Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 12): Mai Thảo

Image result for Mai ThảoTên thật Nguyễn Đăng Quý. Sinh ngày mùng Tám tháng 6 năm 1927 tại Quần Phương Hạ, Hải Hậu, Nam Định.

Cùng gia đình di cư vào Nam năm 1954.

1956: Chủ nhiệm tạp chí Sáng Tạo

1963: Chủ nhiệm tuần báo Văn Nghệ

1982: Chủ bút tạp chí Văn

1982 đến nay: Chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Văn (tục bản tại CA.)

Hiện tại đang định cư tại quận Cam, California, Hoa Kỳ.

Tác phẩm:

Trên dưới 50 tác phẩm thuộc mọ thể loại: truyện dài, tập truyện ngắn, tuỳ bút, nhận định, thơ… Trong đó có những tác phẩm quen thuộc như: Đêm giã từ Hà Nội, Tháng Giêng cỏ non, Bầy thỏ ngày sinh nhật, Sống chỉ một lần, Để tưởng nhớ mùi hương, Ôm đàn đến giữa đời, … Và một tập thơ được nhiều người biết đến: Ta thấy hình ta những miếu đền.

Bổ sung của Văn Việt: Mai Thảo làm Chủ biên tạp chí Văn đến 1996, vì tình trạng sức khỏe trao lại cho nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng.

Nhà văn Mai Thảo mất tại Santa Ana, California (Hoa Kỳ) ngày 10 tháng 1 năm 1998.



THẾ GIỚI CỦA KATHY GRAHAM

Khi nàng về tới ngôi nhà trên đồi, những điểm đèn đã thắp, lung linh dưới thung lũng, lối vào nhà chứa xe im lìm, căn phòng phía Tây trên lầu của nàng tối đen như mọi căn phòng khác, chỉ còn phòng khách tầng dưới sáng. Và bà Kathy Graham, giáo sư dương cầm, dưỡng mẫu của nàng, mái tóc trắng tuyết, đang đọc sách ngồi đợi nàng về.

Bỏ chiếc xe hơi trên lối đi, chiếc xe đã đưa nàng buổi sáng xuống đồi, rồi đưa nàng trở về từ nơi đó, từ cái công viên vắng lặng, nơi nàng đã nằm, khi chỉ còn một mình, thật lâu trên cỏ, buổi chiều, những toà nhà chọc trời của Los Angeles nhìn thấy chập chùng ở xa xa, nàng ra khỏi xe, chợt hoảng hốt cất bước như chạy, tới cửa vào phòng kín. Tưởng như trời đất đang dịu dàng bỗng thù nghịch, cõi đời đang hiền bỗng trở mặt, đêm tối bỗng đe doạ, một vật thể xa lạ hãi hùng nào đó vừa đuổi tới ở sau lưng.

Nàng tới được cánh cửa. Mở ra. Bước nhanh vào. Đóng xập cánh cửa lại. Căn phòng khách ấm cúng. Những tấm rèm buông rủ. Trong khoảnh khắc, vây bọc lấy nàng như một vòng tay êm ái, đã là một thế giới khác, khác hẳn với cái thế giới nàng vừa rời bỏ ở bên ngoài, cái thế giới đầy yên tâm của Kathy Graham, nàng đã sống tám năm và đêm nay nàng vừa trở về sau trọn một ngày ở những nơi chốn khác. Trở về. Một mình.

Bà Kathy buông sách, ngước mắt. Bà hỏi, dịu dàng:

“Con đi đâu về muộn vậy?”

Nàng tựa lưng vào thành cửa:

“Con về từ Canoga Park.”

“Canoga Park. Những sáu mươi dặm. Hai anh em đưa nhau đi chơi xa quá vậy?”

Canoga Park. Công viên dưới chân một ngọn đồi đại học. Đại thụ. Trên từng khoảng cách đều đặn. Những vòm lá tối. Nắng tắt. Lối đi xuống. Chiếc xe nàng đậu ở trên cao. Thảm cỏ nuột nà chạy dài tới mặt hồ dưới thấp, những thân cỏ nghìn ngọn sát liền tầm mắt tạo một ảo giác lồng dựng và phóng lửa tới vô tận, biển cỏ như một tràn ngập kín trùm xanh ngắt qua thần trí và thân thể trong suốt mở ngõ với chỗ nằm tịch mịch.

“Thưa mẹ, con muốn trở lại nơi đó.”

Bà Kathy nhìn nàng, lâu lâu. Rồi cười, khoan dung:

“Kỷ niệm. Những nơi chốn người ta muốn trở lại mãi mãi, trong đời. Mẹ biết, mẹ nhớ. Ngày anh con mới sang hai anh em ngày đầu đã đi chơi ở một công viên Canoga Park.”

“Vâng, ở đó.”

Những cánh bướm bàng hoàng đuổi theo nàng ở sau xe suốt dọc con đường nàng trở về, để ngưng lại hết dưới chân ngọn đồi, bây giờ, trong cái thế giới đầy yên tâm của Kathy Graham, sự rối loạn ở trong nàng đang dần dần lắng xuống, và nàng cũng rời chỗ đứng, thong thả đi sang phòng ăn, ngồi xuống trước bữa ăn nguội người kế mẫu đã dọn sẵn cho nàng trên mặt bàn.

Bà Kathy theo sang. Kéo ghế sang ngồi cạnh. Bà âu yếm nhìn đứa con gái nuôi Việt Nam tứ cố vô thân một mình tới Mỹ bà đã đón về ở dưới mái nhà bà được tám năm, nó đã vào đại học, đã lớn, đã trở thành thiếu nữ, càng ngày bà càng thương yêu như con đẻ, đang nghiêm trang cắt từng khoanh bánh, từng khúc thịt nhồi, hai mắt mở lớn, như mỗi cử chỉ từ tốn của nó đều là một sự cố gắng kiểm soát, kìm giữ một niềm xúc động nào đó, một niềm xúc động kín thầm bà không hiểu được.

“Vậy là người chị dâu của con và ba cháu nhỏ từ Sài Gòn sang bằng đường lối đoàn tụ đêm nay tới phi trường Los?”

“Dạ.”

“Và hôm nay anh con từ miền Bắc xuống là để đón họ cùng đi lên miền Bắc.”

“Thưa mẹ, đúng vậy.”

“Con kể với mẹ người chị dâu và bầy nhỏ trước đây tưởng đã chết trên đường vượt biển, theo một nguồn tin gửi sang từ quê nhà?”

“Vâng con có kể cho mẹ nghe chuyện đó.”

“Bây giờ đoàn tụ. Chắc anh con phải vui mừng ghê gớm. Anh ấy đang ở đâu? Sao không đưa anh ấy tới đây?”

Nàng trả lời người dưỡng mẫu là anh nàng nhờ nàng xin lỗi bà, anh phải đi thuê một chiếc xe lớn đưa ra phi trường chờ gia đình, rồi ngay trong đêm đưa gia đình từ phi trường đi thẳng lên miền Bắc.

Sau đó, nàng dọn bữa ăn, đứng dậy ôm hôn người dưỡng mẫu, chúc bà ngủ ngon và đi lên phòng riêng.

Căn phòng ở phía Tây của nàng, căn phòng đẹp nhất của ngôi nhà, ngó thẳng xuống thung lũng, đối diện với con đường lượn vòng từ chân đồi đi lên. Nàng đẩy cửa đi vào, không bật đèn, lần bước trong bóng tối và tới ngồi ở cái ghế kê sát thành của cửa sổ mở rộng. Nàng tựa lưng vào thành ghế, hai tay thu vào lòng, nhìn ra ngoài trời. Vòm trời sâu thẳm. Những vì sao lác đác. Đêm về khuya, những điểm đèn dưới thung lũng như xa mờ, lung linh hơn. Con đường lượn vòng từ chân đồi đi lên chỉ còn là một vệt mờ ảo, thấp thoáng, lúc thấy lúc mất giữa những bụi cây rậm rạp.

Nàng ngồi bất động, thật lâu, cho tới lúc nghe tiếng chân nhẹ nhàng của người dưỡng mẫu đi qua cửa phòng. Những chuyện nàng kể với bà Kathy đều là sự thật. Người mẹ và ba đứa con chết trên đường vượt biển rồi không phải vậy. Một gia đình đêm nay tới phi trường Los Angeles. Một cảnh tượng đoàn tụ cảm động. Một chiếc xe hơi lớn sẽ rời phi trường chạy suốt đêm trên xa lộ thăm thẳm đi lên miền Bắc. Tất cả đều là sự thật. Trọn một ngày vừa qua, nàng đã đi những đâu với anh nàng, nàng kể lại với bà Kathy trong bữa ăn cũng đều là sự thật. Buổi sáng. Bãi biển Laguna Beach. Cát bãi loà nắng. Khơi xa ngời ngời. Những ngọn đồi ở phía sau, xanh lam, in lên nền trời. Cái quán ăn ngó xuống bãi, gió lồng lộng cùng khắp, những chiếc dù lớn sặc sỡ ngoài khu ăn lộ thiên thả những tảng bóng rợp lay động xuống những lưng trần vai trần mầu mật, vẫn hai cô bồi bàn xinh đẹp mấy lần gặp trước, tóc bạch kim, người Đan Mạch. Buổi trưa, New Port. Những khu phố du lịch bên trong. Đường hẹp, lát gạch đỏ, cây thấp ngang tầm đầu, tiệm sách báo Pháp và dẫy cửa hàng thời trang hiên rộng, mát đằm, vây quanh khu bến đậu của du thuyền san sát rừng cột buồm chạy dài về hướng biển. Buổi chiều. Khu sinh viên Westwood. Không khí như ở Nguyễn Huệ. Xe máy như ở Sài Gòn. Đám người trẻ tuổi đi đất, tràn lan như một dòng suối lấp lánh trên những khúc vỉa hè nhạt màu nắng. Trọn một ngày. Những nơi chốn đã tới. Và trở lại. Thêm một lần nữa. Cuối cùng là cái công viên khuất nhỏ bên cạnh ngọn đồi đại học, một mình. Chiếc xe đậu lại ở trên cao. Con dốc dẫn xuống, không một bóng người. Mặt hồ dưới thấp, nắng tắt và chỗ nằm trên cỏ, thần trí và thân thể trong suốt mở ngỏ, những thân cỏ sát liền tầm mắt tạo một ảo giác lồng dựng và phóng lớn tới vô tận. Tất cả, tất cả đều là sự thật.

Duy có một điều nàng đã giấu người dưỡng mẫu, không phải là sự thật.

Người đàn ông ra phi trường đón vợ con mới từ Việt Nam tới, người đàn ông đó không phải là anh ruột của nàng.

Đêm khuya lạnh buốt. Gió đêm từ chân đồi thổi lên, tấm rèm cửa lay động, những sợi tóc rớt loà xoà trên trán, trên hai gò má. Ngày cuối cùng. Lần gặp cuối cùng. Con đường chàng đi về miền Bắc trong đêm, xa thẳm, mất hút. Vĩnh viễn. Những cánh bướm còn đuổi theo nàng suốt dọc đường trở về, những cánh bướm đã chết. Và nàng đã thấy nàng trở về trên đồi, một mình, như buổi sáng ra đi. Và nàng đã thấy nàng ngồi đó, trong đêm, một mình, trong cái thế giới đầy yên tâm của Kathy Graham.

Khóc.

Nguồn: “Tuyển tập 20 năm văn học Việt Nam hải ngoại” (NXB Đại Nam, Cali, 1995). Bản điện tử của Văn Việt.