Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975 (37): Trương Chi

Vũ Khắc Khoan

Thật ra thì anh Trương Chi không xấu. Cũng không đẹp. Anh Trương Chi cũng như mọi người. Ấy thế mà anh lại mang tiếng là xấu giai… Ông có biết tại làm sao không?

Câu chuyện cũng khá dài. Nếu ông không ngại thức đêm thì Khoan tôi xin kể. Vả lại cũng sắp giao thừa, chắc ông cũng chẳng có việc gì cần kíp… Nếu ở Hà Nội thì chắc ông phải về nhà, nhưng ở đây, ở Hải cảng, thì tốt hơn hết là ông nên ở lại với tôi đêm nay. Ra đường vào giờ này, người ta hay hỏi giấy má.

Vào giờ này, ở Hà Nội, chắc các ông vui lắm nhỉ. Ồ, non mười năm trời xa cách phố phường Hà Nội… Các ông ăn Tết tập đoàn? Lạ nhỉ! Thế ông ở lại chứ? Thế thì tốt quá. Tôi ngại thức đêm một mình, ông ạ, nhất là những thứ đêm loại đêm trừ tịch. Vậy ông đợi tôi một chút.

Tôi xếp va-li. Rất nhanh. Vì cũng chả có gì. Ông xem, một ít sách – vốn liếng để dạy học – và một tập ảnh. Có cả ảnh của thằng em tôi nữa đấy. Độ ấy nó mới mười sáu…

Ông cứ rót rượu ra mà uống. Thỉnh thoảng cũng cần phải say một chút có phải không ông? Nhất là đêm nay. Ông cứ uống đi, mặc tôi.

Chắc ông cũng bằng tuổi thằng Trương, thằng em tôi ấy mà! À… bây giờ nó lấy tên khác. Giờ này chắc nó cũng đang đợi giao thừa ở… ở đâu ông? Một tỉnh nhỏ bên kia biên giới… Ông kín đáo quá. Thảo nào người ta đã chọn ông để xuống tìm tôi. Giờ này, ông có chắc là thằng Trương không buồn? Ông có chắc là nó không nhớ đến tôi? Hai chúng tôi, chỉ còn có hai chúng tôi. Chả nhẽ nó lại vô tình đến thế! Nhưng thôi, cũng chả sao. Ông cứ tin là nó đang vui cùng Đoàn thể. Và ông hãy cho phép tôi tưởng tượng rằng nó nhớ đến tôi… Ông bảo sao? Ông sống bên nó trên sáu năm? Ông với nó cùng chung một tổ tâm giao! Cũng có thể… nhưng cũng chả sao…

Kìa, ông uống đi! Tôi sắp xong… Ông nói gì? À Trương Chi! Tôi không quên đâu. Tôi sẽ xin kể.

Tôi biết rằng ông đang mỉm cười mà cho tôi là hay rắc rối. Ông đang cố xếp tôi vào một cái giai cấp nào đó. Cho nó yên chuyện, cho nó đúng với những điều ông đã học hỏi. Đừng tìm nữa. Tôi là một trí thức tiểu tư sản. Tôi nhận như vậy. Trước mặt ông là người của Đảng Cộng sản, cũng như tôi vẫn nhận như vậy trước mặt mọi người.

Xin lỗi ông… tôi nói hơi to. Thấy ông, tôi nhớ đến thằng Trương. Bức thư của nó, ông đưa cho tôi, tôi đọc đi đọc lại mấy lần… Nhưng… Vâng thế là tạm xong và bây giờ tôi xin bắt đầu câu chuyện.

Ngày xưa

Phía Tây Bắc Thăng Long, miền ruộng hai mùa có đồi thoai thoải, cách đây đã lâu, có gia đình họ Trương mấy đời an cư trên ít mẫu ruộng. Không nghèo mà cũng không giàu, họ Trương lấy sức tay chân mà ra công canh tác, đổ mồ hôi xuống luống cày mà vun đống thóc; cha truyền, con nối, đến đời Trương ông cũng có tới hơn một trăm năm.

Trương ông hiếm hoi, ngoài 50 tuổi mới sinh một đứa con trai đặt tên là Trương Chi. Lão bạng sinh châu, đôi vợ chồng già họ Trương chăm chút đứa con, nâng hứng như trứng như hoa. Đầy tuổi, làm lễ bày đồ chơi để thử tính nết, Trương Chi không chọn cung tên hay sách vở, mà lại sà ngay xuống cái sáo diều dựng ở góc buồng. Cả nhà ai cũng lấy làm lạ.

Lớn lên, lại càng xa lánh sách vở bút nghiên, ngày ngày, quên cả mặc quần mà chạy theo lũ trẻ chăn trâu, nô đùa với bướm, hoặc nằm ngửa nhìn trời, nhịn ăn mà ngắm ánh sao thưa. Năm lên tám, cha mẹ bắt đi học, thì nhìn trước nhìn sau, thoăn thoắt leo ngay lên ngọn cây phong trước ngõ, gọi thế nào cũng không xuống. Sau phải giấu hết sách vở, mới chịu tụt xuống để ăn cơm. Hai vợ chồng già thở dài nhìn nhau cho là vô phúc. Muốn lập nghiêm mắng mỏ thì lại thương con, vả Trương Chi có cái đặc biệt là giọng nói quyến rũ lạ thường, lúc nũng nịu, khi van nài, không một ai nỡ từ chối.

Sau vợ chồng bàn nhau, thu xếp tiền nong, rước hẳn một ông đồ về nhà ngồi dạy. Lần này thì cậu bé không chạy trốn, lại còn chịu khó ngồi nghe. Bẵng đi một dạo, Trương ông và Trương bà đã tưởng yên chuyện, khấp khởi mừng thầm con mình trở nên hiếu học. Bèn mặc cho ông đồ và cậu bé ở nhà mà suốt ngày yên trí ngoài đồng.

Bỗng một hôm, có việc, giữa trưa về nhà, Trương ông giật mình thấy thầy đồ đang cùng Trương Chi lổm ngổm bò quanh buồng học. Nhác thấy Trương ông, ông đồ như tỉnh cơn mê, bẽn lẽn đứng dậy.

Hỏi thì đáp:

“Con cụ lạ lắm”.

Căn vặn thì lúng túng mà thưa:

“Chính nó bảo tôi bò”.

“Thế ra từ hôm thầy đến đây…”

“Chỉ có bò, bò suốt ngày với nó, đêm đến mệt nhoài lại ngủ đẫy giấc. Cứ định thưa chuyện cùng cụ, lại bận việc bò mà quên khuấy”.

“Không cưỡng được sao?”

“Cưỡng cũng không lại. Cứ nó bảo là lại phải bò”.

Nói đoạn, thầy đồ thu xếp khăn gói từ biệt mà đi. Giữ thế nào cũng không chịu ở.

Câu chuyện đó đồn vang. Cả làng ai cũng lấy làm lạ, cho Trương Chi có phép ma, sợ mà không dám gần. Trương Chi đi đến đâu là trẻ con, người lớn xa lánh đến đấy. Cô quạnh bủa vây cậu bé họ Trương. Đôi mắt lắng xuống bề sâu. Nụ cười đượm chiều suy tưởng. Suốt ngày Trương Chi lẩn thẩn ngoài đồng, một mình vui cùng cây cỏ chim muông.

Trương ông và Trương bà cũng thôi thắc mắc, đành lòng là vô phúc, mặc cho con mình lêu lổng.

Cứ như thế, đến năm Trương Chi được mười lăm tuổi thì Trương ông và Trương bà lần lượt qua đời. Người làng động lòng trắc ẩn, xúm nhau lại thu xếp chôn cất.

Công việc xong xuôi, Trương Chi bỏ ruộng mà đi. Cả làng giữ lại không được, đành lắc đầu nhìn theo Trương Chi đi khuất vào phía núi, ánh mặt trời lặn dệt vàng lên mảnh áo nâu.

Cách làng mười dặm, Trương Chi bắt đầu cảm thấy bâng khuâng.

Chàng đứng lại ven đường, cúi đầu ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ đang tiết cuối thu, gió may từng cơn xào xạc. Sương phủ ngập cánh đồng. Chân núi mờ ẩn đằng xa. Chàng nhìn lên trời. Sao từng ngôi lốm đốm, mỗi ngôi là một nỗi cô đơn. Chợt thấy tức nơi ngực. Trương Chi bèn vươn người lên mà hát.

Bài hát đầu tiên trong đời chàng, lời ca ngây thơ như tiếng bập bẹ của trẻ lên ba, ý nhạc ngây thơ như con nai vàng ngơ ngác, như con thỏ non nhảy múa giữa rừng trăng. Nhạc và lời quyện vào nhau mà lẫn lộn với tiếng đêm khuya.

Gió nhẹ thổi để nhịp cùng cung bậc của bài hát, chim muông chợt tỉnh giấc, nghển cổ mong chờ. Càng hát, càng say sưa, chàng thấy như gió thu tự trong lồng ngực. Giọng chàng ngọt và ấm như mật ong rừng.

Sương bắt đầu đọng xuống đầu ngọn cỏ. Con sơn ca bay vụt ra khỏi luồng tre. Phía Đông rạng dần. Giữa đêm khuya của nhạc, Trương Chi van nài ánh sáng. Mặt trời xuất hiện. Yên lặng. Trương Chi xoài mình xuống cỏ bên đường mà ngủ thiếp.

Chàng tỉnh giấc trên một tấm nệm cỏ. Mở mắt ra, thấy có người ngồi bên cạnh. Bèn định thân nhìn kỹ lại thì nhận ra một ông già râu tóc bạc phơ. Thấy như lạ mà lại rất quen, chưa kịp lên tiếng, ông già đã mỉm cười, thủng thẳng:

“Con gọi ta suốt đêm trường. Ta đã đến với con. Âu cũng là cái duyên lạ”.

“Cụ là ai, mà đây là đâu, thưa cụ?”

“Ta là người đi trước và đây là nơi ta ở, xa hẳn cuộc đời dưới núi. Con ở đây với ta”.

Trương Chi cảm động sụp xuống, ôm lấy chân ông già. Ông già đỡ chàng dậy rồi nghiêm giọng mà rằng:

“Trương Chi, ta với con vốn cùng một nghiệp. Ta trả xong nợ cho nên từ lâu, thôi dính dáng đến việc những người dưới núi. Con sẽ phải qua một thời nhập thế. Nhưng con chưa đủ cốt cách để vào đời. Con còn phải học…”

Nghe đến chữ “học”, Trương Chi hốt hoảng nhìn trước nhìn sau. Nhưng ông già đã tiếp:

“Trước kia ta cũng sợ học như con, vì cái học của người dưới núi chỉ vụ vào danh và lợi. Cái học của họ quá ư thấp kém, quá trọng sự nhớ mà không biết đường quên. Con có sợ học cũng là phải.

Trương Chi liền đem chuyện ông đồ ra kể lại. Ông già cả cười mà rằng:

“Con thật xứng đáng là con ta. Cái ngữ “chi, hồ, giả, dã” đó thì biết gì mà dám dạy con? Hắn phục con là phải. Nhưng con có biết tại sao hắn lại nghe con không? Chắc con cũng không hiểu. Đó chỉ vì cái giọng của con. Hắn mê cái giọng của con mà nghe theo con. Vì giọng của con chỉ mới tới bực quyến rũ. Phải tập luyện thì cái khiếu sẵn có của mình mới có cơ nảy nở. Đến lúc đó mới vươn tới bực thứ hai, lời ca có thể xuống lệnh cho loài người. Vượt lên bực nữa thì thông cảm với gỗ, đá… Nhưng cái bực siêu phàm của âm thanh chính là yên lặng hoàn toàn để cho ý nhạc có thể vượt thời gian mà rung cảm cùng kiếp trước, kiếp sau, bỏ không gian mà hòa vào vũ trụ. Ngày xưa, Sư Khoáng chọc mắt cho mù, gẩy đàn mà khiến được gió mưa, thế mà chưa kiềm được thất tình cho nên đến chết vẫn chưa đạt được đích. Con đường học đạo cũng dài. Ta mong con sẽ không nản chí.

Trương Chi sụp lạy vâng lời.

Từ hôm đó, Trương Chi dốc lòng theo học. Ông già ung dung giảng dạy, lời nói như rót vào tai. Chẳng bao lâu, Trương Chi đã thông hiểu cả mọi kinh, mọi sách. Chữ viết như rồng bay phượng múa. Nghĩa sách như ăn hằn vào tâm khảm.

Duy có Kinh Nhạc thì ông già không cho học. Trương Chi lấy làm lạ thì ông già nói:

“Khổng Khưu vì quá thiên về đường nhân sinh xử thế, trong lẽ tề gia trị quốc cho nên rất sợ cái sức vươn mình của người học nhạc. Kinh Nhạc soạn ra cũng chỉ là để giam hãm ý nhạc trong tầm thấp bé trung dung. Con muốn học nhạc để vượt lên tất cả hay chỉ để cầm trịch cho việc tế lễ triều đình?”

Trương Chi nghe nhời mà thôi thắc mắc, lại dốc lòng vào sự học.

Thấm thoắt đã qua ba mùa lá rụng. Một hôm, ông già gọi Trương Chi mà bảo:

“Bây giờ là lúc con phải học quên. Có quên được thì cái nhớ mới có nghĩa. Và có như thế thì mới có thể bắt đầu học nhạc”.

Trương Chi nghe lời, ngồi yên trong động, nhìn vách đá, nhịn ăn trong ba ngày mà thôi nghĩ ngợi.

Tâm người con trai tĩnh tọa được gột rửa lần lần. Như có từng đợt gió xuân thoảng vào trong trí, chữ nghĩa phai dần, tâm thần cũng theo đó mà lâng lâng nhẹ nhõm. Đồng thời văng vẳng bên tai, xao xuyến từng luồng âm nhạc. Trong tịch mịch của đêm thâu, Trương Chi nghe rõ từng tiếng chim, tiếng gió, tiếng lá chạm nhau, từng cánh hoa khép nở, từng thớ gỗ chuyển mình.

Cuối đêm thứ ba, giữa lúc sao Hôm thoi thóp thì Trương Chi đứng dậy. Chàng bước ra khỏi động. Và trong đêm gần tàn, chàng lên tiếng hát.

Tiếng hát cất lên. Giọng chàng dẫn nhạc, vạn vật phụ họa vào lời ca. Trên đỉnh núi, chàng đang nghĩ tới trùng dương: nhạc vội ngân ra như sóng bể, lời chim, tiếng gió dạt dào như từng đợt thủy triều. Chàng mơ trăng: nhạc dịu xuống cung Hồ, lời chim, tiếng gió lung linh như từng miếng trăng vàng long lanh bãi cát. Ý chàng vụt găng lên: nhạc nhọn hoắt như gươm đao, con hổ trắng thôi uống nước, bốn chân bám chặt xuống đất sỏi mà ngửa mặt gào trời…

Chợt Trương Chi quay lại. Ông già đã đứng cạnh chàng. Chàng sụp xuống tạ ơn. Ông già bèn nói:

“Ta đã dạy con ngay trong lúc con quên. Từ nay con có thể tự học một mình. Và bây giờ thì con phải xuống núi. Cuộc sống dưới núi xô bồ, phức tạp, mỗi phút giây là một dịp bất bình. Con đường học đạo còn dài. Từ nay tới đích không phải là ngày một, ngày hai. Còn tùy nơi con…”

Ông già ngừng lời, cảm động. Trương Chi trọng sự yên lặng của ông già mà đứng yên không nói.

Một lát sau, ông già lại nói tiếp:

“Ta vừa dùng ý nhạc để thông cảm với nhịp sống của người dưới núi. Ta tiên đoán con sẽ gặp nhiều trở ngại”.

Trương Chi bèn lạy mà xin ở lại.

Ông già lắc đầu không nghe:

“Con nhất định phải qua một thời nhập thế. Ta chỉ ngại cho con là người dưới núi thường hay võ đoán phân biệt giàu nghèo, quần tam tụ ngũ, nêu cao danh nghĩa cực đoan mà lợi dụng lẫn nhau. Tựu trung thì thật là tương đối, vì cuộc sống dưới núi thấp ngang mặt nước làm sao kết tinh nổi được những điểm cực đoan? Con không khéo xử tất có người lợi dụng lời ca tiếng hát của con. Đến lúc đó, dứt áo ra đi là chuyện khó, còn buông xuôi ở lại thì đầu đứng về phía nào cũng sẽ mất cả bản chất con người. Từ hình hài đến tâm tưởng, từ nếp sống tới tâm hồn, nhất nhất sẽ tan dần ra mây khói…”

“Vậy con phải xử thế ra sao?”

“Con sẽ ca và hát cho riêng những người đồng cảnh với con. Con nhớ thêm một điều nữa. Chính những người đồng cảnh với con mới thuộc số đông vì không giàu mà lại chẳng nghèo, tuy lắm lúc trắng tay mà vẫn mơ theo hạc nội. Thôi, ta nói thế là đủ. Con đi”.

Trương Chi sụp lạy rồi từ biệt ông già mà xuống núi.

Năm ấy chàng vừa mười tám tuổi.

Len lỏi suốt đêm ngày, cầm lòng bằng một ít lương khô, đến ngày thứ ba thì Trương Chi mới xuống tới chân núi. Ngoảnh lại chỉ còn mờ mờ mây trắng, đi một lúc nữa tới bờ một con sông, có chợ, có nhà, người đi, kẻ lại tấp nập. Chàng đứng lặng mà nhìn, quên cả đói. Đến lúc nhớ lại mới tìm vào một quán rượu dựng ven sông. Lúc bấy giờ tiết trời đang mùa hoa đào nở, gió xuân phơi phới, Trương Chi bèn gọi rượu uống. Người chủ quán, vẻ mặt không vui, thưa rằng:

“Tôn ông gọi rượu thì có, nhưng không có đồ nhắm rượu đâu”.

Trương Chi lấy làm lạ mà rằng:

“Thịt bò, thịt trâu không có sao?”

“Dạ hết”.

“Còn cá?”

“Cá cũng không có”.

Trương Chi bực mình lớn tiếng:

“Nhà ngươi muốn trêu ta sao? Quán dựng ven sông sao lại không có cá?”

Người chủ quán bèn thưa:

“Ông là người lạ mới đến nên chưa rõ chuyện. Cách đây một tháng, chỗ này trên chợ, dưới sông, sầm uất lạ thường. Thế mà bây giờ có đánh cá cũng phải đổ xuống sông. Cá đâu mà bán? Thôi ông uống tạm mấy chén rượu suông cho ấm bụng rồi dùng cơm vậy. May nhà còn ít rau, ông đợi tôi bảo nấu bát canh.

Người chủ quán quay vào lấy rượu. Trương Chi tò mò định bụng gợi chuyện nên vừa nâng chén vừa gạn hỏi:

“Câu chuyện đầu đuôi ra sao? Tại sao lại phải đổ cá xuống sông?”

Người chủ quán bèn thở dài mà rằng:

“Lẽ ra tôi cũng chả nói làm gì…”

Trương Chi ngắt ngay lời:

“Ông cứ nói tôi nghe. Nếu may ra Trương này có giúp được một tay, sẽ xin sẵn lòng”.

Người chủ quán lắc đầu mà rằng:

“Ông giúp làm sao được? Số là vùng này có vị trưởng giả họ Trần, vì ông tổ năm đời có công với triều đình mà được phép cha truyền con nối thu thuế cá ở ven sông. Phường chài muốn bán cá tại đây đều phải đóng thuế. Trước kia, đều đặn không có việc gì. Vì thật tình ông trưởng giả cũng không ác tính, miễn là thuế đóng cho đủ. Nhưng cách đây chừng một tháng, bỗng xảy ra một việc rất là khó xử khiến cho mọi việc buôn bán đều phải đình trệ. Phường chài thôi đánh cá, chợ búa tẻ ngắt, quán hàng của tôi vì thế mà trở nên lạnh lẽo”.

Trương Chi đã cạn xong một chén. Nhìn ra sông, trăng thượng tuần mùa xuân chênh chếch, sương tỏa mù trời, lửa chài lốm đốm như hội hoa đăng.

Bèn lại rót thêm chén nữa mà hỏi:

“Thế rồi sao nữa, ông quán?”

Người chủ quán cúi đầu nói tiếp:

“Ông trưởng giả có mỗi một mụn con gái, mặt hoa, da ngọc, tính nết thùy mị, nhưng lại ưa nghe hát. Trong nhà nuôi một ả đào già, thiện tài thanh luật. Cả nhà chiều nó hơn chiều vong. Ả đó tính lại tham lam vô kể thường hay ton hót với trưởng giả mà ăn chặn tiền thuế của các bạn chài. Cách đây một tháng cũng vì một chuyện tiền nong mà ả to tiếng với một bạn chài. Thế rồi, trong cơn tức giận, ả nhảy đại xuống thuyền, định tâm gây ẩu đả. Nhưng vừa lúc đó gió bỗng nổi cơn, thuyền tròng trành, ả không giữ kịp mà lăn xuống nước. Phường chài cuống quít, vây thuyền đốt đuốc mà mò. Sáng hôm sau xác ả giạt vào bờ. Từ hôm đó, tiểu thư họ Trần nhớ tiếng hát mà lâm bệnh. Trưởng giả tức giận mà hạ lệnh cấm phường chài bán cá”.

Trương Chi dằn chén xuống bàn mà rằng:

“Sao lại vô lý thế? Ả có chết là lỗi tại ả. Tại sao lại giận cá mà chém thớt?”

Người chủ quán thở dài mà không trả lời. Yên lặng đìu hiu trong quán rượu. Ven sông thoảng tiếng sóng vỗ bờ. Lúc bấy giờ Trương Chi đã cạn đến chén thứ ba. Tự nhỏ chưa từng uống rượu, men vội bốc lên đầu, gia dĩ câu chuyện gây sự bất bình, họ Trương tự thấy bồn chồn trong dạ, bèn không nghĩ mà rằng:

“Liệu có người hát hay đến thay thế cho ả đào già có được không?”

Chủ quán không tin nhưng cũng đáp:

“Chúng tôi cũng đã để ý kiếm tìm, nhưng đến nay vẫn chưa thấy ai”.

Họ Trương bèn ngoảnh mặt ra sông, vận thần trí, cầm chiếc đũa gõ xuống bàn mà cao tiếng hát.

Lời ca kể lể nỗi hân hoan của một chàng trai sắp bước vào đời. Ý nhạc không còn thanh thoát như bài ca trên núi, mà nồng nàn ý niệm con người, cung bậc thấp cao gợi đến bảy dây tình căng thẳng, âm thanh chen chúc là nỗi bất bình chưa được san phẳng. Âm hưởng vang ra khỏi quán, lan trên mặt sông. Thuyền chài xao động, quán rượu phút chốc đã đầy người.

Bài ca vừa dứt thì người chủ quán đã vùng dậy mà ôm lấy Trương Chi. Phường chài hân hoan nhảy múa tưng bừng. Ông trùm phường lập tức cho người dọn tiệc ăn mừng. Chén chú, chén anh, mặt trời mọc đỏ mặt sông, mà còn có người hò rượu.

Lẽ tất nhiên, họ Trương…

…Ông đừng giật mình. Đó chỉ là tiếng pháo giao thừa. Thế là chúng ta đã bước sang năm mới. Tôi tưởng ông đã làm quen với những tiếng nổ… Tiếng nổ mùng 9 tháng Ba, tiếng nổ 19 tháng Chạp, những tiếng nổ lẻ thanh trừng nội bộ, khủng bố hàng ngũ quốc gia, rồi những tiếng nổ hãi hùng Điện Biên Phủ. Chắc ông có dự trận Điện Biên… cùng với thằng em tôi. Tôi cũng có một anh bạn họa sĩ chết trong trận ấy. À… ông cũng biết. Nhưng chắc ông không được mục kích cái chết đó. À… vâng, đó cũng chỉ là một cái chết. Như trăm ngàn cái chết khác, trong một chiến thuật biển người. Mà cũng phải. Có ai tỉ mỉ để ý đến sự tàn lụi của một mảnh tế bào trên một làn da mịn? Có ai đếm xỉa đến một nét họa tài ba giữa những đợt người?

Tôi hiểu lắm. Nhưng những đêm như đêm nay, bóng tối tràn ngập cả đất trời, thì óc dầu có hiểu mà thâm tâm vẫn còn thắc mắc. Thú thực với ông là vẫn còn những kẽ hở li ti giữa tấm màn lý luận trong tôi. Và đối với tôi thì chính những kẽ hở đó lại là những điểm cốt yếu, lý do của sự hiện hữu của tôi…

Xin ông chai rượu. Còn vừa đủ hai cốc. Chúng ta hãy cùng nâng cốc mà tự chúc cho nhau. Nếu tôi không lầm thì ngay giờ phút này, trong thâm tâm ông, đang manh nha một sự giày vò giữa khi ông nâng cốc. Ông muốn hô to cho sự thành công của Đảng, của giai cấp vô sản mà ông đã đầu hàng. Nhưng ở ngay những kẽ hở li ti mà tôi vừa nói tới, chắc chắn đang lẻn vào những lời nỉ non âu yếm. Tuổi ông mới có 25. Thằng Trương nhà tôi cũng thế. Ông đã yêu ai chưa?

Ông muốn nghe nốt câu chuyện Trương Chi? Tôi kể đến đâu rồi nhỉ? À… đến quãng ly kỳ nhất. Đến cái quãng chàng Trương vì say rượu mà nhận lời vào nhà họ Trần ca hát, làm vui cho một tiểu thư, để cả một phường chài được phép bán cá ven sông. Chắc ông nghĩ ngay đến cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa đôi nam nữ. Cuộc gặp gỡ đó kể ra cũng khá kỳ dị, vì cả hai tuy nghe thấy tiếng mà chẳng thấy người. Ông trưởng giả muốn giữ nghiêm gia pháp nên chỉ cho chàng Trương ngồi hát ở phòng bên. Nhưng họ Trương vừa cất tiếng hát là Mỵ Nương – chính tên của Trần tiểu thư mà tôi quên nhắc tới – Mỵ Nương đã nhận thấy ngay đâu là lẽ sống của mình.

Qua ngày thứ hai, đến ngày thứ ba thì Mỵ Nương nhất định đòi nhìn tận mặt Trương Chi. Ông trưởng giả lấy làm khó nghĩ, bèn cho gọi trùm phường chài vào để cùng bàn luận.

Hai bên trước kia đã đối lập nay bỗng trở nên một cánh đồng minh để đối phó với anh chàng họ Trương tuy không giàu như ông trưởng giả nhưng lại ăn đứt được cả phường chài về tài ca hát. Rốt cuộc cả hai đồng ý, một mặt cho người phao ngôn Trương Chi mang bệnh phong ăn loét cả mặt, một mặt bắt Trương Chi che mặt những khi ca hát cho Mỵ Nương. Mỵ Nương tuy ghê tởm nhưng vì mê lời ca mà vẫn muốn gần.

Nhưng qua làn vải, hình ảnh người thiếu nữ họ Trần đã làm rung động đến tận cùng tâm hồn của chàng tuổi trẻ.

Trương Chi bắt đầu yêu.

Trương Chi bắt đầu yêu. Nhưng vì mới biết yêu, gia dĩ sóng tình dào dạt nên nơi đầu mày cuối mắt lộ rõ nỗi lòng, bạn chài chung quanh thảy đều biết cả. Nhận thấy mối nguy, phường chài bèn lén họp một đêm ở giữa dòng sông mà bàn chuyện đối phó.

Lúc đầu xốc nổi, có người bàn nên đuổi phắt chàng Trương ra khỏi vùng. Có kẻ lại nghĩ đến chuyện thủ tiêu, cho rằng trục xuất vẫn là hạ sách, vì chàng Trương vẫn còn chân để quay lại nơi đây. Sau có người điềm tĩnh đặt sát vấn đề: lấy ai thay thế chàng Trương?

Buổi họp gần tàn, trùm phường đứng lên kết luận:

“Đuổi hay thủ tiêu cũng vậy, chúng ta vẫn thiếu chàng Trương. Mà hiện giờ tiếng hát của chàng lại cần cho việc sinh kế của chúng ta. Vậy xin giữ chàng ở lại nhưng phải canh phòng cẩn mật, không được cho tiểu thư thấy mặt của chàng. Muốn như vậy, phải thuyết phục cùng Trương từ nay suốt ngày phải che kín mặt”.

“Nhưng nếu chàng không nghe?”

“Tôi tin là chàng sẽ nghe. Và tôi xin lãnh phần nói chuyện với chàng.

Ông có hiểu anh trùm phường đã nói gì với Trương Chi không? Tôi chắc ông cũng thừa hiểu. Đã hơn một lần, tôi chắc những người như ông đã được nghe những lời tương tự. Có phải bắt đầu thì bao giờ cũng là những danh từ quyến rũ: Cách mạng, Lực lượng đang lên… Ông là cái chất ma túy của những danh từ! Và trong cơn mê đắm của tuổi hai mươi, ông đã vội vàng không thèm nghĩ mà nhận ngay cái vai trò đẹp nhất trong một tấn kịch mới mở màn đầu. Một với hiệp sĩ phong lưu sảng khoái, cả đời chỉ chuyên vào việc cứu khốn phò nguy. Trong mỗi con người, nhất là chúng ta, bao giờ mà chả tiềm tàng một Don Quichotte? Chúng ta đã lên yên. Chúng ta lại có thêm một ngọn giáo. Làm gì mà chúng ta chả lăn xả vào một cái cối xay! Nếu chỉ có thế cũng không sao. Nhưng ngọn giáo đã lao đi, chúng ta lại bị cái đà lý luận của họ, mà lao theo ngọn giáo. Thế rồi, dần dà, từng bước, từng chặng đường, qua từng giai đoạn, chúng ta cứ theo đà mà dấn bước, từ cuộc phiêu lưu này tới cuộc phiêu lưu khác… Một hôm, chợt thấy quãng đường còn dài mà chân đã mỏi, nhưng dừng bước là lùi, chúng ta vội vàng trút nốt cái phần nhân tính để lại ven đường, hòng lẽo đẽo chạy theo cho kịp những người đi trước. Từ địa vị một chàng hiệp sĩ phong lưu, chúng ta trở nên một con sĩ tốt, cúi đầu chịu lệnh một vị tướng vô hình. Hỡi ơi!

Và, hỡi ơi! Anh Trương Chi của chúng ta cũng vì thế một phần mà nghe lời trùm phường. Tất nhiên cái thế của anh cũng có phần khác biệt. Vì mối tình đối với Mỵ Nương. Vì việc mưu sinh của cả phường chài. Đó là cái thế trên đe dưới búa, cái thế mắc kẹt giữa trưởng giả và phường chài.

Cũng vì lẽ đó mà anh chịu suốt ngày che mặt. Ai cũng cho là mắc bệnh phong, thảy đều lảng tránh.

Từ độ ấy, cuộc đời của chàng thâu gồm vào những giờ gặp mặt Mỵ Nương. Vì chỉ có những lúc ấy là chàng sống hoàn toàn, niềm vui lên đến tột bực, mà đau đớn cũng tới mức ê chề. Có buổi chàng định vứt phăng miếng vải che mặt và nói to sự thật, nhưng vừa định giơ tay lại nhớ đến lời hứa của mình đối với phường chài, mà phải dằn lòng ngồi lại. Nhưng cũng có những phút cảm thông, cất cao lời ca mà thoáng thấy long lanh ngấn lệ nơi con mắt người thiếu nữ thì sóng tình lai láng, tưởng như muốn phá vỡ con tim mà tràn khỏi lồng ngực…

Bỗng một hôm chàng cảm thấy khang khác trong người. Và ngày hôm sau thì cất tiếng ca, thì chàng nhận ra là tuy giọng hát vẫn giữ nguyên giọng cũ như tình của lời và ý của nhạc đã thấy đổi thay.

Ý nhạc không còn vươn tới cái mênh mông thăm thẳm của tâm giới mà chỉ còn vất vưởng trong đám lửa chài, lời ca cũng trở nên nghèo nàn, thiếu hẳn màu thanh thoát.

Lúc trở về nhà, thấy những khớp xương như to ra, dáng đi mất phần nhanh nhẹn, cử chỉ trở nên thô kệch, mặt mũi nhức buốt tưởng chừng như bàn tay sắt bóp nát vò tan. Bèn giấu cả mọi người, tìm một lùm cây bên bãi úp mặt mà nằm.

Cứ như thế, đau đớn suốt đêm, đến sáng bỗng nhiên khỏi hẳn. Bèn bò ra quãng sông vắng mà soi mặt xuống nước. Mặt nước dâng lên một khuôn mặt cục cằn, trán thấp, mắt lác, mũi tẹt, răng hô…

Trương Chi ôm mặt mà khóc.

Càng khóc giọng càng khan đặc.

Cho đến khi hết nước mắt đứng dậy thì Trương Chi đã hoàn toàn lột xác. Chàng đã mất tất cả: từ hình hài đến tâm tưởng, từ nếp sống đến lời ca, tiếng hát, để trở nên một gã thuyền chài, vạm vỡ, thô kệch, tưởng như suốt đời chỉ biết có việc đánh cá bên sông.

Gã thuyền chài – Trương Chi đứng tần ngần một lúc, lấy chân đá nghịch vào một đống lông gà, rồi đi khuất vào đám đông.

Từ độ ấy, không còn nghe ai hỏi tới Trương Chi.

Duy những đêm thanh vắng, phường chài đi đánh cá khuya thường trông thấy ẩn hiện một chiếc thuyền câu lướt nhanh trên mặt sông mà xuôi về phía nhà trưởng giả. Thỉnh thoảng lại nghe như có tiếng hát, âm hưởng loang trong sương khuya, từng đợt gió trở nhẹ sang ngang những lời thì thầm của nhạc.

Vào những đêm đó, Mỵ Nương thường thức trắng đêm.

Thế là hết câu chuyện Trương Chi của tôi. Và bây giờ thì chắc ông cũng hiểu tại sao tôi lại không quay về Hà Nội. Cuộc đời Trương Chi có ngang trái, chỉ vì họ Trương chưa tìm được người đồng cảnh. Tôi may mắn hơn anh ta. Vì tôi đã gặp những người đồng cảnh.

Sáng rồi. Chúng ta có thể từ giã nhau, như những nhân vật chính của một tấn kịch ba màn có hậu. Ông về Hà Nội. Còn tôi, tôi phải lên đường. Ông đã giữ phần chủ động trong suốt màn hai. Giờ đây màn ba khai diễn. Màn ba là của tôi, của chúng tôi.

Xin chào ông. Tôi cũng trả lời thằng em tôi nữa.

1955

Nguồn: Thần tháp rùa. Tập truyện của Vũ Khắc Khoan. Bìa của Duy Thanh. Nguyễn Đình Vượng tái bản lần thứ 2, in xong ngày 15-3-1973, ngoài những bản thường còn có 30 bản giấy trắng và 5 bản đặc biệt in trên giấy bạch vân thượng hạng dành riêng cho tác giả và nhà xuất bản. G.p. số 4503/BTT/PHNT, 27-11-1973. Tác giả giữ bản quyền. Bản điện tử do talawas thực hiện.

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12299&rb=11