Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 24 tháng 8, 2021

Thế lực thù địch (kỳ 10)

Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường

11

Website Annamite đăng loạt bài: “Tâm Đồng âm ỉ một đám cháy” của nhà văn Ngô Thời Bá, gây xôn xao dư luận.

Sẽ lại có một Tiên Lãng và Đoàn Văn Vươn mới; Một phiên bản của “Đồng Nọc Nạng” thời Pháp thuộc; Sở hữu đất đai toàn dân, tử huyệt của chế độ; Một đám cháy được báo trước vv… Mấy nghìn người vào đọc. Hầu hết các comment có chung nhận định như vậy.

Thực ra vấn đề ở Tâm Đồng chẳng có gì lớn. Cũng chỉ là vài chục héc ta đất canh tác. Với diện tích này, hồi phong trào hợp tác xã hợp nhất những năm 1960 ở miền Bắc, việc thôn này chuyển quyền sở hữu cho thôn khác, một, hai cánh đồng với diện tích trăm mẫu, hai trăm mẫu (tương đương cánh đồng Sang của thôn Tung, xã Tâm Đồng) là chuyện thường. Làng Động của Y, hồi lên hợp tác xã cấp cao, năm 1967, đã phải cắt hơn trăm mẫu của cánh Quải Vỡ và cánh Đồng Tranh cho làng Phí, hơn trăm mẫu nữa thuộc cánh Làn cho làng Ngọc Điện. Dân làng Động xót lắm, bởi đó là mồ hôi nước mắt, là xương máu của mấy chục thế hệ trải mấy trăm năm mới có được những cánh đồng bờ xôi ruộng mật ấy. Trong khi đó làng Phí, làng Ngọc Điện chỉ bán ruộng ăn dần, chẳng thiết làm nông, dân thích đi làm nghề cắt tóc dạo, hoạn lợn, hàn vá nồi niêu, buôn bán vặt và đi lang thang. Đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, chính quyền địa phương hay trung ương muốn lấy đất, chỉ ra một cái lệnh, đóng con dấu đỏ, muốn lấy bao nhiêu tùy ý.

Thế nên, hồi Trung Quốc xâm lược, năm 1979, Trung ương quyết định lấy 218 héc ta đất của bốn xã, trong đó có 48 hecta đất xã Tâm Đồng để làm nhà máy sản xuất tên lửa hay vệ tinh gì đó phục vụ đánh Tàu, thì dân xã Tâm Đồng chấp hành ngay. Tiếp đến, bên quốc phòng định lấy tiếp 59 héc ta đất đồng Sang của thôn Tung, xã Tâm Đồng, nhưng nhà nước ngừng lại, chưa phê duyệt. Xin lưu ý hai khu đất 48 héc ta (gọi là khu A) và 59 héc ta (gọi là khu B) đều của xã Tâm Đồng, khu A đã hiến cho quốc phòng, không nói nữa, khu B chưa hoàn tất thủ tục, hợp tác xã và xã vẫn thu thuế đất hằng năm, vẫn cho 14 hộ tạm mượn đất để ở và sản xuất. Diện tích nếu tranh chấp, chính là khu đất 59 héc ta dồng Sang. Ông Lưu Đình, khi ấy là chủ tịch ủy ban nhân dân xã, cùng chủ nhiệm hợp tác xã hợp nhất Bùi Văn Học đã ký văn bản bàn giao đất khu A cho nhà nước sử dụng cho nhiệm vụ quốc phòng.

Nhưng rồi nhiệm vụ thay đổi, nhà máy sản xuất tên lửa không xây dựng nữa. Năm 1990, sau hội nghị Thành Đô, hai đảng anh em xóa tan hận thù, kết lại với nhau để bảo vệ thành trì của Chủ nghĩa Xã hội, với phương châm 4 tốt và 16 chữ vàng, dự án quốc phòng Tâm Đồng khép lại. Lẽ ra, nhà nước không sử dụng nữa, thì nên trả lại đất để dân sản xuất, hoặc nếu mua bán chuyển nhượng cho đơn vị khác, thì định giá, đấu thầu, trả cho dân một số tiền tượng trưng, là xong. Nhưng cái doanh nghiệp Hừng Đông, lại không muốn trả tiền dân làng Tung, hoặc muốn lấy với cái giá bèo.

Một cuộc đấu tranh giành lại đất được chi bộ đảng làng Tung đưa vào nghị quyết. Bắt đầu từ thời ông Lưu Đình làm bí thư, rồi đến ông Bùi Văn Học làm bí thư, và tới đời nữ bí thư Bùi Thu Thảo gần đây, chẵn hai mươi năm. Ông Lưu Đình là một đảng viên trung kiên, năm mươi nhăm năm tuổi đảng. Từng được tặng huân chương kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Ông thuộc dạng người cuồng Đảng, còn Đảng còn mình. Ai động đến đảng của ông, ông sẵn sàng thí mạng. Người bạn đời của ông, bà Lại Thị Thà, còn cuồng Đảng hơn cả chồng. Thời chống Mỹ, bà từng là thành viên trung đội nữ dân quân gái Tâm Đồng bắn rơi máy bay Mỹ, từng giành giải nhất hội thao toàn quân về pháo phòng không 12 ly 7.

Dân làng Tung vốn hiền lành chăm chỉ, cán bộ bảo sao nghe vậy, từ ngày hòa bình, tức là năm 1954, luôn luôn là làng Tung kiểu mẫu của xã Tâm Đồng kiểu mẫu. Thế nhưng, từ khi doanh nghiệp Hừng Đông cho người về xây tường bao đất quốc phòng để xây nhà máy 4.0, thì bỗng nhiên cả làng đổi tính. Không hiền lành bảo sao nghe vậy như xưa, mà muốn sòng phẳng về nghĩa vụ và quyền lợi, dâng hiến, hay trao đổi, quà tặng hay mua bán, trắng đen rõ ràng để tránh vấn nạn tham ô, tham nhũng … Đầu tiên là chi bộ đảng làng Tung do bí thư Bùi Thu Thảo họp, ra nghị quyết, không giao 59 héc ta đất đồng Sang, vốn chưa vào quy hoạch đất hiến tặng quốc phòng. Thời chiến tranh, do nhiệm vụ chính trị bảo vệ Tổ Quốc, chúng tôi hiến đất, nhưng nay không dùng đến thì chúng tôi đòi lại. Vẫn muốn sử dụng làm kinh tế thì ta bàn, mua bán, chuyển nhượng theo giá thị trường. Chuyện quá hiển nhiên. Vậy mà họ cậy thế doanh nghiệp ưu tiên, được những người nắm quyền lực bảo kê, vẫn tìm mọi cách chiếm đoạt. Làng Tung đã nhiều lần kéo nhau lên huyện, lên tỉnh, viết đơn khiếu nại ở Trung ương, chẳng khác gì vụ đồng Nọc Nạng ở Nam Bộ thời Pháp. Người đi đầu đòi đất là cụ Lưu Đình, rồi sau này khi tuổi cao, sức yếu thì có bí thư Bùi Thu Thảo, trưởng thôn Lưu Cung và chủ tịch hội cựu chiến binh Bùi Văn Học…

***

Chẳng phải đi thực tế đâu xa, Tâm Đồng ngay sát trường cấp ba Thượng Sơn, nơi hơn hai mươi năm Ngô Thời Bá vừa dạy học, vừa viết văn. Tâm Đồng là mỏ vàng có nguồn gốc mac ma, thứ vàng tinh chất phun trào từ ruột trái đất, chứ không phải vàng trầm tích,vàng sa khoáng. Mới tập viết văn, hoặc viết dở đến mấy, có ngồn ngộn nguyên liệu đời sống Tâm Đồng, cũng thành tiểu thuyết.

Sau “Tốt sang sông”, Ngô Thời Bá định gác bút. Viết mà không có độc giả có khác nào danh ca hát trong xó bếp, khác chi anh thợ cắt tóc không dám hé lộ sự thật về cái tai lừa của vua Midas, phải đào một cái hố để nói xuống âm ti. Lại nữa, như Nguyễn Tuân, “Tôi còn sống được đến ngày hôm nay là nhờ biết sợ”, thì cuối đời cũng chỉ viết được vài cuốn sách bàng bạc xu thời. Than ôi, những “Chùa Đàn”,”Thiếu quê hương”,“Chữ người tử tù”…từng nổi tiếng văn đàn, nay chỉ còn “Vang bóng một thời”. Đến như Nguyễn Khải, nhà văn con cưng của chế độ, được cơ cấu vào Quốc hội, thành nghị sĩ cộng sản, mà cả khóa cũng không dám một lần đăng đàn nói hộ dân chúng một lời nào, để rồi cuối đời, trước khi chết, phải thổ ra đọi máu: “Tôi là nhà văn của một thời. Thời hết thì văn phải chết, tuyển tập, toàn tập thành giấy lộn cho con cháu bán cân…”, “ Một xã hội mà công dân không được quyền sống thật, nói thật, nhà văn cũng không được quyền bộc bạch cái tâm sự riêng tư của mình trên trang giấy, là một xã hội không có chân móng…” Rồi Chế Lan Viên, một trong những đỉnh cao thơ ca nước Việt, quét một vệt sao Chổi chói sáng từ Thơ Mới, với Điêu Tàn, sang thơ Cách mạng, với Ánh sáng và phù sa, Hoa ngày thường, Chim báo bão, vậy mà trước khi chết mới dám thổ lộ con người thật của mình, để lại những câu di cảo quay ngoắt một trăm tám mươi độ: “Cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi/ Giết một tiếng đau,giết một tiếng cười / Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ/ Tôi giết cái cánh sắp bay… trước khi tôi viết/ Tôi giết bão tố ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ…” Thế hệ Ngô Thời Bá, sống trọn kiếp văn nô, bút nô, không thể có tác phẩm lớn. Ngồi trước bàn, cái còng số tám, cái sân chăn kiến đã ẩn hiện trước mặt, tự biên tập từng câu từng ý, thì văn chương chỉ còn là nồi nước xáo voi. Ấy là chưa kể, cái giá của văn chương còn rẻ hơn bèo. Văn hóa đọc là thứ xa lạ. Bình quân mỗi người Việt chưa đọc 0,8 cuốn sách một năm, kể cả sách giáo khoa các loại từ lớp mẫu giáo đến bậc đại học, trong khi Israel 35 cuốn, Nhật Bản là 20 cuốn, Pháp, Ý là 15 cuốn, Mỹ 10 cuốn... Người ta cần sản xuất ra chỉ thị, nghị quyết hơn là làm ra sách. Người ta không muốn khai dân trí, không muốn dân mở mang kiến thức mà muốn dân răm rắp nghe theo nghị quyết. Hơn tám trăm tờ báo, mấy chục đài phát thanh truyền hình các tỉnh, chỉ cần một ông tổng biên tập là trưởng ban tuyên giáo. Tất tật các nhà văn chỉ cần một hội, không viết khác, không cần lạ, càng giống nhau càng tốt, như thế mới đoàn kết, tất cả cùng chí hướng. Một cuốn sách in ra, bao nhiêu nơi gác cửa, chỉ cần Đảng ngửi thấy có vấn đề: phản biện xã hội quá giới hạn, phủ nhận thành quả trên mức cho phép, phơi bày sự thật hồng ít đen nhiều vv… liền bị nhốt vào kho, bị nghiền thành bột, như “Tốt sang sông”. Một cái chết lặng lẽ, một cuộc chìm xuồng nham hiểm.

Những diễn biến ở Tâm Đồng, khiến Ngô Thời Bá phải suy nghĩ lại. Rút cục thì nhà văn sinh ra để làm gì? Có nhà văn nào sống được bằng văn chương không? Có nhà văn nào định viết để trở thành nổi tiếng, thành vĩ nhân không? Văn chương là một cái nghiệp, nghiệp chướng. Nhà văn có một thiên chức duy nhất là phải viết ra những gì của cộng đồng, của cõi sống anh ta trải nghiệm. Không viết ra anh ta sẽ ăn không ngon, ngủ không yên, suốt ngày trăn trở dằn vặt. Nó tựa hồ như một món nợ. Không ai đòi anh. Nhưng anh phải trả, nếu anh còn tư duy, còn biết đau khổ, hy vọng, nhớ thương, căm giận… Buông bút, không cần viết, tức là anh đã cởi bỏ được cái nghiệp chướng nhà văn. Nhà văn chân chính phải là cái ăng-ten của cộng đồng, là ký ức của thời cuộc, là lương tri của xã hội…

Nghĩ như thế, và Ngô Thời Bá bắt đầu một cuốn sách, tạm đặt là Tâm Đồng.

Nhân vật số một của tiểu thuyết phải là ông Lưu Đình.

Đó là một nguyên mẫu mà nhà văn hầu như không cần hư cấu gì. Có chăng, nếu là tiểu thuyết diễm tình thì phải thêm những gái làng, gái phố, những cuộc tình ly kỳ mùi mẫm, những pha ái ân đổ giường chiếu... Nhưng nếu là tiểu thuyết thế sự thì cứ đời tư người cộng sản Lưu Đình thế nào, mô tả trung thực là đủ.

Với riêng Ngô Thời Bá, nếu không có ông Lưu Đình, thì cuộc hôn nhân định mệnh với Bùi Thị Hân, hoa khôi của làng Tung và trường cấp ba Thượng Sơn, chưa chắc đã thành.

***

Chao ôi, cái cảnh gà trống nuôi con của thầy giáo Ngô Thời Bá, nhà văn trẻ Ngô Thời Bá, thật điển hình đến nỗi, không chỉ toàn huyện, toàn tỉnh mà cả nước đều biết. Có một câu ca được lan truyền thế này:

“ Ngô thời lên lớp bế con

Bá thời xuống bếp cọ xoong chấm bài

Một mình bố mẹ hai vai

Lúc nào Thời Bá trổ tài viết văn?”

Mồ côi vợ như Ngô Thời Bá lúc ấy thật thảm thương không bút nào tả xiết. Nhưng chắc chắn hiếm có người đàn ông gà trống nuôi con nào có niềm vui thầy trò như Bá. Ngày nào, nhà thầy Bá cũng tíu tít tiếng cười nói, tiếng trẻ líu lo. Ấy là lúc cuối ngày, những học trò của thầy phân công nhau, nhóm đi đón thằng Ngô Cao Thượng từ lớp mẫu giáo về, nhóm giúp thầy dọn nhà cửa, chuẩn bị nấu cơm, nhóm cho lợn ăn, gọi gà về chuồng... Dường như những gì cô giáo Cao Thị Lộc từng làm trước đây, thì nay các học trò lớp 11A, cả nam và nữ, đều muốn mọi việc vẫn được chu toàn như cô Lộc chưa hề đi xa.

Trong những học trò ấy, cô lớp phó Bùi Thị Hân là một nữ sinh đặc biệt. Các bạn thường gọi Ngọc Hân công chúa. Biệt danh này chỉ đúng với cái tên, còn con người Hân thì không yểu điệu, mảnh mai, mà cao lớn, đẫy đà, quý phái, giống với hình ảnh nữ tướng Bùi Thị Xuân hơn. Hân không chỉ học giỏi, lao động giỏi mà tính tình lại rất nhẹ nhàng, đa cảm, thương người. Thấy Hân đặc biệt quyến luyến và chăm sóc thằng Ngô Cao Thượng, các bạn ngầm chế, bắt thằng Thượng phải gọi là “dì Hân”.

Năm học tiếp đó, thầy Bá theo học sinh lên chủ nhiệm lớp 12A. Hân vẫn là lớp phó học tập. Những giờ sử của thầy Bá vẫn có sức lôi cuốn đặc biệt học trò các khối. Những năm ấy, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông hoặc thi vào đại học, học sinh cả nước thường bị điểm rất thấp môn sử, vì chúng chán lịch sử tới tận... chân răng, nhưng học trò trường Thượng Sơn năm nào cũng xếp hạng cao nhất tỉnh. Bởi thầy Thái Sử Bá, đồng nghiệp và học trò thường lấy tên sử gia nước Tề của Trung Quốc cổ đại để gọi thầy Bá thế, đã biến những giờ sử thành nỗi đam mê khao khát được ngược nguồn dân tộc, khám phá những trang bi hùng của đất nước.

Tỉ dụ, khi học về cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, thầy Bá không dạy trên lớp mà cho học trò đến thắp hương nhà thờ chi họ Bùi làng Tung do ông Bùi Văn Học là trưởng tộc. Sau khi thầy trò thành kính dâng hương, thầy Bá nói:

- Các em biết không, tại Hội thề Lũng Nhai năm 1416, trước khi Lê Lợi làm lễ xuất quân đánh đuổi giặc Minh, có một người họ Bùi quê hương ta. Đó là danh thần Bùi Quốc Hưng. Ông là một trong 18 vị công thần có tên từ ngày đầu dưới cờ nghĩa Lam Sơn. Sách Đại việt sử ký toàn thư chép, cụ nội Bùi Quốc Hưng tên là Phí Mộc Lạc, làm quan dưới triều vua Trần Nhân Tông. Mộc Lạc, nghĩa là cây đổ, cây rụng. Vua Trần Nhân Tông quí tài và đức Phí Mộc Lạc, nhưng thấy tên ấy không hay, liền đổi cho ông sang họ Bùi, Bùi Mộc Đạc, tức là cái mõ có sức vang xa. Từ đó có một dòng họ Bùi chuyển từ họ Phí. Danh thần Bùi Quốc Hưng là bạn vong niên của Ức Trai Nguyễn Trãi, ông là một trong những tướng tài của Lam Sơn, từng lập chiến công vây thành Nghệ An, phá thành Điêu Diêu, thành Xương Giang khiến quân Minh đại bại. Mẹ ông người vùng núi đá vôi Thượng Sơn. Từ thuở thiếu thời và trước khi vào Lam Sơn, Bùi Quốc Hưng đã từng sống ở quê mẹ. Cuối đời ông về Thượng Sơn an trí và chọn đây là nơi an nghỉ cuối cùng...

- Cái Hân là hậu duệ của danh tướng Bùi Quốc Hưng nên nó giống Ngọc Hân công chúa thầy ạ - Ai đó bỗng nói to lên.

- Thảo nào con gái họ Bùi ai cũng có võ. Nữ tướng Bùi Thị Xuân này. Lớp phó Bùi Thị Hân cũng có võ đấy thầy ơi. Con trai toàn bị nó đá đít...

Một giọng con gái chua loét như dấm:

-Cái Hân nó bảo sẽ đánh đổ thầy chủ nhiệm lớp 12A.. a... a... .

Suốt từ buổi học dã ngoại ấy, lớp 12A bỗng lao xao một điều gì mà chỉ có thế giới học trò nhất quỷ nhì ma mới hiểu nổi.

Sau nỗi đau mất vợ, thầy Ngô Thời Bá hầu như không muốn nghĩ đến người đàn bà nào khác. Với học trò, lại càng tối kỵ. Nhưng cô học trò Bùi Thị Hân, đã bằng cách nào đó, đôi khi len vào trong giấc ngủ của thầy. Có lẽ từ những cử chỉ chăm sóc nâng niu bé Thượng, sao giống Lộc lạ lùng. Có lẽ từ một bộ quần áo mới, một túi đồ chơi, một gói bánh… Hân lặng lẽ để trên bàn học của thằng bé. Và ánh mắt, thảng hoặc Hân nhìn, rồi vội bối rối quay đi...

Những giờ sử của thầy Bá, có một đôi mắt to đen, với hàng mi cong rợn ngợp, từ dãy cuối bàn, luôn nhìn xoáy vào thầy, biết vậy, nhưng thầy không dám nhìn lại. Trò kém thầy những hai mốt tuổi, ngây thơ, trong trắng quá, thầy không dám và không nỡ...

Có một đêm thao thức vì đôi mắt ấy, Bá không ngủ. Anh ôm chặt lấy thằng Thượng, cố nghĩ đến Lộc, nước mắt ứa ra. Nhưng rồi chen lẫn với hình ảnh của Lộc, lại là đôi mắt học trò ấy. Không quen làm thơ, mà Bá vẫn không ngăn được tứ thơ dạt dào cảm xúc.

“Em trong trắng quá, như trang giấy

Chưa kịp chia ô, chửa kẻ dòng

Anh thì bụi bặm như đời vậy

Mực đã bao lần đục lẫn trong.

Giá em đừng trắng như giấy trắng

Thì anh viết tiếp số phận mình

Đời lắm đắng cay và đen bạc

Giấy trắng em vẫn trắng rưng rưng... ’’

Bài thơ này Bá đặt tên là GIẤY TRẮNG, sau này in trong tuyển thơ tình học trò của nhà xuất bản Thanh Niên. Nhưng dạo ấy thì Hân và các bạn của nàng không thể biết thầy Ngô Thời Bá có phẩm chất thi sỹ.

***

Rồi chính cô học trò tinh nghịch đặt thầy Bá vào một tình huống cực kỳ khó xử. Ấy là buổi kiểm tra học kỳ, một tiết, điểm số ghi học bạ với hệ số hai. Thầy Bá đứng trên bục nhìn bao quát toàn lớp. Sĩ số 46 học trò đủ mặt. Thầy ghi đầu bài lên bảng: “Anh, chị hãy cho biết diễn biến lịch sử dẫn đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Hãy bình luận về chiến thắng vĩ đại này”.

Cả lớp im phắc. Những đôi mắt lim dim nhìn vào tiềm thức như những nhà sử học nghiêm cẩn đang nghiền ngẫm những sự kiện và nhân vật. Rồi tiếng giấy mở loạt soạt, những mái đầu nghiêng nghiêng, bắt đầu viết lia lịa.

Thầy Bá ngồi trước bàn, mở cuốn tiểu thuyết “Con tàu trắng” của Chyngyz Aytmatov, nhưng đọc chừng vài dòng thầy lại nhìn xuống lớp xem học trò làm bài có nghiêm túc không. Và kỳ lạ, lần nào nhìn xuống, thầy cũng bắt gặp đôi mắt to đen vời vợi của Hân nhìn lên. Hai luồng ánh mắt gặp nhau. Lần đầu tiên, Bá biết thế nào là đấu mắt. Và thầy thua. Vội cúi xuống Aytmatov. Nào có đọc được gì nữa, thầy bắt đầu xao xuyến. Chẳng lẽ cô bé này đã làm xong bài? Mấy lần thầy tự hỏi, và lần nào nhìn xuống dãy bàn cuối lớp, vẫn gặp đôi mắt vời vợi ấy.

Trống trường điểm ba tiếng. Hết giờ. Hân đứng phắt dậy thu bài của từng bàn, như mọi lần. Trong dáng vẻ hăng hái và mẫn cán của một lớp phó, ánh mắt nàng không che giấu nổi một cái gì rạo rực, bồn chồn, chen lẫn lo lắng, hoang mang, rất khó tả.

Việc đầu tiên về đến phòng, sau khi đóng chặt cửa lại, thầy Bá mở tập bài kiểm tra, tìm ngay bài của Bùi Thị Hân. Đây rồi. Dưới phần chép đề, là phần bài làm. Không một dòng nào, ngoài mấy chữ viết nghiêng, nắn nót: Thưa thầy, em không làm được ạ! Dấu chấm than mới to và dứt khoát làm sao. Một sự thú nhận. Một nỗi thổn thức. Một trách móc giận hờn…

Trái tim chai sạn của thầy có một tích tắc như ngừng đập. Thầy Bá không tưởng tượng nổi đời dạy học của mình lại có một tình huống sư phạm oái oăm thế này. Ngay bây giờ, hoặc một lúc nào đó trong hôm nay, ngày mai, ngày kia... , chỉ cần nhắn con chim non ấy lên phòng, nàng sẽ sà ngay vào lòng thầy và thổn thức. Không phải là ngoại lệ. Rất nhiều mối tình thầy trò từ thuở Nguyễn Phi Khanh và Trần Thị Thái tới giờ, đã bào chữa và thi vị hóa một phạm trù đạo đức tưởng như bị cấm kị.

Phải nói không là điều đau đớn và gian dối với lòng mình, nhưng vẫn có thể làm được việc không nên ấy, trên cương vị một thầy giáo chủ nhiệm mà chức phận và nghề nghiệp cao quý đã mặc định. Bá sẽ bóp chặt trái tim mỗi lần nghĩ đến cô trò nhỏ. Bá sẽ tránh gặp nàng, hoặc giả làm một trò lố bịch, thậm chí tàn nhẫn cho nàng thoát khỏi trạng thái cuồng yêu. Nhưng việc trước mắt, không thể lẩn tránh, không thể thoái thác: Chấm bài của Hân thế nào? Cái ô điểm số hình vuông phía bên trái và ô lời phê của giáo viên hình chữ nhật bên phải không thể để trống. Cả tuần Bá căng óc suy nghĩ. Điểm không (0) là dĩ nhiên rồi. Nhưng đó là điểm hệ số hai, ghi học bạ, là điểm xét thi tốt nghiệp và thi đại học. Điểm không, điểm liệt, thì ác quá, tàn độc quá. Vậy thì điểm mấy? Với học lực của Hân, bài này Hân kiếm tám, chín, thậm chí mười điểm là đương nhiên. Cho Hân tám điểm, chẳng học trò nào thắc mắc, ghen tị. Lần đầu tiên trong đời, Bá chấm một bài kiểm tra khó khăn vô cùng.

Mọi lần, giờ trả bài kiểm tra một tiết, sau nhận xét của thầy, Bá thường đưa tập bài cho lớp trưởng, hoặc một học sinh đầu bàn, phân phát cho các bạn. Nhưng lần này thì không thể. Không để học trò nào đọc thấy bút phê và điểm số bài kiểm tra của Hân. Nhưng cũng không nên thành ngoại lệ, trả bài Hân riêng ra, trả đầu tiên hoặc sau cùng. Bá xếp riêng mỗi bàn thành một tệp. Bá đi từng bàn, trả từng tệp cho trò ngồi đầu bàn. Bàn cuối cùng, trước khi đưa cho Hân, thầy ý tứ đưa mắt, và cô học trò thông minh, quá hiểu ý thầy, nàng trả bài cho các bạn, còn bài của mình thì cất ngay trong cặp, dưới hộp bàn.

Tiết học ấy, Hân không nhìn thầy Bá một lần nào, nhưng anh biết, trái tim non nớt của cô học trò đang thổn thức, muốn nhảy tung ra khỏi lồng ngực. Lát nữa, hoặc một lúc nào đó sau tiết học, nàng sẽ bí mật lấy bài ra xem, và sẽ không thấy một chữ bút phê nào của thầy, chỉ có một vòng khoanh mực đỏ quanh dòng chữ của trò và một dấu hỏi to tướng bên lề, cùng với một điểm 5 hào phóng, cái điểm 5 trung bình mà không một thầy giáo nào từ cổ chí kim lại bút phê một cách khó khăn, khổ sở đến như vậy. Điểm 5 trung bình ấy đã vi phạm một quy tắc nghiêm ngặt của nghề thầy, nhưng lại manh nha nhen nhóm và nuôi cấy một ngọn lửa tình yêu... , mà ba năm sau, khi Hân đã là cô sinh viên năm thứ ba khoa trồng trọt Đại học Nông nghiệp, mới bùng lên thành ngọn lửa tình bỏng cháy, nồng nàn.

***

Ấy là vào kỳ nghỉ hè nắng chói chang, sân trường đỏ rực sắc hoa phượng vĩ, thầy Bá đang ngồi trong phòng đọc sách, thì cô sinh viên Đại học Nông nghiệp ào đến.

-Thầy ơi, thầy có thơ đăng báo. Thầy ký bút danh khác, nhưng em vẫn nhận ra …

Hân xòe tờ báo còn thơm phức mùi mực mà cô vừa mua từ bến xe. Đúng là bài thơ GIẤY TRẮNG, với bút danh Thượng Sơn, địa danh mà Bá đã gắn bó cả cuộc đời dạy học. Một người bạn phóng viên đã chép từ sổ tay của Bá bài thơ này và gửi đăng báo...

Bắt gặp cái nhìn của Bá, cô học trò bỗng sững lại. Vì đôi mắt ấy của thầy, mà cô suýt bị điểm không bài kiểm tra cuối học kỳ bốn năm trước.

-Hân biết không, em mới chính là tác giả của bài thơ ấy…

Nói được điều này, thầy giáo Ngô Thời Bá đã thực sự vượt qua cái ranh giới ước lệ, nhưng rất nghiêm cẩn và đầy lễ nghi, tập tục của thứ bậc thầy trò.

Và, như một phép màu, họ đến với nhau như định mệnh đã sắp đặt.

Nhưng, sóng gió bắt đầu nổi lên.

Đầu tiên là sự phản đối quyết liệt của mẹ và hai chị gái Hân. Tiếp đến là quyết tâm ngăn cản của ông bác họ Bùi Văn Học, cũng là trưởng tộc họ Bùi. Con gái hơ hớ việc gì phải đi làm lẽ một ông giáo góa vợ, gấp hai tuổi mình? Một ông thầy dạy học gần hai mươi năm vẫn không được vào đảng, một tay nhà văn có vấn đề, sách in ra bị thu hồi, lấy hắn có ngày nấu cơm tù. Ông Bùi Văn Học đưa ra ngần ấy tội trạng của Bá và tuyên bố xanh rờn: Con Hân mà lấy ông giáo Ngô Thời Bá thì họ Bùi sẽ từ mặt.

Thầy Ngô Thời Bá thấy nản, định xin chuyển về Hội văn nghệ tỉnh. Cũng là cách để trốn chạy tình yêu.

Nhưng với cô con gái họ Bùi thì không. Nhất là bét. Thầy có thể chuyển công tác, có thể đi khỏi Thượng Sơn, nhưng em vẫn chỉ yêu thầy. Bốn năm, có bao chàng trai trồng cây si, nhưng em chỉ nghĩ đến thầy, đến thằng Thượng côi cút, tội nghiệp. Bây giờ công thành danh toại rồi, lại được về bên thầy, bên bé Thượng, lẽ nào buông bỏ, thầy ơi…

Và rồi Hân đã tìm thấy vị cứu tinh. Hân đến nhờ ông Lưu Đình, anh trai của mẹ. Hồi ấy ông Đình đang là bí thư đảng ủy xã, uy tín không chỉ với địa phương, mà cả trong nội ngoại tộc. Ông Đình là bạn vong niên, là người đồng chí tin cậy với ông Bùi Văn Học. Cuối cùng, chính hai người bác nội, bác ngoại ấy đã đứng ra tác thành cho cặp vợ chồng tưởng như đôi đũa lệch nhưng lại có duyên ngầm như trời định.

Đám cưới thầy Bá, trò Hân được tổ chức giữa mùa xuân năm sau, khi Hân trở thành kỹ sư phụ trách trồng trọt ở phòng nông nghiệp huyện và thầy Ngô Thời Bá vẫn ở lại trường. Thượng Sơn trở thành tổ ấm uyên ương, thành miền quê thân thương, vùng đặc sản giống lúa nếp cái hoa vàng mang tên Thượng Sơn mà tác giả lai tạo, chính là người con gái họ Bùi.

***

Mối quan hệ thâm giao, thậm chí bạn vong niên giữa ông Lưu Đình và nhà giáo, nhà văn Ngô Thời Bá từ đấy ngày càng thân thiết. Rất nhiều chi tiết đời sống, nhiều tình huống, cảnh ngộ, nhân vật nông thôn mà Ngô Thời Bá đưa vào các tiểu thuyết “Vùng gió quẩn”, “Tốt sang sông”, là nhờ có ông Lưu Đình.

Cho đến một ngày, khi Hân vừa đón cô con gái út từ trường học về, thì ông Đình cưỡi chiếc Dream Thái đến.

-Ôi bác, có việc gì mà bác đến tận đây ạ? Mời bác vào trong nhà.

-Thầy Bá có nhà không mà bác gọi từ chiều không thấy nghe máy?

-Dạ, nhà cháu đi họp trên Hội văn nghệ tỉnh từ hôm qua. Chắc sắp về đấy ạ.

-Thế hả? Vậy thế này nhé. Mai chủ nhật. Bảo thầy Bá tám giờ đến bác. Có chuyện quan trọng, bác muốn bàn với thầy …

Nói rồi ông Đình phóng xe đi ngay. Nhìn cái dáng đi xe, không ai nghĩ ông đã hơn tám mươi tuổi.

Tám giờ sáng hôm sau, thầy Bá đến gặp ông Đình, như ông đã hẹn. Trong phòng khách còn có ông Bùi Văn Học, người bạn thân thiết từ những ngày hai ông cùng công tác. Ông Đình râu tóc bạc trắng, lông mày cũng bạc trắng, trông hiển từ như một tiên ông. Ông Học kém ông Đình chừng mười tuổi, tóc vẫn còn đen, người nhỏ thó nhưng quắc thước, săn chắc như tạc bằng lõi lim rừng. Hai ông già pha nước, ngồi đợi thầy Bá. Trước mặt họ là một chiếc hòm đạn đại liên của Mỹ bằng sắt, còn khá mới.

-Cháu chào hai bác. Tối qua, cháu về nhà muộn. Nghe Hân nói bác có chuyện gấp… - Bá chào hai ông già, kính cẩn đúng với phận người cháu rể.

Tự tay ông Đình rót nước mời thầy Bá.

-Mấy tháng nay chuyện ruộng đất ở Tâm Đồng thầy đã quá rõ? – Ông Đình nhìn sang ông Học – Tôi với ông Học liên tục bị huyện mời lên giải trình các đơn khiếu tố và đề nghị rút đơn kiện doanh nghiệp Hừng Đông.

Ông Học khoát tay:

-Nhất định không rút đơn. Kiện đến cùng. Tôi nghe nói đoàn Quốc Hội sắp về đây. Phải để họ gặp gỡ dân làng Tung mình, trực tiếp nghe ý kiến từ người dân…

-Quốc Hội cũng chỉ là bù nhìn thôi, các cụ còn lạ gì ? – Ông con trưởng Lưu Cung từ tầng trên xuống, kéo ghế, tra thuốc vào nõ điếu cày, nói chen ngang - Có chú Bá đây, tôi đề nghị chú cho vài bài báo lên mạng lề trái, để bàn dân thiên hạ biết. Thủ Thiêm và Tâm Đồng đang là tâm điểm của cả nước. Hoa Kỳ và các nước Tây u người ta đều đã lên tiếng ủng hộ. Mình càng sợ hãi, bọn tham nhũng và mafia đỏ càng lấn tới...

Nhìn gương mặt như như hoá đá của ông Lưu Đình, đang ngồi im phắc trước chiếc hòm sắt, Bá bỗng nhớ buổi hai bác cháu ra thăm đồng Sang trước hôm doanh nghiệp Hừng Đông cho thi công tường bao. Dẫn Bá đến từng cột bê tông phân ranh giới cắm mốc, ông Đình vừa nói vừa khóc: “Bác có tội với dân, vì cả tin, nhẹ dạ. Hồi ấy, bác và ông Học đã nói với dân làng Tung thế này: “ Xin bà con tin tưởng vào chính quyền xã và ban chủ nhiệm hợp tác xã chúng tôi. Hiến đất cho nhà nước để tham gia chống quân bành trướng Bắc Kinh lúc này là niềm vinh hạnh được phụng sự Tổ quốc”. Vậy mà mấy năm sau, nhà máy sản xuất tên lửa thôi không xây dựng nữa, thì đất Tâm Đồng liền bị sang tay cho bọn tư bản đỏ khoác áo cộng sản…”

-Tình hình căng đấy, hai bố ạ - Lưu Cung rít thuốc lào rong róc, ngửa cổ nhả khói mù mịt - Không biết ngày nào, giờ nào, bọn tham nhũng sẽ đánh úp, cướp trắng cánh đồng Sang. Dân làng Tung đều chúng khẩu đồng từ, rằng, nếu bây giờ giặc Tàu lại sang xâm lược, thì dân làng Tung sẵn sàng ra trận, dân sẵn sàng hiến toàn bộ đất đai cho quốc phòng. Nhưng bây giờ thì không, một mét đất cũng không thí cho bọn tư bản đỏ. Dân làng Tung đang trông chờ vào cả hai bố. Chị Thảo bí thư bị huyện khai trừ đảng rồi, coi như số không. Chỉ cần hai bố ra lệnh, chúng con sẽ quyết tử…

- Trứng chọi đá, anh Cung ạ - Thầy Bá nói – Tâm Đồng chỉ là đốm lửa nhỏ giữa mênh mông đất Việt. Chỉ cần một gáo nước là dập tắt. Anh còn nhớ vụ Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc không? Hàng chục vạn sinh viên biểu tình mấy ngày liền. Vậy mà chỉ trong một đêm, họ đã bị biến khỏi mặt đất vô tăm tích. Hàng trăm xe bọc thép đã nghiền họ như cháo. Rồi ngay lập tức xe vòi rồng phun nước rửa sạch, không còn một vết máu…

- Dẫu sao thì nhà nước chúng ta, tuy như anh em ruột thịt với anh bạn vàng bốn tốt, nhưng cũng không tàn ác như Trung cộng - Cung cười, bào chữa - Với lại hai ông bố đây đều là cộng sản gộc. Đảng cộng sản đời nào ăn thịt đồng chí mình…

Ông Lưu Đình mở khóa hòm sắt, lấy ra các giấy tờ, công văn, bản đồ… trải ra bàn. Thầy Bá trố mắt nhìn, như nhìn những món thư tịch cổ từ mấy trăm năm trước.

-Hôm nay có ông Học và thầy Bá chứng kiến. Đây là toàn bộ hồ sơ gốc liên quan đến 218 héc ta đất của bốn xã hiến tặng quốc phòng, còn đây là hồ sơ 59 héc ta đất đồng Sang. Tôi đã cho photocopy mấy bản rồi. Lâu nay bọn tham nhũng muốn ăn không đất đai của Tâm Đồng, lúc nào cũng lồng lộn lên vì mớ giấy tờ này đây. Tôi đã phải đặt mua cái hòm sắt đạn đại liên Mỹ này từ Quảng Trị, để cất giữ. Nhưng rất có thể tính mạng của tôi, của ông Học, của hai thằng Cung, Kiếm con trai tôi sắp tới cũng khó bề giữ nổi, huống chi là cái hòm tài liệu này. Vì thế, sau khi trao đổi với ông Học và cháu Cung, chúng tôi muốn chuyển cho nhà văn Ngô Thời Bá lưu giữ, để làm tư liệu về sự thật của Tâm Đồng … Nhân đây tôi cũng nói để nhà văn biết về mảnh đất đồng Sang. Theo thần phả còn lưu giữ ở đình làng và theo các cụ kể lại, thì làng Tung xưa vốn nằm ở đất Khai Môn, gần đồng Sang bây giờ, nơi xuất phát của con đường thiên lý vào châu Hoan, châu Ái. Từ thời Lý, Trần, mỗi lần các vua ta đi tiễu phạt phương nam đều làm lễ xuất quân từ đền Khai Môn. Quân bộ thì đi xuyên rừng vào Nho Quan, Ninh Bình. Quân thủy thì ra ngã Ba Thần, xuôi sông Thanh Quyết ra cửa Thần Phù. Thời kỳ giặc Minh xâm lược, chúng triệt hạ làng Tung, đuổi dân để lập đồn trú ở Khai Môn. Các cụ kể lại, tại đây, giặc Minh thu hết sách thánh hiền từ các nơi về đốt trong cả tháng trời, khói bay mù mịt. Chúng bắt quân khởi nghĩa của Trần Quý Khoáng về Khai Môn và làm nhiều cuộc thảm sát… Đến khi Lê Lợi kéo quân ra Đông Quan, dân làng Tung cho người vào làm nội ứng, giết sạch quân đồn trú nhà Minh ở Khai Môn, đón đại quân Lê Lợi truy đuổi giặc ở Tốt Động, Ninh Kiều… Đó, đất đồng Sang của làng Tung là như thế đó. Cách xa làng tới ba cây số, nhưng suốt bao đời người làng Tung vẫn đổ mồ hôi nước mắt trên mảnh đất của cha ông mình…

Ông Lưu Đình không nói hết câu, khóc nấc lên. Dường như để nói ra được những lời này, nhiều đêm, nhiều ngày, ông đã nghiền ngẫm lung lắm. Dường như, ông linh cảm thấy một điều gì sắp đến với mình. Với nhãn quan và sự nhạy cảm của một nhà tiểu thuyết, Ngô Thời Bá chợt nghĩ như vậy. Và giọng ông run run:

-Dạ, cháu đâu dám… Đây là một đại sự, mà…

-Cháu phải nhận. Nếu cháu không là con rể họ Bùi thì bác không nói điều này– Ông Học chém tay vào không khí – Hai lão già đã bàn với nhau hết nước rồi.

Ông Lưu Đình lau nước mắt, nói:

-Bấy lâu nay, đài, báo, tivi đều nói tôi lãnh đạo dân Tâm Đồng chống Đảng. Họ còn vu cho bố con tôi cùng với ông Học đây thành lập tổ Đoàn Kết, để chống Đảng…

-Có thật vậy không? - Bá trố mắt, hỏi - Nếu là thành lập tổ chức thì cực kỳ nguy hiểm. Đảng Cộng Sản họ không dung thứ một tổ chức nào tồn tại song hành với họ. Đến như một số nhà văn muốn thành lập một văn đoàn, mang tên Văn đoàn Độc lập mà còn bị cấm, nhiều nhà văn bị xách nhiễu lên bờ xuống ruộng. Các bác nhớ, không được thành lập tổ chức nào hết.

-Thì chúng tôi đâu dám thành lập tổ chức - Ông Học bỏ dở mồi thuốc, mắt quắc lên như đang muốn cãi nhau với ai đó - Nhưng một họ, một làng đùm bọc, liên kết với nhau cũng bị cấm đoán à? Cả làng Tung, cả xã Tâm Đồng này đều kề vai sát cánh nhau bảo vệ mảnh đất ông cha mình để lại mà là phản động à? Dù đi đến chân trời góc bể thì chúng tôi vẫn nói rằng 59 héc ta đất đồng Sang chưa hề giao hiến cho nhà nước. Họ, cái bọn muốn cướp đất ấy, có thể lừa được một người, thậm chí vài người, nhưng không thể lừa bịp được cả dân làng Tung…

- Cho nên cần phải giữ những hồ sơ gốc này như giữ gìn tính mạng của làng, giữ gìn chân lý. Chỉ thầy giáo dạy sử, nhà văn Ngô Thời Bá mới có đủ phẩm chất và tư cách giữ những hồ sơ đất đai xương máu của làng Tung…- Ông Đình xếp những tài liệu, bản đồ vào hòm sắt rồi đẩy về phía Bá.

Bá ngước nhìn lên trần nhà. Anh đã ngửi thấy mùi hương trầm từ trên ấy phả xuống. Anh đứng dậy, hai tay bê chiếc hòm sắt.

-Thưa hai bác, con xin nhận sự ký thác niềm tin của hai bác và dân làng Tung. Nhưng… cho phép con được thắp nén nhang để kính cáo với các anh linh tiên liệt của làng…

Vừa lúc ấy bà Thà và chị An, cô dâu trưởng, vợ Lưu Cung từ dưới bếp bưng đồ cúng theo cầu thang lên lầu.

-Chúng ta cùng lên tầng ba. Bà nhà tôi và vợ thằng Cung đã sắp lễ trên ban thờ.

Ngô Thời Bá không ngờ, cuộc ký thác sinh mạng tinh thần của làng Tung cho một cây bút, đã được chuẩn bị rất chu đáo. Trên ban thờ gia tiên nhà ông Lưu Đình đã được bày biện một lễ trọng : Hai bình hoa huệ, một mâm ngũ quả, một cút rượu, một đĩa trầu cau, một đĩa xôi nếp cái hoa vàng, một gà sống thiến ngậm hoa hồng.

Chiếc hòm sắt hồ sơ đất đai của làng Tung được mở ra, đặt trên ban thờ.

Ông Đình và ông Học, từ lúc nào đã thay y phục, áo the đen, quần trắng, khăn xếp cổ truyền. Cả hai ông cùng vào chủ lễ. Hai bên có Ngô Thời Bá và Lưu Cung phù tá.

Hai cây bạch lạp cháy sáng. Hương trầm nghi ngút.

Ông Đình vái năm vái rồi quỳ trước chiếu. Ba người cùng làm theo.

- Duy Việt Nam quốc, Sơn Minh tỉnh, Thượng Sơn huyện, Tâm Đồng xã, Kẻ Tung thôn…

Tiếng ông Đình trầm đục, âm vang, như tiếng tù và ngân trong không gian thăm thẳm.

H.M.T.