Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2019

Văn học miền Nam 54-75 (588): Nguyễn Đức Sơn (kỳ 4)

Võ Phiến, Thơ Nguyễn Đức Sơn

Tập thứ nhất của Những bài tình đầu ra đời từ năm ngoái. Ðến cuối năm nay Những bài tình đầu đã in đến tập thứ ba, nhưng ít ai nói đến. Những tác phẩm ấy đều do “Mặt Ðất” xuất bản, mang ở bìa trước bìa sau đầy những lời tuyên bố kỳ quặc. Có phải vì mải chú ý tới những cái kỳ quặc ấy mà ít người kịp chú ý đến cái hay trong tác phẩm. Nếu quả vậy, thật đáng tiếc.

Bởi vì mặc dù bề ngoài Nguyễn Ðức Sơn có những điệu bộ lạ mắt, những quát tháo hung dữ, nhưng kỳ thực đó là người rất gần gũi chúng ta. Một người con trai mới lớn, bỡ ngỡ đối với thân xác mình, tha thiết mà rụt rè trong tình yêu, thèm muốn mà e ngại đối với người yêu; một người con trai mới lớn, rạo rực tưng bừng trước cuộc sống huy hoàng, mà đồng thời lặng người đau xót trước cái tịch liêu của mênh mông, cái hư ảo vô nghĩa của cuộc đời.

Nguyễn Ðức Sơn là như thế, có gì kỳ cục đâu. Ông trích hai câu của Huy Cận để lên đầu sách mình, rất thích hợp:

“một chiếc linh hồn nhỏ

mang mang thiên cổ sầu”

Thực ra, Nguyễn Ðức Sơn không những chỉ gặp Huy Cận. Cùng với Huy Cận, ông đã gặp mối “thiên cổ sầu”, ông xúc động vì những gì đã xúc động các thi sĩ từ muôn đời trước. Tuy nhiên trước một vài băn khoăn căn bản, mỗi thế hệ có một cách phản ứng riêng, một lối phát biểu riêng. Trần Tử Ngang, Lý Bạch, v.v. cũng kêu than trước vũ trụ bao la, trước cuộc đời ngắn ngủi; nhưng phải đến Huy Cận, đến thời kỳ của cá nhân chủ nghĩa, con người bị lạc loài bơ vơ ngoài tập thể, tiếng kêu mới mang thêm nỗi run sợ khiếp hoảng. Từ Huy Cận đến Nguyễn Ðức Sơn không cách xa đến thế. Tuy vậy sự khác nhau cũng đã rõ rệt.

Chúng ta, những độc giả của hôm nay, chúng ta yêu Nguyễn Ðức Sơn vừa ở chỗ ông giống vừa ở chỗ ông khác với các thế hệ trước. Chỗ giống ấy làm cho lớp người này không đến nỗi ngẩn ngơ, tự thấy quái dị trước lịch sử; chỗ khác ấy làm nên cái thích thú riêng của những kẻ đồng cảnh hiểu nhau.

*

Trông thấy Nguyễn Ðức Sơn khoa trương về những tác phẩm “ngợp mắt” của mình và xỉ vả tất cả những ai, “bất luận già hay trẻ, đực hay cái”, muốn lợi dụng tài năng mình, người ta tưởng tượng ông ngổ ngáo không ai bằng. Nhưng hãy đến gần một chút, sẽ thấy ông hiền lành dễ mến biết chừng nào. Con người ta chỉ làm bộ làm tịch lúc bình thường, chứ một khi có điều trọng đại xảy đến, lay động sâu xa, thì liền quên hết bộ tịch mà xuất lộ ngay chân tướng. Chuyện quan trọng trong đời có lẽ không gì hơn là cái chết của người thân và tình yêu của mình.

Tôi không biết sinh mệnh của thân mẫu Nguyễn Ðức Sơn có lần nào bị nguy ngập thực chăng (1) hay là ông chỉ mơ thấy mẹ qua đời mà những lời ông thốt ra chắc chắn ai nghe cũng phải cảm động. Toàn bài Mây Trắng chỉ có câu:

“huyệt dài bóng xế lấp đời con”

là có dùng đến hình ảnh tu từ. Ngoài ra, toàn thị là giản dị hết sức, cũng giản dị như những tình cảm chân thành trên đời:

“hình bóng ngày xưa khuất núi rồi

còn đây khăn trắng vấn đầu thôi

còn đây một mảnh hồn đơn chiếc

như cánh chim côi bạt cuối trời.”

Những câu như thế tưởng ai cũng viết được: chẳng những không có gì cao kỳ, lại còn cũ kỹ, khuôn sáo. Nhưng truyền được nỗi bùi ngùi vào những lời tầm thường như thế thì phải là một xúc cảm thật chân thành mới truyền nổi.

Hàng ngày bước đi giữa phố phường ai nấy đều không ngớt chạm mặt người xa kẻ lạ, nhưng mấy ai phát giác được cái điều giản dị mà lạ lùng nầy:

“hờ hững bao người đâu phải mẹ”

Nguyễn Ðức Sơn đáng mến trong trường hợp đau xót ấy, mà còn đáng mến ngay cả khi ông yêu đương. Ðến cái tuổi mà mọi thiếu niên bắt đầu nghĩ về người bạn khác giống thì mỗi lần

“áo ai bay hở trên xe lửa”

Nguyễn Ðức Sơn cũng tưởng tượng xa xôi và mơ ước. Ông không giấu giếm gì hết về sự thèm muốn da thịt, cái da thịt đàn bà nó là một bí mật huyền diệu đối với anh con trai cỡ tuổi đó:

“tôi rất thèm và rất xốn xang

ước ao một phút cũng thiên đàng

trời hỡi từng đêm ôm gối lạnh

đã xốn xang càng thêm xốn xang.”

(Cảm Thương)

Lớn hơn nữa thì mỗi khi “xốn xang” như thế người ta sẽ không do dự gì cả, thế nhưng đối với các cậu dưới tuổi hai mươi mọi sự đều rắc rối;

“dù rất thèm và muốn biết qua

nhưng sẽ muôn đời tôi trốn xa

tôi nguyện làm một người độc nhất

hoàn toàn trong sạch cho đến già.”

(Cảm Thương)

Dĩ nhiên không bao giờ nên tin ở lời “nguyện” ấy. Khi mới bắt đầu yêu, mỗi anh con trai mỗi cô con gái đều là một người trong sạch độc nhất. Tất cả những trường hợp độc nhất ấy đều giống nhau, giống ở sở nguyện mà cũng giống luôn ở sự lỗi nguyện. Sự tất nhiên gì vẫn đến với mọi kẻ khác rồi cũng đến với Nguyễn Ðức Sơn, điều ấy không đáng trách. Ðáng chú ý chăng là nỗi luyến tiếc chân thành của ông đối với thời trong trắng đã mất: giới thiệu tập Cát Bụi Mệt Mỏi ông ghi rằng đó là tập truyện ngắn đầu tiên “viết trước khi trở thành đàn ông”. Thời buổi bây giờ đến con gái lắm người họ cũng không buồn ghi nhớ và không nhớ nổi họ thành đàn bà lúc nào, thế mà có anh con trai lấy cái ngày thành đàn ông làm ngày trọng đại thì có phải là ngoan không chứ.

*

Yêu người thì thèm thì muốn, người con trai ấy yêu đời cũng mãnh liệt, cũng nồng nàn dữ lắm.

Một buổi mai, trời đẹp, cây xanh, rừng xanh, một bầy nai kéo nhau đi ăn cỏ, có con nai mẹ:

“vú lê dài rung rinh rung rinh”

trước cảnh ấy:

“tôi bỗng thấy mạch đời bừng chảy

như nhựa xuân tràn lên đầu cành

rồi tôi thấy mạch đời đang chảy

ở trong tôi mà sao (2) mong manh.”

(Thanh Thản)

Khi say sưa, ngây ngất, không ai bằng ông:

“chiều êm hơn cả gió lùa

tôi ra cuối bãi tôi đùa với trăng

tay choàng lên với môi hằn

tôi mơn gió lả tôi măn vú đồi

có hương có nhạc trên trời

tóc tôi se gió mắt ngời ánh sao.”

(Trên Rừng Thưa)

Ðã lâu trong thơ văn chúng ta thiên nhiên lần lần mất chỗ. Một phần vì ai nấy dồn về đô thị, xa rời cỏ cây trăng sao, một phần vì các mối tương quan giữa người với người càng ngày càng gay gắt, choán hết đầu óc tâm trí ta, ta không còn mấy cơ hội xúc cảm trước tạo vật. Trăng, gió, núi, sông v.v... chỉ còn là những ký hiệu vô vị. Ở Nguyễn Ðức Sơn thì không như vậy. Thiên nhiên trong thơ ông là những cái gì cụ thể: con nai vú dài rung rinh, vài “chú dã tràng” bu quanh khi ông giả vờ chết trên bờ biển v.v. Ông nói rất nhiều đến sông mưa, biển hoang, cồn lạnh, nhất là đến cái bãi biển trên đó ông làm nhiều trò lạ, nhưng không bao giờ nói bằng giọng hờ hững; ông động đến cái gì là y như cảm quan ông tràn ngập vì cái ấy, từ đám mây bạc bay giữa trời trong lúc ông nằm giả chết trên cát mà cứ ngỡ mây phiêu phiêu kia đang đưa mình “về cõi tuyệt vời mai sau”, cho đến cái “nắng rụng vô thường dưới khe” ở Dran. Ông viết:

“... tôi về lắng cả buổi chiều

nghe chim ăn trái rụng đều như kinh

còn một mình hỏi một mình

có chăng hồn với dáng hình là hai

từng trưa nằm nghỉ đất dài

phiêu phiêu nhẹ cái hình hài bay lên”...

(Mang Mang)

Mấy ai trong chúng ta giữa cuộc sống náo nhiệt ngày nay còn lắng nghe được một buổi chiều một buổi trưa như thế? Mà những buổi chiều buổi trưa kỳ diệu ấy ở đâu vậy? đến hồi nào vậy? Có lẽ chẳng ai bắt gặp. Nó là công trình dựng nên do một tâm hồn còn nhiều mật thiết với cuộc sống thiên nhiên. Nguyễn Ðức Sơn có lý khi ông nghĩ mình sẽ có thể đồng hoá với ngọn rêu với ánh nắng chiều. Ông có hy vọng trở về nguồn:

“mai tôi về nằm giữa rong rêu

tôi trải thân tôi xuống giữa chiều

sưởi nắng tà huy lên mái tóc

khi trời vang lạnh tiếng chim kêu

mai tôi về nằm giữa hoang liêu

tôi trải cô đơn xuống giữa chiều”...

(Mai Tôi Về)

Nguyễn Ðức Sơn mà trở về nguồn ông sẽ hoà tan vào vạn vật, óc tim ông sẽ “hoà vào một khối”, “hoà vào giữa mát lạnh rong rêu”, trong khi óc tim nhiều kẻ khác lúc tan rã bày ra ngổn ngang những bận bịu lung tung, những con toán, không hoà vào đâu được.

*

Càng nồng nàn thì càng thất vọng về cuộc sống: cái huy hoàng của nó thật ngắn ngủi và vô nghĩa. Những giác quan tinh nhậy đã xúc động vì cái tưng bừng náo nức ngụ trong một tiếng chim hót, một ánh nắng mai, những giác quan ấy cũng tinh nhậy trong việc cảm nhận ra cái vắng vẻ tịch liêu xung quanh kiếp sống.

Có lẽ những câu thơ hay nhất của Nguyễn Ðức Sơn là liên quan đến mối ám ảnh thường xuyên ấy. Nhớ Quách Thoại, ông tự hỏi:

“không biết từ đâu ta đến đây

mang mang trời thẳm đất xanh dầy

lớn lên mang nghiệp làm thi sĩ

sống điêu linh rồi chết đoạ đầy.”

(Hoài Niệm)

Nhân nghĩ đến một người bạn thơ đã khuất, đến một cái chết, thì bâng khuâng như vậy cũng là lẽ thường. Ðàng này đang nằm trên bờ biển, thở ra hít vào thích thú, ông cũng chợt thẫn thờ:

“mai sau này chỗ tôi nằm

sao rơi lạnh lẽo âm thầm biển ru.”

(Một Mình Nằm Thở Ðủ Kiểu Trên Bờ Biển)

Buồn thảm thật.

Một tâm hồn trót đã có lần chạm mặt với Hư Vô, thì bất cứ lúc nào, có duyên cớ hay không có duyên cớ chính đáng, đều có thể bị nó sừng sững hiện đến đe doạ, ngay cả khi đời chớm nở, ngay giữa hạnh phúc gia đình:

“tôi dòm đời, khi tuổi sắp hai mươi

thấy vắng tan hoang ngụt đất trời

cha mẹ anh em còn đông đủ

mình tôi sao mối sầu không nguôi

ngập ngừng chân bước con đường vắng

mây trắng bay lên oà đất trời

tôi cúi đầu nghe mình nhỏ lệ

biết chuyện gì rồi cũng buồn thôi.”

(Bọt Nước)

“ngựa chùn bước gặp hoang sơ

tôi dừng chân thấy hư vô bủa đầy.”

(Tâm Tư)

Trích dẫn câu này câu nọ là chuyện làm bất đắc dĩ và tai hại. Một câu thơ, một đoạn thơ, bị bứng ra khỏi toàn thể, khỏi cái không khí của nó, nó biến dạng, mất đi cái đặc sắc ngay. Chẳng qua trong khi biện luận chúng ta bị bắt buộc phải lôi ra dí tận mắt kẻ đối thoại những bằng chứng cụ thể để có thể nói: “Này, coi có quả không nào.” Những cái lôi ra đó phải xác thực, phải rõ ràng, nhưng không phải là cái tinh vi đẹp đẽ nhất. Thật ra cái “mây trắng oà đất trời”, cái “hư vô bủa đầy”, nó bàng bạc, tràn ngập khắp tác phẩm của Nguyễn Ðức Sơn, nó ngấm vào từng dòng chữ, từng lời thơ của ông. Vì vậy mà dù ông “một mình đuổi theo mây bạc bay trên biển”, ông “qua thung lũng cũ”, ông “lăn cù trên bờ biển”, ông nghe một “tiếng gà rừng gáy”, hay chỉ làm một cái việc đơn giản là “khép cửa” v.v., đó vẫn không phải là những chuyện tầm thường vu vơ: phía sau chúng lúc nào cũng rờn rợn cái Hư Vô đe dọa. Những chuyện khép cửa, nghe gà... không phải để thuật lại cuộc sống thường nhật, mà gợi lên cái bao la hiu quạnh ngoài cuộc sống thường nhật. Thứ “mây trắng oà đất trời” ở đây nó mở rộng kích thước tâm hồn người thơ thành mênh mông.

Trước kia, có lần Huy Cận chia thi sĩ làm hai hạng: một hạng mô tả cuộc đời; một hạng nữa, tò mò hơn, không bằng lòng nhìn cuộc sống đã thành hình mà còn muốn dự biết đến công cuộc sáng tạo của Hoá công; nói cách khác, một hạng nhắp rượu thưởng thức ngon dở, còn một hạng nữa thì hé nhìn vào lò xem cái lúc hạt gạo đang lên men. Huy Cận tự xếp vào hạng sau và dĩ nhiên là lấy làm kiêu hãnh về sự tò mò của mình.

Sau cách mạng tháng tám 1945 trong văn học ta những thắc mắc siêu hình tiêu tan hết, bị quét một loạt như những bóng ma. Dân tộc nhào vô cuộc chiến tranh với Pháp, lao mình vào công việc gian lao, nguy hiểm, và quên hết những suy tư viễn vông. (Cũng như anh chàng Duy trong Con đường sángcủa Hoàng Ðạo, khi còn chơi bời trác táng, thấy đời mình thừa thãi, nghĩ ngợi vớ vẩn xa xôi, nhưng đến lúc bắt tay vào công việc xã hội liền thấy tâm hồn thanh thản hơn). Thế nhưng ở Huy Cận thì sự chuyển biến trong tâm tư chậm chạp lắm. Sau 1945 khá lâu, nghe một tiếng hát ru trong đêm vắng ông còn có cảm tưởng:

“Buồn sao như dạ héo hon,

Ðời nghe ú ớ hãy còn sơ khai.

Nghe đời đau quặn trong thai

Tiếng ru chan chứa đêm dài còn mang.”

(Tiếng Ru Em)

Ngày nay tình hình xứ sở rắc rối không kém hai mươi năm trước, thế hệ này bận rộn không kém thế hệ Huy Cận. Thế mà Nguyễn Ðức Sơn cũng lại cảm thấy “hư vô bủa đầy”.

Dầu sao, có lẽ lúc nào cũng có kẻ cúi đầu xuống công việc, và có kẻ nghểnh đầu lên khỏi công việc.

*

Lại vừa nhắc tới Huy Cận nữa! Chúng ta có vẻ chú ý quá nhiều đến chỗ giống nhau giữa Nguyễn Ðức Sơn và các lớp người trước. Thực ra, không ai có bản sắc riêng rõ rệt, có cá tính mạnh mẽ bằng ông. Bản sắc và cá tính có nhiều dính líu đến thời đại này.

(...)

Nguyễn Ðức Sơn (...) điềm nhiên giản dị (...) biết bao:

“đầu tiên tôi thở cái phào

bao nhiêu phiền não như trào ra theo

nín hơi tôi thở cái phèo

bao nhiêu mộng ảo bay vèo hư không”...

(Một Mình Nằm Thở Ðủ Kiểu Trên Bờ Biển)

Cứ thế ông thở “đủ kiểu”. Rồi qua một bài thơ khác ông lại “khoái trí nằm thở nữa”.

(...) Trong thơ ta đã mấy ai nghe những tiếng thở cái phào cái phèo ngang tàng như vậy? (Nhất là đọc cho đến hết bài “thở đủ kiểu” ta giật mình thấy không phải đó là cái ngông vô cớ, ta không ngờ những hơi thở ấy lại đưa ta đi xa đến thế).

(...)

Tất cả những cái ấy cho thấy lớp người trước trong những lúc muốn làm ra quái dị nhất vẫn không quái dị bằng lớp người “hôm nay”, và ngay khi muốn tỏ ra quái dị các thi sĩ trước vẫn hướng về cái thanh nhã, còn các thi sĩ “hôm nay” không hề kiêng kị tục tĩu. Bích Khê có lần nói tới cái “sự thực trần truồng nằm giữa háng”, nhưng sự thực đó được Bích Khê tô vẽ thành ngọc thành ngà thành hương thành tuyết, nên dẫu nó nằm ở đâu nó cũng hoá ra một bửu vật cao quí.

Hoặc lên trời, lên trăng, lên một tinh cầu giá lạnh nào đó, hoặc tắm trăng, hoặc đòi hỏi thứ nhan sắc lên hương, thứ sự thực tuyết điểm v.v. đều là không chịu cái thực tại quanh mình, mơ ước vượt thoát lên khỏi cái thực tại ấy. Mặt khác, thở cái phào cái phèo, lăn cù, vọc c...v.v... cũng là một thái độ bất cần, không bằng lòng thực tại. Nhưng một bên ước mơ thoát ly có tính cách lãng mạn, một bên là sự hục hặc vùng vằng, cộc cằn, thô tục .

Nguyễn Ðức Sơn không hục hặc một mình. Xung quanh ông, một thế hệ cũng làm như ông (...) Cuộc sống ngày nay, nhất là ở đô thị, quá phiền toái, quá chặt chẽ, kỹ luật, khiến con người ta bực bội, cáu kỉnh, phản ứng mãnh liệt, quá đà.

Dĩ nhiên ta nêu lên những cái ấy không phải như là những ưu điểm, càng không phải là những ưu điểm về thơ. “Lăn cù” cũng vậy, mà ngắm nghía “sự thực” cũng vậy: thi ca không vì đó mà thêm hay. Nêu lên là để cảm thông nét tâm trạng của một thời, để cho người đứng ngoài cảnh ngộ dẫu không tán thành cũng chỉ mỉm cười mà không đến nỗi chê trách.

*

Kể ra làm thơ không phải chỉ nhằm mục đích cho có được bài hay. Sáng tác vì thế thôi thì “cơm gạo” quá. Làm như vậy quả đáng gọi là sản xuất: sản xuất tác phẩm.

Viết, hay vẽ, hay đàn hát v.v., đành là để tạo ra một hình thức đẹp, nhưng trước hết là vì muốn biểu hiện một tâm trạng, muốn thoát ra ngoài một chứa đựng gì trong lòng. Hai ý định có khi không gặp nhau. Có những hình thức đẹp mà không chứa đựng. Lại có những trường hợp mà cái chứa đựng phong phú không tìm được hình thức thích nghi. Riêng về chuyện bực dọc trước nếp sống ngày nay, có lẽ Nguyễn Ðức Sơn của chúng ta không phải táo tợn hơn hết đâu. Trên các tạp chí, trên những tác phẩm xuất bản năm bảy năm nay, thiếu gì quái dị được bày ra. Kẻ thưởng thức không phải ai nấy đều hẹp hòi không chấp nhận được những quái dị đó; có điều đáng tiếc là ít khi nó gặp được một hình thức biểu hiện đẹp đẽ.

Bởi vì dù để diễn tả sự phẫn nộ, cuồng loạn, cách diễn tả cũng phải vâng theo một kỹ luật, cái kỹ luật tự nó tìm ra. Không thế không thành được nghệ thuật, dù là nghệ thuật điên loạn. Vứt màu loạn xị lên khung vải là một hoạt động có thể rất bổ ích đối với nghệ sĩ nhưng rốt cuộc không đưa tới thành công nghệ thuật nào. Bước nhảy twist có loạn tới đâu cũng không phải là thứ bước chân vô kỷ luật chen nhau chỗ chợ trời. Những hò hét, những inh ỏi của nhạc jazz không giống tiếng đấu khẩu ngoài công lộ; nó vẫn có tiết điệu riêng của nó. Nghệ phẩm nào dù có cốt giải toả một ẩn ức, đồng thời cũng phải thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ.

Ở xứ ta, sau ngày đình chiến 1954, giới văn nghệ bị phân hoá rõ rệt. Các thi sĩ cao niên có khuynh hướng ỷ lại vào kỹ thuật, mài dũa nên những công trình khéo léo mà ít sinh khí. Trái lại, lớp trẻ mang những tình cảm sôi nổi, mà thường khi chưa kịp tìm ra cách thể hiện, cho nên tiếng hò hét rầm rộ của họ thừa huyên náo, thừa sức gây ngạc nhiên, bắt buộc ai nấy phải chú ý, nhưng rồi không mấy ai thưởng thức, vì nó chưa có cái đẹp, đức tính thiết yếu của nghệ phẩm. Phải chăng vì vậy mà một thời kỳ dồi dào xúc động như thời kỳ này lại cứ bị kêu là nghèo về sáng tác?

Nguyễn Ðức Sơn thuộc lớp trẻ, rất trẻ. Nhưng ông không quá bận tâm về những bực dọc ray rứt của mình đến nỗi cẩu thả trong kỹ thuật thể hiện. Trái lại, bút pháp của ông tài tình có lẽ không kém các bậc đàn anh lão luyện. Ðọc đi đọc lại bài Ðau Ðớn (ở tập Bọt nước), ta bị mê hoặc vì cái tác dụng ma quái của những câu thơ lặp nhau, thoăn thoắt tiếp nối nhau, lướt tới không ngừng như nước chảy sông trôi. Không cần biết có câu nào xuất sắc, có ý tưởng nào thâm trầm hay cao siêu, cũng không kịp dừng lại đển phân tích những chi tiết ấy, người đọc cứ đọc lên là bị lôi cuốn ngay, triền miên trong niềm đau dằng dặc, người đọc cứ việc tự phó thác vào cái nhịp điệu lạ lùng của bài thơ, rồi tự nhiên nhận thấy sức tác động dị thường của nó.

Ðây đó trong tác phẩm, chúng ta có nhiều dịp sững sờ trước một mỹ quan mới mẻ như thế.

*

Nguyễn Ðức Sơn có những ý tưởng cắc cớ:

“nhiều khi đợi nắng chiều tan

tôi mông lung nghĩ theo làn mây trôi

ngày kia nếu ở trên đời

cha tôi không cưới mẹ tôi bây giờ

sinh ra tôi có làm thơ

để điêu linh vẫn như chờ riêng thôi

những đêm sao sáng đầy trời

bỗng nhiên tôi khóc trên đồi hư không.”

(Hồi Tưởng)

“Nếu” mà xảy ra cái điều tai hại nọ khiến trên đời không có thơ Nguyễn Ðức Sơn, thì đối với “trời đất mang mang” chắc chắn là chuyện không đáng kể. Nhưng với chúng ta, hàng ngày vẫn khao khát mằn mò tìm văn thơ để đọc, thoả mãn thêm một thứ nhu cầu của một kiếp nhân sinh vốn đã mang nhiều hệ lụy, đối với chúng ta sự vắng thiếu ông sẽ là một thiệt thòi đáng kể. Bởi vậy mà mặc dù ông đe dọa, cấm đoán cả việc phê bình, sau khi đọc mấy tập thơ ông tôi vẫn đánh liều bày tỏ nỗi sung sướng của mình.

Làm thơ là chuyện muôn vàn khổ đau. Khen thơ, nếu có tự chuốc lấy ít nhiều nguy hiểm, đã sao!

(Tạp chí Bách Khoa, SG, số 238, ra ngày 1-12-1966.

In trong bộ Văn học Miền Nam của Võ Phiến.)

______________

(1) Có chỗ ông viết: “cha mẹ anh em còn đông đủ” (Bọt Nước).

(2) “Mà sao”, hay “sao mà”?

Nguồn: http://www.gocnhin.net/cgi-bin/viewitem.pl?2175