Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

TÔI TẬP BƠI

Lê Minh Hà

Theo phong cách „sát thủ đầu mưng mủ“, nói „dở hơi không biết bơi“ là đúng đấy.
Nhà nằm ngay bên bờ sông Đáy một thời trong chứ không lềnh bềnh rau muống bè từng đoạn như là ao cạn thế này, vậy mà tôi không biết bơi. Cả hai chị em đều không biết bơi, thế chắc sự dở hơi này nằm trong tố chất. Cuối xuân đầu thu và suốt mùa hè, bì bõm cả chiều ngoài sông, vẫn không biết.

Thế nên cho chắc ăn, thò chân khoắng không còn thấy bậc đá xanh nào chỉ lạo xạo toàn vỏ hến là tôi dừng. Tôi khôn ngoan đứng phơi ngực trần lúc đó phẳng như là thước kẻ nhựa, thỉnh thoảng dìm mình xuống nước, thế là đủ khoái.
Nhưng bọn trẻ nhà quê thì ngứa mắt nhìn con Hà Nội tắm lắm. Lúc thì có đứa giật cái áo tôi đang vò trong bàn tay bé nhỏ quăng ra xa làm con bé cuống quýt nhào ra, hụt chân sặc nước phát khóc. Lúc đứa khác bò dưới đáy sông nắm cổ chân con Hà Nội giật ngã bổ nhào, chống tay xuống đám vỏ hến người trong xóm đãi bao đời đổ đấy, sặc nước ho đau cả ngực và tay chân thì sây sát cả.

Vậy là phải tập bơi. Không thành! Giá như mà khi đó tôi đã biết có những việc với một đôi ba kẻ hì hục cả đời vẫn không làm sao tự khai hóa khai phóng được!

Thằng em họ hơn tôi vài tuổi thì khác. Chiều chiều nó với mấy thằng trẻ trâu tồng ngồng chạy dọc bờ sông lên phía cầu Ba Thá đầu xóm. Cầu sắt, có tay vịn đàng hoàng, Pháp dồn dân cả vùng về xây hồi chín năm kháng chiến. Chúng nó trèo tót lên thành cầu, hét một, hai, ba rồi nhảy chúc đầu xuống sông. Chưa khi nào tôi nhìn thấy con bòi chúng nó chúc hay chổng trong tư thế đó, nhưng nhớ rõ mông trẻ trâu rất trắng, hai mảng trắng nổi bần bật so với cả tấm lưng và đôi đùi đôi cẳng một màu bùn nắng.

Con em họ tôi cũng thế. Đi tắm mà nhiều khi nó chẳng thay quần áo, trút hết ra rồi vo lại lật cái mê nón nhét một nùi vào đó, rồi nhào thẳng xuống sông. Chẳng biết nó bơi kiểu gì, bướm hay chim hay chó, chỉ thấy cánh tay ngắn ngủn cào nước, đầu chúi xuống, mông trắng lốp chổng phộc nhấp nhổm một hồi đã thấy sang tới bờ bên kia. Sông Đáy dòng trong, lắm cát, có những chỗ cát bồi, trẻ con đi từ bờ bên này qua bờ bên kia nước cũng chỉ dâng ngang ngực, thèm theo chúng nó sang đất lạ lắm mà tôi không dám. Hai bên lối bọn chúng nó lội sông có nhiều thùng đấu, người ta moi cát, rồi sóng nước lại khỏa cát lấp dần, sa chân vào đó mà không biết bơi thì, như bà vẫn dặn, chết là thành con ma da hay bắt đàn bà phải tội đàn ông đấy. Không đứa nào, kể cả mấy đứa gọi tôi là chị dám dẫn tôi qua vì sợ bà biết bà mách với thầy u chúng nó. Làng khi thưa việc đồng, đàn ông đàn bà hay rủ nhau đẩy cái xe cải tiến đi về phía đằng rừng, Miếu Môn, chặt le ra đan rế bán ngày phiên chợ. Roi le mà quất thì đau chẳng kém roi mây là mấy.

Đất lạ hấp dẫn quá chừng. Một mình bên này bờ ngóng một lũ đã sang sông, lòng dạ xôn xao buồn bực lắm. Vậy là càng thêm quyết tâm tập làm cho mình không chìm.
Có nhiều cách. Thằng Thông hàng xóm, tôi phải gọi bố nó là ông, ông Lúa, bắt về mấy con chuồn chuồn. Vén áo trật cạp quần, tôi nghiến răng cái còn cái rụng để cả lũ chúng nó dí con chuồn chuồn vào bụng cho cắn rốn. Ba lần can đảm không hô khẩu hiệu, ba lần không thành công. Cái đầu con chuồn chuồn thô lố mắt chỉ mới chấp chới trên da là tôi đã gập người cười sằng sặc. Thằng Cảnh chiều chiều hùng dũng đứng trên lưng trâu bậm bịch vào ngõ, bắt đâu được con cồ cộ với con xiến tóc, bàn cho cắn rốn tôi thay cho chuồn chuồn. Mục đích biện minh cho phương tiện, chuồn chuồn cồ cộ hay xiến tóc con nào chẳng được, cái chính là bị cắn. Con cồ cộ, hình thù trọng lượng tiếng cả gấp mấy lần con ve, bảo để nó cắn rốn? Con xén tóc, nhổ sợi tóc của đứa ngồi cạnh chìa vào đôi càng nó, đứt đôi trước cả khi đứa bạn dứt tiếng „ái đau“, bảo để nó cắn rốn? Thôi! Chẳng bơi thì đừng!

Còn cách khác, không kì công bằng nhưng lâu công hơn, hậu quả cũng nặng nề hơn. Dùng phao.
Phao xịn nhất là thân cây chuối. Lấy đâu ra! Chuối trổ buồng, chín thì người ta mới chặt lấy thân làm thức ăn cho lợn rồi đào củ chuối lên lấy đất trồng gốc chuối khác vào. Hoặc giả bữa chiều có nồi riêu cua riêu cá, ông chủ nhà đi làm đồng về tắm táp xong ngồi hóng ra vườn tăm lấy một thân chuối non lá còn đang cuốn chưa xoè thì vác dao ra chặt về sai cô con gái thái thật mỏng, mỏng tang như đăng ten thả vào cái chậu đất đựng đầy nước, rồi hái thêm dăm ba lá tía tô, kinh giới, húng làm rổ rau ghém. Vậy là già hay trẻ, cây chuối cũng đều có ích, có cắt một tàu lá chuối làm súng giả bắn rốp rốp đuổi gà còn bị mắng, vì phí mấy mảnh lá chuối (sẽ) khô, gom lại cuối năm bán cũng được tí tiền còm. Thế nên chỉ có cách duy nhất là chặt trộm. Chuối đang lên là vừa tay ôm của bọn tôi nhất. Bọn trẻ cùng xóm tử tế toàn vác dao bầu chặt chuối ở vườn nhà chúng nó cho con Hà Nội. Chặt cả cây mà chỉ lấy một khúc, hỏi sao đầu xóm cuối xóm người ta không réo lên chửi „cha tiên nhân thằng nào con nào chặt mất cây chuối vừa ấm bụi của nhà người ta thế này.“ Trẻ con, luồn vườn kéo lê khúc thân chuối ra sông qua ngõ sau nhà bà Cửu Tân, một bà già nghe nói ngày trẻ đẹp gái lắm mà chồng chết sớm, rất biết buôn bán chăm cháu thay cho cái sự không con, chọc được người ta chửi không oan lại còn lấy làm thích, dại chưa?

Nhưng muốn có thân chuối làm phao thì phải trông chờ vào lòng tốt, thời gian và cả hứng nữa của đám trẻ chơi khăng chơi đáo cùng ngõ cùng xóm. Khi phải tự lực tự cường, cách đơn giản nhất là mắt trước mắt sau chân trước chân sau. Với các bà già hàng xóm thì đây là tư thế vạch quần vãi vào cái nồi vỡ đựng nước tiểu nhiều nhà để ngay đầu ngõ. Với chị em tôi thì đơn giản là động tác nhảy từ bậc thềm xuống làm con gà mẹ dắt bầy con quanh quẩn bên gốc chuối phẫn nộ tác ầm tác ĩ, rồi nhanh tay quơ lấy cái quần của bà phơi trên dây, rông một mạch ra bến sông.

Thời buổi khó, phiếu vải còn chia ra phiếu cán bộ nhân dân, quần áo toàn đồ đã tàu tàu rung rúc rồi, bộ mới thì cho vào hòm đổ đầy băng phiến, đi đâu mới moi ra. Thế nên có cái quần phơi đã khô, lại bị cháu nghịch dại đem nhúng nước, làm gì bà không mắng cho tơi tả. Vài ba hôm bà lại mắng một lần, nhưng chẳng bao giờ bà ra sông gọi chúng tôi dừng cuộc vui lại vác đít về nhà chịu tội.

Quần của bà may bằng vải láng, cắt kiểu phổ cập cho phụ nữ thời bà, gọi là quần chân què, mênh mông đũng, so được với cái quần Alibaba của dân Trung Đông nhưng ống không chẽn, tiện cho việc ngồi xổm làm đủ thứ việc nhà việc cửa, xắn cao tới háng khi lội bùn cấy hái và vân vân. Bà tôi mặc quần cạp lồng chun chứ không phải là dải rút như các bà khác trong làng. Tiện lắm! Khi biến cái quần thành quả bóng không cần thổi mà tập bơi. Em mỗi tay nắm chặt hai ống quần, chị kéo cái cạp quần chun của bà thật rộng, hét „một hai ba“ ụp xuống nước rồi túm chặt lại. Phải làm thật nhanh. Cái quần phồng lên như chú lợn mán con. Úp mặt vào đũng quần chân què của bà, yên tâm đập chân ở chỗ nước sâu hơn một chút. Khi nào quả bóng quần bà xẹp, lại „một hai ba“, vui đâu mà vui thế. Bì bõm cả chiều, nước ấm và gió mát, đầu ngón tay nhăn nheo, môi tím ngắt, lúc mặt trời đã xuống hẳn đằng rừng thì bà xong chuyện vườn tược cơm nước sân xướng, cũng ra bến tắm. Cả bầy cháu lại xúm vào đòi kì lưng cho bà bằng hòn đá kỳ to như quả trứng ngỗng con con chả biết bà có và giữ tự đời nào. Bà túm hết đứa này qua đứa khác, bắt cúi đầu gội lại, rồi kì rồi cọ, xong mới thả. Lần nào cũng như lần nào, miệng bà mắng mà mắt bà như cười, nhưng lúc đó, sau cơn liều lấy trộm quần chẳng đứa nào dám nhờn với bà. Thế là ton tót lội lên bờ, run rẩy tròng vào người áo quần, đứng chờ bà giặt xong rồi về nhà đứa giúp bà phơi quần áo đứa bê bát đứa so đũa đứa sắp ghế chen nhau ngồi trước cái mâm chõng.
… Cho đến bây giờ tôi vẫn không biết bơi. Bà tôi mất rồi và dòng sông Đáy qua làng như không còn trôi. Người ta đổ rác ngập dốc bến. Người ta nuôi cá lồng và thả rau muống bè. Dân làng không ăn nước sông Đáy nữa, không tắm sông nữa. Bà mất cũng lâu lắm rồi.
Còn lại trong trí nhớ là con bé con quần áo chỗ khô chỗ ướt đứng trên bến sông đợi bà trong chiều muộn, hóng ra giữa dòng, nơi những tia nắng cuối cùng rời đi tít tắp. Ngoài đó hay có những thuyền đinh khẳm cát ngược dòng lên phía Thác Bà. Những chiều ngược nước lại còn ngược gió, có những người đàn ông dây chão nghiến vai bấm chân cong người đi dọc bờ sông. Người chống thuyền đứng dé chân chèo đẩy. Người kéo thuyền gồ vai kéo. Có con bé con trạc tuổi tôi cầm cái rá đứng đầu mũi, thằng em mũi dãi cởi trưồng bên chân. Mắt nó nhìn lơ đễnh. Như tôi bao năm sau sẽ nhìn, vào một thế giới khác không biết tới và không mong sống. Tôi nhìn nó, nhìn con thuyền mang nó lừ đừ đi ngang, nao nao thèm mình cũng sẽ lại được ra đi. Đi đâu? Trong trí tưởng của một con bé con cô độc nơi sơ tán, đấy là một thành phố, vào lúc lên đèn ngỡ như có những dòng sông ánh sáng chảy qua nhau.

Berlin 27.11