Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 6 tháng 7, 2023

Ác hương

Truyện Phạm Lưu Vũ

pham luu vu (1)

Nhà văn Phạm Lưu Vũ

Thơ rằng:

Ác nhân cũng có cơ giời

Ác hương cũng phải đúng thời mới… xông”.

Vua Lê đi đánh phương Nam, bắt được chúa nước ấy là Trà Toàn cùng vợ cả, vợ lẽ, quyến thuộc… tổng cộng mấy trăm người. Lại thu được một cái hộp, bên trong đựng viên ngọc đen nhánh, to gần bằng quả cam, ban đêm hầu như không nhìn thấy, nhưng nếu có ánh sáng, dù chỉ là ánh sáng của một ngọn nến để cách xa vài dặm, nó cũng thu lấy rồi phát quang rực rỡ, ngay chỗ đó có thể đọc sách được. Vua Lê thích viên ngọc ấy lắm, giao cho viên thái giám tin cẩn là Nguyễn Đảm giắt kĩ trong mình để đem về cung.

Trên đường trở về kinh sư, ngang qua Tây Đô thuộc phủ Thanh Hoa, vua sai dừng quân để bái yết Lam Kinh, tự mình đọc bài văn bố cáo thắng trận và dâng tù lên miếu Tổ, đồng thời cho quân sĩ nghỉ ngơi vài ngày.

Phía đông nam phủ Thanh Hoa thuộc về phương tốn, có một cái đầm lớn, rộng ước chừng vài trăm mẫu, gọi là đầm Quảng Phú. Giữa đầm nổi lên một cái gò tròn như trăng rằm, gọi là gò Mặt Nguyệt, chu vi mấy dặm, cây cối tốt tươi, chim thiêng thú lạ, phong cảnh cực kì diễm lệ.

Tuyên phủ sứ Thanh Hoa bấy giờ là Trịnh Đan Qua, từ lâu đã sai người đóng sẵn thuyền rồng. Nay nhân cơ hội có thiên tử quang lâm, muốn chiều lòng vua, bèn vào tâu, đại ý cung thỉnh xa giá dạo chơi một đêm trên mặt đầm. Vua Lê phần vì vừa trải qua một chiến dịch vất vả, phần cũng muốn hưởng lạc những “chiến lợi phẩm” mê hồn lạ lẫm đất phương nam nên vui vẻ chuẩn tấu.

Hôm ấy nhằm ngày rằm, trăng đầu mùa hạ rất đẹp. Vua Lê mặt rồng rạng rỡ cùng tùy tùng thỏa thích dong thuyền dạo chơi ngắm cảnh trên mặt đầm. Mãi khuya mới lui vào hành cung dựng ngay trong khoang. Liền cho đòi mấy nàng hầu, vợ lẽ của Trà Toàn vào hầu. Bấy giờ nhà vua mới biết thêm điều bí ẩn nữa của viên ngọc đen. Ấy là dưới ánh sáng của nó thu từ trăng rằm mà phát ra, thì có thể hành lạc cả đêm không biết mệt. Chính Trà Toàn cũng vì cái điều kì diệu ấy mà tư thông bừa bãi trong cung, bất kể đó là vợ cả, vợ lẽ, nàng hầu hay vợ con họ hàng thân thích…

Vua Lê cũng muốn tự mình thử ngay cái điều kì diệu ấy, liền sai người gọi thái giám Nguyễn Đảm mang viên ngọc tới. Đảm thấy vua gọi, vội vàng từ cuối thuyền đi gấp về phía hành cung, vừa đi vừa thò tay vào trong người móc viên ngọc ra. Gần tới cửa phòng, Đảm không ngờ chỗ đó, đáy thuyền đóng cao hơn một bậc nên bị vấp mạnh, ngã nhào người xuống. Theo phản xạ, hai tay Đảm vung lên trên không làm tuột mất viên ngọc, nó văng ra khỏi thuyền, vẽ một nửa vòng cung trên không rồi rơi tõm xuống nước, từ từ chìm xuống đáy.

Mọi người hoảng hốt nhìn theo. Viên ngọc đen quả là kì diệu. Vừa rời khỏi tay viên thái giám, lập tức nó thu lấy ánh sáng từ mặt trăng rồi phát quang rực rỡ, chìm tới đâu nhìn rõ tới đấy. Thái giám Nguyễn Đảm sau phút hoàn hồn, vốn là tay võ nghệ siêu quần, lại bơi lội cực giỏi nên không dám chần chừ, liền lao ngay xuống nước, nhằm phía ánh sáng của viên ngọc lặn xuống.

Bơi tới gần viên ngọc, đang định đưa tay ra chộp lấy nó, bỗng cảm thấy có một luồng kình lực từ phía trước quạt lại làm Đảm giật nảy mình, vội vàng thu tay lại quan sát. Dưới ánh sáng lung linh của viên ngọc, Đảm nhìn thấy một con thủy quái khổng lồ, đầu như đầu rắn, hai lỗ mũi to như đồng xu, cặp mắt xanh lè, lồi ra hai bên như hai quả xoài cũng đang lăm lăm nhìn viên ngọc. Không nom rõ thân nó hình thù thế nào, chỉ thấy lù lù một đống đen sì, bề ngang ước chừng bốn, năm thước. Nguyễn Đảm hơi có chút e dè song quyết không chịu bỏ cuộc, bèn từ từ vươn tay về phía viên ngọc, mắt vẫn cảnh giác canh chừng. Không ngờ con thủy quái cũng có ý ấy. Thoắt một cái, nó vươn dài cổ ra, há miệng đớp gọn lấy viên ngọc, nhanh hơn Đảm trong vòng gang tấc.

Con thủy quái vừa đớp viên ngọc, liền ngậm ngay miệng lại. Lập tức, ánh sáng từ viên ngọc vụt tắt. Đáy hồ trở nên tối tăm mù mịt, không nhìn thấy gì nữa. Đảm biết là thua cuộc, vả lại cũng đến lúc hết hơi kiệt sức, đành vội vàng quay người ngoi lên.

Vua Lê bị mất viên ngọc ấy thì tiếc lắm. Không ngờ trong đầm lại có thủy quái. Tuyên phủ sứ Trịnh Đan Qua tâu xin tuyển thợ lặn giỏi để bắt, song biết tìm nó ở đâu giữa một cái đầm mênh mông như thế này, vả lại biết đâu còn có nhiều con khác… Lại tâu huy động dân tát cạn đầm, vua cũng gạt đi, bởi không muốn mệt sức dân…

Trở về kinh sư, vua chọn một số người phụ nữ Chiêm đẹp nhất cho vào hầu trong cung, một số thì ban thưởng cho các quan và tướng sĩ có công. Số còn lại cùng bọn đàn ông người Chiêm thì lập một cái ấp ở phía tây nam kinh thành, cho ra ở đấy, gọi là đất Chiêm Sở.

Bấy giờ vua Lê thường có cái thú ngự thuyền rồng để câu cá ở hồ Lục thủy. Thậm chí có bận còn cao hứng cho thiết triều nhẹ ở ngay trên thuyền rồng.

Từ khi bình định phương Nam trở về, nhà vua vẫn không bỏ thói quen ấy, nhất là những khi công việc thư nhàn, triều đình vô sự. Một hôm, vào tầm gần đến giờ ngọ, đang mải câu cá, bỗng có một luồng ánh sáng từ đâu đó dưới đáy hồ chiếu thẳng vào mặt làm nhà vua lóa mắt. Bèn hướng cặp mắt nhìn kĩ về phía đó, thấy đáy hồ hình như có vật lạ phát ra ánh sáng le lói. Liền truyền dong thuyền tới gần, sai một viên nội thị lặn xuống xem đó là vật gì. Viên nội thị tuân chỉ nhảy xuống hồ, nhằm chỗ phát sáng lặn xuống. Tới nơi, y kinh hoàng nhìn thấy trước mắt, một con rùa rõ to đang quay đầu về phía thuyền rồng, trong miệng cắn một viên ngọc to gần bằng quả cam, chính đó là cái vật lạ phát ra ánh sáng. Viên nội thị nom thấy rõ ràng rồi bơi trở lên, tâu với nhà vua.

Vua Lê cùng cận thần hết sức kinh ngạc. Các quan tâu cho người quây lưới để bắt rùa, cướp lấy viên ngọc. Riêng quan Hàn lâm viện trực học sĩ là Lương Thế Vinh, bấy giờ cũng theo hầu thì tâu rằng:

“Con rùa này chắc chẳng phải tầm thường. Nó đã quay đầu về phía thuyền rồng, cố ý chiếu ánh sáng của viên ngọc cho bệ hạ nhìn thấy, tức là nó có ý dâng viên ngọc. Thần xin vâng mệnh soạn một bài chiếu thả xuống. Nếu nó nổi lên thì càng hay, đỡ công đánh bắt…”.

Vua Lê nghe tâu cũng có ý mừng, bèn bảo Vinh:

“Nghe nói thủy quái là loài biết chữ. Vì thế ngày xưa mới có việc làm văn đuổi cá sấu. Vả lại Thái tổ ta ngày trước, cũng đúng trên cái hồ này mà trả kiếm cho thần Kim Quy. Biết đâu con rùa kia chính là hậu thân của thần. Vậy khanh hãy làm thử xem sao”.

Lương Thế Vinh vâng mệnh soạn ngay bài chiếu. Đại khái ca ngợi nó là thần Kim Quy, đã từng cho mượn gươm báu, giúp Thái tổ lập quốc, nay nếu lại dâng ngọc quang kiến quốc nữa thì sẽ được phong thần, đời đời ân hưởng công đức…

Chiếu văn thả xuống. Quả nhiên trong giây lát, con rùa từ từ nổi lên. Nó nhẹ nhàng bơi lại sát thuyền rồng rồi vươn cao cái cổ lên. Viên ngọc trong miệng nó càng phát ra ánh sáng rực rỡ làm mọi người lóa mắt. Không chút e dè, nhà vua lập tức tiến tới, vòng tay vái nó một cái, đoạn xòe hai bàn tay đưa ra. Con rùa nhẹ nhàng nhả viên ngọc vào lòng bàn tay nhà vua rồi ngay lập tức, nó từ từ lặn xuống.

Vua Lê được viên ngọc, mừng rỡ không sao tả xiết. Bèn đưa cho các quan xem xét kĩ, hóa ra đó chính là viên ngọc đã mất ở đầm Quảng Phú ngày trước. Không những thế, thái giám Nguyễn Đảm, bấy giờ cũng ở trên thuyền, còn khẳng định, rằng con rùa lúc nãy cũng chính là con rùa mà y đã nhìn thấy lần trước…

Câu chuyện viên ngọc và con rùa làm xôn xao cả triều đình. Đầm Quảng Phú, xứ Thanh Hoa cách kinh thành hàng trăm dặm. Con rùa làm cách nào mà ra tận đây. Nhưng viên ngọc thì rõ ràng đúng là viên ngọc đen ngày ấy, các cung nữ người Chiêm cũng xác nhận như vậy, kể cả những công dụng kì diệu của nó…

Bấy giờ trạng nguyên Lương Thế Vinh, vốn là người thông minh bác vật, tinh thông đủ các môn y, nho, lý, số, cũng đồng thời rất giỏi phong thủy, sau khi xem xét tính toán kĩ, lại bàn với bọn đồng sự là Đỗ Hân… bèn mạnh dạn dâng sớ, tâu rằng đầm Quảng Phú có long mạch thông tới kinh thành. Con rùa đó chính là theo đường long mạch mà ra…

Vua Lê xem sớ, đưa xuống cho các quan bàn luận. Triều đình rối rít cả lên, người thì tin, người thì không tin. Bọn không tin nói xưa nay việc trời thông biến, gọi là thông thiên, việc đất ngăn chặn, gọi là triệt địa. Có lẽ đâu một cái hồ và một cái đầm cách nhau hàng trăm dặm, lại có long mạch thông nhau bao giờ… Kết quả vua Lê xuống chiếu quở mắng bọn Lương Thế Vinh, Đỗ Hân là học hành không đến nơi đến chốn, tin vào những sách phong thủy nhảm nhí. Việc đó bèn thôi.

Lại nói chuyện xứ Thanh Hoa. Thời ấy trong thành Tây Đô có một kĩ viện nổi tiếng phong tình, gọi là “Khả Phong Lâu”. Một hôm bỗng xuất hiện một tuyệt thế giai nhân tên hiệu là Nhất Trần Tuyệt Thế Quỳnh Cô. Quỳnh Cô thông minh xinh đẹp, đàn giỏi hát hay, làn thu ba như tiên nữ giáng trần, có thể làm ngất ngây mọi giống hữu tình, bao gồm cả thiên long bát bộ. Nàng vừa xuất hiện ở Khả Phong Lâu, thì lập tức có rất nhiều công tử, khách đào hoa thập phương nghe hơi tìm tới. Lạ một điều là không hiểu vì lý do gì, mà các chàng chỉ gặp một lần rồi lập tức lặn biến tăm hơi.

Bấy giờ trong phủ quan thừa tuyên sứ có một viên làm chức tham nghị họ Ngô, tên Câu Hội. Câu Hội vốn là người lưu manh đểu giả, lại rất mực dâm đãng, nhờ làm chức quan trông coi việc xây cất, đất đai… mà ăn cắp ăn xén, khi cần cũng sẵn sàng ăn cướp của dân nên lắm tiền nhiều của, thường ra vào không thiếu một kĩ viện nào. Nay nghe tiếng Quỳnh Cô thì lòng dục nổi lên bừng bừng, Câu Hội bèn cùng một tên sư gia tin cẩn mò tới.

Đại tẩu của Khả Phong Lâu từ trước vốn đã sợ oai Câu Hội, giờ nhìn thấy thầy tớ y thì không dám chậm trễ, sẵn sàng phục vụ chu đáo. Lại thấy y đòi đích danh Quỳnh Cô, bèn cứ thực tình thưa lại. Song Câu Hội bỏ ngoài tai tất cả, nhất mực đòi cho kì được. Gặp Quỳnh Cô, Câu Hội quả nhiên chết lặng trước nhan sắc mê mẩn của nàng, liền lập tức lao vào ôm lấy, rồi cuống quýt vầy vò…

Tới lúc cao trào, cả hai đều trút bỏ xiêm y, Câu Hội sung sướng nhắm nghiền mắt lại, một tay ôm chặt vòng một của Quỳnh Cô, tay kia lần lần rờ xuống phía dưới vòng ba… Cảm thấy ngay một làn nước tràn trề, vừa ấm hôi hổi như mình gà, vừa nhơn nhớt như lòng trắng trứng thì càng nổi hứng cao độ. Theo thói quen trong thú phong tình bấy nay, Câu Hội bèn dùng mấy ngón tay vớt lấy một ít cái thứ nước ấy, đưa lên miệng mút. Bỗng có một thứ gì xộc thẳng vào mũi làm Câu Hội ngạt thở, ngực như bị nén lại, chân tay đờ ra, miệng sùi dãi dớt, giây lát bất tỉnh nhân sự.

Người Đại tẩu của Khả Phong Lâu dường như cũng đoán trước việc ấy, bèn cùng gã sư gia vội vã xông ngay vào, dùng nước thơm, dầu xức… hối hả cấp cứu. Một lát thì Câu Hội tỉnh lại, thấy nàng Quỳnh Cô đang sợ hãi, cúi đầu quỳ ở bên cạnh. Câu Hội bấy giờ mới hiểu ra nguyên nhân làm cho bọn công tử, khách phong tình kia lần lượt bỏ đi, bèn nuốt nước bọt tiếc rẻ rồi mặc quần áo, cùng gã sư gia đi về.

Trên đường về, Câu Hội vẫn còn chưa hết bàng hoàng tiếc rẻ, lẩm bẩm nói với gã sư gia:

“Thật tiếc cho một món đào hoa dường ấy, toàn thị là quý tướng, duy chỉ một tiện tướng “ác hương” (dâm thủy có mùi hung dữ) mà làm hỏng tất cả…”.

Gã sư gia dường như cũng biết ý chủ, bèn nghĩ ra một kế, liền buông lời ỡm ờ:

“Bẩm, biết đâu chính nhờ cái “tiện tướng” ấy, mà quan lớn được thăng quan tiến chức thì sao?”.

Câu Hội quay phắt sang hỏi:

“Ngươi nói thế là có ý gì?”

Nguyên gã sư gia này biết rõ, rằng Câu Hội tuy đang ở vào một vị trí thuận lợi, tiền bạc, đất đai thu của dân vào làm của riêng dễ như trở bàn tay. Song Câu Hội vốn không muốn dừng lại ở đó, mà còn đang ngấp nghé cái chức thừa tuyên phó sứ kia. Bèn hỏi lại:

“Chẳng hay quan lớn có muốn lấy lòng quan thừa tuyên sứ (trỏ Trịnh Đan Qua) hay không?”.

Câu Hội biết gã sư gia đã thấu rõ lòng mình, Liền sốt ruột:

“Chính thế, chính thế. Vậy người có cao kiến gì?”.

Bấy giờ gã sư gia mới thong thả nói:

“Quan thừa tuyên sứ tỉnh ta vốn là người dối trá, tham lam vô sỉ, vì tiền mà sẵn sàng bán đứng cả dân, cho nên bọn cơ hội ở mãi tận phía bắc, cũng hùa nhau vào đây mà đuổi dân cướp đất... Một vị quan đã tham lam như thế, thì phải đút lót tiền bạc biết bao nhiêu cho đủ? Tôi xem ngài ấy mặt trắng mà mũi thâm, tướng ấy gọi là tướng “cẩu Tỵ”. Người có tướng “cẩu Tỵ” thì ngửi mùi thối thành mùi thơm, càng thối càng thơm… Tất không ngại gì cái món “ác hương” của nàng Quỳnh Cô kia, thậm chí còn thấy nó ngào ngạt quyến rũ chưa biết chừng. Huống chi quan thừa tuyên sứ còn dâm dục gấp mười ngài. Nay ngài hãy bỏ ra ít ngân lượng, chuộc Quỳnh Cô ra khỏi Khả Phong Lâu, mà đem dâng cho quan thừa tuyên sứ. Tôi dám chắc đường quan lộ của ngài sẽ đến ngay, chỉ nội trong nhất nhật mà thôi…”.

Ngô Câu Hội vốn nung nấu hoài bão ấy từ lâu, năm nào cũng quà cáp biếu xén hậu hĩnh cho Trịnh Đan Qua mà vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Nay nghe gã sư gia nói thì như người bừng tỉnh giấc mộng, mừng như mở cờ trong bụng. Lập tức y kế thi hành.

Thế là rốt cuộc, Nhất Trần Tuyệt Thế Quỳnh Cô cũng tìm được đúng người để gửi gắm tấm thân diễm lệ. Ai bảo cái tướng “ác hương” kia là tướng phải chịu cô quả? Đã có câu: “nồi nào vung ấy”, thì cũng có câu “mũi nào mùi ấy”… chứ? Quan thừa tuyên sứ Trịnh Đan Qua quả nhiên mê mẩn cái mùi “ngào ngạt” của nàng mà không hề hấn gì, đúng như lời nói của gã sư gia (Câu Hội quả đã được thăng ngay Phó sứ). Có điều ngài sung sướng bao nhiêu thì trong phủ đệ của ngài, mọi người từ vợ con, gia nhân, tôi tớ… tất cả ngót trăm con người phải khổ sở bấy nhiêu. Mỗi khi ngài cùng Quỳnh Cô hành sự, tới lúc cái món “ác hương” kia nó xông ra, thì tất cả đều quay cuồng chóng mặt, ngạt thở tức ngực, có người còn nôn thốc nôn tháo…

Thừa tuyên Phó sứ Ngô Câu Hội biết rõ chuyện ấy, nhân cơ hội bèn dâng kế lên quan thầy, là xây cất một hành phủ riêng cho nàng Quỳnh Cô ở. Khắp thành Tây Đô, không chỗ nào đắc địa hơn cái gò nằm giữa đầm Quảng Phú. Nơi ấy phong cảnh vừa tuyệt đẹp, vừa cách xa dân chúng, thành phủ… Tất nhiên Trịnh Đan Qua lập tức gật đầu. Thế là chẳng bao lâu sau, chính giữa gò Mặt Nguyệt, đầm Quảng Phú nổi lên một tòa dinh thự gọn gàng, xinh xắn, chốn “bồng lai tiên cảnh” của quan thừa tuyên sứ Trịnh Đan Qua và nàng tiên nữ họ Trần…

Lại nói chuyện ngoài kinh thành. Hôm ấy, vua Lê ngồi kiệu rồng do sáu nữ đinh khiêng, hai bên hai hàng nội thị cùng các quan thái giám, trung tán… trong ngoài, theo đúng nghi vệ thiên tử tiến về phía hồ Lục thủy để ngài ngự câu cá.

Kiệu ra đến bờ hồ, bất ngờ một luồng ác hương ở đâu xông tới làm bọn nữ đinh hoa mắt tức ngực, chân tay bủn rủn, nhất thời làm rơi phịch cả cỗ kiệu xuống đất. Vua Lê ngồi trên ghế rồng xuýt nữa bị ngã bổ ngửa. Nhìn xung quanh thì tả hữu, thị vệ… cả dân chúng quanh hồ, ai ai cũng ôm ngực khó thở, đầu óc quay cuồng, mùi ác hương không biết từ đâu vẫn xông ra ngùn ngụt. Cả một vùng hồ Lục thủy như gặp đại nạn.

May mắn chỉ độ nửa canh giờ thì ác hương nhạt dần rồi tan hẳn, không khí trở lại trong lành như lúc bình thường. Nhà vua cùng đoàn tùy tùng lập tức trở về. Vừa tới cung, vua Lê lập tức cho đòi quan tri phủ Phụng Thiên là Nguyễn Tông Tây tới, sai tra xét tất cả các nhà dân quanh hồ, xem cái mùi quỷ dữ ấy ở đâu phát ra. Tông Tây vâng mệnh sai lính tra xét kĩ càng suốt ngày hôm đó, vẫn tuyệt không tìm ra manh mối nào.

Ngày hôm sau cũng vào giờ ấy, ác hương lại xông lên, làm chao đảo cả một góc kinh thành. Những ngày sau cũng diễn ra y hệt. Nhưng cũng có khi nó biệt tăm hẳn vài ngày, song mấy hôm sau lại xông lên đậm đặc hơn trước, thậm chí một ngày xông đến mấy lần… Sự việc tưởng đơn giản chỉ là cái mùi hung dữ, nhưng quả thật đã đến hồi nghiêm trọng không thể coi thường. Lòng người đã bắt đầu náo loạn, có nhà đã phải bán cả nhà cửa, đưa gia quyến tìm nơi lánh nạn vì không thể chịu đựng nổi cái mùi khủng khiếp đó…

Đúng lúc ấy thì quan tổng trấn đất Kinh thành là Nguyễn Kết xin vào bệ kiến, tiến cử một viên thuộc lại xưng là “trạng ngửi”, tự nhận có khả năng trỏ đúng chỗ cái mùi ác hương xông lên. Nguyên người này họ Hoàng, hiệu là Thiên Tỵ, vốn làm nghề thợ may trong thành. Hồi ấy Nguyễn Kết có một nàng hầu yêu, mới sinh cho Kết một công tử. Một hôm giặt yếm, phơi ở trên lầu, bị gió cuốn bay đi đâu mất. Cái yếm chả đáng giá gì, có điều trên đó có đính một hạt châu to bằng hạt gạo do Nguyễn Kết tặng. Kết bèn treo bảng, giấu chuyện hạt châu, chỉ thông báo rằng ai tìm được cái yếm sẽ thưởng 5 chỉ vàng. Hoàng Thiên Tỵ xem bảng, liền vào yết kiến. Kết hỏi tìm như thế nào? Tỵ bẩm:

“Phu nhân mới sinh, nên cái yếm tất có mùi sữa tươi. Nếu cho tôi ngửi được mùi sữa tươi của phu nhân, thì nó dẫu cách xa trăm dặm, tôi cũng tìm thấy”.

Nguyễn Kết nghĩ người này khoác lác, song cũng cứ thử xem sao. Bèn cho Thiên Tỵ vào, bảo nàng hầu trật vú cho y ngửi. Thiên Tỵ nhắm mắt, hít hít hai bầu vú một hồi, rồi lẳng lặng quay người ra cửa, phăm phăm bước tới một cái lỗ cống cách đó khoảng vài trăm bước, y lội xuống lục lọi dưới đó một lát, quả nhiên lôi đúng chiếc yếm đó giơ lên. Nguyễn Kết bấy giờ mới tin thì phục lắm, nuôi ngay trong phủ làm thuộc lại, gọi là “trạng ngửi”.

Vua Lê nghe Nguyễn Kết tâu liền hỏi:

“Người ấy có tài gì mà gọi trạng ngửi?”.

Kết bẩm:

“Muôn tâu, người này có thể trong vòng trăm dặm, chỉ đúng chỗ một con ruồi vừa… đái”.

Vua Lê nghe dẫu chưa vội tin ngay, song cũng chuẩn tấu, xuống chiếu giao cho Hoàng Thiên Tỵ trổ tài tìm chỗ phát tích của ác hương.

Thiên Tỵ quả không phụ công lao tiến cử của Nguyễn Kết, bèn trổ hết tài nghệ mũi giời của mình ra, ngày ngày lặn lội, đánh hơi khoanh vùng, thu hẹp cự li… dần dần chỉ đúng cái chỗ mùi ác hương phát tích. Té ra nó nằm ngay chính giữa cái gò đất nhỏ nằm về phía nam của hồ Lục Thủy.

Đã tìm được chỗ xông lên của ác hương thì việc chế ngự nó cũng chả khó khăn gì, chỉ cần bịt kín đi, không cho nó xông lên nữa là xong. Các quan tâu nên xây ngay trên đó một cái đài, nói giả là đài ngự câu cá, gọi là Điếu đài để yên lòng dân.

Điếu đài xây xong, quả nhiên từ đó, ác hương không còn xuất hiện nữa. Vua Lê cùng triều đình mừng rối rít, trọng thưởng cho Nguyễn Kết và Thiên Tỵ, phong cho Thiên Tỵ tước bá, gọi là bá Tỵ, lại đặc cách vinh danh là trạng ngửi, cho vinh quy bái tổ. Duy có quan Hàn lâm viện trực học sĩ là trạng nguyên Lương Thế Vinh thì vẫn có điều gì đó băn khoăn.

Bấy giờ Lương Thế Vinh có một học trò yêu người xứ Thanh Hoa. Một hôm vừa từ trong quê ra, liền đem chuyện quan thừa tuyên sứ Trịnh Đan Qua cùng nàng Quỳnh Cô ngày đêm vui thú hành lạc trên gò Mặt Nguyệt ra kể cho thầy nghe hết một lượt. Thế Vinh nghe xong bỗng giật nảy mình. Không ngờ cái món ác hương ấy, nó cũng theo đường long mạch mà xông ra tới tận kinh thành, cũng giống như con rùa ngày trước. Nghĩ tới đó, Thế Vinh vội vàng vào trong nhà mặc mũ áo cẩn thận, rồi sai đóng kiệu, định tiến cung tâu rõ mọi việc cho vua Lê biết.

Ngồi trong kiệu, Thế Vinh trầm tư suy nghĩ. Rằng Trịnh Đan Qua là quan đứng đầu một trong mấy thừa tuyên của cả nước, tiền bạc của y đã mạnh, thế lực của y lại đầy rẫy trong triều, mình chắc gì đã là đối thủ, chưa chắc đã làm gì được y, có khi lại mang vạ vào thân. Trong khi đằng nào thì cái mùi ác hương ấy nó cũng được bịt lại rồi. Âu là… Mải nghĩ, nhìn ra thì kiệu đã gần tới cửa cung, Thế Vình bèn bỏ ngay ý định, ra lệnh cho người nhà khiêng kiệu quay trở lại.

Trên đường trở về, Lương Thế Vinh lại ngẫm nghĩ. Mình đường đường là một vị trạng nguyên, được vua phong cho làm trực học sĩ, nghĩa là người ngay thẳng. Nay thấy việc nước có chỗ nguy biến, mà nhắm mắt làm ngơ thì không đúng với đạo thần tử, không khỏi có chỗ cho đời sau chê cười, còn mặt mũi nào mà đứng trong hàng kẻ sĩ... Nghĩ tới đó thì kiệu đã gần về tới nhà. Bèn quyết chí quay kiệu trở lại, một lần nữa tiến về phía cung vua.

Thế nhưng Thế Vinh lại nghĩ. Trước kia mình cùng với bọn Đỗ Hân đã có lần tâu vua, rằng có long mạch từ xứ Thanh Hoa, thông ra tới tận kinh thành. Con rùa vì thế mới theo đường đó mà mang viên ngọc ra được. Nhà vua lúc ấy đã không nghe, lại còn xuống chiếu quở trách. Lần này chắc gì nhà vua đã chịu tin cho, trong khi thế lực của bọn Trịnh Đan Qua kia, một khi đánh hơi thấy sự nguy hiểm, đời nào chúng nó chịu ngồi yên… Nghĩ tới đó thì cỗ kiệu đã sát tới cửa cung. Thế Vinh vội vàng thò đầu ra, hối hả bảo người nhà lại quay kiệu trở về…

Cảnh ấy còn lặp lại đến ba bốn lần nữa, cứ quay đi lại quay về, Lương Thế Vinh ngồi trong cỗ kiệu, trong lòng vật vã trăn trở, dùng dằng không quyết. Mãi đến lúc thấy trời gần tối, mới thở dài bước ra khỏi kiệu. Rốt cuộc cũng không tâu gì với vua Lê.

Và câu chuyện ác hương ấy vào đời Lê sơ, tới đây xin được chấm dứt.

Về sau vào thời nhà Mạc, một hôm có sứ giả của Đoan quận công Nguyễn Hoàng từ phía nam ra, bí mật xin vào yết kiến Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm, đầu tiên hỏi về long mạch, có ý muốn tìm chỗ táng hài cốt cha là Nguyễn Kim để tính kế lâu dài. Bỉnh Khiêm bảo:

“Thanh Hoa có long mạch thông ra tận kinh thành, xuất phát từ gò Mặt Nguyệt nằm giữa đầm Quảng Phú. Bọn rùa Khổng vẫn thường theo đó mà ra, mấy đời đế vương ngày trước cũng từ long mạch ấy mà phát tích. Đến đời Hồng Đức gặp nạn ác hương, cũng tại bởi cái long mạch đó. Tiếc rằng vua Lê ngày ấy đã không tin lời bọn Lương Thế Vinh, không triệt hẳn phần gốc, lại chỉ bịt phần ngọn. Ác hương tuy bị chặn không xông lên được, nhưng nó uất kết lại trong lòng đất, biến thành những thứ kịch độc. Chẳng qua chỉ trong vòng 500 năm nữa, gặp đúng thời thì nó sẽ lại xông lên. Khi đó các loài sinh vật sẽ bị hại vô số, kể cả con người cũng khó tránh khỏi tai họa…”.

Sứ giả nghe nói, tưởng đã hết hy vọng thì Bỉnh Khiêm lại thong thả nói tiếp:

“Tuy nhiên, bọn Lương Thế Vinh ngày trước chỉ biết chỗ ấy có long mạch hướng ra phía Bắc, mà không biết rằng còn một nhánh nữa hướng về phía Nam. Đất Thuận Hóa nằm sau lưng dãy Hoành Sơn, chính là nơi mà nó kết huyệt. Đó là đất có thể lập nên nghiệp đế đấy…”.

Sứ giả nghe nói mừng rỡ, liền bái tạ Bỉnh Khiêm rồi ra về.

Nguyễn Hoàng nghe lời Bỉnh Khiêm, liền gấp rút cùng bộ hạ xuống thuyền, dong thẳng ra biển để trở về Thuận Hóa, không thèm báo cho Trịnh Tùng biết. Về sau quả nhiên hùng mạnh ở phương Nam.

Tới đời Nguyễn Ánh lập nên nghiệp đế. Ánh không chọn đóng đô ở Thăng Long như các triều trước, mà lập kinh đô ở Phú Xuân là vì lý do đó.

P.L.V