Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2023

Nhà trường đang bị biến thành trại giáo dưỡng?

Thái Hạo

Chương trình giáo dục 2018 quy định học 2 buổi/ngày. Đây là một hướng đi đúng, nhưng là về mặt lý thuyết. Còn thực tế thì phải căn cứ vào nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập, căn cứ vào cơ sở vật chất và điều kiện thực hiện. Bằng không, nó sẽ biến nhà trường từ nơi giam nhốt học sinh mỗi ngày 1 buổi thành giam 2 buổi.

Nhìn vào những cái thời khóa biểu kín đặc sáng chiều và có khi còn cả chủ nhật nữa, mà kinh hãi.

Hầu hết các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đều học 2 buổi mỗi ngày, nhưng “học là chơi, chơi là học”. Như Phần Lan, vào học muộn, tan học sớm, thời gian nghỉ sau mỗi tiết là 15 phút. Còn trong mỗi tiết học, học sinh có thể mặc đồ ngủ trong lớp và ngồi sofa ở bất cứ vị trí nào mà mình muốn. Việc học giống như tổ chức các trò chơi, các em được làm “sản phẩm” cùng nhau, học là thảo luận với thầy cô và bạn bè. Không hoặc rất ít bài tập về nhà, v.v.. Hai buổi ở trường nhưng là một ngày hạnh phúc.

“Nhà trường không áp đặt thành tích điểm số, xếp loại hay thi đua khen thưởng lên giáo viên và học sinh. Mục tiêu tối thượng của họ là làm cho học sinh cảm thấy vui, hạnh phúc và tự tin khi các em thành công cũng như khi các em thất bại”. https://tuoitre.vn/cuong-quoc-giao-duc-phan-lan-ky-1-nen-giao-duc-thien-duong-761865.htm

Trong khi, hãy nhìn vào hình: lớp học với những dãy bàn ghế gỗ cứng đơ, xếp khít rịt vào nhau đến nỗi không có chỗ len chân, đứng phải khom lưng vì gối bị cấn vào ghế vào bàn. Mỗi lớp học tới 40 đến 50 học sinh, ngồi bất động như thế từ 7 giờ sáng đến 11h30’ trưa; chiều lại tiếp tục ngồi vào đó cho đến khoảng 5 giờ. Việc học là giáo viên giáo huấn một chiều, học sinh phải ngồi bất động, em nào hó hé liền bị nhắc nhở là “làm ồn, mất trật tự”, nếu lần 2 lần 3 thì bị vụt thước vào tay vào lưng, bị hạ hạnh kiểm, bị gọi cha mẹ. Cứ ngồi gà gật như thế, rồi lâu lâu sẽ bất chợt bị gọi trả lời câu hỏi để bắt quả tang, không trả lời được thì điểm kém, phê bình...

Tôi muốn hỏi các vị đang là thầy cô giáo: nếu bắt các vị ngồi như thế, học như thế, các vị trụ được mấy ngày? Hồi tôi còn đi dạy, tôi nhiều lần nói với đồng nghiệp rằng, phải bắt các vị quan giáo dục và những người đang thiết kế, điều hành chương trình này, đi học như học sinh khoảng 3 ngày, 3 ngày thôi, để họ thấm thía nỗi đày ải mà học trò đang phải lê lết chịu đựng hàng ngày, may ra giáo dục mới thay đổi được. Tôi làm tổ trưởng chuyên môn nên thường phải đi dự giờ giáo viên, nhưng hiếm khi nào tôi có thể ngồi hết được trọn 1 tiết. Thường là cùng lắm nửa tiết đã phải chuồn ra ngoài nếu không muốn ngủ gật hoặc chán đến phát ngấy lên.

Hiện nay, chương trình giáo dục 2018 đang được áp dụng với nhiều điểm mới, trong đó các môn nghệ thuật, năng khiếu được chú trọng. Nhưng khổ nỗi, có giáo viên và cơ sở vật chất đâu mà dạy. Thế là từ Thể dục, Âm nhạc, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm, thậm chí Đạo đức (GDCD), Tin học... đều biến thành “môn phụ” hết. Ở nhiều trường, chỉ ghi lên thời khóa biểu cho có, chứ có khi suốt cả một học kỳ không học buổi nào, ngay cả môn thể dục cũng không học, vì không có giáo viên (như trường con tôi năm ngoái).

Thế là quanh năm suốt tháng chỉ “toán văn anh” và “toán văn anh”. Ngồi bất động trong những ô bàn chật cứng, mắt dại đi vì mệt và buồn ngủ trước giọng nói đều đều, nhễu nhão của thầy cô về những con chữ và con số vô hồn.

Đánh hơi thấy, từ đây, các trung tâm đủ loại bắt đầu tràn vào nhà trường. Khi các nhà trường không dạy nổi Âm nhạc, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm (vì không có đàn, dụng cụ, phương tiện, và nhất là con người) thì mảnh đất màu mỡ ấy liền hiện hình trước con mắt của những kẻ kiếm tiền mang tên “trung tâm”. Sau một lời mời chào hấp dẫn, lập tức hiệu trưởng “chốt đơn”.

Bằng chiến lược “tay không bắt giặc”, các trung tâm này sử dụng luôn trường lớp và đội ngũ giáo viên có sẵn của nhà trường, tiến hành “đánh bắt”. Thế là nào những “tiếng anh Ismart”, “tiếng anh Language”, “tiếng anh Stem...”, “Kỹ năng sống, Trải nghiệm, tăng cường Toán, tăng cường Lý, tăng cường Hóa”, mặc sức tung hoành.

Họ dạy những chương trình trôi nổi không ai kiểm soát, chất lượng cũng không biết về đâu và đi kèm là bán những cuốn sách tài liệu với giá cắt cổ. Giáo viên nhà trường thì bị biến thành người làm thuê cho các trung tâm này với giá rẻ mạt, chỉ có hiệu trưởng là thu đậm với vài bốn chục phần trăm.

Học hai buổi/ngày nhưng chương trình giáo dục quốc dân bị cắt xén, bị bóp méo; còn các chương trình do những trung tâm kia đưa vào thì “cướp diễn đàn”, làm mưa làm gió. Học sinh vẫn phải ngồi lỳ trong lớp, vì thực ra đâu có phương pháp gì mới ngoài việc truyền giảng như cũ, thậm chí còn cưỡi ngựa xem hoa, giam các em cho hết giờ.

Có nhiều phụ huynh thấy con khổ quá thì năn nỉ xin rằng, tình nguyện đóng tiền nhưng cho con được ở nhà. Không! Phải đi học, đừng nghĩ cứ đóng tiền mà được tha đâu! Họ làm thế có lẽ vì sợ bại lộ và tai tiếng?

Thế là chương trình mới, trên lý thuyết có vẻ tiến bộ hơn, nhưng vì thiếu điều kiện cơ bản để triển khai (cơ sở vật chất, con người, và sự thấm nhuần về mặt tinh thần) nên trở thành một mớ bòng bong, “đánh trống bỏ dùi” và tạo điều kiện cho những trung tâm ma bên ngoài tràn vào làm ăn bát nháo.

Trước đây, học sinh mỗi ngày đi học một buổi, chiều về phụ cha mẹ làm đồng hoặc chơi cùng bạn, tối thì ngồi vào bàn học. Có vất vả đấy, nhưng tuyệt nhiên không khổ sở như bây giờ.

Nay các em đến trường cả ngày nhưng dường như không học được gì cả, bị giam từ sáng đến chiều, tối về phải đến nhà thầy cô học thêm (không học là coi chừng có chuyện), chủ nhật cũng không được nghỉ; bên cạnh đó là một núi bài tập phải hoàn thành để sáng mai lên lớp trả bài. Có những em, dù mới học tiểu học nhưng đêm phải thức tới 11, 12 giờ để làm bài. Cha mẹ thương quá, giục đi ngủ nhưng con không dám, vì “thầy giáo rất nghiêm”, sẽ gọi đứng dậy, vụt thước, hạ hạnh kiểm, mời cha mẹ...

Chúng ta đang làm ra một cái giáo dục gì vậy? Xin hãy động lòng trắc ẩn, thương lấy trẻ em để mà hành động, thưa các vị mũ cao áo dài.

Một lớp học ở Phần Lan – Ảnh internet

Nhưng, trước mắt, trong khi chờ đợi trách nhiệm của những người điều hành nền giáo dục nước nhà, xin phụ huynh nhớ cho, mình có toàn quyền lựa chọn đăng ký tham gia những chương trình học thêm mang tên “tăng cường” kia. Hãy từ chối thẳng thừng nếu con bạn không muốn, và lên tiếng công khai nếu nhà trường có hành vi ép buộc và trù dập. Hãy không cho phép nhà trường được xen các tiết học “tăng cường” kia vào buổi học chính khóa của con mình, vì như thế là họ đang vi phạm pháp luật.

Giáo dục có thay đổi hay không, một phần lớn phụ thuộc vào sự hiểu biết và thái độ hành động của chính các vị phụ huynh. Đừng ngồi chờ người dưng tới cứu con mình nữa.

                                                                                                                            14/9/2023

                                                                                                                                 T. H