Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Thơ Palestin hôm nay

Lời người dịch: Hoa Kỳ đang cố gắng tìm giải pháp ngoại giao để gỡ ngòi nổ xung đột quân sự giữa nước bạn đồng minh Do Thái và dân tộc Palestin lâu nay vẫn đấu tranh đòi độc lập. Trước tình hình rối loạn an ninh của Trung Đông cùng những manh động chi phái Hồi giáo cực đoan, Tel Aviv nên thận trọng tìm các nước cờ chính trị để tránh họa binh lửa thay vì kéo quân vào Gaza và bắn phá loạn xạ sát hại thường dân. Có lẽ khôn khéo nhất là ngồi lại bàn hội nghị với các thủ lãnh Palestin để cùng nhau phác thảo một phương án chung sống hòa bình lâu dài. 

Thử hình dung một vùng đất bị chiếm đóng, bị cô lập với thế giới bên ngoài bằng một chính sách phong toả quân sự thường trực, trong đó thường dân là một đám người bị quản chế vừa bị tước đoạt cuộc sống bình thường. Những bài thơ cất lên từ vùng đất ấy hiển nhiên là các tiếng nói phản kháng và chiến đấu. Xin giới thiệu vài thi sĩ Palestine hôm nay qua vài bài thơ vừa cho thấy tính đấu tranh chính trị cao, vừa biểu hiện một thi pháp cụ thể gắn bó với những chi tiết đời thường, nhưng đều tạo được hiệu quả thẩm mỹ sâu lắng  nhờ những hình tượng mở ra một không gian tư tưởng bất ngờ ở đoạn kết bài thơ.

Chân Phương

Najwan  Darwish

Lông gà trên người

Không ai hiểu được như thế nào mớ chuồng gà lại biến thành

những khách sạn

Và như thế nào tôi lại rơi vào chốn đó để đấu với các chuồng gà

Và đi tìm những kẻ bị phi cảng bỏ vào cái mồm to hoát của nó

rồi nuốt gọn

Có lẽ tôi đã bị nó nuốt để khiến tôi phải đấu với mớ chuồng gà

Mang hình dạng những mái nhà, giường ngủ và phòng ốc.

Những cái chuồng bỏ trống trong đó rơi rớt lông vũ với áo quần

Những chuồng gà chẳng ai hiểu được bằng cách nào đã trở thành

những trại lao công và những đoàn tàu không bao giờ ngừng…

bằng cách nào  chúng đã biến thành các khu chiếm đóng

………………….

Những chuồng gà trong đó không thấy một con gà

Nhưng thấy lông của chúng ta.

(Plumes d’humains, tr.125)

Nasser Rabah

Vắng mặt

Ngồi nơi quán cà phê nhà ga

Trong bộ com lê của gã,

Với số tuổi bốn mươi,

Không thắc mắc,

Chẳng lo âu,

Thiếu giấc ngủ vẫn hộ tống đám hành khách buổi chiều.

Có lẽ gã chú tâm đến các dấu hiệu của thời tiết lạnh 

Chuyện trò cùng chiếc cốc rỗng

Lúc lắc đầu như muốn nói “Không” . 

Nhưng ngồi điềm nhiên một cách tự tin

Và tàu đến tàu đi đúng hẹn,

Đám hành khách mang vác phiền não như hành lý

Tiếc nuối như tội lỗi

Họ lẫn trốn quãng sáng quá chói

Khi thì chạy về mấy cửa toa tàu,

Lúc lại chạy ra cổng nhà ga .

Còn gã, cứ thế mà ngồi,

Làm dấu với cái ghế bên kia

Góc quán,

Trong bộ com lê,

Với số tuổi bốn mươi.

Gã không tiễn biệt ai,

Cũng chẳng chờ chuyến tàu nào,

Nhưng gã hiểu trúng phóc 

Vì sao các nhà ga lại được trang hoàng

Bằng một lô tượng đá.

(Absence, tr.183)

Mahmoud Abou Hashash

Quay về

Tôi đã quay bước trở về. Nhớ lại quả táo

Tôi chỉ ăn một nửa. Tôi hoảng kinh vì cái ý nghĩ

Chết còn để lại trái táo hằn dấu răng mình cắn cạp.

Mẹ tôi

Sẽ gào rên không thôi: “Trái táo

nó chưa ăn xong”. Bà sẽ đưa nửa quả táo kia ra

lắc hoài trước mặt những khách viếng tang

cho đến lúc nó rữa ra trong tay bà.

Trước khi đóng ập cánh cửa lúc trở ra,

Tôi ném nó vào thùng rác.

Bỏ mọi việc lại sau lưng .

Cùng những bài thơ viết được nửa chừng

(Retour, tr.61)                                                              

Zakaria Mohammed

Cây

Trên vùng đất gập ghềnh

Một thân cây nghĩ về mưa

Giống nó, một ngày kia tôi cũng dừng chân trên vùng đất gập ghềnh

Và nghĩ ngợi về các ánh chớp tháng mười một cùng tiếng sấm

Điều ấy xảy ra

trước khi

những lá thư thất lạc biệt tăm

và ý nghĩa bị bôi xóa

Bây giờ

Nón đội lên đầu

Bầu nước bên hông

Tôi đi qua bên cạnh nó và tự nhủ:

Lại thêm một gốc cây ngu ngốc đứng chờ mưa

(Arbre, tr. 181)

Jihad  Hudayb

Bắc thang lên mỏm đá cao

Chiến tranh đã đóng lại các cửa nhà;

Người chết vẫn tiếp tục gõ.

Trút hơi thở cuối với họ là những khao khát

bị mấy tháp canh lường gạt

trong khi trên cát khô trái tim họ sủa như chó

Chiến tranh đã kết thúc

Nhưng những kẻ bước ra từ các tấm gương của nó

Lại nhìn thấy chiến tranh

Tiến từng bước lừa bịp về mớ mục tiêu

Trong gió bụi nổi trôi

(Échelle vers un rocher élevé, tr. 145)

Yousouf Abou Loz

Mi không còn quán nhận trên bãi biển

Sau khoảng thời gian nào đó,

Sau ba mươi tuổi,

Sau một chuyến đi xa

Sau nửa mùa trăng

Sau hai năm hoặc hai vợ,

Sau hai cốc rượu chẳng cụng với ai trong ngôi nhà cha mẹ.

Sau một tuổi đời vô nghĩa trải qua.

Sau mọi thua bại của bọn mình

Sau nỗi thất vọng về đường đời, về các bài thơ,

Về đám đàn bà kiên cường và mái ấm ước mơ.

Sau cuộc ra đi của những bạn thân về định mệnh…

Người thì tuẫn nạn,

Kẻ lập gia đình, đứa thì chìm trong tội lỗi.

Rồi tay đẹp mã nhất trong cả bọn

Biến mất để một mình tái chiếm Cordoba. *

Sau hòn đá này

Mi không còn quán nhậu trên bãi biển,

Để ngồi viết các bi khúc với tụng ca

Mi chẳng còn chốn lưu đày nào khác

Ngoài tổ quốc.

(Tu n’as plus de taverne sur la plage, tr. 83)

Walid  Cheikh

Có lần tôi gặp em trên xe bus

Tôi nghiêm nghị lên xe bus, không mỉm cười với ai. Bất ngờ

em có thể bước lên .

Tôi phải sẵn sàng để thấy em ngay khoảnh khắc đầu tiên.

Biết đâu em sẽ đánh rơi xắc tay

lần này.

Người ta sẽ giúp em cẩn thận lượm nhặt các thứ,

Có thể trong xắc em có mảnh sa tanh,

Mấy cây kẹp cho mái tóc mượt mà, cặp kéo

để xén mấy lọn tóc đen dày,

Thỏi son môi màu hạt dẻ*, và biết đâu cuốn sách có thể

là tuyên ngôn đảng chép lại với một nét chữ hiển vi,

Hay là quyển tiểu thuyết với nhan đề phản ánh vị đắng cùng

Các ý nghĩa đa tạp của cuộc đời, chẳng hạn: Tình Yêu thời Dịch Tả!

Hoặc một danh sách em ghi các con số của người quen

nơi các thủ đô xa lắc xa lơ.

Quần em cũng màu nâu hạt dẻ*

Tất cả trên người em ít nhiều đều nâu,

Nói đúng ra, em giống mùa thu

Và tôi thích như vậy.

Hai năm rưỡi trước đây có lần tôi gặp em trên xe bus,

từ đó chẳng bao giờ còn gặp lại em.

*trong bản dịch tiếng Pháp là màu của trái marron hay chestnut, gần giống màu hạt dẻ.

(Je t’ai vue une fois dans le bus, tr.101)

Ayman Ghbariyeh

Kẻ lạ                

Kẻ lạ sinh ra trong nhà tôi

Gã mặc quần áo tôi

Và ăn trước thức ăn của tôi.

Gã có hai bàn tay sạch

Cặp mắt khử trùng

Mồm miệng trắng

Như viên thuốc aspirin.

Ký ức gã, sợi thừng phơi đồ.

Gã đánh cắp mớ sơ mi tôi

Phóng chiếu bóng gã lên bờ vách thân thể tôi

Tôi quan sát trụi trần

Hai phần của mình bị cắt đôi:

Cặp môi tôi nhòe máu

Hai tròng mắt tôi chứa đầy chim thiên di

Tôi ghê sợ điều chúng tôi cùng ưa chuộng

Các loài hoa trên quê hương và những tác giả nước ngoài.

Gã khiếp tôi

Khi tôi bỏ mặc tách cà phê

Nguội lạnh

Trơ trụi.

Tôi đóng cửa

Để ngắm đóa hồng nhân tạo trong phòng ngủ của mình.

Gã khép lại trái tim

Để làm tôi đau khổ.

(L’ Étranger, tr.137)

Zouheir Abou Chayeb

Cầu nguyện

Đứng lên đi  hỡi các ngọn đồi

Đứng lên cho cụm mây được bí mật trôi qua

Giữa bãi bờ của chúng ta

Cho mưa được nhìn thấy mặt nó soi trên cát

Đứng lên cho chúng ta có thể giúp linh hồn mình nhè nhẹ

Cất bay

Rồi rượt đuổi chúng cho đến tận

Gốc táo trên trời

Nơi xa xăm tận cùng quả đất,

Như mẹ già,

Những ngôi nhà buồn phiền ngóng đợi chúng ta

Chúng ta khiến linh hồn mình bay

Bên phía tây của từng con quạ

Và đuổi theo chúng

Đến tận gốc táo trên trời

Lúc ấy cả bọn gần xuýt bật khóc

Nhưng rồi chúng ta đã…

Nguôi quên.

(Prière , tr.47)

Ghada  Chafi’i

Đến với mi ngày đơn độc

Đơn độc,

Đến với mi ngày đơn độc

Qua cửa sổ

Mi chỉ mở cho nó thấy

Sự im lặng của tủ áo

(ở đó còn mớ di thể của mi canh chừng

vũng máu đặc quánh trên nền gạch)

Mi chẳng màng đứng dậy đón mặt trời

Ngóng đợi mi suốt buổi sáng

Nơi ngưỡng cửa

Ngày bỏ đi sau đó

Ánh sáng của nó tỏa ra

Rồi nhạt mờ dần trong sương khói

Giống như đám bạn thân phai nhòa nơi bao lơn trái tim

Khi ngày cất tiếng gọi giữa các đường dây quấn quít cô đơn của nó.

Đơn độc

Mùa đông xa đã đến với mi

Để ném trên mi vài cụm mây

Dọn thay cho tấm chăn

Hoặc cái giường  nghênh tiếp cơn run

Trong các tứ chi rời rã

Đơn độc

Qua cửa sổ đến với mi ngày đơn độc

Mà không nghe tiếng hát hay nhịp máu nào

Gào la trong gân mạch

Mà cận kề chẳng có một bàn tay thiếp ngủ đưa lên

Giữa trắng xóa mênh mông. 

(Le jour est venu seul à toi, tr. 93)

Yousouf Abou Loz

Chuyện trò

Chúng tôi nói về các thứ cây mình trồng quanh các ngôi nhà

Về lũ trẻ con sẽ thụ sinh trong tương lai

Về mớ cờ phướn dựng trồng trên những triền xanh cỏ

Về các cuốn sách từng đọc hoặc loại nhạc để nghe về đêm

Cho cây cối chất đầy mọi giống chim trái đất  

Đến thăm các căn phòng mình ở. Trong quán cà phê

Hai kẻ xa lạ tình cờ gặp nhau

Chúng tôi thật hạnh phúc

Với câu chuyện

Về những dự định to tát

Trên đầu không có vòm trời để ẩn nấp

Cũng chẳng có căn phòng

Làm chốn náu thân.. 

(Conversations, tr. 81)

Bashir  Shalash

Lãng quên không có anh em

Lãng quên không có anh em để mà phách lối, chẳng có con cái để đưa ra chợ chơi.

Chúng tôi là anh em và con cái hiếu thảo của lãng quên. Chúng tôi cho nó nhiều hơn

những gì nó đòi hỏi và mở cửa nhà chúng tôi đón nó. Chúng tôi nhớ nhung khi nó vắng mặt và căm ghét nó nếu nó nấn ná quá lâu. Chúng tôi là mẹ cha và gia đình của nó; săn sóc nó lúc ốm đau, trông nom nó cho đến khi lành bệnh và nâng đỡ nó lúc nó chực ngã.

Nhưng một mình chúng tôi, với những bàn tay đói, những bàn tay ra dấu hiệu và trao tình thương, chúng tôi đập vào lồng ngực bị chẻ phân của mình khi ở giữa đường

chúng tôi không còn nhớ ra tên tuổi.

(L’oubli n’a pas de frères, tr.207)

______________________________________________________

Các bài thơ dưới đây được tuyển dịch từ bản dịch tiếng Pháp của Antoine Jockey; Le poème palestinien contemporain, Ed. Le Taillis Pré, Belgique, 2008. C.P