Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015

MỘT CUỘC TRA TẤN

Văn Việt: Khi những đứa trẻ vốn được xem là ngây thơ (và học giỏi!) trở thành kẻ tra tấn bạn học vì vui thích, những đứa trẻ khác trở thành khán giả háo hức hoặc thờ ơ, những nhà giáo dục trực tiếp thì chối bỏ trách nhiệm bằng cách biện bạch cho tội ác, khi nạn nhân không có một cơ hội nào để tự vệ và được bảo vệ, khi luật lệ và trật tự trong nhà trường bị buông lỏng và không có bộ máy thực thi… Nhà trường là hình ảnh thu nhỏ của xã hội. Tình trạng bạo lực học đường đến độ này là tiếng còi báo động khẩn cấp về mức băng hoại toàn diện của xã hội Việt Nam: vô thiên vô pháp, bạo lực lên ngôi, con người vô cảm! Tất cả chúng ta, mọi thành viên của xã hội phải chịu trách nhiệm, khi ta đã che mặt bịt tai, không dám đưa một cánh tay, cất một tiếng nói… để ngăn một điều ác hay che chở một người cô thế trong cuộc sống quanh mình giống như em học trò đáng thương kia, thì con em chúng ta học đúng cách sống của chúng ta. Nhưng trách nhiệm trước nhất là ở những người tự cho mình cái độc quyền “lãnh đạo toàn diện, triệt để” đất nước này; khi họ dung túng cho kẻ cướp đất dân nghèo, cho kẻ đạp mặt người biểu tình, cho kẻ giết nghi can trong đồn công an, cho kẻ đổ keo vào ổ khóa người đấu tranh nhân quyền, cho kẻ dẫm vòng hoa tưởng niệm xé băng tang lễ… thì họ đã nêu một tấm gương hoành tráng cho lũ trẻ noi theo.

Thanh Niên

11-03-2015

“Tháo ghế ra chọi tao coi đi”
“Máu me tùm lum tùm la hết trơn, ớn quá”
“Vi ơi Vi, canh dùm nha”
“Mày!”

Cuộc đánh nhau trong clip của học sinh lớp 7 Trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh) có những câu thoại như vậy. Đối nghịch với nó là phản ứng của những người làm giáo dục trực tiếp tại ngôi trường: Theo ông Nguyên (hiệu trưởng), những học sinh tham gia vụ đánh nhau trong video clip đều có học lực khá giỏi, hiện tại thì các em đi học bình thường và quan điểm nhà trường là không tạo áp lực cũng như những ảnh hưởng tâm lý đến việc học của các em.

clip_image001Thời của những cuộc đấm đá, xông vô cào cấu nhau dường như đã qua, khi mấy năm trước đây, lần đầu tiên dư luận giận dữ với một em nữ sinh ở Tây nguyên đánh bạn. Bạo lực trong học đường đã bước lên một đẳng cấp mới. Nó không còn là cơn giận dữ của những đứa trẻ con, cũng không dừng lại ở một cuộc xô xát loạn xà ngầu, la hét ẩu đả, cào cấu đánh nhau cho hả cơn tức. Bạo lực giờ đã trở thành một cuộc tra tấn giải trí.

Sự bình thản, cấp độ, cũng như cao trào của cuộc đánh bạn của những em học trò mới 14 tuổi đã trở nên có tổ chức và bình tĩnh hơn clip của các “đàn anh đàn chị” mấy năm trước. Đầu tiên, các em gái đánh bạn, sau đó, bạn trai nghĩ ra một trò hay, bèn đưa ghế để ném vào đầu bạn. Tiếp theo, thấy chưa đủ “đô”, các bạn trai bèn nghĩ ra cách mới, chồng các cái ghế thành một chồng, bảo bạn Vi (gọi tên trong clip) kéo tóc giữ đầu em gái xuống, để em có thể chọi hẳn một chồng ghế vào đầu và gáy bạn.

Đối thoại trong clip rất đơn giản – thán phục máu nhiều quá, ra hiệu, canh giùm để chọi cho trúng. Một đứa trẻ giữa gần một chục đứa trẻ khác giống hệt một con gà chọi trong sới đá gà, người ngoài la hét cho nó đá nhau cho đổ máu, chết càng hay. Em gái ở trung tâm cuộc “tra tấn” ấy, đã đổ máu, nhưng vẫn tiếp tục bị kéo tóc, chọi ghế, hành hạ cho thỏa mãn mọi bề, trước khi cuộc vui tan.

Sau khi hoàn tất, các em post clip lên mạng, tự hào giới thiệu việc mình làm. Tất cả hành vi đã không còn dừng ở mức độ giận dữ làm liều hay thái quá vì bực dọc, cuộc đánh bạn trở nên lý trí và có đầy đủ thủ tục để chứng tỏ khả năng của kẻ đánh bạn.

Ai đã từng xem các clip bạo lực học đường trên mạng sẽ ngạc nhiên vì độ “chuyên nghiệp” và bình tĩnh của các em học trò này.

clip_image002

Ngôi trường nơi xảy ra vụ việc – Ảnh: Vũ Lê

Hình ảnh trong clip làm tôi nhớ trong hội thảo “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường trong trường phổ thông” của Viện nghiên cứu giáo dục (Đại học Sư Phạm TPHCM) cuối 2014, khi đọc các chuyên đề tham dự, tôi đặc biệt ấn tượng với khảo sát của thạc sĩ Đinh Anh Tuấn trong một khảo sát trên 496 em học sinh tại 8 trường ở Quy Nhơn (Bình Định). Bài viết có đoạn: “Khi chứng kiến bạo lực học đường, số học sinh chọn cách “can ngăn” chỉ ở mức vừa phải (17,8%), “báo cáo với GV” chiếm tỷ lệ cao nhất (36,5%). Cách hành xử an toàn là “bỏ đi nơi khác” cũng được nhiều học sinh lựa chọn (30,9%), các hành vi bàng quan như “đứng xem” chiếm tỷ lệ khá cao (22,6%), quay phim, chụp hình (5,4%) và hô hào, cổ vũ (7,3%)”.

Vậy là bất chấp “danh hiệu” được là kênh thông tin đầu tiên được học trò tìm kiếm, giáo viên vẫn chỉ mới chiếm được 36,5% phản ứng tin cậy mà các em học sinh dành cho trước một cảnh bạo lực. Trong khi đó, có đến 30,3% đã trở thành nhân tố tích cực của một cuộc đánh đấm. Các con số này không gợi ra điều gì, nhất là khảo sát này lại diễn ra ở Bình Định, một nơi khác hẳn Trà Vinh. Nhưng hình ảnh trong clip lại có vẻ… khá giống với cách những em học trò đang hành xử. Biểu hiện côn đồ, tra tấn bạn tăng cấp, chuyên nghiệp. “Khán giả” xem rất đông. Ngạc nhiên hơn, trong không gian một ngôi trường, không hề có bóng dáng của giám thị, bảo vệ hay thầy cô nào xuất hiện, bất chấp tiếng khóc và la hét khủng khiếp của em nữ sinh nạn nhân. Sau đó, thầy hiệu trưởng cũng “nhẹ nhàng” với sự việc đến bất ngờ, với lý do tất cả các em “tham dự” đều là học sinh khá giỏi?

Từ bao giờ những đứa trẻ được phép lấy lý do học giỏi để tra tấn người khác? Từ bao giờ môi trường học đường không còn chỗ ẩn nấp hay cơ hội đối thoại nào cho một nạn nhân của cuộc đánh đập? Khi nào trẻ con biết cách trở thành những người tra tấn? Giáo dục có cho phép những kẻ trở nên tàn bạo được tha thứ vì chúng có danh hiệu hay đem lại thành tích cho trường không? – Những câu hỏi này có lẽ dành cho lương tâm của những người đang thực hiện việc giáo dục tại ngôi trường đó.

Vài năm trước, khi các clip hành hung xuất hiện, người ta chứng kiến sự “thẳng tay” của các hiệu trưởng, giáo viên, các ngôi trường chối bỏ những em học trò gây hấn, đuổi học, bắt chuyển trường. Một kịch bản giống giống như vậy đã được chuẩn bị sẵn cho các ngôi trường muốn xoa dịu nhà báo và dư luận đang giận dữ ngoài kia. Có cách nào tốt hơn để bảo vệ danh hiệu là hi sinh một vài con tép phiền nhiễu? – Một quy trình cần thiết để giúp các em học trò tìm kiếm sự giúp đỡ ẩn danh khi bị bắt nạt, hay dò tìm, hỗ trợ, tư vấn các em có nguy cơ trở thành kẻ bắt nạt chưa thực sự xuất hiện ở số đông các trường phổ thông. Ngoại trừ nỗ lực tự thân của một số trường như nhờ đến công an bảo vệ trường hoặc có giáo viên tư vấn trò chuyện vài buổi mỗi tuần. Đặc biệt, với nhiều trường cách hành xử dễ thấy nhất sau khi có bạo lực xảy ra là hạ hạnh kiểm, đuổi học… để chối bỏ những kẻ hành hung và cả nạn nhân.

Nhưng đi xa hơn những tấn công ấy là gì, đằng sau của những đứa trẻ nhạt miệng thán phục “máu nhiều quá” hay đứa bé gái khóc thét đau đớn (nhưng lại nhẹ nhàng im lặng không kêu cứu sau trận đòn) là gì? Đó là một vết thương sâu hoắm giữa cái thế giới giáo dục bồng bềnh tốt đẹp không biết phải làm gì trước những đứa trẻ hành hạ nhau. Đó là những gia đình yên lặng với đám trẻ con tách biệt thành một thế giới khác. Một lớp trưởng học giỏi có thể giỏi tra tấn bạn. Một em học trò bị đánh máu me đầm đìa có thể mỉm cười nói bị ngã cầu thang.

Người lớn đã không còn nhận được tín hiệu của con trẻ nữa. Cách duy nhất họ biết chuyện gì đang xảy ra là…. clip (do tụi trẻ con quá vui sướng tự post lên mạng chơi).

Giờ thì trẻ con có thêm một cách “giải trí” mới: Quay clip hành hạ bạn bè mình.

Trong khi môi trường giáo dục vẫn chưa nghĩ ra cách nào để hành xử đáp lại.

clip_image003

Nguồn: https://anhbasam.wordpress.com/2015/03/11/3549-mot-cuoc-tra-tan/

Tham khảo thêm: Học sinh đánh bạn đến u não: http://www.nguoiviettreonline.com/2015/03/hoc-sinh-anh-ban-en-u-nao-o-tra-vin.html