Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2018

Nguyễn Thanh Hiện trong Những tổ khúc rời

Nguyễn Thanh Hiện, người ở cõi nhân gian xa lạ


Như Quỳnh de Prelle

20180727_172844

Những ai yêu thi ca đương đại không thể không biết Nguyễn Thanh Hiện, người của chữ, chữ của người của những trường ca bất tận, của suy tưởng và triết luận. Nguyễn Thanh Hiện viết như điên, nghĩa là viết nhiều, viết nhiều đọc không thể kịp với tốc độ xuất hiện tác phẩm của anh. Anh còn chịu khó đọc những người trẻ như chúng tôi và chúng tôi chưa một lần nhận ra khoảng cách thế hệ, khoảng cách chữ bởi tư tưởng của những người của thi ca tràn ngập trong tâm trí và đời sống.


Những tổ khúc rời, như thơ, như văn xuôi đầy chất thơ. Đất đai, phù sa… như những chất liệu tự nhiên không thể thiếu trong thơ của ông. Em và tình yêu, những kiếm tìm bất thành, bí ẩn. Phải chăng thi ca đưa ông đến những đường tơ mơ tưởng, những giấc mộng bi thiết… Ở giữa đời sống này, nếu thi ca như đời thường bi thiết, chúng ta có sợ nó mà chạy trốn hay thi ca trở thành những khát vọng chuyển hoá thành chữ, thành thơ và ta vẫn sống giữa đời tha thiết, yêu thương. Nàng. Vô tận như chữ, không ngưng nghỉ, chỉ có dấu phẩy, dài ngoằng ngoẵng, hụt hơi… đó là những gì Nguyễn Thanh Hiện có trong tập thơ này. Tôi đọc ông dường như hàng ngày ở các trang viết, đọc đến mức thành quen thuộc, như thở, như cần mỗi buổi sáng, khi uống trà hay một ngụm café, tôi phải đọc Nguyễn Thanh Hiện, để bước vào thế giới suy tưởng tràn ngập chữ và chữ, tràn ngập những hoang mang, kiếm tìm khác thế giới ngoài kia. Dù ở Việt Nam với hiện thực chất chứa bao nhiêu buồn bã, đọc ở Nguyễn Thanh Hiện vẫn nhìn thấy những chiều sâu, cách nhìn khác về đời sống. Có lẽ, thế hệ của ông như thế, mộng mơ và đổ vỡ tan tành. Có lẽ thời ấy, những người tri thức trẻ phải đối mặt với cái chết và bao nhiêu trang sách bị vùi lấp. Để rồi, một ngày được yên tĩnh, viết và viết. Nhìn thế giới bao quanh ngoài vành đai biên giới kia, lại mộng mơ, đầy chấp chới và bi thương. Lịch sử nhân loại không còn những tráng lệ mà bi ai, sầu buồn nhiều hơn niềm vui lấp lánh trôi nhanh đi. Nguyễn Thanh Hiện có đầy đủ các câu chuyện của nhân loại, của các giá trị phổ quát mà có lẽ, cái thời này, đất nước này, chả mấy ai còn quan tâm nữa mà ngồi lắng lại, đọc lại những trang viết này.


Đọc xong Những tổ khúc rời và những trang viết thường trực của Nguyễn Thanh Hiện, tôi nhắm mắt lại hình dung, sau hơn 30 năm nữa, khi bằng tuổi ông lúc này, tôi còn đọc những khúc bi thiết như thế này hay không của thời đại robot thông minh hay lại là những thất vọng tuyệt vọng về chính thời đương đại hay những căn nguyên không bao giờ dứt bỏ của loài người, mà thi ca luôn là sự ám ảnh dai dẳng nhất trong chữ và chữ. Và nếu bạn đang trong thời đại cùng tôi, ít nhất một lần hãy tìm đến tác giả này cùng những trang viết không biên giới, vượt thời gian mà có thể sau đó chúng ta đọc lại vẫn thấy như chính thời đại của mình. Một con người xa lạ ở cõi nhân gian còn lại của nước Nam.


Trích thơ Nguyễn Thanh Hiện trong Những tổ khúc rời


NHỮNG CÂU CHUYỆN KHÔNG ĐẦU KHÔNG CUỐI
 
những người đàn ông đem những chiếc bóng của lũ chim đang bay trên bầu trời trên đầu
đặt lên những chiếc bóng của mình đang ngã trên đất
người ta nói như thế là sự kết hợp giữa
ảo ảnh và hiện thực 
 
từ những khoảng trống
 
thế giới vẫn chòng chành trên những cuộc chơi chẳng theo luật tắc nào
sợ sự lãng quên
người đàn ông lén dấu nhúm đất vào áo
hôm qua có kẻ nói với tôi chớ đi đâu cả cứ ở lại trong những khoảng trống
dường có sự trục trặc nào đó xảy ra lũ chim có cánh hết thảy đều bay lên
từ trong những khoảng trống bước ra tôi gặp khuôn mặt nhăn nhó của đất
 
chúng ta vẫn đang có mặt trên đất
 
đừng chờ đợi ân sủng từ các vị thần cứ tự vinh danh mình
bằng cách ca ngợi mồ hôi ca ngợi nước mắt
ca ngợi máu chảy ra khỏi các mạch máu ca ngợi cái chết từ từ
máu từ các mạch máu từ từ chảy ra trước khi chết điều đó chẳng dễ dàng chút nào
nhưng chúng ta đang làm
để được có mặt trong danh mục các loài nơi mặt đất buổi tối hãy cứ soi vào các vì sao
để được nhìn thấy gương mặt chúng ta sinh ra từ các cuộc chết chóc vẫn nặng trĩu những hoài bão không gọi được tên
nhưng có thể nói bằng ẩn dụ những ẩn dụ không hề cạn kiệt
hôm qua có kẻ đến nói với tôi đừng đi đâu cả
hãy cứ ở lại giữa cơn sinh nở được sinh ra từ các cuộc chết chóc có vẻ đùa cợt
 
 
có quá nhiều những ngọn lửa giận dữ
 
cuộc hành trình của tôi trên con đường đất mùa đông
con đường bỗng nhớ đến cái chết của những kẻ bị lũ rắn đen áp bức mùa đông con đường thu mình lại
tôi vất vả với cuộc hành trình của mình các bạn đừng chờ
vì không chắc tôi tiếp tục được cuộc hành trình tôi nói với các bạn hữu của tôi
 
vào cuối mùa đông
lũ rắn đen lại trườn ra trên đường có nhiều kẻ không chết
chỉ ngắc ngoải với những hạt lúa lấy từ những thửa ruộng đã bị những ý đồ ngông cuồng của lũ rắn băm nát
có quá nhiều những ngọn lửa giận dữ ẩn náu bên dưới bầu trời đừng chờ tôi
tôi lại nói với các bạn hữu của tôi đang chờ tôi ở cuối những tiếng la hét
những tiếng la hét cất lên từ lúc mặt trời mới mọc lửa
những tiếng la hét và ánh mặt trời
có quá nhiều sự kết hợp khiên cưỡng bên dưới bầu trời
 


NHỮNG GƯƠNG MẶT CỦA ĐẤT
 
đêm như cứ đổ về phía nguyên sơ
những dòng sông sao như đang chảy xuống giấc ngủ có vẻ yên lành của em
em vẫn ngủ yên lành
giữa những gương mặt của đất đai
 
này ta nói cho lũ các người biết đất đai là kết tụ của những nghìn triệu
năm khổ lụy không dễ gì để cho các người đem phù du thay chỗ cho vĩnh hằng
những người trên vai đang nặng chật những khổ lụy của đất đai nói
 
nhưng lũ người ưa sự tráo trở của mưa nắng cứ làm như chẳng hề nghe thấy
chúng vẫn mưu toan xóa hết sạch những vẻ đẹp của đất đai
 
đêm như cứ đổ về phía nguyên sơ
và ta thì bắt đầu chép lại hết thảy những màu cổ sơ chói lọi đang chuyển sang u buồn tăm tối
ngọn bút của ta như không còn đứng nổi khi những lầm than lở lói đang lan ra khắp mặt đất
ta chép như không còn nghĩ đến câu cú
ta chép liền một mạch từ đầu tới cuối không chấm phảy cốt để cho người đọc không còn đọc nổi bởi ta cứ sợ bọn họ lại đem chữ nghĩa của ta đốt thành tro bụi
mãi lúc những dòng sông sao biến mất trong ánh sáng của ngày em mới thức dậy
thấy có nụ cười thật tươi trên môi em
 
ta biết là em đang vui
 
anh đang sợ người ta chẳng hiểu nổi những gì anh đang nghĩ ngợi
em nói
và vẫn giữ nụ cười trên môi
 
*
 
cho đến hôm bầu trời trở nên rách nát lũ chim không còn muốn bay nữa
chúng tụ tập từng đàn bên dưới những u buồn vỗ chân nguyện cầu lời của chim quyện vào những đám mây vô hồn
lang thang những khúc hát gần như đuối sức của lũ chim còn muốn thử sức lần cuối
bầu trời trở nên vô định trong cả cốt cách vốn được hình thành tự thuở vừa thoát khỏi hỗn mang (không còn là màu đen của đêm không còn là sự trong lành của ngày…) vô định trong cả thiết lập những chuẩn mực về sự cách trở và về sự kéo dài ra hay thoáng chốc
thuở ấy người ta không còn biết cách nói về nỗi thương nhớ bên dưới bầu trời ảm đạm con người chẳng còn biết cách thể hiện những nghĩ ngợi trong lòng
đám đá trời ngỗ nghịch suốt ngày đêm đi rêu rao về sự tận cùng của thế giới
chúng vốn là những mảnh hồn tơi tả được sinh ra sau khi bầu trời trở nên rách nát
cả cỏ cây cả con người và cả các vị thần đều im lặng đợi chờ một thông điệp mới của cuộc vô thường
và ở tận phía bên kia của u buồn dường có ai đó lên tiếng gọi người mình yêu thương
và từ miền đất có con sông có tiếng là sông dài nhất trên mặt đất dường có người con gái vội vã ra đi
 
và những thế kỷ sau có người nói tình yêu nguyên sơ đã làm lành lại bầu trời rách nát
nhưng lũ ngông cuồng của thế kỷ trong niềm kiêu căng vô lối đã làm cho vẻ đẹp nguyên sơ trở thành thần thánh
bọn chúng đã làm cho cái có thể trở thành không thể
 
đêm đầu tiên đặt chân lên bờ con sông ấy ta hôn lên ánh mắt em như để nhớ đến một cuộc tình nguyên thủy và cứ thấy em lung linh trong vẻ đẹp nguyên sơ.
 
*
 
đêm ta gối đầu lên ngực em
cũng chẳng phải là giấc ngủ êm đềm bởi quãng giữa khuya ta giật mình thấy mình hóa bướm
những con bướm mùa đông rũ ướt bay về phía những ngọn núi vừa mới hình thành trong cuộc tạo sơn hồi cuối niên kỷ
a lại là giấc mộng nửa chừng
hình như ai đó đứng nơi đỉnh đồi thốt lên những lời bí ẩn chắc là muốn nói với ta bởi vừa thốt lên những lời bí ẩn vừa nhìn ta với ánh mắt nửa nghiêm khắc nửa bao dung ta vừa mừng vui vừa lo sợ bởi chẳng biết đó là lời nói thật hay chỉ là một ẩn dụ về cách tiếp cận thế giới
vào quãng nửa đêm ta làm con bướm rũ ướt từ ngọn núi chiêm bao vội vã bay về đậu lại nơi ngực em trong niềm hoang mang của thế kỷ
(Những khúc hát gửi lên trời, 2013)
 


MỘT CHÚT KÝ ỨC MÙA HÈ
 
chẳng phải chỉ có ánh nắng dịu dàng của mặt trời ban mai
với bình minh với lời chim hót em biết không
ở đó mỗi ngày sẽ còn thật nhiều những ngọn gió vô tình cùng những đám mây lang thang không bờ bến,
 
1.
sự có mặt của em trong những tháng năm ấy như một sự cố lớn lao đối với cuộc đời tôi
chẳng phải tình yêu mà là một phát hiện
tôi phát hiện ra ngọn lửa nơi người con gái như vừa bị xua đuổi khỏi cuộc sống
và em phát hiện ra ngọn lửa trong tôi
một con đường mới tinh khôi lập tức trải ra giữa niềm háo hức của hai con người nhỏ bé đang thừa hưởng thứ vóc dáng lung linh của tổ tiên truyền lại từ cuộc tiến hóa đầy hiểm nguy người ta cố làm cho tắt đi ngọn lửa trong tôi và em bởi lòng ích kỷ nhỏ nhen
nhưng đấy là chuyện khác
trên đường đi về phía trước tôi và em đã phải trải qua hết thảy những cảnh trí của cuộc sống
những bất trắc như thử thách của thế giới luôn đặt ra trước tôi và em
nhưng trước những chuyến đi bao giờ tôi cũng hôn lên mắt em như hôn lên ngọn lửa biết nhìn,
 
2.
và tôi vẫn cứ thủng thẳng bước đi trên mảnh đất quê em với những ý nghĩ mang hình thù sự hàm ơn về một thế giới rộng lớn sung mãn và chu đáo đến tận kẽ tóc, chẳng có gì là không có trong cái thế giới rộng lớn tôi vẫn hàm ơn, trong những bước chân chiều buồn cô độc tôi bỗng nhận ra những hòn sỏi dưới chân mình, những hòn sỏi có từ bao giờ tôi không biết, nhưng tôi biết những hòn sỏi nằm trên con đường vào làng, con đường dẫn đến mảnh đất có nhau rốn của tôi cha tôi đã chôn ở đó ngay từ lúc mẹ tôi để cho tôi được có mặt ở cái thế giới rộng lớn sung mãn và chu đáo, ở trong làng, buổi sớm, nghe lũ bò ù đòi gặm cỏ, nghe lũ gà con chiu chít kêu mẹ, tôi cứ giật mình nghĩ đến cách thức tồn tại của cái thế giới rộng lớn sung mãn và chu đáo, và tôi vẫn cứ thủng thẳng bước đi trên mảnh đất quê em với những ý nghĩ mang hình thù về sự luyến tiếc, tôi luyến tiếc một mùa thu tĩnh lặng, luyến tiếc một mùa xuân thơm mùi hoa trái, ai xé nát một mùa thu tĩnh lặng, làm tan nát một mảnh trời xuân, sự lỡ tay của con người làm hỏng cả những nét đẹp vốn có của đất trời, những biến cố mùa thu, biến cố mùa xuân, những biến cố mang những tên gọi vang động đất trời tưởng chừng
sẽ làm nên những sự tích lẫy lừng, sự lỡ tay của con người như những giọt nước mắt lẽ ra chẳng nên chảy xuống cái thế giới rộng lớn sung mãn và chu đáo, tôi vẫn bước đi trên mảnh đất quê em với những niềm luyến tiếc khôn nguôi, sao lại có những nghĩ ngợi không mấy tốt đẹp như những hạt sạn lẫn vào dòng nghĩ ngợi như con suối mùa xuân trong suốt của loài giống con người, sao lại có thứ triết học như một thứ hạ tiện xen vào dòng minh triết con người gầy dựng được trong suốt cuộc trường kỳ tiến hóa,
(Người gieo hạt, 1998-2015)
 
KHÔNG HỀ CẠN KIỆT PHÙ SA
 
Cuộc hành trình của tôi bắt đầu vào
một ngày có quá nhiều tiếng hát của đất
 
trên con đường du hành qua miền đất chôn nhau cắt rốn của mình
 
trên con đường du hành qua miền đất chôn nhau cắt rốn của mình tôi chẳng bao giờ cô độc
xin chào
những người tôi gặp bao giờ cũng cất cao lời chào thân thiện có kẻ đi chân đất
đang lùa bò qua phía bên kia đồng lúa đang trổ có kẻ đang cai quản lũ cừu mẹ và lũ cừu con xin chào…
trông thấy tôi
người chăn cừu cất cao lời chào
còn lũ cừu thì hết thảy ngẩng mõm lên là chúng đang nói theo cách của chúng
nhưng tôi thì tôi cho là chúng đang nói về tôi vào một ngày mặt trời mặt trăng vẫn xoay như cũ tôi đã gặp kẻ tự xưng là đến từ đầu kia của lịch sử xin chào
giọng nói của kẻ ấy tựa thứ âm vang xưa cũ
ta và các loài cây hiển hoa cùng lúc có mặt ở trần gian này, có nghĩa, các loài hoa đã hun đúc nên sự cao cả của tổ tiên con người, nhưng không phải hoa chỉ để nuôi dưỡng con người đang trò chuyện, tôi bỗng thấy kẻ ấy mình đầy máu me
đừng sợ
 
giọng nói của kẻ ấy như có vẻ mới hơn trước
ta và bọn chúng vừa mới giao chiến xong, có nghĩa chiến tranh bộ tộc đã xảy ra, nhưng chẳng phải chỉ xảy một lần rồi thôi đang trò chuyện, tôi bỗng thấy kẻ ấy có vẻ giống như kẻ hát rong trong
các ca khúc của các nền văn minh xưa cũ thời gian làm ra ta, và ta thì đang hát về nó kẻ ấy nói
hát như thế nào tôi hỏi
lúc vui thì làm ra một vì vua, lúc buồn thì làm ra những loài chim rừng biết hót, nhưng sau khi đã có vua và có lũ chim rừng thì ta cũng chẳng biết làm gì nữa
kẻ ấy nói
 
và bây giờ thì trong những bài ca của đất
 
thưa, các vị là ai tôi hỏi
nhưng những người trở lại từ những trăm năm trước bảo tôi hãy im
để nghe một điệp khúc về mùa thu
bấy giờ thì trong những bài ca của đất dường có lời từ chối sự vĩnh hằng
bầu trời mùa thu cùng những tích tụ hương thơm các cuộc triển nở của các vì sao chẳng phải dành riêng cho đất hay sao
một con dế trong đám dế đang làm cuộc phiêu lưu hỏi lại vang lên những khúc ca có lẫn những hạt bụi
chảy cả những dòng sông, chảy cả những trang cổ thư chép về những dòng sông, nghìn thu nhỏ hơn chớp mắt, ai gọi đò ở phía bên kia
hát về mùa thu mà sao như hát về cuộc tồn tại
 
một con dế khác trong đám dế đang làm cuộc phiêu lưu hỏi lại vang lên những khúc ca có lẫn những âm tiết đen
bướm hoa
với các cách thức gãy
vỡ rụng
gió xám ngắt phơi ngọn lá, và những giọt sương nhiểu về tự những tháng năm cũ
làm sao mùa thu lại mang âm vang của chết
một con dế khác trong đám dế đang làm cuộc phiêu lưu hỏi lại vang lên những khúc ca có lẫn tiếng cười của đất
a máu
ta cưu mang muôn loài
cưu mang cả sự sống lẫn sự chết
và máu chỉ là những gì còn sót lại sau khi chúng dùng đồng loại mình làm thức ăn…
nhưng, các vị là ai tôi hỏi
những người trở lại từ những trăm năm trước bảo
khi nhắc lại điệp khúc mùa thu thì thấy như mới làm ra đâu hôm qua.
(Cổ tích của đất, 2014)
 
NGƯỜI BUÔN NGỰA Ở QUẢNG TRƯỜNG TAHIR
 
em biết không, người buôn ngựa ở quảng trường Tahir nói với ta rằng nội đêm mai, hoặc ông ta phải giao nộp ngựa, hoặc phải giao nộp mạng sống của mình cho bọn cướp đến từ biển Đỏ
 
ta nói từ phương đông mới đến ta cần có ngựa để đi xem cho hết những lâu đài thành quách chói lọi những buổi bình minh, dấu vết của bao nhiêu vương triều nối nhau dằng dặc trên đất nước sông Nil
 
nhưng người buôn ngựa ở quảng trường Tahir nói đám quan quân đi gom nô lệ cho các pharaon cũng cần có ngựa, đám dân đói rách đang lũ lượt kéo về quảng trường Tahir để sửa soạn cho một cuộc xóa bỏ những dơ bẩn của lịch sử cũng cần có ngựa, cả bọn cướp vàng bạc và châu báu nơi những nhà mồ của đám quí tộc lẫn bọn cướp chữ ở thư khố Alexandria cũng cần có ngựa, và chỉ nội đêm mai là ông ta phải giao nộp cho bọn cướp đến từ biển Đỏ con ngựa nòi phương đông
 
ta cũng chẳng hiểu vì sao bọn cướp đến từ biển Đỏ lại cứ nằng nặc đòi người buôn ngựa ở quảng trường Tahir phải giao nộp chúng con ngựa nòi phương đông bấy giờ cũng hiếm như chân lý những nhà thiết kế lịch sử đang tìm kiếm
 
là ta đang đi giữa quảng trường Tahir, và con ngựa nòi phương đông của ta dường cũng đang có những ý nghĩ như ta, những ý nghĩ vươn tận những ngõ ngách xưa cũ các vị thần sông Nil đã trải qua những nghìn năm trước, em biết không, con ngựa của ta là cứ chồm lên, hí, như thể đang dẫm phải dấu chân của
 
một vị thần trong một cuộc săn lùng tình nhân nào đó ở sa mạc Saqqara, và con sông Nil như thể đang tràn qua những ngõ ngách lịch sử, làm ướt đẫm những trang sử bằng đất…
 
***
 
là ta đã nhìn thấy ở miền châu thổ sông Nil bốn ngàn dinh thự, cung điện, bốn trăm rạp hát, bốn trăm nhà tắm công cộng, và sau hai mươi ba tháng bao vây, những đồ đệ của ftahomed, đám người Hồi Giáo của Arm đã hất tung những cuốn sách ở thư khố Alexandria bởi chúng là vô ích khi cuốn sách của thượng đế đã nói hết cả
 
là ta đã nhìn thấy Abu Abbass, vì vua khát máu của triều đại Abbasside, giết tám mươi thủ lĩnh của triều đại trước, triều đại Omayyade, và cho đoàn người ngựa của mình dẫm lên đất đai của những đất nước Sindh, Balouchistan, Afghanistan, Turkestan, Ba Tư, ftesopotamia, Armenie, Syrie, Palestine,
Chypre, Crete, Ai Cập, Ifrikia, ftaghreb… chẳng có thứ khí giới nào thắng nổi tiếng hô xung phong của đoàn người ngựa của ông vua khát máu, vị chúa tể đất đai của những thế kỷ văn minh Hồi Giáo tay cầm cuốn sách của thượng đế, tay cầm gươm, và để cho máu người chảy lên đất đai thân yêu của mình suốt từ sông Indus của nước Ấn Độ thân yêu cho đến sông Nil của các pharon thần thánh, và còn hơn nữa
 
là ta đã nhìn thấy hết thảy những thủ lĩnh, hết thảy những calife, những người tuân phục cuốn sách thánh của thượng đế, khi chết vì lưỡi gươm của kẻ thù, thì lập tức nơi máu chảy trở thành thánh địa, và chỗ yên nằm của thi thể thì lập tức trở thành nơi hành hương, em biết không, ta đã nhìn thấy những thánh địa như thế mọc lên trên đất nước sông Nil, và những cuộc hành hương dài hàng thế kỷ
 
là ta đã nhìn thấy vua Khumarawayh của triều đại Tunilide đã lệnh cho thần dân mình dát vàng hết thảy thành quách lâu đài nơi kinh đô Fustat, ở gần Caire, trong khi con sông Nil nổi cơn cuồng nộ phá nát hết những cánh đồng lúa những vườn nho và những mơ ước vừa mới chớm lên nơi ánh mắt của những đôi tình nhân, con cháu thân yêu của các vị thần sông Nil thân yêu
 
là ta đã nhìn thấy công chúa Asshida, con gái vua ftuizz của triều đại Fatimad, lúc chết đã để lại mười hai ngàn chiếc áo dài, với hai triệu bảy ngàn dinar, tức là tương đương với hơn mười hai triệu đồng tiền của nước ftỹ đương đại, vua khóc, thì thấy máu của người dân Ai Cập cứ ứa ra nơi khóe mắt mình
 
là ta đã nhìn thấy Salih, ông vua cuối cùng của triều đại Ayyoubite tắt thở, bà vợ góa của vua, nữ nô lệ Shajar al Durr, đã làm ngơ cho người ta ám sát con riêng của chồng, để lên ngôi nữ hoàng Ai Cập, dẫn đến việc dìm chết đức phu quân Aybad khi ông ta có ý sáng lập ra triều đại ftameluk, nhưng nữ nô lệ nữ hoàng Shajar al Durr đã bị đập chết bằng guốc, và triều đại ftameluk vẫn tồn tại suốt hai trăm sáu mươi bảy năm, kinh đô Caire nhuộm máu vì các cuộc ám sát và lật đổ, nhưng con sông Nil vẫn mang lại hoa trái cho người, và những bài hát kỳ dị về đất nước Ai Cập kỳ dị vẫn được tấu lên với ngàn cây đàn luth
 
***
 
và cái bóng của kim tư tháp Cheop ở Gizeh vẫn như bóng ma quá khứ tiếp tục ám ảnh nhân gian
 
này, ta nói cho các người biết, ta vẫn mãi mãi là đức vua thần thánh của các người, ta nghe như đang vang lên từ công trình
 
cự thạch ấy tiếng nói lẫm liệt của những con người đã tạo ra thứ quá khứ lẫm liệt của đất nước sông Nil, này, ta nói cho những kẻ mang gươm và sách của thượng đế biết, dẫu các người có đuổi các vị thần của bọn ta ra khỏi đất nước sông Nil, nhưng mãi mãi nghìn triệu năm sau, các vị thần của bọn ta vẫn mãi mãi ngự trên đầu thần thánh của các người, ta nghe như đang toát ra từ cửa miệng các vị pharaon đang nằm nghỉ nơi những kim tự tháp rêu phong lời thề ngọc bích kim cương, từ đó, đã chảy ra máu xương thảm khốc, những rạn vỡ thảm khốc của bầy đàn
 
ta biết, từ đó, cái bóng của những ngôi mộ khổng lồ của các vị pharaon vẫn đổ xuống nhân gian nỗi ám ảnh về những cách thức trần thế
 
hay đấy là sự tàn nhẫn của lịch sử, xương cốt những kẻ tạo nên dấu vết lịch sử thì vĩnh viễn trở thành cát bụi, còn dấu vết lịch sử thì vẫn lặng thinh chẳng thèm đá động đến những kẻ đã tạo ra chúng
 
hay đấy là thách thức của vĩnh hằng, khái niệm mơ hồ vẫn quyến rũ nhân gian bỗng có cơ hội để thể hiện mình, này, ta nói cho các người biết, hãy nhìn vào những khối đá khổng lồ đang câm lặng trên các sa mạc Saqqara, Gizeh, thì các người sẽ hiểu thế nào là sự vĩnh hằng
 
hay đấy là một cách phỉ báng của thời gian, này, các người chẳng bao giờ hiểu được thế nào là thời gian đâu, bởi trước mặt các người luôn bày ra cái công trình bằng đá bền chắc có vẻ như chẳng bao giờ sụp đổ
 
nhưng ta, kẻ từ phương đông mới đến, thì ta cho rằng đấy là niềm kiêu hãnh của một dân tộc, thì chẳng phải những khối đá
 
to lớn có vẻ như chẳng hề chi trước sự tàn phá của thời gian là dáng dấp nghìn năm dựng nước của một dân tộc hay sao
 
hay đấy vẫn là niềm bí ẩn của tồn tại không ngừng kích thích trí tưởng con người, này, thì các người cứ nói ra đi, ta là gì nào,
các người hãy nói ra đi, ta nghe như những nấm mồ bằng đá của các vị pharaon của các vương triều mới cũ của đất nước sông Nil đang lên tiếng thách đố chúng ta
 
***
 
và cái đám người đang tụ tập ở quảng trường Tahir dường như cũng đang bị kích động bởi những thách thức của vĩnh hằng, ta biết là bọn họ đang tìm kiếm vĩnh hằng
 
người buôn ngựa ở quảng trường Tahir cứ theo hối thúc ta nhượng lại con ngựa nòi phương đông, nhưng ta thì cần có ngựa để đi gặp những người đang tụ tập ở quảng trường Tahir, những người đang mang nặng những hờn căm, những chờ đợi, ta biết là bọn họ đang sửa soạn một cuộc tẩy rửa những dơ bẩn của lịch sử, sự tụ tập, ta biết, là đêm trước của một cuộc thanh tẩy
 
đả đảo các vị thánh thần đang mưu toan biến nhân gian thành nơi thể nghiệm của thời gian, cuộc thể nghiệm tàn nhẫn nhất trong những tàn nhẫn, đả đảo những thằng mặt đen những thằng mặt trắng những thằng mặt xanh luôn mưu toan mượn tay thần thánh để bày ra những cuộc đỏ đen luôn mang những tên gọi thiêng liêng như thể là được nói ra từ cửa miệng thần thánh, đả đảo cường quyền và bạo lực luôn lập lờ đánh lận con đen, đả đảo những giả dối, đả đảo những lừa bịp đê hèn làm hoen ố lịch sử trong sạch của con người, hoan hô lũ chim trời đang sải cánh bay trên bầu trời trong sạch, hoan hô sự tự do của
 
lũ chim trong sạch
 
những người tụ tập ở quảng trường Tahir cứ gào lên, và con ngựa nòi phương đông của ta cứ chòm lên, hí, còn ta, thì cũng muốn gào lên, hãy dẹp hết các quốc sử quán, dẹp hết các nhà chép sử, dẹp hết các nhà bình sử, bởi những người đang tụ tập ở quảng trường Tahir để sửa soạn cho cuộc tẩy rửa dơ bẩn của lịch sự là đang tổng lược lịch sử trong những lời hoan hô và đả đảo đầy tâm huyết
 
và từ trong những người đang tụ tập ở quảng trường Tahir, ta đã nhìn thấy ông lão ấy bước lên phía trước, gào, Người đang ở đâu vẫn chưa thấy đến, dường như là bọn họ đang chờ kẻ dẫn dắt cách thức tẩy rửa dơ bẩn của lịch sử, là bọn chúng tôi đang chờ, ông lão vẫn cố gào lên, và khạc ra máu, và quị xuống quảng trường, có vẻ như là dấu hiệu của vô vọng
 
***
 
và ta vội vã thúc ngựa đi về phía sa mạc Ghizeh, này, con quái vật kia, là ngươi vẫn đang tiếp tục cản trở con người, phải không, ta đang nghĩ đến kẻ dẫn dắt cuộc thanh tẩy lịch sử đang bị ai đó cản trở, và gào lên với con quái vật Sphinx
 
a ha, ta nghe con Sphinx cười thành tiếng, và bảo là sẽ mãi mãi làm kẻ tra vấn lịch sử, con Sphinx bảo là nó sinh ra không phải để cản trở mà chỉ để tra vấn con người
 
hãy dẹp đi những tra vấn cũ kỹ, ta thét, khi nghĩ đến cái cách gạn hỏi nghìn triệu năm trước của con thú đầu người mình thú, hãy dẹp hết những tra hỏi cũ rích ấy đi, ta lại thét lên
 
người buôn ngựa ở quảng trường Tahir cứ hối thúc ta nhượng lại con ngựa nòi phương phương đông của ta, nhưng ta thì đang bận tranh cãi với con quái vật đầu người mình thú
 
thần thánh chẳng làm hỏng con người, mà chỉ có con người là đang làm hỏng thần thánh, con Sphinx nói
 
nhưng là ngươi hãy nói với hết thảy các vị thánh thần rằng, chính là các vị đã để cho con người lợi dụng tên tuổi các vị tạo ra những cuộc đỏ đen làm hoen ố lịch sử con người, hãy bảo với hết thảy các vị ấy rằng hãy thôi đi việc can dự vào thời gian của con người, ta nói
 
và con Sphinx lại giận dữ hét, hãy đi cho khuất mắt ta hỡi loài giống con người cứng đầu cứng cổ
 
***
 
ta trở lại ngôi làng thân yêu của ta với hai bàn tay không, con ngựa nòi phương đông ta đã cho người buôn ngựa ở quảng trường Tahir, bởi không thể để xảy thêm cái chết vì bạo lực, cả cuốn sách chép về cách làm cho cây lúa chóng trổ bông ta cũng cho người buôn ngựa, bởi ông ta nói thoát chết lần này thì bỏ nghề buôn ngựa quay về quê trồng lúa
 
ân nhân của ta là sứ giả của những vị thần nhân từ của các đất nước phương đông, người buôn ngựa ở quảng trường Tahir nói
 
ta nói ta chẳng phải sứ giả của các vị thần, mà là kẻ đang đối địch với các vị thần, kẻ luôn làm mếch lòng các vị thần thánh nơi mặt đất
 
phải rồi, khi trở lại ngôi làng thân yêu của ta thì ta sẽ nói với em là ta đã nói nói với người buôn ngựa ở quảng trường Tahir rằng ta đang tham gia vào cuộc chiến chống lại các vị thần
(Những bài hát rong đương đại, 2012-2017)