Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2023

Lịch sử nhìn qua giới giang hồ

Hồ Anh Thái

Tên sách là Người Bình Xuyên thì tất nhiên câu chuyện chủ yếu xoay quanh những tay anh chị giang hồ vùng ven Sài Gòn xưa. Họ là những tay anh chị có thứ nghĩa khí của riêng giới mình, có khi đâm chém cướp giật, có khi xung đột máu đổ, nhưng giống nhau ở chỗ đều ghét thằng Tây xâm lược. Trong số họ, nhiều người đã được Việt Minh giác ngộ, rồi tham gia Việt Minh chống ngoại xâm.

image

 

Nhân vật chính của tác phẩm là một tập thể. Rất nhiều người đã được điểm danh như Hai Vĩnh, Tám Mạnh, Mười Trí, Năm Lửa, Bảy Rô, Bảy Trân, Mười Lực… Một tập hợp nhân vật thật đa diện, đa tính cách, trải qua nhiều sự kiện. Hào sảng, nghĩa khí, chân thành, hồn nhiên nhưng cũng thật dữ dội, quyết liệt, và cực kỳ phức tạp. Lực lượng Bình Xuyên trong suốt thời kháng Pháp sang thời kỳ đầu chống Mỹ đã có khi liên kết với lực lượng Cao Đài của Trịnh Minh Thế, Hòa Hảo của Huỳnh Phú Sổ, nhưng cũng có khi phân rã tách rời, thậm chí đối kháng, khi các lực lượng kia từ bỏ mục tiêu chống xâm lăng.

Từ câu chuyện của những tay anh chị giang hồ, tác giả đã công phu sưu tầm tài liệu và tái dựng không khí Nam Bộ kháng chiến, thời điểm trước cuộc khởi nghĩa Nam kỳ 1940 cho đến tận sau năm 1975. Anh em Bình Xuyên khi được Việt Minh giác ngộ đã hăng hái tham gia khởi nghĩa Nam kỳ, sau đó là giành chính quyền năm 1945, xây dựng lực lượng, bảo vệ vùng kháng chiến. Sau năm 1954 một số người tập kết ra Bắc, các lực lượng ở lại tiếp tục chiến đấu chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn cho đến ngày thắng lợi 1975. Mười Trí (Huỳnh Văn Trí) trở thành đại biểu quốc hội, Hai Vĩnh là đại tá phó cục trưởng Cục Xây dựng kinh tế quân khu 7 và nhiều nhân sĩ trí thức khác. Họ là nòng cốt cho cuộc gặp gỡ hàng năm của lực lượng Bình Xuyên xưa, kết nối những anh em từng đứng chung đội ngũ, người may mắn và cả người có số phận éo le.

Là sách tư liệu lịch sử, cho nên đằng sau những hoạt động của Bình Xuyên, đều hiện lên những chân dung cán bộ cách mạng như Lê Duẩn, Nguyễn Bình, Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu, Huỳnh Văn Nghệ… Những nhân vật này xuất hiện giữa anh em Bình Xuyên, có khi chỉ thoáng qua, nhưng đều để lại ấn tượng thú vị. Ngay chân dung của các tướng lĩnh Pháp, Mỹ, cùng chính quyền Sài Gòn, đôi lúc chỉ là những nét phác họa, nhưng cũng gây ấn tượng để nhớ: Bảo Đại, thủ tướng Nguyễn Văn Xuân thân Pháp, sau này là anh em nhà Diệm, Nhu, Dương Văn Minh…

Các nhân vật chính diện của Bình Xuyên đặc biệt nghĩa khí giang hồ và có chất hào sảng phóng túng Nam Bộ. Hai Vĩnh ngang tàng và hào hoa, lần đầu làm quen với cô Tư xóm Cỏ là qua một cú đá của người con gái giỏi võ nghệ. Mười Trí thì bản lĩnh và mưu trí như tên anh, đúng như nhận xét của thiếu tướng Tô Ký: Mười Trí “chơi với Bình Xuyên mà không nhiễm Bảy Viễn, đi với Hòa Hảo mà không theo Huỳnh Phú Sổ, chơi với Cao Đài mà không theo Phạm Công Tắc”…

Yếu tố lịch sử, dù chỉ làm nền cho các sự kiện, nhưng là bảo chứng cho hiện thực và trở thành điểm tựa vững vàng cho nội dung. Trên nền lịch sử đó, những câu chuyện giang hồ vẫy vùng, vào tù ra tội, phán xét và thanh trừng… càng trở nên hấp dẫn và kỳ lạ. Người đọc được cuốn theo từng trang sách, có khi hồi hộp đến ngột ngạt, có khi bừng bừng phấn khích, có khi đau xót và buồn vui trộn lẫn.

Cuốn sách đầy sức lôi cuốn ở chỗ qua những nhân vật sắc nét, người đọc nhìn thấy lịch sử. Một lịch sử bi hùng, phức tạp, đa diện, chồng lấn mâu thuẫn phe phái, tôn giáo, vùng miền và mâu thuẫn giữa những tính cách khác biệt… Quản lý những đường dây rắc rối đó, khéo léo dẫn dắt người đọc đi qua những ngổn ngang nhạy cảm để đến đích - đấy là công lao đáng ghi nhận của tác giả.

Nhà văn Nguyên Hùng (1927 - 2005) sinh ra ở Côn Đảo, từng sống khắp Nam kỳ lục tỉnh, thời kháng chiến chống Pháp ông làm báo ở Sài Gòn, ở chiến khu Đồng Tháp Mười và chiến khu Đ. Thời đất nước chia cắt hai miền, ông được tổ chức điều về Sài Gòn hoạt động báo chí công khai. Tất cả những hiểu biết thực tế phong phú, cộng với việc tìm hiểu tài liệu công phu, giúp ông viết nên Người Bình Xuyên, ra mắt năm 1985, cuốn truyện tư liệu dày dặn như một pho tiểu thuyết chương hồi cuốn hút khiến người đọc không thể dừng lại được. Sự quyến rũ của khí chất Nam Bộ, của những sự kiện có thật mà kỳ lạ, của tài sắp xếp tư liệu khiến cho người đọc phải tiếp tục tìm đến những cuốn sách sau đó của Nguyên Hùng: Sư thúc Hòa Hảo, Nữ kiệt miền Tây, Nguyễn Bình - huyền thoại và sự thật, Qua bến (về thi tướng Huỳnh Văn Nghệ), Công tử Bạc Liêu, Nam Bộ - những nhân vật một thời vang bóng

 

------

* Đọc lại Người Bình Xuyên, truyện tư liệu của Nguyên Hùng, NXB CAND tái bản nhiều lần.