Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Thơ Robert Bly

Chân Phương  dịch từ nguyên bản

Dịch giả gửi cho Văn Việt

unnamed Chân Phương: Khi Tomas Tranströmer lấy giải Nobel Văn Chương 2011, dư luận trong giới văn nghệ Âu-Mỹ đã nhắc nhiều đến Robert Bly – dịch giả đầu tiên đã giới thiệu nhà thơ Thụy Điển với độc giả Anh- Mỹ, và có thể nói rộng ra cho cả thế giới. Bản thân Robert Bly (sinh năm 1926 tại tiểu bang Minnesota) là một nhà thơ lớn – người đã phê phán tính chất tỉnh lẻ của thi ca Hoa Kỳ và đã chủ trương thay máu mới cho nó bằng cách dịch thuật và giới thiệu liên tục thơ Âu châu và Mỹ La – tinh trong các tạp chí thi ca do ông chủ biên từ cuối thập niên 1950. Nằm trong danh sách dài các thi sĩ Đông Tây kim cổ được Robert Bly tuyển dịch là  Kabir, Rumi, Mirabai, Rilke, Trakl, Jacobsen, Vallejo, Neruda, Lorca, Jiménez, Machado, Hernandez, Francis Ponge…

Mời bạn đọc những bài sau đây – được tuyển dịch để chào mừng thi phẩm đầu tay quan trọng Silence in the Snowy Fields (Wesleyan U.P.1962) ra đời hơn nửa thế kỷ trước. Tập thơ này hình thành vào lúc tác giả du học tại Oslo, Na Uy (lúc ấy ông khoảng 30 tuổi), khi ông khám phá với nhiều chấn động và bắt đầu dịch các nhà thơ biểu hiện và siêu thực Âu châu, đặc biệt là thơ Tây-ban-nha. Cần nói thêm một điều về tập thơ này: giới phê bình nhận diện ở đây dấu ấn của thi pháp deep image mà Bly và một số nhà thơ Mỹ như Galway Kinnell, James Wright, Mark Strand, W.S. Merwin đã triển khai từ thi pháp siêu thực Pháp-Tây ban nha. Tránh xa tính duy lý, họ lặn xuống tiềm thức và  trực nhận sự vật qua cách liên tưởng hình ảnh và ý tượng. Nói cách khác, thi pháp deep image tinh luyện một nhãn lực thâm hậu để chụp bắt các kiến ngộ tâm linh, về sau đã nối nhịp cầu giữa thi pháp siêu thực Âu-Mỹ với tư tưởng nghệ thuật phương Đông như Lão Trang, Thiền Tông hay đạo Sufi…

Thơ tình

Khi ta yêu, ta yêu cỏ,

Yêu những chuồng bò, yêu các cây cột điện,

Và nằm giữa mấy thị xã con đường nhỏ vắng vẻ suốt đêm.

( Love poem, 41)

Ba loại niềm vui

I

Có lúc ngồi trong chiếc xe nhỏ, ở Wisconsin

Hoặc Illinois, chú ý ta thấy các cột điện thoại tối ám

Tự nâng từng cây một lên khỏi hàng rào dậu

Và chậm chạp phóng vào nền trời xám —

Rồi qua khỏi chúng, những cánh đồng tuyết phủ.

II

Bóng tối rơi xuống như tuyết trên những đồng bắp đã gặt

Ở Wisconsin: và trên các cây đen kia

Từng thân rải rác,

Khắp các cánh đồng đông giá —

Ta thấy những cọng sậy rét cứng với mớ gốc bắp nâu xỉn,

Và tuyết trắng nay chỉ còn sót theo dấu bánh xe máy kéo máy cày.

III

Cũng vậy, lái xe về Chicago

Khi trời sắp tối là một niềm vui,

Và thấy ánh đèn trong các chuồng bò,

Những thân cây trụi trơ có tư cách hơn bao giờ,

Như một kẻ cứng cỏi nằm trên giường chờ chết,

Và dọc đường các hố rãnh còn ngập một nửa thứ tuyết riêng tư.

( Three kinds of pleasure, 11 )

Quay về với cô đơn

I

Một đêm trăng sáng, gió lộng.

Trăng ló ra khỏi Ngân Hà.

Các đám mây hết còn sinh động, và cỏ ngóc lên.

Đã đến giờ quay về.

II

Chúng ta muốn quay lại, trở về với biển,

Biển của các hành lang đơn độc,

Và hành lang của những đêm hoang,

Các đớn đau bùng nổ khó cầm,

Như chùm sao trong vòng quay Đại Hùng Tinh,

Đâm đầu xuống biển của chết chóc.

III

Ta sẽ tìm được gì khi trở lại?

Bạn bè thay đổi, nhà cửa dọn đi,

Có lẽ còn cây, cây và lá mới.

(Return to solitude, 12)

Nhắn với một phần của bản thân

Mi đang trốn trong hang nào, trên người mưa dột?

Như một mụ vợ, ốm đói chẳng ai chăm sóc,

Từ đầu mi nước tuôn xuống, cúi mình

Trên mớ bột bắp xay …

         Mi ngước mặt hứng

Cơn mưa giăng qua thung lũng —

Tha thứ cho ta, chồng của mi,

Kẻ đang cười với nhiều cuộc hẹn

Trên các nẻo của một thành phố xa,

Dù khi đêm muộn hắn cũng quay về

Cái phòng trống, gian phòng của nghèo túng,

Và ngủ giữa bình nước và chậu rửa

Trong căn phòng không hơi lửa —

     Thế thì giữa hai ta ai tệ hơn ai?

Và chia ly đã xảy đến cách nào?

( A man writes to a part of himself, 36)

Bài thơ ba đoạn

I

Một buổi sáng tinh mơ tôi nghĩ, A ha ta sẽ sống mãi sống hoài!

Được gói bọc trong da thịt tôi hân hoan,

Như cỏ được gói trong các đám mây màu lục của nó.

II

Đứng dậy rời giường, nơi tôi đã mơ thấy

Các cuộc cưỡi ngựa rong ruổi qua các lâu đài và lửa than,

Mặt trời sung sướng nằm trên hai đầu gối mình;

Tôi đã đớn đau và sống sót qua đêm

Trầm mình dưới nước tối đen, như một lá cỏ nào bất kể.

III

Mớ lá cứng cáp của cây phong già,

Ngập chìm trong gió, kêu gọi ta tan biến

Vào những cõi vũ trụ hoang sơ,

Nơi chúng ta sẽ ngồi dưới một gốc cây,

Và sống mãi sống hoài, như bụi đất.

(Poem in three parts, 21 )

Khuya muộn lái xe xuống phố gửi thư

Một đêm tuyết lạnh. Con lộ chính vắng tanh.

Các động đậy duy nhất là những luồng tuyết xoáy.

Khi nhấc nắp thùng thư, tôi cảm thấy chất thép lạnh.

Có một điều riêng tư tôi yêu thích trong đêm tuyết giá này.

Lái xe vòng vòng, thời gian tôi sẽ tiêu phí thêm dần.

(Driving to town late to mail a letter,38)

Thức giấc

Trong các mạch máu nhiều đoàn tàu rời bến,

Nơi mực nước những tiếng nổ nhỏ râm ran,

Trong luồng gió của máu mặn lũ hải âu chao lượn. 

Buổi sáng. Hương thôn đã ngủ thiếp suốt mùa đông.

Mấy chỗ ngồi cạnh cửa sổ phủ bằng lông thú, ngoài sân

đầy một bầy chó rét cứng, và các bàn tay thô vụng cầm mớ sách nặng nề.

Nay chúng ta thức giấc, rời giường và ăn sáng! –

Từ bến cảng của máu vang rân tiếng hét hò,

Sa mù, các cột tàu giương buồm, tiếng ròng rọc gỗ khua trong ánh nắng.

Nay ta hát ca, múa mấy điệu vũ nhỏ trên sàn bếp.

Toàn thân chúng ta giống một bến tàu lúc rạng đông;

Biết rằng người chủ đã ra đi suốt ngày bỏ lại chúng ta.

(Waking from sleep,13)

Xong việc

I

Sau nhiều suy nghĩ lạ kỳ ,

Về các bến cảng xa và cuộc sống mới,

Tôi vô phòng thấy ánh trăng nằm đó sóng soài.

I I

Bên ngoài ánh trăng phủ trên cây tựa âm thanh thuần khiết,

Âm thanh các tháp chuông, hay nước chảy dưới băng,

Âm thanh mà người điếc nghe thấy trong đầu xuyên qua xương sọ.

I I I

Chúng ta biết rành con đường; khi ánh trăng

Nâng tất cả lên cao trong một đêm như đêm nay

Con đường tiếp tục thoáng đãng đi về phía trước.

(After working,51)

Những tấm ván cũ

I

Tôi thích nhìn các tấm ván đầu xuân nằm trên đất:

Đất phía dưới ướt, nhão bùn –

Đất có thể chi chít dấu chân gà –

Mớ dấu đã cứng khô và trường cửu.

II

Đây là loại gỗ ta thấy trên những sàn tầu biển,

Thứ gỗ mang ta rời xa đất liền,

Khô ráo như một loại vật dụng thô sơ,

Tựa cái đuôi ngựa.

III

Gỗ này giống một kẻ sống cuộc đời giản dị,

Trải qua mùa xuân mùa đông trên con tàu của đam mê.

Hắn ngồi trên gỗ khô giữa tuyết giá đang tan

Trong khi chú gà trống nhún nhảy bước đi trên lớp rơm đẫm nước.

(Old Boards,57)

Sau khi nhậu với bạn suốt đêm chúng tôi chèo thuyền ra bờ hồ lúc rạng đông coi xem ai sẽ làm được bài thơ hay nhất

Rặng thông kia, lũ sồi mùa thu kia, mấy tảng đá kia,

Hồ nước âm u gió chạm vờn –

Ta cũng giống mi, con thuyền tăm tối,

Nổi trôi trên sóng nước được nhiều suối mát dưỡng nuôi.

Từ thời trai trẻ, nằm sâu dưới nước kia,

Ta từng mơ đến những kho báu lạ kỳ,

Không phải bạc vàng hay châu ngọc, mà là

tặng phẩm chân thực bên dưới các hồ Minnesota lạnh tái.

Sáng nay cũng thế, lang thang cùng ngọn gió sớm,

Ta cảm thấy hai tay, đôi giày, cả nét mực đây –

Cũng nổi trôi, như toàn thân này trôi nổi,

Phía trên các cụm mây của thịt da và đá.

Vài mối tình bạn, ít buổi bình minh, cỏ đôi lần thoáng gặp,

Dăm ba mái chèo nhuốm phong trần vì nắng nóng với tuyết băng,

Ta với bạn cứ thế bập bềnh trên hồ nước lạnh,

Bất kể con thuyền thẳng hướng hoặc lênh đênh.

(After drinking all night with a friend, we go out in a boat at dawn

to see who can write the best poem,56)

Cầm hai bàn tay

Cầm hai bàn tay người mình thương yêu,

Ta nhận ra chúng là những cái lồng mảnh khảnh…

Đàn chim tí hon đang ca hót

Trên các cánh đồng khuất vắng

Và trong các lũng sâu của bàn tay.

( “Taking the hands”, 42)

Chiều đến bất ngờ

Gần chúng ta là bụi đất vô danh,

Ngay phía bên kia đồi bãi bờ sóng vỡ,

Cây cối đầy chim chóc ta chưa gặp bao giờ,

Những mẻ lưới trĩu cá thâm u chìm xuống.

Buổi chiều đến; ta nhìn lên và thấy nó,

Chiều đến xuyên qua mạng lưới các vì sao,

Xuyên mớ sợi chằng chịt của cỏ,

Lặng lẽ bước trên các vùng tị nạn của nước.

Ngày sẽ không bao giờ chấm dứt, ta nghĩ vậy:

Mái tóc chúng ta hình như sinh ra để hưởng nắng ngày;

Nhưng rốt cuộc, sóng nước âm thầm của đêm sẽ dâng,

Và lớp da chúng ta sẽ thấy cõi xa, như lúc lặn sâu dưới nước.

(Surprised by evening, 15)

Đi săn chim trĩ trong ruộng bắp

I

Thân cây đơn độc giữa cánh đồng rộng – sao nó lạ lẫm thế?

Đó là cây liễu. Tôi bước vòng vòng quanh nó.

Thân xác bị xâu xé dị thường, không thể rời xa nó.

Cuối cùng tôi ngồi dưới gốc cây.

II

Đó là một gốc liễu trơ trụi giữa mấy mẫu bắp khô.

Nhánh lá rải rác quanh thân cây và tôi,

Màu lá nâu, lốm đốm những chấm đen tinh tế.

Giờ đây chỉ có các cọng bắp mới tạo nên tiếng động.

III

Mặt trời lạnh, cháy xuyên các khoảng cách không gian băng giá.

Mớ cỏ sậy đã chết cóng từ thuở nào.

Vậy thì cớ chi tôi lại thích ngắm nhìn

Vầng dương xê dịch trên làn da rét căm của cành nhánh?

IV

Trong bao năm tâm hồn đã rụng lá một mình.

Nó đứng riêng với lũ sinh vật nhỏ gần chân rễ.

Nơi chốn xưa này tôi thấy hạnh phúc,

Một điểm dễ phát hiện bên trên ruộng bắp,

Nếu tôi là con thú non lúc hoàng hôn sắp sửa quay về.

(Hunting pheasants in a cornfield, 14)

Bài thơ chống kẻ giàu có

Từng ngày tôi sống, từng ngày biển ánh sáng

Dâng cao, hình như tôi thấy

Giọt lệ trong khối đá

Như thể cặp mắt tôi đang ngắm dưới lòng đất.

Kẻ giàu có đầu đội nón đỏ

Không nghe được

Tiếng khóc nơi thôn làng của đóa huệ trắng,

Hay những hạt nước mắt u tối trong các chòi tranh của bắp.

Mỗi ngày biển ánh sáng dâng cao,

Tôi nghe tiếng xào xạc buồn rầu của các toán quân khuất trong bóng tối,

Với tiếng khóc của từng người,

Và lời sỏi đá nguyện cầu thê thiết.

Sỏi đá cúi đầu khi các toán quân sầu thảm đi qua.

( Poem against the rich, 27)

Trông cậy vào đâu

Bồ câu bay về: nó không tìm ra chốn nghỉ;

Nó đã bay suốt đêm trên những vùng biển động;

Bên dưới mái thuyền hồng thủy

Bồ câu sẽ quảng diễn chỗ nằm của cọp;

Hãy cho bồ câu sự bình an.

Đàn én đuôi chẻ đôi rời bực ngạch lúc rạng đông;

Khi chạng vạng đàn én xanh sẽ trở lại.

Đến ngày thứ ba con quạ sẽ bay;

Con quạ, con quạ có màu sắc nhện,

Nó sẽ tìm thấy bùn tươi để đạp lên mà bước.

( Where we must look for help, 29)

Hè, 1960, Minnesota

I

Sau một ngày lêu lổng, ghé thăm cây cầu gần Louisberg,

Với dòng nước bùn nóng trôi ngang

Bên dưới lũ én đầy hưng phấn,

Lúc này, giờ ngọ

Bọn tôi phóng qua các rẫy đậu oi bức,

Những cánh đồng alfalfa rắn rỏi, các luống ruộng cày

Tựa làn khói xanh diệp trĩu lê sát đất.

II

Trong tôi là sự hỗn độn của đàn én,

Chim chóc bay qua màn khói,

Cùng bầy ngựa cuồng nhiệt phi trên các đồng cỏ rạp.

III

Vậy mà bọn tôi đang rơi,

Rơi vào các cửa mồm mở của thâm u,

Rơi vào dòng Congo như rớt xuống sông,

Hoặc như lúa mì rơi vô miệng cối.

(Summer, 1960, Minnesota, tr.31)

Bài thơ chống người Anh

I

Gió luồn qua đám cây hương mộc

Tựa những lúc cưỡi con bạch mã lúc chiều tà,

Những khi lâm trận vì đất nước chống người Anh.

II

Tôi tự hỏi Washington có lắng nghe cây cối?

Suốt buổi sáng tôi ngồi giữa đám cỏ,

Cao hơn tầm mắt, dước các tàn cây,

Và nghe tiếng gió xào xạc trên cao trong lá.

Tôi chợt nhớ còn thêm một điều:

Còn cơn gió thổi luồn qua cỏ rậm.

III

Có những cung điện, tàu thuyền, im lặng giữa các ngôi nhà trắng,

Trong các phòng mát lạnh, nước uống bỏ đá trên mặt bàn cẩm thạch;

Làm người nghèo lắng nghe gió thổi cũng tốt thôi.

(Poem against the British, tr.28)

Bất an

Phía trên đất nước lửng lơ mối bất an khác thường:

Đây là điệu vũ cuối, các vùng biển Morgan1 cuộn sóng,

Cuộc chia chát chiến lợi phẩm. Nỗi rã rời

Len vào mớ hạt kim cương của xác thân.

Vụ nổ bắt đầu trong trường trung học, đứa trẻ suýt chết,

Khi xung đột kết thúc, và đất với biển tan hoang,

Hai hình thù trỗi dậy trong ta, rồi đi mất.

Nhưng con khỉ mõm chó huýt gió nơi bãi bờ nỗi chết —

Leo cây và té, vứt ném mớ hạt với sỏi đá,

Nó nhảy nhót quanh thân cây

Với cành nhánh ôm giữ khí lạnh trương đầy,

Mấy hành tinh xoay vòng và mặt trời đen,

Côn trùng nỉ non, đám nô lệ bé tí

Bị giam cầm trong thớ vỏ:

Charlemagne*, chúng tôi đang đến gần các đảo của ngài đây!

Giờ chúng tôi trở lại rặng cây tuyết phủ,

Quay về độ sâu của tăm tối dưới tuyết chôn vùi,

Xuyên qua đó ngài rong ngựa suốt đêm với hai bàn tay cóng;

Nay tăm tối đang phủ xuống chúng tôi lúc ngủ và thức giấc —

Cõi tối khiến bọn trộm run sợ, và lũ khùng thèm khát tuyết,

Cõi tối nơi đám chủ ngân hàng mơ thấy đá đen vùi lấp họ,

Và trong các tháp giam của giấc ngủ bọn thương nhân khụy gối quì.

(Unrest, tr.25)

Chú thích:

1Sir Henry Morgan là tay hải tặc lừng danh, chuyên tấn công các tàu biển chở vàng bạc của Tây ban nha. Charlemagne, lãnh tụ bộ tộc Franc, là hoàng đế khai sinh nước Pháp.