Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

TS Giáp Văn Dương: triết lý giáo dục của hệ thống hiện thời là đào tạo con người công cụ[i]

"Học không biết để làm gì, học vì người khác bảo học, học như một cỗ máy… là hiện trạng thật của giáo dục hiện thời. Nếu không dám gọi tên ra bệnh của mình thì làm sao có thể chữa bệnh được?” – TS. Giáp Văn Dương trò chuyện cùng phóng viên báo Đại Đoàn Kết về câu chuyện triết lý giáo dục mà ông cho rằng vẫn rất cần đặt ra với những gì đang diễn ra trong xã hội ngày nay.

clip_image002

TS Giáp Văn Dương tại buổi seminar "Con người tự do - mục tiêu của giáo dục”

Mở đầu câu chuyện về đổi mới giáo dục, TS. Giáp Văn Dương, người đầu tiên sáng lập GiapSchool - dự án giáo dục trực tuyến mở đại trà đầu tiên ở nước ta, cho biết: "Khi bắt đầu chuyển sang làm giáo dục, tôi phải khảo sát lại những vấn đề cơ bản nhất của giáo dục, như: Học để làm gì? Triết lý giáo dục của hệ thống hiện thời là gì? Việc này bắt đầu bằng những quan sát, sau đó là khảo sát trực tiếp những người học, từ bậc THCS trở lên, và phân tích những điều thu thập được một cách có hệ thống. Và tôi sững sờ nhận ra rằng, triết lý giáo dục của hệ thống hiện thời là đào tạo con người công cụ.

Trước đó, những tranh luận về triết lý giáo dục ở Việt Nam đã rất sôi nổi. Nhiều người cho rằng, vì thiếu triết lý dẫn dắt, nên giáo dục Việt Nam mới rơi vào khủng hoảng. Nhưng tôi không tin rằng nền giáo dục này không có triết lý giáo dục định hướng. Chỉ có điều người ta có dám gọi tên triết lý đó ra hay không mà thôi”.

Khơi gợi khả năng tư duy độc lập

PV : Điều gì khó cho ông khi ông có triết lý giáo dục rành mạch: "Con người tự do là đích đến của giáo dục”, lại thẳng thắn chỉ ra triết lý giáo dục hiện thời chỉ là đào tạo ra con người công cụ?

TS. Giáp Văn Dương: Nếu không dám gọi tên ra bệnh của mình thì làm sao có thể chữa bệnh được? Trong thời chiến, con người công cụ có thể phát huy tác dụng, khi sự tuân thủ gắn liền với sự sống còn, thì trong thời hội nhập kinh tế toàn cầu, thì con người công cụ lại chính là lực cản của phát triển. Thời hội nhập, để cạnh tranh được thì cần sáng tạo, cần đổi mới, cần chủ động đặt mục tiêu, cần hành động và chịu trách nhiệm với hành động của mình, chứ không phải là sự vâng lời từ trên dội xuống. Đó là những phẩm tính của con người tự do, chứ không phải là con người công cụ.

Vì thế, tôi không gặp khó khăn gì khi chỉ ra triết lý giáo dục này. Tôi đơn giản chỉ gọi đúng tên sự vật. 

Triết lý giáo dục của ông hướng người học cách tự học, tự khai sáng, tự chịu trách nhiệm với đời sống của mình. Nhưng đa số trẻ em vẫn đang khổ sở khi học không vì bản thân mà vì cha mẹ, thầy cô, học để thi…, theo ông phải làm sao?

- Học không biết để làm gì, học vì người khác bảo học, học như một cỗ máy… là thực trạng thật của giáo dục hiện thời. Suốt mấy chục năm trong cái guồng quay đó, chương trình giáo dục, và các chiến dịch tuyên truyền đã làm cho con người ta gần như đã bị tê liệt, không còn khả năng tự vấn, đặt câu hỏi, không còn khả năng tự xây dựng những thang giá trị cho riêng mình. Đây không phải là giáo dục, theo nghĩa làm cho con người ta trở thành người hơn, mở mang được nhiều tri thức và trải nghiệm hơn, hoàn thiện được nhiều kỹ năng sống hơn, mà chỉ đơn giản là sự nhồi nhét, nhào nặn. 

Giờ đây, sống như một công cụ đã ngấm quá sâu, đã trở thành văn hóa của số đông, thì việc gỡ ra là rất khó. Khó nhưng vẫn phải làm, trước hết vì mình, sau nữa là vì con em mình, sau nữa là vì sự phát triển chung của đất nước này. Ở đâu cũng vậy, chỉ những con người tự do mới có thể phát triển được đất nước, chứ con người công cụ thì không gây loạn đã là may. 

Muốn vậy thì đầu tiên phải tự cứu mình trước, xác định một nhận thức rõ ràng, mình là một con người chứ không phải là một công cụ của bất cứ ai, vì thế mình có quyền được tôn trọng như một con người, cả trong giáo dục và đời sống. Các con mình cũng phải được hưởng quyền như vậy. 

Những điều này nghe qua có vẻ to tát khó khăn, nhưng khi thực hiện thì có khi lại rất đơn giản. Chẳng hạn, khi con đi học về, chỉ cần hỏi con những câu hỏi có tính phân loại, như: Hôm nay ở trường có gì hay, có gì dở, có gì sai, có gì chưa rõ ràng… để khơi gợi khả năng tư duy độc lập của các con. Trong bữa ăn thì có thể bàn luận về một tình huống nào đó ở trường, để các con đưa ra ý kiến của riêng mình. Chỉ cần làm vậy khoảng sáu tháng, là các con đã có khả năng suy nghĩ độc lập, phân biệt được đúng sai tốt xấu với những vấn đề thông thường, từ đó hình thành dần các thang giá trị cho riêng mình. Dần dà sẽ hình thành văn hóa dân chủ trong gia đình, môi trường tốt nhất để các con trưởng thành. 

Như vậy, khi giáo dục trong nhà trường đang có quá nhiều bất cập, thì giáo dục trong gia đình, do bố mẹ chủ động tiền hành, trong giờ chơi, trong giờ ăn, sẽ là giải pháp để cứu các con. 

Ông vừa nhắc đến giáo dục gia đình, và khi xây dựng GiapSchool ông cũng đã chú trọng phát triển những khóa dạy về kỹ năng sống, kỹ năng mềm, tư duy phê phán... Vậy nếu phụ huynh có ý thức tìm kiếm cho con em mình các sáng kiến đó thì cách nào tiếp cận được?

- Thời đại thông tin, nếu các phụ huynh muốn thì sẽ tìm thấy. Chỉ sợ các phụ huynh không đủ muốn, hoặc không cần, khi sự thụ động và quán tính sống như một công cụ đã ngấm quá sâu vào mỗi người.

clip_image004

Đổi mới giáo dục khuyến khích phát huy năng lực

Tự đốt đuốc mà đi

Cho đến nay GiapSchool có những thành công nào và có nhận được sự hỗ trợ từ Bộ GD&ĐT hay các cơ quan giáo dục khác?

- Những thành công của GiapSchool còn rất khiêm tốn. Đáng kể nhất có lẽ chỉ là việc khơi ra một trào lưu giáo dục mới như một phương tiện mở mang tri thức cho đại chúng. Còn về sự hỗ trợ thì cho đến nay, GiapSchool không nhận được bất cứ sự hỗ trợ từ cơ quan giáo dục nào. 

Dường như các nhà quản lý giáo dục chưa ủng hộ các hoạt động giáo dục dân sự phát triển, dù GD&ĐT đang đổi mới căn bản toàn diện?

- Đúng là như vậy. Khi nội dung chương trình còn bị kiểm soát chặt chẽ, khi đào tạo con người công cụ còn là triết lý chung của cả hệ thống, thì các nhóm giáo dục dân sự rất khó phát triển. Khu vực dân sự bao giờ cũng là khu vực năng động và sát với thực tế. Những đổi thay đáng kể trong thời gian gần đây, ít nhất là về trong kinh tế và văn hóa, thì đều đến từ khu vực dân sự. Hy vọng trong thời gian tới, vai trò của khu vực dân sự trong các lĩnh vực khác, như giáo dục, y tế… sẽ được các nhà quản lý đánh giá đúng để từ đó có chính sách hỗ trợ. 

Điều đó có khiến ông nản lòng và cách ông vượt qua thách thức đó?

- Nản lòng thì không. Vì nản đồng nghĩa với thất bại. Tôi không muốn mình thất bại sớm như vậy. Còn giải pháp khắc phục? Tôi nghĩ cách duy nhất là kiên nhẫn đi tiếp con đường của mình, và tìm cách tìm sự hỗ trợ của cộng đồng.

Ai là người truyền cảm hứng cho ông?

- Tôi là điển hình của thanh niên nông thôn, không được may mắn gặp những người có thể truyền cảm hứng. Chúng tôi chỉ quen thuộc với ruộng đồng và những khó khăn của đời sống thường nhật. Thầy cô cũng là những người sáng lên lớp, chiều ra ruộng, nên chuyện cảm hứng là thứ rất xa vời. Suy cho cùng, trong một xã hội toàn những con người công cụ, thì những người có thể truyền cảm hứng cho người khác là rất ít. Mà nếu có thì cũng rất khả nghi. Vì thế, tôi chủ trương tự đốt đuốc mà đi, tự mình cứu mình trước khi trời cứu. 

Ông mong đợi gì ở những thay đổi giáo dục 2015 này?

- Tôi mong những thay đổi này sẽ diễn ra theo hướng giải phóng con người. 

Trân trọng cảm ơn ông !

Thanh Như (thực hiện)

Nguồn: http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1420&chitiet=97325&Style=1


[i] Tựa đề của Văn Việt