Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2024

Tết này, Thụy Khuê vẫn về

Tạp bút Tru Sa

Sát tuổi 35, tiến vào ngưỡng trung niên, tôi bắt đầu quên và nhớ, quên rất nhiều thực tại và ngẫu nhớ trong vô thức những điều tưởng chừng đã ngút mất trong đời. Lơ đễnh, quên đi lớp người đồng lứa, hờ hững với những giao hảo ngày càng mờ dần như chẳng có, mỗi lúc ngồi không, đi dạo phố, dạt bừa vào một quán cóc ven hè trí óc tôi dạt về chút hồi ức, nỗi nhớ nửa vời không tự chủ. Nhớ, bản nhạc Boney M mà ông bác thường bật mỗi buổi chiều, trùng vời giờ tôi đi học về, nhớ, lần đầu tôi nghe Thái Thanh hời mẹ Gio Linh, không thể thẩm nổi nhưng tôi ghiền, cứ phải luyện nghe để thấu tỏ chất giọng cao ngất duy ngã cổ kim, nhớ, cái tết mùng một năm 2022, đường phố đẫm sương và mưa phùn, nhìn cành bàng trơ trụi, tôi thấy tôi 12 năm trước, cũng khí trời lành lạnh như hờn dỗi, tôi ra Đinh Lễ mua Tuyển tập Chekhov, vừa đi vừa đọc, quên cả đường đi, may là tết, đường vắng, chẳng có xe, đấy là cuốn sách đầu tiên tôi mua, đề tặng mình, giữ đến bây giờ. Sự nhớ sự quên thất thường luôn khiến tôi trôi đi, sống mà như mơ, mơ mà như tõm vào những chuyến viết lạc lối. Gần đây, có vài người đánh tin hỏi thăm tôi và tôi lơ đi, trả lời nhát gừng cho có, không hào hứng, chắc bởi nhiều năm không thư từ hoặc đơn giản tôi đã quên mất mình có quen biết họ. Đời người cứ như tay không bắt lươn, cứ trơn đi, tuột biến lúc nào không hay. Người đánh cá tung hoành một đời ngoài đại dương, săn đủ loại cá, gặp, biết đủ loại người, nếm hết của ngon vật lạ, đến tuổi thì cũng về đất liền, dựng nhà cạnh làng chài tuổi thơ, mọi biến động trong đời trở thành chuyện kể cho người già và trẻ con. Từng xưng hùng trên biển, làm việc cho nhiều vương quốc, lên quan bằng sự am hiểu ngôn ngữ và văn hóa nơi đó nhưng vẫn bị nhìn như một tên lính hầu khôn ngoan chứ chẳng có sự tôn trọng ngang hàng với hoàng tộc, họ nể vì người đánh cá làm việc đắc lực, và khinh nhờn xuất thân con dân của làng chài, là tiểu đảo, tiểu quốc, cái cây có nhọn sắc vẫn nằm dưới dưới bóng đại thụ. Người đánh cá dong thuyền ra đi.

Năm ngoái, Thụy Khuê nói với tôi về tật vọng ngoại đến quên gốc của người Việt, cũng ý này, bà đã nhiều lần thư từ với tôi, lần về Hà Nội, bà nói tiếp chủ đề này. Phần vì, Thụy Khuê đang viết cuốn sách Lịch sử truyền giáo và chữ Quốc ngữ, trong quá trình thu thập tài liệu và đọc, mới thấy văn hóa nước Việt đã bị tẩy xóa rồi đồng hóa, từ chữ viết cho đến nếp ở, lối sống. Thay vì vơ vét hết tài nguyên và nhân tài mang về mẫu quốc, thẳng tay tàn phá mọi thứ, chỉ chừa lại văn tự của người Hán như nhà Minh thì người Pháp biến nước ta thành thuộc địa, dùng quyền lực mềm để thao túng, cải tổ lại An Nam theo ý họ. Tôn giáo không có lỗi, tội là ở chỗ thế quyền muốn sử dụng tôn giáo để bành trướng, hủy diệt nền văn hóa một nước. Ngôn ngữ là thủy tổ của một dân tộc và phải do dân tộc đó tạo ra, dù có cải cách thì gốc của chữ và từ vẫn phải gắn với nguyên bản của lịch sử, vậy nên, người Nhật, Hàn vẫn có thể đọc được cổ văn của đời trước, với những chữ đã bị thay đổi thì luôn được giảng dạy ở trường học từ cấp lá. Hong Kong, Đài Loan, Singapore đều tách ra từ Trung Quốc và ngôn ngữ của ba nước đều là nguyên bản của người Hoa, họ vẫn có có thể đọc được thư tịch cổ, còn Việt Nam, từ lúc hình thành chữ Quốc ngữ thì chữ Hán, Nôm đã trở thành môn học thêm dành cho lớp học giả nghiên cứu chữ Hán chữ Nôm. Chữ Quốc ngữ trở thành giai đoạn đứt gãy dòng chảy lịch sử. Năm cấp 2, học Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo, trong sách luôn có ba phiên bản: bản chữ Hán, bản phiên âm ra chữ Quốc ngữ và bản dịch ra tiếng Việt; cô giáo đứng lớp không đọc được nguyên bản và chúng tôi cũng vậy. Chữ Quốc ngữ dễ học, dễ viết, do người Pháp tạo ra hòng cắt đứt đi cội rễ của nước ta chứ tôi không tin đến sự thiện chí vô tư của đất nước luôn tự phụ người da trắng thượng đẳng. Cuốn sách Lịch sử truyền giáo và chữ Quốc ngữ không nhằm đánh đổ tượng đài hay đòi hỏi bỏ chữ Quốc ngữ dùng chữ Hán, Nôm, Thụy Khuê viết để trả lại sự thật đúng với vị trí của nó, cái đúng thì chấp nhận, cái sai thì phải nói và không nói suông mà bà dùng bằng chứng để làm sáng tỏ, qua đó người đọc có thể hiểu được cái hay, cái dở của một giai đoạn lịch sử kéo dài cho đến nay, từ đó người Việt chịu đọc văn hóa lõi của người Việt.

Ông phó bảng Phan Châu Trinh viết: “Tôi rất lấy làm lạ cho những người đã qua Nhật về, không đem cái hay cái tốt về cho dân nhờ mà chỉ làm giàu thêm tính nô lệ!”. Tính nô lệ ở đây là sự vọng ngoại, thấy nước khác văn minh, tiên tiến thì cúi đầu rồi khinh nhờn dân tộc, không ai tự vấn lý do nước bạn phát triển như vậy, họ đã trải qua những gì, canh tân như thế nào, làm sao để hội nhập thế giới mà không tự bóp méo, trở thành thần dân, tôi mọi cho nước lớn. Cụ Phan từng đi Nhật, biết cái hay của xứ anh đào, nhất là tinh thần tự cường dân tộc nên muốn Chấn Dân khí, bài trừ hết sự hủ hóa, lọc máu dân tộc, tiếc thay Fukuzawa thành công còn cụ thì không. Mới đây, tôi có đọc một bài viết về Nhật Bản về việc từ chối du khách tham quan núi Phú Sĩ. Đại ý bài viết nói về sự chỉ trích, chê bai của khách Tây rằng Nhật không hiếu khách, cấm họ cái này cái kia, chỗ vẫn đủ mà không cho vào, gắn cả biển cấm bẻ cành, viết, vẽ bậy hay nhặt bất cứ thứ gì, dù là nhành hoa, viên sỏi mang về, người Nhật đồng lòng, một tài khoản viết trên mạng rằng “Chúng tôi không du lịch bất chấp, nếu bạn bè quốc tế không tôn trọng thì đừng đến Nhật Bản nữa, hãy chọn một đất nước chịu chiều ý mà đến, nhưng có lẽ không có nơi nào ngoài quán bar nước bạn”. Nhật Bản phát triển bền vững ở chính tư cách dân tộc, đấy là điều chúng ta phải học hỏi, không thể bán danh dự văn hóa dân tộc lấy kinh tế. Là một người viết, sắp (hoặc không) chạm ngưỡng nhà văn, tôi hiểu nỗi lòng của những học giả không gặp thời, biết cả sự kỳ vọng của Thụy Khuê về dân tộc. Không lạ khi phần lớn công trình viết sách của Thụy Khuê là về người Việt, từ văn, thơ, nhạc, họa cho đến điện ảnh, trừ lớp người khuất mặt thì nên phê bình đương đại chỉ có Thụy Khuê là chăm viết phê bình cho văn học Việt, mọi trích dẫn đều từ tiền nhân, dẫn chứng của văn học Pháp là cái cốt để có sự đối chiếu giữa việc ảnh hưởng và dựa trên ảnh hưởng sáng tạo một cõi riêng. Thụy Khuê được nể và thân tình với nhiều thế hệ văn nghệ sỹ cũng vì lẽ đó.

Ngồi ở căn phòng tầng 6 ngõ Tây Hồ, Thụy Khuê kể “Năm 17 tuổi, cô sang Pháp, kinh đô của ánh sáng, cô lúc nào cũng mặc cảm xuất thân từ một nước nhỏ từng bị Pháp đô hộ. Thẹn lắm, luôn thấy mình nhỏ bé, sống nhiều năm ở Pháp, cô tỉnh ngộ dần, cảm thấy nước Pháp không vĩ đại như lời đồn. Chưa bàn tới Việt Nam, bọn Tây rất nhìn người Châu Á bằng nửa con mắt, lúc nào cũng tự ngạo mình là người da trắng thượng đẳng và coi thường người da vàng, đến cả Nhật, Hàn cũng bị coi không ra gì.”

Tự ti dân tộc, mặc cảm, nước nhược tiểu, đấy là quốc nạn hiện thời của nền văn nghệ kể từ sau 1975. Người người cuồng ngoại, cứ sách dịch là hay, nếu dở là do người dịch, ăn giải nước ngoài dù chỉ là giải nhỏ hội chợ là đã lắm, miễn là thơ, văn được dịch dù với mục đích đăng trên mạng hay dịch, in theo dự án ban thí của cường quốc là cười như pháo. Nguyên bản và chuyển ngữ luôn có sự đối lập về nghĩa, gần như là viết và chép lại tác phẩm bằng tiếng khác, truyền tải 80% đã là khó nói gì trăm phần trăm. Tôi đọc nhiều văn học dịch, cái đọc của tôi là sự nắm bắt tướng hình qua mặt chữ chứ không thể với thấy hồn tác phẩm, bởi mỗi người dịch một kiểu, tác phẩm chuyển ngữ hiện hình dựa trên nền móng văn hóa chữ của dịch giả. Phan Hồng Giang dịch Chekov văn phong uyển chuyển, những đoạn tả cảnh tả người tuyệt cú mèo; Cao Xuân Hạo dịch Chekov thì văn khô, lạnh, dịch Thảo nguyên không thấy được không khí lừng lững của truyện, bởi văn Chekov gọn và đẹp, nhưng khi dịch Phòng số 6 thì diễn tả đúng bối cảnh tù đày, điên loạn đầy bạo lực, dịch hay không bằng hợp tay; Nguyễn Tuân dịch theo lối tài tử, câu văn biến hóa khôn lường, chả rõ ông dịch hay viết lại bản dịch bằng cái ngông rách trời. Phải hiểu về văn, hiểu tác phẩm đến sành sõi mới dịch được, lứa dịch giả bây giờ chỉ dịch cho đúng, nghĩa là biết dịch hơn Google chứ chưa tài tình, chưa sâu, người ngoại quốc dịch văn học Việt thì tôi càng khó tin và không tin về độ chuẩn xác.

Tranh luận đã nhiều với Thụy Khuê qua thư, ý kiến về cái lớn cái nhỏ của dân tộc thông qua tác phẩm văn học mỗi người một ý. Thụy Khuê luôn tự hào nước ta cũng lớn, có nhiều cái hay, cái riêng ăn đứt Tây Tàu, hà cớ gì cứ phải lặ̣m vào văn hóa người ta, đến trích dẫn cũng khơi từ sách ngoại. Tôi thì, vẫn trọng cái tầm của ngoại quốc, bởi họ lập quốc sau nhưng đi xa hơn mình, nhiều thành tựu về công nghệ kỹ thuật, quân sự và nghệ thuật. Vậy nên, chỉ bàn đến cái khác và cái riêng của mỗi dân tộc chứ đối chiếu sự lớn nhỏ thì có mà đến năm sau. Số là, gần đây tôi đọc lại Akutagawa và thấy mọi thứ ông viết, từ đồ đạc, món ăn, khẩu ngữ đến trích giảng đều gắn với văn hóa lịch sử nước Nhật, dẫn giải từ sách Tây, nếu có, rất ít. Dường như, đó là tinh thần tự tôn của người Nhật, cái này tôi phải học, chứ nhiều người thành danh, là đại thụ vẫn quen lấy bí tích nước ngoài để so sánh, làm rõ nghĩa hoặc đơn giản là làm nặng câu văn bằng cách dẫn lời của vỹ nhân, thơ của Voltaire thấm hơn thơ Nguyễn Du, câu nói của Rousseau chí lý hơn của Phan Châu Trinh, lấy ví dụ về Thành Cát Tư Hãn oách hơn về Trần Hưng Đạo, về nhạc thì cứ cho nhân vật nghe giao hưởng là có học vấn cao còn nghe Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng là bình dân học vụ, và nhiều rất nhiều sự trích cú vô lối của người phúc ta.

Thời điểm viết truyện ngắn Nhà, thường tôi có cái sai khi cố tình để nhân vật yêu bản giao hưởng số 6 của Beethoven. Nhân vật nghe nghĩa là tôi phải nghe và hiểu về bản số 6 mà tôi khi đó không có kiến thức gì về giao hưởng, đành ép mình nghe, lúc tìm nhạc trên mạng tôi còn nhầm giữa bản nhạc của Beethoven với bản số 6 trong một bộ phim Hàn Quốc. Nhạc hay nhưng chả hiểu hay ở đâu và tinh túy trong đó, tôi đành phải là cái trò khốn nạn nhất với người cầm bút đó là lùng đọc các phân tích, giải mã về bản giao hưởng số 6. Tôi nghe, nghe mãi, trên dưới 50 lần, cốt để định hình tư duy cho nhân vật cùng lý do y mê muội bản nhạc tới mức máu lạnh trước mọi sự, là cõi bình yên, là một vở kịch, là ác tâm hay sự an nhiên trên nỗi khổ người khác. Truyện ngắn được chị Thơ Thơ tán thưởng, tôi thử đọc lại, thấy đó vẫn là truyện khá trừ những phần viết về giao hưởng, quá sáo rỗng và dối trá, tôi lại muốn sửa Bản giao hưởng số 6 thành Giọt mưa trên lá hoặc Buồn tàn thu, tôi tự tin mình hiểu và có thể diễn hóa thêm một tầng nghĩa nữa, nhưng thôi, truyện đã xong, đăng rồi, tôi hôm nay khác tôi hôm qua, sửa là vứt.

Đọc văn trẻ, văn mới, tôi thấy nhạt, phần vì trích dẫn tứ tung, cứ Tây Tàu, Nhật Hàn là nhét vô tội vạ, tác giả đọc sách gì là cho nhân vật đọc sách đó, lấy nguồn mà không hiểu văn cảnh của dòng văn, bỏ cho có, để khoe với độc giả mình đọc nhiều, đấy là cách đọc, cách viết bó gối xưng thần chứ không để đối thoại với kim cổ tiền nhân – điều căn bản vỡ lòng của sáng tạo. Nhiều em nhiều cháu mới đăng ba truyện, in vài đầu sách là được báo chí lẫn các ông khốt già gọi là nhà văn, bệnh sĩ tự ngạo ta đây từ đó mà ra, vớ bừa một cuốn sách của nhà văn mới nổi lĩnh đủ các loại giải, tôi đọc lướt chục trang là nắm được hết tư duy người viết, văn thế là vứt, văn hay là phải đọc đi đọc lại, đọc mãi không hiểu, từ sự không hiểu đó mới hình thành một cách hiểu mới, ấy mới là sự sáng tạo dựa trên sự sáng tạo. Văn hóa, lịch sử dân tộc trôi đi bởi người Việt tự quên, bỏ rơi tông tộc, chạy theo sự thời thượng dễ mai một của nước lớn.

Không biết từ lúc nào, trong nước đẻ ra khái niệm toàn thời gian. Viết văn toàn thời gian, viết thơ toàn thời gian và tất thảy những tuyên ngôn đó đều mửa ra những tác phẩm dở ông dở thằng, in ra để khoe khoang và mị dân nhưng dân ta giờ khôn lắm, đám nghệ sỹ nửa mùa họ không quan tâm mà còn khinh, nhục nhất là bị dân coi như đám rỗi hơi ăn no rửng mỡ. Sau cùng, những kiệt tác toàn thời gian được in ấn bằng tiền xin vợ con trở thành lá đơn xin ứng cử làm hội viên Hội Nhà văn, nơi mỗi người có thể thỏa chí phét lác về bản thân, nào là mơ thấy là Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm cho chữ, nào là đi xem được thầy phán có tướng quan văn, tiền kiếp là quan thượng thư nhà Lý, nào là khát vọng ghi tên trên bảng Phong Thần, toàn lũ phét lác cả, văn thơ như ngỗng ỉa, thua cả trẻ con. Người có thể toàn tâm cho văn nghệ trăm phần trăm rất hiếm, như Kafka, Borges, đều là người giỏi mang trọng bệnh, lìa đời khi sự nghiệp còn dang dở. Thụy Khuê là người thứ ba chuyên tâm vì công việc bất kể thời gian. Lần nào tôi viết thư thì bà cũng đang làm việc, viết gửi cho Da Màu, Văn Việt, trang nhà ThuyKhue hoặc viết sách, bà kể, lịch làm dày đặc, sách chưa xong thì không có thời gian trống. Hiện giờ, Thụy Khuê vẫn làm việc, bởi tuổi tác, mắt mờ, tay chậm, trí nhớ suy giảm, gõ chữ lẫn lộn nên luôn phải cố, bà làm việc thâu đêm, từ 3-5 giờ sáng, “Phải làm cho xong, sợ mấy năm nữa cô bị Alzheimer thì lại uổng.” Thụy Khuê bảo vậy thì tôi biết vậy. Tháng 2 năm ngoái, Thụy Khuê đã lão đi so với cuộc gặp năm 2018, chưa hết một năm, gặp lại, tôi thấy khí sắc bà dốc không ngờ, tóc bạc nhiều, đi đứng chậm chạp, lười đi lười gặp người nhưng tinh thần làm việc vẫn rắn rỏi. Về nước, bà vẫn sắp xếp thời gian để viết nốt chương sách về Lữ Y Đoan, xểnh ra là mở máy làm việc, tuồng như bà không có hứng thú với trò tuổi già vui thú điền viên, hoặc với bà, tuổi càng cao càng phải tranh thủ làm cho hết những kế hoạch bỏ ngỏ. Nghĩ là làm, làm là nghiêm túc và phải xong, cách làm việc của Thụy Khuê rất Đông Kinh Nghĩa Thục, đấy là tinh thần bà học được của giáo sư Nguyễn Văn Trung và chúng ta phải nhìn vào, tự ngẫm.

Ghi tạm trong những ngày Thụy Khuê còn vương bóng quê.