Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2022

Vị Xuyên & thế sự Việt Trung (Trích, kỳ 8)

 

anh

 

THÂN PHẬN CỦA NHỮNG NGƯỜI LÍNH GIỮ BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC

ĐẠI TÁ NGUYỄN ĐỨC HẢI: NĂM 1984, “ĐẦU” MỘT SĨ QUAN CẤP ÚY VN ĐƯỢC TRUNG QUỐC ĐẶT GIÁ 4000 TỆ

Đại tá Nguyễn Đức Hải (Đoàn trưởng Đoàn kinh tế 313):

Để tấn công địch, chúng tôi đã bố trận địa giả: Lấy cái lu to chỉa ra cửa hang, ngụy trang như họng pháo để nghi binh; Sau đó cho nổ mìn xung quanh để dụ địch. Còn pháo thật thì đặt ở cái hang bên cạnh. Trung Quốc đã nã khoảng 4000 viên đạn vào trận địa giả của ta. Sau đó pháo binh chúng ta phản công và đẩy quân Trung Quốc ra được khỏi 1250; Đó là trận 30/4/1984… Đây là cao điểm mà hai bên giằng co nhau nhiều trận.

Cao điểm 1250, hiện nay Trung Quốc chiếm một nửa; Ta giữ một nửa…

Giai đoạn 1984, “đầu” của một sĩ quan cấp úy của Việt Nam được Trung Quốc đặt giá 4000 nhân dân tệ…

CCB Nguyễn Văn Thơm: 25/4/1984, chốt 1030 bị chiếm, Đại đội 7 của tôi chốt giữ chỉ còn 6 người sống sót.

- Tôi, Nguyễn Văn Thơm, quê Hương Canh, Vĩnh Phúc thuộc lính C7, Tiểu đoàn 5, Sư đoàn 313… Đại đội của tôi, C7 (chưa tới 100 người) được giao nhiệm vụ giữ chốt trên đỉnh 1030 từ năm 1981…

Ngày 24/4/1984, Trung Quốc dùng pháo binh dập vào chốt chúng tôi từ 2 giờ sáng 24 cho tới 2 giờ sáng ngày 25/4/1984… Đến 1 giờ chiều 25/4/1984 chúng tôi buộc phải rút, lúc đó chỉ còn 6 người…

(Phạm Viết Đào ghi)

LINH HỒN LIỆT SĨ ĐÊM ĐÊM VẬT VỜ TRÊN CHỐT

Sau chiến dịch M2 ngày 19/7/1985, một sáng cuối tháng 8, tôi đang chốt ở H 21 thì Khương liên lạc C6 D8 E754 gọi tôi lên hầm đại đội nghe điện thoại. Đầu dây bên kia là tiếng “Sùng bói” lính tháng 7/1984 đang chốt bên Cót ép, quê xã Yên Nhân, Ý Yên, Hà Nam nói tí nữa em sang chơi anh cho xin ít thuốc lào nhé.

Tôi bảo sao anh biết tôi có. Anh ta hi hi cười mà rằng: anh quên biệt danh em là gì à... Mà quả thật hôm qua tôi vừa xuống hang Dơi tắm và lấy thêm “thuốc thang” bổ sung cho chốt. Trả lời điện thoại xong, tôi về hầm được tầm 10 phút thì anh ta xuất hiện. Tôi nghĩ quái tên này đi gì mà nhanh thế, theo giao thông hào từ Cót ép sang H21 nhanh cũng 20 phút. Chưa kịp nói gì anh ta phán câu xanh rờn: Ở kia có người chết. Ai chết ở đâu mà không thấy ai nói gì, không tiếng pháo cối gì, anh nói phét.

Anh ta bảo từ từ cho em ấm chè và điếu thuốc tí em chỉ, mồm nói tay anh ta vứt một nắm chốt an toàn của mấy loại mìn, trong đó có cả chốt loại lọ mực 652A vỏ nhựa.

Tôi bảo: Anh lấy đâu lắm chốt mìn thế? Anh ta nói: Em đi tắt qua bãi mìn sang đây cho nhanh… Tôi xanh mắt và nghĩ thương hắn, chỉ vì điếu thuốc lào thôi mà mạo hiểm đi tắt qua bãi mìn cho nhanh còn về canh gác.

Sau hồi chè thuốc, hắn chui ra cửa hầm của chúng tôi và chỉ tay về mỏm đá có bụi đót dưới chân chốt và hắn xuống vén bụi đót ra thì ôi thôi đúng thật: Một liệt sĩ dáng to lớn mặc áo xuân hè cộc tay, quần dài đi giầy cao cổ, nằm ngửa tay vắt lên trán, chân co chân duỗi đã phân hủy hết sau một tháng dãi nắng dầm mưa. Trên áo không có tên, trong quần áo không có kỉ vật gì nên không xác định được tên tuổi. Anh em chỉ căn cứ cách mặc và dáng người thì đoán là Dũng cồng kềnh người Bình Trị Thiên thôi.

Xong xuôi, “Sùng bói” cười hì hì chào về vì đã có chè thuốc mang về Cót ép. Một lát sau, 4 chiến sỹ vận tải của E754 lên đón tử sĩ về tuyến sau. Nhưng có điều dị thường trong chiến tranh, nói ra thì thật là “nổ” quá nhưng là sự thật. Cách cái hôm tìm thấy liệt sĩ trước một tuần, trời vẫn sáng trăng, thế nhưng tôi cứ cảm giác ai đó lấp ló ngoài cửa hầm. Tôi chỉ sợ thám báo, tôi nói chuyện với anh em hầm trên, anh em bảo anh cứ ngủ bọn em gác cẩn thận mà. Nhưng phía dưới hầm tôi là thung lũng gần 233 mà trống trải lắm, thế là tôi mấy đêm không ngủ, cứ ném lựu đạn cầm canh soi mục tiêu bên dưới. Sau khi liệt sĩ được đưa xuống thì tôi lại ngủ được vì không còn cảm giác ai cứ lởn vởn ở cửa hầm mình nữa.

(Nguyễn Đẹp)

CHỐT ĐỒI ĐÀI CỦA TA, QUÂN TRUNG QUỐC DÙNG 2 TẤN THUỐC NỔ ĐÁNH SẬP

“…Trung đội tiền tiêu của Đại đội 10 ở đồi Đài có 19 đồng chí, do đồng chí Đoàn, quê Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang chỉ huy, hi sinh 18 đồng chí, bị thương 1 đồng chí. Hai ngày sau, đồng chí Trưởng phòng Công binh Quân khu 2 lên sở chỉ huy Trung đoàn 881 ở điểm cao 673 để làm việc. Sau đó tôi và đồng chí trưởng phòng Công binh Quân khu lên đồi Đài để xác minh khối lượng thuốc nổ mà phía đối phương đã đánh ở Bắc đồi Đài. Khi nhìn thấy miệng hố mà đối phương đánh dưới chân đồi Đài, đồng chí nói với tôi: “Phải hơn 2 tấn thuốc nổ, ông Nhớ ạ”. Tôi nói ngay: “Ở Điện Biên Phủ bộ đội ta đánh 1 tấn ở Đồi A1”.

Nói đến đây tôi và đồng chí Trưởng phòng Công binh đều chảy nước mắt vì anh em đồng đội bị bộc phá với khối lượng lớn chết không còn nguyên vẹn, bị sức ép mắt đều lồi ra rất đáng thương. Sau đó tôi đề nghị đồng chí Trưởng phòng Công binh Quân khu 2 báo cáo với đồng chí Nguyễn Hữu An, Phó Tư lệnh-Tham mưu trưởng cho công binh cùng bộ đội ở chốt củng cố xây dựng trận địa vững chắc. Đồng chí Nguyễn Hữu An chấp thuận cho các đơn vị dành 15 ngày củng cố xây dựng trận địa. Lưới B40 và bao cát của nhân dân Đồng Nai gửi ra biên giới để bộ đội làm công sự trận địa. Thời gian này nhân dân cả nước đều gửi quà, áo len, chăn len, mũ len lên cho bộ đội trên chốt, vì mùa đông ở núi đá Hà Giang rất lạnh…

Thời gian đó không hiểu sao chuột ở chốt nhiều thế? Hậu cần phải gửi bẫy lên để bộ đội bẫy chuột, nếu không đêm đến nó gặm chân không ngủ được. Ở sở chỉ huy 673 tôi cho vệ binh dùng 10 hòm đạn cối 82 ly, dựng cây cột dây, cho gạo bẫy có đêm được hàng trăm con. Vì là chuột núi, tôi cho ban 5 làm lông, chặt đầu, cho vào vạc rán vàng sau đó nấu giả cầy ăn cơm hoặc uống rượu rất ngon, một món đặc sản của anh em chúng tôi hồi đó.

(Nguyễn Nhớ - Nguyên Trung đoàn trưởng E881, Sư đoàn 314, Trích từ “262 NGÀY ĐÊM CHIẾN ĐẤU KIÊN CƯỜNG BẢO VỆ TRẬN ĐỊA BẮC SUỐI THANH THỦY”)

MÙI XÁC CHẾT VÀ QUẠ Ở CAO BẰNG THÁNG 2/1979

Chiến đấu trực tiếp là vậy, người sau cứ đi, cứ tiến, không biết việc tiếp sau, người ở lại do bị thương hay hy sinh nữa. Chiến đấu và chiến thắng, hai bên chiến tuyến tìm cách diệt nhau bằng mọi cách và mọi phương tiện vũ khí có trong tay vì lòng căm thù và khi mình bị khổ cực… Bạn mình bị hy sinh và bị thương vì tầm nhìn và suy nghĩ của thằng lính là trước mắt...

Phải diệt bằng được kẻ thù... Bọn mình không biết và không suy nghĩ được rộng và chiến lược chiến thuật cũng như thuận lợi hay khó khăn và mọi thông tin tình hình cuộc chiến xung quanh... Nhận nhiệm vụ và tìm cách hoàn thành nhưng mình còn sống, tên bay đạn lạc vào ai, chỗ nào, lúc nào…Sống và chết trong giây phút mà thôi, kêu được tiếng… Có thể đó là tiếng nói và nghe thấy cuối cùng của đời mình... Nghe thấy tiếng nổ to gần mình có thể là âm thanh cuối cuộc đời trước khi tan xác... Người lính trở nên chai sạn và lì lợm, nhưng khi xong nhiệm vụ lại như không có gì xảy ra ngoài chuyện về quân số thiếu vắng do bị thương, do hy sinh và ngậm ngùi sâu lắng, rồi cười nói cứ thế qua ngày như khi chưa có cái chết.

Bơ phờ vì mệt mỏi ít ai nói nữa, có lẽ phong trần và sương gió, mắt thấy những cảnh đau thương chết chóc. Máu đỏ của đồng đội loang trên thân thể và nằm im bất động. Cúi đầu mặt ngắn tũn lại đăm chiêu, tai nghe những điều tàn bạo… Đã quen với tiếng súng và bị thương, người chết và mùi ô uế đâu đây…

Trên trời không có máy bay như thời đánh Mỹ nhưng quạ đen ăn xác thối thì nhiều vô kể trên Cao Bằng thời đó... Bắn chết thám báo hôm qua hôm sau quay lại vẫn nằm đó nhưng mặt và chân tay đã trơ xương, chỗ nào hở thịt là bị mất sạch...

Mùi xác thối mới có, cũ có... Xương khô có... Kệ... Mỗi ngày một nhiệm vụ mới, tiếp tục hay di chuyển do trên lệnh xuống. Sáng sau, cả đơn vị lại cắt rừng sau khi nhận vũ khí bổ sung sang bên trái gần quốc lộ 3 đánh chặn quân Tầu... Chúng tôi không vào thẳng hướng tới xã Cao Bằng nữa. Chúng tôi sống mịt mù trong rừng lại bị mưa dầm ẩm thấp khổ vô cùng; cả bọn ém quân dọc khe suối... Mấy thằng tiểu đội mình thấy trưa trời tạnh, mò tìm hiểu mấy lán của dân kiếm được ít thuốc lá sấy còn treo về hút... Mấy thằng tranh thủ leo lên trên mép suối tìm kiếm xung quanh chợt chạy về bảo di chuyển...di... chuyển… Mình hỏi sao? Nó bảo ở trên kia có hai xác chết đang thối nhưng không phải quân mình... Không phải dân... Chắc thám báo trúng đạn... hoặc bị thương rồi chết... nước chắc ngấm xuống suối chỗ mình rồi... Tởm lợm...

Nói về vắt Cao Bằng thì tuyệt. Đường mòn mà có lá cây mục nhiều chứng tỏ lâu không có người đi và trời ẩm thấp thì nhiều vắt nâu dưới đất lắm... Bọn tôi đi trinh sát có kinh nghiệm rồi, chạy chân mèo thật nhanh qua đến chỗ đất sạch sáng hơn là hết vắt...Quay lại nhìn bọn vắt nó ngỏng đầu như gieo đậu mà mầm đậu lên bằng hai đốt ngón tay chuẩn bị xòe lá mầm như giá đỗ mọc cao. Vắt nhiều vô cùng kín mặt đường mòn... Vãi hồn... Rồi tôi tự kiểm tra giầy xem có vắt bám vào không... trên người nữa...

Vật vờ sáng sau đi tiếp về bên phải, theo đội hình bọn mình cứ lầm lũi đi theo mà thôi. Vượt đèo Khau Ác chiều tối đến Nậm Nàng. Không thấy bóng người và im tiếng súng, theo đường nhựa một quãng cứ đầu mom nhô ra để đường vòng quặt là bị mìn nổ, đất ùa xuống ngập đường... Bọn Tàu đã rút chạy nên đánh sập bất cứ thứ gì để ngáng đường ta đuổi bằng cơ giới... Thấy nhiều chướng ngại vật do Tàu gây lại trước khi rút, đơn vị lại rẽ phải cắt đường lên Đông Khê... Trời, mất tiếp tế đơn vị lại khẩn cấp di chuyển, tự lo tạm thời... Đêm muộn. Đêm lại ngủ vật vờ nhưng không có tiếng súng nữa, bạ đâu nằm ngủ đó tại chỗ luôn, mờ sáng lại đi tiếp. Mặt thằng nào cũng trễ xuống vì mệt… đói… bơ phờ...

Sáng hôm đó đi dọc con đường qua bản thấy mấy thằng phía trên bẻ măng vầu ăn sống, tôi cũng với tay bẻ mấy cái cầm tay bóc mà ăn... Ai cũng ăn trong tầm tôi nhìn thấy... Bóc ra thấy trắng và nhìn ngon... nhai vào mồm mới thấy đắng... Ai có dịp hãy ăn thử măng vầu mọc tầm gần gang tay và để mình vào hoàn cảnh bị đói...

Kiệt sức mấy ngày đuổi theo Tàu mới biết và hiểu cho chúng tôi lúc đó thế nào... Mà cũng ăn được suốt đường đi 5-6 cái. Măng vầu đắng nhất, hơn cả mật của cá, của lợn... Cắn một khúc măng nhai rệu rạo mở mắt nhìn đoạn đường rồi nhắm lại để đi từng đoạn... Bị ngủ trắng là vậy... Có thằng đi chệch đâm cả người vào taluy...Lần ăn măng vầu là kỷ niệm nhớ đời mà chẳng thằng nào say măng cả... dù rất đói và mệt.

Qua bản thì thấy một dãy núi đồi cao, chắn ngang trước mặt, đi đến chân núi đá thì theo đường mòn leo lên... Xem bản đồ thì bên kia núi là thị trấn Đông Khê cách chừng hơn km đường chim bay... Leo lên... Trời ... chân người nọ gần ngang người kia thì mới thấy dốc đứng thế nào mà lại còn len qua rất nhiều mỏm đá lắt léo[i]. Chúng tôi nghiêng người để đi qua cửa dốc Ba Cô. Lính không thể đi qua một lèo… Kiệt sức… Tức ngực... Không thể thở nổi... Tiến chục mét phải dừng lúc rồi mới leo tiếp... Cứ thế... Cứ thế... Ê chề và não nề… Nếu thằng nào đem một cái đũa ăn mà để lên ba lô thằng khác đeo mà nó biết chắc to chuyện... Không ai còn sức đi nổi nữa... Phải tự dừng một lúc mới leo được vài bậc... nhìn xuống dưới hoa mắt... Chả ai còn dục hay nói gì... Đèo Ba Cô thật là vắt hết sức tàn của lính. Sau này nghe dân quân nói là xưa có 3 cô con gái vượt đèo bị chết trên đèo nên dân quanh đó gọi là đèo Ba Cô…

Mình khuất phục được Hà[ii] thì nhận lệnh đi tiếp, vòng lên đèo, qua con dốc gần như dựng đứng. Lên đèo vượt lên Cốc Bao, bọn mình hành quân thẳng hướng Phục Hòa. Dọc đường cũng không có mìn… may... Đến mép sông Bằng Giang, nước rất xanh, chắc sâu lắm. Xác người trôi lờ đờ chìm nổi rải rác, bọn mình cắt cử chọn lọc vượt sông sang đất Phục Hòa khoảng hơn km, đến ngã ba bên trái là chân đèo Khau Chỉa, bên phải là nhà máy đường Phục Hòa, thấy bãi mía mênh mông và tan tác... Mùi thối của xác chết vẫn phảng phất trong không gian. Quạ bay tan tác kêu. Có đơn vị vận tải toàn nữ 13 người Hà Bắc của tiểu đoàn nào đó không nhớ, bị thám báo vượt sông đánh vào lúc mờ sáng hôm 17-2, số này chết hết, xác còn nằm rải rác trước cửa hầm, người ngoài sân, người trong nhà... Lúc đó thối vô cùng, bọn mình làm nhiệm vụ nên không phải dọn vụ này...

(Ghi chép của Khắc Hùng-CCB Thủy Nguyên Hải Phòng, CAO BẰNG THÁNG 2 – 1979 – GHI LẠI MỘT THỜI ĐÁNG NHỚ... LỠ MAI QUÊN)

NÀ CÁY, MÙA THU… MÁU!

(Trần‎ Nam Thái[1], CCB F313)

Mấy hôm rồi không một chuyến xe lên

Nà Cáy buồn quay quắt

Xác tử sỹ chất đầy bãi đất

Qua một đêm thôi chuột móc hết mắt rồi

Trên thân xác đã trương lên nhung nhúc những đàn giòi

Và ngờm ngợp những đám mây ruồi nhặng

Gió từ dưới sông Lô và đường quốc lộ 2 thốc lên dè dặt

Gió từ đỉnh 812, dông 673 phía trên kia đổ xuống ào ào

Những cơn gió vô tâm, những cơn gió vô tình như cuộn vào nhau

Xộc vào toang hoác xác thân những người lính đã ngã xuống

Xộc vào hoang hoải bần thần tim óc những người lính đang còn sống

Ngách đá kho hậu cần trống rỗng

Gạo mắm đã chia đến từng căn hầm

Khe suối mùa khô chắt nước âm thầm

Quần áo lính giặt xong càng đỏ bầm màu đất

Mảnh đạn dọc ngang chém áo quần rách nát

Suối cũng oằn mình đội pháo giặc suốt ngày đêm

Mấy hôm rồi không thấy xe lên

Cả thung lũng sặc sụa mùi khói đạn

Vách đá trên cao đạn cào trắng toát

Mặt đất dưới sâu đá lật ngổn ngang

Những căn hầm trúng đạn vỡ tan hoang

Những mái nhà âm cháy thành than trơ trụi

Thấp thoáng bóng người lầm lụi

Vác đá, chặt cây, đào đất khoét hầm

Hang phẫu ngổn ngang lính nằm

Những vết thương đỏ máu

Những cuộn băng đỏ máu

Áo Blu quân y đỏ máu

Khắp lòng hang sực lên mùi máu, mùi cồn

Điện thoại đổ chuông từng nhịp dập dồn

Tin báo về chuẩn bị đón thương binh từ phía trước

Bác sỹ gầm lên hết băng, hết thuốc

Y tá ngẹn ngào hết sạch nước truyền

Lại phải cho người chạy bộ xuống Làng Pinh

Lấy tạm vài cơ số thuốc

Bên kia bờ khe nước

Lính vận tải nối nhau lục tục lên đường

Ba lô đạn nhọn đè nặng trên lưng

Đòn tre cáng thương, dài ngoằng chổng ngược

Manh võng cáng thương ướt đẫm từ chuyến trước

Phập phờ rỏ nước thối xuống khắp người

Đường xe lên đất đá tơi bời

Hố pháo mới chồng lên hố pháo cũ

Mảnh đạn ngổn ngang bên cây cỏ xới nhào

Có mảnh lẹm sắc như dao

Có mảnh nhọn hơn lá lúa

Chạm vào là máu ứa

Chạm vào là rách thịt da

Những bàn chân mang giày vải vẫn xầm xập chạy qua

Lưng còng xuống, mặt ngẩng về phía trước

Nơi ấy đang cần đạn

Nơi ấy thương binh chờ

Vượt ngã ba cửa tử

Vào Hang Dơi, Làng Lò

Những gương mặt lính sáng lên, rồi lại thẫn thờ

Chẳng có gì đâu trong ba lô toàn đạn nhọn

Bởi mấy hôm rồi chẳng có chuyến xe lên

Những dấu hỏi hằn gương mặt sạm đen

Nỗi buồn tủi ẩn trong lời cảm thán:

"Hay là đã quên? Hay là đã bán?

Hay là đã chán? Hay là phủi tay?..."

Gạt đi giọt nước mắt cay

Tay khẽ khàng đặt thương binh lên võng

Lại vượt qua suối sâu, đường lộ thiên, bãi trống

Mang tai bập bùng tiếng nổ, tiếng rên đau

Mặc kệ đạn trên cao

Mặc kệ đạn dưới thấp

Nghe tiếng đạn quen mới nằm sấp xuống mặt đường

Đá đập vào người, đá thúc vào xương đau nhức

Đợi đến khi đạn dứt

Lại tất tưởi chồm lên, vai nặng trĩu đòn khiêng

Những thân người chạy liêu xiêu ngả nghiêng

Hướng về phía Nà Cáy

Đoạn đường dốc lên đạn pháo cày nát bấy

Đã có lính nào sửa sang

Mùi máu, mùi cồn vẫn nồng nực trong hang

Lính bị thương nằm ngổn ngang dồn đống

Thở phào vì thương binh vẫn sống

Tay lại khẽ khàng gỡ khỏi võng với đòn tre

Bãi tử sỹ nằm bên cạnh bờ khe

Hình như đã nhiều hơn lúc trước

Lại nghe đâu đây rúc rích tiếng chuột

Những con chuột đói khát, những con chuột vô tâm

Lần bước đến nơi tử sỹ đang nằm

Bê những mảng đá to đặt đè lên từng khuôn mặt

Che đi những quầng mắt đã lặng ngủ im

Che đi những con mắt không thể nào khép lại

Cơn gió mùa Thu như lồng lên quằn quại

Hình như gió cũng rưng rưng

Mấy hôm rồi mà chẳng thấy xe lên

Chẳng biết đêm nay có chuyến nào tới được

Để đón anh em về một chốn bình yên

Để đưa anh em về trước...

(Nà Cáy-Thanh Thủy-Vị Xuyên-Mùa thu 1986)

________________________________________

[1]Cựu chiến binh F313, có mặt tại Nà Cáy trong giai đoạn 1983-1987 - PVĐ.


[i] Câu văn khó hiểu - VV

[ii] “Hà” là Hà Giang/Hà Bắc/…? - VV