Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 20 tháng 9, 2023

Tượng đài nữ thần Kim Quy của Vũ Khắc Khoan

Liễu Trương

clip_image001

Vũ Khắc Khoan (1917-1986) là một nhà văn nổi tiếng ở miền Nam, thời 54-75. Ông sớm bỏ ngành kỹ sư canh nông để theo đuổi đam mê của mình là môn kịch nghệ. Thời còn ở Hà Nội, ngoài việc dạy môn sử ở các trường Nguyễn Trãi và Chu Văn An, Vũ Khắc Khoan đã sáng tác ba kịch bản: Thằng Cuội ngồi gốc cây đa (1948), Hậu trường (1949) và Giao thừa (1949). Thằng Cuội ngồi gốc cây đaGiao thừa đã được trình diễn ở Nhà Hát Lớn Hà Nội, năm 1951 và năm 1952.

Di cư vào Nam năm 1954, Vũ Khắc Khoan hoạt động trong nhiều lĩnh vực: báo chí, giáo dục, văn học, kịch nghệ. Trước hết ông cộng tác với nhật báo Tự Do. Rồi cùng với Nghiêm Xuân Hồng, Mặc Đỗ, ông thành lập nhóm Quan Điểm, nhóm trí thức tiểu tư sản, phụ trách tờ tuần báo Quan Điểm và nhà xuất bản mang cùng tên. Vũ Khắc Khoan cũng chủ trương nguyệt san văn học Vấn Đề với Mai Thảo. Nỗi đam mê kịch nghệ khởi đầu từ thời còn sống ở Hà Nội, nay được Vũ Khắc Khoan triển khai mạnh mẽ, với những kịch bản: Thành Cát Tư Hãn (1961), Ngộ nhận (1969), Những người không chịu chết (1972), Ga xépLộng ngôn, và những công trình khảo cứu như: Tìm hiểu sân khấu chèo (1974), Vở chèo Quan Âm Thị Kính (1974). Vũ Khắc Khoan giữ chức Giám đốc Kịch nghệ ở Trường Quốc Gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn.

Là một nhà giáo, Vũ Khắc Khoan không hề rời bục giảng. Vào Nam, ông vẫn tiếp tục dạy học ở hai trường Nguyễn Trãi và Chu Văn An được dời vào Nam; rồi từ năm 1962, ông phụ trách môn văn học ở các đại học Sài Gòn, Đà Lạt và Huế. Ông truyền cho học sinh và sinh viên của ông niềm yêu thích kịch nghệ. Tại Viện Đại học Đà Lạt, dưới sự hướng dẫn của ông, ban kịch Thụ Nhân đã lập nhiều thành tích, qua việc trình diễn những vở kịch cổ điển Pháp dịch sang tiếng Việt, về kịch Việt Nam, đáng kể nhất là vở kịch Thành Cát Tư Hãn của Vũ Khắc Khoan đã gây nhiều hào hứng.

Ngoài những kịch bản kể trên, Vũ Khắc Khoan còn là tác giả một tập truyện: Thần Tháp Rùa (1957), và một tập tùy bút mà ông gọi là túy bút: tập Mơ Hương Cảng (1971).

Sau biến cố tháng 4 năm 1975, sống ở hải ngoại, Vũ Khắc Khoan có viết thêm: Đọc kinhĐoản văn xa nước.

Về truyện, Vũ Khắc Khoan không viết nhiều, phải chăng vì ông luôn luôn khắc khoải về cái đẹp của chữ nghĩa? Ông đã từng tuyên bố: “Ngôn ngữ là chất liệu làm nghệ thuật của chúng tôi. Chúng tôi không đùa với chữ”. Ông nâng niu, mài giũa chữ nghĩa, ông đi tìm cái đẹp để làm mới tác phẩm của mình. Đó là trường hợp của tập truyện Thần Tháp Rùa, gồm bốn truyện ngắn: Thần Tháp Rùa, Trương Chi, Nhập Thiên Thai Người đẹp trong tranh. Bốn truyện cùng chung một chủ đề lớn: chủ đề Lựa Chọn:

* Lựa chọn tâm trạng mãi băn khoăn trước thời thế hay hành động dấn thân vào thời cuộc (Thần Tháp Rùa).

* Lựa chọn sống với những người đồng cảnh hay với những người gây áp lực và tước đoạt tự do của mình (Trương Chi).

* Lựa chọn một Thiên đường giả tạo, tức Thiên đường của chủ nghĩa cộng sản, hay cuộc sống hiện thực (Nhập Thiên Thai).

* Lựa chọn phương tiện hay cứu cánh, tức lựa chọn tương đối hay tuyệt đối (Người đẹp trong tranh).

Ba truyện đầu là lựa chọn trước thời cuộc và truyện cuối là lựa chọn có tính triết lý. Sáng tạo của Vũ Khắc Khoan độc đáo ở cách lồng những lựa chọn đó vào một hình thức cổ xưa, còn nguyên vẻ đẹp của nền văn hóa dân gian, đó là hình thức huyền thoại (Thần Tháp Rùa, Trương Chi, Thiên Thai), hoặc huyền thoại nảy sinh từ một tác phẩm văn chương (Người đẹp trong tranh).

Trong bốn truyện, trội nhất là Thần Tháp Rùa. Vũ Khắc Khoan đã hiện đại hóa một huyền thoại cổ truyền, và làm cho truyện hư cấu có một ý nghĩa sâu xa và một giá trị mỹ học. Dưới ngòi bút của Vũ Khắc Khoan, Thần Kim Quy có ý nghĩa gì?

Khi sáng tác truyện, nhà văn dù có óc tưởng tượng độc đáo đến đâu cũng phải đi từ một điểm nào, từ một hoàn cảnh nào của hiện thực. Văn chương phản ánh hiện thực của đời sống con người. Năm 1954, khi đất nước bị chia đôi, miền Bắc thuộc chế độ cộng sản, miền Nam chế độ cộng hòa, thì một số người trí thức miền Bắc không từng bị chủ nghĩa Mác xít mê hoặc, đâm ra băn khoăn, trăn trở trước một quyết định lớn lao không tránh được: ra đi hay ở lại? Nhiều tác phẩm văn chương đã nói lên tâm trạng ưu tư đó như: Đêm giã từ Hà Nội của Mai Thảo, Bếp lửa của Thanh Tâm Tuyền, Áo mơ phai của Nguyễn Đình Toàn, v.v.

Về phần Vũ Khắc Khoan, ông cũng nói lên nỗi băn khoăn, trăn trở của lớp người trí thức miền Bắc, nhưng dưới hình thức của huyền thoại Thần Kim Quy. Tác giả vẽ lên một dòng lịch sử không căn cứ vào năm tháng của tờ dương lịch, mà do một chuyện thần thoại dẫn dắt. Theo truyền thuyết, Thần Kim Quy xuất hiện trong huyền sử vào hai thời điểm: thời An Dương Vương lập nước với thành Cổ Loa, và thời vua Lê Thái Tổ với thanh kiếm Lam Sơn ở Hồ Gươm. Vận nước nổi trôi theo dòng huyền sử đó.

Truyện của Vũ Khắc Khoan gồm hai giai đoạn: trước và sau khi Thần Kim Quy xuất hiện.

I Thời gian chờ đợi

Để chuẩn bị sự xuất hiện của Thần Kim Quy đến từ một huyền thoại cổ xưa, tác giả Vũ Khắc Khoan dàn dựng một bối cảnh mang màu sắc của thời xưa: thời gian là năm Mão rồi năm Thìn, không gian là Kẻ Chợ. Người xưa gọi Kẻ chợ là nơi thị thành, là nơi đô hội. Ca dao có câu:

Nghĩ em đáng lạng vàng mười

Đem ra kẻ chợ kém người trăm phân.

Trong truyện, Kẻ Chợ là Hà Nội với Hồ Gươm. Nhân vật duy nhất là một chàng thư sinh họ Đỗ, từ làng quê lên Kẻ Chợ để đi học, sau khi đã bán ruộng đất của bố mẹ để lại. Vũ Khắc Khoan miêu tả Đỗ như một  nhân vật nho phong. Ở Kẻ chợ, Đỗ ngày ngày dạy học và đi nghe giảng văn. Về nhà thì đóng cửa đọc sách, không giao du với ai, tính tình ít nói, nhưng nếu gặp người ưu thời mẫn thế, muốn bàn luận, thì Đỗ lại thao thao bất tuyệt. Cơ hội xảy đến khi có người đến gặp Đỗ để hỏi ý kiến và bàn luận về thời cuộc. Ngôn ngữ trao đổi của đôi bên là ngôn ngữ của thời xưa, ngay cả Karl Marx cũng được mang một cái tên do Hán học ban cho: Mã Khắc Tư. Họ đem cổ nhân ra luận bàn và làm dẫn chứng. Người khách của Đỗ nói:

Mã Khắc Tư cầm bút mà thiên hạ phân đôi. Một đàng tư bản đè xuống, một đàng vô sản vùng lên. Tấn tuồng Hán Sở tranh hùng thuở xưa lại diễn.

Rồi cứ theo cái đà của Mã Khắc Tư mà bàn đến tư sản và vô sản. Lại bàn đến Tô Tần, người đời Đông Chu, ở xứ Lạc Dương, có đưa ra kế “hiệp tung” là hiệp các nước nhỏ mà cự với nước lớn là nước Tần. Người khách cũng nhắc đến “Dân vi quý” của thầy Mạnh Tử hay lối “vô vi” của Lão Tử. Còn Đỗ thì đưa sách Luận ngữ ra phân tích, điều dẫn. Đỗ học cao hiểu rộng, luôn theo dõi thời cuộc, lòng đầy băn khoăn. Như lớp trí thức thời xưa, Đỗ dựa vào lời cổ nhân để tìm giải pháp cho thời nay; nhưng cổ nhân dù có thiên tài đến đâu cũng bất lực trước những vấn đề nan giải của thời hiện tại.

Những thao thức, trăn trở của Đỗ là một chờ đợi, một cơ hội thuận tiện cho một biến cố sắp xảy đến.

II  Kim Quy thần khải

Trong khi Đỗ băn khoăn ngày đêm, thì ở Kẻ Chợ ngày nguyên tiêu – ngày rằm tháng giêng – năm Mão, có lễ hội Chợ Hoa được diễn ra tưng bừng. Dân Kẻ Chợ đông đảo kéo nhau đến Hồ Gươm. Để lễ hội thêm phần hào hứng, viên thị trưởng nảy cái ý cho kéo lưới bắt Rùa ở hồ lên để dân chúng xem.

Người chủ trọ thấy Đỗ ngày càng héo hon, bèn thúc giục Đỗ đi xem lễ hội. Thế là Đỗ ra khỏi nhà, vào lúc chiều xuống, khách xem rùa đã thưa dần. Đỗ đi ven hồ, bỗng thấy Rùa đầu cổ sần sùi, bốn chân bị trói. Dưới ánh trăng nguyên tiêu, Rùa dường như ứa lệ. Đỗ bèn xăn tay áo cởi trói cho Rùa. Rùa liền có cử chỉ biết ơn và dường như âu yếm: Rùa dụi đầu vào tay Đỗ.

Trở về nhà đêm hôm đó Đỗ không tài nào đọc sách được như thường lệ, vẫn trong tâm trạng chưa tìm thấy chân lý; cổ nhân, quá khứ, không phải là những ánh sáng chỉ đường. Người thư sinh thở dài, cảm thấy mình cô đơn. Vừa lúc đó một mỹ nhân xuất hiện trước mắt Đỗ và bảo là Đỗ không cô đơn vì đã có nàng. Đỗ kinh ngạc, rồi rơi vào cơn mê. Sáng hôm sau khi Đỗ thức tỉnh, hương thơm của người đẹp vẫn còn vương lại. Những đêm sau người đẹp trở lại, không khí ma quái như trong truyện Bồ Tùng Linh. Đỗ bắt đầu say mê người đẹp, bỏ ăn uống, sách vở, con người phờ phạc, chỉ sống trong chờ đợi giây phút gặp gỡ, yêu đương. Nhưng rồi người đẹp hóa thân trở lại thành Rùa trước sự ngỡ ngàng của Đỗ. Một cuộc đối thoại đôi bên bắt đầu, trong khi Đỗ vẫn mù quáng vì tình yêu, thì Rùa cho biết đã có công với Đất Nước qua những biến cố Cổ Loa, Hồ Gươm. Đỗ giật mình: thì ra đây là Thần Kim Quy. Thần giải thích về cái nỏ ban cho An Dương Vương, cái thanh kiếm Lam Sơn, thất bại hay thành công là do con người, Thiên Đình dù biết trước những gì sẽ xảy ra nhưng không can thiệp được. Tâm trạng của Đỗ dần dần biến đổi. Đỗ nghĩ đến việc xin thanh kiếm để mưu đại sự. Rồi bỗng nhiên Đỗ đốt hết sách quý của mình, đó là cuộc phần thư mà Thần Kim Quy cho là một hành vi quyết định của Đỗ, hành vi này đã động đến Thiên Đình.

Trong tịch mịch của đêm đông, người con trai bắt đầu giác ngộ: giữa bãi chiến trường nhọn hoắt đao gươm, Đỗ lần lần nhận rõ chỗ đứng của mình. Người thần nữ đọc được ý nghĩ của chàng. Nàng bèn lên tiếng:

– Trong binh pháp, thường nhắc đến thế bối thủy. Chàng nhận thấy chưa? Không tiến cũng chết. Mà đứng yên lại càng chóng chết.

Nhận kiếm thần là nhận nhiệm vụ, Đỗ tự hỏi một mình biết làm nổi không?

Thần Kim Quy thúc giục:,

Sao lại một mình? Thời đã đến, ắt là cái thế chung cho phần đông thiên hạ. Vả lại kiếm thần sẽ giao tận tay, chàng ngần ngại ư?

Đỗ bèn hăng hái nhận kiếm thần. Thần Kim Quy hẹn: giữa đêm trừ tịch năm nay…

Năm Thìn, giữa đêm trừ tịch một biến cố xảy đến: cầu Thê Húc dẫn đến đền Ngọc Sơn bỗng bị gãy ngang, mặc dù gỗ cầu còn tốt. Đông đảo người dân đi xin lộc ở đền Ngọc Sơn bị ngã xuống hồ.

Còn Đỗ cũng đêm trừ tịch đã biến mất.

Ra khỏi chuyện thần thoại, người đọc có thể trở về với trang sử thời nay. Mặc dù tác giả đã khéo léo cho thời xưa và thời nay đan vào nhau, nhưng có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy đây là lịch sử Việt Nam vào đầu nửa sau thế kỷ 20, tác giả nhắc đến năm Mão tức năm 1951 và năm Thìn, năm 1952; vào thời đó, chủ nghĩa cộng sản gây bao trăn trở, lo âu, rồi cầu Thê Húc gãy, khiến có người muốn bán nhà để vào Nam. Rõ ràng là vào thời điểm đất nước chia đôi, đưa đến cuộc di cư vào Nam. Cầu Thê Húc gãy tượng trưng cho sự phân đôi lãnh thổ, và chiếc cầu này làm liên tưởng đến cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải, ranh giới giữa hai miền Nam Bắc. Một chi tiết khác cũng gợi lên bối cảnh đất nước bị chia đôi: khi Đỗ quá say mê Thần Kim Quy, không muốn đôi bên xa nhau. Đỗ ngậm ngùi hỏi:

– Xa nhau mãi ư?

– Sớm lắm cũng khoản hai năm. Còn chậm, thật chưa biết đến bao giờ.

Theo Hiệp định Genève thì hai năm sau ngày ký kết Hiệp định sẽ có tổng tuyển cử để đất nước được thống nhất, nhưng điều đó chưa chắc theo Thần Kim Quy.

Những chi tiết trên đây cho thấy Đỗ là người có lòng với Đất Nước, được Thần Kim Quy cổ vũ. Đỗ không còn băn khoăn, do dự nữa. Đỗ cương quyết lên đường nhập cuộc, mưu đại sự

Thần Kim Quy không phải là người đẹp liêu trai, đem sắc đẹp quyến rũ một người thanh niên có kiến thức rộng, có lòng yêu nước. Thần Kim Quy là một sứ giả đem đến cho con người có thiện tâm một thông điệp để cứu vãn Đất Nước.

III  Huyền thoại trong sáng tạo của Vũ Khắc Khoan

Cái đẹp mà Vũ Khắc Khoan muốn bảo tồn chính là huyền thoại. Nền văn hóa nước nào cũng có một kho tàng huyền thoại. Nhưng trước tiên huyền thoại là gì? Theo định nghĩa của Tây phương thì huyền thoại là một truyện kể mà nhân vật là những vị thần hoặc những bậc anh hùng hào kiệt thuộc thời quá khứ của một cộng đồng văn hóa. Huyền thoại khởi đầu bằng hình thức truyền khẩu, rồi dần dần với đà tiến hóa của văn minh, huyền thoại được ghi chép và tồn tại. Huyền thoại Sơn Tinh Thủy Tinh, huyền thoại Thánh Gióng trong tiền sử của nước ta đều đáp ứng với định nghĩa này. Với tính cách là truyện kể về các vị thần, huyền thoại được tin là một sự thật cao siêu, một sự thật lịch sử.

Về sau huyền thoại được ghi chép dưới nhiều hình thức văn chương như: sử thi, bi kịch, thơ trữ tình… Trong trường hợp này, huyền thoại được gọi là huyền thoại văn chương (Pháp gọi là le mythe littéraire). Vậy ngòi bút của Vũ Khắc Khoan đã biến Thần Kim Quy thành một huyền thoại văn chương.

Theo học giả Marc Eigeldinger, tác giả cuốn Lumières du Mythe (Ánh sáng của huyền thoại)[1], thì khi huyền thoại được văn chương chuyển tải, huyền thoại trở nên một ngôn ngữ. Tác giả cũng nói thêm rằng khi huyền thoại có cái hình thức của một truyện kể hư cấu thì huyền thoại không phải là một điều được xác thực, mà là một sự thật có tính giả thuyết, là đối tượng của một niềm tin, huyền thoại thể hiện cái khả thi. Do đó chức năng của một huyền thoại có tính biểu tượng và loại suy, chức năng của huyền thoại nói lên những điểm giống nhau giữa nội dung truyện kể và cuộc đời của con người.

Cũng theo Marc Eigeldinger, huyền thoại văn chương bao gồm tất cả không gian và thời gian, có thể hướng về sự lưu luyến thời nguyên thủy mà cũng có thể hướng về một tương lai ảo. Huyền thoại văn chương được lồng vào một hiện tại có tính chu kỳ, phi thời gian. Không gian và thời gian qua sự trung gian của huyền thoại được phản chiếu trong một tổng thể theo vòng tròn là tổng thể của sự mãi mãi trở lại (l’éternel retour).

Ngoài ra, huyển thoại văn chương là một ngôn ngữ đa dạng, một ngôn ngữ đặc thù, thay thế hình thức truyền khẩu. Ngôn ngữ đa dạng và đặc thù đó có thể biến hóa, làm mới huyền thoại bằng cách dùng ẩn dụ và biểu tượng.

Huyền thoại là một ngôn ngữ đôi: một mặt, huyền thoại đặt ra một diễn ngôn thể hiện những tương quan giữa con người với vũ trụ và xã hội; mặt khác, huyền thoại trông nhờ vào sự viết để truyền lại cái thực thể của huyền thoại cho đời sau.

Vậy đã đến lúc chúng ta đi vào huyền thoại Thần Kim Quy mà Vũ Khắc Khoan với văn phong của ông đã biến thành một huyền thoại văn chương.

Như trên đã nói, chủ đề lựa chọn được lồng vào huyền thoại Thần Kim Quy. Tác giả đã khéo chuẩn bị sự xuất hiện của Thần Kim Quy và vai trò sứ giả của vị thần này.

Trong truyện, Vũ Khắc Khoan tạo một trò chơi với thời gian: quá khứ và hiện tại đan vào nhau như đã nói. Chẳng những tác giả đi từ đời xưa đến đời nay, mà còn làm thấp thoáng thời hiện đại trong bối cảnh của thời xưa. Truyện mở đầu bằng câu: Năm loạn đầu hậu bán thế kỷ hai mươi dương lịch, có người trẻ tuổi họ Đỗ bán ruộng bỏ vùng quê lên Kẻ Chợ trọ học. Ngay trong câu này thời nay được ráp với thời xưa qua nhân vật Đỗ. Và khi Đỗ bàn luận với người khách thì qua những vấn đề được nêu lên, giữa những tên tuổi của cổ nhân bỗng thấy có những tên tuổi đến từ Tây phương: tư tưởng của Pascal, quan niệm nghệ thuật của Kant. Rồi lại có Hồ Hữu Tường của thời nay muốn vượt chủ nghĩa Mác xít. Bên cạnh Lão Tử lại có Sartre. Thật là một kiến thức đa dạng, linh tinh, theo dòng chảy của thời gian. Tuy nhiên có thể hiểu rằng tác giả muốn tạo nên sự gặp gỡ giữa Đông và Tây, sự gặp gỡ của thời xưa của cổ nhân với thời nay mà văn hóa đã mở ra với Tây phương. Cuối truyện thấp thoáng phong trào di cư từ Bắc vào Nam: năm Thìn, giữa đêm trừ tịch, người Kẻ Chợ thấy cầu Thê Húc sụp đổ, cho rằng Thần Rùa báo oán và tính chuyện bán nhà, vào Nam. Cũng năm Thìn, giữa đêm trừ tịch Đỗ đã bỏ kinh thành, biệt vô âm tín. Người đọc cũng dễ đoán là Đỗ đã chọn lựa lên đường vào Nam.

Bằng ẩn dụ, Vũ Khắc Khoan đã đưa huyền thoại Thần Kim Quy vào văn chương để làm tái sinh huyền thoại ngay trong thời hiện tại của Đất Nước, đồng thời vừa nuôi dưỡng kho tàng văn hóa của dân gian vừa cho Thần Kim Quy cái vai trò sứ giả của Thiên Đình, sứ giả mang thông điệp đến cho kẻ yêu nước.

Nhà văn Pháp Michel Tournier đã từng tuyên bố về sự tồn tại của huyền thoại: Cái chức năng sáng tạo văn chương và nghệ thuật đó lại càng quan trọng hơn khi những huyền thoại cần được nuôi dưỡng và làm mới nếu không sẽ chết. Một huyền thoại chết được gọi là một phúng dụ.[2]

Phúng dụ là cách thức kể một truyện về sau bị đóng khung, trở thành một ngụ ngôn. Ẩn dụ là cách thức kể một truyện làm liên tưởng đến những điều gì khác, và có khả năng làm biến đổi truyện.

Như chúng ta đã thấy, huyền thoại của Vũ Khắc Khoan là một ẩn dụ, trái với phúng dụ. Sự lựa chọn giữa hai chế độ Bắc Nam được trình bày qua ẩn dụ Thần Kim Quy.

IV Vũ Khắc Khoan một nhà văn duy mỹ

Bàn đến cái đẹp trong văn chương, chúng ta thường liên tưởng đến Nguyễn Tuân, một nhà văn duy mỹ tài hoa trong văn học Việt Nam. Vào thời tiền chiến, Nguyễn Tuân đã nổi tiếng với tác phẩm đầu tay Vang bóng một thời (1940) gồm 12 tùy bút và truyện ngắn. Là một nhà văn có tâm hồn hoài cổ, Nguyễn Tuân đi tìm cái đẹp của nếp sống phong lưu trong xã hội nho phong thời xưa, với những cái thú thanh tao như thú uống trà, thú chơi hoa lan và ăn kẹo mạch nha, thú thả thơ, đánh thơ, thú thưởng ngoạn nét chữ đẹp, v.v.

Tóm lại, với một văn phong uyên bác, tao nhã, độc đáo, Nguyễn Tuân đã tôn vinh cái đẹp của thời xưa, khi văn hóa Tây phương chưa tràn vào nước ta.

Trong văn học miền Nam, Vũ Khắc Khoan, với tập truyện Thần Tháp Rùa, cũng là một nhà văn duy mỹ. Vũ Khắc Khoan là người yêu cái đẹp. Ông đi tìm cái đẹp trong giọng hát của Trương Chi, trong cảnh thần tiên Thiên Thai, qua người phụ nữ đẹp trong tranh, ông biến một con rùa đầu cổ sần sùi thành một mỹ nhân, một Nữ Thần kiều diễm. Vũ Khắc Khoan quý chữ nghĩa, như đã nói, chữ nghĩa phải được trau chuốt để đạt tới cái đẹp. Văn phong của ông uyên bác, có khả năng tạo lại xã hội của thời xưa, bao gồm không gian, thời gian và nhân vật, và tạo lại cái không khí liêu trai.

Nguyễn Tuân và Vũ Khắc Khoan đều hoài cổ, nhưng hình thức và nội dung của hai niềm hoài cổ khác hẳn nhau. Hoài cổ của Nguyễn Tuân hướng về thời nho phong, dừng lại ở những cái đẹp của thời đó.

Còn hoài cổ của Vũ Khắc Khoan đi xa hơn, đến tận nguồn di sản văn hóa Việt Nam, đó là huyền thoại, đặc biệt huyền thoại Thần Kim Quy. Sau chuyện cái nỏ ban cho An Dương Vương và cái thanh kiếm Lam Sơn ở Hồ Gươm, Thần Kim Quy không vĩnh biệt dân tộc Việt Nam, dưới ngòi bút của Vũ Khắc Khoan, Thần Kim Quy trở lại để mang một thông điệp và đồng hành với những con người có lòng yêu đất nước.

Vũ Khắc Khoan không những trở về với huyền thoại mà còn hiện đại hóa huyền thoại, đem cái đẹp xưa về với thời nay, và cho cái đẹp một ý nghĩa thiêng liêng: sự tái hiện của Thần Kim Quy là để cổ vũ tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam.

Đưa huyền thoại vào văn chương là một cách vừa làm mới huyền thoại, cho huyền thoại một sự tồn tại lâu dài, vừa phong phú hóa văn chương.

Truyện Thần Tháp Rùa thể hiện tư duy và nghệ thuật kể truyện tinh vi của Vũ Khắc Khoan. Ngôn ngữ của Thần Tháp Rùa là một ngôn ngữ xưa để nói về thời nay, một ngôn ngữ có khả năng gợi lên nhiều hình ảnh, nhiều liên tưởng, mở ra một chân trời mới với một câu hỏi hệ trọng: nước Việt Nam vừa bị chia đôi, lý tưởng nào, hệ tư tưởng nào cho giới trí thức để lên đường dấn thân cho Tổ Quốc?


[1] Marc Eigeldinger, Lumières du Mythe, Nxb PUF, 1983.

[2] Michel Tournier, Le vent Paraclet, Nxb Gallimard, 1977.