Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

Hành trình cuối đông (kỳ 11)

Tiêu Dao Bảo Cự

Tư liệu 31

Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Kiến nghị tập thế về việc thi hành kỷ luật hai đồng chí Bùi Minh Quốc và Bảo Cự

Đà Lạt, ngày 9 tháng 6 năm 1989

Kính gửi:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng

- Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

- Uỷ ban Trung ương Liên hiệp Văn học Và Nghệ thuật Việt Nam

- Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng

- Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Lâm Đồng

- Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Lâm Đồng

- Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Lâm Đồng

- Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng

- Đảng uỷ Dân chính tỉnh Lâm Đồng

Thành phố Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng nói chung là nơi chứa đựng một tiềm lực sáng tạo nhất định của đội ngũ trí thức khoa học và văn nghệ sĩ. Riêng về văn học – nghệ thuật từ hơn 10 năm nay, vấn đề thành lập Hội Văn nghệ nhiều lần đã được đặt ra, nhưng mãi đến năm 1987, với sự ủng hộ tích cực của Tỉnh Uỷ, và sự có mặt của hai hạt nhân mới là nhà thơ Bùi Minh Quốc và đ/c Bảo Cự, Hội Văn nghệ Lâm Đồng mới chính thức được thành lập. Chỉ sau hơn một năm hoạt động, với 3 số đầu tiên của tạp chí Langbian, Hội Văn nghệ Lâm Đồng đã bước đầu khẳng định được vị trí của mình trong tiếng nói văn học nghệ thuật cả nước. Ra đời trong công cuộc đổi mới lớn lao của toàn Đảng toàn dân, Hội Văn nghệ cũng đã tự vượt lên khỏi những khó khăn ban đầu chồng chất để góp tiếng nói riêng vào công cuộc đổi mới, một công cuộc biến đổi sâu sắc, đòi hỏi ở người văn nghệ sĩ một nhận thức, một lương tâm, một dũng khí không nhỏ.

Hội đã nhận được từ nhiều nơi những lời động viên cổ vũ chân thành. Thành tích nhỏ bé ban đầu ấy là sự cố gắng của toàn thể anh chị em hội viên, nhưng không thể thiếu vai trò trung tâm của hai đồng chí Bùi Minh Quốc (chủ tịch Hội) và Bảo Cự (Uỷ viên Thường trực của Hội).

Tình hình đang tiến triển theo những chiếu hướng tốt thì sau một chuyến đi công tác, hai đồng chí Quốc và Cự nhận được những sự đánh gía bất lợi từ một số bộ phận lãnh đạo ở Trung Ương và địa phương. Đây là một chuyến đi công tác bình thường, hai đồng chí trên có nhiệm vụ ra Hà Nội xin giấy phép chính thức cho tạp chí Langbian và phối hợp cùng các Hội văn nghệ các tỉnh lên tiếng về việc thực hiện tự do sáng tác, tự do báo chí theo đúng tinh thần nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về công tác văn hoá văn nghệ, và ủng hộ tạp chí Văn nghệ là tạp chí tiêu biểu của xu thế đổi mới.

Sau thời gian kiểm điểm của hai đồng chí Quốc và Cự trong nội bộ Đảng, nay chúng tôi nghe tin Đảng uỷ Dân chính Đảng Lâm Đồng đã có quyết định khai trừ Đảng hai đồng chí này, và sau đó có thể là những thay đổi về vị trí công tác của hai đồng chí ấy trong Hội Văn nghệ.

Là những người hiểu thực chất của sự việc và ý thức được trách nhiệm công dân trước tình hình xã hội, chúng tôi thấy cần bày tỏ ý kiến và thái độ của mình, mong giúp Đảng có sự xử lý chính xác, tránh những tổn hại vô ích có thể tránh được.

- Chúng tôi hiểu việc khai trừ một đảng viên, nhất là trong giai đoạn hiện nay, phải dựa vào những vấn đề căn bản thuộc vế chất lượng tư tưởng, đạo đức và nhiệt tình các mạng như đã quy định trong NQ/04 về vấn đề làm trong sạch Đảng. Về những mặt căn bản này hai đồng chí Bùi Minh Quốc và Bảo Cự được quần chúng đánh gía là rất tốt, đáng biểu dương thì đúng hơn là kỷ luật. Nếu tổ chức Đảng có sự đánh gía khác thì xin thông báo rõ ràng, thiết tưởng sẽ có tác dụng giáo dục chung.

- Hiện nay có hiện tượng một số đảng viên tốt xin ra khỏi Đảng nên việc thi hành kỷ luật những đảng viên tốt e càng gây ra những diễn biến tư tưởng không tốt của quần chúng đối với uy tín lãnh đạo của Đảng. Đồng chí Bùi Minh Quốc là một nhà thơ cách mạng quen biết trưởng thành từ cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Đồng chí Bảo Cự là một cây bút trẻ quen biết trong phong trào học sinh sinh viên miền Nam trước đây.

- Việc thi hành kỷ luật hai đồng chí Bùi Minh Quốc và Bảo Cự, hai cán bộ chủ chốt của Hội Văn nghệ Lâm Đồng, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không tốt đối với sự tồn tại và hoạt động của Hội, và không khỏi làm cho các nhà khoa học, các trí thức khác trong tỉnh phải suy nghĩ.

Chúng tôi là những cán bộ, đảng viên đang công tác và hưu trí, những cán bộ khoa học và văn nghệ sĩ, với ý thức trách nhiệm đầy đủ của người công dân, chân thành bày tỏ với Đảng những điều hơn thiệt và mong các đồng chí lãnh đạo có những quyết định đúng đắn để tạo được những hiệu ứng tích cực, có lợi cho tình hình chung.

Xin gửi tới các đồng chí lòng tin và niềm hy vọng chân thành.

Tập thể những người kiến nghị cùng ký tên :

Đoàn Văn Thiệp (Nhà giáo; nguyên chủ tịch Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình Đà Lạt, nguyên phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP ĐL nay là uỷ viên UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)

Nguyễn Xuân Tụ (Phó tiến sĩ sinh học, Viện Khoa học VN, hội viên Hội Văn nghệ Lâm Đồng)

Mai Thái Lĩnh (Nhà giáo, trưởng ban Văn hoá - Xã hội – Đời sống Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, hội viên Hội Văn nghệ Lâm Đồng)

Đặng Việt Nga (phó tiến sĩ kiến trúc, chi hội trưởng Chi hội Kiến trúc sư LĐ, hội viên Hội Văn nghệ Lâm Đồng)

Nguyễn Diệp (Cán bộ Sở Giáo dục, uỷ viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Lâm Đồng, nghiên cứu dân tộc học)

Nguyễn Thị Thanh Kỳ (Giám đốc Xí nghiệp Liên hợp Dược LĐ, dược sĩ chuyên khoa cấp II )

Nguyễn Hữu Cầu (Nhà giáo, phó chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Lạt, trưởng ban Văn hoá - Xã hội – Đời sống Hội đồng Nhân dân TP Đà Lạt)

Võ Văn Thanh (Đại tá, nguyên trưởng khoa giáo viên Học viện Lục quân Đà lạt, nghỉ hưu Đà Lạt)

Nguyễn Lương Tâm (Nguyễn Lương, cán bộ hưu trí, hội viên Hội Văn nghệ Lâm Đồng, 9/14 Cô Giang, khu 9)

Nguyễn Hồng Giáp (Nhà giáo, tiến sĩ sử kinh tế Đại Học Dano, Pháp)

Nguyễn Quang Nhàn (Cán bộ Liên đoàn Lao động LĐ, Hội viên Hội Văn nghệ Lâm Đồng)

Đình Nghĩ (phó Đoàn Ca Múa Lâm Đồng, uỷ viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Lâm Đồng)

Nguyễn Tánh (Cán bộ sở Văn hoá Thông tin, hội viên Hội Văn nghệ Lâm Đồng)

Phan Hồng Phương (Đảng viên Đảng Cộng sản VN, công dân thành phố Đà Lạt )

________

Tư liệu 32

Đảng Cộng sản Việt Nam

Tỉnh uỷ Lâm Đồng

Số 510 /NQ- TU

Đà Lạt, ngày 10 tháng 6 năm 1989

Nghị quyết thi hành kỷ luật đồng chí Bùi Minh Quốc, đảng viên, chủ tịch Hội Văn nghệ Lâm Đồng

- Căn cứ vào chương 10 của điều lệ Đảng.

- Qua nghiên cứu báo cáo đề nghị của đảng uỷ Dân chính Đảng và của Uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ

- Cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ngày 10 tháng 6 năm 1989, sau khi xem xét, nhận thấy đồng chí Bùi Minh Quốc trong khi thực hiện nhiệm vụ chủ tịch Hội văn nghệ, nhất là trong chuyến đi công tác ở các tỉnh miền Trung và Hà Nội hồi cuối năm 1988 đã có những sai phạm, khuyết điểm là:

  1. Lợi dụng danh nghĩa của hội để làm những việc mang tính chất bè phái.
  2. Vi phạm ý thức tổ chức kỷ luật của Đảng, vi phạm nguyên tắc Đảng.
  3. Không trung thực, kiểm điểm không nghiêm túc.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng

Quyết nghị

Điều 1: - Về Đảng, thi hành kỷ luật bằng hình thức “khai trừ” ra khỏi Đảng đối với đồng chí Bùi Minh Quốc.

Về chính quyền: giao cho Ban Chấp hành Hội Văn nghệ xét và báo cáo đề nghị Ban Thường vụ tỉnh uỷ quyết định.

Điều 2: - Uỷ ban kiểm tra, Ban tổ chức tỉnh uỷ, Đảng uỷ Dân chính Đảng, chi bộ nơi đồng chí Bùi Minh Quốc sinh hoạt và đồng chí Bùi Minh Quốc thi hành nghị quyết này.

TM Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng

Bí thư

Nguyễn Xuân Du

(ký tên và đóng dấu)

Nơi nhận:

- Ban Bí thư (để báo cáo)

- UBKT TƯ (để báo cáo)

- Ban TC TƯ (để báo cáo)

- Ban TT VH TƯ (để báo cáo)

Như điều 2 (để thi hành)

- Lưu VP Tỉnh uỷ và hồ sơ

__________

Đảng Cộng sản Việt Nam

Tỉnh uỷ Lâm Đồng

Số 511 /NQ- TU

Đà Lạt, ngày 10 tháng 6 năm 1989

Nghị quyết thi hành kỷ luật đồng chí Bảo Cự, đảng viên, chủ tịch Hội Văn nghệ Lâm Đồng

- Căn cứ vào chương 10 của điều lệ Đảng.

- Qua nghiên cứu báo cáo đề nghị của đảng uỷ Dân chính Đảng và của Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ

- Cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ngày 10 tháng 6 năm 1989, sau khi xem xét, nhận thấy đồng chí Bảo Cự trong khi thực hiện nhiệm vụ uỷ viên thường trực Hội Văn nghệ, nhất là trong chuyến đi công tác ở các tỉnh miền Trung và Hà Nội hồi cuối năm 1988 đã có những sai phạm, khuyết điểm là:

  1. Lợi dụng danh nghĩa của hội để làm những việc mang tính chất bè phái.
  2. Vi phạm ý thức tổ chức kỷ luật của Đảng, vi phạm nguyên tắc Đảng.
  3. Không trung thực, kiểm điểm không nghiêm túc.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng

Quyết nghị

Điều 1:

- Về Đảng, thi hành kỷ luật bằng hình thức “khai trừ” ra khỏi Đảng đối với đồng chí Bảo Cự.

- Về chính quyền, giao cho Ban Chấp hành Hội Văn nghệ xét và báo cáo đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định.

Điều 2:

- Uỷ ban Kiểm tra, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Đảng uỷ Dân chính Đảng, chi bộ nơi đồng chí Bảo Cự sinh hoạt và đồng chí Bảo Cự thi hành nghị quyết này.

TM Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng

Bí thư

Nguyễn Xuân Du

(ký tên và đóng dấu)

Nơi nhận:

- Ban Bí thư (để báo cáo)

- UBKTTƯ (để báo cáo)

- Ban TCTƯ (để báo cáo)

- Ban TTVHTƯ ( để báo cáo )

- Như điều 2 (để thi hành)

- Lưu VP Tỉnh uỷ và hồ sơ

________

Tư liệu 33

Điện tín:

Hoàng Phủ Ngọc Tường – Huế

Gởi Bùi Minh Quốc - Bảo Cự, 7 Hùng Vương - Đà Lạt

Buồn và phẫn nộ

(Điện tín của Hoàng Phủ Ngọc Tường gởi khi nghe tin Bùi Minh Quốc và Bảo Cự bị khai trừ Đảng)

Tư liệu 34

Các báo cáo của Tỉnh uỷ Lâm Đồng Liên Quan đến vụ Bùi Minh Quốc và Bảo Cự

Báo cáo tình hình công tác tháng 6 đầu năm 1989 (10-7-89)

Trang 7: “Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã thi hành kỷ luật khai trừ đảng 2 đảng viên Bùi Minh Quốc và Bảo Cự (Hội Văn nghệ Lâm Đồng). Nghị quyết về thi hành kỷ luật đồng chí Quốc và Cự được thông báo tới các cấp uỷ, các ngành đoàn thể trong tỉnh, cán bộ hưu trí…”1

Báo cáo tình hình công tác tháng 7 năm 1989 (8-8-1989)

Trang 4: “Sau khi có quyết định kỷ luật “khai trừ ra khỏi Đảng” đối với hai đồng chí Bùi Minh Quốc và Bảo Cự ở Hội Văn nghệ, hai đồng chí này lại có những việc làm sai trái mới, lợi dụng danh nghĩa Thường trực Hội để ra “Thông báo đặc biệt” số 80 Văn nghệ ngày 20-6-89 và phát hành rộng rãi trong cả nước nhằm hướng xông luận ủng hộ cho việc làm sai trái của mình.

Không để tình trạng này kéo dài, làm rối thêm tình hình, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo Ban Chấp hành Hội Văn nghệ họp để làm rõ những sai trái, khuyết điểm của hai đồng chí Quốc và Cự và đã quyết định cách chức chủ tịch và uỷ viên Ban Thường vụ Hội Văn nghệ đối với đồng chí Bùi Minh Quốc, cách chức uỷ viên Ban Chấp hành, và Uỷ viên Thường trực Hội Văn nghệ đối với đồng chí Bảo Cự. Ban Chấp hành Hội Văn nghệ cũng đã thảo luận và biểu quyết về hình thức cử chủ tịch Hội với hai kết quả: bỏ phiếu bầu chủ tịch ( 5/10 đồng chí), đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ra quyết định chỉ định chủ tịch mới (5/10 đồng chí trong đó có đồng chí Bùi Minh Quốc) 2. . Căn cứ vào đặc điểm cụ thể của Ban Chấp hành Hội Văn nghệ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ định đồng chí Vũ Long, phó giám đốc Sở Văn hoá Thông tin, phó chủ tịch Hội Văn nghệ làm chủ tịch Hội Văn nghệ.

Tiếp đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã gặp toàn thể hội viên của Hội để thông báo rõ những khuyết điểm của đồng chí Quốc và Cự đồng thời công bố quyết định kỷ luật nói trên.”

Ghi chú:

  1. Ít có quyết định kỷ luật nào được phổ biến rộng rãi như thế.
  2. Bùi Minh Quốc nhất trí biện pháp này với ý nghĩa Tỉnh uỷ đã không

tôn trọng dân chủ thì muốn là gì thì làm.

Tư liệu 35

Đảng Cộng sản Việt Nam

Tỉnh uỷ Lâm Đồng

Số 542/ QĐ.NS/TU

Đà Lạt, ngày 22 -7-1989

Quyết định v/v cách chức chủ tịch Hội Văn nghệ Lâm Đồng đối với đ/c Bùi Minh Quốc

- Căn cứ nghị quyết số 510 NQ.NS/TU ngày 10-6-1989 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng về thi hành kỷ luật đảng viên đ/c Bùi Minh Quốc.

- Xét mức độ sai phạm khuyết điểm của đ/c Bùi Minh Quốc trong khi thực hiện nhiệm vụ chủ tịch Hội Văn nghệ Tỉnh Lâm Đồng, nhất là trong chuyến đi công tác ở các tỉnh miền Trung và Hà Nội cuối năm 1988.

- Căn cứ cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ngày 8-7-1989.

- Căn cứ đề nghị của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định

Điều 1: Thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức chủ tịch và uỷ viên Thường vụ Hội Văn nghệ tỉnh Lâm Đồng đối với đồng chí Bùi Minh Quốc.

Đ/c Bùi Minh Quốc có trách nhiệm bàn giao toàn bộ công việc cho đ/c chủ Tịch mới của Hội.

Điều 2: Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Hội Văn nghệ tỉnh Lâm Đồng và đồng chí Bùi Minh Quốc chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký.

TM. Ban Thường Vụ Tỉnh Uỷ

Bí Thư

(đã ký)

Nguyễn Xuân Du

_______________

Đảng Cộng sản Việt Nam

Tỉnh uỷ Lâm Đồng

Số 543/ QĐ.NS/TU

Đà Lạt, ngày 22 -7-1989

Quyết định v/v cách chức uỷ viên thường trực Hội Văn nghệ Lâm Đồng đối với đ/c Bảo Cự

- Căn cứ nghị quyết số 511 NQ.NS/TU ngày 10-6-1989 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng về thi hành kỷ luật đảng viên đ/c Bảo Cự.

- Xét mức độ sai phạm khuyết điểm của đ/c Bảo Cự trong khi thực hiện nhiệm vụ uỷ viên thường trực Hội Văn nghệ Tỉnh Lâm Đồng, nhất là trong chuyến đi công tác ở các tỉnh miền Trung và Hà Nội cuối năm 1988.

- Căn cứ cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ngày 8-7-1989.

- Căn cứ đề nghị của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định

Điều 1: Thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức uỷ viên BCH và Thường trực Hội Văn nghệ tỉnh Lâm Đồng đối với đồng chí Bảo Cự. Giao cho Ban Tổ chức Tỉnh uỷ giải quyết chính sách và việc làm cho đ/c Bảo Cự

Điều 2: Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Hội Văn nghệ tỉnh Lâm Đồng và đồng chí Bảo Cự chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký.

TM. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ

Bí thư

(đã ký)

Nguyễn Xuân Du

Tư liệu 36

Quảng Ngãi ngày 4 tháng 8 năm 1989

Kính gửi: Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng

Kính thưa quý ông,

Tôi là bạn thân của anh Bùi Minh Quốc và anh Bảo Cự, là một trong những người đã ký tên vào bản kiến nghị do Hội Văn nghệ Lâm Đồng khởi thảo, là người luôn luôn ủng hộ những hoạt động tích cực, hợp hiến hợp pháp của hai anh Quốc, Cự và Hội Văn nghệ Lâm Đồng trong cuộc đấu tranh cho đổi mới đích thực, cho dân chủ và công khai, theo đúng những mục tiêu mà Đảng đã đề ra qua Đại hội VI và qua các nghị quyết tiếp sau đó. Vì thế tôi rất ngạc nhiên và đau lòng khi được biết, chỉ vì những hoạt động với mục đích tốt đẹp ấy mà anh Bùi Minh Quốc và anh Bảo Cự đã bị Tỉnh uỷ Lâm Đồng thi hành kỷ luật: khai trừ Đảng, cách chức chủ tịch và uỷ viên thường vụ Hội Văn nghệ Lâm Đồng, dồn cuộc sống về chính trị và tinh thần của hai anh đến chỗ hết sức khó khăn. Tôi đã nhận được thông tin từ hai anh và từ thông báo chính thức của Tỉnh uỷ Lâm Đồng về quyết định kỷ luật này. Trong vụ việc này, điều mà tôi, những người ngoài Đảng nhưng rất yêu Đảng, thắc mắc và không thể hiểu được là trong khi còn quá nhiều đảng viên thoái hoá biến chất, trộm cắp của nhà nước, đục khoét hà hiếp nhân dân vẫn không hề bị khai trừ khỏi Đảng, vẫn nhơn nhơn tiếp tục những việc làm bậy bạ, thì Đảng ta lại khai trừ hai đảng viên trong sạch và vững mạnh của Đảng? Tôi nghĩ, Đảng sẽ không mạnh thêm nếu bớt đi những người chính trực, Đảng càng không mạnh thêm nếu thêm vào những kẻ cơ hội luồn cúi xu nịnh. Đảng sẽ mạnh hơn nếu biết lắng nghe những lời nói thẳng. Những lời nói thẳng, than ôi, từ xưa nay vẫn thường mang tai hoạ cho người nói, nhưng cũng từ xưa nay, những kẻ sĩ có lương tri, những nhà văn chân chính vẫn tiếp tục cất lên những lời nói thẳng, dù biết tai hoạ có thể đến với mình. Quý ông đã khai trừ và cách chức về Đảng và hành chính với hai anh Quốc, Cự, nhưng không ai có thể khai trừ những bài thơ của nhà thơ Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc) ra khỏi lòng yêu mến, qúi trọng của nhân dân, của người đọc. Không ai có thể cách chức cái thiên chức cao cả của ngừơi nghệ sĩ là đấu tranh cho cái thiện, cái đẹp, và chống quyết liệt cái xấu, cái ác dưới bất kỳ hình thức nào. Tôi viết thư này để bày tỏ lòng cảm phục và tình đoàn kết với hai anh Bùi Minh Quốc và Bảo Cự. Tôi cũng hy vọng vào lương tri và sự sáng suốt của quý ông. Nhân quyền, dân chủ, công khai đã trở thành mục tiêu và hướng phát triển của toàn thế giới, xu hướng ấy, nói như cách nói của Đảng ta, là “không thể đảo ngược”. Tôi tin rằng, không quá 5 năm nữa, mọi điều sẽ sáng rõ, và những việc làm những suy nghĩ của hai anh Bùi Minh Quốc và Bảo Cự sẽ đựơc công khai thừa nhận là đúng đắn và cần thiết. Trong cuộc đấu tranh cho cải tổ, đổi mới, những tổn thất là không thể tránh khỏi. Nhưng đúng như xác tín của hai anh Quốc, Cự, những tổn thất đó không bao giờ vô ích. Nó chỉ chứng minh rằng: đổi mới không thể là chuyện đầu môi chót lưỡi. Chính vì thế, chúng ta mới hết mình ủnh hộ cho công cuộc đổi mới.

Xin kính gửi quý ông lời chào trân trọng.

Ngày 4 Tháng 8 Năm 1989

Thanh Thảo

Tư liệu 37

Tạp chí Đất Quảng, số 59, tháng 7-8-1989, trang 123

Tin Văn nghệ Lâm Đồng

Tạp chí Đất Quảng vừa nhận được tin và các tài liệu về việc cách chức chủ tịch Hội Văn nghệ Lâm Đồng Bùi Minh Quốc và uỷ viên thường vụ Hội Bảo Cự. Văn bản quyết định cách chức của Tỉnh uỷ Lâm Đồng do bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Xuân Du ký ngày 22 tháng 7 năm 1989 nêu rõ cả hai đồng chí đều sai phạm khuyết điểm trong khi thực hiện nhiệm vụ chủ tịch và uỷ viên thường vụ Hội, nhất là trong chuyến đi công tác ở các tỉnh miền Trung và Hà Nội, nhất là hồi cuối năm 1988. Riêng đồng chí Bảo Cự mức độ kỷ luật nặng hơn: cách chức cả uỷ viên Ban Chấp hành và giao cho Ban Tổ chức Tỉnh uỷ giải quyết chính sách và việc làm.

Trước đó, ngày 12 tháng 7 năm 1989 Ban Chấp hành Hội Văn nghệ đã họp ra nghị quyết: “Căn cứ vào phẩm chất, năng lực của hai đồng chí Bùi Minh Quốc và Bảo Cự và yêu cầu hoạt động của Hội, BCH quyết định giữ nguyên các chức vụ hiện nay của hai đồng chì cho đến đầu năm 1990, khi toàn thể BCH sẽ bầu tín nhiệm lại giữa nhiệm kỳ theo điều lệ Hội quy định.” 100 phần trăm số uỷ viên BCH đã biểu quyết tán thành nghị quyết này.

Trong cuộc họp hội viên công bố quyết định kỷ luật, hai đồng chí Bùi Minh Quốc và Bảo Cự đều bác bỏ các lời buộc tội và coi chuyến đi công tác miền Trung và Hà Nội là: “bình thường, bổ ích, đúng pháp luật, phù hợp với quá trình dân chủ hoá” như kết luận của BCH Hội tháng 5 năm 1989. Đồng chí Bùi Minh Quốc coi việc thi hành kỷ luật nặng đồng chí Bảo Cự là không công bằng vì cả hai đều chịu trách nhiệm và với cương vị là chủ tịch Hội, Bùi Minh Quốc phải chịu trách nhiệm nặng hơn. Đa số các phát biểu ý kiến của anh chị em hội viên trong cuộc họp tỏ thái độ không tán thành quyết định kỷ luật hai đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Hội.

Một tháng trước đó, hai đồng chí đã nhận quyết định kỷ luật Đảng: khai trừ ra khỏi Đảng. Đồng chí Bùi Minh Quốc 22 tuổi Đảng, đồng chí Bảo Cự 15 tuổi Đảng đã chính thức phản đối quyết định kỷ luật và sẽ khiếu nại lên các tổ chức Đảng cấp trên cho đến BCH Trung Ương, đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, tuyên bố đặt toàn bộ vấn đề trước sự phán xét của công luận và lịch sử.

Nhà thơ Bùi Minh Quốc (Dương Hương Ly) cùng với vợ là nhà văn Dương Thị Xuân Quý vào chiến trường miền Nam năm 1967. Trong những năm hoạt động ở Quảng Nam – Đà Nẵng đã sáng tác nhiều tập thơ được bạn đọc yêu mến, nguyên phó chủ tịch Hội VHNT QNĐN, tổng biên tập tạp chí Đất Quảng, tháng 2 năm 1987 chuyển công tác lên Lâm Đồng theo công văn đề nghị của Tỉnh uỷ Lâm Đồng. Đồng chí Bảo Cự nguyên sinh viên đại học Huế, hoạt động trong phong trào học sinh sinh viên, có những sáng tác trong lòng địch được Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà xuất bản Văn nghệ Giải phóng sử dụng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Cả hai đồng chí được bầu vào các cương vị lãnh đạo trong Đại Hội lần thứ Nhất Hội Văn Nghệ Lâm Đồng tháng 1 năm 1988.

PV

Tư liệu 38

Phát biểu của nhà văn Trần Thuỳ Mai tại Đại hội lần thứ IV Hội Nhà văn Việt Nam

Hôm nay, nhân có các đồng chí lãnh đạo Ban Văn hoá Tư tưởng về làm việc với Hội Nhà văn, tôi xin trình bày ý kiến của mình về một việc có liên hệ đến sự lãnh đạo của Đảng với văn nghệ sĩ.

Vào giữa tháng 6-1989, chúng tôi, những người viết văn ở Bình Trị Thiên, nhận được tin Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã chính thức khai trừ Đảng hai đồng chí Bùi Minh Quốc và Bảo Cự. Cái tin đó gây xúc động mạnh trong một số không ít trí thức, văn nghệ sĩ ở đây, bởi sự kiện nói trên, dù là việc nội bộ của Đảng, đã gây ấn tượng căng thẳng trong dư luận quần chúng về cách đối xử của Đảng đối với những trí thức nhiệt thành dấn thân vì sự nghiệp đổi mới.

Cũng như nhiều trí thức, văn nghệ sĩ khác trên khắp miền Trung, chúng tôi đã cùng ký tên chung với hai đồng chí Bùi Minh Quốc và Bảo Cự những văn bản nói về yêu cầu bức thiết của việc hỗ trợ cho hoạt động văn nghệ các địa phương nhằm thực hiện tốt hơn nghị quyết 05 của Đảng. Khi làm việc đó, mỗi người chúng tôi đều ký rõ tên tuổi để chứng tỏ ý thức trách nhiệm trước sự phát triển tinh thần của dân tộc cũng như ý thức về quyền người dân được đến với Đảng và được nói với Đảng những suy nghĩ của mình.

Nội dung những bản kiến nghị đó có thể được đánh gía khác nhau tuỳ theo cách nhìn của các cấp lãnh đạo. Thu nhận, chọn lọc và vận dụng những ý kiến của nhân dân như thế nào là quyền hạn của Đảng và nhà nước. Nhưng bản thân việc đến với Đảng và bộc bạch hết những khó khăn cũng như những điều thỉnh nguyện của mình nhất định không thể là một khuyết điểm đáng phải kỷ luật. Việc gửi những kiến nghị lên cấp lãnh đạo chỉ có nghĩa như việc một nhóm người có cùng quan điểm đồng thanh phát biểu ý kiến về một vấn đề. Làm sao một tờ giấy với một số chữ ký lại có ý nghĩa của hành vi kích động lật đổ, chia rẽ, bè phái được? Lẽ nào trong xã hội dân chủ hoá của chúng ta, người dân không có quyền bày tỏ ý kiến hay sao? Lẽ nào Đảng ta từ dân mà ra và lấy dân làm gốc lại không muốn nhân dân đến với mình hay sao? Khai trừ hai đồng chí Bùi Minh Quốc và Bảo Cự, phải chăng cũng là kết án luôn cả 118 người đã cùng ký tên trong các văn bản, chỉ vì cái tội nói lên sự tâm tư, nguyện vọng với Đảng của mình?

Những câu hỏi trên chưa tìm được lời giải đáp thì đến tháng 7 năm 1989, chúng tôi nhận được tin Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã ký quyết định cách chức hai đồng chí Bùi Minh Quốc và Bảo Cự. Nếu quyết định khai trừ Đảng đã làm chúng tôi hoang mang thất vọng thì quyết định cách chức này lại làm chúng tôi bàng hoàng cực độ, bởi nó là dấu hiệu của việc dùng quyền lực để đàn áp bất chấp mọi lý lẽ, hay nói cách khác, được tiến hành theo một thứ “lý lẽ đặc biệt”!

Chức vụ chủ tịch Hội và uỷ viên thường vụ Hội là do hội viên bầu lên, sao tổ chức Đảng lại ký quyết định cách chức? Hành động này đã vi phạm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, biến “vụ Văn Nghệ Lâm Đồng” thành một vụ án văn nghệ thực sự trong thời kỳ đổi mới, nhất định còn để tiếng tăm lại lâu dài.

Đảng và nhà nước nắm quyền lực trong tay, quyền lực ấy là sức mạnh thiêng liêng do nhân dân giao phó để lãnh đạo và quản lý đất nước này. Nếu dùng quyền lực ấy để làm những điều kinh động nhân tâm, ta cũng có thể làm cho công chúng phải phục tùng trong một thời gian nào đó. Nhưng đó chỉ là sự phục tùng gỉa tạo, xây dựng trên nỗi sợ hãi và bất bình câm lặng. Đó không phải là sự ổn định và trật tự lý tưởng của đất nước này, mà chỉ dẫn đến sự tê liệt tinh thần của xã hội mà thôi.

Sợ hãi, phục tùng và tê liệt về tinh thần, đó là bi kịch của một thời đã xảy ra mà chúng ta bây giờ không ai còn muốn nhắc đến, càng không muốn quay trở lại. Chúng tôi nghĩ rằng khi xã hội đã đi vào quá trình dân chủ hoá, việc bắt buộc mọi người phải tư duy theo cùng một cách là điều không nên và cũng không thể nào thực hiện. Chỉ còn cách lắng nghe ý kiến của nhân dân từ những luồng dư luận khác nhau để đối thoại, lèo lái công luận, qua đó thể hiện bản lãnh của người lãnh đạo. Bởi vì quyền lực của lãnh đạo chỉ thực sự là sức mạnh khi đi đôi với quyền lực của chân lý.

Chúng tôi nói lên những điều này không phải chỉ vì sinh mệnh chính trị của hai đồng chí Bùi Minh Quốc và Bảo Cự. Chúng tôi nói với tất cả tấm lòng của người công dân nhiệt thành để báo động với Đảng của mình rằng: khi con đường dân đến với Đảng bị ngăn trở, khi trong xã hội không có không khí đối thoại thực sự, khi quyền lực đã ra mặt bất chấp lý lẽ, khi các nguyên tắc của một xã hội dân chủ bị vi phạm, đấy là khi khởi đầu một điều rất lớn, rất đáng sợ, đáng sợ hơn cả âm mưu của chủ nghĩa đế quốc, đó là thảm hoạ mất lòng tin.

Nhưng hôm nay chúng tôi vẫn chưa mất lòng tin, bằng chứng là chúng tôi đã bày tỏ gan ruột của mình. Chúng tôi nói vì tin rằng cánh cửa vẩn mở, không hề bị đóng lại. Con đường nhân dân đến với Đảng không thể nào tuyệt thông. Chỉ với niềm tin đó, chúng ta mới có thể tiếp tục nói, tiếp tục mơ ước về nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, và tương lai đổi mới của đất nước này cũng chỉ thành hiện thực khi Đảng còn quan tâm đến một điều không thể nào đánh mất: lòng dân.

Cuối cùng chúng tôi xin các đồng chí lãnh đạo có mặt hôm nay chuyển đến ban bí thư Trung ương Đảng và Tỉnh uỷ Lâm Đồng một nguyện vọng bức thiết: xin thu hồi quyết định khai trừ Đảng và cách chức đối với hai đồng chí Bùi Minh Quốc và Bảo Cự

Tư liệu 39

Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hội Văn nghệ Lâm Đồng

Đà Lạt, ngày 21 tháng 2 năm 1990

Nghị quyết của cuộc họp toàn thể hội viên Hội Văn nghệ Tỉnh Lâm Đồng

Hôm nay ngày 21 -2 -1990, hội viên Hội Văn nghệ Lâm Đồng họp tại cơ quan Hội để bàn và giải quyết các công việc để Hội tiếp tục hoạt động theo nguyện vọng của toàn thể hội viên cũng như mong muốncủa lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh.

Sau khi thảo luận, hội nghị đã thống nhất thành nghị quyết các vấn đề sau:

1. Nhận thấy tình hình vô hiệu hoá hoạt động của BCH trong thời gian vừa qua, hội viên yêu cầu BCH hiện nay từ chức.

08 Uỷ Viên BCH có mặt trong cuộc họp (gồm các đồng chí Bùi Minh Quốc, Bảo Cự, Huỳnh Chính, Đặng Việt Nga, Nguyễn Diệp, Nguyễn Hữu, K’ra Yăng Đích, Đình Nghĩ) đã hội ý và thống nhất tuyên bố từ chức trước hội nghị. Do đó, với đa số 2/3 uỷ viên BCH (8/12) và quyết định của đa số hội viên cũng như đối chiếu Điều lệ, BCH hiện tại kết thúc nhiệm vụ từ hôm nay, 21-2-1990.

2. Hội nghị quyết định sẽ triệu tập đại hội bất thường để bầu BCH mới chậm nhất vào ngày 21- 3- 1990.

3. Hội nghị quyết định bầu một Ban Trù bị Đại hội Bất thường, ban này có quyền hạn như một BCH lâm thời trong thời gian chuẩn bị bầu ra BCH mới trong đại hội bất thường (nửa dòng không rõ) quyền sử dụng con dấu của BCH Hội.

Bằng phương thức bỏ phiếu kín, hội nghị đã bầu ra Ban Trù bị Đại hội Bất thường gồm có các đồng chí sau đây:

1. Bùi Minh Quốc

2. Lê Bá Cảnh

3. Đặng Việt Nga

4. Nguyễn Xuân Tụ

5. Huỳnh Chính

Hội nghị đã bầu trực tiếp đồng chí Lê Bá Cảnh làm trưởng ban Ban Trù bị Đại hội Bất thường

4. Số hội viên tham dự hội nghị ngày 21-2-90 là 36 đồng chí. Do điều kiện khách quan, một số hội viên không tham dự hội nghị được, hội nghị giao cho Ban trù Bị Đại hội Bất thường gặp gỡ các hội viên vắng mặt để lấy ý kiến về nghị quyết của hội nghị bằng cách ký tên, nếu tán thành. Việc ký tên tán thành nghị quyết này có gía trị như việc biểu quyết trong hội nghị.

5. Hội nghị đã biểu quyết thông qua nghị quyết với số phiếu 36/36 hội viên dự hội nghị.

Toàn thể hội viên dự hội nghị hoàn toàn ủng hộ và hết sức hỗ trợ cho Ban Trù bị Đại hội hoàn thành nhiệm vụ.

Chủ toạ hội nghị:

- Đặng Việt Nga

- Huỳnh Chính

- Nguyễn Diệp

Thư ký hội nghị:

- Lưu Hữu Nhi Dũ

Tư liệu 40

Trả lời thông báo số 03 của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ và ý kiến của một số hội viên Hội Văn nghệ Lâm Đồng.

Bùi Minh Quốc

Vụ việc ở Hội Văn nghệ Lâm Đồng trong đó đương sự chủ yếu là tôi (và anh Bảo Cự), xảy ra từ cuối năm 1988, vừa rồi lần đầu tiên được nêu công khai trên báo tỉnh qua thông báo số 03 của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đăng ngày 13-4-90 và ý kiến của 11/83 hội viên đăng trong các số báo khác.

Theo luật báo chí, báo Lâm Đồng phải đăng ý kiến trả lời của tôi khi tôi yêu cầu.Nếu không đăng tức là những người lãnh đạo và trực tiếp phụ trách báo vi phạm luật báo chí và tự bộc lộ đã biến tờ báo của đảng bộ thành một công cụ hoạt động bè phái. (Nếu đăng, xin cắt đoạn trên đây, từ chữ “Theo luật…” đến chữ “bè phái” ).

Ý kiến trả lời của tôi như sau:

Đối với người nghệ sĩ, chỉ có hai việc quan trọng nhất là làm người và làm nghệ thuật. Làm người là cái gốc của làm nghệ thuật.

Trong sự làm người, có một yếu tố tối thượng là ý thức đầy đủ về các quyền của mình – quyền con người, quyền công dân. Đảng ta gọi là quyền dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ năm 1942 đã nói rất rõ sự phân biệt giữa con người với con trâu con bò là con người ý thức sâu sắc được rằng:

Trên đời nghìn vạn điều cay đắng

Cay đắng chi bằng mất tự do

Mỗi việc mỗi lời không tự chủ

Để cho người dắt tựa trâu bò

Xuất phát từ cái gốc làm người đó, tôi và anh Bảo Cự trong chuyến đi công tác các tỉnh miền Trung và Hà Nội tháng 11, 12-89, với tư cách đại diện Hội VNLĐ đã cùng đại diện một số hội bạn ký kiến nghị, và với tư cách cá nhân đã cùng hàng trăm văn nghệ sĩ và công dân khác ký tuyên bố, mà nội dung là hưởng ứng các nghị quyết đổi mới của đảng, yêu cầu sớm thể chế hoá các nghị quyết đó để thực hiện.

Cũng từ cái gốc làm người đó, hội nghị Ban Chấp hành Hội VNLĐ ngày 10-3-89 đã khẳng định những việc làm của chúng tôi trong chuyến đi ấy là “bình thường, bổ ích, phù hợp với quá trình dân chủ hoá”, và hội nghị BCH Hội ngày 11-7-89 đã biểu quyết nhất trí 10/10 giữ nguyên chức vụ của chúng tôi cho đến tháng 1-90 khi toàn thể hội viên sẽ bỏ phiếu tín nhiệm lại toàn bộ BCH như điều lệ Hội quy định.

Cũng từ cái gốc làm người đó, nhiều anh chị em văn nghệ sĩ, trí thức ở Lâm Đồng và các nơi, cho tới diễn đàn đại hội lần thứ IV Hội Nhà văn Việt Nam và đến nay vẫn tiếp tục, đã lên tiếng can ngăn, không đồng tình và phản đối quyết định kỷ luật đối với chúng tôi, đặc biệt là việc Ban Thường Vụ Tỉnh Uỷ căn cứ vào đề nghị của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, đã ra quyết định cách chức trong đoàn thể của chúng tôi do hội viên bầu ra.

Nghị quyết hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 đã ghi rõ “Đảng lãnh đạo và tôn trọng tính độc lập về tổ chức của các đoàn thể”. Nghị quyết hội nghị Trung ương 8 mới đây còn nêu rành mạch cụ thể hơn nữa “Các đoàn thể và tổ chức quần chúng thực hiện nguyên tắc tự quản, tự lựa chọn cán bộ của mình. Các cấp uỷ từ Trung ương đến cơ sở phải nắm vững và làm đúng chức năng lãnh đạo bằng phương pháp dân chủ, khắc phục lối làm việc quan liêu mệnh lệnh”. Thiết tưởng chỉ là một con ngừơi có lương tri bình thường cũng thấy cần bảo vệ các nguyên tắc đúng đắn sáng suốt ấy của nghị quyết Trung ương và không thể chấp nhận quyết định rõ ràng sai trái của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Không thể viện dẫn sự lãnh đạo trực tiếp để biện minh cho quyết định sai trái đó, vì sự lãnh đạo dù là trực tiếp cũng là phải lãnh đạo bằng phương pháp dân chủ, bằng lắng nghe ý kiến quần chúng, bằng vận động thuyết phục, chứ không thể chỉ căn cứ vào ý kiến một ban tham mưu trong đảng rồi ra lệnh, ép buộc quần chúng phải thi hành, biến đoàn thể quần chúng thành một tổ chức đảng.

Cũng từ cái gốc làm người, kiên quyết bảo vệ nghị quyết Trung ương mà nhiều anh chị em hội viên Hội VNLĐ đã không đồng ý việc Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ra quyết định chỉ định anh Vũ Long làm chủ tịch Hội. Một số không ít hội viên coi việc anh Vũ Long can án đang chờ ngày ra toà (Văn bản số 95 ANĐT ngày 1-12-89 của Sở Công an) mà Ban Thường vụ Tỉnh uỷ vẫn khăng khăng ép buộc Hội Văn nghệ phải nhận anh làm Chủ tịch như một kiểu điều kiện tiên quyết để duy trì sinh hoạt của Hội, là một sự xúc phạm nặng nề đến nhân phẩm của họ, đến danh dự một đoàn thể của trí thức nghệ sĩ.

Cũng từ cái gốc làm người mà 45 hội viên đã ký tên tập thể yêu cầu BCH tổ chức sinh hoạt Hội, và 8/12 uỷ viên BCH đã nhất trí cùng chịu trách nhiệm đứng ra tổ chức hội nghị ngày 21-2-90, đáp ứng yêu cầu chính đáng đó. Tại hội nghị này, 8/12 uỷ viên BCH đã cùng tuyên bố từ chức vì thấy không hoạt động được. Hội nghị đã quyết định tiến hành đại hội bất thường và bầu ra Ban Trù bị Đại hội, bầu trực tiếp 1 trong số 5 người được bầu làm trưởng ban là anh Lê Bá Cảnh. Hội nghị quyết định coi Ban Trù Bị như một BCH lâm thời và được quyền sử dụng con dấu của Hội. Hội nghị có 36 hội viên dự đã nhất trí 100% và sau đó 23 hội viên vắng mặt đã ký tên tán thành nghị quyết.

Tất cả sự việc đó dù có được nhìn nhận theo quan điểm hành chính hay không, nhưng không thể không nhìn nhận đó chính là thể hiện tư cách làm người của hội viên, hội viên phải quyết định công việc trong đoàn thể của mình. Một số ít hội viên làm trong biên chế nhà nước, trong một cuộc họp được vận hành theo cơ chế hành chính, lại phát biểu ý kiến khác với điều mình đã biểu quyết ở Hội. Điều đó là có thể thông cảm, và mọi người vẫn tin rằng trong thâm tâm các hội viên ấy, lương tri con người vẫn luôn luôn tồn tại.

Cũng từ cái gốc làm người, tha thiết với sự lãnh đạo bằng phương pháp dân chủ, gần đây 47 hội viên đã ký tâm thư gởi các cấp lãnh đạo và các đồng nghiệp đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ (với sự uỷ nhiệm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ) đứng ra triệu tập hội nghị hội viên để anh chị em bàn công việc của Hội.

Lần này nữa mà yêu cầu chính đáng tối thiểu đó của hội viên (47/ 83) còn bị làm ngơ, thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và những hội viên nào từ bỏ quyền làm chủ trong Hội của mình.

(Bài viết trên đây của BMQ dĩ nhiên không được đăng trên báo Đảng như anh yêu cầu. Mọi đề nghị khác của anh và của các hội viên đều bị làm ngơ)

Tư liệu 41

Tuần tin Thanh Niên số 10 (215) từ 4-3 đến 11-3-1990

Hà Sĩ Phu

Góp ý với Hội nghị Trung ương lần thứ 8 về công tác dân vận

Mong sao đường lối vận động quần chúng đúng đắn của Đảng sớm có hiệu lực thực tế

Nhân dân chờ đợi và hi vọng nhiều ở Hội nghị Trung ương lần thư 8 sắp tới về công tác vận động quần chúng của Đảng. Đảng lãnh đạo trước hết là biểu hiện ở đường lối đúng của mình. Nhưng “khi Đảng nắm chính quyền thì Đảng có hai nguy cơ lớn là đường lối sai và bệnh quan liêu, xa rời quần chúng” (Lời đồng chí Lê Quang Đạo tại cuộc họp của Báo Đại đoàn kết ngày 8-12-89). Xem như vậy thì ngay khi Đảng nắm được quyền cũng là lúc Đảng bắt đầu phải đương đầu với hai nguy cơ này.

Đồng chí Lê Quang Đạo đã lý giải một cách đơn giản: “Sau khi có chính quyền, dẫu đường lối có sai nhưng vẫn có khả năng bắt dân phải nghe, Đảng bị quan liêu hoá nhưng vẫn bắt dân tuân theo mình, vì trong tay có quyền lực”. Đấy cũng chính là cái lô gích đơn giản và sáng tỏ cho thấy tại sao phải tách vai trò lãnh đạo của Đảng với chức năng quản lý của nhà nước. Đảng lãnh đạo nhà nước và các tổ chức quần chúng phải thông qua những thành viên của mình được dân bầu. Đảng lãnh đạo các đoàn thể quần chúng phải tôn trọng quyền tự quản của các tổ chức quần chúng ấy. Chính điều này đã được Đảng ta khẳng định trong Nghị quyết 6 “Đảng lãnh đạo và tôn trọng tính độc lập về tổ chức của các đoàn thể”. Nhưng vấn đề đặt ra là: Tại sao trong nhiều trường hợp, nguyên tắc đúng đắn ấy của các nghị quyết trung ương lại không có giá trị chỉ đạo đối với các tổ chức Đảng ở địa phương? Và làm thế nào để khắc phục tình trạng ấy?

Xin dẫn chứng vài ví dụ đã xảy ra ở một số địa phương mà nhiều người đã biết. Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã ra quyết định cách chức chủ tịch Hội Văn nghệ và uỷ viên thường vụ Hội Văn nghệ đối với một nhà thơ, nhà văn trong khi họ vẫn được Hội tín nhiệm. Tỉnh Minh Hải lại quyết định tước bỏ quyền đại biểu Đại hội Nhà báo của một hội viên Hội Nhà báo… Phải chăng đây lại thêm một số dẫn chứng về tình trạng “phép vua thua lệ làng”?

Theo chúng tôi nghĩ, trong việc này, cách xử lý của cấp uỷ đã bất chấp điều lệ của Hội Văn nghệ, Hội Nhà báo, bất chấp ý kiến của nhiều nhà văn, nhà báo trong cả nước, và đặc biệt là bất chấp cả Nghị quyết 6 của Trung Ương Đảng quy định rằng Đảng tôn trọng tính độc lập về tổ chức của các đoàn thể.

Ai cũng biết một nguyên tắc rất thông thường là chỉ những chức vụ cấp trên bổ nhiệm thì cấp trên mới có quyền bãi miễn, Đảng không thể ra quyết định bãi miễn một chức vị chính quyền hay chức vụ đoàn thể. Khi cần, Đảng có thể gợi ý, thuyết phục… một đoàn thể thay đổi người lãnh đạo thông qua những hoạt động dân chủ mà điều lệ của đoàn thể đó quy định.

Chắc chẳng có ai nghĩ rằng các cấp uỷ Đảng ấy không thấu triệt những nguyên tắc cơ bản này, và chắc cũng chẳng ai nghĩ đây là một hiện tượng đơn lẻ. Trong lòng chúng tôi không thể không nhức nhối một câu hỏi: Tại sao Nghị quyết Trung ương một đằng, thực tế lại xảy ra một nẻo? Nếu cứ tiếp tục cách làm này thì xã hội sẽ đi đến đâu? Muốn công cuộc đổi mới thắng lợi, muốn hồi phục niềm tin thì tình trạng này phải được phê phán và sớm được khắc phục.

H.S.P.