Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2023

Đi câu cá cặm (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 148)

Tương Lai

Đêm qua tôi vừa nằm mơ thấy tôi đang trên chiếc ghe con cùng anh tôi đi câu cá cặm trên con hói[1] chảy qua làng tôi. Những buổi đi câu cá cặm với anh tôi là kỷ niệm đọng lại trong tuổi ấu thơ tôi suốt 70 năm qua bỗng nhiên hiện ra. Một giấc mơ ấm áp hiếm hoi giữa bao nhiêu những giấc chiêm bao nặng nề từng bóp chặt trái tim trong hoảng hốt về những gì phải nếm trải, phải đương đầu, để khi thoát khỏi cơn mê, người cứ rũ ra. Còn giấc mơ gợi lại niềm vui thời thơ ấu thật ấm áp.

Lòng nhẹ nhõm, đưa tay nhấc cuốn “Những kỷ niệm không có mưa” của nhà thơ Ý Nhi gửi cho đang đọc dở, nằm đọc tiếp. Rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

clip_image002Trong sự nhẹ nhõm đầu óc đó, không hiểu từ cái lôgic nào mà dẫn đến một giấc mơ thú vị kia. Giấc chiêm bao về buổi đi câu cực kỳ hấp dẫn cách nay hơn hai phần ba thế kỷ mà tôi vẫn nhớ đến từng chi tiết nhỏ nhất của thuở mới bốn, năm tuổi. Lâng lâng trong giấc mơ êm đềm mà đã quá lâu, lâu lắm rồi, trong màn sương hư ảo tràn lấp tâm hồn tôi, lớp lang, rành rẽ cứ rõ mồn một cho đến lúc bật thét lên: “Anh, anh cần câu đang chúi rạp xuống kia kìa. Mau, mau con cá ni to lắm”.

Tỉnh giấc, bàng hoàng, mồ hôi ướt đẫm lưng cho dù lòng thanh thản, bồi hồi nhớ lại một kỷ niệm đã quá xa vời. Xa, nhưng vẫn hiện ra rành rẽ, tay đang đẩy mài chèo, chân đập mạnh xuống chiếc thuyền câu. Cửa sổ phòng ngủ thì vẫn đang mở toang kia, quạt vẫn quay vù vù đó.

Nhổm dậy, ra hành lang ngồi trong sự tĩnh mịch dễ chịu của đêm khuya. Mảnh trăng thượng huyền vẫn treo lơ lửng, rọi những vầng sáng huyền ảo như làm sống lại trong tôi một kỷ niệm đẹp, thật đẹp mà rồi trong suốt những chặng đường đã trải của ngổn ngang buồn vui lẫn lộn, tàn nhẫn có, cao thượng có, bẩn thỉu có, trong sáng có… không lúc nào tôi không xúc động cảm thấy tim mình như bóp chặt lại để nhớ về một kỷ niệm tuổi ấu thơ đọng lại nơi sâu nhất trong nỗi nhớ.

clip_image004Vâng, nỗi nhớ về thuở ấy. Cứ nhá nhem tối, khi tia mặt trời đã tắt về phía Tây cầu Ông Thượng, hai anh em tôi đã ngồi trên chiếc ghe câu lòng hẹp độ 2 thước, chiều dài hơn 4 thước với đầy đủ bó cần câu, hai chiếc vợt cá và bốn mái chèo tay ngắn, một sào đầy ghe bằng tre dài láng bóng. Anh tôi dùng sào đẩy ghe đi, có khi phải gác sào lên mép ghe để chèo bằng tay vì vướng cây khó đẩy sào và còn vì sức chèo của tôi quá yếu. Cứ thế chiếc ghe lướt nhẹ bên bờ trái con hói hướng về phía cầu, rồi chui qua cầu lướt về phía Tây mà nếu đi mãi thì sẽ gặp một ngã ba sông hoà vào nước sông Hương. Chiếc ghe câu dừng sát mép bờ ruộng, anh tôi lội xuống nước, rút từ bó cần câu đang đặt trên ghe, lần dây câu móc mồi vào lưỡi câu rồi cắm thật chặt gốc cần câu vót nhọn xuống mép bờ ruộng với độ sâu đủ chặt khiến con cá to mấy cũng không đủ sức lôi bật cần câu đi, chỉ xoay quanh, giỏi lắm là kéo gập cần câu xuống nước rồi phải chịu để chiếc cần bật dậy, trừ phi cá dứt đứt được lưỡi câu khỏi dây câu thoát được.

Về nhà chợp mắt được mấy tiếng, anh tôi đã vỗ đầu em, “Dậy đi thôi”. Mắt nhắm mắt mở, tôi theo anh tôi trèo vào ghe, tháo dây buộc và chèo đến quãng bờ ruộng đã cặm cần câu xuống. Đây là thời khắc hồi hộp thú vị nhất, ngực cứ như ngừng thở khi mắt chăm chăm dõi theo những động cựa của dãy cần câu mờ mờ trên mặt nước lúc tranh tối tranh sáng của buổi rạng đông tràn đầy hy vọng.

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo” như trong thơ Nguyễn Khuyến. Nhưng không có “ao thu lạnh lẽo nước trong veo”. Cũng chẳng có “sóng biếc theo làn hơi gợn tí”. Càng không thể có “lá vàng trước gió sẽ đưa vèo” dưới “tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”. Vì chiếc ghe “bé tẻo teo” này được chúng tôi chèo đi lúc sẩm tối nhọ mặt người giữa đồng không mông quạnh, và rồi lại chèo trở lại lúc trời còn tối bên những mép ruộng lúa còn ướt đẫm sương đêm mà những tia nắng buổi rạng đông mới nhú phía đằng Đông chưa đủ sức làm tan lớp sương phủ dày đang phủ kín.

clip_image006 Ngồi trong lòng ghe giữa hai bàn chân của anh tôi đã kẹp chặt vì sợ tôi hứng chí bất cẩn có thể bị lộn cổ xuống nước, tôi không thể không nhấp nhổm dướn cả người lên để có nhìn xa về phía trước, mắt chăm chăm nhìn vào những chiếc cần câu nằm là là mặt nước với cái gốc hơi vòng lên trên mép bờ ruộng mà chiếc ghe sẽ ghé sát vào. Trong đêm khuya, tiếng gào thất thanh của tôi như xé toang sự tĩnh mịch huyền bí của con hói con bé tẹo từng nối dòng với con sông mẹ mênh mông với tên gọi tuyệt đẹp mãi vẫn còn vang vọng câu hỏi: “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”. Ai nhỉ? Từ buổi ấu thơ tôi chỉ gọi là “con hói” chảy ngang qua làng tôi, chui qua cầu Ông Thượng, lướt sát bờ phải hồ sen rộng trước đình làng Lại Thế.

Con sông của tuổi ấu thơ sao mà rộng và đẹp thế. Chiếc thuyền nan xuôi dòng, chèo nữa thì đến chợ Dinh, Nam Phổ rồi hoà vào ngã ba nước con sông Mẹ. Tôi chỉ nghe mang máng thế chứ chưa bao giờ được anh tôi cho ghe câu đi xa thế. Trong màn sương mờ ảo của hồi ức thì hình như dạo ấy, cả đại gia đình tôi cùng ngồi trên một chiếc thuyền rất lớn do các anh tôi dùng sào đẩy rồi đến gặp ngã ba sông thì chèo theo bờ trái của phá Tam Giang để “chạy Tây” khi chúng quay trở lại quãng năm 1946, nhưng rồi phía ấy cũng có Tây nên phải quay trở về… Hai anh em tôi đi câu cặm trên con hói mà tôi không nhớ tên cũng là vào quãng thời gian ấy. Vậy mà, thật kỳ diệu và bất ngờ tôi biết tên con “hói” này qua nhật ký của cha tôi viết cách nay gần một thế kỷ. Chuyện thật, rõ ràng giấy trắng mực đen mà cứ như huyền ảo. Tôi ngẫm, đó là là duyên kỳ ngộ: Cha tôi cũng đã ngồi thuyền câu và bị lật thuyền trên con hói này và Người đã ghi rõ tên, đó là sông Mộc Hàn. Người lại có thơ về chuyện đi câu trên con sông Mộc Hàn này.

Trong “Lạc Viên tiểu sử” do “Tạp chí Nghiên cứu và Phát triểnChuyên đề về sử liệu Việt Nam, số 5 (103), 2013, ở trang 48 có chép:

Dư triêu xuất cổ thuyền điếu ngư,

Mộ hồi độc thư giáo tử đồ

Huynh tắc chỉnh bị nhu điếu cụ

Trúc can cát thiết câu thức ngư.

dịch: Sáng ta gõ trống xuống thuyền câu

Chiều về đọc sách dạy trẻ con

Anh thì chuẩn bị đủ dụng cụ

Cần trúc lưỡi sắt câu cá ngon

Bài thơ gợi lên nét ung dung tự tại, xem chuyện đi câu là một cách xa lánh con đường hoạn lộ cay đắng đầy chông gai cạm bẫy. Trong nhật ký về câu chuyện đi trên đường với bạn bè của cha tôi, tôi đọc được tâm trạng của người: “Nguyễn tú tài nói với Hoàng tú tài rằng “Đi đường thì đi theo bóng cây, nếu đường không bóng cây hơi nóng ắt không kham nổi, nếu như theo nẻo chính thì làm sao an.

Tôi nghe nói thế có ý vị, mới ngộ ra niềm ngờ vực gần đây của mình. Cần dốc chí tự tu, ở theo đạo Dịch để đợi, nếu chỉ suông cậy nhờ ơn, nghĩ không bằng trở về nhà dạy con cháu để giúp lo việc nhà và trẻ con trong xóm làng đến học, hàng ngày cùng đám trẻ 6, 7 tuổi khi thì đọc sách khi thì làm vườn tự lấy làm vui

Tôi được học bổng 10 đồng[2], lãnh về giao cho vợ, trích lại 3 đồng dể dùng vào chi phí thù tạc và chuẩn bị hào soạn cúng mẹ vào ngày rằm, mồng một... tôi vốn chịu khó kiệm ước nên gia đình có chút thư thả...”.

Nhìn lại lo lắng trong cảnh nhà, lúc học, lúc đi câu... di dưỡng tính tình, cơ hồ quên nghĩ chuyện giàu sang.

Không ngờ tạo vật có lúc chuyển biến bỉ cực sang thái lai[3]

Đọc được tâm trạng ngổn ngang của cha tôi buổi ấy mà lòng xốn xang bao suy ngẫm: “Một hôm đi câu... thả hai cần câu, cá chưa ăn mồi nên lấy bình thuốc lào ra hút, chợt cần bên trái cá giựt, tôi vội chuyển mình kéo cần, ghe lật tôi rơi xuống

nước, may mà còn bám được mũi ghe thoát khỏi chết đuối. Đồ dùng trong ghe đều mất sạch, bị Hà Bá thu hết. Tôi chỉ lặng lẽ dựa ghe đợi cứu. Nơi này có một bụi tre lở xuống còn đứng giữa dòng. Gió thổi ghe tạt vào bụi tre, tôi níu thân tre mà lên. Áo quần đẫm nước. Lát sau người anh mới đến chợt thấy vậy liền hô hoán lên. Tôi ngăn lại khiến chớ ồn. Tôi dặn anh chớ tiết lộ. Tôi không muốn người trong nhà biết thêm sợ hãi nên vẫn ở câu như thường (sau khi đã đốt rơm hong khô quần áo). Hôm sau tôi vẫn đi câu. Vợ tôi tìm cái bình nước không thấy, hỏi đi hỏi lại, anh tôi bất đắc dĩ phải nói thật tất cả. Vợ tôi sợ hãi ngăn tôi chớ đi câu nữa, tôi chẳng chịu nghe, vợ tôi liền bẩm với thím. Thím đích thân đến can ngăn không cho đi... Tôi nói, ở rỗi rảnh không việc sợ sinh tật bệnh...”.[4]

Chao ôi, cái chiếc ghe câu “bé tẻo teo” mà hai anh em chúng tôi ngồi đi câu cá cặm những 1946, lúc thực dân Pháp câu kết với những đế quốc thực dân khác quay trở lại cướp nước ta lần nữa, cũng là chiếc ghe câu cha chúng tôi thuở nào “sắm một chiếc thuyền nan nhỏ, mỗi ngày cùng nhau buông câu bên sông, chiều mới trở về đọc sách, dạy con. “Giang hồ mãn địa nhất ngư ông”.[5]

Chiếc ghe câu bé tẻo teo ấy khác nào là một “chứng nhân” của một thời đại lịch sử với biết bao diễn biến dữ dội đã có tác động đến bao người, trong đó có gia đình chúng tôi. Với riêng tôi, những tác động ấy thật quyết liệt theo một cung cách nghiệt ngã đến những chặng đường đời của chính mình suốt gần 70 năm qua, kể từ chuyện đi câu cá cặm trên con hói làng rồi tiếp đó là cuộc sống trong lo sợ, hoang mang khi Tây về đóng bốt chiếm lại làng Lại Thế của tôi... để đến hôm nay hồi tưởng, lại thấy ra được bao điều trầm tích thành từng lớp, từng lớp trong đáy sâu của hồi ức.

Trở về với những hồi ức ấy, cứ phân vân mãi, hình như tôi đã không hoàn toàn làm theo lời răn của Mạnh Tử mà cha tôi từng viết trong “Lạc Viên tiểu sử”: Con người thường phải chọn việc nào nên làm, việc nào nên bỏ, mới có thể làm nên sự nghiệp”, Nhân hữu bất vi dã, nhi hậu khả dĩ hữu vi人有不為也,而後可以有為!

Về lý thuyết thì là thế, nhưng chọn việc nào nên làm thì ngẫm ra bằng sự trải nghiệm của chính mình không phải chỉ do mình, mà là sự đưa đẩy ngẫu nhiên của dòng sông cuộc sống, khi khoan thai, khi dồn dập, lúc lặng lẽ êm ả, lúc gào thét cuộn sóng. Phần lớn đó là sự áp đặt. Tự mình buộc phải áp đặt cho chính mình đi liền với sự áp đặt từ bên ngoài mà mình không thể chối bỏ.

clip_image008Ấy thế mà, “cuộc sống là và sẽ luôn là một phương trình không có lời giải, nhưng nó chứa đựng một số thừa số đã được biết”, câu nói ấy là của Nicola Tesla, người Mỹ gốc Serbia với những phát minh thiên tài làm thay đổi thế giới, nhưng sinh thời ông lại được gọi là “nhà bác học điên”. Giới khoa học gọi ông là “nhà phát minh ra thế kỷ XX”. Nhà bác học thiên tài ấy qua đời năm 86 tuổi cô đơn trong một phòng khách sạn ở New York với một số tiền ít ỏi trong túi. Nhưng chính “thiên tài điên” ấy đã khẳng định một cách mạnh mẽ rằng “Tất cả những điều vĩ đại đều đã từng bị chế nhạo, lên án, đả kích, chèn ép trong quá khứ – chỉ để rồi vượt lên từ đấu tranh, càng mạnh mẽ và thắng lợi hơn”.

Vấn đề là biết vượt lên từ đấu tranh. Đương nhiên, những trải nghiệm của đường đời cho tôi hiểu ra được rằng không phải cuộc đấu tranh nào cũng đưa đến những thắng lợi. Không thiếu những cuộc đấu tranh đã bị thất bại. Nhưng chính trong những thất bại đó người ta tìm thấy vẻ đẹp của những khát vọng chân chính, những khát vọng tự do.

Tôi xúc động nhớ lại lại chuyện “Cô dê trắng của ông Seguin” của Alphonse Daudet, nhà văn Pháp. Mặc cho ông Seguin ân cần chăm sóc chiều chuộng, nhưng dù thương yêu cô dê trắng xinh xắn, ông vẫn phải buộc quanh cổ con dê trắng bé bỏng một chiếc dây thừng để nó khỏi vọt lên núi. Còn cô dê trắng thì “nhìn lên núi và tự nhủ thầm “ở trên kia chắc là sướng lắm! Còn gì vui thú hơn được chạy nhảy giữa những búi cây hoang dã, không còn bị cái dây thừng chết tiệt này nó cứ cứa vào cổ! Chỉ có giống lừa, giống bò thì mới gặm cỏ trong vườn! Từ hôm nảy sinh ra ý nghĩ đó, cỏ trong vườn đối với dê con trở nên nhạt nhẽo... Trông nó mà thương, suốt ngày kéo lê chiếc dây thừng, đầu ngoảnh về phía núi, lỗ mũi phập phồng, miệng kêu não nuột... Cháu muốn lên núi, thưa ông Seguin... Thật khốn khổ con ơi, con không biết rằng có chó sói trên núi sao... Gặp nó thì con sẽ làm thế nào?...Cháu sẽ húc nó bằng cặp sừng của cháu, thưa ông Seguin...”.

clip_image010Và rồi cô bé dê trắng vọt lên núi. Sung sướng và khoáng đạt chạy nhảy khắp núi cao, rồi dê trắng bỗng nhìn thấy mảnh vườn của ông Seguin... “khiến nó cười ra nước mắt. Bé tí tẹo tèo teo thế kia kìa, thế mà sao mình đã sống ở đó được nhỉ?... Gió bỗng thổi mạnh hơn. Núi non ngả sang màu tím sẫm... Cũng lúc này, từ dưới thung lũng xa tít kia vọng lên tiếng tù và. Đó là ông Seguin tốt bụng đang cố gọi một lần cuối cùng... Dê bạch muốn trở về nhưng nhớ đến chiếc cọc, chiếc dây thừng, chiếc hàng rào quanh vườn, nó lại nghĩ không thể chịu nổi một cuộc sống như vậy, chi bằng ở lại đây hơn. Tù và không thổi nữa. Nghe đằng sau có tiếng lá cây sột soạt... Đó là con chó sói... con ác thú tiến lại và cặp sừng nhỏ bé của dê khoa lên nghênh chiến.

Chà! Con dê nhỏ dũng cảm! Nó mới quyết chiến làm sao. Có đến mười lần nó buộc sói phải lùi lại để lấy sức... Cứ như thế mà kéo dài suốt đêm... thỉnh thoảng lại ngước trông những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời và tự nhủ thầm: “Ồ! Miễn là mình cầm cự được tới lúc rạng đông””...

Câu chuyện cô dê trắng xinh đẹp và quả cảm của ông Seguin là biểu tượng sống động tuyệt đẹp của khát vọng tự do từng in rất sâu vào trong tâm thức của tôi, thậm chí cứ chập chờn không chỉ trong giấc ngủ nặng nề trên giường bệnh mà trong chiêm bao và nhiều lúc cả trong giấc ngủ nhẹ nhàng thanh thản từ khi đọc chuyện cô dê trắng xinh xắn và quả cảm của Alphonse Daudet cho đến tận hôm nay. Nó là nỗi ám ảnh trong dòng chảy của hồi ức.

Trong dòng chảy đó nhói lên nỗi đau của

Quê hương ta từ ngày khủng khiếp

Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn

Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn

Khua giày đinh đạp gãy quán gầy teo

Xì xồ cướp bóc

Tan phiên chợ nghèo

Lá đa lác đác trước lều

Vài ba vết máu loang chiều mùa đông

clip_image012Đây không chỉ là nỗi đau “Bên kia sông Đuống” trong thơ Hoàng Cầm, mà cũng là nỗi đau của quê hương tôi, của làng Lại Thế chúng tôi để rồi từ nơi đây tôi khoác ba lô lên núi – chiến khu Dương Hoà – và nửa năm trời lội suối trèo đèo vượt U Bò, Ba Rền tìm đến “Khu tự do” của “Việt Bắc Thủ đô gió ngàn”.

Tôi đi tìm tự do, thực hiện khát vọng cháy bỏng của cô dê trắng thơ ngây và quyết liệt trong truyện của Alphonse Daudet. Có tìm được tự do không? Có. Không thiếu cảm xúc ngập tràn trên những chặng đường dài cuộc sống. Tôi không trải qua tâm trạng “...miễn là mình cầm cự được tới lúc rạng đông... ngã sóng xoài ra mặt đất trong bộ áo lông trắng đẹp đẫm máu”. Nhưng tôi cũng đã phải “cầm cự” để không “bị sói ăn thịt”.

Cầm cự để giữ cho mình quyền tự do nghĩ, tự do viết nhằm biểu đạt khát vọng sống của mình tuy chưa phải “đẫm máu” nhưng cũng là sự giằng co quyết liệt với bầy sói nhe nanh muốn nuốt mình. Cuộc giằng co ấy kéo khá dài trên nhiều chặng đường đời mình muốn sống như chính mình thì dường như nhiều lúc phải tự khoác cho mình một “bộ áo lông trắng đẹp đẫm máu” của cô dê trắng xinh xắn và bé nhỏ “của ông Seguin”.

Một phần tư thế kỷ, khi quay trở về đúng trước ngôi đình làng, xốn xang bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu suy tư. Chính nơi đây, thằng bé 14 tuổi vụt chạy ra sau đình, lủi qua những bờ rào, rút khẩu súng Mauser bé tí tẹo giắt trong cạp quần, bắn một phát lên trời rồi liệng nó xuống cái ao bên đường sau quán Mụ Ấm rồi sẽ trở lại mò tìm sau, chạy một mạch lên Rột, thoát ra cánh đồng về làng Ngọc Anh như anh tôi đã dặn khi thấy thám báo mò về làng để báo động cho “anh em mình” kịp chạy thoát.

Khi ra đi theo hướng dẫn của anh tôi, tôi đã chôn khẩu súng đó dưới gốc mít cạnh bờ mương cuối vườn. Nhưng 15 năm vật đổi sao dời, nhiều trận lụt đã làm sạt lở, thay đổi diện mạo bờ mương không còn tăm tích khẩu Mauser – một báu vật của đời tôi – do anh tôi trao cho, cũng như anh tôi đã thành người thiên cổ khi mới 37 tuổi sau khi được lệnh quay lại nhận nhiệm vụ mới sau năm 1954 và đã hy sinh.

image

Ảnh chụp tháng 12. 1975, tôi trở về đứng trước đình làng Lại Thế.

Đứng trước ngôi nhà xưa nay chỉ còn một cái nền cỏ mọc hoang tàn không chút bóng dáng nào lúc chúng tôi ra đi khi mà giặc đã quây lại thành một cụm làm đồn bốt, nét mặt đăm chiêu, cặp mắt bất động của mẹ tôi cho đến tận hôm nay vẫn còn như cứa vào tim tôi khi tôi đã ở vào tuổi U90. Và tôi hiểu ra rằng, tại sao bà đã tháo chuỗi hạt ngọc, kỷ vật độc nhất của cha tôi tặng bà, còn đem theo trên người để nhờ người bà con đem về Huế đưa cho bà chị cả của tôi khi biết chị bị mù, để nhờ bán đi để sống qua ngày khi đang phải nương nhờ cửa Phật (đây là người chị cùng cha khác mẹ của tôi, con trai là đại đội trưởng Vệ quốc quân bị địch bắt đày đi Côn Đảo, được trao trả, về làm việc và sống nghèo nàn tại Hà Nội).

Cái thân liệu những từ nhà liệu đi” (Nguyễn Du), bỏ tất cả, nhà cửa, ruộng vườn để ra đi, mẹ tôi đã hiểu rõ như vậy và thanh thản sống trong suốt 15 năm trời. Ra đi là để trở về, đúng vậy, nhưng sự đăm chiêu kia, đôi mắt bất động không một giọt nước mắt kia khiến tôi không sao chịu đựng nổi. Trong sự đăm chiêu đó, tôi đọc được tâm trạng của bà mà đã có lần tôi dẫn ra trong một “Mênh mông thế sự” “Các con theo cách mạng, làm theo yêu cầu của cách mạng, Mẹ không can dự vì Mẹ không đi sâu vào công việc của các con, nhưng cần nhớ một điều là không được xúc phạm đến Cha. Ai nói gì mặc họ, Cha các con là một người chính trực, thương nước thương dân. Các con phải hiểu điều đó. Nếu các con xúc phạm đến Cha thì Mẹ sẽ lập tức trở về Huế. Mẹ đi ra được, thì đi về cũng được, và Mẹ sẽ làm như thế”. May mà chuyện đó không xảy ra. Chúng tôi nuốt nước mắt vào trong, cắn răng chịu đựng. Và, Mẹ tôi đã đúng. Chỉ đáng tiếc là khi một chuyên san của “Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển” số 5 (103) 2013, “Chuyên đề về sử liệu Việt Nam” một tạp chí khoa học có uy tín in lại Hồi ký của Cha tôi: Lạc Viên tiểu sử (1871-1936) và những lời Giới thiệu của Toà soạn và lời nhận xét khách quan của dịch giả Trần Đại Vinh về cụ thân sinh của tôi thì Mẹ tôi đã là người thiên cổ. Chuyến ra đi và trở về của Mẹ tôi, trong suy ngẫm của tôi, đã phần nào in đậm bóng dáng của thân phận con người trong sự nổi trôi của số phận dân tộc.

Viết lại một giấc mơ, sống với những hình ảnh của tuổi ấu thơ ngẫu nhiên gợn sóng trên dòng hồi ức, trong tôi cuộn lên những suy tư của tuổi già. Hồi ức là chuyện đã qua. Nói chuyện đã qua để làm gì nhỉ. Để tự vấn mình chăng? Hay để tiếp tục khẳng định một lẽ sống. Lẽ sống đó định hình một cách sống, cách đã sống, và cách sẽ sống. Cái “sẽ” này mới lôi thôi đây. Hôm qua ngồi nói chuyện với anh bạn quý vừa từ Mỹ về đến chơi. Trong câu chuyện anh tâm sự và cũng hàm ý nhắc nhở tôi: “Lâu quá đã bỏ chơi quần vợt. Hôm rồi một ông bạn động viên “thử cầm lại cái vợt, dượt vài đường xem sao”. Rướn người lên đón quả bóng, lập tức ngã xoài ra sân. Cái chân không vâng lệnh cái đầu rồi. Nó bất động không chịu nhoài tới. May mà chưa bị đột quỵ”.

Lần đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ vừa rồi, bác sĩ kiểm tra kỹ lưỡng và động viên: “Chú vẫn còn viết được là hay lắm, đó là cách tập thể dục bộ não. Não còn hoạt động tốt sẽ tác động tích cực đến các bộ phận khác của toàn thân”. Tôi hỏi lại: “Thế nhỡ nó không hoạt động tốt thì sao?”. Bác sĩ nhún vai, cười không trả lời!

Tôi thật thấm thía khi “cái chân không vâng lệnh cái đầu” mà thời gian gần đây tôi đã không ít lần trải nghiệm. Cái batoong do ông bạn mang từ Nhật về là vật bất ly thân ngay khi tôi chậm chạp đi từ giường nằm ra bàn làm việc đặt tay trên bàn phím máy tính. Đấy là nói chuyện ở trong nhà. Ra khỏi cửa là phải có người đi cạnh, khi thì dìu lúc nhấc chân lên một bậc thang, một mô đất, thường là đi sát cạnh để kịp đỡ khi bước loạng choạng. Tự nhận ra mình quá cái mức “lực bất tòng tâm” đã khá lâu rồi mà vẫn ngoan cố quên đi, lờ nó đi. Cũng vì thế mà tôi càng thương nhớ Mẹ tôi, càng khâm phục cái bản lĩnh của bà thể hiện qua đôi mắt đăm chiêu tôi vừa nói.

Nghĩ về cách nghĩ và cách ứng xử của mẹ tôi với cuộc đời, tôi hiểu được niềm vui thứ hai trong ba niềm vui của “người quân tử” mà Mạnh Tử viết – tôi cho gọi là “người hiền” thì đúng hơn - để mà ứng xử với cuộc đời trên chặng đường còn lại:

Ngửa mặt lên trời mà không hổ, cúi đầu đối với người mà không thẹn.

Ngưỡng bất quý ư thiên, phủ bất tạc ư nhân 仰不愧於天、俯不怍於人

Không thẹn với ai? Không thẹn với chính mình. Đúng hơn là không thẹn với lương tâm, lương tri của mình. Chỉ có điều, phải trung thực mà soi lại, liệu xem mình đã thật hiểu được cái gọi là lương tri chưa? Thì chẳng phải Vương Dương Minh – được xem là một trong những nhà triết học vĩ đại nhất lịch sử Trung Quốc – từng cảnh báo:

Ai mà chẳng có lương tri sẵn?
Hồ dễ mấy ai biết lương tri.

Nhân nhân đô hữu lương tri tại.

Tri đắc lương tri khước thị thùy

人人都有良知在.

知得良知卻是誰

Giấc mơ về một chuyện đi câu, sống lại một kỷ niệm ngọt ngào thuở ấu thơ xa lắc, một gợn sóng ngẫu nhiên trồi lên trên dòng chảy hồi ức đang chậm rãi mệt nhọc chuyển động nhưng cũng đủ sức để tạo được sự an ủi trong buổi xế chiều khi hoàng hôn vẫn đang còn vương vấn quầng ánh sáng phía chân trời, xuyên qua những cuộn mây đen. Cũng hay.

Ngày 16.9.2023


[1] Tiếng Huế gọi con rạch chảy ngang qua cánh đồng lúa nối với dòng sông mẹ.

[2] Đây là học bổng học tiếng Pháp “khi được chuẩn trao Hàn lâm viện biên tu, vào phòng Khoa mục của Trường Quốc học để học chữ Pháp. Việc học tốt kéo dài hai năm thì Hội đồng sát hạch. Tôi đỗ thứ nhì”. (Tài liệu đã dẫn ở trên, trang 34).

[3] Tài liệu đã dẫn, trang 48.

[4] Tài liệu đã dẫn, trang 48, 49.

[5] Tài liệu đã dẫn, trang 47.