Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

Ý tưởng về tính riêng tư của Virginia Woolf

Joshua Rothman

Duy Đoàn chuyển ngữ

Những ngày này, khi ta dùng từ “tính riêng tư”, thì nó thường mang nghĩa chính trị. Chúng ta quan tâm đến người khác và cách họ có thể ảnh hưởng đến mình. Ta nghĩ về cách họ có thể dùng thông tin về chúng ta cho mục đích của riêng họ, hoặc can thiệp vào những quyết định mà đúng ra là của ta. Ta để tâm đến những dòng ngăn cách đời sống công cộng với đời sống riêng tư. Chúng ta có cái mà bạn có thể gọi là cảm thức về tính riêng tư của một công dân.

Đó là một cách nghĩ quan trọng về tính riêng tư, hiển nhiên rồi. Nhưng còn có những cách khác. Một trong số đó đã được bày tỏ vô cùng ấn tượng ở tác phẩm “Mrs. Dalloway”, trong một cảnh nổi tiếng ở đầu sách. Đó là một cảnh hồi tưởng, từ lúc mà Clarissa [Dalloway] còn là một thiếu nữ. Đêm nọ, cô nàng ra ngoài đi dạo với một số người bạn: hai cậu trai phiền hà, Peter Walsh và Joseph Breitkopf, và một cô gái, Sally Seton. Sally hấp dẫn, thông minh, có kiểu Bohemia – sở hữu “một dạng phóng túng, như thể cô nàng có thể nói bất kì điều gì, làm bất kì điều gì.” Hai cậu trai đi ở phía trước, lạc mình trong cuộc chuyện trò tẻ nhạt về Wagner, trong khi hai cô gái bị bỏ lại đằng sau. “Đoạn, xuất hiện cái thời khắc tuyệt diệu nhất trong cả đời nàng khi đi ngang qua một cái bình bằng đá với những bông hoa ở trong.” Sally cầm lên một đoá hoa từ cái bình và hôn lên môi Clarissa:

“Cả cõi sống này như thể lộn ngược xuống vậy! Những người kia biến mất, nơi đây nàng một mình cùng với Sally. Và nàng cảm thấy rằng mình đã được trao một món quà, được gói ghém lại, và được bảo là hãy giữ nó, chứ đừng nhìn vào nó – một viên kim cương, một thứ chi đó quý giá vô ngần, được gói ghém lại, cái mà, khi họ đi bộ (đi lên đi xuống, đi lên đi xuống), nàng khám phá ra, hoặc cái mà ánh hào quang tỏa khắp, sự mạc khải, cảm giác tín ngưỡng đó!”

Woolf thường hình dung cuộc sống theo cách này: như một món quà mà bạn được trao cho, cái mà bạn phải giữ cho mình và trân trọng nó nhưng không bao giờ mở ra. Việc mở nó ra sẽ xua đi cái không khí đó, sẽ làm tiêu tan ánh hào quang kia – và ánh hào quang của cuộc đời là thứ khiến đời này đáng sống. Thật khó để nói việc giữ lấy cuộc sống mà không nhìn vào nó có thể mang ý nghĩa chi; đó là một trong những câu đố của những tác phẩm của bà. Nhưng nó có liên quan chi đó tới bí ẩn của việc gìn giữ cuộc sống; tới việc để lại những thứ không được mô tả, không được chỉ rõ, và không được biết đến; tới những cảm xúc tận hưởng nhất định, chẳng hạn như tính tò mò, ngạc nhiên, ham muốn, và tính đề phòng. Nó phụ thuộc vào cảm thức càng lúc càng lớn về sự quý giá và mỏng manh của cuộc sống, và phụ thuộc vào quan niệm kiểu Heisenberg rằng, khi phải dùng tới những trực giác trừu tượng nhất và thuộc về tinh thần nhiều nhất của chúng ta, thì việc nhìn quá sát sao sẽ làm thay đổi những điều ta cảm nhận. Nói cách khác, nó liên quan đến một dạng riêng tư nội tại, mà nhờ đó bạn che chở bản thân mình không chỉ tránh khỏi những cặp mắt xoi mói của người khác, mà còn tránh khỏi chính mình nữa. Hãy gọi nó là cảm thức riêng tư của một nghệ sĩ.

Nhiều người chấp nhận ý tưởng rằng mỗi người chúng ta có một tính nội tại kiên định nào đó – cái cốt lõi của tính vị kỉ mà chúng ta không thể san sẻ với người khác. (Levin, ở cuối tác phẩm “Anna Karenina” đã gọi nó là “điều thiêng liêng của những điều thiêng liêng”, và nói rằng, bất kể anh ta trở nên gần gũi với mọi người xung quanh ra sao, thì luôn có “cái bức tường tương tự giữa điều thiêng liêng của những điều thiêng liêng nơi tâm hồn tôi với người khác, ngay cả với vợ tôi.”) Điều làm cho Woolf lưu tâm là cách mà chúng ta trở nên có ý thức về tính nội tại đó. Chúng ta bắt đầu biết nó rõ nhất, bà nghĩ, khi chúng ta bị buộc, ở những thời điểm tiếp xúc, phải che chở nó chống lại thế giới bên ngoài.

Có thể có thứ gì đó thú vị, thậm chí có tính mạc khải về cảm giác tự che chở đó, vốn là lí do tại sao chúng ta tìm đến những hoàn cảnh mà tại đó ta có thể cảm nhận được sâu sắc sự tương phản giữa thế giới bên ngoài và cái tôi nội tại của ta. Woolf hứng thú trước đời sống đô thị – trước cảm giác cô-độc-được-trưng-ra mà cái vỉa hè cổ vũ, và trước cái cách mà “đường phố gây ám ảnh” (street haunting), như bà gọi, cho phép bạn mất đi và rồi tìm lại được bản thân trong cái nhịp điệu của sự mới mẻ và quen thuộc của chốn nội ô. Bà bị cuốn hút vào hình tượng người nữ chủ nhà: một phụ nữ để-được-nhìn-vào, đứng trên đầu cầu thang, thân thiện với mọi người, người càng lúc càng trở nên bí ẩn với sự hiện diện của mình. (Một trong những niềm vui thú của việc tổ chức tiệc tùng, Woolf cho thấy, là nó cho phép bạn làm bản thân kinh ngạc: vây quanh là những người bạn, trung tâm của sự chú ý, bạn cảm thấy mình tách biệt với cái thế giới xã hội mà bạn đã tụ họp lại.) Bà cho thấy làm thế nào mà cha mẹ, bạn bè, những tình nhân, và vợ chồng lại có thể bí ẩn hơn qua thời gian, chứ không bớt đi sự bí ẩn đó – có một cốt lõi ở chuyện làm người của họ và nó chưa bao giờ từ bỏ chính mình. Dẫu cho họ trưng cuộc đời mình ra, bà nghĩ, thì những nghệ sĩ vẫn nảy nở được khi họ duy trì được thành luỹ cuối cùng của sự riêng tư – một nguồn suối vốn vẫn còn tinh khiết trước thế giới bên ngoài. “Một thứ có ở đó vốn là thứ quan trọng, một thứ, bao quanh là cuộc tán gẫu, bị huỷ hoại bề mặt, bị mờ tối trong chính đời nàng, hãy buông rơi mọi ngày vào tình trạng mục nát, những lời nói dối, việc tán gẫu,” Clarissa nghĩ, ở cuối tác phẩm “Mrs. Dalloway”. Dĩ nhiên, chính sự tán gẫu đó – bữa tiệc đó – là thứ giúp nàng biết được rằng mình có một thứ gì để mất ngay từ đầu.

Có những cái giá và những lợi ích ở việc duy trì dạng riêng tư nội tại này. Khoảng giữa cuốn “Mrs. Dalloway”, chồng của Clarissa, Richard, quyết định rằng, trong giờ ăn trưa, anh ta sẽ mua hoa hồng cho Clarissa, kế hoạch của anh là về nhà, trao tận tay cho nàng, và nói, “Anh yêu em”. Đó là điều lãng mạn bất thường đối với anh, vì bất kì lí do nào, lòng anh tràn ngập nhận thức rằng đó là “một điều kì diệu khi anh đã cưới Clarissa”. Richard sải bước vào phòng vẽ, đưa nàng những đoá hoa, nhưng rồi lại thấy mình chẳng thể nói được một lời. Anh phấn chấn, tràn đầy lòng yêu thương: “Hạnh phúc là đây, là đây”, anh nghĩ. Ngọn sóng xúc cảm đang dâng trào trong anh. Nhưng, mặc cho những xúc cảm của mình, anh chỉ có thể nói những thứ vụn vặt: bữa trưa, bữa tiệc đêm đó, và gia sư của con gái họ. Cuối cùng, anh đứng dậy đi khỏi. Clarissa quan sát anh. “Anh ấy đứng một đỗi như thể sắp sửa nói điều chi đó,” Woolf viết, “và nàng tự hỏi gì vậy? Tại sao vậy? Có những đoá hồng kia mà.” Khi Richard nói tạm biệt, Clarissa nghĩ:

“Ở người ta có một phẩm cách, một sự cô độc, ngay cả giữa chồng và vợ cũng có một vực thẳm, và điều đó ta phải tôn trọng… bởi ta sẽ không tự mình trao nó, hoặc nhận nó, ngược lại ý mình, từ chồng của họ, mà không mất đi sự tự lập của họ, sự tự trọng của họ – một thứ gì đó, sau rốt, là vô giá.”

Đó là kiểu điển hình của Woolf khi tiếp nhận một cảnh lãng mạn và làm nó trở nên cứng rắn – đó là cái giá, bạn có thể nói thế, của tính riêng tư nội tại. Hôn nhân, tình yêu, và sự thân mật chỉ đưa bạn xa đến chừng ấy, tới cuối con đường kia, bạn quay trở về với phẩm cách chân phương, cô độc đó của cuộc sống nội tại. Và tuy thế Clarissa lại thích sự chân phương đó hơn sự thân mật. Nàng đôi lúc nghĩ về Peter Walsh, người đã từng phải lòng yêu nàng, và là người có lẽ nàng đã cưới thay vì Richard. Peter chín chắn, có học thức, lãng mạn, nồng nàn. Anh thích nói, và tiếp nhận suy nghĩ của nàng một cách nghiêm túc. Anh kiên quyết muốn hiểu nàng, tận trong tâm hồn. Đối với những người coi sự thân mật là cái tốt đẹp cao quý nhất trong một mối quan hệ, thì đó là điều hấp dẫn. “Nhưng với Peter mọi thứ phải được chia sẻ, mọi thứ phải tường tận. Và điều đó không thể chịu nổi,” Clarissa nghĩ. Nhiều năm sau, ngồi ở công viên, nàng vẫn diễn đi diễn lại, trong đầu mình, những lập luận mà nàng và Peter từng có: “Bất chợt điều đó hiện ra trong đầu nàng. Nếu anh ta ở đây với mình lúc này, anh ấy sẽ nói gì?” Richard cho nàng sự riêng tư, và, do đó, sự cô độc nội tại nữa; anh ta để tâm hồn nàng vẫn là của chính nàng. Tất nhiên, anh ta chưa bao giờ nói “Anh yêu em”. Trong khi đó, Peter nghĩ, ở Clarissa, luôn có “sự giá lạnh này, sự cứng nhắc này, một thứ gì đó rất sâu thẳm trong nàng… một sự bất khả thâm nhập. Mà Trời cao biết được anh ta đã yêu nàng.” (Trường hợp của Septimus Smith, vốn làm nên gần nửa cuốn “Mrs. Dalloway”, cho thấy kết quả buồn bã nhất của tính riêng tư nội tại: đau đáu tận tâm can, Septimus vẫn nằm ngoài tầm với của thậm chí những người sẽ giúp anh.)

Đồng thời, những ích lợi của việc giữ “không thể thâm nhập được” có thể là điều sâu sắc. Ai cũng biết là Clarissa tự mua cho mình những bông hoa, và điều đó cho phép nàng tận hưởng sự trầm lắng, cái tĩnh tại, và cái đẹp của cửa hàng hoa; điều tương tự, Woolf cho rằng, cũng xảy đến trong cuộc sống nội tại của Clarissa, tại đó những xúc cảm trào lên của nàng được để ở trạng thái thuần khiết, nguyên sơ. Thậm chí Peter, theo thời gian, cũng bắt đầu nhìn nhận bản thân theo cách này: “Sự bù đắp của việc trở nên già đi”, anh nghĩ, là “những tình cảm nồng nàn vẫn còn mạnh mẽ như nào giờ, nhưng người ta đã đạt được – cuối cùng cũng được! – cái năng lực vốn cho thêm cái hương vị tối cao vào sự hiện hữu, – cái năng lực của việc nắm giữ lấy trải nghiệm, của việc xoay nó vòng quanh, một cách chậm rãi, trong thứ ánh sáng đó.” Khi học được cách để yên cuộc sống nội tại của bạn, bạn đã học được cách nuôi dưỡng và nhận thức nó.

Và bạn đạt được một năng lực khác, lạ thường về mặt tinh thần: cái năng lực có được một lối nhìn nhận trừu tượng về bản thân. Thay vì lạc lối trong những chi tiết của cuộc đời mình, bạn giữ lấy những xúc cảm đó, những mẫu hình đó, những sắc thái đó. Bạn học được cách trân trọng những khía cạnh đó của cuộc đời mà không truyền đạt chúng, và không huỷ hoại chúng, cho chính mình, khi phân tích chúng quá nhiều. Woolf cho rằng những cảm xúc được trân trọng ấy có thể là nguồn khởi của sự thu hút: khi mà Peter, sau khi thấy Clarissa ở bữa tiệc của nàng, đã tự hỏi mình, “Nỗi kinh hoàng này là gì? Cơn đê mê này là gì?… Điều gì đã làm lòng tôi ngập tràn nỗi phấn khích khác thường?”, câu trả lời có thể là do cái hào quang của Clarissa, vốn không bao giờ được thấy trực tiếp, nhưng lại toả khắp. Clarissa, trong khi đó, để cho những trực cảm tinh thần của mình nâng nàng lên trên thời điểm đó. Đi lững thững cả khu vườn sáng đèn, nàng thấy những vị khách trong bữa tiệc của mình: “Nàng không biết tên họ, nhưng là những người bạn, nàng biết họ là thế, những người bạn không tên, những bài ca không lời, bao giờ cũng tuyệt nhất.” Đó là năng lực của tính riêng tư nơi nghệ sĩ. Nó gìn giữ những giai điệu mà nếu không vậy thì chúng sẽ bị nhấn chìm bởi những từ ngữ, những câu chuyện, những thông tin.

Cái cảm thức trừu tượng, nội tại về tính riêng tư của Woolf mang dấu hiệu, tất nhiên, của một thời đại và nơi chốn đặc thù (chưa nói đến tiểu sử rất đặc thù của Woolf – bà có một cuộc đời ẩn tàng phong phú bất thường). Điều này hàm ơn nữ quyền luận, và cả sự công nhận rằng đàn ông, chứ không phải đàn bà, từ lâu được ban cho cái quyền cô độc. Nó cũng bắt nguồn từ cái tư tưởng hiện đại đặc thù này rằng có một cái tôi cố hữu, ẩn tàng, nội tại mà tại đó nghệ thuật nảy ra. Ngày nay, chúng ta có thể dễ thấy hơn rằng nghệ thuật là một tiến trình cộng tác – sản phẩm của một tình cảnh, thay vì của một người. Tôi hồ nghi, chúng ta còn đặc biệt để ý đến chuyện mình trông cậy vào những mạng lưới xã hội đến dường nào để giúp ta hiểu bản thân mình. Trong những năm gần đây, các triết gia đã lập luận rằngngười khác có thể hiểu ta hơn là ta hiểu mình.

Dẫu vậy, với tôi, cảm thức của Woolf về tính riêng tư vẫn còn phù hợp; khi tôi nghĩ nó trong đầu, tôi thấy nó khắp mọi nơi. Cuốn tiểu thuyết “The Love Affairs of Nathaniel P.” của Adelle Waldman, trong số những thứ khác, kể lại với vai trò giới tính đảo ngược một câu chuyện tình vốn nằm ngay trung tâm của “Mrs. Dalloway”: tựa như Clarissa, anh chàng Nate chọn cô tình nhân vốn không thể hiểu anh ta hơn là cô tình nhân kiên quyết hiểu anh. (Anh làm vậy, một phần, để cho mình có thể tiếp tục làm bản thân kinh ngạc – tức là, có thể tiếp tục sáng tạo.) Trong khi đó, trên Tumblr và Facebook, chúng ta tìm đến cái tính xã hội riêng tư (private sociality) tương tự mà Woolf đã mô tả. Thường thì chúng ta nghĩ đến truyền thông xã hội (social media) như là một diễn đàn dành cho thói phô trương. Nhưng chắc chắn việc lập danh sách theo kiểu hướng ngoại những chi tiết nhỏ nhặt thường ngày – những bữa ăn, những bữa tập thể dục, những suy nghĩ về chính trị, sách vở, và âm nhạc – đã đạt được giới hạn của chính nó; kết cuộc nó nhấn mạnh đến những thứ không chia sẻ được. Việc quá thoải mái nói về cuộc đời mình sẽ giúp bạn biết được sức nặng của những xúc cảm đó vốn quá đỗi mơ hồ, hoặc thuộc về tinh thần quá nhiều, để có thể bày tỏ ra – cứ để chúng vô ngôn và trong vòng bí mật, chúng sẽ tôn lên sự hiện hữu riêng tư của chính bạn. Thực tế thì “việc chia sẻ” là việc đối nghịch lại với những gì ta làm: như một trong những nữ chủ nhà của Woolf, chúng ta diễn tập tính cởi mở có giới hạn để có thể nhận thấy sự vững chắc nơi cái tôi riêng tư của chính mình.

Lúc này lúc kia, bạn cũng sẽ bắt gặp một tác phẩm nghệ thuật biểu hiện được cảm tính của Woolf theo một kiểu cách khác hẳn, làm mới lại nó. Kể từ lần đầu tình cờ biết được cách đây vài năm, tôi đã xem hàng mấy trăm lần màn trình diễn bản nhạc “Side of the Road” của Lucinda Williams năm 1989. Bản nhạc được xây dựng quanh một ẩn dụ giản dị: Williams đang lái xe dọc con đường cùng với người mình yêu, và hạnh phúc khi lái xe. Tuy thế, cô nàng vẫn muốn tấp xe vào bên đường và đứng đó riêng mình mình thôi. “Em muốn biết anh ở đó, nhưng em muốn một mình”, cô nàng hát thế.

If only for a minute or two, I want to see what it feels like to be without you.
I want to know the touch of my own skin
Against the sun, against the wind.

I walked out in a field, the grass was high, it brushed against my legs.
I just stood and looked out at the open space, and a farmhouse out a ways.
And I wondered about the people who lived in it,
And I wondered if they were happy and content.
Were there children, and a man and a wife?
Did she love him and take her hair down at night?

If I stray away too far from you, don’t go and try to find me.
It doesn’t mean I don’t love you, it doesn’t mean I
won’t come back and stay beside you.
It only means I need a little time
To follow that unbroken line,
To a place where the wild things grow,
To a place where I used to always go.

( Nếu chỉ có một hai phút thôi, em muốn xem thử cảm giác ra sao khi không có anh.
Em muốn biết cái chạm của chính làn da em
Với mặt trời, với ngọn gió kia.

Em bước ra một cánh đồng, đám cỏ thì cao, chúng lướt qua đôi chân em.
Em chỉ đứng và nhìn ra ngoài khoảng không đang mở ra, và căn nhà nông trại xa xa đằng kia.
Và em tự hỏi về những người sống trong đó,
Và em tự hỏi liệu họ có hạnh phúc và hài lòng không.
Liệu có trẻ con, có người chồng và người vợ không?
Liệu cô ta có yêu anh ta và có xoã tóc ra vào buổi đêm không?

Nếu em lang thang quá xa khỏi anh, thì đừng đi và cố tìm em.
Điều đó không có nghĩa là em không yêu anh, không có nghĩa là em
không trở lại và ở bên anh.
Nó chỉ có nghĩa là em cần chút thời giờ
Để đi theo con đường liền mạch đó
Đến một nơi mà những thứ hoang dại sinh sôi,
Đến một nơi mà em hay đi vào thuở ấy.)

Từ một góc độ khác hoàn toàn, Williams đã nắm bắt được cùng một ý tưởng mà chúng ta thấy trong những tiểu thuyết của Woolf: rằng không có một cách thức thoả mãn chung cuộc nào để cân bằng nhu cầu được biết với nhu cầu được ở một mình của chúng ta. Sự cân bằng đó luôn bất định và nhất thời; nó luôn là vấn đề của sự bất mãn, của cho-và-nhận, của sự hi sinh. Bởi vì tính riêng tư của một nghệ sĩ là một trạng thái của tinh thần, thay vì là một vấn đề của quy luật, không có quy tắc nào giúp ta quán triệt được nó. Nó tuỳ thuộc vào mỗi người chúng ta để cân bằng những nguy cơ và những điều tưởng thưởng – để đánh đổi, theo tỉ lệ thích hợp, sự cô đơn lấy sự tự do, sự dễ hiểu lấy điều bí ẩn, và sự dễ biết lấy sự không biết bên trong chúng ta.

Chuyển ngữ tại Sài-gòn
Nguồn: chiecnon.wordpress.com