Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

KÝ ỨC LÀNG CÙA

Tiểu thuyết

Đặng Văn Sinh

PHẦN THỨ HAI

Chương mười

1

Phu_ ba_n 7

Tranh Lê Thiết Cương

Tháng bảy năm năm tư, làng Cùa bắt đầu Cải cách ruộng đất. Ban chỉ đạo có ba thành viên do một người dong dỏng cao, tóc xoăn, khoảng hăm bảy hăm tám tên là Lạc làm đội trưởng. Đội Lạc xuất thân thành phần cố nông. Bố mẹ quanh năm làm mướn cho lý Đăng. Một năm nước lụt vỡ đê, mất mùa, bà mẹ ra sông Vệ mò tôm chết đuối mất xác. Tháng tư năm Dậu, sau trận đói khủng khiếp, đồng điền bỗng như có phép lạ, lúa tốt bời bời, khắp xóm dưới làng trên chỗ nào cũng thấy mùi no ấm. Dân kẻ La trông ngóng từng ngày, nóng lòng nóng ruột chờ lúa đỏ đuôi là gặt thử làm một bữa cơm mới cho bõ những ngày ăn củ chuối hoặc rễ rau rền lẫn với cháo cám. Lạc còn nhớ, nửa đêm hôm ấy ông Lục ra thửa ruộng lĩnh canh cắt trộm mấy chục lượm mang về nhà vò rồi cho vào cối giã. Thóc tươi, nhiều hạt còn xanh lè nhưng cuối cùng cũng được nấu thành cơm. Đó là nồi cơm trắng toả mùi thơm đặc biệt hấp dẫn làm cả hai bố con đều nuốt nước miếng ừng ực. Cơm vừa bắc ra bất ngờ Lạc bị một cơn đau bụng dữ dội. Người anh ta toát mồ hôi hột, hai thái dương nhức như bị thít bằng một thứ đai sắt cứ mỗi lúc lại xiết chặt thêm. Ông Lục phải giã ngải cứu vắt nước cho uống nửa giờ sau mới đỡ. Khi Lạc ngủ, ông bố đói quá mở vung nồi xúc cơm ăn trước. Thức ăn chỉ có nắm cua với mấy ngọn rau lang luộc nhưng vì đã bốn ngày chưa có gì vào bụng nên ông đánh liền một lúc sáu bảy bát. Ngon quá. Ông định làm thêm bát nữa cho đỡ thèm rồi đi nấu cháo cho Lạc, bỗng nhiên cảm thấy trong bụng như có cái gì vỡ ra kêu đến bục một tiếng. Ông rùng mình, toàn thân ớn lạnh rồi nằm vật xuống không biết gì nữa. Cơn đau làm Lạc kiệt sức, ngủ mê mệt gần tối mới tỉnh dậy thì thấy ông bố nằm co quắp dưới nền nhà, người đã lạnh cứng. Anh ta sợ quá chạy ra cổng hô hoán. Cụ khoá Lềnh ở kề hàng rào sang sớm nhất, nhìn thấy bộ dạng ông hàng xóm, chép miệng bảo:

- Rõ khổ! Bác ấy ăn cơm mới no quá bục dạ dày.

Lạc khóc rống lên. Anh ta thương bố quá. Ông Lục ăn ở hiền lành, lam lũ vất vả suốt một đời giờ chết tức tưởi thế này đây.

Năm Mậu Tý, Tây về đóng đồn núi Voi, ép các làng vùng Cao Tân vào tề. Ngày nào chúng cũng đi càn bắt đàn bà con gái mang về hãm hiếp. Một lần kiếm được quả tạc đạn mỏ vịt do bọn lính Maroc đánh rơi ở sườn đê, Lạc chờ đến đêm ném vào sân đồn làm chết ba tên da đen và một viên đội người Pháp bị thương rồi trốn sang Quất Lâm theo Việt Minh.

Được cử vào Đoàn Cải cách dịp này, Lạc vô cùng phấn khởi. Đây chính là cơ hội để trả thù bọn địa chủ cường hào với phương châm đào tận gốc trốc tận rễ để thực hiện chủ trương người cày có ruộng. Trong cuộc đấu tranh giai cấp này, cốt lõi của nó là phải triệt để chuyên chính vô sản, nghĩa là cần xử bắn mỗi làng ít nhất từ ba đến năm đối tượng, nhằm củng cố niềm tin cho tầng lớp bần cố nông, răn đe bọn địa chủ, cường hào làm giàu trên mồ hôi nước mắt và xương máu của người lao động. Qua mấy cuộc họp, Đội Cải cách đã thành lập tổ cốt cán gồm toàn anh chị em bần cố nông, rất hăng hái phát động phong trào ôn nghèo kể khổ, khơi gợi lòng căm thù của bà con nông dân từ ngàn đời nay vốn quen chịu áp bức bóc lột mà không dám đấu tranh. Một trong những thành phần ấy là Chĩnh Con và Ứng Thị Sót, con dâu chánh tổng Lê Bang.

Những ngày này làng Cùa sôi động lạ thường. Khắp nơi từ tường đình, mái miếu, cổng làng, cứ chỗ nào hở ra lập tức được kẻ khẩu hiệu bằng nước vôi đặc với đủ kiểu chữ mà phần lớn là nguệch ngoạc và sai chính tả. Đại loại như: Đả đảo bọn địa chủ cường hào bóc nột bần cố lông, Tất cả ruộng đất về tay rân cày, hoặc Đảo đảo tên chánh tổng Bang. . . Các cuộc biểu tình diễn ra liên miên dưới sự chỉ huy của hai nữ cốt cán. Đoàn biểu tình lúc đầu chưa đầy ba chục người nhưng chỉ ít phút sau đã trở thành một đám quần chúng đông đảo nối nhau như rồng rắn diễu qua các ngõ ngách trong làng. Qua mỗi ngõ ngách, đoàn lại được bổ sung thêm những thành viên rất hăng hái trong việc hô khẩu hiệu lôi đích danh địa chủ, phú nông đã nằm trong tầm ngắm của Đội Cải cách ra chửi bới, sỉ vả. Bà cả Huê là một trong những nạn nhân đầu tiên.

Ban ngày, những đối tượng này không dám ra khỏi nhà, vạn nhất, có việc cần, phải đợi đến đêm, lần mò đi như thằng ăn trộm, nếu chẳng may bị cánh du kích tuần tra tóm được thì xem như mạng sống chỉ còn tính từng ngày. Chánh Bang, Ngô Quỳnh, Phó lý Kiền, bà cả Huê… như kiến trong chảo rang, thỉnh thoảng gặp nhau lại thì thầm to nhỏ chẳng khác gì trước năm Dậu Việt Minh lập hội kín.

Từ ngày Khúc Thị Huệ theo chồng về Pháp, Khúc Luận đi biệt tích, bà cả Huê gọi thằng Lẫm con ông Khúc Thuỵ là em họ Khúc Đàm bên Đậu Khê sang trông nom nhà cửa. Thằng này người gầy nhằng, tai như tai phật, răng đen xỉn vì lúc bé mắc chứng cam tẩu mã nhưng tính thật thà làm đâu ra đấy. Bà bác quý lắm định sau này cho ăn một phần thừa tự, ai ngờ thời thế phút chốc thay đổi

Đoàn biểu tình rẽ vào xóm đình. Trống cà rùng do hai gã con trai nhà Nhiêu Chóp khênh vừa đi vừa nhún nhảy như kép tuồng ra bộ. Thằng Quả chột mắt cầm chiếc dùi to tướng bằng gỗ nhãn được đẽo rất sơ sài, nện một nhịp dạo đầu. Tiếp đó là bảy trống con do tốp thiếu niên đội mũ calot xanh, áo trắng, quần short xanh, thắt khăn quàng đỏ, đồng loạt hoà tấu rất ròn rã. Chiếc lệnh to đùng lấy ở đám tế khí trong đình Cả do ông vệ Cốc và bà đồng Mạn nhũng nhẵng khênh, chốc chốc lại bị vụt một nhát cuống chổi. Thứ âm thanh choang choang rất chối tai ấy làm ngay cả lão vệ Cốc vừa đánh cũng phải giật mình. Mấy cô răng đen con cháu những hộ tá điền xóm Trại, giờ được Đội Lạc cử làm “chuỗi rễ” không hiểu kiếm được ở đâu bốn cái thanh la, thỉnh thoảng lại gõ vài tiếng leng keng nghe gần giống tiếng chuông của mấy ông đạp xích lô trên phố huyện. Hoà nhịp với bộ gõ kim khí ấy là một hồi kèn đám ma nghe rất lạc lõng nhưng lại vô cùng tỉ tê ai oán khiến cho những bà những cô đa cảm bắt đầu sụt sịt. Lê Thị Chĩnh, nữ cốt cán, người cầm đầu cuộc biểu tình lập tức lao từ trên xuống quát:

- Ai thổi kèn đám ma? Muốn chống lại công cuộc Cải cách ruộng đất hả?

Mọi người nháo nhác bổ đi tìm kẻ phản động. Cuối cùng mấy tay dân quân cũng tóm được thủ phạm. Thì ra hắn là Nguyễn Đình Phán, con trai ông Cửu Mẫn chuyên nghề thầy cúng bắt ma, tróc quỷ khắp vùng Ba Tổng. Buổi sáng thấy đám đông diễu qua cổng, hắn sướng quá, xách ngay cây kèn hiếu của lão phó La chạy ra nhập hội rồi phồng má trợn mắt tấu điệu Lâm khốc góp vui. Chiếc kèn bị tịch thu tức thì làm tang vật. Hai dân quân áp giải anh chàng phá đám về giam ở hậu cung đình Cả chờ Đội xét xử.

Đoàn người rầm rộ bước trong tiếng chiêng, trống, thanh la, não bạt rầm rĩ chốc chốc lại dừng chân. Người lĩnh xướng đưa chiếc loa sắt tây lên miệng xoay tứ phía dõng dạc hô:

- Đả đảo địa chủ cường hào bóc lột bà con bần cố!

- Đả đảo!

- Đả đảo bọn Việt gian phản động Quốc dân đảng!

- Đả đảo!

Hàng trăm, hàng nghìn cái miệng đồng loạt cất lên, âm lượng mỗi lúc một tăng, cuối cùng trở thành một cuộc thi gào thét làm đám nhà giầu đang tạm thời ẩn náu trong những ngôi nhà ngói khang trang có sân gạch, tường hoa, cây cảnh vô cùng khiếp đảm. Vì đường hẹp nên đoàn biểu tình phải kéo dài ra, đứng trên cao trông ngoằn ngoèo chẳng khác gì con trăn màu nâu đất đang rùng rùng trườn đi trong tư thế hối hả vồ mồi. Sắp đến nhà Chánh Đàm, khẩu hiệu lúc này không còn chung chung nữa mà rất cụ thể theo kịch bản của đội Lạc đã được dàn dựng từ trước. Người xướng loa hướng vào ngôi nhà gác hai tầng gân cổ hét lên:

- Đả đảo địa chủ Đặng Thị Huê!

- Đả đảo! Đả đảo!

- Đả đảo vợ cả Việt gian Khúc Đàm!

- Đả đảo!

- Lôi địa chủ Đặng Thị Huê ra cho bần cố nông hỏi tội!

- Lôi ra! Lôi ra!

Trong nhà, bà cả biết thế nguy, sai anh con nuôi lấy thêm đoạn tre chặn cổng. Nhưng cổng nào chống được sức mạnh tổng hợp của bần cố nông bấy lâu nay bị áp bức bóc lột. Họ xúm nhau, ghé vai đẩy vài lần thì hai cánh cổng lim bật ra. Lập tức, mấy dân quân vốn là tá điền rất thông thạo mọi ngõ ngách trong ngôi nhà chạy thẳng lên gác trói hai tay bà chủ lôi xuống sân. Chĩnh Con gườm gườm nhìn mụ địa chủ, thấy mặt bà ta lầm lầm thoáng vẻ khinh bỉ liền tát cho một cái cảnh cáo. Cấn Viết Tham, một cố nông chuyên đóng khố đánh giậm ở ngòi Mác tuổi trạc hăm bảy hăm tám giúi đầu bà Chánh xuống quát:

- Đi!

Bà cả Huê bị hai dân quân kèm lầm lũi bước theo đoàn biểu tình. Lúc này người từ hai bên đường đổ ra rất đông. Họ chen lấn nhau, ai cũng muốn nhìn tận mặt vợ Chánh Đàm bằng cặp mắt hiếu kỳ. Bà Huê mái tóc chớm bạc xổ tung rủ lòng thòng trước ngực, cổ quàng tấm biển gỗ viết mấy chữ bằng sơn đen Địa chủ ác bá bị đẩy đi theo nhịp trống chiêng chẳng khác gì một đám rước thần chỉ thiếu cỗ kiệu bát cống và mấy ông bồi tế đội mũ bình thiên mặc áo thụng lam mà thôi. Đám trẻ có lẽ phấn khởi hơn cả. Chúng còn quá bé chưa hiểu sự đời. Có đứa cởi truồng nồng nỗng, mũi thò lò xanh, tay chỉ chỏ còn miệng thì hét tướng lên mỗi khi đám đông diễu qua cổng.

Đến xế trưa khi mọi người bắt đầu đói bụng, không khí đấu tranh đã tạm lắng xuống khi đoàn biểu tình vòng về đến sân đình. Mấy bà già bị phong thấp tê chân ngồi phệt xuống đường xoa bóp chỗ đau. Cánh dân quân giong bà cả Huê vào ở dãy nhà phụ. Bà con giải tán về ăn cơm, chiều lại tiếp tục diễu hành xuống xóm Bờ Sông.

Đình Cả trở thành đại bản doanh của Đội Cải cách. Đội Lạc ăn ở ngay tại đây còn đội Yên, đội Khắc nghỉ trong các gia đình cốt cán. Họ đều là thành phần cố nông có lý lịch trong sạch, tinh thần cảnh giác cao. Dãy nhà phụ vừa hẹp vừa thấp gồm bảy gian bị đổ nát sau trận lũ năm Mùi mới được sửa chữa lại và lắp khoá từ khi làng Cùa phát động Cải cách ruộng đất. Gian ngoài cùng để đòn khênh đám ma, trước vẫn cho lão Mộc điếc ở nhờ, gần đây lão bị tống ra miếu Si, đòn khênh cũng quẳng ra sau đình lấy chỗ giam địa chủ. Gian nhà ẩm ướt mới thoáng ngửi đã nổi da gà. Một tấm phản cong vênh vứt chỏng chơ trên nền đất lổn nhổn mùn giun lẫn với phân dơi. Bị giong làng suốt buổi sáng, chân bà Chánh xuống máu sưng đẫy lên, lại mót tiểu tiện mà cửa thì đã khoá. Chẳng thể chịu được nữa, bà ta đánh liều kéo váy tè ngay ở góc nhà. Mùi nước giải hăng nồng, mấy tiếng đồng hồ mới có dịp xả ra, chạy như tháo cống, xộc lên mũi làm chính chủ nhân của nó cũng phải hắt xì hơi liền mấy cái. Nhưng rồi chỉ một thoáng, cái thứ nước thải rất khó ngửi ấy cũng ngấm dần xuống đất, bà cả Huê nhẹ cả người, ngả mình xuống tấm phản. Hãy chợp mắt một lúc đã. Mặc kệ sự đời.

Lúc thức dậy bà ta thấy thằng Lẫm thập thò ngoài cổng đình. Nó phải nằn nì hai ông dân quân gần một giờ mới được đưa cơm vào. Người ta chỉ cho phép chuyển liễn cơm còn món cá kho với rau cải xào bị tịch thu. Tay Mực khịt mũi nhón một miếng cá bống om tương đưa lên mồm nếm thử rồi bảo:

- Thay mặt bà con bần cố nông ta tuyên bố “trưng thu” những thứ này của địa chủ Đặng Thị Huê sung vào công quỹ.

Trong nhà giam bà Chánh dùng tay bốc cơm ăn, mắt gườm gườm nhìn hai ông cố nông đang thực hiện đấu tranh giai cấp bằng cách thanh toán rất nhanh mấy đĩa thức ăn. Đêm xuống. Đèn manchon thắp sáng choang. Hôm ấy có một cuộc họp cốt cán phát động dân nghèo đấu tranh vạch mặt bọn địa chủ phú nông, quy kết thành phần và chuẩn bị chia ruộng đất. Các cố nông nòng cốt của phong trào như Cấn Viết Tham, Lê Thị Chĩnh Con, Ứng Thị Sót, Lương Văn Mực đều đến sớm chứng tỏ tinh thần rất hăng hái. Đội Lạc ngồi chủ toạ. Đội Yên làm Thư ký. Vì tất cả các cốt cán đều không biết đọc, biết viết nên Đoàn Cải cách của huyện chỉ thị chung là họ phải chú ý nghe, nhập tâm sau đó cứ theo tinh thần ấy mà làm. Đội trưởng có giọng nói khá truyền cảm, mỗi khi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của Cải cách ruộng đất anh ta đều dùng cụm từ Hãy nhớ rằng đây là cuộc đấu tranh giai cấp một mất một còn.

- Theo chỉ thị của cấp trên, làng Cùa phải tìm cho được ít nhất năm địa chủ cường hào và mười hai phản động. Xin các đồng chí cốt cán lưu ý, đây là chỉ tiêu mà ta không có quyền bàn cãi. Bằng mọi cách phải vận động bà con lôi được bọn chúng ra trước Tòa án nhân dân.

Lại Quang Nghinh, đảng viên, bần nông mới được chỉ định làm Chủ tịch xã Đoàn Kết đứng dậy báo cáo tình hình địa phương:

- Nếu tính theo số ruộng đất cho phát canh thu tô hoặc mướn người cày cấy thì làng Cùa chỉ tìm được ba địa chủ còn phần lớn đều thuộc loại trung nông.

Đội Lạc hắng giọng cắt ngang:

- Lập trường của đồng chí còn lơ mơ lắm. Muốn quy kết thiếu gì cách. Với bọn phú nông hoặc trung nông lớp trên cứ động viên bà con tố diện tích lên gấp đôi, gấp ba là thành địa chủ ngay.

Lại Quang Nghinh ngớ ra một lúc rồi mới tiếp tục trình bầy:

- Về bọn phản động thì mọi người đã rõ. Đó là Lê Bang, Ngô Quỳnh, Phó lý Kiền. Bọn này từ lâu đã làm tay sai cho Tây chống lại chính quyền nhân dân.

Đội Yên lắc đầu:

- Ít quá. Đề nghị các đồng chí phải phát hiện thêm, nếu tìm không ra đối tượng theo Tây thì khoác cho tội theo Quốc dân đảng. Làm thế nào thì làm nhưng trên chỉ đạo, hết đợt một, Toà án đặc biệt của Đoàn ủy phải tuyên được của làng Cùa bốn án tử hình, năm chung thân còn lại là mức hai mươi năm.

Chủ tịch xã tái mặt nhìn đội Lạc:

- Báo cáo các anh, thế thì nhiều quá, tôi e là tìm không ra…

Đội Lạc đưa mắt nhìn đội Yên:

- Ý đồng chí Yên cũng là quan điểm chỉ đạo của Đoàn Ủy Cải cách, đề nghị anh chị em cốt cán bàn kỹ việc này.

Cấn Viết Tham rụt rè nói:

- Nếu cấp trên đã chỉ đạo như thế thì tôi nghĩ bọn Lê Văn Vận, Khúc Kiệt, đồ Sách và cả thằng Khúc Luận con lão Chánh Đàm cũng là phản động.

Đội Lạc tươi cười chạy xuống tận nơi bắt tay Cấn Viết Tham.

- Thế mới là lập trường giai cấp chứ. Đồng chí Chủ tịch xã thấy chưa? Từ nay trở đi phải triệt để tôn trọng ý kiến bần cố nông. Bây giờ chúng ta cần thống nhất kế hoạch hành động. Trước mắt phải bắt ngay Chánh Bang, Khúc Kiệt và Lý Quỳnh giam lại, sau đó cử dân quân lên huyện điệu Lê Văn Vận về cho bà con đấu tranh. Cuối cùng phải để mắt đến bọn hương dũng và lính bảo an. Đã làm là phải làm triệt để.

Đội Lạc chủ trì cuộc họp khá bài bản, cốt cán Lê Thị Chĩnh phục lắm, nhìn anh ta, mắt lúng liếng:

- Chúng tôi xin chấp hành mọi sự chỉ đạo của Đội Cải cách.

Gà gáy lần thứ nhất, một vài người đã bắt đầu ngáp, đội Lạc, đứng dậy tuyên bố:

- Nếu không còn ai ý kiến nữa thì cuộc họp đến đây kết thúc. Các đồng chí về nghỉ, riêng đồng chí Chĩnh, đồng chí Sót và đồng chí Tham ở lại hội ý công việc ngày mai.

Lê Thị Chĩnh là con ông mõ Vò ngụ cư làng Cùa từ năm Giáp Tuất. Ông bà Vò mấy đời làm nghề thợ đấu, quanh năm trôi nổi ở vùng đồng chiêm trũng khắp các tổng La Thượng, La Hạ, Quán Đồng. Năm Nhâm Ngọ bà Vò bị sét đánh chết ở đống Lạp để lại hai chị em Chĩnh. Thương cảnh gà trống nuôi con lại vừa gặp lúc lão mõ Tụ quy tiên, làng cho ông Vò thế chân. Làm nghề này cũng kiếm được miếng ăn nhưng bị thiên hạ khinh như dân hạng ba, còn thấp kém hơn cả những hộ ngụ cư. Hai chị em Chĩnh lớn lên cũng có chút nhan sắc nhưng trai đinh làng chẳng anh nào để ý đến. Năm Chĩnh Lớn mười chín, nhân một chuyến đi chợ Cháy có gặp một anh chàng người tổng Chi Điền. Đó là một tay chuyên nghề bẫy cò tên là Triền ở làng Phú Đa, hơi méo mồm, phiên chợ nào cũng mang cò bán. Gặp Chĩnh, Triền phải lòng ngay, hai người mày đầu cuối mắt, mới có vài phiên đã chỉ non thề biển nguyện sẽ sống với nhau đến lúc đầu bạc răng long. Nửa tháng sau, nhà trai mang trầu sang làng Cùa ăn hỏi mới biết cô dâu tương lai là con sãi mõ. Tất nhiên là quan hệ của đôi trai gái chấm dứt, chàng bẫy cò bị ông trưởng họ mắng cho một trận nên thân về thói mê gái xuýt nữa làm bại hoại gia phong. Chĩnh Lớn hận tình quá nửa đêm chạy ra sông Lăng tự tử. Chĩnh Con tức tưởi khóc chị và khóc luôn cho số kiếp hẩm hiu của mình. Cô hận thói đời đen bạc bởi những luật lệ khắt khe của cánh chức dịch Ba Tổng. Cô thương mẹ thương cha và căm thù dân Kim Đôi, chỉ mong một ngày kia có sự đổi đời, sẽ đập váy máu vào mặt những kẻ sinh ra thứ hương ước quái gở, phân chia đẳng cấp tàn nhẫn, chà đạp lên hạnh phúc của mình. Thời cơ đã đến. Đây là dịp may hiếm có, phải triệt để lợi dụng những kẻ như đội Lạc, đội Yên và cả Chủ tịch Lại Quang Nghinh nữa để rửa mối hận truyền kiếp của gia đình. Phải thẳng tay trị cho con mụ Cả Huê lúc nào cũng vênh váo trưởng giả một bài học đích đáng. Phải kích động bần cố nông phát tán gia tài nhà họ Khúc, cuối cùng đưa mụ ra trường bắn lĩnh vài viên đạn hoặc ít nhất cũng tống đi Lào Cai, Sơn La để mụ ngồi đếm dần những tháng ngày còn lại trong cellule biệt giam. Khúc Kiệt cũng không thể tha. Lão thầy đồ nửa mùa này hơn chục năm qua chỉ thích đánh nhau. Một tay lão đã gây ra cái chết của không biết bao nhiêu người trong huyện Nam Thành. Hồi trước, mỗi lần ra đình, khoá Kiệt cậy có chữ, khinh rẻ đám bạch đinh. Đã có lần lão lấy roi mây quất ông Vò chỉ vì mấy miếng đầu gà chẻ không đều làm phần của lão lép hơn so với Chánh hội Bường.

2

Toán dân quân hơn chục người dưới sự chỉ huy của Xã đội trưởng Bùi Quốc Tầm mang theo bảy khẩu súng trường, năm quả lựu đạn mỏ vịt và một cuộn thừng trâu rời làng Cùa lúc năm giờ chiều. Bọn này phần lớn là dân lực điền, chân bàn cuốc, gai đâm không thủng, chạy bộ chục cây số chẳng bõ bèn gì. Bùi Quốc Tầm con ông Bùi Khắc Nhũ, tiên chỉ làng Đậu Khê. Ông Nhũ làm nghề thiến lợn, quanh năm xách thòng lọng khắp mấy tổng Kim Đôi, Ngân Đôi, Cao Xá, đến ngõ nào cũng cất giọng lanh lảnh bằng một ngữ điệu rất truyền cảm: Thiến lợn ơ! Tài thiến lợn của Bùi Khắc Nhũ vùng Ba Tổng không ai bì kịp.Vừa vào đến cửa chuồng, con lợn chưa kịp nhận ra người lạ thì một cẳng đã bị thít thòng lọng lôi ra. Ông thợ chụm ngón tay xoa nhẹ dưới háng, gãi gãi mấy cái như một trò đùa rồi bất ngờ đưa xoẹt một đường dao làm chú ta giãy nảy lên. Chỉ một loáng, hai hạt cà đã được móc ra nằm gọn trong chiếc bát da lươn . Lấy vợ từ lúc mười sáu tuổi, đến năm ba mươi sáu vợ Bùi Khắc Nhũ đẻ liền bảy cô con gái. Trong nhà toàn vịt giời, lúc nào cũng cãi nhau chí choé, mất thớ với cánh đàn ông trong giáp, họ Bùi liền nghĩ đến chuyện đi gửi thiên hạ. Vốn sẵn máu phong tình, bác thiến lợn không khó khăn lắm trong việc thả lời ong bướm tán tỉnh các cô quá lứa nhỡ thì hoặc đàn bà goá nạ dòng. Một trong những đối tượng say Bùi Khắc Nhũ như điếu đổ là bà phó Nhu chồng chết từ ba năm trước có cô con gái câm, đã mười tám trăng tròn mà không có anh trai làng nào đánh tiếng. Ông Nhũ qua lại làng Báng chừng già nửa năm thì bà phó Nhu có mang, ít lâu sau sinh được thằng con trai mặt giống bố như tạc nhưng cặp chân lại vòng kiềng. Bà Nhũ mừng lắm dắt bảy cô con gái mang một làn trứng và cặp gà mái ghẹ sang thăm cậu quý tử và nhận bà Nhu làm chị em. Thằng cu Tầm được hơn hai tuổi thì cô Câm lại có mang. Dân làng Báng tức lắm, họ cử đám tuần đinh rình ở đống Chùa lừa bắt Bùi Khắc Nhũ tống vào bao tải quẳng xuống ngòi. Số bác thiến lợn còn may, bao không buộc túm đầu, ông ta giãy giụa một lúc, uống vài ngụm nước thì tuồn được ra. Sau này Bùi Quốc Tầm lớn lên hay về Bối Khê thăm bố, còn ông Nhũ, cho đến cuối đời tuyệt nhiên không dám trở lại kẻ Báng.

Chuyện đáng nhớ thứ hai của ông ta là lần thiến lợn cho bà trương Xá ở Mạc Điền. Bà Trương goá chồng từ năm ba mươi hai tuổi, tính đồng bóng, thỉnh thoảng lại đi theo đám cung văn vài ngày, giao nhà cửa cho cô em họ trông hộ. Cô này vốn lẳng lơ, nhìn thấy trai là liếc mắt đưa tình, bác hoạn lợn liếm mép thoáng nghĩ Mẹ khỉ! Đã thế thì ông cho mày chết.

Con lợn lang đen khá to, mõm dài, lông cứng như lông nhím này bà Trương mới gây được hơn một năm, định để làm lợn cà nhưng không hiểu sao lại gọi thợ đến thiến. Chính nó, hồi tháng ba đã đớp phó Hạnh một miếng vào mông làm anh ta phải quẳng cả đồ nghề chạy bán sống bán chết. Lần này, nhìn thấy chiếc thòng lọng trong tay Bùi Khắc Nhũ, mắt con vật long sòng sọc ngoác cái mõm lởm chởm những răng là răng hộc lên một tiếng. Chuyện vặt. Ông ta có thừa kinh nghiệm xử lý những chú Trư Bát Giới cứng cổ hơn thế. Để giữ độ an toàn, Bùi Khắc Nhũ đã lừa quấn được dây thừng vào chân sau con lợn, một tay xoa nhẹ vào mông, một tay cầm dao chuẩn bị hạ thủ. Cô em họ bà Trương cúi người giữ hai chân trước, cạp váy trễ xuống để hở một khoảng trắng ngang thắt lưng rất là khêu gợi. Lưỡi dao vừa rạch một đường vào lớp da chừng hai phân thì con lợn bất chợt oằn người hất một cú trời giáng làm cô em ngã bổ chửng. Bùi Khắc Nhũ mất đà, xoay chân định nhảy qua cửa chuồng chẳng dè bị nó đớp trúng đũng quần. Ông ta kêu thét lên như bị chọc tiết. Con lợn được tự do nhảy phốc khỏi chuồng, phóng ra cổng, chạy dọc đường làng kêu hồng hộc.

Chuyến ấy, Bùi Khắc nhũ bị mất một hạt cà phải nhờ ông lang Kỷ chữa gần hai tháng mới lành. Khỏi bệnh ông ta quẳng con dao và thòng lọng xuống sông Lăng, bỏ nghề thiến lợn chuyển sang cúp tóc. Họ Bùi có thói quen khác người, mỗi khi mua được con cá hay xâu thịt, trên đường về nhà, thỉnh thoảng lại đưa lên mũi ngửi. Người hàng xứ thấy hành vi kỳ quặc của ông ta cho là dở hơi, đứng lại nhìn liền bị chửi:

- Tiền của ông, ông mua nhìn cái đếch gì mà nhìn.

Đến nhà, việc đầu tiên là ông bắt bà vợ già hoặc cô con gái thứ ba đem xào nấu ngay, cấm được nếm, nếm thử thế nào cũng bị ăn roi. Mâm bát sắp ra, đĩa thức ăn bao giờ cũng để ngay cạnh chai rượu. Bùi Khắc Nhũ nửa nằm nửa ngồi, khuỷu tay trái chống xuống chiếu, tay phải nâng chén rượu nhấp một ngụm, sau đó cầm đũa liên tục gắp thức nhắm bỏ vào miệng. Ông hoạn lợn cứ uống, cứ nhắm cho đến khi nào thích khẩu bà vợ với mấy cô con gái mới được hưởng phần còn lại.

Năm Quý Dậu, Bùi Khắc Nhũ sáu mươi hai, bỏ tiền ra mua chân tiên chỉ. Cánh chức sắc trong Hội đồng kỳ hào ghét ông ta là phường tham ăn lại chơi trèo liền bàn nhau cho gã thiến lợn một vố. Ấy là vào dịp ông Phó hộiLĩnh làm khao. Cỗ bàn đã xong, cứ năm người một mâm mà đóng, riêng tiên Nhũ ai cũng có ý tránh, vì vậy lão tuy là chức sắc mà phải bấm bụng ngồi với đám bạch đinh ở mâm dưới. Vừa nâng chén, theo thói quen, tiên Nhũ đã chống khuỷu tay, ngả người về phía trái, bắt đầu vung đũa vào trận. Tất nhiên là cánh đàn em nhường ông ta miếng to nhất trong đĩa giả cầy. Món này là sở trường của lão mõ Lạp được nấu rất khéo, ai ăn cũng nghĩ là thịt chó. Miếng thịt vừa to vừa dai nhằng nhằng làm ông tiên chỉ quai mồm ra nhai mãi vẫn không nát, mà nuốt ngay cũng không được, vì như thế sẽ bị nghẹn, mà nghẹn khoản giả cầy giữa đình làng nơi đủ mặt quan viên thì còn ra thể thống gì. Thôi, đã trót thì phải trét vậy. Các món ăn cứ vơi dần trong khi Bùi Khắc Nhũ vẫn phải đánh vật với miếng thịt quỷ quái. Đã thế hình như bên trong còn có dây nhợ lằng nhằng mắc cả vào kẽ răng làm ông ta phải cho ngón tay vào mồm móc mãi mới gỡ được. Đến lúc ấy vị tiên chỉ làng chẳng còn giữ thể diện nữa, nhè ra tay, đưa lên nhìn thì ôi thôi, đó không phải là thịt lợn thông thường mà đích thị là miếng l… lợn sề được khâu không biết bao nhiêu là chỉ đen cho lẫn vào nồi giả cầy. Khốn nạn, không biết thằng đểu nào chơi xỏ mình đây. Mấy ông chức việc ngồi mâm trên kín đáo đưa mắt cho nhau, tủm tỉm cười. Sau vố ấy, tiên Nhũ tức mình tuyên bố từ nay không thèm ra đình làng. Lão dựng một căn lều cạnh cổng chùa Vĩnh Khang mở hiệu cắt tóc. Tay lão chỉ quen thiến dái lợn, còn tóc xén nham nhở, hầm hố như thằng đi tù về. Những lúc vắng khách, lão ngồi ngả đầu vào vai ghế, mắt lim dim, miệng ư ử ngâm Kiều:

Lầu xanh quen lối xưa nay

Nghề này thì lấy ông này tiên sư.

Năm Bùi Quốc Tầm mười bốn, mẹ chết, chuyển về làng Đậu ở với bố. Tầm càng lớn chân càng vòng kiềng, đi đứng cứ quềnh quàng như con dế trũi bị vặt hai cẳng sau. Hắn học dốt bị thầy lấy thước lim dần vào mu bàn tay, đau quá bĩnh ra quần thối khẳn ba gian nhà, mấy hôm sau thì bỏ học theo cánh lực điền vào phường gặt thuê. Năm Canh Dần, Tầm đi lính Bảo an, sau được Việt Minh tuyên truyền, liền bỏ hàng ngũ địch về nhập đội du kích làng Đậu. Người tuy lùn nhưng Tầm có tài đánh độn thổ làm bọn Âu Phi và lính partisan đồn Tuần nhiều phen khiếp vía. Có lần, một mình anh ta dám đột nhập vào nhà bang Tuân, đâm chết hắn, đặt bản án tử hình về tội phản dân hại nước lên sập gụ. Lúc thoát ra, chẳng may chân vấp phải sợi dây thép căng ngang hàng rào làm cho con chó lài giật mình sủa dữ dội. Bọn hương dõng xách tay thước cùng giáo mác bủa vây khắp các ngõ ngách. Tầm ngó trước ngó sau, thấy không còn cách nào khác, liền nhảy bừa xuống ao nhà cửu Bình, lặn một hơi, một lúc sau thì chạm bờ, leo lên lẻn vào dãy nhà ngang. Cũng vào lúc ấy, cô Cam, con dâu ông Cửu đang xay lúa, thấy một người ướt từ đầu đến chân bất chợt hiện ra, sợ quá, xuýt nữa thì kêu thét lên. Tầm vội giơ tay ra hiệu rồi nói nhỏ:

- Tôi là du kích vừa mới giết thằng bang Tuân, bị bọn Hương dũng đuổi gấp lắm, chị cho ẩn tạm, sau này Việt Minh không quên ơn.

Cô ta cắn môi ngẫm nghĩ một lát rồi bảo Tầm chui vào bồ thóc sau đó lấy tấm chiếu rách trùm lên. Ngoài cổng có tiếng hô hoán. Tuần đinh chạy huỳnh huỵch. Bọn hương dũng khua khoắng một lúc dưới ao bèo không thấy gì liền kéo nhau vào nhà ông Cửu. Chủ nhà cười nhạt bảo:

- Các anh có súng trong tay mà chịu một thằng Việt Minh à?

- Bẩm cụ, chúng con đã lục soát hết lượt, chỉ còn nhà . . .

- Anh muốn nói là nhà ta chứ gì? - Ông Cửu hắng giọng - Thế thì hãy vào tìm cho kỹ đi.

- Bẩm cụ, chúng con không dám.

Sau khi cánh hương dũng rút ra đầu làng, cửu Bình thong thả xuống nhà ngang làm cô con dâu lúc này đang sàng gạo run bắn. Ông thản nhiên như không, bước đến bồ thóc vỗ vào chiếc chiếu bảo:

- Mời anh ra!

Tầm hết hồn, lúng túng mãi mới trèo xuống được vì đôi chân ngắn. Nhìn thái độ ông chủ nhà, biết là mọi sự đã bình yên, anh ta khoá chốt an toàn khẩu súng ngắn rồi ngập ngừng nói:

- Cảm ơn cụ cứu mạng.

Cô con dâu lúc ấy mới dám hỏi :

- Thầy . . . thầy đã biết?

Ông Cửu chép miệng:

- Biết từ lúc anh ta từ cầu ao chạy vào…

- Thưa cụ, giờ tôi xin phép.

Ông Cửu lắc đầu:

- Anh phải ở đây đến tối mới đi được, bây giờ bọn tuần đinh đón lõng khắp nơi, ra khỏi nhà ta là bị bắt ngay.

Hôm sau đồn Cáo cho lính về càn Cao Điền. Chúng thay nhau đóng ở đấy ba ngày, Tầm không cách nào thoát ra được. Ban ngày anh ta xuống tranchée ngồi, chập tối mới dám lên. Cô con dâu ông Cửu có chồng đi lính Bảo an, đóng mãi Đông Thị, hàng năm không về, ở nhà một mình, vắng đàn ông ngứa ngáy không chịu được, thế là hai người túng tấng với nhau. Từ đấy, thỉnh thoảng anh ta lại về làng Cao, ban đêm lẻn xuống nhà ngang ngủ với cô Cam. Thấy con trai vắng nhà mà con dâu có chửa, ông Cửu Bình uất lắm nhờ người cháu họ là du kích dẫn đến gặp Lê Văn Vận. Vận bấy giờ là Chủ tịch Uỷ ban hành chính kháng chiến trực tiếp phụ trách mấy xã phía nam huyện, tuyên bố Bùi Quốc Tầm phạm tội hủ hoá làm mất thanh danh đoàn thể Việt Minh, ra lệnh trói lại, giam vào nhà lao để Toà án cách mạng xét xử. Đêm ấy thừa lúc người lính gác bỏ ra ngoài, anh ta trèo tường trốn được chạy về rừng Hóp xin đầu quân cho Khúc Kiệt. Từ bấy đến nay, Bùi Quốc Tầm vẫn thù Lê Văn Vận, thiếu chút nữa thì anh ta bị xử bắn chỉ vì có quan hệ luyến ái với một cô vợ lính.

Chủ tịch Lê Văn Vận ở trong gian nhà của Uỷ ban hành chính huyện. Anh ta vừa chủ trì cuộc họp liên tịch giữa Mặt trận Liên Việt với Nông hội và Ban Thuế nông nghiệp về đến nơi thì bị toán dân quân ập vào trói nghiến lại. Lúc ấy khoảng mười giờ đêm. Khuôn viên cơ quan vắng tanh không thắp đèn đóm gì, một số người đã buông màn đi ngủ, chẳng một ai biết ông Chủ tịch bị xích tay giải đi trên đường 22. Đêm tháng một, gió bắc thổi ràn rạt. Nhưng tàu chuối tây trên bờ ngòi Thía bị tước ra bay lật phật. Một cây đề lẻ loi bên ngôi quán xiêu vẹo, dưới quầng sáng lờ mờ của vài ngôi sao đêm, hiện ra trơ trụi chẳng khác gì bộ xương san hô khổng lồ bị quái vật biển gặm nham nhở. Trên chạc cây, một con chim lạ đen trùi trũi như quạ nhưng cái mỏ lại trắng toát, to bằng con gà gô, cất giọng gừ gừ như giọng chó già nằm sưởi nắng tò mò nhìn đoàn người phía dưới thỉnh thoảng lại hộc lên một tiếng. Lê Văn Vận lúc ấy mới đẩy được cuộn giẻ bẩn thỉu ra khỏi miệng. Anh ta khạc nhổ liền mấy cái rồi hỏi một cách giận dữ:

- Các anh là ai? Sao lại bắt tôi?

Bùi Quốc Tầm khịt mũi bảo:

- Đây là lệnh của Đoàn ủy Cải cách, chúng tôi có nghĩa vụ phải chấp hành.

Vận nóng mắt quát:

- Đoàn Cải cách nào? Vì cớ gì lại đi bắt người lung tung thế này?

- Về làng Cùa sẽ biết. – Tầm cười gằn – Không phải đợi lâu đâu ông Chủ tịch huyện ạ.

Vận là người thứ hai bị giam sau bà cả Huê trong dãy nhà dành cho các phạm nhân ở đình Cả. Sáng hôm sau, nhìn thấy Vận mặt mũi bơ phơ, râu ria tua tủa, bà Chánh mát mẻ bảo:

- Ông Chủ tịch không ngờ lại có ngày hôm nay phải không?

Vận im lặng nhìn bà cả Huê. Mới có mấy năm mà bà ta già đi nhanh quá. Mái tóc xanh mượt như mây giờ đã lốm đốm bạc. Khuôn mặt tuy vẫn còn đầy đặn nhưng đã thoáng thấy những nếp hằn chạy song song từ đuôi mắt xuống đến vành tai. Tuy nhiên đôi mắt thì vẫn sắc sảo luôn nhìn thấu gan ruột người khác như xưa. Vận hỏi:

- Bà cả vào đây lâu chưa?

Giọng bà Chánh thản nhiên như không:

- Cảm ơn cậu hỏi thăm . Đội Cải cách mới giam tôi năm ngày.

- Thế còn con Huệ? Nghe nói nó . . .

- Nó đã theo Gabriel về Pháp sau đợt hai bên trao trả tù binh. Anh không phải lo.

- Chết thật! – Vận khẽ rên rỉ. – Nếu đúng là như thế thì việc của chị khó gỡ lắm.

Bà cả thở dài:

- Đến bản thân cậu còn bị tống giam thì còn mong cứu được ai.

(còn tiếp)