Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Mắt cậu hề có cười

Truyện ngắn

Thu Phong




Anh ngồi nhìn cậu hề-rối trong thời gian kim giây di chuyển nhiều vòng trên mặt chiếc đồng hồ treo tường.
Cậu hề-rối mặc áo đỏ hai nút lớn, ống tay ống quần có ren, đeo yếm, đội mũ chóp đỏ viền lông trắng tựa như của ông già Nô-en, chân mang giày vải màu đen có vớ, mắt kẻ phấn xanh, mũi, miệng và hai má tô son đỏ.
Người cậu hề-rối bám đầy bụi. Cậu được treo cao nơi bàn vi tính, ngồi trên một cái xích đu gỗ, chân xếp lại, hai đầu gối gập vào nhau, hai tay nắm chặt hai sợi dây.
Anh quên mất cậu hề-rối ngồi ở đấy, trong tư thế ấy bao lâu rồi, có lẽ từ lúc anh bắt gặp cậu bé trong một cửa hàng bán đồ lưu niệm, mua về.
Con gái nhỏ hỏi ở đâu bố có vậy, anh nói đùa nó bị sa thải khỏi cung điện của các vua chúa, đi lưu lạc khắp nơi mua vui cho thiên hạ, cuối cùng ba thấy nó ngồi khóc một mình ở một góc tối vỉa hè, ba dẫn nó về. Con gái lớn nghiêng đầu ngắm cái miệng cười toe toét của cậu hề-rối nói bố dẫn nó về để nó mua vui cho nhà mình phải không bố? Anh đáp ừ.
Tuy nhiên, cậu hề-rối đã không mang đến niềm vui cho cả nhà. Hai đứa con gái anh nhanh chóng quên cậu bé. Vợ anh không muốn giữ cậu, vì "nhìn nó thấy sợ quá". Chỉ riêng anh là thấy vui.
Ngày nào anh cũng nhìn ngắm, phủi bụi, sửa đổi tư thế cho cậu, lúc ngồi xổm, lúc xếp bằng, lúc gập hai gối, lúc thõng hai chân; tay thì vẫn nắm sợi dây, nhưng lúc hạ thấp, lúc giơ cao…
Nhiều ngày nay, anh tránh nhìn cậu hề-rối. Anh sợ nhận ra số phận của cậu.
Trò hề mày nhạt lắm, mày phải ngã lộn mèo như con vật nào thảm hại nhất cho tao cười với chứ… Mày chỉ là tên hề buồn, tên hề buồn nhất thế giới chẳng làm ai cười nổi.[1]
Ồ! Sao đôi mắt mày lại buồn bã thế kia. Anh đăm chiêu nhận ra nét buồn trong ánh mắt cậu hề-rối.
Anh đứng lên, lấy một bộ đồ mặc ngoài, một quần đùi, một khăn lau, một bàn chải và kem đánh răng, một xấp giấy trắng và cây bút, bỏ vào túi vải.
Anh cầm túi, đến bên xe máy, nhìn nó một lát, rồi máng túi lên ghi-đông xe đạp, dắt xe ra, khóa cửa, giấu chìa khoá vào chậu lan, lên xe, đạp đi.
Anh đạp xe xuống phố. Quán tính hút anh vào con đường quen thuộc.
Và anh đến công ty.
Nhìn thấy một đồng nghiệp, anh sực tỉnh, vội vàng đạp xe đi.
Anh đạp xe loanh quanh.
Anh ghé thăm anh bạn đã lâu không gặp, đúng lúc bạn anh đang uống cà phê tiếp chuyện hai người trẻ tuổi thích văn chương. Người bạn mải mê nói chuyện thơ văn, về "thời gian" trong các tác phẩm, về "hàng cây dài đứng đợi tháng ngày qua", về "nửa ướt bây giờ nửa ướt xa xưa".
Ngồi giữa họ, anh im lặng.
Cô gái hỏi bạn anh thời gian có xoá được chuyện cũ. Bạn anh nhìn anh nói theo tôi thì không. Anh thấy buồn vì cái nhìn của người bạn khi trả lời câu hỏi của cô gái.
Anh và bạn anh đã cãi nhau, hậu quả gần như đoạn giao, không gặp nhau mấy năm nay.
Anh gạt tàn điếu thuốc vào trong cốc cà phê của mình. Khi nhận ra điều ấy, anh lúng túng nhìn bạn, nhìn hai người trẻ tuổi, yên tâm khi thấy họ chưa phát hiện cử chỉ ấy.
Lo sợ họ nhận biết, anh nâng cốc, uống cạn rồi đứng lên nói: "Tôi xin lỗi, tôi có việc phải đi, cám ơn và xin chào".
Rời khỏi nhà người bạn, anh đạp xe đến nhà một người bạn khác. Anh vừa chợt nhớ lời nhắn của cô qua người quen: "Cô ấy nói lâu quá anh không ghé cô ấy chơi, cô ấy nói nhớ anh".
Đến nơi, anh dừng xe trước nhà, nhủ thầm thôi, chỉ là vô ích thôi, mình không nên tiến thêm trong mối quan hệ này một khi mình chưa thể chấm dứt được cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc hiện nay.
Anh quay đầu xe, đạp loanh quanh qua các phố xá cho đến khi nhận ra anh đã chuẩn bị cho một chuyến đi xa.
Nhưng mình định đi đâu, anh tự hỏi.
Không trả lời được câu hỏi ấy, anh tiếp tục đạp xe đi, đi mãi; rồi thấy mình đang trên xa lộ.
Đột nhiên, anh nhận ra cảnh vật đẹp lạ kỳ. Anh dừng lại, ngạc nhiên nhìn ngắm như lần đầu trông thấy.
Trời xanh, mây trắng, mạ non xanh um bát ngát.
Những bông hoa dại màu vàng li ti chen trong đám cỏ bên vệ đường.
Hít thở mạnh bầu không khí trong lành, anh tự nhủ hãy về quê, lâu quá rồi mình không về quê. Và anh đạp xe đi.
Quá trưa, anh về đến quê.
Chợt nhớ không còn ai ở quê, anh ghé thăm vườn nhà cũ, lững thững bước từ gốc mít đến gốc bưởi còi cọc do bị bỏ hoang, thăm cái giếng bị lấp gần hết nơi ngày xưa anh từng múc nước tắm và tưới cây, thăm ngôi nhà mà giờ đây chỉ còn là một cái nền loang lổ cỏ mọc lan đầy. Ngày xưa, trên cái nền xi măng ấy là ngôi nhà ngói ba gian do ba anh xây cất, mấy anh em anh trải qua thời niên thiếu cho đến khi nó bị thiêu rụi vì bom đạn chiến tranh. Ngôi nhà và mảnh vườn đã được bán lại cho người khác; người chủ mới, không hiểu sao lại bỏ hoang. Sau đó, anh đạp xe theo đường mòn vào tận rẫy sâu, nơi người ta trồng bắp, cây bạch đàn, cao su, điều, cà phê, tiêu...
Mỏi chân, khát nước, anh ghé vào một mảnh rẫy.
Chủ rẫy, một ông lão rắn rỏi nói: "Cháu cứ gọi bác là bác Bảy, bác độc thân, sống một mình ở đây, còn cháu?". Anh giới thiệu tên mình, nói thêm anh sống và làm việc ở thành phố, có vợ hai con. Ông lão rót nước ác-ti-sô nóng ra chén, hỏi trên ấy ồn ào nên cháu đi chơi? Anh đáp dạ. Ông lão trao anh chén nước, hái một trái lê-ki-ma đãi anh, nói: "Ngoài cà phê và bắp, bác có trồng một ít cây ăn quả. Mùa này rẫy không có gì, chôm chôm đã hết, cam chưa có trái… Cháu biết ăn trái này không?". Anh bẻ đôi trái lê-ki-ma, đưa cho ông lão nửa lớn, nói biết, hồi nhỏ cháu thường ăn. Ông lão đổi lấy nửa nhỏ nói bác ăn hoài. Ông lão nói miệng anh bị dính lê-ki-ma. Anh nhìn vào mảnh gương gắn trên cột cây, nhớ đến cậu hề-rối, dùng ngón tay trét lê-ki-ma lên mũi, quanh miệng và hai má, quay lại, thè lưỡi nhìn ông lão nói cháu là thằng hề đây. Ông lão cười lên ha hả.
Anh giúp ông lão hái tiêu, chỉ một cây thân mộc, vươn các cành lá lên cao có các dây tiêu bám quanh thân, hỏi cây gì thế bác. Ông lão nói đó là cây vông, thứ người ta lấy lá gói nem, bác trồng làm nọc cho tiêu. Trông thấy nhiều búp hoa đỏ ửng đang nhú lên, anh nói hình như nó đang có hoa phải không bác? Phải, nó đang trổ hoa, ông lão đáp. Sau đó, trong khi ông lão lui cui nấu ăn, anh hái rau. Nửa giờ sau, họ ăn bữa trưa. Cơm gạo đỏ thơm và dẻo, thức ăn gồm khô chiên và canh rau tàu bay nấu với nấm. Anh ăn đến hai chén. Lâu lắm anh mới có một bữa ăn ngon miệng như vậy. Sau bữa ăn, ông lão dẫn anh đi thăm rẫy. Ông chỉ căn chòi lá cạnh suối nói: "Cháu lên đó nghỉ trưa, mát lắm. Bác đi cho chạy máy bơm tưới cây".
Anh leo lên chòi, nằm nghỉ, lắng nghe âm thanh buổi trưa đồng nội: tiếng gió văng vẳng từ ngọn đồi phía xa, tiếng xào xạc của cành lá lay động, tiếng kọt kẹt của thân tre cọ vào nhau, tiếng nước róc rách từ con suối, sau đó là tiếng máy bơm xình xịch.
Tối qua, vợ anh không nấu ăn, rủ anh và hai con đi nhà hàng; anh từ chối bảo mệt, ở nhà, nhịn đói. Thật ra, anh không muốn đi. Anh không cho phép mình tiêu tiền như trước nữa, vì anh đã nghỉ làm.
Anh không nói với vợ rằng anh đã nghỉ làm.
Mười ngày đã trôi qua. Quãng thời gian ấy, anh vẫn rời nhà và quay về theo giờ giấc thường lệ, nhưng anh không đi làm mà đi tìm việc làm hoặc đi lang thang. Anh ăn sáng với gói xôi, hoặc khúc bánh mì một, hai ngàn đồng, uống cà phê bịch “ba trong một" giá một ngàn đồng, đọc báo cọp ở sạp báo quen, chỉ mua thuốc lá lẻ.
Vợ con anh càng vô tư, lòng anh càng trĩu nặng. Anh biết rằng không thể giấu vợ anh mãi được việc anh đã nghỉ làm.
Khung cảnh yên ả của thiên nhiên, những làn gió mát mơn trớn khiến anh ngủ thiếp đi một giấc ngắn.
Anh thức giấc, chiều đã xuống.
Nắng soi nghiêng, hắt bóng cây cối ngã dài trên nền đất, đồi cỏ, con suối. Anh ngồi dậy, leo xuống thang, đi suối rửa mặt. Rồi anh nhìn dáo dác tìm kiếm ông lão. Trông thấy ông ngồi nhặt cỏ đằng xa, anh bước tới. Ông lão đứng lên, kéo khăn quàng cổ lau mồ hôi, hỏi cháu ngủ có ngon không. Dạ lâu rồi cháu mới được ngủ một giấc ngon như vậy, trời mát thật, khung cảnh thật êm đềm, anh đáp.
Anh ngẩng nhìn bầu trời chiều, nhận ra anh đang được hưởng niềm vui đã lâu anh ao ước: được đắm mình trong cảnh thiên nhiên giữa cỏ cây hoa lá, được nhìn thấy bầu trời xanh, mây trắng, được ngắm cảnh hoàng hôn... Bỗng anh bắt gặp trên những cây vông rải rác trong rẫy, hoa đã nở to, những cánh hoa đỏ vươn trên nền trời chiều, những cánh hoa tuyệt đẹp, nhưng sao mà đau đớn tựa như chúng nhuộm máu tim anh.
Anh lại nhớ đến cậu hề-rối miệng lúc nào cũng cười; nhưng mắt dường như không cười, tự nhủ khi về nhà sẽ nhìn lại mắt cậu một lần nữa.


--------------------- 
[1]Thơ Thanh Tâm Tuyền















Ngẫu hứng Trần Tiến 10

clip_image003

Lâu lắm rồi, đêm qua nó lại hiện về.

- Sao mày ở thiên đàng mà vẫn mặc áo lính?

- Quen mất rồi Tiến ạ, mặc cái gì cũng thấy khó chịu, dù đẹp đến mấy cũng thấy thiếu cái gì đấy, à… mùi cỏ úa chẳng hạn.

- Ừ nhỉ, cái mùi ẩm mốc của rừng già, cái mùi hôi của thuốc lá Tà –ôi. Mùi mồ hôi và máu dính… ngày ấy.

Tỉnh dậy, nó lại đi rồi. Nhìn qua cửa sổ, có gì đó vừa bay đi như một vệt sao màu cỏ úa.

Năm 75 mình về, mang cho mẹ bao nhiêu quần áo đẹp kiểu các bà mợ quí phái trước 54. Chả bao giờ thấy mẹ mặc. Lúc nào mẹ cũng chỉ bận mấy cái áo cánh vải phin gì đó, thời bố còn sống, vá nhiều lắm rồi.

Mãi sau này mình mới hiểu lờ mờ. Bố mất. Mẹ bận áo đẹp cho ai.

VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (84): DOÃN QUỐC SỸ, KẺ SỸ TRONG THỜI ĐẠI CHÚNG TA

Nguyễn Mạnh Trinh

doan-quoc-sy-02Với nhiều người bản xứ, hình như dư âm của cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn còn nên văn chương và văn hóa Việt nam được đặc biệt chú ý.

Tôi có một người bạn cùng lớp Creating & Writing học viết văn người Mỹ gốc Ý rất thích thú với văn chương Việt Nam. Một bữa anh khoe với tôi tuyển tập “Việt Nam: A traveler’s literary companion” do John Balaban và Nguyễn Quý Đức chủ biên và rất đặc biệt chú ý tới nhà văn Doãn Quốc Sỹ với truyện ngắn “The Stranded Fish” (Con cá mắc cạn). Anh còn khoe đã được dự một cuộc seminar với hai giáo sư Doãn Quốc Sỹ và Lê Hữu Mục tháng 6 năm 1999 tại University St Thomas ở Houston với đề tài “Living Two Cultures: A conference for Vietnamese - Americans”. Và anh hỏi tôi một câu: Bạn nghĩ thế nào về nhà văn Doãn Quốc Sỹ? Nhà văn? Nhà giáo? Một người hoạt động chính trị? Hay một người yêu nước bị chế độ đương thời đầy ải khi ở trong nước? Và một nhà văn luôn hướng về tương lai ở hải ngoại...

Có một người đã làm thơ để dường như trả lời giùm cho cá nhân tôi. Những câu thơ gợi ý và lấy từ những nhan đề của tác phẩm mà nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã viết trong suốt hơn một nửa thế kỷ cầm bút:

Tư liệu ghi chép về buổi họp kiểm điểm bài thơ NHẤT ĐỊNH THẮNG trên GIAI PHẨM MÙA XUÂN 1956

TDĐây là tư liệu do NNC Cao Việt Dũng mới đưa lên trang blog Nhị Linh, trang ấy bị lửa nên xin phép chủ nhân cho copy đưa lên đây.

Bài tường thuật này do người ký tên HỒNG CẦU thực hiện mà ta có thể tin chắc là chính NGUYỄN BÍNH. 

Theo blog Nhị Linh, bài tường thuật này đăng báo TRĂM HOA số 22, thứ bảy, 03/03/1956.

Đây là thuộc serie "Trăm Hoa" thời đầu, Nguyễn Mạnh Phác tức Trúc Đường làm Chủ nhiệm. Tờ này sẽ đóng cửa vì hết vốn (như Ng. Bính viết trong lời đầu số tục bản). Hiện tại mấy Thư viện ở Hanoi gộp lại cũng chỉ có chừng 17 số đầu, nên bài tường thuật này thuộc số những tài liệu hiếm, may mắn mới phát hiện được.

Dưới đây là dẫn giải của Cao Việt Dũng và toàn bộ bài tường thuật.

LẠI NGUYÊN ÂN 

Nguyễn Bính, Trăm Hoa và Nhân văn-Giai phẩm

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

THƯ NGỎ KÍNH GỬI ÔNG TỔNG GIÁM ĐỐC TRUYỀN HÌNH VN VỀ VIỆC XÂY DỰNG "THÁP TRUYỀN HÌNH CAO NHẤT THẾ GIỚI"

Kính thưa ông Tổng giám đốc
            Dư luận cả nước và thế giới đang vô cùng kinh ngạc nếu không muốn nói là phẫn nộ về việc Việt Nam tàn sát môi trường bằng chiến dịch chặt cây lâu năm trên các đường phố Hà Nội và dự án lấp sông Đồng Nai xây khu đô thị mới, thì lại rộn lên về dự án Tháp truyền hình... "cao nhất thế giới"!
            Đông đảo người dân đã phản ứng trước hội chứng "nhất thế giới", "nhất châu Á", "nhất Đông Nam Á" từ chiếc bánh chưng, tô hủ tiếu, cho đến pho tượng Phật, ngôi chùa, đài kỷ niệm... nay không khỏi hoài nghi Tháp truyền hình sắp xây tổn phí khoảng 1 tỷ đô la liệu có công dụng thiết thực hay chỉ tô đậm thêm bộ mặt hãnh tiến của một quốc gia vừa thoát khỏi đói nghèo, đang chật vật cầu mong ngoại viện để ra khỏi cơn khủng hoảng kinh tế, trong khi người dân còn vô cùng thiếu thốn về mọi mặt, từ cái ăn hàng ngày đến trường học cho trẻ em, giường bệnh cho người đau ốm.
              Chỉ nói về mặt công nghệ, nhiều chuyên gia đầu ngành, bao gồm những người từng ở cương vị lãnh đạo của ngành thông tin truyền thông, cũng không thấy được lý do chính đáng để Việt Nam phải xây một tháp truyền hình mới “cao nhất thế giới"!
             Vì vậy, chúng tôi, những người tham gia truyền thông và những người quan tâm đến truyền thông quốc gia,  xin gửi đến ông TGĐ mấy câu hỏi sau và yêu cầu ông trả lời công khai trước công luận:
            1/ Tháp truyền hình tương lai có thực sự phục vụ yêu cầu phủ sóng toàn lãnh thổ trong khi nó chỉ phục vụ cho công nghệ analog, mà công nghệ này tới năm 2020 sẽ không được áp dụng trên diện rộng ở VN theo quy họach của ngành Truyền hình? Được biết hiện nay đa số chương trình truyền hình được truyền qua đường cáp và vệ tinh.
              2/ Truyền hình dùng công nghệ analog có ưu điểm là phát sóng được tới các vùng xa xôi hẻo lánh với chất lượng cao, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết như qua vệ tinh. Nhưng địa hình nước ta dài nên nếu Tháp đặt tại Hà Nội thì chỉ Lào và Trung Quốc là tiếp nhận tốt. Có người đặt câu hỏi: hay VTV định dùng tháp này để truyền tiếp các đài truyền hình Trung Quốc chăng? 
             3/ Hiện nay 63 tỉnh thành đều có tháp truyền hình riêng. Chưa có nước nào trên thế giới mà mỗi tỉnh nhỏ đều có một đài truyền hình (hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre cách nhau có 20km cũng có tháp truyền hình, phát thanh riêng). Vậy những đài truyền tiếp VTV ở các địa phương đã hoạt động hết công suất chưa? Đường trục cáp quang quân đội và VNTP có dung lượng rất lớn đã được sử dụng tối ưu chưa? Cần điều tra xem có bao nhiêu phần trăm người xem truyền hình đang dùng truyền hình cáp (có thông tin cho rằng phần lớn cư dân các đô thị đã chuyển sang dịch vụ này).
            4/ Nếu những lý do chính trị, kinh tế, kỹ thuật để xây tháp truyền hình "cao nhất thế giới" đều không thuyết phục, phải chăng mục đích thật sự của Tháp truyền hình "cao nhất thế giới" là kinh doanh du lịch giải trí, hay quý đài còn ý đồ gì khác?     
              Xin ông TGĐ trả lời những câu hỏi trên. Nếu ông thấy khó trả lời hoặc trả lời không thuyết phục, thì mong ông, với lòng tự trọng của một người có trách nhiệm cao của bộ máy truyền thông nước nhà, hãy cho dừng ngay dự án "cao nhất thế giới" này trước khi nó trở thành điều "bị chê cười nhất thế giới".
             Kính chúc ông dồi dào sức khỏe và minh mẫn. 

1/ Nguyên Ngọc – nhà văn (Đại diện những người ký tên). Địa chỉ: Số 2 Trần Hưng Đạo, Hội An, Quảng Nam.
2/ Phạm Duy Hiển, kĩ sư đã về hưu, dịch giả, bút danh Phạm Nguyên Trường, 8 Yên Bái, Vũng Tàu. 
3/ Hoàng Hưng – nhà thơ, dịch giả, nhà báo (nguyên Trưởng ban Văn hóa báo Lao Động Thời Đổi Mới), TP.HCM.
4/ Phạm Gia Minh - TS kinh tế, Phó Tổng thư ký Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, nguyên Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt nam, Hà Nội.
5/ Chu Hảo – nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ & Môi trường, Hà Nội.
6/ Lê Phú Khải – nhà báo, nguyên Phóng viên Đài Truyền hình Trung ương, Đài Tiếng Nói VN, TP. HCM.
7/ Hoàng Dũng – PGS TS Ngữ văn, Đại học Sư phạm TPHCM.
8/ Bùi Minh Quốc – nhà thơ, nguyên biên tập viên Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam, hiện sống và viết tại Đà Lạt.
9/ Phạm Toàn – nhà giáo dục, nhà văn, dịch giả, Hà Nội.
10/ Dương Tường – nhà thơ, dịch giả, Hà Nội.
11/ Nguyễn Thanh Giang – TS Khoa học, số nhà 5 ngõ 341, đường Trung Văn, Hà Nội.
12/ Võ Văn Tạo - nhà báo, 95/2d Bạch Đằng, Nha Trang, Khánh Hòa.
13/ Vũ Thế Khôi - Nhà giáo ưu tú, nguyên Trưởng khoa tiếng Nga Đại học Hà Nội, Hà Nội. 
14/ Tô Lê Sơn-  kỹ sư, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, TPHCM.
15/ Vũ Hồng Ánh - nghệ sĩ đàn Cello, nguyên BTV Đài Truyền hình TPHCM,   TP.HCM.
16/ Ý Nhi – nhà thơ, TP HCM.
17/ Vũ Ngọc Tiến - nhà văn, nhà báo, Hà Nội.
18/ Phạm Duy Hiển - Giáo sư vật lý, 12A02, nhà 34T, Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội.
19/ Trần Tiến Đức - nhà báo, đạo diễn phim tài liệu và đạo diễn truyền hình, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục-Truyền thông UBQG DS và KHH Gia đình, Hà Nội.
20/ Bùi Quốc Huy - BS, Bình Phước.
21/ Trần Minh Thảo - viết văn, Bảo Lộc, Lâm Đồng.
22/ Tiêu Dao Bảo Cự - nhà văn tự do, Đà Lạt.

23/ Trần Đồng Minh - nhà giáo, nhà văn, Hà Nội.
24/ Nguyễn Huệ Chi - GS, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Văn học Việt Nam, Hà Nội.
25/ Nguyễn Đăng Hưng - Giáo sư Danh dự trường ĐH Liège, Bỉ, Tổng biên tập tạp chí quốc tế APJCEN, hiện cư trú ở TPHCM.
26/ Tống Văn Công – nhà báo, nguyên TBT báo Lao Động, TP HCM.
27/ Nguyễn Quang A – Tiến sĩ khoa học, Hà Nội.
28/ Nguyễn Xuân Diện - Tiến sĩ Ngữ văn, Hà Nội.
29/ Lê Hoài Nguyên – nhà thơ, nguyên Giám đốc Điện ảnh Công an, Hà Nội.
30/ André Menras, Hồ Cương Quyết - nhà giáo, Pháp.
31/ Vũ Trọng Khải – PGS TS Kinh tế, nguyên Hiệu trưởng trường Cán bộ Quản lý   Nông nghiệp & Phát triển nông thôn II, TP HCM.
32/ Phạm Đình Trọng - nhà văn, TPHCM.
33/ JB Nguyễn Hữu Vinh - Kỹ sư Xây dựng, Nhà báo tự do, Giáo dân Công giáo, Hà Nội.
34/ Hà Sĩ Phu - viết văn tự do, Đà Lạt.
35/ Lê Khánh Luận - TS Toán, nhà thơ, nguyên giảng viên trường ĐHKTế TP.HCM, thường trú 402/13 An Dương Vương, F4, Q5, TP. HCM.
36/ Kha Lương Ngãi – nguyên Phó TBT báo Sài Gòn Giải phóng, TPHCM.
37/ Nguyễn Thị Khánh Trâm - nghiên cứu viên văn hóa, TP HCM.
38/ Mai Thái Lĩnh - nhà giáo, nhà nghiên cứu độc lập, Đà Lạt.
39/ Hồ Ngọc Nhuận - nguyên chủ bút nhật báo Tin Sáng, Sài Gòn (1968-1972; 1975-1981), TPHCM.
40/ Nguyễn Đăng Quang - Đại tá, nguyên Cán bộ Bộ Công an, Hà Nội.
41/ Trần Quang Thành - cựu phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình  Việt Nam, hiện định cư tại Braatislava, Cộng  hòa Slovakia.
42/ Nguyễn Gia Hảo - chuyên gia Tư vấn độc lập, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, hiện sống tại Hà Nội.
43/ Tôn Quang Trí - Phó giám đốc Sở công Thương TP Hồ Chí Minh.
44/ Hồ Uy Liêm – nguyên Quyền Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học – kỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.
45/ Đào Tiến Thi – nhà nghiên cứu văn học & ngôn ngữ, uỷ viên BCH Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hà Nội.

Ngày 30/3/2015
T/M những người ký tên

Nguyên Ngọc

CHÙM THƠ VIẾNG NHỮNG HÀNG CÂY HÀ NỘI

Thơ viếng những hàng cây Hà Nội
Nguyễn Thị Năm

Hết rồi những hàng cây rợp trời bóng mát
Số phận bị kết án tử hình
Rùng rợn tiếng cưa,nhát chém kinh hoàng
Cây ngã gục-thành phố ngổn ngang trận mạc
Tiếng rên xiết của cây hay tiếng than của trời đất
“Xin đừng giết tôi”,”Tôi vô tội”

Có cơn bão nào đâu sao cây bật gốc
Trở lại những hốc sâu tựa hố bom
Lũ côn trùng ngoi lên mặt đất
Ngơ ngác gọi tìm nhau
Đàn chim về tan hoang tổ ấm
Những đôi cánh hoang mang bay lạc giữa phố phường

Bọn lâm tăc tràn về Hà Nộị
Khi đã phá tan nát những cánh rừng…
Ai thiếu lương tri,ai vô cảm
Ôi Hà Nội, niềm tin bị đốn ngã
Người nhạc sĩ già rưng rưng giọt lệ
Những giai điệu buồn theo lá trút cơn mưa
Còn xúc cảm nào cho chàng họa sĩ
Khi phố phường mồ côi sắc lá xanh
Khi màu hoa chỉ còn trong hoài niệm
Hà Nội đâu rồi văn hiến nghìn năm?

Tôi bỏ dở bài thơ về Hà Nội
Những ngôn từ giờ mắc cạn dưới gốc cây.

Melbourne, 3-2015


Em ơi Hà Nội phá!
Đặng Hà My

Hết rồi
cây bàng mồ côi mùa đông
Hết rồi
phố vắng nghiêng cành cây khô
Hết rồi hàng sấu hàng me
Hết rồi mùa thu lá bay vàng khắp phố
Ai về Hà Nội còn chưng hương cổ độ
Ai về Hà Nội còn nghe tiếng ve trưa
Ai về Hà Nội viết bài thơ hoa sữa
Ai mang nồng nàn cây lá gửi trong mơ?

Bản nhạc lặng câm vừa bật gốc
Rễ run lên cả vạn lời than
Người họa sĩ gù lưng ngồi khóc
Những giấc mơ em đang lên xanh một thời thiếu nữ chợt hoang tàn

Lũ dế chết dưới tầng đất đen
Ngày râm ran khoét vào trái tim lương tri
Những con mối mọt ung dung trên ghế trỏ tay lên những hàng cây đánh số tử hình
Thành phố còn lại những tiếng rù rì
Đục, khoan, cắt, phá

Hà Nội chảy máu
Mai ta về đi viếng những hàng cây

Nước Đức 2h sáng 20.03.2015


Một  Hà Nội khỏa thân
Đông Quỳnh

Muộn rồi, phải không em?
Hà Nội em,
Đâu còn em
Những hàng cây xanh
E ấp
Đài trang
Mượt lá cành…

Hà Nội em,
Tự muôn đời
Qua bao thời chiến tranh bom đạn
Em kiên cường
Hiên ngang
Không ngã
Em dịu dàng che mát cả trời đô thị
Vật đổi
Sao dời
Nỡ… nhẫn tâm?…

Hà Nội em,
Vào một đêm
Hay nhiều đêm hơn thế nữa?
Bố em bắt em trần truồng
Khỏa thân
Rồi mặc nhiên bán thân em cho lũ lợn
Cho bọn Tàu Cộng vô nhân tính?
Bố em trải lên mái tóc em
Lên gương mặt em
Lên vòm ngực em
Lên tấm thân em những bữa tiệc rượu?
Hả hê
Viên mãn
Vô thức
Vô nhân đạo
Vô thần?…

Hà Nội em,
Nghìn năm văn hiến
Giờ em ngã
Em nghiêng
Em trần trụi
Tôi không vui
Không thể nào vui
Ôi! Mục ruỗng… hình hài…

Hà Nội em,
Giữ lại em nhé
Một linh hồn Việt
Thương lắm
Tôi thương lắm
Tấm thân em…

Hà Nội em,
Hãy để tôi ôm dân tộc Việt vào lòng
Ôm cả tấm thân em
Một Hà Nội nồng nàn thưở ấy
Một Hà Nội bị bỏ rơi
Một Hà Nội chơi vơi
Ơi! Hà Nội…

(25.3.2015)
Nguồn: FB Nguyễn Trọng Tạo

Kỷ niệm về cây Hà Nội
Phan Đắc Lữ

Năm mươi năm về trước
Anh và em còn hai mái đầu xanh
Đêm giao thừa hái lộc hồ Gươm
Cây lá rì rào tiếng nhạc đón xuân sang.

Những đêm hè khoác tay nhau
Đi dọc đường cây cao Lò Đúc
Cứt cò rơi trên vai áo
Tiếng cò kêu xào xạc hàng me.

Những chiều thu
Lá rơi vàng đường Cổ Ngư xưa
Ta ngồi tựa vai nhau dười tàng cây cổ thụ
Gió Hồ Tây thơm nức cuối mùa sen.

Năm mươi năm
Hai mái đầu chúng ta đã bạc
Cây Hà Nội vẫn trẻ trung xanh tươi
Cây Hà Nội lá vàng rơi cho cành thêm lộc biếc
Cây Hà Nội cũng “bách niên giai lão‘’

Hàng sấu hàng me đường Trần Hưng Đạo
Thơm phức bát canh cua oi ả trưa hè
Người Hà Nội và cây xanh Hà Nội
Sống bên nhau suốt cả ngàn năm.

Sáng nay em nhắn tin cho anh:
“Lâm tặc Thủ đô“
Thảm sát hàng ngàn cây xanh Hà Nội
Công viên xơ xác
                           đường  phố tan hoang
Lá phổi thủ đô đến ngày suy hô hấp!

Người dân Hà Nội xuống đường!
 Sài Gòn 24 tháng 3 năm 2015
                          






GIỮA BỐN BỀ GIÔNG BÃO

Nguyễn Huy Hoàng
Ngạc nhiên với những điều đã cũ
Sau Tết dương lịch 2015, số lượng chuyến bay từ Nga về Việt Nam và ngược lại chỉ còn một chuyến Cam Ranh mỗi ngày so với tần suất sáu chuyến trước đây do có tới hơn năm chục phần trăm người Nga hủy tour du lịch tới Nha Trang; còn các tuyến Matxcơva- Hà Nội, Matxcơva -Thành phố Hồ Chí Minh cũng bớt đi một nửa, mỗi tuần còn hai chuyến, cũng vì người Nga đã thắt chặt lại hầu bao, hạn chế những chuyến du ngoạn tốn kém khi cơn bão khủng hoảng cận kề .
Đăng ký vé trở lại không còn chỗ, vì dân du lịch năm mới Nga đi chuyến vét sau Giáng sinh đạo Chính thống ngay sau ngày 7-1  phải quay về nhà cho kịp ngày làm việc sau đợt nghỉ Tết triền miên. Chẳng có gì vội, tôi đủng đỉnh giữa tháng Giêng mới bay về lại Matxcơva.

Bến xuân

Đặng Tiến

Xuân đã đem mong nhớ trở về

Lòng cô gái ở bến sông kia

Cô hồi tưởng lại ba xuân trước

Trên bến cùng ai đã nặng thề…

Nguyễn Bính

Từ một ý thơ xuân, hôm nay chúng ta cướp cả ánh thiều quang để nói chuyện Thơ, bàn về thi tính, hay chất thơ trong từ ngữ, lấy từ bến làm ví dụ. Dĩ nhiên là còn nhiều ví dụ khác.

Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long (3)

Thụy Khuê

Chương 3
GiaLong01Tóm tắt giai đoạn lịch sử 1777- 1802
(Phần 1)
Trước khi tìm hiểu công trạng của những người Pháp "giúp vua Gia Long dựng nghiệp", chúng ta cần nhìn lại bối cảnh chung của cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn, trong 25 năm, từ 1777 đến 1802, khi Gia Long thống nhất đất nước.
Chương này tóm lược bối cảnh chiến tranh qua lăng kính của Đại Nam Thực Lục và Đại Nam Liệt Truyện. Tuy gọi Tây Sơn là ngụy, là giặc, nhưng sử gia triều Nguyễn ghi chép rất kỹ về giai đoạn này.
Những chương kế tiếp, chúng tôi sẽ giới thiệu tài liệu của những người Tây Phương sống cùng thời, xem họ viết như thế nào; để đối chiếu với những điều do các nhà nghiên cứu, các sử gia thuộc địa viết, xem sự khác biệt ra sao.
Tổng hợp cả ba loại tài liệu trên, chúng ta sẽ có thể tìm ra sự thực lịch sử.
Chúa Nguyễn chạy vào Gia Định

CÁC “TAI NẠN” VĂN CHƯƠNG ĐƯƠNG ĐẠI (1)

Văn Việt: Trong lịch sử Việt Nam, không hiếm những “tai nạn văn chương” lớn nhỏ, từ bài thơ “phản nghịch” của con trai cả đại thần Nguyễn Văn Thành thời Gia Long khiến cha con tác giả mất mạng đến vụ mới nhất là “luận văn thạc sĩ Nhã Thuyên” với hậu quả "nhẹ" hơn nhiều (tác giả bị tước bằng, đuổi việc; người hướng dẫn bị cho về hưu). Hồ sơ “Các tai nạn văn chương đương đại” của Văn Việt xin hệ thống lại những vụ tiêu biểu trong khoảng 60 năm lại đây, mở đầu là vụ tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” những năm đầu thập kỷ 1990, rồi đi ngược thời gian đến sau vụ “Nhân văn-Giai phẩm” (hồ sơ vụ án lịch sử này đã được nhiều công trình tổng kết nên xin phép không nhắc lại nữa). Lịch sử không nên và không thể bị quên. Những ai cố tình quên hoặc bất chấp các bài học lịch sử thì không thể làm được việc gì tử tế trong hiện tại, còn những việc không tử tế thì dù mưu gian kế hiểm hay tàn trắng bạo trợn cũng sẽ thất bại, đặc biệt trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật, các sản phẩm tinh thần cao cấp của con người.
“NỖI BUỒN CHIẾN TRANH” HAY NỖI BUỒN PHÊ BÌNH VĂN HỌC (1)
BAONINHTiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh, công bố năm 1990 dưới nhan đề Thân phận tình yêu (Nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 1990), được dư luận trong các giới văn học và phê bình đánh giá cao, được tặng Giải thưởng Văn học năm 1991 của Hội nhà văn VN. Sau khi xuất hiện bản dịch tiếng Anh (The Sorrow of War, translators: Phan Thanh Hảo and Frank Palmos) và được tặng giải thưởng cho tiểu thuyết nước ngoài của báo Anh Independent (1994), thì trên báo chí trong nước xuất hiện một đợt phê phán khá nặng nề đối với tác phẩm này. Hậu quả trực tiếp là suốt một thời gian dài khoảng 10 năm sau đó, tác phẩm này của Bảo Ninh không được cấp giấy phép tái bản trong nước. Chỉ từ 2006, tình trạng kể trên mới chấm dứt.
Dưới đây, chúng tôi giới thiệu lại một phần các bài báo trong đợt phê phán kể trên. Văn bản rút từ tập tài liệu “Đời sống văn nghệ thời đầu đổi mới” do hai nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân và Nguyễn Thị Bình cùng một số sinh viên, nghiên cứu sinh thực hiện cuối năm 2006.
Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

THƠ DIỆP HUY

(tiếp theo và hết)

 

Trúc Ty dịch

 

遗传

 

我上班的地方

有一张五十年代的老式

办公桌。平时

我把腿架上去

当有人来时,我就移开

让他们看

桌沿上的压痕:一道很深的

腿的压痕

人们往往会惊讶道

如此逼真

而我告诉他们

这不是我一个人的缘故

还有其它人

它以前的主人,是

集体创造

就象楼上的那个女同事

她有一双漂亮的眼睛

那也同样不是她的

独创,那可能是她的母亲的

也可能使他祖母的

甚至有可能

是我爷爷的一个伯父的,他们

一代接着

一代

Gió tự thời khuất mặt

Tiểu thuyết của Lê Minh Hà

14.

“Con mang trên vai tuổi con gái chòng chành - con không được như các bạn của mình - khi mỏi nghiêng về bên mẹ...”.

Ngân đã viết như thế ở trang cuối của một cuốn vở, giữa một tiết học cuối năm, khi các bạn trong lớp dấm dúi chuyền tay nhau cuốn sổ lưu niệm để mơ màng nhắm mắt trước khi hạ bút vạch một chữ ký lãng mạn, với cái đuôi loằng ngoằng hướng tới tương lai. Đấy sẽ là cuốn vở duy nhất Ngân giữ lại nhiều năm sau khi đã rời trường phổ thông và đại học. Cuốn vở chỉ nguệch ngoạc đôi công thức toán và dòng chữ đó, trang cuối cùng. Nó nhắc Ngân nhớ tới nỗi cô độc bất thường của mình, không hẳn chỉ vì mồ côi mẹ sớm đến thế.

Nguyễn Viện và hành trình đổi mới văn chương

Trương Thị Ngọc Hân

Cho đến nay vẫn còn không ít người than phiền rằng: Nền văn học Việt nghèo nàn, quá ít tác phẩm hay và có giá trị. Dù xét ở phương diện và góc độ nào thì những nhận định như thế đều rất phiến diện. Bởi vì nếu theo dõi một cách thường xuyên và quan tâm thực sự sâu sát thì ai cũng đều nhận thấy rõ những bước chuyển rất đáng ghi nhận của các cây bút thế hệ mới (sau 1975) như Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Lê Minh Khuê, Võ Thị Hảo, Bảo Ninh... Những cây bút này đã và đang đem đến cho nền văn học nước ta những luồng gió mới, tiếng nói mới, cách nhìn mới và họ chính là những cây bút đang nỗ lực hết mình trên cuộc hành trình đổi mới văn chương.

Trong bài viết này, chúng tôi xin đi vào tìm hiểu một số đặc điểm và sáng tác của Nguyễn Viện — một "hiện tượng" văn xuôi đương đại.

Nhân sự kiện Charlie Hebdo và hành động của tổng thống Putin, bàn về mặt mạnh và mặt yếu của tự do

Martin Fendrych (Cộng hòa Séc)
Phạm Nguyên Trường dịch
Mỗi khi có một chuyện gì đó khủng khiếp, ví dụ như cuộc tấn công khủng bố ở Paris, khi những kẻ khủng bố tấn công và giết người, thì người ta bắt đầu cảm thấy rằng dường như thế giới tự do quá yếu. Cần phải có ít tự do và ít cởi mở hơn. Rằng cần hạn chế, vì những thứ này chỉ có lợi ở một mức độ nào đó mà thôi. Chúng ta cần một bàn tay cứng rắn. Trong xã hội phương Tây, một xã hội cổ vũ cho tự do ngôn luận, tự do tôn giáo v.v… cũng bắt đầu có những suy nghĩ như thế ngay sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, và, dĩ nhiên, họ cũng phản ứng như thế sau cuộc tấn công khủng bố vào tòa soạn báo Charlie Hebdo. Nhưng đây là thái độ sai lầm và có hại.
Câu hỏi đầu tiên nảy ra trong đầu là chúng ta có cần cẩn thận hơn không. Bất cứ thứ gì cũng có thể coi là cẩn thận hết. Ví dụ, ở Pháp và ở các nước khác, nơi có hàng triệu tín đồ Hồi giáo, xuất hiện những lời kêu gọi: Không chế nhạo Muhammad. Còn ở nước ta lại có những lời kêu gọi khác: ở đây chẳng ai quan tâm tới Muhammad thì nên tránh các “bố già” và các chính trị gia có ảnh hưởng nhất, tốt hơn là không viết về nước Nga và việc nước này gây xáo trộn ở Ukraine - tốt nhất là không dây vào những chuyện như thế. Tất nhiên, bên cạnh đó là những luận cứ về sự kiềm chế “bình thường” và “cần thiết”.

TAM NÔNG (Bài 5):

ĐI TÌM LỐI RA CHO TAM NÔNG HIỆN NAY

Vũ Ngọc Tiến

Năm 2008, thị trường nông sản thế giới đột ngột tăng giá là tín hiệu đáng mừng cho nông dân. Chỉ tính riêng 3 mặt hàng xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2008 so với cùng kỳ năm 2007, ta thấy: lượng gạo xuất khẩu xấp xỉ 2,8 triệu tấn, ít hơn 7%, nhưng giá trị tăng 87%, đạt 1,8 tỷ USD; lượng hạt điều không tăng, nhưng giá trị tăng 50%, đạt 490 triệu USD; lượng café tăng 10%, nhưng giá trị tăng hơn 30%, đạt 1,4 tỷ USD. Song cũng vì sự tăng giá trị xuất khẩu này đã dẫn đến hiện tượng nông dân đồng bằng sông Cửu Long phá rừng tràm, lấp ao thả cá để trồng lúa, còn nông dân Tây Nguyên thì phá tiêu để trồng café, đủ thấy tính không bền vững trong quy hoạch, yếu kém trong quản lý nông nghiệp ở nước ta. Lại nữa, đầu tư nước ngoài trong 7 tháng qua cũng đạt con số kỷ lục hơn 45 tỷ USD. Cứ đà này sẽ diễn ra quy mô và tốc độ thu hồi đất nông nghiệp tăng mạnh trong thời gian tới, kéo theo hàng loạt những thách thức về tam nông cần được giải quyết. Người viết muốn thử đi tìm lối ra cho tam nông hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

Trần Đức Thảo là ai?

Cuộc đời và sự nghiệp một triết gia Việt Nam

NHUNGLOITRANGTROIAlexandre FERON

Trở lại dự phóng trí thức đầy cao vọng và hành trình gian truân của nhà triết học mác-xít Việt Nam, quá “chiến sĩ” trong con mắt các triết gia, quá triết gia đối với các chiến sĩ, bươn chải trong những mâu thuẫn của thế kỷ.

Tác giả bài này là Alexandre Féron đang làm luận án tiến sĩ triết học. A. Féron nghiên cứu các mối quan hệ giữa chủ nghĩa Marx và hiện tượng luận trong triết học Pháp, đặc biệt ở Sartre, Merleau-Ponty và Trần Đức Thảo.

Ít ai nghe nói tới triết gia người Việt Trần Đức Thảo (1917-1993).  Vài người có thể đã nghe thấy tên ông: những ai quan tâm tới hiện tượng luận có thể đã biết tới bài dẫn nhập xuất sắc về tác phẩm của Husserl mà Trần Đức Thảo đã trình bày trong phần thứ nhất cuốn Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng (Minh Tân, 1951) ; những người say mê theo dõi cuộc chiến tranh Đông Dương có thể đã thấy tên ông trong danh sách những người tranh đấu cho nên độc lập của Việt Nam ; với một số khác, Trần Đức Thảo được biết tới như biểu tượng của một triết gia đã khước từ một sự nghiệp đại học đầy hứa hẹn tại Pháp để về chiến khu Việt Bắc năm 1952, tham gia công cuộc giải phóng đất nước. Còn đối với số đông, Trần Đức Thảo là một tên tuổi xa lạ.

TRẦN ĐỨC THẢO – Những lời trăng trối hay Nhận thức và ân hận muộn màng?

Hiếu Tân
Khi đọc (trên mạng) những trích đoạn Trần Đức Thảo nói (chuyện với Lê Tiến) được ghi âm lại, tôi thấy khả nghi: lẽ nào một nhà triết học, nói về một lí thuyết triết học, mà không có lập luận gì cả, chỉ nhắc đi nhắc lại Marx sai, chính Marx đã sai, rồi Hegel sai, và Marx theo Hegel Marx cũng sai! Rồi đập bàn, nóng này, giận dữ. Không có vẻ một nhà triết học, nhà nghiên cứu.
Nhưng sau khi đọc cả tài liệu, đến đoạn cuối này như một bằng chứng, thì tôi thấy có thể là thật. Thì ra trước đó tôi đánh giá TĐT cao hơn, hay nói cách khác, kì vọng hơn. Và tôi buồn cho ông.

CHÀNG LÃNG TỬ CỦA THỜI GIAN

(Về thơ Lữ Kiều)
Nguyễn Thị Khánh Minh
Lữ Kiều thuộc thế hệ những chàng lãng tử. Đi trong thời gian tang thương nhất của vận nước. Thế hệ sinh ra và lớn lên, trưởng thành, đều lọt hẳn vào chiếc võng đu đưa với những điệu ru buồn nhất của mẹ Việt Nam. Từ cách sống-với để thích ứng và chịu đựng số phận, đôi khi rất nghiệt ngã, mà một lứa bên trời lận đận ấy đã khắc hoạ được nét riêng trong nền văn chương nghệ thuật Việt Nam một thời.
So với lứa tuổi chúng tôi, thì dường như họ được sống nhiều hơn.(Mà đâu ai lựa chọn đau thương để được sống nhiều, phải không. Định mệnh thôi).
Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

Ngẫu hứng Trần Tiến 9

Anh về quê thằng Thanh Thảo, anh thích nó vì thơ nó quay mặt vào tường mà viết. Tất nhiên nó đi chơi chán mới về nhà, quay mặt vào bên trong cõi lòng mình. Dân bói toán gọi thế là hướng nội. Anh nghe câu này từ ông anh Dương Tường lãng mạn nhất quả đất. Anh Dương Tường nói với anh: em là nhạc sỹ hướng ngoại. Em cứ ra sân khấu là khán giả sướng. Thế là em lại ngẫu hứng bịa tiếp cho khán giả sướng thêm. Em là người của công chúng. Thằng Thụ thì khác (Nhạc sỹ Dương Thụ, cũng là bạn của anh, cũng yêu mấy ông anh nhà văn Xuân Khánh, Châu Diên…) Nó hướng nội. Mãi vài năm sau anh mới hiểu lờ mờ.

Lại kể chuyện quê thằng Thanh Thảo. Anh nghe nói ở đây có ốc lồn. Nghe gai người, nhưng sướng. Cũng giống quê em gọi cháo hàu là cháo lồn ngâm, nghe tục bỏ mẹ. Nhưng mà thích nghe. Nghe rồi thích ăn. Ăn rồi thích ăn nữa.

Biệt khúc cho Thanh Tâm Tuyền

(đọc lại Thơ ở đâu xa )

Bùi Vĩnh Phúc

Người ta thường chỉ nói về thơ Thanh Tâm Tuyền ở cái thời tuổi trẻ của ông, và gần như không có ai nói kỹ (hoặc tương đối kỹ) về tập "Thơ Ở Đâu Xa", kết tinh bởi những bài thơ thời sau này của Thanh Tâm Tuyền, đặc biệt là thời ông đã đi qua những hào quang của tuổi trẻ mình, và cũng là thời mà ông đang đi vào, đang đi qua những hiện thực sống động nhất, theo một nghĩa nào đó, của thân phận con người, nói chung, và thân phận thi sĩ, nói riêng, của chính ông. Cũng có ý kiến cho rằng thơ Thanh Tâm Tuyền, trong giai đoạn này, chỉ là thơ thời khổ nạn, tù đầy, không có mấy điều đáng bàn. Ý kiến đó có lẽ nên được xét lại. Con người thi sĩ, đặc biệt những con người thi sĩ với chiều sâu và kích thước như của Thanh Tâm Tuyền, có thể tự thể hiện phong cách độc đáo của mình, tự khám phá hoặc đổi mới mình, trong tứ, trong từ, trong hình ảnh, suy tư mình, trên các mặt ngữ âm, ngữ nghĩa, tiết nhịp, điệu thức, thể loại... trong bất kỳ hoàn cảnh hiện sinh nào của họ.

“Tài liệu lịch sử biển Đông- chúng ta vẫn còn thua xa các nước”

Phạm Hoàng Quân

“Điều băn khoăn khó nói mà tôi cũng muốn chia sẻ là khi nhìn kỹ lại hoạt động học thuật sử học trong bối cảnh hiện nay, trình độ nghiên cứu lịch sử nói chung hoặc nghiên cứu chuyên sâu các đề tài lịch sử liên quan đến biển Đông nói riêng, chúng ta còn thua khá xa các nước, mà trong đó đáng ngại đáng lo nhất là chưa theo kịp trình độ của người Trung Quốc”, bộc bạch của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân trong diễn từ nhân dịp nhận giải nghiên cứu của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ IX - 2015. Lễ trao giải vừa được tổ chức tối 24.3 tại TP.HCM.

Tôi có hơi bất ngờ khi những bài nghiên cứu lịch sử thuộc một chuyên đề rất khó đọc của một người có chuyên môn hẹp như tôi lại nhận được sự đánh giá tốt, được tiếp nhận rộng rãi thông qua giải thưởng này.

CÂU CHUYỆN THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ (2): Lời nhắn nhủ của người xưa

Nguyễn Đức Dương

1. Gái thương chồng đương đông buổi chợ; trai thương vợ nắng quái chiều hôm là một câu tục ngữ (TN) hết sức ý vị. Vậy mà cho mãi tới giờ, chúng ta vẫn chưa thể nhất trí được với nhau về cái nghĩa đích thực của lời nhắn nhủ này. Tại sao lại xảy ra tình trạng đáng buồn ấy? Và làm cách nào để trả lời thỏa đáng câu hỏi: ông cha ta muốn nhắn nhủ gì cùng con cháu qua câu đang xét?

2. Trước khi trả lời mấy câu hỏi ấy, có lẽ chúng ta NÊN cùng nhau đọc lại lời diễn giải từng được sách vở ở ta trích dẫn nhiều nhất: lời diễn giải từ sách “Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ” (1988) của GS. Hoàng Văn Hành cùng các cộng sự từng được biên soạn rất công phu và được in đi in lại nhiều lần kể từ ngày ra mắt tới nay.

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

Tình hình Việt Nam hiện nay: Phải chăng “Nhân dân nào chính quyền ấy”?

Tiêu Dao Bảo Cự


Diễn tiến trong thái độ của chính quyền đối với vụ tưởng niệm Gạc Ma 14/3 và việc thực hiện kế hoạch chặt 6700 cây xanh ở thủ đô Hà Nội cho thấy hành động của nhân dân đã tác động đến chính quyền.
Sau khi đám “dư luận viên” phá rối vụ tưởng niệm Gạc Ma, khác với sự im lặng hay công khai hỗ trợ hành động phá rối, lần này chính quyền đã lên tiếng phủ nhận việc tổ chức và ủng hộ đám “dư luận viên” thô thiễn, ngu ngốc gây phẫn nộ trong nhân dân; thay vì gọi những người đến tưởng niệm là “bọn phản quốc” như các lần khác, đã tôn vinh họ là “những người yêu nước”. Tương tự, sau việc chặt phá  một số cây xanh, chính quyền đã lùi bước trước phản ứng mạnh mẽ và tức thời của nhiều tầng lớp dân chúng trên đường phố và trên mạng xã hội.
Những điều trên làm ta liên tưởng đến câu tổng kết của một nhà tư tưởng: “Nhân dân nào chính quyền ấy”. Nó cũng đánh dấu việc mở đầu một giai đoạn nhân dân chuyển mình đã tác động tích cực lên nhà cầm quyền.
Trên dưới hai thập niên vừa qua, nhiều cuộc chuyển đổi và cách mạng “long trời lở đất” đã xảy ra đối với hệ thống xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới và các nước có chế độ độc tài ở Bắc Phi và Trung Đông. Nhiều người đã mơ tưởng đến các loại “cách mạng màu, cách mạng hoa” như ở một số nước nhưng điều đó đã không xảy ra. Tình hình này cũng có thể chứng minh cho cách tổng kết “nhân dân nào chính quyền ấy” ở Việt Nam.
Nhân dân là một từ trừu tượng nhưng lại rất cụ thể. Ai cũng có thể tự xưng nhân dân, nhân danh nhân dân, hô hào nhân dân. Có khi nhân dân im lặng chịu dẫn dắt như bầy cừu nhưng cũng có lúc nhân dân nổi gió dậy sóng. Người xưa cũng đã từng nói “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”.
Trong chiều dài lịch sử của mình, nhân dân Việt Nam có hai đặc tính nổi bật:chịu đựng và phản kháng. Hai đặc tính này luân phiên hay cùng lúc bổ sung cho nhau tùy hoàn cảnh cụ thể. Nếu không rèn đúc được hai đặc tính này, chắc chắn quốc gia Việt Nam đã bị xóa sổ trên bản đồ thế giới.
Trong lịch sử thế giới, không ít thí dụ về việc có những chế độ tàn ác được nhân dân ủng hộ, trong một giai đoạn, mà rõ ràng nhất là phát xít Đức và Nhật, đã gây nên thế chiến 2, làm hao tổn bao nhiêu máu xương của nhân loại. Chế độ cộng sản ở Liên Xô và Trung Quốc trước đây cũng thế, cho đến khi nhân dân nhìn ra tai họa tày trời với những tội ác kinh hoàng mà chế độ do chính họ ủng hộ gầy dựng nên đã mang đến.
Từ năm 1975, 40 năm qua, tại sao nhân dân Việt Nam vẫn phải chịu đựng một chính quyền ngày càng tỏ ra tồi tệ, đưa đất nước ngày càng “tụt hậu” thay vì vươn lên sau khi đã chấm dứt chiến tranh và thống nhất. Có người trách cứ, thậm chí nguyền rủa nhân dân chỉ biết hèn nhát cúi đầu. Nhận định về tình hình này là một vấn đề phức tạp trên nhiều lãnh vực, từ nhiều góc độ. Ở đây chỉ xin phân tích về tính chất của nhân dân định hình bởi hoàn cảnh lịch sử hiện nay.
Nhân dân bao gồm tất cả mọi tầng lớp trong xã hội. Khi nói nhân dân ủng hộ, chịu đựng hay phản kháng phải có đại bộ phận nhân dân chứ không phải một vài tầng lớp.
Từ sau 1975 nhân dân Việt Nam có tâm lý và tâm cảnh sau đây: Vui mừng vì đất nước đã hết chiến tranh và thống nhất (trong đó riêng ở Miền Nam, những người có liên quan đến chế độ Việt Nam Cộng Hòa lo sợ bị trả thù, phân biệt đối xử và thực tế điều này đã diễn ra). Ngán ngại chiến tranh, xáo trộn. Cốt làm ăn kiếm sống và vươn lên. Hưởng thụ khi có điều kiện. Lo sợ khi gặp rắc rối với chính quyền. Sẵn sàng thỏa hiệp với chuyện hối lộ để được việc, vượt qua rắc rối. Cầu an nên thường tránh xa hay vô cảm với cái xấu, cái ác xảy ra chung quanh hàng ngày.
Riêng đối với trí thức, ở Miền Bắc từ sau vụ Nhân Văn – Giai Phẩm và Xét Lại - Chống Đảng, tinh thần phản kháng hầu như bị thui chột đến mấy thế hệ, ở Miền Nam, do tâm lý và hoàn cảnh bại trận, tinh thần phản kháng cũng nhụt đi nhiều.
Đối với học sinh sinh viên là lứa tuổi trong sáng, giàu lòng phản kháng tự nhiên nhưng chính sách giáo dục nhồi sọ, nô lệ, nặng tính chính trị, cùng với hoàn cảnh kinh tế khó khăn của toàn xã hội đã làm họ trở nên thụ động và phần đông chỉ biết vâng phục, mong muốn học giỏi, thi đỗ, có việc làm và làm giàu.
Tất cả những điều trên đã làm cho nhân dân cam chịu trước bao nhiêu khó khăn, khổ nhục, bị tước đoạt nhiều thứ tự do nhưng vẫn nhẫn nhục chịu đựng trong một thời gian dài, tưởng như toàn xã hội đã tê liệt lòng phản kháng.

Tuy nhiên gần đây tình hình đã thay đổi, những dấu hiệu phản kháng đã bộc lộ và bùng lên nơi này nơi khác với nhiều mức độ khác nhau. Đầu tiên là “dân oan” bị mất đất mất nhà đã đi khiếu kiện, biểu tình, “chống người thi hành công vụ” (thực ra là thi hành “công vụ phi pháp”) và một vài trường hợp đã bạo động. Các tôn giáo bị trù dập, đàn áp cũng có phản ứng tương tự. Nhiều trí thức, văn nghệ sĩ, kể cả đảng viên phê phán nghiêm khắc chính sách của đảng và nhà nước ngày càng gay gắt. Các blogger, facebooker phần đông là các bạn trẻ, quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề chính trị, bày tỏ quan điểm trái với chính quyền ngày càng sắc bén, một số nhỏ đã đi vào hành động một cách khôn ngoan, táo bạo. Việc chống lại cảnh sát giao thông, đôi khi ngay cả lúc phạm lỗi, đã trở nên phổ biến, thậm chí có dấu hiệu cực đoan như chửi bới, tông thẳng xe vào cảnh sát là điều trước đây chưa bao giờ có. Hai biểu hiện gần đây của nhiều tầng lớp xã hội là vụ tưởng niệm Gạc Ma và chống chặt cây xanh ở Hà Nội như đã nói trên cho thấy sự chuyển mình của quần chúng từ chịu đựng sang phản kháng.
Sự phản kháng này chỉ có hiệu quả lớn khi đại bộ phận nhân dân tham gia. Các tầng lớp nhân dân không đồng nhất nên phải có sự tác động, kích thích lẫn nhau, đặc biệt trong đó tầng lớp ưu tú có trách nhiệm dẫn dắt và thúc đẩy, lứa tuổi trẻ xung kích tiến lên hàng đầu. Trí thức dấn thân thường đấu tranh vì lý tưởng chứ không vì quyền lợi, tuổi trẻ không ngại hi sinh, không so đo tính toán. Đó hầu như là kinh nghiệm của mọi cuộc cách mạng. Và trong thời đại Internet, thông tin truyền tải tức thời, sự tác động qua lại giữa các tầng lớp càng nhanh lên gấp bội.
Phải chăng đây là con đường, là lối thoát tất yếu cho tình hình Việt Nam? Và có phải đảng – chính quyền đã không học được bài học tự ngàn xưa “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân” để đi đến tự hủy?
24/3/2015