Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

Hành trình cuối đông (kỳ 10)

Tư liệu 24

Ngày 16 tháng 2 năm 1989

Bùi Minh Quốc và Bảo Cự thân mến,

Mình đã nhận được mọi thư và văn bản của hai bạn gửi sau chuyến đi. Rất tâm phục ý chí hành động và tác phong quyết liệt của các bạn. Không biết còn khó khăn gì đến với các bạn hiện nay cùng với bộ phận của tạp chí Lâm Đồng.

Hội Bình Trị Thiên có công văn gửi Thường vụ Tỉnh uỷ LĐ, mình gởi cho các bạn một bản để tham chiếu. Hôm Tết Thanh Thảo ra Huế chơi, anh em có phác thảo một cái thư chung gởi đi nhiều nơi, nhiều người ký, nội dung gần giống như văn bản của Hội BTT hiện nay. Sau đó tụi mình bàn lại, thấy không nên lặp lại cái mốt ký tên đông đảo như vậy, vừa không có gì mới, vừa gây dị ứng, và thực sự thì không có trách nhiệm của tổ chức, vì vậy mình quyết định chuyển thành văn bản của Hội Văn Nghệ BTT, và sẽ báo cho Thanh Thảo biết.

Mình đã đọc báo Nghĩa Bình (Tết) và tạp chí Văn nghệ Nha Trang. Bài Bùi Minh Quốc viết ở VN-NT rất hay; điều đáng mừng là tính “chịu chơi” của 2 tờ báo tỉnh bạn. Sông Hương số sau Tết sẽ có thái độ về việc này. Tất nhiên SH vẫn phải đương đầu với mọi khó khăn của một tờ báo được chú ý, và nó phải có phương pháp làm việc riêng để trụ vững trong phong trào “ Bão táp và xung kích”.

…………………………

…. Đường còn dài, đời còn dài, chúng ta còn phải làm việc với nhau trong ý chí bất khuất của kẻ sĩ.

Thân mến

Hoàng Phủ Ngọc Tường

Tư liệu 25

Buôn Ma Thuột 24- 2- 89

Thân gửi anh Bùi Minh quốc và anh Bảo Cự

…………..

Hôm 6 Tết tôi gửi thư cho hai anh, hôm nay tôi lại nhận được thư ngỏ của các anh gửi tới. Tôi vô cùng cám ơn các anh đã nghĩ tới những người có lương tâm. Tôi biết trong cuộc đổi mới này người nào dám xả thân với nó thế nào cũng trầy vi sứt vẩy. Nhưng tôi biết chúng ta không cô lập và phần thắngcuối cùng sẽ trở về lẽ phải. Tiến trình dân chủ là không cưỡng nổi được. Bọn cơ hội, bọn độc tài hơn bao giờ hết nó sẽ hung hãn bởi vậy chúng ta phải có mặt trận và kề vai sát cánh với nhau. Một vài anh em ở bên này vô cùng khâm phục những người dám xả thân tới cùng như anh. Tôi không biết bên anh thế nào. Người ủng hộ chúng ta có nhiều không. Bọn cơ hội bên này chúng nó tung tin anh và Bảo Cự bị cô lập và sắp bị cách chức, và sẽ bị loại. Việc này làm tôi hoang mang quá. Anh nên cho tôi biết thêm tình hình.

Văn Thanh

Tư liệu 26

Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Ciệt Nam

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Câu lạc bộ Những Người Kháng chiến Cũ Thành phố Hồ Chí Minh

Kính gửi:

- Đồng chí Giám đốc Sở Thông tin Văn hoá thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Tòng

- Đồng chí Trưởng ban Tuyên huấn Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh Dương Đình Thảo

Đồng kính gửi:

- Đồng chí Bộ trưởng Thông tin Trần Hoàn

- Đồng chí Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương

- Đảng Trần Trọng Tân

Thưa các anh,

Tiếp theo bức thơ ngày 21-1-1989 của Thường trực ban chủ mhiệm Câu lạc bộ Những Người Kháng chiến Cũ thành phố Hồ Chí Minh gửi Giám đốc Sở Văn hoá và Thông tin, chúng tôi viết tiếp thơ này để trao đổi với các anh về các vấn đề mà các anh đã nêu trong hai bức thơ ngày 31-12-1988 và 21-1-1989 của Sở Văn hoá Và Thông tin gửi Câu lạc bộ Những Người Kháng chiến Cũ thành phố chúng tôi.

Qua hai bức thơ nói trên, chúng tôi nhận thấy các anh rất quyết tâm khi ra lệnh tịch thu và đã tịch thu được bản súp-bo tờ đặc san Truyền thống kháng chiến nhơn kỷ niệm ba ngày lịch sử của dân tộc: 19-12, 20-12, 22-12 đang chuẩn bị đưa lên máy in, và chắc chắn càng thích thú hơn khi các anh biết rằng trước khó khăn đó, chúng tôi phải chạy đôn chạy đáo đến tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang - ngoài phạm vi quyền hạn của các anh để nhờ in tờ đặc san nói trên. Tại Tiền Giang, chúng tôi cũng gặp khó khăn như ở thành phố Hồ Chí Minh: Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Trần Văn Nhị đã hạ lệnh cho cơ sở không được in đặc san Truyền thống kháng chiến, mặc dù các đồng chí phụ trách nhà in và anh chị em cán bộ, công nhân hết lòng giúp đỡ (đang sắp chữ). Do đó, chúng tôi phải chạy đến tỉnh Hậu Giang cầu cứu. May mắn thay! Tại đây, Truyền thống kháng chiến được sự giúp đỡ tận tình của các đồng chí với tinh thần sẵn sàng chấp nhận gian truân, vì các đồng chí nhận thức rằng: giúp hay không giúp Truyền thống kháng chiến trước tình hình khó khăn nói trên là một thử thách chân chính hay không chân chính. Do vậy, không mấy chốc mà Truyền thống kháng chiến đã được in xong (19-1-1989) và phát hành hết trong 5 ngày (17, 18, 19, 20 và 21-1- 1989) vì nhiều anh chị em độc giả, đảng viên, cán bộ từ Hà Nội, Huế, đến đồng bằng sông Cửu Long nóng lòng chờ đợi nó với nỗi lo âu. Do đến quá chậm vào lúc 17 giờ ngày 21- 1- 1989, công văn của Sở Văn hoá Và Thông tin gởi cho ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Những Người Kháng chiến Cũ Thành phố Hồ Chí Minh bảo không được phát hành tờ đặc san ấy, chúng tôi không có cách nào đễ giải quyết theo ý kiến của các anh được.

Thưa các anh,

Chúng tôi nhận thấy việc các anh không cho ra báo Truyền thống kháng chiến và không cho phát hành báo là hoàn toàn trái ngược với Nghị Quyết của Đại hội lần thứ 6 của Đảng - Nghị quyết đổi mới – trái với “Những kết luận về một số vấn đề trước mắt trong công tácc tư tưởng hiện nay: Cần tiếp tục mở rộng hơn nữa tính dân chủ, tính công khai trong sinh hoạt Đảng, sinh hoạt các đoàn thể, các cơ quan dân cử, các cơ quan Nhà nước, ngoài xã hội và trên báo chí…” của Bộ Chính trị, trái với Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận.

Chắc các anh cũng biết rõ rằng điều 67 của Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã quy định: “Công dân có các quyền tự do ngôn luận,tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân”, “ Nhà Nước tạo điều kiện vật chất cần thiết để công dân sử dụng các quyền đó”.

Vậy tại sao các anh lại ngăn cấm, không cho ra báo và phát hành báo, buộc phải xin phép nếu muốn ra báo?

Đã nói là tự do báo chí sao lại phải xin phép? Chúng tôi rất khó hiểu về quan niệm tự do của các anh. Đã xin phép thì còn gì là tự do. Uỷ Ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã xin phép ra báo từ 1985 đến nay (tháng 1-1989) trên 5 năm mà vẫn không được quyền ra báo kia mà! Các anh có thấy quyền tự do báo chí được trịnh trọng ghi ở điều 67 của Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bị vi phạm, chà đạp đến cỡ nào không?

Vậy xin hỏi các anh: Với tư cách ngừơi công dân của nước Cộng Hoà Việt Nam, chúng tôi phải chọn lựa cái nào để bảo vệ và thực hiện giữa điều 67 của Hiến pháp về tự do báo chí và quyết định cấm ra báo, cấm phát hành báo (Truyền thống kháng chiến), buộc phải xin phép nếu muốn ra báo của Bộ trưởng Thông tin? Quyết định về báo chí của Bộ trưởng Thông tin có thể phủ định điều 67 của Hiến pháp vể tự do báo chí hay ngược lại?

Giữa quyền lực của Quốc Hội – cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam – với quyền lực của Bộ trưởng Thông tin, Trưởng Ban Tuyên huấn của Đảng về báo chí thì chúng tôi (người kháng chiến cũ) cần phải tôn trọng và tuân thủ cái nào?

Quyền làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp và quyền làm luật, sửa đổi luật là quyền của Quốc hội hay của Bộ trưởng Thông tin, Trưởng Ban Tuyên huấn của Đảng?

Hằng ngày, trên đài truyền hình – công cụ của Ban Tuyên huấn Trung ương và Bộ Thông tin luôn luôn kêu gọi cả nước “sống và làm việc theo Hiến pháp và luật pháp”. Vậy Câu lạc bộ Kháng chiến Cũ Thành phố Hồ Chí Minh bảo vệ, tuân thủ, thực hiện nghiêm chỉnh điều 67 của Hiến pháp về tự do ngôn luận, tự do báo chí là người có tội, “cần xem xét xử lý về mặt Nhà nước” (điện của Ban Tuyên huấn Trung ương gửi Ban Tuyên huấn các tỉnh, thành)? Còn Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương và Bộ Thông tin là người không tuân thủ, không thi hành thậm chí tuỳ tiện ra quyết định làm ngược lại điều 67 của Hiến pháp về tự do ngôn luận, tự do báo chí theo quan điểm riêng của mình, coi thường và chà đạp Hiến Pháp thì lại không có tội gì sao? Không cần xử lý về mặt Nhà Nước sao?

Chính vì coi thường Hiến pháp và luật pháp mà một số đồng chí cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước không đếm xỉa đến các điều quy định trong Hiến pháp:

“Các tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến Pháp” (điều 4)

“Tất cả các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, nhân viên Nhà nước, nhân viên các tổ chức xã hội và mọi công dân đều phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật” (điều 12)

“Hiến Pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến Pháp” (điều 146).

“Chỉ Quốc Hội mới có quyền sửa đổi Hiến Pháp” (điều 147).

Điều rất khó hiểu luật là trong chế độ xã hội thuộc địa cũ trước đây của xứ Nam Kỳ (Cochinchine) người cộng sản đã dựa vào luật tự do báo chí của chánh quốc (đế quốc Pháp) mà ra báo Avant-Garde (Tiên Phong) năm 1936 do đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn phụ trách, báo Le Peuple và báo Dân chúng năm 1938 do đồng chí Nguyễn Văn Trấn phụ trách mà không cần xin phép, chỉ có tờ khai báo đơn giản (simple déclaration) thôi. Còn ngày nay, trong chế độ xã hội chủ nghĩa – chế độ tự do – mà những người kháng chiến cũ lại không được quyền ra báo, làm báo đựơc mặc dù Hiến pháp đã quy định các quyền tự do của công dân trong đó có quyền tự do báo chí. Thật là kỳ quặc!

Chắc là các anh vẫn không thể nào quên rằng trong cuộc chiến đấu lâu dài của dân tộc ta vì độc lập, tự do của Tổ quốc cho đến ngày toàn thắng 30-4-1975, đã có hàng trịệu người Việt Nam ngã xuống để cho Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra đời (1980) với điều 67 và nhiều điều khác nhằm thiết lập nền tự do dân chủ tốt đẹp mà Đảng ta và nhân dân ta mong mỏi từ lâu.

Ngày nay, tuy nước ta còn nghèo, lạc hậu, còn đói cơm, thiếu mặc, nhưng không thể đói cả tự do, vì xây dựng một chế độ tự do không đòi hỏi vốn liếng, ngoại tệ gì cả. Chỉ cần bộ óc, quan điểm, lập trường đúng đắn của con người: trung thành với sự chỉ giáo của Đảng suốt mấy mươi năm đấu tranh cách mạng chống kẻ thù xâm lược, áp bức nô dịch nhân dân ta, luôn luôn coi trọng mục tiêu đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ cho nhân dân và cuối cùng nhằm thiết lập cho được một chế độ tự do “một triệu lần hơn chủ nghĩa tư bản” trên đất nước Việt Nam ta. Do đó, với trách nhiệm bảo vệ nó, những người đã dấn thân vào quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài của dân tộc không thể làm ngơ trước hành động coi thường, đứng trên và chà đạp Hiến Pháp của bất cứ người nào. Hiến Pháp chính là máu xương của dân tộc Viêt Nam ta – hết sức thiêng liêng.

Ở nước xã hội chủ nghĩa mà Ban Tuyên huấn Trung ương và Bộ Thông tin đã đóng cửa một lúc nhiều tờ báo như : Đối Thoại, Tuổi Trẻ Cửu Long, Công An Cửu Long, Truyền Thống Kháng Chiến… vì nó được nhân dân tín nhiệm, quý mến, vì nó nói đựơc những điều mà nhân dân ray rứt, ấp ủ trong lòng muốn nói nhưng chưa có điều kiện nói ra. Nhân dân chuyền tay nhau đọc đến nát tờ báo. Báo ấy thực sự đi vào lòng dân. Nhận xét các báo nói trên của nhân dân, độc gỉa, cán bộ, đảng viên hoàn toàn khác hẳn với nhận xét của các anh nào là: “ nội dung không đúng sự thật, kích động, gây hiểu lầm, rất có hại” nên các anh đã cho công an đi tịch thu êm - mua hết báo Truyền Thống Kháng Chiến – còn ai lỡ xem thì nộp lại Ban Tuyên Huấn tỉnh thành và được hoan nghênh. Làm như vậy thì làm sao giải thích được rằng Ban Tuyên Huấn Trung Ương và Bộ Thông Tin đang thực hiện Nghị Quyết Đại Hội Đảng lần thứ 6, đang đổi mới trên lĩnh vực thông tin báo chí, thực hiện “dân chủ và công khai”, “mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa” (!), phải chăng các anh định lấy hành động chuyên quyền, độc đoán nói trên đối với báo chí để thay vào việc xây dựng, phát triển chế độ dân chủ tự do mà nhân dân Việt Nam hằng mong ước suốt 50 – 60 năm cách mạng, mà Đảng ta luôn luôn coi đó là thước đo ý chí cách mạng và trách nhiệm của mình trước nhân dân.

Tất nhiên, ta nói dân chủ là nói “Dân chủ có lãnh đạo”. Với sự lãnh đạo của mình, Đảng ta phát huy mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa bằng cách chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉnh các quyền tự do dân chủ của công dân được ghi trong Hiến pháp nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, quan tâm đấu tranh khắc phục những hành động vi phạm các quyền dân chủ ấy và đấu tranh uốn nắn những hiện tượng dân chủ, tự do quá trớn bằng đối thoại, hội thảo, mạn đàm, tranh luận một cách bình đẳng, chớ không phải chỉ bằng biện pháp hành chính.

Tuy nhiên, “Dân chủ có lãnh đạo” không thể dẫn đến hậu quả là dân chủ, tự do của xã hội bị bóp nghẹt. Vì như vậy thì còn gì là chế độ tự do, chế độ xã hội chủ nghĩa, ngược hẳn yêu cầu, mục đích của Đảng?

Tất nhiên, xuất thân từ một nước thuộc địa, phong kiến lạc hậu đi thẳng lên chủ nghĩa xã hội, một số đồng chí lãnh đạo trong Đảng và Nhà nước ta còn mang nặng tư tưởng phong kiến, hơn nữa lại thiếu một sự tự nguyện, tự giác cao, nên việc thiết lập một nền dân chủ tự do rộng lớn, thoải mái cho xã hội, nhân dân ta không dễ dàng chút nào, 14 năm sau giải phóng (30-4-1975) đã chứng minh điều đó.

Đổi mới là cách mạng, mà cách mạng là sự nghiệp của quần chúng? Dân chủ, công khai là nền tảng của đổi mới? Không có dân chủ công khai sẽ không có đổi mới? Do đó quần chúng nhân dân phải đấu tranh mới có dân chủ và công khai, chớ không thể ngồi chờ sẽ có người mang đến.

Trước trào lưu cải tổ, cải cách ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em trong đó có đổi mới của Việt Nam, nhà nước ta lại đóng cửa nhiều tờ báo dám đấu tranh thẳng thắn, dám nói sự thật, được dân yêu, dân mến là đi ngược dòng lịch sử, trào lưu đổi mới – cách mạng hiện nay và không thể chấp nhận được. Lý do đóng cửa các tờ báo phải được thông báo công khai cho nhân dân cả nước biết? Không nên độc quyền phát ngôn, độc quyền phát biểu, nhận xét (thường hay chụp mũ) mà cần thực hiện đối thoại bình đẳng? Lịch sử cách mạng nước ta và thế giới đã từng chỉ ra rằng nhận xét chụp mũ đã từng gây biết bao tai hoạ khủng khíêp cho nhân dân ở đó, cho cách mạng nước ta và dân tộc đó.

Sợ dân chủ công khai thì không thể thay đổi được tình thế của đất nước, không thể nào giải quyết nổi tiêu cực, suy thoái, biến chất, sa đoạ, bảo thủ, trì trệ đã ăn sâu trong tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước và xã hội ta.

Phải bằng làn sóng cách mạng đổi mới, dân chủ và công khai thì mới làm cho tổ chức Đảng, Nhà nước và xã hội ta lành mạnh lên. Dân chủ công khai là tấm gương phản chiếu làm cho Đảng luôn soi rọi mình, tắm gội cho mình, từ đó cho phép khôi phục niềm tin của quần chúng đối với Đảng tiền phong và như vậy, Đảng vẫn là ngọn đèn pha soi sáng con đường tiến lên của dân tộc, đất nước, của thế hệ trẻ Việt Nam.

Cuối cùng, chúng tôi đề nghị:

1. Đồng chí Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, đồng chí Bộ trưởng Bộ Thông tin phát biểu ý kiến trên báo chí, đài truyền hình về các câu hỏi nêu trên, về lý do đóng cửa các tờ báo trong đó có tờ Truyền thống Kháng chiến.

2. Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng và Bộ Thông tin triệu tập một cuộc họp tại thành phố Hồ Chí Minh để phê phán, nhận xét các tờ báo nêu trên với sự tham dự của đại diện tất cả các tờ báo, tạp chí trong cả nước và một số độc gỉa của Truyền thống Kháng chiến.

Chúng tôi mong chờ sự trả lời của các đồng chí! Sau ba tuần lễ bắt đầu từ khi có lá thơ này, nếu không có phát biểu trả lời của các đồng chí thì chúng tôi sẽ tiếp tục ra báo Truyền thống Kháng chiến vào các ngày kỷ niệm 30-4, 1-5, 19-5 tới đây như điều 67 của Hiến pháp đã quy định về tự do báo chí,tự do ngôn luận.

Thân ái chào Đổi mới

Thành phố Hồ Chí Minh, Ngày 20 tháng 2 năm 1989

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Những Người Kháng chiến Cũ

Thành Phố Hồ Chí Minh

Chủ nhiệm báo Truyền thống Kháng chiến

Đã ký và đóng dấu

Nguyễn Hộ

(Trong thời gian đấu tranh đang căng thẳng, Hội Văn Nghệ Lâm Đồng nhận được văn bản này của CLB/NNKCC/TPHCM, gần như “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. HVN/LĐ đã sao gởi văn bản này cho hội viên tham khảo. Bảo Cự, với trách nhiệm uỷ viên thường trực, ký sao văn bản này nên lại bị buộc thêm một tội là “phổ biến văn bản bất hợp pháp có hại” mặc dù văn bản này có ký tên và đóng dấu đàng hoàng. Văn bản này đã bị Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phê phán nặng nề và sau đó cả bộ máy tuyên truyền của Đảng lên án.)

Tư liệu 27

Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hội Văn học Nghệ thuật

Tỉnh Phú Khánh

Số 08/VNPK

Nha Trang, ngày 9 tháng 3 năm 1989

Kính gởi: Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng

Thường trực UBND Tỉnh Lâm Đồng

Hội Văn học Nghệ thuật Phú Khánh chúng tôi đã nhận được một số thông tin về hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng và tạp chí Langbian qua thông báo của đoàn đại biểu Hội Văn nghệ Lâm Đồng và tạp chí Langbian về chuyến đi công tác của hai đồng chí Bùi Minh Quốc và Bảo Cự và bức thư ngỏ gửi Trung ương và các tỉnh. Trước tình hình có nhiều khó khăn của hoạt động văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng hiện nay, với tư cách là những đồng chí, đồng nghiệp đã từng gắn bó với nhau trong công tác (đặc biệt là ở khu vực các tỉnh miền trung), ban lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật Phú Khánh xin phát biểu với các đồng chí một số ý kiến của mình.

1. Về bản “kiến nghị của các Hội văn học nghệ thuật tạp chí văn nghệ địa phương về một số vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động văn học nghệ thuật”: trong báo cáo số 69/VN ngày 30 tháng 11 năm 1988 gửi ban thường vụ tỉnh Phú Khánh, chúng tôi đã khẳng định “nội dung bản kiến nghị và 5 điều yêu cầu cụ thể với Trung ương Đảng và Nhà nước không có gì sai trái với đường lối chủ trương và nghị quyết của Đảng về văn hoá văn nghệ, thể hiện nguyện vọng có thật của anh chị em văn nghệ sĩ, về mặt chính trị là tốt”. Tuy nhiên cũng trong báo cáo đó, chúng tôi đã nêu lên một số thiếu sót: “Thiếu thận trọng trong lời văn và thiếu cân nhắc trong cách làm để gây hiều lầm và những hậu quả đáng tiếc”.

Nhìn chung, do thiếu kinh nghiệm nên các đồng chí ký vào văn bản này có sơ sót, nhưng những sơ sót đó đều xuất phát từ những ý nghĩ tốt đẹp, không mang động cơ cá nhân, bè phái, không có gì lệch lạc nghiêm trọng về nội dung cũng như về mặt ý thức, tổ chức kỷ luật.

2. Về tạp chí Langbian, chúng tôi cho rằng các đồng chí phụ trách đã cố gắng khắc phục khó khăn , giới thiệu được phong trào sáng tác và những thành tựu các mặt của một tỉnh có nhiều dân tộc và có truyền thống văn hoá lâu đời. Tạp chí cũng đã nhiệt tình ủng hộ đường lối đổi mới của Đảng, đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực trong cuộc sống hiện nay, được người đọc hoan nghênh. Tuy nhiên, vì là một tạp chí mới ra đời nên khó tránh khỏi một số khuyết nhược điểm cần phải rút kinh nghiệm nghiêm túc và kịp thời.

3. Về hai đồng chí Bùi Minh Quốc và Bảo Cự là những nhà văn đã trải qua kháng chiến và đấu tranh trong lòng địch, được rèn luyện thử thách nhiều, qua nhiều năm quen biết và cộng tác với nhau, chúng tôi cho rằng đây là những đồng chí có năng lực và trung thực, có quyết tâm và nhiệt tình đổi mới. Tuy vẫn còn một số biểu hiện nôn nóng, đơn giản, thiếu mềm dẻo trong phương pháp công tác (theo nhận xét chủ quan của chúng tôi) chúng tôi vẫn cho rằng, nếu được rút kinh nghiệm kịp thời thì những nhược điểm, thiếu sót đó hoàn toàn có thể khắc phục được.

Trên cơ sở những nhận định trên, với tư cách là ban lãnh đạo một Hội văn nghệ có liên quan mật thiết với Hội Văn nghệ Lâm Đồng nhằm giúp đỡ nhau trong xây dựng, phát triển công tác, xuất phát từ sự đánh giá vị trí quan trọng của tỉnh Lâm Đồng và phong trào văn nghệ Lâm Đồng đối với toàn khu vực và cả nước, chúng tôi xin tha thiết đề nghị với các đồng chí.

1. Tạo mọi điều kiện thuận lợi (về tinh thần và vật chất) để Hội Văn nghệ Lâm Đồng hoạt động bình thường như các hội bạn trong khu vực và cả nước.

Chúng tôi mong mỏi các cơ quan lãnh đạo và Nhà nước hết sức giúp đỡ Hội văn nghệ Lâm Đồng xuất bản tác phẩm của anh chị em, tổ chức trại sáng tác, mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao tài năng và phẩm chất văn nghệ nhằm góp phần nhiều hơn cho phong trào chung. Kinh nghiệm của Hội chúng tôi là chỉ có đẩy mạnh hoạt động đúng hướng thì mới củng cố được Hội, đoàn kết được lực lượng.

2. Về tạp chí Langbian, sự có mặt của một tạp chí văn nghệ cấp tỉnh (cũng như một hội văn nghệ tỉnh) hiện nay là cần thiết và là điều phổ biến trong cả nước. Đề nghị các đồng chí vận dụng qui định của Trung ương (như hiện nay các tỉnh đều làm trong lúc chờ giấy phép chính thức) để tiếp tục cho Langbian được xuất bản lại, đáp ứng lòng mong đợi của người đọc không những ở địa phương mà của các địa phương bạn muốn tìm hiểu về thành tựu văn nghệ, về truyền thống văn hoá nghệ thuật Lâm Đồng.

3. Về hai đồng chí Bùi Minh Quốc và Bảo Cự như trên chúng tôi đã trình bày, mong các đồng chí quan tâm giúp đỡ, thông cảm và có sự đánh gía đúng để các đồng chí ấy yên tâm, phấn khởi có thể tiếp tục phát huy ưu điểm của mình có lợi cho công tác và sửa chữa thiếu sót, nhược điểm.

Ban lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật Phú Khánh chúng tôi xin trân trọng đề đạt ý kiến nói trên đến các đồng chí trên tinh thần lợi ích chung của phong trào văn nghệ. Nếu có điểm nào chưa sát, mong các đồng chí thông cảm.

T/M Ban lãnh đạo Hội văn nghệ tỉnh Phú Khánh

Chủ Tịch

(đã ký)

Giang Nam

Đồng kính gởi:

- Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Phú Khánh

- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Phú Khánh

- Ban lãnh đạo Hội Văn nghệ Lâm Đồng

Tư liệu 28 (1)

Sông Hương số 36

Huế, tháng ba - tư, một chín tám chín.

Gian nan Langbian!

Tạp chí Langbian, người bạn đồng nghiệp ở vùng núi cao sương gía thơ mộng Lâm Đồng mới ra mắt được 3 số, được gần xa nhiệt tình cổ vũ, vừa qua, đã phải đau đớn tạm thời chia tay với bạn đọc không thời hạn, do bị ngưng cấp giấy phép xuất bản (quyết định của Sở Văn hoá Thông tin Lâm Đồng, thực hiện chỉ thị của Bộ Thông tin). Quyết định đột ngột này đã làm cả ban lãnh đạo Langbian (tổng biên tập: nhà thơ Bùi Minh Quốc và phó tổng biên tập: Bảo Cự) phải lập đoàn “xuống núi”, bôn ba tìm đến các bạn bè đồng nghiệp khắp các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên trên đường ra thủ đô “kêu oan”. Cuộc hành trình gian nan sóng gió này cuối cùng vẫn không đạt được kết quả.

Sông Hương đã nhận được những thông tin đầy đủ về cuộc hành trình này do tạp chí Langbian gởi đến. Và, cùng với những bạn bè, đồng nghiệp khác, trong những ngày đoàn ghé lại Huế, ban biên tập SH, cùng ban thư ký Hội Văn nghệ BBT, qua tiếp xúc chân tình, đã nhất trí chung với ban biên tập Langbian một văn bản gởi các ngành liên quan ở Trung Ương. Đó là kiến nghị về việc giải quyết các vướng mắc trong hoạt động của các Hội văn học nghệ thuật và các tạp chí địa phương.

Trong khuôn khổ của trang báo, nhân dịp này, Sông Hương xin đăng lại 4 nội dung chính Kiến nghị nói trên và xem đây là một trong những yêu cầu bức thiết, chính đáng đối với hoạt động báo chí, xuất bản:

…………………….

Chúc đồng nghiệp Langbian sớm trở lại với bạn đọc.

Sông Hương

Tư liệu 28 (2)

Tạp chí Đất Quảng – số 57

Tháng 3 -4/ 89

LangBian SOS!

LangBian tạp chí sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật do Hội Văn nghệ Lâm Đồng xuất bản tại Đà Lạt, tuy mới ra được 3 số, nhưng đã được bạn đọc trong và ngoài tỉnh đón nhận như một trong những tiếng nói tham gia đổi mới đáng khuyến khích. Hàng trăm bạn đọc từ nhiều nơi đã đặt mua tạp chí dài hạn, ủng hộ tạp chí về tinh thần và vật chất.

Langbian đang hào hứng chuẩn bị số 4 thì gặp một khó khăn lớn về thủ tục: Bộ Thông tin qui định các sở văn hoá thông tin không được cấp giấy phép cho các đoàn thể ở địa phương (trong đó có Hội Văn nghệ) ra báo, tạp chí. Các Hội Văn nghệ ở địa phương muốn ra báo, tạp chí phải có giấy phép của Ban Tuyên huấn Trung ương và Bộ Thông tin. Nhưng cho đến nay Hội Văn nghệ Lâm Đồng cũng như trên ba mươi Hội Văn nghệ ở các địa phương bạn trong cả nước vẫn chưa được Ban Tuyên huấn Trung ương và Bộ Thông tin cấp giấy phép chính thức để ra báo, tạp chí – một trong các hoạt động tối thiểu của các Hội Văn nghệ ở địa phương.

Đại diện thường trực Hội Văn nghệ Lâm Đồng và ban biên tập tạp chí Langbian đã cùng với đại diện Hội Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), Hội Văn nghệ Phú Khánh, Hội Văn nghệ Nha Trang, tạp chí Cánh én, tạp chí Nha Trang, Sở Văn hoá Thông tin và tạp chí Văn Nghệ Gia Lai- Kontum, tạp chí Văn nghệ Nghĩa Bình, Hội Văn nghệ Quảng Nam – Đà Nẵng, tạp chí Đất Quảng, Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, tạp chí Sông Hương ký kiến nghị yêu cầu Ban Tuyên huấn Trung ương và Bộ Thông tin giải quyết vấn đề này nhưng vẫn chưa đựơc giải quyết.

Trên thực tế, rất nhiều Sở Văn hoá Thông tin ở các địa phương không chấp hành quy định trên của Bộ Thông tin – nhờ vậy các Hội Văn nghệ ở đó vẫn tiếp tục ra báo, tạp chí bình thường như lâu nay.

Riêng Sở Văn hoá Thông tin Lâm Đồng chấp hành nghiêm túc qui định đó nên Langbian không có giấy phép để ra tiếp số 4.

Langbian kiến nghị:

1. Ban Tuyên huấn Trung ương và Bộ Thông tin công bố công khai các tờ báo, tạp chí ở địa phương và các ngành đã được cấp giấy phép chính thức của Ban và Bộ để công luận xem xét.

2. Cấp ngay giấy phép cho các Hội Văn nghệ ở địa phương ra báo, tạp chí, trong đó có Hội Văn nghệ Lâm Đồng với tờ tạp chí Langbian.

3. Nếu không như vậy, yêu cầu Bộ Thông tin xoá bỏ quy định trên đây. Trường hợp Bộ vẫn giữ qui định đó mà các Sở không chấp hành, thì chứng tỏ Bộ vẫn cố tình duy trì một qui định lỗi thời, vừa không đủ năng lực và uy tín để quản lý ngành mình.*

Trong khi tiếp tục cuộc đấu tranh đòi quyền chính đáng của một tạp chí văn nghệ, Langbian trân trọng đề nghị các báo, tạp chí trên cả nước cho “mượn đất” để đăng bài.

Kính mời bạn đọc theo dõi bài vở của Langbian trên các báo, tạp chí bạn.

Ban biên tập tạp chí Langbian

*Tạp chí Đất Quảng đã “dũng cảm” và có thiện ý đăng giúp ban biên tập Langbian văn bản này, nhưng cũng phải “tự ý đục bỏ” một câu ở đây: “Và các đồng chí có trách nhiệm ở Bộ cần phải rời khỏi chức vụ”.

Tư liệu 29

Huế, ngày 5 tháng 6 năm 1989

Kính gửi Tỉnh uỷ Lâm Đồng

Đồng kính gửi: - Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương

- Ban Bí thư Trung ương

Chúng tôi, các đảng viên ký tên dưới đây, với tư cách là những người biết rõ về hai đồng chí Bùi Minh Quốc và Bảo Cự, là những người đã cùng các đồng chì đó ký tuyên bố (tháng 11-88) phát biểu ý kiến của mình về một số vấn đề trong đời sống văn học nghệ thuật, xã hội, chính trị của đất nước, tha thiết đề nghị các cấp có thẩm quyền trong Đảng lưu ý xem xét mấy điều chúng tôi bày tỏ như sau:

Hai đồng chí Bùi Minh Quốc và Bảo Cự qua những thử thách khắc nghiệt trong thời chiến cũng như trong thời bình đã tự khẳng định là những đảng viên tốt của Đảng. Viêc làm của các đồng chí đó trong chuyến đi các tỉnh miền Trung tháng 11 -1988 mà chúng tôi có liên đới trách nhiệm (như việc cùng ký tuyên bố) đều xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, từ tinh thần trách nhiệm của người đảng viên đối với công cuộc đổi mới. Sẽ là rất đáng tiếc nếu không thấy được bản chất đó của vấn đề. Nếu có những lo ngại nào đó của lãnh đạo về mặt phương pháp, thì chỉ nên nhắc nhở để rút kinh nghiệm đặng tìm ra những phương pháp tối ưu, bởi đổi mới là một quá trình vừa làm vừa tìm tòi rút kinh nghiệm – như nghị quyết hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 đã nêu.

Chúng tôi là những đảng viên đả cùng hai đồng chí Bùi Minh Quốc và Bảo Cự ký tuyên bố, cùng chịu trách nhiệm trước Đảng về việc làm đó. Đảng ta là một tổ chức thống nhất. Chúng tôi mong muốn không để xảy ra việc xử lý quá nghiêm khắc đối với những đảng viên đã mạnh dạn bày tỏ ý kiến chỉ vì tâm huyết đối với Đảng.

Có tin cho biết hai đồng chí Bùi Minh Quốc và Bảo Cự có thể bị khai trừ khỏi Đảng. Nếu tin tức đó là đúng, thì đây là một tổn thất đáng tiếc đối với Đảng, một kỷ luật oan, không côngbằng, không khỏi gây ra những hiệu quả bất lợi về niềm tin trong cộng đồng văn nghệ sĩ.

Chúng tôi tha thiết đề nghị các cấp có thẩm quyền với sự mẫn cảm chính trị chiến lược vốn có, không nên để xảy ra tình hình đáng tiếc như vậy.

Một lần nữa, chúng tôi lại ký tên dưới đây để kiến nghị với lãnh đạo Đảng những lo lắng và suy nghĩ rất tâm thành của chúng tôi.

Đồng ký tên

Hoàng Phủ Ngọc Tường - Nguyễn Đắc Xuân – Hồng Nhu - Nguyễn Bá Thâm - Hoàng Vũ Thuật – Nguyễn quang Lập - Hồ Hoàng Thanh – Võ Quê – Thái Bá Lợi – Phạm Hồng – Hoàng Sơn – Cao Duy Thảo - Hoàng Nhật Tuyên

Tư liệu 30

Ngày 7-6-1989

Thư gửi Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Lâm Đồng và các bạn hội viên

Các anh chị thân mến,

Ngày mai, do phải dự một cuộc họp khác mà tôi không thể vắng mặt, tôi không thể đến dự cuộc họp của Hội được. Tôi muốn qua lá thư này để phát biểu công khai quan điểm của mình về một vấn đề có trong chương trình nghị sự, đó là vấn đề “xử lý kỷ luât hai anh Bùi Minh Quốc và Bảo Cự”.

Trước đây tôi chưa phát biểu công khai về việc này, bởi vì tôi chưa rõ hai anh bị quy vào những khuyết điểm nào. Điều đáng tiếc là cho đến nay, tôi vẫn chưa được nghe lãnh đạo công bố chính thức những khuyết điểm của hai anh; phần lớn cũng chỉ nghe những lời truyền khẩu, mà cũng chẳng phải là từ miệng các đồng chí lãnh đạo. Phát biểu trong hoàn cảnh như vậy kể cũng hơi khó. Tuy nhiên, điều làm tôi và một số anh chị em trong Hội lo ngại là gần đây có tin đồn hai anh sắp bị thi hành kỷ luật. Không phát biểu sớm, tôi e rằng có khi lại quá muộn. Vì vậy, tôi cứ mạnh dạn nói kên suy nghĩ chân thành của mình, có điều gì sơ suất mong các anh chị tha thứ.

Trước hết, cần dẹp bỏ cái “giáo điều” cho rằng không phải là đảng viên thì không được quyền bàn việc của Đảng. Trong một đất nước mà Đảng giữ vai trò lãnh đạo, mọi hoạt động của Đảng đều có ảnh hưởng ít nhiều đến vận mệnh quốc gia, đến cuộc sống từng người dân, cấm dân bàn chuyện Đảng là điều cực kỳ phi lý! Hơn nữa, tuy không phải là đảng viên, tôi cũng không xa lạ gì với sinh hoạt của Đảng. Hai năm chiến khu, sau ngày giải phóng lại từng là đối tượng Đảng, tổ trưởng tổ trung kiên, quan hệ công tác với nhiều đảng viên; bố là đảng viên hết mực trung thành với Đảng cho đến khi nhắm mắt lìa đời, không ít bạn bè là đảng viên, sao tôi lại không hiểu được những vấn đề của Đảng? Chính là với tư cách một người gần gũi với Đảng, tin yêu và lo lắng cho Đảng mà tôi phát biểu những điều sau đây:

Về trường hợp của hai anh Quốc và Cự, theo những gì tôi nắm được, hai anh không phải là những kẻ phản bội, cũng không phải là sâu dân mọt nước, tham ô hối lộ, thoái hoá biến chất…. Nếu hai anh bị thi hành kỷ luật vì những lý do tương tự thì chúng tôi chẳng phải nhọc công viết lá thư này.

Vậy thì lỗi của hai anh là gì? Theo những gì tôi nghe được thì khuyết điểm chủ yếu của hao anh là đã đấu tranh mà không thông qua tổ chức Đảng, nghĩa là thiếu ý thức tổ chức kỷ luật. Nếu kê khai cụ thể thì có thể có 4 điểm, 5 diều gì đó, nhưng thực chất vấn đề có lẽ cũng chỉ có thế!

Nếu tôi nhớ không lầm thì trong một cuộc họp với hội viên Hội văn nghệ trước đây, anh Duy Anh (Phó Bí thư trực của Tỉnh uỷ) đã nói rằng hai anh Quốc và Cự đấu tranh “về ý nghĩa là tốt, nhưng phương pháp không hợp lý, không phù hợp”. Vấn đề ở đây là: phương pháp thế nào là hợp lý, là phù hợp?

Cố nhiên, có phương pháp đấu tranh phản lại chính mục tiêu, làm mất ý nghĩa của mục tiêu, không thể chấp nhận được. Cho dù đấu tranh cho những mục tiêu nhân đạo mà lại sử dụng phương pháp phi nhân đạo (theo kiểu Xtalin, Mao Trạch Đông,…) thì cuối cùng, phương pháp cũng làm cho mục tiêu mất ý nghĩa. Đó là điều chúng ta lên án. Đấu tranh cho sự nghiệp đổi mới mà dùng con đường bất hợp pháp thì dẫn đến tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ, chỉ có lợi cho kẻ thù của chủ nghĩa xã hội; chúng ta cũng không thể tán đồng.

Nhưng rõ ràng là đấu tranh cho đổi mới, cho dân chủ, không thể dùng những biện pháp sẵn có theo kiểu đường mòn xưa nay. Tình trạng mất dân chủ kéo dài trong xã hội ta đả dẫn đến hậu quả là trong nhiều lĩnh vực, luật pháp còn thiếu hoặc chưa hoàn chỉnh, việc thực hiện luật còn tuỳ tiện, thiếu nghiêm minh. “Cơ chế” cũ trong đời sống chính trị đã khiến cho nhân dân gặp nhiều khó khăn của mình. “Vô phúc đáo tụng đình”, câu nói ấy ngày nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa của nó. Là đại biểu Hội đồng Nhân dân, nhiều khi tôi rất khổ tâm trước tình hình nhiều kiến nghị của cử tri bị rơi vào quên lãng, đơn từ khiếu nại ngày càng chồng chất. Nhưng khi mà nhân dân bị trói tay, đại biểu của dân cũng vẫn bị trói tay bởi “cơ chế” bất hợp lý thì làm sao ngăn nổi sự lạm quyền và tình trạng vi phạm dân chủ?

Tôi nghĩ rằng nếu xã hội ta thật sự dân chủ, nếu những quyền cơ bản của công dân được ghi trong Hiến pháp được cụ thể hoá một cách đầy đủ thì hai anh Quốc và Cự đã chẳng phải nhọc công đi hàng ngàn km để ra tận thủ đô dâng kiến nghị. Chỉ cần giữ cho bất cứ tờ báo nào đó là có thể bày tỏ công khai ý kiến của mình, hoặc chỉ cần nhờ một đại biểu Quốc Hội nào đó có thể lên tiếng tại Quốc hội. Có người cho rằng kiến nghị thì được, nhưng vận động lấy chữ ký để làm kiến nghị tập thể thì không được. Tôi cho rằng đó chỉ lá cách nói để che đậy sự thật mà thôi. Biểu thị công khai ý kiến của mình về một vấn đề nào đó, dù là cá nhân hay tập thể, có gì là ghê gớm? Ta đã chẳng từng có phong trào lấy chữ ký vì hoà bình đó sao?

Hay là anh Quốc và anh Cự sai lầm ở chỗ dám đòi cách chức một số vị lãnh đạo nào đó ở Trung Ương? Quả thật, đó là điều đáng coi là “kinh khủng” dưới chế độ chiếm hữu nô lệ hay chế độ phong kiến. Ấy thế mà ngày xưa, ông Chu Văn An dám dâng sớ xin chém đầu bảy tên nịnh thần, sử sách thời phong kiến cũng chẳng hề lên án! Ở các nước dân chủ tư sản ngày nay, phê bình hay đòi cách chức cả đến tổng thống, thủ tướng cũng có gì là đáng kinh hoàng đâu?

Hay là bởi vì ta là dân chủ vô sản? Dưới thời Công xã Paris (1871), tất cả các uỷ viên của Công xã đều được bầu và cử tri có thể bãi miễn bất cứ lúc nào. Cử tri còn dùng hình thức chế độ bãi miễn tuyệt đối (mandat inpératif) mà đại biểu phải nghiêm khắc tuân theo. Từ Mác, Ăngghen cho đến Lênin đều một mực ca ngợi những biện pháp dân chủ nói trên, coi đó là phương thức hiệu quả nhất chống lại chủ nghĩa quan liêu. Có lẽ vì lâu nay dân ít sử dụng quyền bãi miễn của mình, hay vì ở nước ta còn chịu ảnh hưởng nặng nề của chế độ phong kiến nên việc đòi cách chức, bãi miễn những người có quyền hành mới trở thành một thứ “xì-căng-đan”. Đừng quên rằng Công Xã thực hiện những biện pháp dân chủ ấy khi còn đang ở trong vòng vây của kẻ thù, và cả Mác lẫn Ăngghen chẳng hề phê phán đó là mất cảnh giác!

Có người cho rằng anh Quốc và anh Cự đấu tranh như thế là “ngoài vòng của tổ chức”. Đấu tranh trong vòng pháp luật thì còn hiểu được, chứ đấu tranh “trong vòng của tổ chức” thì quả thật khó hiểu! Nếu thủ trưởng của tôi là một kẻ thoái hoá, biến chất chẳng hạn; đấu tranh “trong vòng tổ chức” có nghĩa là tôi tự biến mình thành “con vật tế thần”, thành đối tượng trù dập của chính người bị tôi tố cáo. Lâu nay không ít trường hợp đơn khiếu tố, khiếu nại, tố cáo lại chạy vòng vo, cuối cùng trở về tay kẻ bị khiếu nại, tố cáo. Và thế là người tố cáo bị chính người mà mình tố cáo trù dập. Quần chúng làm sao còn có đủ can đảm để tiếp tục đấu tranh? Trong trường hợp hai anh Quốc và Cự, hai anh đấu tranh cho dân chủ, cho báo chí, liên quan đến những vấn đề rộng lớn của cả nước. Nếu phải đấu tranh trong vòng tổ chức thì làm sao kiến nghị lên tới được Trung ương? Và đã chắc gì đấu tranh trong vòng của tổ chức mà hai anh lại không bị quy cho khuyết điểm này nọ.

Vấn đề là phải xem xét những điều các anh ấy và văn nghệ sĩ kiến nghị có hợp lý hay không để giải quyết thoả đáng, chứ không phải là thi hành kỷ luật hai anh ấy trước khi giải quyết xong những vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt đối với cả nước.

Suy cho cùng, theo tôi, anh Quốc và anh Cự đã phạm phải khyết điểm sau đây: đã dám vượt qua ràng buộc của cơ chế đã lỗi thời để làm tròn trách nhiệm của những văn nghệ sĩ – công dân.

Đã từ lâu, tôi có cảm nghĩ rằng điều lệ và những nguyên tắc hoạt động của Đảng không còn phù hợp với tình hình mới. Trong kháng chiến, trong đấu tranh bí mật, sự đánh phá của kẻ thù vô cùng ác liệt, vì vậy “bí mật của Đảng” là điều cần bảo vệ tuyệt đối. Do điều kiện của cuộc đấu tranh gian khổ ấy, không thể áp dụng các phương pháp dân chủ, sự phục tùng vô điều kiện đối với cấp trên là yêu cầu hàng đầu. Nhưng ngày nay tình hình đã đổi khác. “Bí mật nội bộ” ngày nay rất dễ bị các phần tử thoái hoá, biến chất trong Đảng lợi dụng để bao che nhau. Nạn “ô dù” phát triển là thế. Còn “sự phục tùng tuyệt đối” cũng dễ trở thành có lợi cho chủ nghĩa quan liêu.

Điều rất có ý nghĩa đối với chúng ta ngày nay là thái độ của Mác và Ăngghen khi gia nhập “Liên minh những người chính nghĩa” ở Luân Đôn (năm 1847). Trước đó, “Liên minh” là một tổ chức rập khuôn theo kiểu “hội kín”, tập trung quyền lực quá đáng vào tay những người lãnh đạo, tạo ra khả năng lạm quyền. Năm 1877, Mác đã viết về điều này như sau: “Việc Ăngghen và tôi tham gia lần đầu tiên vào hội bí mật của những người cộng sản đã diễn ra dưới một điều kiện không thể thiếu được là sẽ vứt bỏ ra khỏi điều lệ tất cả những gì góp phần vào việc cúi đầu một cách mê tín trước những kẻ có quyền uy…”. Vốn là những người có tư duy độc lập, yêu dân chủ, hai ông không bao giờ chấp nhận tệ sùng bái cá nhân đối với những người lãnh đạo. Đảng đối với hai ông trước hết phải là một tổ chức dân chủ, đảng viên là những người có tư duy độc lập, sáng tạo chứ không phải chỉ biết tuân phục một cách mù quáng. Trong tình hình hiện nay, dân chủ hoá sinh hoạt Đảng là điều kiện tiên quyết để dân chủ hoá xã hội. Cho nên những ý kiến trên đây của Mác và Ăngghen rất đáng cho chúng ta suy nghĩ.

Đảng là tổ chức tiên phong của giai cấp công nhân. Muốn giữ vững vai trò lãnh đạo của mình, Đảng phải tự đổi mới để thích ứng với điều kiện mới, hoàn cảnh mới. Đáng tiếc là sự đổi mới ấy còn quá ít, quá chậm. Do vậy mà không ít đảng viên đã cảm thấy bị ràng buộc, đứng trong hàng ngũ của Đảng mà vẫn cảm thấy mình không làm tròn được nhiệm vụ, không làm tròn được vai trò công dân gương mẫu. Gần đây, hai người bạn của tôi đã làm đơn xin ra khỏi Đảng: Anh Huỳnh Nhật Hải (tức Tấn), nguyên Tỉnh uỷ viên dự khuyết, nguyên phó giám đốc trường Đảng của tỉnh; anh Huỳnh Nhật Hồng, nguyên Thành uỷ viên, nguyên phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Đà Lạt. Bản thân tôi cũng không hoàn toàn tán thành hành động của hai anh, nhưng tôi tôn trọng tấm lòng của hai anh và hoàn toàn thôngcảm với tâm tư của hai anh. Bởi vì, nếu đứng trong hàng ngũ của Đảng mà không làm được gì có lợi cho dân, cho nước thì thà ra khỏi Đảng còn hơn. Đó là những con người trung thực, mà những quần chúng trung thực thì bao giờ cũng đáng quý hơn những đảng viên không trung thực!

Còn bây giờ thì hai anh Quốc và Cự muốn đứng trong hành ngũ của Đảng để đấu tranh cho sự nghiệp đổi mới lại có nguy cơ bị khai trừ. Sự thật quả là ác nghiệt! Cái sự thật của một thời kỳ “quá độ” đến mức “quá quắt” này! Những con người đã từng một lòng một dạ với Đảng và cho đến nay vẫn băn khoăn, day dứt với lý tưởng của Đảng thì lại bị khai trừ hoặc tự mình rời khỏi hàng ngũ của Đảng. Trong khi đó, không ít kẻ thoái hoá, biến chất, cơ hội, thậm chí sâu dân mọt nước, vẫn còn tiếp tục dùng danh nghĩa của Đảng để mưu cầu lợi ích cá nhân. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ rằng: nếu hai anh bị khai trừ khỏi Đảng thì điếu đau xót ấy cũng chẳng khác gì sự đau xót của ông già Tanabai trong “Vĩnh Biệt Gunxaru” của nhà văn Tsinghiz Aitmatốp. Người đảng viên bị khai trừ một cách oan ức ấy, vào một đêm khuya, đã phi ngựa như bay qua thảo nguyên để đến Văn phòng huyện uỷ trao lại tấm thẻ đảng của người bí thư chi bộ cũ của mình vừa từ trần, để mà được nói lên nỗi oan khuất của mình, nhưng chỉ gặp được những gương mặt lạnh lùng, thản nhiên của những cán bộ, nhân viên ở đấy. Sự đau xót của ông gìa Tanabai, theo tôi, không phải là nỗi đau riêng tư; và sự đau xót của hai anh Quốc và Cự cũng là nội đau xót chung của chúng ra, của dân tộc này, và cả của Đảng nữa!

Dù sao tôi vẫn tin rằng như một quy luật, muốn tồn tại và đứng vững, Đảng phải tự mình thay đổi, hay như nhiều người thường nói, phải “tự lột xác”. Cái bi kịch của hai anh Quốc và Cự là đã bước một bước quá sớm. Nhưng ai đóng vai trò tiên phong mà không phải chấp nhận hy sinh, mất mát?

Dù hai anh có bị khai trừ khỏi Đảng, trước mắt tôi, trước cái nhìn sáng suốt của quần chúng, hai anh vẫn là những người cộng sản. Ở nước ta hiện nay, như có người đã nói, có những đảng viên không cộng sản và những người cộng sản không đảng viên. Chừng nào tấn bi kịch ấy chấm dứt thì Đảng ta mới thật sự trong sạch, vững mạnh. Và dù sao, chúng ta vẫn có quyền hy vọng đến ngày ấy…

Có thể những điều tôi nói trong lá thư này là quá táo bạo, và gây ra nguy hiểm cho chính bản thân tôi. Những bài báo của tôi trong thời gian qua đã chẳng đem lại cho tôi ít nhiều tai vạ đó sao? Thế nhưng, ai đã dạy cho tôi nói những điều ấy, nếu không phải là Đảng? Giữa những người chỉ biết tán tụng, ca ngợi Đảng theo thói quen cố hữu và những người như tôi, liệu ai là kẻ thật sự tin yêu Đảng? Câu nói của người xưa “trung ngôn nghịch nhĩ” (lời nói ngay thường trái tai) cho đến nay vẫn còn nguyên vẹn gía trị của nó. Tôi vẫn tin rằng lòng dân là sáng suốt và trong Đảng cũng còn không ít những con người trung kiên.

Tôi mong rằng sẽ có một thứ kiến nghị nào đó. Nếu có một kiến nghị để ủng hộ cho hai anh Bùi minh Quốc và Bảo Cự, tôi sẵn sàng ký vào đấy. Và tôi hy vọng các anh chị cũng sẽ ký vào đấy.

Có thể lãnh đạo sẽ nghe ý kiến chúng ta, và cũng có thể không nghe. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải bày tỏ một lập trường, một thái độ dứt khoát, rõ ràng. Để cho con cháu chúng ta sau này vẫn còn tin rằng trên đời này còn có lẽ phải. Để cho các thế hệ sau này, khi tìm hiểu lại lịch sử, biết rằng: dù là trong thời buổi đảo điên, chân lý lộn sòng, trắng đen lẫn lộn, vẫn còn có những con người trung thực, dũng cảm, dám đứng lên bảo vệ chân lý. Chúng ta, những người cầm bút, cầm đàn, cầm cọ vẽ,…. Vốn không phải là những “ngừơi hùng”, những người có quyền lực. Nhưng chúng ta có sức mạnh. Sức mạnh ấy không phải do bản thân mỗi chúng ta, mà bắt nguồn từ chân lý, từ lòng tin vào nhân dân. Sức mạnh ấy, theo tôi nghĩ, chẳng ai có thể bẻ gãy được!

Đà Lạt, ngày 7-6 -1989

Mai Thái Lĩnh

(Hội viên Hội Văn Nghệ Lâm Đồng )

(ký tên)