Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

TRẦN ĐÌNH SỬ VỚI TIẾP NHẬN THI PHÁP HỌC HIỆN ĐẠI TRONG NGHIÊN CỨU VĂN HỌC Ở VIỆT NAM

Cao Thị Hồng

Tóm tắt:

Với nhiều công trình nghiên cứu theo hướng thi pháp học, Trần Đình Sử đã có những khái quát, nhận định mới, cho thấy thế giới nghệ thuật là phạm trù sáng tạo của nhà văn, đó là nơi để phân biệt với các thế giới phi văn học. Qua đó, ông đã chứng tỏ việc nghiên cứu văn bản văn học là đi tìm ý nghĩa của thế giới nghệ thuật.

Từ khóa: Thi pháp học hiện đại, thế giới nghệ thuật, đổi mới, tiếp thu, vận dụng.

1.Thi pháp học hiện đại xuất hiện ở phương Tây từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX [1]. Trường phái lý thuyết văn học này tuân theo những nguyên tắc khác với thi pháp học cổ điển, không coi trọng tính quy phạm mà đi sâu vào khảo sát những đặc điểm nghệ thuật của tác phẩm. Tinh thần chủ đạo của phương pháp nghiên cứu thi pháp học hiện đại là hướng tới cách tiếp cận nội quan, tức là nghiên cứu văn học từ bản thân văn học, quan tâm đến tính văn học, tính nghệ thuật của văn bản văn học, coi tác phẩm như một chỉnh thể, như một hệ thống.

Ở Việt Nam, trước năm 1986 thi pháp học hiện đại đã được đề cập nhưng chưa có điều kiện để tiến hành nghiên cứu một cách có hệ thống và hầu như không được sử dụng để nghiên cứu văn học. Từ sau 1986, cùng với sự hồi sinh của nền văn học dưới ánh sáng dân chủ của tinh thần đổi mới trường phái lý thuyết văn học này được các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm. Người đầu tiên xác lập được tư tưởng học thuật, đề xuất một cách đầy đủ nhất hệ thống luận điểm khoa học thi pháp học hiện đại là Trần Đình Sử. Bên cạnh đó ông còn đồng thời triển khai tư tưởng học thuật thông qua việc luận giải đánh giá các hiện tượng văn học Việt Nam từ trung đại đến hiện đại. Dưới đây chúng tôi muốn góp phần làm sáng rõ hơn câu hỏi: Nhà nghiên cứu lý luận Trần Đình Sử đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo thi pháp học hiện đại vào thực tiễn nghiên cứu văn học như thế nào?

2.Tiếp thu thành tựu của lý luận văn học phương Tây về thi pháp học hiện đại, Trần Đình Sử chú ý nhiều hơn đến quan điểm khoa học của M.Bakhtin khi nhà bác học này luôn nhấn mạnh đến hình thức mang tính chủ thể, đó là hình thức của cái nhìn, của ý thức hệ tạo hình thức của nghệ sĩ. Từ đây lý luận văn học ở Việt Nam có thêm khái niệm: Hình thức mang tính quan niệm do Trần Đình Sử đưa ra. Đây là khái niệm cốt lõi xuyên suốt toàn bộ các công trình khoa học của Trần Đình Sử. Theo ông, tính quan niệm của hình thức thể hiện hệ hình tư duy ẩn chứa trong hình thức, thể hiện trình độ chiếm lĩnh thế giới của một hệ thống nghệ thuật. Tìm hiểu hình thức đó giúp ta hiểu được ý nghĩa giá trị của hình thức nghệ thuật. Tính quan niệm của hình thức cho thấy thi pháp không giản đơn chỉ là hệ thống các phương thức, phương tiện miêu tả nghệ thuật, mà còn là hệ thống các nguyên tắc cảm nhận đời sống một cách thẩm mỹ.

Trong Những vấn đề thi pháp Dostoievski, M.Bakhtin xây dựng mô hình lý thuyết thi pháp của ông bắt đầu từ quan niệm nhân vật như một ý thức độc lập làm nền tảng cho cấu trúc phức điệu; tiếp đến xem xét thế giới của nhân vật với không gian, thời gian, mà không gian chiếm ưu thế hơn thời gian, đặc trưng cốt truyện, thể loại, đặc điểm ngôn ngữ. Các yếu tố của cấu trúc nghệ thuật đều phụ thuộc vào quan niệm con người trong ấy. Mô hình của M.BaKhtin thích hợp trước hết với thể loại tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết phức điệu của Dostoievski. Trần Đình Sử đã rút ra và phổ quát hóa mô hình trên thành mô hình của thế giới nghệ thuật nói chung để vận dụng nghiên cứu nhiều thể loại văn học chứ không chỉ dành riêng cho một thể loại văn học nào. Ông muốn tìm ra một chìa khóa để có thể thâm nhập vào nhiều cánh cửa của ngôi nhà văn học.

Mô hình nghiên cứu của Trần Đình Sử bao gồm: quan niệm nghệ thuật về con người, không gian, thời gian nghệ thuật, hình tượng tác giả, tình tiết, kết cấu, trần thuật, ngôn ngữ thể hiện. Mô hình này không có sẵn trong lý luận của các nhà nghiên cứu Nga. Đó là mô hình được đúc kết nhằm phản ánh chỉnh thể nội tại của thế giới nghệ thuật do nghệ sĩ sáng tạo ra mà chỉ có thể khám phá từ bên trong văn bản. Điểm đặc biệt là mô hình lý thuyết này có tính linh hoạt mềm dẻo, nó có thể bao hàm vào bản thân nó những bình diện của phong cách học, tự sự học, tu từ học, ký hiệu học, ngữ học. Theo quan niệm của mô hình này, thế giới nghệ thuật chỉ có thể được quy nạp, khái quát từ cái nền ngôn từ của văn bản, xuất phát từ những biểu hiện của ngôn từ mà rút ra.

Mô hình nghiên cứu này đã khẳng định tính độc lập của thế giới nghệ thuật, phế bỏ mô hình xem hình tượng nghệ thuật là hình ảnh tương đồng với hiện thực của lý thuyết phản ánh thịnh hành, khẳng định cá tính và tính tích cực của chủ thể nghệ sĩ.

Như vậy, tư tưởng học thuật của Trần Đình Sử khác với các nhà hình thức Nga ở chỗ ông không quá chú trọng đến hình thức chất liệu và tính văn học của ngôn từ, cũng không xem thể loại là một thế giới quan tĩnh tại, đông cứng mà ông đã mở rộng, đổi mới thêm biên độ của khái niệm đó. Trần Đình Sử đã coi hình thức là sản phẩm sáng tạo của chủ thể, là thước đo giới hạn chiếm lĩnh đời sống của nhà văn, ông coi trọng vai trò sáng tạo tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. Khám phá hình thức chính là dùng văn học để lý giải văn học trong quan hệ với đời sống, trả lại bản chất nhân học cho văn học, đi sâu vào những vấn đề bản chất nhất của sáng tạo văn học.

3.Trần Đình Sử đã kiểm định và khẳng định lý thuyết trên thông qua cơ sở thực tiễn văn học Việt Nam. Ông đã chứng tỏ tính năng động, mềm dẻo của ứng dụng thi pháp học thuộc lý thuyết tiếp nhận trên nhiều cấp độ (nghiên cứu tác phẩm, tác giả và giai đoạn văn học) qua ba công trình tiêu biểu: Thi pháp thơ Tố Hữu(1985), Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam (1999), Thi pháp Truyện Kiều (2001).

Thi pháp thơ Tố Hữu của Trần Đình Sử “là công trình có hệ thống đầu tiên tiếp cận văn học Việt Nam từ thi pháp học”[2, tr.83]. Công trình ra mắt vào năm 1987, đúng thời điểm mở đầu công cuộc đổi mới nên nó có sức lan tỏa nhanh và sức ảnh hưởng lớn tới đời sống học thuật của văn chương nước nhà.

Trong tiến trình văn học hiện đại Việt Nam, Tố Hữu được coi là một nhà thơ lớn, là người đánh dấu một bước phát triển mới của thơ ca dân tộc, thơ ông thể hiện sâu sắc tinh thần thời đại, chính vì vậy nên thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu, phê bình văn học qua mấy chục năm trước đổi mới. Nhiều thành tựu nghiên cứu về thơ Tố Hữu ở các phương diện đã được ghi nhận như các công trình phê bình, giới thiệu của các nhà văn, nhà thơ lớn (Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông,…), các chuyên luận của các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp (Lê Đình Kỵ, Nguyễn Văn Hạnh, Hà Minh Đức, Nguyễn Đăng Mạnh). Như vậy Trần Đình Sử phải vượt qua những “đỉnh thái sơn” để khẳng định một cách xử lý học thuật mới. Quan niệm nhất quán trong nghiên cứu của Trần Đình Sử là một phương pháp mới phải mở ra được một lối đi mới ngay trong một đề tài tưởng như đã cạn, với công trình này ông đã nỗ lực xác lập một cái nhìn mới về văn học trên tinh thần trân trọng ý kiến của các nhà khoa học đi trước và mạnh dạn gạt bỏ những nhận định đã sáo mòn, hoặc không đánh giá đúng bản chất của thơ Tố Hữu. Vậy cái nhìn mới mẻ và khác trước của Trần Đình Sử được thể hiện qua công trình này như thế nào?

Trước hết, chuyên luận này không đặt mục đích đi tìm câu trả lời: Thơ Tố Hữu nói nội dung gì mà đặt vấn đề: Xét về phương diện thơ, nghệ thuật thơ Tố Hữu đã mang lại cái gì mới cho thơ Việt Nam đương đại? Để trả lời cho câu hỏi trên Trần Đình Sử đã tìm đến một cách nghiên cứu hoàn toàn độc đáo và mới lạ: tập trung nghiên cứu tính quan niệm được thể hiện trong một số phương diện hình thức của thơ Tố Hữu. Phương pháp học thuật được xử lý qua bố cục gồm 5 phần rành mạch và thể hiện sáng rõ ý tưởng của nhà nghiên cứu: 1/ Đỉnh cao thơ trữ tình chính trị chính trị Việt Nam, kiểu nhà thơ, thể tài; 2/ Quan niệm nghệ thuật về con người; 3/Không gian nghệ thuật; 4/Thời gian nghệ thuật; 5/ Chất thơ và phương thức thể hiện. Mô hình nghiên cứu xoay quanh những điểm tựa cơ bản này đã giúp nhà nghiên cứu tìm ra con đường đi của riêng mình, Trần Đình Sử đã không coi thơ Tố Hữu chỉ dừng lại ở việc làm vũ khí đấu tranh cách mạng mà ông đi sâu nghiên cứu chỉ rõ sự sáng tạo ra một hình thức thơ, một kiểu thơ và kiểu quan hệ của thể loại này đối với đời sống. Ông chỉ ra thơ Tố Hữu là bước phát triển tất yếu của quá trình thơ ca cách mạng Việt Nam, một dạng kết hợp độc đáo của thơ ca và chính trị, khẳng địnhTố Hữu, với tư cách là nhà thơ cách mạng, ông thực hiện việc hiện đại hóa thơ trữ tình tiếng Việt theo phương hướng mà thực tiễn cách mạng đề xuất ra cho thơ - kết hợp tuyên truyền và trữ tình. Đây chính là vấn đề quan trọng hàng đầu, nhà nghiên cứu đã tìm ra “chìa khóa” để mở cánh cửa khám phá thế giới nghệ thuật thơ Tố Hữu bởi hình thức này sẽ quy định một loạt các yếu tố hình thức cơ bản khác như: quan niệm về cái tôi trữ tình kiểu mới, thể tài thơ được sáng tạo trong khuôn khổ thơ trữ tình chính trị,…Từ đây ông nghiên cứu chiều sâu tư duy của chủ thể, chú ý nhiều đến tính nghệ thuật, qua nghệ thuật mà thấy nội dung.

Một điểm đáng chú ý nữa trong công trình này của Trần Đình Sử là ông nhấn mạnh đến hình thức bên trong tức là hình thức mang dấu ấn sáng tạo riêng biệt của người nghệ sĩ, bởi lẽ hình thức bên trong mới có thể cho ta hiểu được chiều sâu tư tưởng của người nghệ sĩ trong chính thế giới nghệ thuật do họ sáng tạo. Nhà nghiên cứu quan tâm đến văn bản văn học chứ không quan tâm đến các yếu tố ngoài văn bản, không dựa dẫm, suy diễn chủ quan thông qua nghe “tâm sự” của nhà thơ. Chẳng hạn khi khảo sát sự vận động tư duy trong quan niệm nghệ thuật về con người qua các tập thơ của Tố Hữu, Trần Đình Sử đã làm sáng tỏ quan niệm nghệ thuật về con người là một yếu tố quan trọng, nó tạo ra tính khu biệt của từng tác giả và của từng thời đại văn học. Ông so sánh để thấy quan niệm nghệ thuật về con người của thơ Tố Hữu khác với Hồ Chí Minh, và xa hơn nữa là khác với quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Khuyến, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi,… Không gian nghệ thuật chẳng những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng mà còn cho thấy quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả. Không gian nghệ thuật trong thơ Tố Hữu cũng được nhà nghiên cứu soi chiếu từ nhiều góc nhìn khác nhau- không gian là hình tượng con đường cách mạng xuyên suốt trong thế giới thơ Tố Hữu, nó được thể hiện nổi bật, nhất quán, trở thành nét tư duy cơ bản nhất của thơ cách mạng. Trần Đình Sử quan niệm thời gian nghệ thuật là một biểu tượng, một tượng trưng, thể hiện một quan niệm của nhà văn về cuộc đời và con người. Hình tượng thời gian nghệ thuật trong thơ Tố Hữu được xem là “một sáng tạo mới mẻ”[3, tr.249]. Theo ông thời gian mới là “nhân vật” chính của thơ Tố Hữu, quá trình vận động thời gian nghệ thuật, sự cảm thụ thời gian đã chi phối cách tổ chức dòng cảm xúc trong thơ Tố Hữu, chi phối kết cấu của các bài thơ.

Như vậy, bám sát nhiều phương diện khác nhau của hình thức bên trong thuộc văn bản nghệ thuật, nhà nghiên cứu cắt nghĩa khách quan những nguyên tắc đã chi phối cách kiến tạo hình thức ấy, gọi ra và đặt tên cho cái hình thức nghệ thuật mang quan niệm được thời đại và nghệ sĩ sáng tạo ra, luôn có ý thức cố gắng đi đến khái quát chúng thành các phạm trù khoa học. Nghiên cứu thơ Tố Hữu từ hình thức mang tính quan niệm liên quan đến nội dung, hình thức là nội dung, lần đầu tiên phê bình Việt Nam khai thông được sự bế tắc, mặc cảm tồn tại dai dẳng: Sợ hãi bị quy chụp bởi “tư tưởng chủ nghĩa hình thức”. Nếu như trước đây, giới nghiên cứu phê bình thường phân tích, xem xét hầu hết các khía cạnh nội dung, hình thức mang tính chủ quan như tìm câu hay, chữ đắt làm nên giá trị tư tưởng và nghệ thuật của thơ Tố Hữu, thì với công trình này từ góc nhìn thi pháp học Trần Đình Sử đã đi vào tìm hiểu chỉnh thể, vào thế giới nghệ thuật để tìm hiểu tính sáng tạo của chủ thể nghệ sĩ, cắt nghĩa các nguyên tắc nghệ thuật bên trong, các nguyên tắc phản ánh, biểu hiện, các hình thức kết hợp hiện đại và truyền thống, mức độ đổi mới trên các khía cạnh hình thức để từ đó thấy rõ hơn đặc sắc dân tộc của nền thơ ca cách mạng Việt Nam hiện đại. Vai trò to lớn của thơ ca cách mạng trong việc góp phần đổi mới thơ ca Việt Nam từ cổ điển sang hiện đại. Có lẽ vì vậy nên trong thời gian mấy chục năm qua “Trần Đình Sử là một trong những cây bút đề xuất nhiều khái niệm khoa học nhất và những khái niệm ấy phần lớn đã trở thành những khái niệm quen thuộc được nhiều người sử dụng”[3, tr.17]. Thi pháp thơ Tố Hữu đã được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao và thừa nhận chuyên luận này đã mở ra “một hướng nghiên cứu đầy triển vọng”[4, tr.476]. Sau bao năm nghiên cứu phê bình văn học ở ta chỉ tiếp cận theo xu hướng xã hội học, sự xuất hiện của Thi pháp thơ Tố Hữu đã đối thoại với những hạn chế của phương pháp này và cung cấp một mô hình hữu hiệu để ứng dụng nghiên cứu, giải mã các hiện tượng văn học khác, nó đã làm tròn nhiệm vụ đặt viên gạch đầu tiên cho một hướng nghiên cứu văn học ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Để tiếp tục khẳng định tính ưu việt của hướng tiếp cận thi pháp học trên nhiều cấp độ Trần Đình Sử công bố chuyên luận Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam (Nxb Giáo dục, Hà Nội,1999). Theo tác giả, công trình này được gợi ý từ nhiều công trình nghiên cứu thi pháp văn học của các tác giả hiện đại nước ngoài, trước hết là các tác giả Nga (Những vấn đề thi pháp của Đôxtôiépxki của M.Bakhtin, Thế giới bên trong của tác phẩm văn học, Con người trong văn học Nga cổ và đặc biệt là mô hình công trình Thi pháp văn học Nga cổ của nhà bác học Nga D.X. Likhachốp). Nhưng để phù hợp với đặc thù của nền văn học Việt Nam, khi áp dụng nghiên cứu Trần Đình Sử đã có những thay đổi, bổ sung, điều chỉnh.

Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam được triển khai theo hai phần cơ bản: Phần I/ Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại (Phần này tập trung vào nghiên cứu thi pháp học từ truyền thống tới hiện đại; Thi pháp văn học trung đại trong thi pháp học hiện đại; Vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam; Văn học trung đại như một loại hình xã hội học); Phần II/ Thi pháp văn học trung đại Việt Nam (Phần này đi sâu nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam như một hệ thống đặc thù; Thi pháp các thể loại: Thơ trữ tình, phú và các thể văn, thể loại truyện chữ Hán, diễn ca lịch sử và truyện thơ Nôm).

Bố cục trên cho thấy nhà nghiên cứu đã nhìn nhận văn học trung đại như một loại hình văn học hoàn chỉnh, đặc thù. Bởi văn học trung đại có quan niệm nghệ thuật riêng, có hệ thống thể loại và có kiểu tác giả đặc trưng nên chọn cách tiếp cận đối tượng từ phương diện cấu trúc nhà nghiên cứu quan tâm đến các vấn đề: tính loại hình, quan niệm về con người, không- thời gian nghệ thuật, thể loại và ngôn ngữ, trên cơ sở đó xác lập những nét cơ bản của truyền thống nghệ thuật Việt Nam được biểu hiện trong lĩnh vực văn học. Thi pháp học hiện đại chủ yếu thực hiện theo phương pháp quy nạp, xuất phát từ các sự thực biểu hiện, dựa vào việc phát hiện các yếu tố lặp lại có quy luật, xem xét cấu trúc bất biến để xác lập các nguyên tắc nghệ thuật, trong khi thi pháp học truyền thống thường đúc kết theo phương thức diễn dịch, kiểu văn học “tải đạo” hay “mô phỏng” hiện thực. Cách tìm hiểu thi pháp văn học trung đại bằng thi pháp học hiện đại của Trần Đình Sử đã mang đến một kết quả như chính nhà nghiên cứu đã khẳng định: “Thi pháp học hiện đại không hề phủ nhận thi pháp học truyền thống mà bổ sung cho nó bởi những vấn đề mới mẻ, cách nhìn mới và kết quả mới”[4, tr.23]. Mặc dù là một công trình mang tính đặt vấn đề, gợi mở hướng nghiên cứu nhưng Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam đã cung cấp một cái nhìn tổng thể đối với các phạm trù cơ bản của văn học trung đại như loại hình văn học, các bình diện đặc trưng, khái niệm về một số các thể loại văn học với quan niệm về con người, quan niệm về thế giới và một số phương thức nghệ thuật.

Dưới ánh sáng của lý thuyết thi pháp hiện đại, Trần Đình Sử đã tìm ra cách giải mã riêng về sự nghiệp của Tố Hữu- lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam; bước đầu phác họa và gợi ra cách tiếp cận nghiên cứu về giai đoạn văn học trung đại của nước nhà - một giai đoạn đang đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết đòi hỏi tìm lời giải đáp nhưng chưa được quan tâm nghiên cứu. Song không dừng lại ở đây, từ góc nhìn thi pháp tác phẩm, Trần Đình Sử tiếp tục đóng góp tiếng nói vào nghiên cứu Truyện Kiều- một kiệt tác văn học của dân tộc đã được nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu “nói mãi không cùng”. Thi pháp Truyện Kiều của ông được đánh giá là một công trình “đã góp phần đưa trình độ tiếp nhận các giá trị của Truyện Kiều lên một tầm mức mới”[5, tr.20].

Nghiên cứu Truyện Kiều từ góc nhìn thi pháp hiện đại, trước Trần Đình Sử đã có một số tác giả khác. Tuy nhiên, Trần Đình Sử nhận thấy con đường tiếp cận đối với những đỉnh cao văn học là không giới hạn cho nên ông đã tìm cho mình một góc nhìn riêng. Thi pháp Truyện Kiều gồm có năm chương: Chương 1/ Những chặng đường nghiên cứu thi pháp Truyện Kiều; Chương 2/Truyện Kiều và văn hóa, văn học Trung Quốc; Chương 3/Truyện Kiều và văn hóa, văn học Việt Nam; Chương 4/Truyện Kiều- Thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du; Chương 5/Mô hình tự sự và ngôn ngữ Truyện Kiều.

Nhìn vào cấu trúc năm chương có thể thấy rõ ý tưởng của nhà nghiên cứu: ông đã mở rộng tương quan nghiên cứu từ giác độ văn học so sánh, vận dụng những tri thức mới nhất về tự sự học để lý giải Truyện Kiều nhằm làm rõ tài năng nghệ thuật của Nguyễn Du. Trần Đình Sử không so sánh Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân với Truyện Kiều của Nguyễn Du như những người đi trước mà đã mở rộng biên độ nghiên cứu, đúng như Nguyễn Đăng Điệp phát hiện: “Ông vừa tìm hiểu Truyện Kiều trong tương quan với văn hóa Trung Quốc, vừa đặt Truyện Kiều trong mối quan hệ với văn học và văn hóa dân tộc từ hai chiều đồng đại và lịch đại” [5, tr.20]. Đặt Truyện Kiều từ một góc độ nghiên cứu mới, Trần Đình Sử có nhiều phát hiện về chủ thể nghệ thuật Nguyễn Du. Nếu như những người đi trước đã khám phá và phát hiện những đặc sắc của Truyện Kiều từ phương diện sử dụng ngôn ngữ, sự thêm bớt các yếu tố cốt truyện một cách sáng tạo, miêu tả và phân tích tâm lý nhân vật tinh tế, sắc sảo,…thì Trần Đình Sử, với cách tiếp cận đi sâu tìm hiểu Truyện Kiều như một chỉnh thể toàn vẹn, ông tìm ra con người Nguyễn Du trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du. Có thể nhận thấy trong công trình, nhà nghiên cứu sử dụng nhiều phạm trù khái niệm của thi pháp học hiện đại nhưng ông đặc biệt quan tâm tới tính quan niệm. Từ quan niệm về tư tưởng mới, cái nhìn nghệ thuật về con người, đặc trưng về không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, chân dung tác giả và màu sắc nghệ thuật đến các hình thức ngôn từ như độc thoại nội tâm, đối ngẫu, điển cố, ẩn dụ, hình thức cốt truyện, loại hình tự sự,… tất cả nhằm mục đích khẳng định sự độc đáo của nghệ thuật Truyện Kiều và tài nghệ trác tuyệt của Nguyễn Du.

Tóm lại, bằng các công trình nghiên cứu cụ thể về thơ Tố Hữu, Truyện Kiều, văn học trung đại, Trần Đình Sử đã có những khái quát, nhận định mới cho thấy thế giới nghệ thuật là phạm trù sáng tạo của nhà văn, đó là nơi để phân biệt với các thế giới phi văn học. Nghiên cứu văn bản là để tìm lại thế giới nghệ thuật, cái nhìn, quan niệm nghệ thuật đã làm nên khách thể thẩm mỹ, ý nghĩa nghệ thuật nằm ở cấp độ thế giới nghệ thuật chứ không ở cấp độ ngôn từ. Trong thế giới này có người kể chuyện, nhân vật trữ tình, hình tượng tác giả, điểm nhìn, giọng điệu, con người, không gian, thời gian,…Thế giới này lại được định hình bằng văn bản ngôn từ cho nên có thể qua ngôn từ mà tìm thấy tính xác định của nó. Mặt khác cách xây dựng nhân vật, lựa chọn ngôn từ, tổ chức điểm nhìn, kết cấu bị chi phối bởi quan niệm nghệ thuật… “Cho nên nghiên cứu thi pháp học nhất thiết phải tìm hiểu quan niệm nghệ thuật của nhà văn thể hiện trên mọi cấp độ văn bản”[4. tr.610]. Thi pháp học thế giới nghệ thuật của Trần Đình Sử gợi mở những con đường tiếp cận, thâm nhập vào thế giới nghệ thuật đa dạng thuộc nhiều thể loại khác nhau. Nó khẳng định còn nhiều phương pháp nghiên cứu khác đầy tiềm năng chứ không phải duy nhất chỉ có một cách như trước Đổi mới thường quan niệm.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Trong Toàn cảnh thi pháp học Trần Đình Sử đã có cái nhìn khái quát quá trình phát triển thi pháp học hiện đại trên thế giới. Ông cho rằng: “Thi pháp học là một lĩnh vực nghiên cứu có ảnh hưởng lớn trong ngành nghiên cứu văn học thế kỷ XX, tuy có cội nguồn xa xưa nhưng đã được cải tạo triệt để, mang nội dung mới lạ, rất đa dạng về quan niệm, phương pháp, đồng thời tự nó cũng biến đổi nhanh chóng chưa từng thấy trong lịch sử”[ Xem thêm: Nhiều tác giả (2010), Thi pháp học ở Việt Nam, (Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Văn Tùng tuyển chọn và biên soạn), Nxb Giáo dục Việt Nam, tr.9].

[2].Nhiều tác giả (2009), Nghiên cứu văn học Việt Nam những khả năng và thách thức, Nxb Thế Giới, Hà Nội.

[3]. Trần Đình Sử (1996), Thi pháp thơ Tố Hữu, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

[4]. Nhiều tác giả (2010), Thi pháp học ở Việt Nam, (Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Văn Tùng tuyển chọn và biên soạn), Nxb Giáo dục Việt Nam.

[5]. Trần Đình Sử (1999), Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà nội.

[6]. Trần Đình Sử (2005),Tuyển tập, Tập 2, Những công trình lý luận và phê bình văn học, (Nguyễn Đăng Điệp tuyển chọn và giới thiệu), Nxb Giáo dục, Hà Nội.