Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (68): NHỮNG CHUỘT

Truyện ngắn

Dương Nghiễm Mậu

Lão Chệt ngồi trong bóng tối ngó ra, lão mở lớn đôi mắt tưởng như đã kèm nhèm nhưng thật ra còn tinh tường lắm. Từng đám cỏ động nhanh từng vệt rồi lại biệt tăm. Tiếng kêu của đám chuột đang từ chỗ này sang chỗ khác rủ nhau đi kiếm mồi, mùi cua nướng lão Chệt còn ngửi thấy thơm phức chứ riêng gì đàn chuột, giá như một lúc khác, với những con cua nướng đó, thêm vào vài xị đế chắc đã làm lão say sưa quên hết sự đời. Nhưng bây giờ thì không được, chỉ một tiếng động nhẹ lão cũng tránh, nuốt một chút nước bọt lão cũng thận trọng chứ đâu dám nghĩ đến chuyện nhai từng chiếc lũ, chiếc chân giòn tan trong hàm răng chắc chắn này. Gió tây bắc thổi nhè nhẹ, mùi cua tỏa theo. Tiếng chuột kêu mỗi lúc một nhiều :

- Ra đi các con, mồi ngon lắm, toàn là những cua hang tao đã bắt cả ngày mới được, có con nó còn dùng cả hai chiếc càng bự mà cặp tao sưng cả tay lên đây này. Những chú cua béo vàng ấy thật khoái. Chà, nó vừa vào lửa đỏ đã xèo xèo chảy nước ra nghĩ mà thèm, thế mà tao không được nhậu một miếng. Tụi bay sướng rồi còn gì, tao lại phải ngồi đây chầu chực hầu hạ tụi mày nữa. Như một triều đình còn chi? Ăn đi các quan, xin các quan xơi cho cẩn thận, rủ rê thêm nữa - những quan cố, quan bác, quan con, quan cháu - hãy rủ nhau ra cho đủ mặt mà nhậu một chầu đại yến. Ngàn năm một thuở dấy... Rồi làm sao à...

Lão lẩm bẩm nhưng rồi lão bỗng lặng yên, có mấy tiếng súng nhỏ ở đâu vọng về. Cần gì, còn xa. Những chú chuột kia mới hệ trọng. Tiếng kêu đã đông đảo thêm. Tiếng kêu có vẻ ríu rít vui vẻ gấp bội, có cả tiếng những chiếc lũ cua vỡ giòn tan, tiếng chí chóe như đùa cợt. Nhưng lão Chệt vẫn thấy hình như chưa nhiều đối với chiếc lưới sập mà lão dăng ra phía bờ mương. Đã ra ăn thì không chú nào hòng chạy thoát, lưới trời mà. Lão mỉm cười như thương hại lũ chuột, và cũng như đắc ý. Ai bảo tham ăn, cái luật là như thế. Chẳng lẽ những chú cua mồi thơm phức ấy lại bị hy sinh một cách oan uổng và phí phạm sao? Công lao rình rập và nhất là còn cơm áo của lão, còn cô bé xinh đẹp ở trong xóm lão vẫn muốn được cưới làm vợ. Hơn ba năm trời rồi chả gì cũng đã qua cái cảnh tang bà nó, chết đi bỏ lão cô đơn buồn rầu. Nhưng thực tình còn bà lão thì cũng già rồi, có nước non gì vì vậy lão cứ phải buồn phiền lên tỉnh bảo thằng Lai nó kiếm cho một đứa thổ tả nào đấy mà hú hí một đôi khi cho khuây khỏa tuổi già. Nhưng có được tới vài ba ngày bao giờ, một đêm đã quá lắm, nên lão thường buồn.

Có hai con chuột đuổi nhau chạy vào tận chân lão. Ăn no uống say rồi chúng nó cũng rửng mỡ đấy. Nó kêu, chạy rồi cắn nhau có vẻ âu yếm, có vẻ ưu du, có vẻ đú đởn làm lão đến phát bực. Lão thì một mình. Lão muốn đập cho chúng một cái, lão giơ tay ra, nhưng lão nghĩ đến chuyện đi xa lão lại rụt vội lại. Đôi chuột coi lão chả ra gì và cứ tiếp tục rồi chừng như chúng nó cưỡi nhau nữa. Mắt chúng nó để đâu mà làm chuyện tồi bại như vậy trước mặt lão. Giống chuột có khác.

Sáng mai này thằng Lai nó hẹn về đây. Phải đi với nó một hôm mới được. Chuột chiệc gì vừa hết đi. Lão thèm đàn bà rồi. Mẻ lưới tối nay nhờ trời lấy độ vài trăm chú thì khá. Như vậy cũng được tới hơn ngàn con còn gì?

Lão ngồi thẳng rối vặn người một cái, vài đốt xương khục làm lão khoan khoái thở một hơi dài, lão thấy mình già hẳn đi, lão muốn được ngả lưng xuống mà ngủ một giấc cho khoái. Trời tối thui, lão chẳng thể nhìn xa được bao nhiêu ngoài tầm lưới. Nghe tiếng kêu đã bắt đầu có vẻ im, đã đến lúc lão phải ra tay. Lão gỡ bỏ chiẽc nón đậy cây đèn xách lên, một tay lão kéo chiếc dây động mạnh, chiêc dây có buộc những ống bơ kêu lẻng xẻng, lũ chuột chạy tán loạn về phía lưới nhưng vô ích. Lão thấy lũ chuột đã chạy về đủ mới kéo chiếc lưới ụp xuống vây kín lấy lũ chuột. Một vài con khôn hồn tốt số chạy ngược trở lại là thoát thân, còn bao nhiêu nằm gọn trong lưới cho lão cuốn trọn lại kéo về. Lớn bé lúc nhúc nằm trong lưới kêu rộn :

- Thôi mà các con, yên một chút ta mang về cho ở dinh thự rộng lớn lắm, rồi mai sẽ được lên xe đi Chợ Lớn ở tiệm. Đừng kêu, la, cựa quậy làm gì cho phí sức đi. Sáng mai thằng Lai nó về đón đi.

Lão già túm chặt lưới, vắt phần trên lên vai rồi cong lưng kéo về. Vài chú ếch thấy động nhảy xuống mương. Lão dò dẫm đi qua nhịp cầu gỗ về nhà.

Sau khi treo ngọn đèn vào cột lão mang lưới chuột đến chỗ chuồng mở nắp bỏ vào rồi cuốn lưới lên thả lũ chuột vào đấy, chúng chạy lăng nhăng loạn xạ, chúng húc đầu ra phên kẽm cố muốn chạy ra, nhưng những lỗ hổng bằng đồng xu chỉ húc được chút mõm là mắc kẹt, có con toét cả đầu nhưng vẫn cố húc. Đàn chuột cũ thấy lũ chuột mới chạy dạt về một phía như giữ thế thủ. Lão túm lấy đuôi một chú nhỏ nhất xách cao lên ngắm nghía, chú ta kêu và giãy giãy, lão tưởng nếu có sẵn một chảo mỡ đang sôi, lão sẽ quăng chú này vào rồi đưa lên miệng làm một miếng thì hay biết mấy. Lão nhớ lại bữa chuột bao tử mấy hôm trước khi lão bắt được trọn ổ, tới mười bốn con chuột đỏ hỏn chưa mở mắt lão đã mang về tẩm bột rán, lão nghĩ ăn cái ấy thì bổ phải biết, cái gì vào bao tử chả bổ, đến dòi mà lão nghe nói cũng là một vị thuốc ghê gớm lắm. Lão cầm lấy đầu chú chuột bóp mạnh một cái, một tiếng kêu chít rồi tắt, giữa hai ngón tay, đầu chú chuột bẹp dí tóe máu và óc, lão vứt bỏ vào góc nhà, lão đưa ngón tay lên miệng mút lấy một chút lầy nhảy của máu và óc ra chiều khoan khoái rồi lão vào trong bàn kiếm rượu đế tợp một hớp. Lão lấy thuốc vấn một điếu châm lửa hút.

Lão thổi ngọn đèn, vào giường, lão xát mạnh vả dập hai bàn chân phủi cát rồi lăn ra ngủ. Nghĩ đến chuyện đi xa làm lão không sao ngủ được. Lão thấy tức bực về ông cha mình. Có lẽ lão là người khốn nạn nhất hiện nay. Chẳng hiểu ông cha lão đã ngu si dần độn thế nào mà sang đây hàng mấy đời rồi chẳng làm nên cơm cháo gì. Còn những kẻ khác, cũng như lão thì họ giàu có, họ đang tọa hưởng bao nhiêu sung sướng. Cứ lên Chợ Lớn, nhìn những người cùng giống nhiều khi lão ức đến nghẹn thở. Họ đã đến đất này với hai bàn tay trắng chứ gì. Toàn những kẻ chết đói, trộm cướp tù tội mới phải bỏ quê hương chứ gì, bất cứ chỗ nào có ánh lửa là đến. Làm đủ mọi thứ, bán từ chiếc dầu cháo quẩy, nhặt từng chiếc ống bơ, mảnh chai, giẻ rách. Bắt từng con ong, xác ve. Cái gì cũng nhặt, người Tàu lập nghiệp từ những thứ khốn kiếp khốn nạn đó để làm thành danh.

Lão Chệt không hiểu ông cha mình đến cái đất này từ bao giờ, kể cũng lạ thật, thế mà bây giờ già rồi lão vẫn không được nghỉ ngơi. Cứ nghĩ việc lão làm thật cũng chẳng mấy nặng nhọc, nhưng lão thấy tủi thân. Chẳng phải lão không có lúc sướng đâu, cái hồi lão còn làm chủ cái tiệm chạp-phô kia thì cũng chủ nhân ông lắm, nhưng cô vợ tài hoa son phấn của lão lại trót da mang với nàng tiên nâu đã vê tròn, đút lỗ hết cả cái sản nghiệp vào hơi khói, đến nỗi lão cũng mắc nghiện, nhưng khi nghèo khó nuốt sái mãi không được lão phải cai - cái thuở khốn khó đó, không có chút nhựa đã vật vã lão tưởng chết nhưng nợ đời nó chẳng tha cho nên lão vẫn phải sống, phải về đây bắt chuột bán. Cái nghề này thằng Lai, đứa con đầu của lão khi làm cho tiệm ăn tìm ra chỉ cho lão. Thằng con này thật chả giúp gì cho lão ngoài chuyện làm trung gian bán chuột nó còn ăn bớt ăn xén của lão nữa. Lão bắt chuột nhốt một chỗ cho nhiều, mỗi tuần Lai chỉ về một lần mang tiền cho lão rồi xe chuột ra cho tiệm làm bánh bao và xíu mại bán. Lão cứ nghĩ đến những món ăn đã được những đầu bếp khéo léo chế biến chuột ra mà bán thì thật phục. Lão đã ăn rồi, ngon lắm, bằm nhỏ ra ai biết đây là đâu. Thịt gì chả thế, có lẽ thịt người cũng tương tự vậy thôi, có chăng là cách chế biến sao cho nó ra vị là được với lại có chút mỡ, hành, và tiêu vào thì có đến phân trâu cũng ngon lành và đắt khách.

Mong gì chuột nó sinh sản thật nhiều cho lão bắt là khá rồi, giá có cách nào mà nuôi tụi nó chắc hay lắm, nhưng lão chưa nghĩ ra.

Lão mơ tưởng tới một thứ kỹ nghệ thịt chuột, nếu có thì chắc lão sẽ là kẻ tiên phong: nào trại nuôi chuột, rồi sữa chuột, thịt chuột đóng hộp... biết đâu lại chẳng giúp cho lão có xe hơi, nhà lầu, gái đẹp, cái món sau chả cần gì miễn sao cưới được con nhỏ Xiêm, có tiền cưới ai chẳng được mà phải lo. Lão nghĩ tới cái tương lai ấy lấy làm thích thú. Lão thiếp ngủ nhưng trong đầu óc lão chỉ mơ tưởng tới những chuột là chuột, và trong đám chuột ấy những xe hơi, nhà cao, những cô gái tơ mơn mởn hiện ra làm lão muốn quờ quạng, muốn nhìn rõ thì lão lại chỉ nhìn thấy toàn những chuột: chuột sống, chuột chết, cả những chú chuột bị lột da đang băm ra làm món ăn... Chả gì lão cũng là người. Nhưng đó chỉ là một mơ mộng hão huyền trong đầu óc một kẻ thấy mình chả còn hy vọng được gì.

Chú Hai san bớt cà phê ra đĩa đưa lên miệng hớp một chút lấy làm khoái, chú để tay lên môi chấm một chút nước miếng vào đầu ngón tay trỏ rồi rinh một tờ giấy vấn trong chiếc hộp sắt tây, chú vê một chút thuốc vấn lại, chú dùng lưỡi vuốt lần chót điếu thuốc rồi lăn lăn cho tròn trặn trước khi ngậm lên môi. Trong nhà cái Xiêm đang chải đầu trước tấm gương tròn cầm tay. Chú Hai kêu lên :

- Chà, có ai ở đâu về hả... Tưởng ai hóa ra con ông Chệt, anh ta trông sang gớm, ở Sài Gòn có khác.

Xiêm bỏ gương xuống nhìn ra mỉm cười. Trong quán có anh Tư Đen và anh Hộ Nhâm cũng đều ngó ra. Anh Tư đen quấn lại khăn bông xanh lên cổ nói một cách tin chắc :

- Anh ta mang tiền về cho lão Chệt đấy và mang chuột đi đó. Anh ta giàu nhỉ, tôi vẫn định đi xa một lần, lâu quá rồi chưa đi được.

- Sao thằng con ra vẻ đàng hoàng vậy mà lão Chệt ngó bộ nghèo khổ quá, lão mò mẫm bắt chuột rnà thương hại.

- Thương hại gì, anh Hai đâu biết. Các chú nó chí thú lắm, rồi anh coi một ngày nào đấy, nếu lão còn ở đây thì lại không có khi nhà cửa của anh không vào tay lão mà xem, tụi Tàu có tiền mà bọn mình biết được.

- Sao lại không biết.

- Ơ kìa. Anh có thấy là hắn giữ từng cái đuôi chuột để có tiền không, hồi năm ngoái lão là người được thưởng một ngàn đồng vì giết được nhiều chuột đấy thôi, mình thì bao giờ nghĩ được những chuyện đó.

Xiêm đứng ra cửa tựa vào cột, Lai tay xách chiếc cặp da đang từ ngoài đường nhựa vào ngõ, hắn diện lắm, miệng hút thuốc lá phì phèo tiến về phía quán. Hắn mỉm cười nhìn mọi người rồi cất tiếng chào.

- Anh Hai, anh Tư, ông Hộ sao uống cà phê muộn vậy?

- Ờ, ở quê mà, có đâu mệt nhọc như anh.

Lai đưa mắt nhìn Xiêm, hắn kéo cái áo ni-lông cho thẳng ra, Xiêm ngó thấy cả chiếc may-ô, cả cái giấy năm trăm xanh để trong túi áo có gài chiếc bút máy nguyên tử vàng lóng lánh. Lai lấy làm khoái cô nhỏ :

- Cô hai không ra chợ sao?

- Chưa anh.

Xiêm biết Lai vẫn từng nhìn mình một cách chăm chú như thế mỗi lần gặp, nó vẫn chờ một hôm nào đấy Lai sẽ rủ nó đi Sài Gòn, nó sẽ chẳng ngẩn ngại gì mà bỏ phứt cái xóm nghèo đói này đi theo hắn cho thoát. Lai cũng đã nghĩ đến cái của lạ này rồi. Con nhỏ ở quê mà kháu tợn.

Chú Hai nhìn hai đứa rồi buột miệng kêu :

- Ở Sài Gòn vui lắm anh Lai nhỉ?

- Thì nhất định rồi, nhưng tôi cũng chán, muốn về đây ở quá.

- Thôi đánh đổi cho tôi đi.

Tư Đen cười ha hả, nước bọt văng cả ra mép. Ông Hộ Nhâm nói :

- Đầu tháng này tôi đi Sài Gòn đó, tôi đi hầu tòa về cái vụ cả Hoành đâm chết chú Nhai ở mương năm rồi. Đằng ông Bá Hộ bỏ tiền cho đi làm chứng mà. Kiện cáo nhiều khi đến phát mệt.

- Thế à, tôi về chuyến này cũng vài bữa mới đi.

Lai chào mọi người, ngó Xiêm rồi đi vào ngõ. Lão Chệt ưng ý dẫn ngay Lai xuống chỗ để chuột chỉ cho Lai xem :

- Mày xem, lần này khá chớ, có lẽ tao đi Sài Gòn vài bữa đã.

- Thôi mà, ông đi làm gì, tôi chưa đi ngay.

Lão Chệt ra ý không bằng lòng, lão đập que lên chiếc chuồng cho lũ chuột chạy loạn xạ và kêu chí chóe.

Chờ buổi trưa không ai, Lai ra nhà Xiêm, Xiêm ngồi phía ngoài quán hát.

- Cô Hai hát mùi quá, tôi muốn cô hát cho nghe.

- Ở Sài Gòn hay nhiều mà.

- Cô chưa đi Sài Gòn bao giờ à?

- Có chứ, nhưng lâu rồi, chắc bây giờ khác nhiều.

Xiêm đưa tay vấn lại mớ tóc, đôi vú nhọn ưỡn về đằng trước như muốn rách chiếc áo bà ba đen. Lai ngó vào cổ Xiêm. Hắn chụp lấy tay Xiêm nói nhỏ :

- Ưng tôi không? Đi Sài Gòn với tôi?

Xiêm rụt tay lại đỏ cả mặt. Lai cười, hắn dúi trăm bạc vào tay Xiêm.

- Tối chờ tôi nghe.

Xiêm không nói bỏ chạy vào trong nhà.

Tối khuya hôm đó khi cả nhà đã ngủ, Xiêm rón rén hé cửa ra ngồi ở hiên, Lai dắt Xiêm về nhà, hắn dẫn Xiêm xuống chỗ để chuột, trên đống cỏ khô hắn đẩy Xiêm xuống. “Nhưng anh đừng bỏ em - Sao lại bỏ - Nhưng ở Sài Gòn - Ờ anh mang em đi, anh mang em đi - ngoan anh yêu, - thế nào biết được em - cho em theo nghe, nhất định nghe - Chứ sao, anh có nhiều tiền... cứ yên”.

Lão Chệt thức dậy đi tiểu, lão ngó ra hai đứa, Lai giật mình buông Xiêm ra. Lão trông thấy nuốt nước bợt, lão tiến lên. Lai đứng ra ngoài dang hai tay.

- Tôi xin ông dừng làm dữ, người ta biết thì chết tôi.

- Mày để đấy cho tao.

- Không.

- Tao làm ầm lên bây giờ.

Xiêm cuống quít chạy ép mình vào chỗ tối. Lão Chệt xô tay Lai tiến lên. Lai thu hết sức đẩy, lão Chệt ngã vật xuống, đầu đập vào cột nhà nằm im không động đậy.

Hôm sau, khi lão Chệt tỉnh dậy thì Lai đã mang Xiêm đi Sài Gòn rồi. Chú Hai đi tìm con gái cả ngày không gặp buồn rầu mở la-de uống hết chai này sang chai khác say mèm.

Lai không trở về mang chuột đi nữa, lão Chệt chờ hoài không thấy, những đồng bạc cuối cùng lão đã hết, lão bắt từng chú chuột ra khỏi chuồng làm thịt rồi nướng mà ăn, lão nghĩ đến Sài Gòn mà thấy xa xôi quá. Lũ chuột ở trong chuồng đối với lão trở thành những người bạn độc nhất, ngoài thằng Lai ra còn có ai là người dặt chân đến nhà lão bao giờ. Lão bắt những chú chuột ra khỏi chuồng, lão cầm trên tay mà thấy tội nghiệp, hồi xưa lão có thấy tội nghiệp bao giờ, lão vuốt ve bộ lông, chiếc đuôi dài trơn trơn thú vị, có lúc mũi lão ngứa lão đã cầm cả đuôi một con chuột ngoáy vào lỗ mũi, một cảm giác nhè nhẹ dễ chịu, nhiều lần lão không dùng tay, cứ để yên cho chú chuột muốn làm thế nào thì làm, có con động mạnh vào tận trong làm lão hắt hơi túi bụi chảy cả nước mắt nước mũi ràn rụa, nhưng sau đó lão thấy khoan khoái dễ chịu. Lũ chuột đối với lão bây giờ thật đáng yêu, nó có cái gì đáng ghét đâu, nó cũng như người, chẳng qua hình thù nó khác. Nó cũng ăn uống, ỉa đái, sinh nở rồi chết, cũng kiếm ăn như người vậy, có điều lão Chệt yêu chuột, hình như chuột nó có thể sống với nhau cùng một đời sống, không có giai cấp chuột. Và nhất nữa thịt chuột lại có thể ăn được. Còn lão, lão chẳng có liên lạc với ai, thằng Lai chắc đang hú hí với con nhỏ quên cả lão, mà quên là phải vì nó có thể nào hú hí với lão được đâu. Cũng chả cẩn gì, bây giờ đã có chuột.

Trong cái xóm nhỏ bé ấy chẳng mấy khi người ta để ý đến nhau. Mỗi người nghĩ và lo lấy đời sổng của mình. Lão Chệt sống chết gì người ta cũng không quan tâm tới, và riêng lão cũng không nghĩ tới bên ngoài, trong ba chuồng chuột lớn, hơn ba trăm con đó lão ngắm nghía, sờ soạng chơi đùa khi nào đói lão lại bắt ra từng con nướng vào lửa xé ăn. Lão cũng chẳng cần phải nằm ở giường mệt lão lăn ra nằm ở ngay bên lũ chuột.

Một hôm lão thấy hình như lũ chuột đã có con đói lả và gầy còm đi nhiều, có con phát ghẻ lở rụng hết cả lông. Lão quyết định lựa những con gầy yếu thả ra nhà, lão lấy những quần áo cũ, giẻ rách chất từng đống rồi thả chuột vào đó, lũ chuột gầy ốm cứ quanh quẩn chẳng đi xa, nó bò từ chỗ này sang chỗ khác làm tổ ở góc nhà, có con đào hang, con cắp giẻ làm tổ, lão Chệt hiền từ bao dung đàn thú vật vô hại đối với lão.

Bỗng một hôm lão Chệt thấy tiếng chuột kêu giãy chết, từng đàn chạy trốn, lão thấy một con chó xuất hiện. Con chó có màu lông đen nhưng lù xù như chó hoang, gầy teo, nó đi khập khễnh như kẻ nghèo đói, trên một mảng mông lở loét đỏ lòm xem chừng khốn khổ lắm.

- Chào quý khách! Chào quý khách! Không bao giờ tôi lại được tiếp ngài. Ngài mới ở xa tới? Xin ngài cứ tự tiện. Nhà của tôi như nhà của ngài, lũ bè bạn chuột của tôi đây cũng vậy. Chắc ngài chỉ ghé tạm đây trên con đường đi tìm chân lý, bình định thiên hạ. Chả sao, ngài cứ tự tiện xơi những người bạn quý này nếu cần. Tôi cũng vậy...

Lão Chệt cầm một mảng thịt chuột nướng ở tay cho con chó ngửi ngửi, nó ngoạm một miếng nhai ngấu nghiến ra chiều khoái trá lắm, lão tiếp tục nhặt một ít bạn quý nướng vào lửa, con chó tiến đến gần, có lúc chưa kịp vứt ra nó đã vồ lấy, lão Chệt không lấy thế làm bực. Nghe chừng đã no bụng, chó ta khoanh tròn trên ổ rơm ngay bên lão Chệt ngủ.

Sự có mặt của con chó, lão Chệt thấy khoái hơn, nhưng ăn mãi thịt chuột lão bắt đầu thấy chán. Vả trong đám chuột đã bắt đầu có con sinh đẻ ra từng đàn chuột con. Lão nghĩ đến con chó. Tay phải lão Chệt có chỗ sưng lên và lở lói, con chó nhiều lần ngửi ngửi và liếm láp. Lão Chệt rùng người. Lão thấy lo sợ nghĩ đến chuyện một lúc nào đó con chó sẽ đè lão ra mà nhai, chỉ con chó là có thể thịt lão được, còn bầy chuột kia thì ăn thua gì. Chờ con chó ngủ, lão kiếm một cái chai để bên cạnh rồi cầm ở tay thu sức giáng một cái xuống đầu con chó. Chó duỗi hai chân giãy giãy lè lưỡi và sùi bọt mép. Lão Chệt mệt nhọc lắm mới kiếm được con dao mổ bụng chó, lão mổ bụng moi bộ gan nướng ăn, lão thấy tiết chó nóng và đặc sánh, lão thấy cổ khát nên vốc uống. Lão ưng ý về món ăn lạ kỳ. Lão vứt bỏ xác chó ra giữa nhà, lũ chuột kéo đến ngoạm.

Trong xóm người ta bỗng xôn xao về cái chết của hai cha con ông Hộ Nhâm, bệnh tình giống nhau và chết ngay, có người nghi ngờ nên kiếm bác sĩ về khám, người ta phát giác ra bệnh dịch. Số chuột ở trong làng tăng lên một cách ngạc nhiên, khi đó người ta mới nghĩ đến lão Chệt :

- Tại bây giờ không có ông ta nên chuột nhiều.

- Mà ông ta đi đâu ấy nhỉ?

- Chắc theo thằng con đi Sài Gòn rồi.

- Ê các ông có biết cái Xiêm không, chính nó theo thằng Lai đi đó. Tôi gặp chúng nó đi cặp kè ở Sài Gòn mà...

- Còn cái bệnh dịch hạch thì sao?

- Chả sao, chắc họ giàu thì chết, chứ mình thì đến đập đầu vào đá cũng không chết.

Người nói câu đó là Tư Đen, hai hôm sau anh ngã bệnh rồi chết. Thêm một ít người chết nữa làm cho cái xóm nhỏ bé ấy bắt đầu run sợ, không ai hiểu căn bệnh ấy rồi sẽ ra sao. Người ta nhắc lại chuyện bác sĩ hôm trước ông ta bảo tại chuột, bệnh nguy hiểm ông lo lắng bỏ đi ngay.

Chuột ở đâu bỗng chạy ra cùng khắp các ngõ, chỗ nào cũng thấy chuột nghênh ngang, thấy người không muốn chạy. Những chú chuột lở lói xuất hiện thêm nhiều, không ai ra khỏi nhà, thấy chuột không ai dám động đến.

Một hôm có một đoàn người mặc áo trắng về với một chiếc xe, họ căng một nhà bạt, họ mang ống thuốc đi xịt vào mọi nhà, từng đàn chuột lăn ra chết được nhặt vào một chỗ mà đốt, mọi người bắt buộc phải chích thuốc và được tập trung vào một chỗ.

Thằng Lai dẫn vợ nó về lúc đó, Xiêm đã có mang được mấy tháng và bị dẫn đến chỗ ở tập trung. Chú Hai nhận ra con mình bưng mặt khóc. Lai không thấy bố mới hỏi mọi người:

- Ông cụ tôi sao không có ở đây?

- Tôi tưởng ông theo anh đi?

- Không.

Lai vội trở về nhà cũ, vừa tới cổng đã ngửi thấy mùi hôi thối xông lên, hắn ta hoảng hồn xô cửa vào: một cảnh tượng khủng khiếp trước mặt, trong nhà chuột ở lúc nhúc, lão Chệt nằm ở ổ rơm rên khì khì, tay lão còn cầm cả một con chuột như mới nhai dở, môi mép lão ta máu me, quần áo rách rưới chuột bò hiền từ ở cổ tay, rúc cả trong quần áo. Lai kêu :

- Ba, ba.

Lão Chệt mở mắt rồi lại nhắm nghiền, mãi lão mới nói :

- Mày về lấy chuột hả, không được nghe, nó là bạn của tao chứ không phải của mày. Đừng đụng tới nó, nếu không tao giết mày như con chó cho chuột nó ăn.

- Chuột nguy hiểm lắm. Bệnh dịch hạch đó.

- Dịch hạch! Mày nói chi lạ. Tao chết đâu, thế từ bao nhiêu lâu nay họ ăn thịt chuột cả sao không chết? Đừng bịp tao để bắt chuột đi mà bán. Nhiều lắm, bây giờ thì dễ làm ăn. Hừ, mày mang con nhỏ đi bỏ tao lại mà. Chuột mới chiệc gì. Nhưng chuột nuôi tao và cũng đã nuôi mày. Con nhỏ đâu?

- Tôi mang nó về đây định ở với ba, nó mang bầu rồi, ba sẽ có cháu.

- Tao muốn có con, có con của tao kia. Mày muốn lập nghiệp với đàn chuột này à?

Lai không nói, nó trông thấy lũ chuột mà tiếc rẻ, lão Chệt bỗng nhắc hắn chuyện làm ăn. Hắn mang lão Chệt ra cho người ta chữa, vị bác sĩ trông thấy thất kinh, ông không thể nào ngờ được một người lại có thân hình kỳ cục như thế, bệnh tình rất nặng mà chưa chết. Lúc bấy giờ người ta mới rõ trong mấy tháng trời ông ta vẫn ở nhà. Vị bác sĩ hỏi :

- Vậy chứ sao ông sống?

- Chuột, chuột... xưa kia tôi bắt chuột bán lấy tiền sau chuột không bán được tôi nướng ăn, rồi sống. Ông xem nhà tôi toàn chuột, chuột là bạn của tôi, còn ông?

- Chuột nó sắp giết ông đó.

- Không, tôi sống với chúng nó. Tôi có bệnh gì đâu. Ông phải biết tôi sáu mươi tuổi đầu chưa bao giờ phải uống một viên thuốc, mắt không đau... Rồi ông coi tôi thì biết.

Thằng Lai nghĩ tới mối lợi về chuột, nó tình nguyện đi bắt chuột, nói là nhốt vào một chỗ rồi mang ra bờ mương đốt nhưng nó đã tìm cách mang chuột lén ra khỏi vùng chẳng ai biết đấy là đâu. Lai đi mấy chuyến đều xuôi nhưng rồi hắn ngã bệnh và chết. Cái Xiêm khóc mếu nghĩ về cái thai trong bụng. Lão Chệt dỗ :

- Đừng lo con, về ở với ba, ba nuôi. Nó là thằng bất hiếu đáng kể gì. Tại nó bắt chuột mang bán nên mới chết như vậy đó.

Tiếp tục những người trong làng theo nhau lăn ra chết, một vài kẻ trốn đi - còn thì ai cũng như chờ lúc để lan ra. Bác sĩ gần như bó tay trước tình trạng nguy kịch. Ngay trong số y tá cũng có người bỏ mạng. Sau một thời kỳ truy nguyên người ta mới hiểu ra rằng người gây ra bệnh dịch, hay là nguyên nhân khiến có bệnh dịch phát khởi là bởi những con chuột lão Chệt đã nuôi nấng, nhưng lão sống dai quá. Lão nặng nhất nhưng vẫn sống, vì lão đã quen với bệnh.

Khi Xiêm nhuốm bệnh đoàn y tế mới nghĩ ra giải pháp muốn mang bệnh nhân ra khỏi vùng, nhưng điều đó không được phép vì người ta hay sợ bệnh lan truyền.

Hôm Xiêm hấp hối lão Chệt xin được đến ngồi bên, mọi người bỏ chạy, lão hát líu lo cho Xiêm nghe như một điệu kèn Tàu. Xiêm hỏi :

- Sao ông không chết?

- Ta chết sao được. Chuột là bạn ta.

Khi Xiêm tắt thở lão Chệt vuốt mắt và để tay lên chiếc thai lẩm bẩm :

- Cháu ta mà. Nếu là con ta đâu có chết.

Tin tức vùng dịch hạch được lan truyền toàn cõi làm mọi người xôn xao trước cái chết. Tất cả mọi người ở trong vùng dịch không được phép ra ngoài, (nhưng nhân loại ngu dần có biết đâu dịch hạch vẫn lan truyền) cả ngay những người trong đoàn y tế. Người ta đã nghĩ đến chuyện thiêu hủy vùng nhuốm bệnh. Trong đoàn y tế chỉ còn có bốn người phụ và vị bác sĩ, đường tiếp tế bị cắt đứt không còn gì liên lạc với bên ngoài, hàng ngày có một chuyến máy bay thả dù xuống một ít lương thực. Trong bữa cơm ăn ngày thứ sáu có món thịt làm cho người nữ y tá khóc, một chàng thanh niên cầu nguyện lúc ăn nói với vị bác sĩ là cô ta theo đạo, thứ sáu kiêng thịt, và nhất nữa cô muốn rời khỏi vùng này :

- Thế nào tôi cũng phải về còn vị hôn phu của tôi, còn mẹ tôi, em tôi... không ở đây được, sớm mai tôi về, tại sao người ta lại bắt mình chết thêm vào số người lâm bệnh ở đây. Tại sao?

Vị bác sĩ trầm ngâm tháo gọng kính ra khỏi mắt :

- Mấy đứa cháu của tôi chắc nó đang nói đến tôi, mắt tôi cứ nháy hoài. Tôi, tôi ở lại được.

- Không, bác sĩ cũng không thể ở lại được, không có ích gì, rồi bác sĩ cũng chết.

- Tôi già rồi. Sự đời tôi nếm cả rồi. Các người còn trẻ, phải trở về, nhất định phải về.

Vị bác sĩ ngồi nhìn từng người và xin mọi người nói lại tên mình một lần cho ông nghe. Người thứ nhất 25 tuổi, theo đạo, đã có lần đi tu, rồi bỏ ra sống với mẹ già. Người thứ hai: - “Chính ra tôi cũng chẳng biết nên về hay nên ở. Về có ích gì? Ở có ích gì? Tôi 27 tuổi, cha mẹ chết không nhớ ngày. Tôi chẳng bao giờ muốn quyết định chuyện gì? Tôi đến đây xem cái chết đến với mọi người ra làm sao, nhưng tôi thấy cũng chẳng lạ. Lúc nào con người cũng hèn. Nhất là đối với cái chết. Tôi cũng cảm thấy cái đó. Nhưng có lẽ khi ra khỏi vùng nhuốm bệnh tôi lại muốn trở lại hoặc mong cho bệnh lan truyền ra...”. Người thứ ba là một sinh viên ngành thuốc, anh ta nghĩ rằng đã được tiêm thuốc trừ bệnh như vậy việc đến đây chẳng can hệ gì, mà chỉ muốn tỏ ra mình là một con người có lòng nhân đạo, thế thôi. Còn cô y tá, chính khi cô quyết định đến đây là vì cô đã giận dỗi vị hôn phu bởi một nguyên do là vị hôn phu đó đã ôm hôn một người đàn bà khác mà cô bắt gặp. Còn vị bác sĩ, ông nói điềm đạm, ấm áp: “Tôi muốn chết, sự đời tôi nếm cả rồi. Tứ đại đồng đường còn gì”.

Ngày hôm sau trước khi đoàn y tá bỏ đi, vị bác sĩ đã yêu cầu mọi người ăn một bữa cơm chung với các bệnh nhân. Còn cả thảy mười bốn người, họ đều còn sức để ngồi vào ghế. Họ đã cầu nguyện. Trong khi đang ăn lão Chệt nhăn nhó cái mặt lở loét đứng dậy khóc tru tréo và nói mếu máo không ra lời :

- Các người đi hết cả thì ai chôn chúng tôi.

Mọi người nín thinh không nói gì.

Sau bữa ăn vị bác sĩ cất giọng hát, ông giảng giải cho mọi người nghe về khúc hát đó. Khúc hát mà hồi trẻ ông vẫn hát, bài hát thật vui. Vị bác sĩ trong con mắt mọi người như hồi sinh lại, khi hát ông vỗ tay, mọi người cũng vỗ tay theo khiến họ thấy xa cách sự chết. Vui miệng vị bác sĩ còn kể một câu chuyện, đó là chuyện hồi ông trời còn ở một mình, ông buồn nên muốn tạo ra một giống vật cho vui, ông đặt tên vật là: người, ông ta lấy đất nặn chân, tay, mình mẩy, nhưng thuở đó thời gian ngắn, ông bắt đầu từ sớm mà mãi tối chưa xong không kịp làm đầu phải để đến hôm sau. Sáng đến, ông thấy con vật bị phá, cứ thế liên tiếp nhiều ngày, ông tức bực nói lớn: “Ai làm cóng việc ám muội này?” - “Thưa tôi”. Ông trời nhìn ra đó là ông đất: “Sao lạ vậy?” - “Vì đất là của tôi”, ông trời nghĩ ra nên ôn tồn: “Vậy ông cho tôi mượn được chứ?” - “Được, nhưng nhớ trả lại tôi”.

Mọi người vui vẻ nghe câu chuyện. Sau đó bốn người y tá đi khỏi. Nhưng họ đã không thoát được vòng vây. Những người ở ngoài vòng vây buộc họ phải ở đó.

Sau đó ít lâu vùng bệnh dịch chỉ còn có hai người. Vị bác sĩ đã gần như mất trí. Lão bò lê bắt chuột cùng khắp và xé ăn, chuột sinh sản nhiều làm cho trí óc lão Chệt cuống quít, “Ức quá, thằng Lai không còn, nếu không nó có thể giàu lớn, bây giờ không cần dăng lưới nữa. Còn có hai người thì làm sao ăn hết số chuột này”. Lão Chệt hỏi vị bác sĩ :

- Chắc ông tiêm và uống hết cả thuốc nên sống sót phải không?

- Ồ tôi là dân giết heo mà. Còn ông?

- Tôi à? Tôi là giám đốc một hãng kỹ nghệ đồ hộp. Đứa con lớn làm luật sư, đứa con nhỏ du học, đứa con gái thì lấy một vị hoàng tử.

- Con tôi hai đứa đầu làm đảng cướp giết người, hiếp đàn bà bị treo cổ. Đứa cháu đích tôn rơi xuống sông chết. Tôi định tới đây bắt chuột về làm thịt. Thịt chuột ngon và lành ghê lắm.

- Trời ơi, ông nói làm tôi ghê cả miệng, thịt chuột mà ăn gì được, thịt người họa may còn ngon. Tôi có bao giờ động đến miếng thịt. Mọi người họ đi đâu cả nhỉ?

- Họ chết rồi. Tôi trông thấy họ chết mà. Về sau này tôi thấy họ thật đáng vui. Lúc trước họ khóc sau rồi cười, có người tự chặt chân, chặt tay, có người đập đầu vào đá, có người mổ bụng. Họ mong cái chết nên không muốn đợi chờ mất thì giờ. Thế mà họ cứ bảo tôi trốn đi mới lạ chứ. Họ tưởng tôi khoái sống lắm. Còn ông, chính ông đã làm cho họ chết.

- Chính tôi? Ai bảo vậy?

- Thôi mà, ông cứ đùa, ông tưởng chết chứ thực ra họ đã ra khỏi vùng này rồi. Họ đang vui vẻ với mọi người. Ông nhắm mắt lại mà coi.

Lão Chệt chờ đợi, khi vị bác sĩ nhắm mắt lão cầm cục đá đập vào đầu, ông ta lăn ra chết. Lão Chệt bắt chuột ấn vào miệng vị bác sĩ.

- Ăn đi, thịt chuột ngon lắm.

Lão Chệt đã tìm cách bỏ vùng dịch thoát đi. Tôi viết câu chuyện này theo một người điên vửa kể lại. Chẳng hiểu có phải người điên này là lão Chệt không, có khi tôi thấy hắn bắt chuột ăn, nhưng dịch hạch vẫn đang lan tràn. Thật tối phi lý...

1961

http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvntn0n0n0n31n343tq83a3q3m3237nvn&cochu=#phandau