Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

“Việt Nam cần xây dựng một nền giáo dục không bắt nạt”

Trà Mi

clip_image001

Thực trạng đạo đức học đường xuống cấp một lần nữa gây phẫn nộ công luận sau vụ một học sinh lớp 6 ở TPHCM tử vong sau khi bị cô giáo đánh đòn vì nói chuyện trong giờ học.

Em Lê Thị Phước Hải có bệnh sử động kinh, học lớp 6/7 trường trung học cơ sở Phan Bội Châu, qua đời sau khi bị cô Thảo Vy phụ trách môn Công nghệ cặp nhiều chiếc thước kẻ đánh vào mông hôm 6/1.


Kiểu giáo dục “roi vọt” trong học đường dựa trên tạp quán văn hóa lâu nay của người Việt là một phương pháp phản sư phạm phải được đào thải tận gốc và cần phải xây dựng “nền giáo dục không bắt nạt” mới mong tiến tới một xã hội Việt Nam tốt đẹp, theo nhận xét của một nhà sư phạm lão thành đang cố công xây dựng bộ sách cải cách giáo dục phổ thông trong nước.

Trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ, nhà giáo Phạm Toàn, người lập ra nhóm làm sách Cánh Buồm, tác giả của nhiều sách giáo khoa thực nghiệm hệ thống phương pháp mới, phân tích căn nguyên và giải pháp cho những nhức nhối trong nền giáo dục Việt Nam hiện nay:

Nhà giáo Phạm Toàn: Tôi ước mơ xây dựng một nền giáo dục không bắt nạt trẻ em. Sinh viên ngành sư phạm của ta không hề được học để biết những vấn đề về sinh lý, tâm lý trẻ em một cách cặn kẽ.Các nhà sư phạm của ta được đào tạo ở Liên Xô và Trung Quốc về cũng không biết những vấn đề như thế và cũng không bao giờ tìm những giải pháp cho giáo viên cả.Vụ việc của em Hải vừa rồi thật đau lòng, nhưng nhìn toàn cục mà nói, nó không khiến mình ngạc nhiên vì nền giáo dục đào tạo giáo viên như hiện nay gây cái chết cho học sinh cả tâm trí lẫn thể xác.  

VOA: Các trường đạo tạo giáo viên ở Việt Nam có quy định rõ ràng cấm giáo viên đánh học sinh hay không?

Nhà giáo Phạm Toàn: Có quy định không được đánh, không được hành hạ hay làm ảnh hưởng đến cơ thể trẻ em. Nhưng người ta vẫn không thực hiện. Công an cũng được quy định không đánh dân. Cụ Hồ nói công an là bạn dân mà. Thế nhưng họ cứ đánh, làm gì họ. Không ai kiểm tra cả. Đến lúc thanh tra ra thì lại che giấu. Ở Việt Nam có đầy đủ luật lệ cấm hành hạ về cơ thể nhưng người ta cứ vi phạm, chịu bó tay.

VOA: Nguyên nhân vì sao? Có luật thì có khung xử lý được chứ ạ?
Nhà giáo Phạm Toàn: Nhưng người ta có thực hiện cái đó đâu. Ví dụ như luật sư Võ An Đôn đứng ra bênh vực người nghèo tìm cách truy tố những kẻ có tội thì bây giờ đang là mục tiêu của các cơ quan cấp tỉnh hùa vào định tiêu diệt ông Đôn. Anh Đôn là một người hùng, người của dân, của một nền pháp trị mới hoàn toàn. Anh muốn làm việc tốt đẹp dựa vào luật pháp, thế mà giờ anh ấy bị thế đấy. Việt Nam bây giờ đang là sự vật lộn giữa luật có thật và luật giả vờ, giữa đạo đức có thật và đạo đức giả vờ, giữa một nền pháp trị có thật và một nền pháp trị giả vờ, giữa những chuẩn mực có thật và những chuẩn mực giả vờ. Việt Nam đang vật lộn để trở thành một đất nước ngay thật thoát ra khỏi sự giả vờ.

VOA: Có luật mà mọi người không chấp hành phải chăng thiếu biện pháp xử pháp nghiêm minh, một yếu tố đi kèm rất quan trọng?
Nhà giáo Phạm Toàn: Không, không. Vì có những kẻ đứng trên luật, nhân danh sự lãnh đạo để thực hiện cái gọi là luật ấy.Và có những kẻ đứng trên luật để xử. Ai đứng trên luật, mọi người đều biết cả rồi.

VOA:Nhưng nếu có luật mà có cả biện pháp xử phạt nghiêm minh thì chắc cũng không đến nỗi?

clip_image002Em Hải có bệnh sử động kinh, và gia đình đã thông báo bệnh trạng của Hải cho nhà trường và bạn bè biết để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra với em. (Ảnh: Facebook của Khải Hoàn, mẹ em Hải).

Nhà giáo Phạm Toàn: Đấy là trường hợp “nếu” rồi. Chúng ta phải chờ cái đó nó thành kết quả trong một thời gian nữa.

VOA: Trở lại với cách dạy dỗ trẻ em, văn hóa “thương cho roi cho vọt” lâu nay đã “thấm nhuần” từ trong nhà ra tới nhà trường, ngay cả ba mẹ cũng quan niệm rằng mình có quyền đánh con cái. Vấn đề đặt ra là nên hay không nên “cho roi vọt”?

Nhà giáo Phạm Toàn: Nền giáo dục xưa nay là nền giáo dục răn dạy, cứ cho mình là người lớn thì được quyền bắt trẻ con phải theo. Vấn đề là các nhà sư phạm phải tìm ra cách học mà tự người học đem lại trí tuệ cho mình và nhà giáo chỉ là người hướng dẫn tổ chức. Bây giờ đang là cuộc vật lộn, Nhóm Cánh Buồm của tôi đang tìm cách đưa hệ thống ấy vào học đường. Trong bộ sách Cánh Buồm của chúng tôi có những chuẩn để trẻ em tự làm bài xong tự đánh giá. Cứ như thế thì người ta không còn cớ để bắt nạt trẻ con nữa. Cho nên tôi mới nói Việt Nam cần phải xây dựng một nền giáo dục không bắt nạt.

VOA: Để có được nền giáo dục đó, phải chăng cần xuất phát từ nếp nghĩ ngay trong nhà rồi mới ra tới nhà trường?

Nhà giáo Phạm Toàn: Nó bắt đầu từ sự nghiên cứu khoa học đã, đi đến nhà trường, rồi mới lan dần ảnh hưởng đến phụ huynh. Phụ huynh, giáo viên đều cần phải được giáo dục lại.Tóm lại, cả một dân tộc phải được dạy lại một cách tử tế. Người lớn lâu nay đã quen quát tháo trẻ con. Giờ người lớn cần phải được dạy lại cư xử theo cách khác.

VOA: Để sửa đổi phương pháp giảng dạy, sửa đổi cả một hệ thống…


Nhà giáo Phạm Toàn: Phải từ từ. Ví dụ, nhóm nghiên cứu soạn sách giáo khoa của chúng tôi 5 năm nay chỉ tiêu có 300 triệu đồng trong khi Bộ Giáo dục cần những mấy trăm tỉ đồng để làm sách cải cách giáo dục.Hai hệ thống này phải đấu tranh và phải từ từ mới giải quyết được. Trong cơn thịnh nộ, một dân tộc thiếu văn hóa hiện đại thì sẽ trở thành những kẻ thô lỗ.

VOA: Theo nhà giáo Phạm Toàn, lỗi này nên quy cho ai?

clip_image003

Nhà giáo Phạm Toàn trình bày về giáo dục theo quan điểm của nhóm Cánh Buồm tại Đại học FPT, ngày 30/11/2014.

Nhà giáo Phạm Toàn: Phải quy cho hệ thống tổ chức xã hội. Ai chịu trách nhiệm hệ thống ấy thì phải chịu trách nhiệm nặng nhất. Các nhà trí thức phải chịu trách nhiệm thứ hai vì không tìm ra được lối thoát cho họ. Thứ ba, từng con người không kiềm chế mình phải tự thấy trách nhiệm. Không phải kiểu như ông Nguyễn Sinh Hùng nói “Dân bầu ra Quốc hội, Quốc hội sai thì dân phải chịu trách nhiệm” mà từng người một phải tìm ra được trách nhiệm của mình. Cả xã hội này đang cần tìm ra một cái thay thế để lấp một lỗ hổng.

VOA: Để tạo ra “cái thay thế” đó phải có điều kiện cần và đủ thế nào?
Nhà giáo Phạm Toàn: Một là anh phải có tâm hồn, hai là anh phải giỏi. Chưa có, chưa có, phải từ từ. Bởi vì ngay cả giới trí thức bây giờ cũng chỉ là giới trí thức giáo điều, trí ngủ. Cho nên, phải từ từ không thể vội được.

VOA:“Từ từ” dường như nghe có vẻ bất lực quá trước hiện trạng bạo lực học đường đang ngày càng leo thang?

Nhà giáo Phạm Toàn: Chính là bất lực. Chúng ta đang bất lực đấy chứ còn gì nữa. Bạo lực đầy rẫy khắp nơi mà chúng ta làm gì được nổi đâu? Phải thấy cái nhục của sự bất lực rồi thì mới tìm ra được giải pháp. Có hai cách đối xử với sự bất lực. Thứ nhất là khoanh tay. Thứ hai là tìm cách ngọ nguậy để tạo ra giải pháp thay thế. Thế thì bây giờ mình phải cổ vũ cho cái đấy. Lại phải kiên nhẫn. Chúng ta không còn con đường nào khác là tiếp tục làm những điều tốt đẹp và kiên nhẫn chờ đợi cuộc sống thực sẽ có những biến chuyển.

T.M thực hiện

Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/vietnam-can-xay-dung-mot-nen-giao-duc-khong-bat-nat/2597862.html