Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

Xã hội dân chủ truyền thông và cuộc đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam

Hoàng Hưng

Văn Việt: Truyền thông Việt Nam hôm nay với sự nở rộ của những tiếng nói “phi chính thống” (tức “lề dân”, ngoài “lề Đảng”,) đã lên một tầm cao hơn hẳn so với tình hình như tác giả bài này viết vào tháng 4/2013, trong sự phát triển đó có việc ra đời không ít tổ chức xã hội dân sự mang tính “ngôn hành” (performative) là chủ yếu. Với ý hệ độc tài toàn trị nặng nề đã tiêm nhiễm vào nhiều thế hệ người Việt, xã hội truyền thông “lề dân” sơ khai không tránh khỏi có những vấn đề của chính mình mà nó phải vượt qua để thực sự là một “xã hội dân chủ truyền thông”. Bài viết này hình như còn mang tính thời sự rõ rệt hơn thời điểm nó ra mắt trên một số mạng lúc đó.

Một năm trước, người viết bài này đã dự báo về “truyền thông Việt Nam hậu Tiên Lãng” ghi nhận tác động không thể phủ nhận của truyền thông “lề trái” đối với đời sống xã hội chính trị của nước này. Cho đến hôm nay, có thể khẳng định rằng một mạng lưới truyền thông “lề trái” (cũng được gọi là “lề dân”) đã hình thành vững chắc ở Việt Nam, bất chấp mọi cố gắng ngăn chặn và đánh phá của an ninh, nhiều lúc vượt mặt cả hệ thống truyền thông “lề Đảng” trong cuộc đua “không sòng phẳng” nhất là khi xử lý những đề tài “nhạy cảm”: một bên có “trăm tay nghìn mắt vạn đầu”, mà mỗi hình ảnh con mắt ghi nhận trực tiếp mỗi ý tưởng bộc phát trong đầu lập tức được bàn tay nhắp chuột tung lên tờ đại báo có phạm vi toàn cầu; bên kia là sáu, bảy trăm tờ báo chỉ có một cái đầu, bị xiềng bởi một hệ thống kiểm duyệt chìm và nổi, ngày càng bộc lộ sự thiểu năng trong chính lý do tồn tại của truyền thông: tiếp cận và loan truyền sự thật.

Vậy là trên thực tế, trong khi nhiều quyền dân chủ còn bị nhà nước toàn trị hạn chế hết sức và thậm chí tước đoạt, người dân Việt Nam đã tự tạo lập cho mình một XÃ HỘI DÂN CHỦ TRUYỀN THÔNG dưới sự “lãnh đạo” của Internet (thay vì “Internationale”!).

Một số người từng bĩu môi cho rằng “ăn thua gì vì đó chỉ là ảo”, nay chắc phải xem lại suy nghĩ ấy: những thực tế diễn biến của Tiên Lãng, Văn Giang, Bauxite, Sửa Hiến pháp… đã chứng tỏ tác động của thế giới “ảo” đối với thế giới “thực” như thế nào:

“Từ trong thế giới ảo

ta xây đắp con đường

trở về SỰ THẬT

trở về SỰ SỐNG

trở về TỰ DO”

(Bài ca nối mạng – HH 2011)

Chợt nhớ nhà thơ Xuân Diệu sinh thời hay dẫn câu thơ của ai đó trả lời những người chế diễu “nhà thơ thì ở trên mây ấy mà” rằng: “nhưng ở trên mây có sấm sét”. Thế giới ảo đang chứa đầy sấm sét cho chế độ toàn trị Việt Nam.

Đây chính là xuất phát điểm, là cơ sở đầu tiên cho cuộc đấu tranh dân chủ, vì, trước hết quả thực “dân chủ là để cho người dân được mở miệng” như Hồ Chí Minh từng nói (nói nhưng có làm hay không, đó là chuyện tạm thời chưa bàn ở đây). Có điều, người dân hôm nay đã không chờ ai “cho” họ “được” mở miệng!

Một đặc điểm chưa từng có của xã hội dân chủ truyền thông hôm nay là: Cơ hội “mở miệng” đến với từng cá nhân (tất nhiên mới hạn chế trong số những người quen Internet, song con số gần 9 triệu thuê bao đến tháng 2/2013 – nguồn: Cục Viễn thông – có ý nghĩa rất lớn), không cần phải được ai “tổ chức” và “lãnh đạo”. Tức là trong khi từng cá nhân có điều kiện tham khảo vô cùng rộng rãi, thì cũng từ đó tính độc lập (tương đối) của từng ý kiến cá nhân lại được bảo đảm khá cao. Đặc tính này của sự cộng thông trên mạng dường như tôi đã đúc kết trong hai câu thơ:

Từ một nơi này ta ôm hoàn vũ

Không cô đơn cũng không bày đàn

(Bài ca nối mạng – HH 2011)

Cũng có nghĩa là trong xã hội dân chủ truyền thông hôm nay, khó có ai thành công thật sự (dù có thể thành công nhất thời bằng những thủ đoạn mị dân, lừa bịp) trong việc “dẫn dắt dư luận” theo “định hướng” của mình, dù là định hướng theo “lề Đảng” hay “lề trái”.

Trong văn học nghệ thuật, người ta coi “phi tập trung hoá” là đặc điểm của tinh thần “hậu hiện đại”, thì truyền thông hôm nay thể hiện rõ nhất tinh thần này.

Phải chăng những người đấu tranh cho dân chủ cũng nên nhận rõ đặc điểm này của xã hội dân chủ truyền thông để không lấn cấn trong não trạng bị điều kiện hoá quá lâu bởi truyền thống phi dân chủ mà tinh thần “tập trung”, “thống nhất”, “đồng thuận” luôn được đặt lên đầu?

Huống hồ, trong tổng phổ dân chủ hôm nay có rất nhiều âm giọng khác biệt: các cựu “cận thần” của ĐCS đang tỉnh thức, các trí thức tự do không ăn lộc của cơ chế, những người đã từng trải nghiệm một chế độ tuy chịu sự cai trị của “đảng kaki” nhưng đã có được thiết chế dân chủ căn bản với tam quyền phân lập và tự do báo chí, những tinh hoa của lớp trẻ ít bị ràng buộc bởi những giáo điều từng ngự trị con tim khối óc đại đa số người dân trong quá khứ, những trí thức đã mang quốc tịch khác nhưng vẫn ngày đêm ngóng về quê hương với góc nhìn từ những xã hội đã có trình độ dân chủ cao…

Với cách nhìn về xã hội dân chủ truyền thông như đã nêu, tôi nghĩ những ý kiến khác biệt về phương pháp đấu tranh, những lời phê bình có lúc có vẻ như gay gắt, thiếu “thông cảm” với một phát ngôn nào đó của những nhân vật nào đó, xuất phát từ nhận thức, quan điểm riêng, là hoàn toàn tự nhiên, chẳng đáng băn khoăn, lại càng chẳng nên phẫn nộ, phản ứng, suy diễn động cơ tiêu cực… Những ý kiến như thế thực tế sẽ làm cho chân lý sáng tỏ dần từ nhiều góc độ. Chỉ có sự tranh luận thẳng thắn, có trách nhiệm, không định kiến và bình đẳng mới đưa đến sự đồng thuận tự nguyện, thực chất, tạo nên sức mạnh của một tập thể tự giác, tỉnh táo, không sa vào những cơn “lên đồng tập thể” quá quen biết trong quá khứ.

Đặc biệt trong quá trình dân chủ hoá lâu dài và vô cùng gian khó ở nước ta, tôi cho rằng nhiệm vụ “khai dân trí” (bao gồm “khai quan trí” và cả “tự khai trí”) vẫn đang chiếm vị trí trọng yếu hàng đầu (dĩ nhiên việc này luôn diễn ra song song với và được thực hiện ngay trong các cuộc vận động dân chủ nhân quyền cụ thể). Vì thế, những tranh luận để sáng tỏ chân lý hết sức bổ ích, và chân lý phải được diễn đạt minh bạch, rốt ráo, không thể bị mờ nhoà bởi những lợi ích giai đoạn mang tính “chiến thuật” kiểu “tuyên giáo” quen thuộc của cộng sản. Cũng bởi, một nét mới của xã hội dân chủ truyền thông hôm nay là mọi lời nói, mọi bài viết đều sẽ được lưu lại, tra cứu, “soi” đến từng chi tiết, không cách nào tùy tiện chối cãi hoặc biện bác theo lối “cứ nói thế cho được việc lúc này”.

Dĩ nhiên cuộc đấu tranh nào cũng cần đến sự liên kết, tổ chức, thống nhất. Nhưng bản chất của sự liên kết, tổ chức, thống nhất hôm nay hình như đã khác hẳn truyền thống: đó là sự liên kết, tổ chức, thống nhất MỞ lấy cứu cánh của cuộc đấu tranh: MỘT XÃ HỘI TỰ DO DÂN CHỦ PHÁP QUYỀN làm mục tiêu duy nhất. Cũng vì thế, nhiều khi nó mang tính tự phát trong từng hoàn cảnh cụ thể nhiều hơn là một kế hoạch tỉ mỉ được vạch sẵn từ một số cái đầu nào đó; và các “lãnh tụ” cũng xuất hiện một cách gần như ngẫu nhiên như trường hợp Vaclav Havel trong Cách mạng Nhung của Tiệp, thậm chí gần như không có “lãnh tụ” như trong Cách mạng Hoa nhài Ả Rập. Ở nước ta, việc xuất hiện bất ngờ của các trang mạng như boxitvn, quechoa, xuandien, Huỳnh Ngọc Chênh,… hay của Điếu Cày, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Đắc Kiên… những tên tuổi trước khi “nổ lớn” thì chẳng mấy ai biết đến, cũng thể hiện bản chất này.

Phải chăng đó cũng chính là lợi thế của xã hội dân chủ truyền thông trước nỗ lực trấn áp của chính quyền? Làm sao chặt được hàng vạn cái đầu – những cái đầu có phép mọc lại ngay sau khi bị chặt, chưa kể cái đầu này bị chặt liền có hàng chục cái đầu khác thế chỗ? Đó chẳng phải “quyền lực mềm” của xã hội dân chủ truyền thông đã và sẽ vô hiệu hoá “quyền lực cứng” của nhà tù và sung đạn hay sao?

Phải chăng tính đa nguyên của xã hội mà chúng ta hướng tới đang được thực tập trong ngay xã hội dân chủ truyền thông hôm nay?

Phải chăng một xã hội công dân trưởng thành một cách vững chắc qua dân chủ truyền thông sẽ tránh cho chúng ta trượt vào vết xe đổ của những nước Nga từ toàn trị cộng sản chuyển thành độc tài Putinist?

Trên đây là một vài suy nghĩ chủ quan của một người không hiểu biết nhiều về chính trị, nhưng có chút thực tế tham gia xã hội truyền thông,mong được các bậc cao minh chỉ giáo.

H.H.