Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2023

Để nhớ một thời không quên

Nguyễn Trọng Chức

Cuối tháng 6-2023, tôi hẹn gặp Phùng Gia Học, con trai nhà văn Phùng Gia Lộc, để trao lại cho Học toàn bộ những gì tôi đã lưu giữ từ tác giả bài ký gây chấn động một thời Cái đêm hôm ấy… đêm gì?. Đó là bản thảo viết tay hồi ký Sau “Cái đêm hôm ấy…”; toàn bộ thư của anh Phùng Gia Lộc và chị Đỗ Thị Hoa - vợ anh Lộc, gửi cho tôi và tòa soạn Tuổi Trẻ Chủ Nhật, cùng nhiều tư liệu, hình ảnh liên quan mà tôi đã gìn giữ cẩn thận suốt hơn 30 năm qua, từ ngày quen biết với anh Lộc.

Khoảng gần ba năm trước, sau khi Sau “Cái đêm hôm ấy…” được đăng trên tạp chí Viết & Đọc của Hội Nhà văn Việt Nam, tôi đã hẹn gặp Phùng Gia Học cũng tại Đường Sách để gửi Học tờ Viết & Đọc cùng khoản nhuận bút tạp chí gửi tác giả bút ký. Lần đó, tôi có hứa với Học sẽ tìm và gửi hết cho Học những gì tôi lưu giữ từ anh Lộc.

Như vậy, sau các con của Nguyễn Huy Thiệp đã được tôi trao lại các bản thảo, tư liệu của bố; nay là con Phùng Gia Lộc. Còn nhiều bản thảo, thư từ, tư liệu… của các tác giả – còn sống hay đã mất – mà tôi may mắn lưu giữ được rồi sẽ trở về với thân nhân, gia đình các vị ấy.

---------------------------------

Đầu tháng 2-1988, tuần báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 6-1988 đăng lại bài ký Cái đêm hôm ấy… đêm gì? (đã đăng trên tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam). Ngay sau đó, tòa soạn đã nhận được rất nhiều thư của bạn đọc gần xa gửi đến thăm hỏi tác giả. Có cả những vị bày tỏ mong muốn được giúp đỡ nhà văn Phùng Gia Lộc và gia đình anh trong lúc đang gặp cảnh ngặt nghèo. Chúng tôi đã nhanh chóng chuyển đến anh những tấm lòng thành đó.

Ngày 10-3-1988, Phùng Gia Lộc gửi cho Tuổi Trẻ Chủ Nhật hồi ký rất dài, tựa Sau “Cái đêm hôm ấy…” cùng lá thư có đoạn viết: “Trong những ngày qua sống trong mối rung cảm, tôi đã ghi lại được một bài hồi ký, gửi cho Tuổi Trẻ Chủ Nhật xem như một cách đền ơn giả nghĩa…”. Vì quá dài nên Sau “Cái đêm hôm ấy…” được tòa soạn trích đăng thành ba kỳ, càng tạo thêm nhiều tình cảm quý mến, trân trọng đối với một ngòi bút dũng cảm, thừa tâm huyết mà lại sống khá chật vật trong cảnh nghèo khó.

Nhiều bạn đọc đến tòa soạn gửi tiền mặt, quà và thư cho anh nhờ chúng tôi chuyển giúp. Có những bạn đọc mến mộ sẵn sàng lo liệu mọi chi phí để mời anh vào TP. HCM nghỉ ngơi một thời gian. Phùng Gia Lộc đều phúc đáp (anh gửi cả cho tôi những thư phúc đáp đó). Anh báo tin sẽ cùng với cháu trai vào Sài Gòn để “tạ lòng bà con trong đó”. Thư viết tháng 4-1988. Nhưng rồi dự tính đó của anh chẳng bao giờ thực hiện được. Đơn giản vì anh nỡ nào rời mái gia đình bữa đói bữa no của anh, cộng thêm bệnh tật, đau yếu đang hành hạ anh mỗi ngày. Phóng viên báo Tuổi Trẻ khi đến Thanh Hóa để viết về trận bão lớn tàn phá nhiều vùng của tỉnh vào năm 1989, đã nhận nhiệm vụ tìm gặp anh Phùng Gia Lộc với một chút trợ giúp của báo (và đã phỏng vấn anh, đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 33-1989). Chúng tôi càng thấu hiểu hoàn cảnh của anh khi được phóng viên thông báo lại thật chi tiết cuộc gặp.

Sống cùng bệnh tật và cảnh nghèo, Phùng Gia Lộc vẫn không ngừng viết. Anh viết truyện ngắn, viết bài cho báo địa phương và trung ương. Anh gửi những lá thư chứa chan tình người đến bạn bè, bằng hữu, bạn đọc khắp nơi… Và rồi ngày 25-2-1992, chúng tôi bàng hoàng khi nhận được tin anh đã vĩnh viễn rời xa gia đình, người thân, bè bạn và những bạn đọc quý mến, trân trọng anh.

Riêng tôi, ở cương vị thư ký tòa soạn tuần báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, những năm tháng đó tôi và anh Phùng Gia Lộc đã trao đổi khá nhiều thư từ; hầu hết những gì anh gửi cho tôi đều được tôi lưu giữ cẩn thận, đặc biệt là bản thảo các bài viết, sáng tác của anh, được viết tay hay đánh máy. Bản thảo Sau “Cái đêm hôm ấy…” hơn 8.000 từ, được viết bằng nhiều loại bút và mực khác nhau, trên 20 tờ pelure rất mỏng, đến hôm nay đã trên 30 năm, nhiều tờ đã nhòa dấu chữ.

Bởi đã nhiều phen thư đi tin lại với nhau nên dù ở xa nhau hàng nghìn cây số, anh Phùng Gia Lộc và tôi coi nhau như bạn thân. Thật đáng tiếc là tôi chưa một lần gặp mặt Phùng Gia Lộc cho đến ngày anh rời bỏ thế gian này. Mãi đến mùa đông năm 2000, trong một lần ra Hà Nội công tác tôi mới được hai anh Thành Chương và Bế Kiến Quốc đưa về xã Phú Yên (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) để viếng mộ anh và đến thăm gia đình anh.

Ngoài hồi ký Sau “Cái đêm hôm ấy…” , anh Phùng Gia Lộc còn gửi cho tôi mấy bài thơ chưa từng đăng báo. Tôi đã thật vui khi Viết & Đọc đăng toàn văn Sau “Cái đêm hôm ấy…” và những bài thơ chưa từng công bố của anh Phùng Gia Lộc.

Khi ngồi gõ lại những trang viết đã nhòa nét mực, tôi không khỏi bồi hồi nhớ lại một thời làm báo không thể nào quên…

clip_image002

Bản thảo, thư từ các loại nhà văn Phùng Gia Lộc gửi

clip_image004

Trang đầu tiên hồi ký Sau “Cái đêm hôm y…"

clip_image006

clip_image008

clip_image010

Thư viết tháng 3-1988, báo tin gửi Sau “Cái đêm hôm y…"

clip_image012

Một bài thơ của Phùng Gia Lộc

clip_image014

Tập truyện ngắn và ký của Phùng Gia Lộc gửi tặng

clip_image016

Phùng Gia Lộc (trái) và Bế Kiến Quốc, hai nhà văn đã rời xa cõi thế

clip_image018

clip_image020

Thư nhà văn Bế Kiến Quốc và họa sĩ Thành Chương

clip_image022

Họa sĩ Thành Chương và nhà văn Bế Kiến Quốc (thứ 3 và 4 từ trái, hàng trên) đến thăm gia đình nhà văn Phùng Gia Lộc và trao quà của bạn đọc Tuổi Trẻ

clip_image024

Viếng mộ nhà văn Phùng Gia Lộc

clip_image026

Trao tặng kỷ vật của Phùng Gia Lộc cho con trai ông