Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Ở VÀO TUỔI CỔ LAI HY

Gordon Thúy M. (TM)

Sông vàng Potomac. Ảnh: HM

Sông vàng Potomac. Ảnh: HM

Nhân ngày Quốc tế Người Cao tuổi, HM Blog kính chúc các vị cao niên – độc giả của blog sức khỏe, bình an và có nhiều đóng góp tiếp tục cho xã hội. Xin giới thiệu bài viết của chị Gordon Thúy (TM) về người cao tuổi bên Mỹ. Cảm ơn chị TM.

Ông bà ta ngày xưa quí tuổi thọ, sống được đến tuổi năm mươi là đã ăn mừng ngũ tuần, vì nhân sinh thất thập cổ lai hy, chẳng mấy người sống đến tuổi 70. Ngày xưa ông nội tôi mất năm 50 tuổi, và bố tôi qua đời năm 48 tuổi vì vướng bệnh ung thư. Ngày nay con người sống khoẻ sống vui, đến 50 tuổi vẫn còn lả lướt trên sàn nhảy, cặp bồ nhí, đánh tennis, trèo núi, du lịch ba lô, v.v. Sống đến thất thập không còn là chuyện cổ lai hy nữa. Và số người thọ đến 80, 90 cũng không còn là hiện tượng hiếm quí.

Thế nhưng, được giời cho đến từng ấy tuổi thọ là một điều đáng quí hay đáng buồn nhỉ?

Hằng năm công ty của tôi đóng cửa môt tuần giữa lễ Giáng Sinh và Tết Tây để toàn thể nhân viên có dịp sum vầy ăn lễ với gia đình và nghỉ ngơi thoải mái. Nếu chỉ một mình mình xin nghỉ trong khi người khác vẫn làm việc, thì có ở nhà vẫn cứ áy na áy náy, ngày ba bốn bận bắt máy vào sở xem có việc gì cần giải quyết hay không. Năm 2008 tôi đưa gia đình xuống vùng biển Florida ấm áp, năm 2009 thì kéo nhau lên miền bắc hưởng Giáng sinh rực rỡ tưng bừng của thành phố New York, còn năm 2010 này chợt hứng chỉ muốn hưởng một tuần lễ không vội vả với gia đình ở nhà.

Bất chợt một bác sĩ từ bệnh viện Kaiser ở thành phố Santa Rosa, California, gọi sang cho biết John Long, bạn cố cựu của ông xã tôi ngày xưa, bị té ngã ở nhà nên phải nhập viện. Hiện John đã chuyển ra ở tạm nhà an dưỡng để phục hồi, nhưng chắc không thể về nhà sống an toàn như xưa được nữa. Nhân viên làm hồ sơ nhập viện hỏi bác John có ai là người thân thích nhất thì John bảo có, có vợ của Gordon M., tức là tôi. Ông xã tôi và bác John là bạn chí thiết đã mấy chục năm cho đến ngày ông xã tôi qua đời cách đây 2 năm. Bác John năm nay đã 92 tuổi, góa vợ từ 24 năm nay, không có con cái, chỉ sống một mình trong căn nhà xưa với con chó cưng Arabella, và những năm gần đây có thêm Tony ở cùng nhà. Tony được ở miễn phí không phải trả tiền nhà, đồng thời bác John có người ra vô mỗi ngày để mắt đến cho, giúp chợ búa nấu ăn vặt vảnh, lau dọn, giặt giũ, đưa đi bác sĩ, v.v. Lần trước John té ngã trong nhà cũng có Tony gọi xe cứu thương đưa vào bệnh viện, và lần này cũng vậy.

Tôi gọi vào nhà an dưỡng thăm bác John mỗi ngày, và luôn chấm dứt cú phone bằng một câu hỏi: “Này bác John ơi, có chuyện gì tôi làm giúp bác được không?” John luôn có câu trả lời duy nhất: “Không Thúy ạ, đừng bận tâm làm gì.” Nghĩ đi nghĩ lại, thấy mình có một tuần phép ở nhà không phải làm gì, mà cứ ngồi bên miền Đông áy náy lo cho người bên miền Tây thật không yên tâm chút nào. Tôi lại gọi sang năn nỉ John rằng tôi được nghỉ phép, cho phép tôi bay qua thăm nhé. John ngần ngừ rồi bảo: “Ừ, thế thì Thúy qua đi!” Thế là tôi tức tốc mua vé bay gấp sang California.

Bác John sống trong căn nhà của mình từ ngày về hưu cũng phải hơn 30 năm nay. Căn nhà chắc chắn, trong một khu trung lưu yên tĩnh, nhưng không được chăm sóc tân trang nên theo thời gian trở nên cũ kỹ bệ rạc . Nước sơn bên ngoài trốc từng mảng lổ chổ. Thảm trong nhà phai bạt màu nguyên thủy và đóng khắn bụi bậm nên không còn biết là màu gì, bàn ghế bằng gỗ quí mang từ Trung quốc về đóng một lớp bụi trắng, sờ tay vào đâu là để lại dấu tay đến đó. Bộ salon cũ mốc phủ đầy lông chó. Biết thế nên mỗi lần đến thăm bác John tôi luôn mặc quần jeans. Mặc quần tây đen ngồi xuống salon là quần của mình sẽ bám đầy lông phủi mãi không hết.

Những năm gần đây sức khoẻ bác John suy sụp dần theo thời gian, nhưng ông chỉ nói vắn tắt: “Tôi ngày càng chậm dần.” Người Mỹ sống rất độc lập riêng tư, không than thở hay chia sẻ với ba làng bảy tổng như người Việt mình. Lần nào ghé đến tôi cũng hỏi chuyện riêng với Tony, thì được Tony cho biết John suy yếu thể lực nhưng tinh thần rất minh mẫn và tự quyết định mọi việc cho mình không cho ai can thiệp vào. Tony không dám đi nhiều vào chi tiết vì sợ oai bác John. Trời ơi, đáng lẽ tôi phải phải lợi dụng tình bạn thân giữa ông xã tôi và John ngày xưa để xin phép sắp xếp nhiều việc cho John.

Chiều tà. Ảnh: HM

Chiều tà. Ảnh: HM

Lần này tôi mới biết được bác John bị tiểu đường nhưng không để ý tố chức ăn uống cho đúng phép, đã mấy năm không còn tự tắm rửa được nữa, chỉ dùng éponge thấm nước lau mình mà thôi, tay chân ngày càng run rẩy viết chữ Tony đọc không ra, v.v. Bác John cứ thế thui thủi tự sống một cách khắc kỷ theo khuôn mẫu ngày xưa, việc gì không làm được nữa thi âm thấm buông thả hay tính cách khác, không muốn thuê người hầu hạ tốn kém, và không biết cách tìm hiểu, hay không muốn gọi sở xã hội xem chính phủ có những dịch vụ chăm sóc người già nào có thể đỡ chân đỡ tay cho mình.

Thứ hai, 27 tháng 12, 2010

Sáng ngày bước vào nhà an dưỡng tôi gặp bác John ngồi trên xe lăn, vẻ mặt cau có không được vui. “Dịch vụ ở đây có ra gì đâu!”, John bảo với tôi. Vẫn bản tính cố hữu của ông, lúc nào cũng nghiêm nghị, khó tính, ít khi khen ngợi tán thưởng ai. “Đúng rồi, ở đây đâu phải là nhà, bao giờ về nhà lại thì bác mới vui hơn bác John nhỉ?” John gật đầu trong im lặng. Từ ngày lập gia đình với ông xã tôi cách đây 20 năm, tôi thường đưa Gordon lên thăm John, rồi mặc cho hai người bạn cố tri hàn huyên tâm sự, tôi ghé lại thăm bà dì cũng ở Santa Rosa rủ dì đi shopping. Gordon có lần kể lại rằng John hứa sẽ giúp lo cho cho con gái Cassandra của chúng tôi, nhưng nhưng thời sinh tiền của Gordon chưa bao giờ John nói chuyện ấy trực tiếp với tôi. Sau này công việc chuyển gia đình tôi sang tận Maryland sinh sống, rồi Gordon qua đời cách đây hai năm. Từ đó mỗi bận về Cali công tác hay đưa Cassandra về nghỉ hè tôi đều đưa cháu lên Santa Rosa thăm bác John. Lần nào John cũng tỏ vẻ cảm động, hỏi han chuyện học hành của cháu, nhưng rất ít nói về mình.

Lần này hình như John đã quyết định khi gặp mặt tôi sẽ hé mở thế giới khép kín của ông cho phép tôi bước vào. Từ từ vào câu chuyện, với giọng nói vẫn rõ ràng mạch lạc nhưng hay bị ngắt quãng vì đứt hơi (giờ thì John thở khó khăn nên phải đeo bình oxy), John chỉ cho tôi biết cặn kẽ rằng về nhà ông, vào văn phòng, nhìn vào bên trái bàn viết, ở phía dưới có một tủ kê nhỏ thường dùng làm tủ kê TV, trên đó có hai hộp sắt hồ sơ đựng giấy tờ cần thiết. Rằng trong ngăn kéo bên phải trên cùng của bàn viết, kéo ngăn kéo ra đến tận cùng, sẽ thấy một hộp sắt nhỏ trong đó có có một nghìn đồng tiền mặt ông để sẵn phòng khi hữu sự, chìa khóa của safe deposit box tại ngân hàng, và ba hợp đồng bảo hiểm nhân thọ để đi lãnh tiền khi ông qua đời. Rằng trong computer của ông có một danh sách các bộ tem quí ông sưu tập mấy chục năm nay, rằng trên bàn viết ông có một xấp tạp chí sưu tập tem, bảo tôi cầm một cuốn mang vào nhà an dưỡng ông sẽ chỉ cho tên những nhà buôn tem để gọi họ đến khảo giá, và phải buộc họ mua lại toàn bộ sưu tập chứ không được mua lẻ tẻ, v.v.. John bảo tôi lục ra các giấy tờ quan trọng để hành xử và mời luật sư đến làm giấy ủy quyền cho tôi lo mọi chuyện cho ông.

Bước vào văn phòng bác John tôi tìm được mọi vật đúng tại từng nơi John đã chỉ. Thật là phục tính ngăn nắp trật tự của bác, trong khi chính mình thì giấy má vất lung tung, mỗi lần cần gì là cứ hốt hoảng quính quáng cả lên. Trong hộp thứ nhất, các tờ báo cáo tài chính hằng tháng tại ngân hàng và các tài khoản đầu tư được sắp xếp trong từng bìa hồ sơ riêng, ghi nhãn rõ ràng từng chương mục. Nhưng tại sao các tờ báo cáo này ngừng lại từ khoảng tháng 8, tháng 9 năm 2009 nhỉ? Có ai gian lận tước đoạt hết tài sản của John rồi chăng? Nhìn lại trên bàn viết tôi thấy nhiều xấp giấy khác ghim lại gọn gàng trên bàn theo từng tên chương mục. Đó là những báo cáo gần đây trong năm 2010. Tôi nghiệm ra rằng từ cuối năm 2009 John không còn đủ sức cúi xuống gầm bàn bê hai hộp sắt ra để xếp tài liệu vào được nữa. Nhìn qua các báo cáo phải nói là John có của ăn của để, thế mà cứ sống kiêng khem chẳng chịu tiêu cho mình.

Trong hộp sắt thứ hai có những tờ di chúc John lập ra và thay đổi theo thời gian. Những bản di chúc này, từ những trang giấy đánh máy ngày xưa chữ mờ chữ tỏ, vàng vọt theo năm tháng, đến những bản mới gần đây trắng tinh tươm, in gọn gàng từ máy điện tính, là cả một thiên tình sử của John. Đây không phải là những mối tình giữa nam và nữ, mà là giữa John với những người ông yêu mến trên đời.

Di chúc đầu tiên John lập ra năm 1987 sau khi vợ mất, tuyên bố để tất cả tài sản lại cho bà mẹ già nếu ông ra đi trước mẹ.

Di chúc thứ hai được thay đổi năm 1993 sau khi mẹ qua đời, John để tài sản lại cho con trai của bạn mình là Kris, tức là con trai đầu của ông xã tôi với bà vợ trước, chỉ thị rõ để Kris dùng tiền học đại học cho hết bậc cử nhân và bậc cao học.

Di chúc thứ ba lập năm 1995, một năm sau khi Gordon và tôi có được cháu Cassandra. Lần này ông để 25% tài sản cho Kris, 50% cho Cassandra học đại học, và 25% cho bà bạn Sally đã thân thiết với ông bao năm nay.

Di chúc cuối cùng ông thay đổi năm 2007, khi Kris đã có nghề nghiệp vững chải trong giới kinh doanh, để 5 nghìn đồng cho Tony đang ở cùng nhà, còn lại chia 10% cho Kris, 60% cho Cassandra, và 30% cho Sally. John lại để thêm chi tiết nếu Kris qua đời mà không có người thừa kế thì phần Kris sẽ cống hiến cho quỹ từ thiện. Nếu Sally qua đời thì phần của Sally sẽ để lại cho Cassandra. Và tiền ông để lại cho Cassandra chỉ được dùng trang trải việc học hành chứ không được dùng để tiêu xài phóng túng.

Chiều tà Tonle Sap

Chiều tà Tonle Sap

Những lần thay đổi di chúc John cũng cập nhật hoá tên người được ông ủy quyền để xử lý tài sản cho ông. Đầu tiên là ông bạn Lee và bà Sally, đến khi Lee qua đời thì đổi sang ông xã tôi là Gordon và Sally, rồi khi ông xã tôi bị đột quỵ thì thay thế tên Kris vào. Càng sống lâu trên đời John càng mất đi những bè bạn thân thiết quanh mình.

Ngày xưa John và ông xã tôi tuy cách xa Đông Tây đôi bờ nhưng vẫn thường xuyên thăm viếng nhau qua điện thoại. Sau ngày Gordon qua đời chỉ còn John và Sally hằng ngày gọi vấn an nhau. Rồi ít lâu sau Sally được con đưa về tiểu bang Colorado vào nhà già vì có một lần Sally té ngã trong nhà tại Santa Rosa, con trai bà phải bay từ tiểu bang Colorodo về Cali chăm sóc, nên không an tâm để cho mẹ ở nhà một mình tại Cali nữa. Lần này sang đây tôi được tin Sally cũng vừa qua đời tháng 11 vừa qua. Nhân sinh thất thập cổ lai hy. Người cao tuổi hiếm lắm, quí lắm, thế nhưng người thân lần lượt ra đi rồi, chỉ còn mình già yếu trơ trọi trên đời, thì đó là cái phúc hay là cái hoạ nhỉ?

Thứ ba, 28 tháng 12, 2010

Tôi đi tìm hiểu một vài nơi nuôi người già. Có những nơi nhận nuôi 4, 5 người trong một căn hộ bình thường, mỗi người có phòng riêng, hay hai người ở chung một phòng tùy giá tiền mình có thể trả. Hằng ngày người ta nấu ăn cho ba bữa, giúp mình thức dậy vệ sinh tắm rửa thay quần áo, đến giờ lấy thuốc cho uống, cần đi bác sĩ hay công chuyện người ta sẽ đưa đi tính thêm tiền. Có nơi nhận cả chó mèo của mình, vì người ta biết đối với người già thì con vật họ nuôi nấng gần gũi rất quan trọng cho sức khoẻ và tinh thần của họ. Tôi cũng phỏng vấn một dịch vụ cho người đến nhà riêng săn sóc dọn dẹp cho mình, tốn kém hơn nhiều, nhưng sẽ giúp bác John vui hơn vì được về lại khung cảnh quen thuộc ở nhà. John được tôi bàn qua các chọn lựa khác nhau nhưng ông không quan tâm lắm. Ông bảo:

“Tùy Thúy thôi, tính sao cũng được, tôi chỉ không muốn tiêu hết tiền của cháu Casandra.”

“Giời ơi, bác John ơi, tiền nào của Cassandra? Tiền của bác cả đấy chứ! Phải lo cho bác được chăm sóc đàng hoàng tử tế, đến khi bác qua đời còn được bao nhiêu thì cháu nó hưởng, không còn thì thôi, sao bác lại nói thế?”

“Dào! Tôi gần đất xa Trời, chẳng cần gì nữa đâu. Tôi chỉ muốn Thúy tìm hộ nơi nào nhận nuôi dùm con Arabella, nếu không ai nhận thì đưa nó vào thú y chích thuốc giải thoát cho nó đi, đừng để nó phải lang thang ngoài đường lục lọi thùng rác tội nghiệp.”

“Không sao đâu bác John ạ, nếu không tìm được cách nào để con Arabella tiếp tục ở với bác thì Tony nhận sẽ nuôi nấng nó tử tế, bác đừng lo. Thôi thì để tôi tính cho bác nhé, nhưng từ giờ trở đi đừng sốt ruột khi thấy tiền trong nhà băng ngày càng hao hụt đi đấy nhé!”

“OK!”

Thứ tư, 29 tháng 12, 2010

Sáng ngày tôi hí hửng trở lại nhà an dưỡng để kết thúc mọi sắp xếp cho John. Thấy tôi nhân viên làm việc hốt hoảng báo tin rằng đêm qua ông bị giảm lượng oxy đột ngột nên đã đưa trở vào nhà thương. Tôi tất tả chạy vào bệnh viện Kaiser. John nằm trên giường đeo bao ống lủng lẳng, vẻ mặt vẫn cau có như thường ngày. “Chẳng biết chuyện gì đây! Cứ ra vô nhà thương xoành xoạch!” Bác ăn được nửa cái sandwich tôi đút và uống hết cốc sữa, giọng nói vẫn rổn rảng bình thường, hỏi tôi có tìm được đủ mọi giấy tờ cần thiết không, có cần gì nữa không, cần gì thì tiến hành đi nhé đừng chần chờ. Yên tâm, tôi chạy ra ngoài gọi điện thoại xa gần tính tiếp công chuyện. Ba giờ chiều trở vào thì thấy quay màn quanh giường bác, cửa khép lại, vài ba nhân viên bệnh viện đang bận rộn lăng xăng bên trong.

“Chuyện gì xảy ra với John vậy? Tôi vào có được không?”

Chiều buông DC. Ảnh: HM

Chiều buông DC. Ảnh: HM

Lượng oxy lại xuống thấp nữa, và lần này dùng máy trợ hô hấp vẫn không giúp John mang đủ oxy vào phổi. Y tá cho biết đã đến lúc rồi, chẳng còn bao nhiêu thời gian. Tôi gọi về nhà bảo Tony vô ngay, rồi nhẹ nhàng kéo ghế ngồi lại bên giường John, nắm lấy bàn tay vẫn còn ấm áp của ông, mắt nhìn theo máy đo oxy cứ hạ thấp dần, miệng nói thầm với John: “Nếu đã đến lúc ra đi thì cứ ra đi nhẹ nhàng êm ái bác John nhé! Sang bên ấy gặp lại Gordon và Sally!”

Tôi nắm chặt tay ông cho đến khi ông trút hơi thở cuối cùng. Tôi thấy mình vinh hạnh được ở gần bên John vào giờ phút cuối của đời bác. Bác sống cô đơn khắc kỷ bao năm trời nhưng lòng lúc nào cũng hướng đến lo lắng cho mọi người quanh mình. Nay bác ra đi cũng được có tôi và Tony bên cạnh. Chắc là Gordon đã xui khiến cho tôi mua vé bay sang đây, và John quyết định ra đi một ngày trước khi tôi trở về lại Maryland để tôi có đủ thì giờ lo chung sự cho ông.

Nhân sinh thất thập cổ lai hy! Mục đích sống trên đời là gì nhỉ? Cố gắng vươn lên, sống sao cho thành đạt lẫy lừng? Sống cho hạnh phúc nhỏ và bình yên tâm hồn, mặc cuộc đời bon chen giành dựt? Hay sống bằng cách quên mình đi mà nghĩ đến người khác để cuộc đời mình có ý nghĩa hơn?

Các bạn U60 của tôi ơi! Mình nên sống như thế nào cho đến tuổi cổ lai hy đây?

Nguồn: http://hieuminh.org/2014/09/30/gordon-thuy-o-vao-tuoi-co-lai-hy/