinh như vậy trong một lớp thôi cũng sẽ tiếp động lực cho nhiều em khác không đi học thêm. Cần phải loại trừ những học sinh này.

Cách loại trừ những học sinh giỏi, một là dạy chúng ít đi và hời hợt đi, dạy không đủ lượng kiến thức cần thiết, hoặc thậm chí dạy chúng không đúng với kiến thức chuẩn để chúng có thể không biết hoặc mắc sai lầm ở những bài kiểm tra. Cho dù học sinh tiếp thu nhanh đến đâu, tự học tốt đến đâu mà bị tiếp nhận kiến thức sai, trình bày sai với cách mà giáo viên quy định thì cũng không thể điểm cao được.

Vẫn có những đứa trẻ đủ giỏi để thích nghi và qua mặt được chiêu trò này trong các bài kiểm tra. Một biện pháp cuối cùng dành cho chúng là ra những đề thi tréo nghoe, lắt léo để một học sinh dù có giỏi đến đâu cũng không thể làm tốt được. Còn những học sinh đi học thêm ở nhà thì sẽ được làm trước hoặc làm những bài tương tự như thế để có kinh nghiệm.

clip_image001

Babadook - Quái vật ăn nỗi sợ. Một hình ảnh của giáo viên thoái hoá trong mắt học trò.

Sau cùng thì mọi học sinh đều phải thừa nhận rằng cần đi học thêm để có điểm cao.

Người giáo viên thành công trong việc ép học sinh đi học thêm, thành công trong việc kiếm được nhiều tiền hơn từ các phụ huynh. Nhưng sự giàu lên của họ là sự nghèo đi của phụ huynh học sinh, là sự biến chất của những tiết giảng trên lớp, là sự mất niềm tin vào hệ thống giáo dục, và nguy hiểm nhất là SỰ TRIỆT HẠ KHẢ NĂNG TỰ HỌC CỦA HỌC SINH, SỰ TRIỆT HẠ NIỀM TIN CỦA TRẺ VÀO NĂNG LỰC HỌC TẬP CỦA CHÍNH MÌNH. Sau cùng, chúng ta có một thế hệ học sinh thụ động, mất niềm tin vào bản thân và dễ dàng phục tùng áp bức của quyền thế.

2. Cô lập, chiếm hữu & phi nhân cách hoá.

Khi bắt đầu phải chịu đựng ba gọng kìm “dạy ít – thi nhiều – học thêm”, nhiều học sinh sẽ bức xúc vì việc học thật mà điểm thấp, còn học giả thì điểm cao. Chúng chia sẻ với bạn bè cùng lớp – những người cùng chung số phận, cũng yếu ớt và không có quyền tự quyết như mình.

Sau đó, khi áp lực về điểm số cao hơn cũng như ý thức về sự trù dập rõ ràng hơn, trẻ sẽ tìm cách nói chuyện với phụ huynh để nhận được sự cảm thông, sự chia sẻ, sự động viên hoặc những giải pháp khác. Nhưng thương thay, thế hệ phụ huynh của chúng được học trong môi trường giáo dục tử tế, nên sẽ không tin hoặc khó mà tin rằng các giáo viên của con mình lại có thể hành xử như vậy. Họ sẽ tin vào giáo viên hơn và nhanh chóng kết tội rằng con mình học hành chểnh mảng và đang tìm cách bao biện – một cách bao biện rất liều lĩnh. Phụ huynh sẽ nhanh chóng giao con mình cho các lớp học thêm của cô giáo, kèm theo lời nhắn “mong thầy/ cô chỉ bảo và uốn nắn cháu nghiêm khắc…”. Đứa trẻ biết rằng nó không thể chia sẻ hoặc nhận được sự chia sẻ từ bố mẹ nữa.

Cô lập với gia đình thành công, bước tiếp theo là cô lập với xã hội.Học ở trên lớp cả ngày, buổi tối đi học thêm, chủ nhật cũng đi học thêm, thời gian còn lại là thời gian dành cho những khối lượng bài tập nặng nề và na ná nhau để thực hành những thao tác lặp đi lặp lại. Trẻ không còn thời gian để tìm hiểu, gặp gỡ hay tương tác với những con người khác ngoài xã hội, cũng như không có thời gian để định hình những mô thức tư duy sâu sắc và ưu việt hơn. Thiếu thời gian để tương tác, thiếu trải nghiệm xã hội, và thiếu mô thức tư duy phù hợp, trẻ không thể đồng cảm và được đồng cảm từ xã hội, trẻ chỉ biết quay trở lại với những bài tập nhàm chán. Và càng học lên cao, sự thiếu hụt của những phương thức tư duy sẽ khiến cho việc học của trẻ càng trở nên nhàm chán, áp lực, và bất khả thi.

Một tỷ lệ không nhỏ gia đình ở Hà Nội đã phải chi trả từ 2,5 – 3 triệu đồng mỗi tháng cho việc học thêm của mỗi đứa con, để thoả mãn cơn khát tiền của những nhà giáo, và để tách con mình ra khỏi xã hội theo cách như thế.

Cô lập với niềm hi vọng.

Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều những tấm gương học ít mà hiểu nhiều, làm ít mà hiệu quả. Đó không phải vì họ là những cá nhân xuất chúng, mà là vì họ may mắn được dạy cách học đúng đắn và được hình thành những tư duy ưu việt từ nhỏ. Từ đó, họ thấy việc học là một niềm vui, một trò chơi, một sự tận hưởng thay vì sự chịu đựng.

Luôn có những môi trường học tập có thể trang bị cho trẻ những yếu tố ấy, luôn có những người thầy có thể trang bị cho trẻ những yếu tố ấy, và luôn có những kiến thức bổ ích trong sách vở, tạp chí… giúp trẻ vun đắp những yếu tố ấy.

Nhưng trẻ không còn thời gian để trải nghiệm môi trường ấy, gặp gỡ những người thầy ấy, hay tiếp cận những kiến thức ấy. Trẻ không có bất cứ một hi vọng nào cả. Đứa trẻ hoàn toàn chỉ còn là một công cụ kiếm tiền của giáo viên.

Trong một hoàn cảnh bị áp bức, bị cô lập, bị phủ nhận và bị triệt hạ những năng lực cơ bản như năng lực cảm xúc và năng lực tư duy, đứa trẻ sẽ lớn lên như là một cái ống tuồn kiến thức (vào quanh năm suốt tháng và ra hết sau khi thực hiện bài kiểm tra). Không có cơ hội và không có dấu hiệu gì cho sự phát triển nhân cách bình thường ở những đứa trẻ như vậy cả.

clip_image002

(Kiểu dạy nhồi nhét này không phải là giáo dục và không phải đào tạo, đó là sự bạo hành đối với bộ não của trẻ).

Sẽ không có gì đáng nói nếu những kiến thức kia là hấp dẫn, bổ ích, hữu ích và hữu dụng với trẻ. Đằng này, chúng khô khan, cứng nhắc, rời rạc, lạc hậu, sai lầm và KHÔNG THỂ DÙNG ĐƯỢC. Tất cả chúng ta đều biết thế.

Có hi vọng nào cho những đứa trẻ - con em của chúng ta không? Có chứ. Tất nhiên là có. Hi vọng đến từ chính chúng ta – những người thầy tận tâm vẫn ngày đêm nghiên cứu và thực hành để mang đến cho trẻ những kiến thức, những phương pháp học hiệu quả hơn; và những phụ huynh biết tin tưởng, quan tâm, lắng nghe và sẻ chia với con em mình. Nhưng hi vọng đó chỉ thực sự trở thành cơ hội khi chúng ta đồng hành cùng với nhau, vì hàng triệu nhân cách và trí tuệ đang bị bỏ lỡ.

P/s: Những ngôn từ tôi sử dụng trong bài không nặng nề hơn thực tế tôi đã chứng kiến, ở mọi nơi tôi đi qua.

Nguồn: https://www.facebook.com/notes/10152846730018197/?pnref=story