Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2018

Văn học miền Nam 54-75 (464): Ngô Thế Vinh (8)


VÒNG ĐAI XANH (KỲ 2)

CHƯƠNG BA

Trên khắp cao nguyên tôi ít thấy những người lính Mỹ nói tốt về các đồng minh Việt Nam của họ. Đó cũng là một lối diễn tả được coi là nhẹ nhất khi nói về mối ác cảm của dư luận báo chí Mỹ đối với những khó khăn Kinh Thượng ở cao nguyên. Chẳng hạn trong một cuốn sách nổ như một trái bom và bán chạy nhất nước Mỹ, ngoài khía cạnh đề cao anh hùng tính của những người lính Mũ Xanh Mỹ, còn lại chỉ là sự miệt thị và hạ giá người Việt. Và đặc biệt hơn nữa là những mô tả về tính cách tàn bạo man rợ của những người đồng bằng đối với người Thượng thiểu số mà họ cho là bị bạc đãi hiếp đáp và tàn sát không một chút thương sót.

- Những cuốn sách như vậy không thể gợi cho quần chúng Mỹ và cả dư luận thế giới những hình ảnh đẹp về dân tộc Việt Nam đang theo đuổi cuộc chiến đấu.

Thật không phải lúc khi chúng tôi đang đứng ở một cứ điểm nóng nhất của cuộc chiến tranh để nghĩ vẩn vơ về một dư luận bên trời Âu hay mãi tận nước Mỹ. Buổi trưa nóng đổ xuống hầm hập, Davis mặt đỏ gay hai hàng mi cong đọng lăn tăn những hạt mồ hôi nhỏ. Gió tây khô khan thổi rát qua những khe áo. Mấy trăm nóc tôn tụ lại như một hội chợ mới cất, cách khoảng quốc lộ trong vòng một trăm thước. Nơi khúc quanh xa lộ như một giải lưng láng nhẫy. Những kiểu nhà tiền chế được dựng sẵn trên vùng đất hoang phì nhiêu sát trục giao thông và dồi dào những ngọn suối. Chỗ nào cũng có dấu vết của những bàn tay săn sóc. Rút từ những kinh nghiệm trước, khu tiếp cư lần này được sửa soạn với nhiều thiện chí và công phu đáng kể. Nhưng chẳng ai có thể dự liệu được tất cả những tai ương biến chứng. Tai ương đó có thể là một nạn dịch phát xuất từ cái chết của một người đàn ông đêm qua. Khó khăn đầu tiên là làm sao thuyết phục tang chủ đừng giữ lâu xác chết đó trong nhà và chịu đem chôn cất sớm. Khó khăn thứ hai là phải tìm cách chích thuốc ngừa cho họ trước khi bệnh dịch có thể lan tràn và số chết chóc không biết là thế nào. Đoàn chích ngừa với đầy đủ thuốc men được huy động tới nhưng đồng bào tìm cách lẩn trốn hết, nếu cưỡng bách là họ chống cự la hoảng và khóc lóc. Chỉ sau một buổi sáng không khí lo sợ bàng hoàng đè trĩu trên mấy trăm nóc gia đình. Cuối cùng phải dùng xảo thuật quyến dụ và cả cưỡng ép nữa để chích thuốc cho hơn một ngàn dân, dù mất lòng nhưng một giai đoạn khó khăn cũng tạm qua đi. Davis như xúc động bồn chồn trước sự mạnh tay của một vài người lính.

- Hàng mấy trăm năm sống cách biệt với thế giới bên ngoài, sự thích ứng theo tôi cũng đòi hỏi một thời gian. Tình cảnh ở đây không khác gì với những đợt hồi hương đầu tiên của các sắc dân Do Thái: cách biệt xa lạ và những đụng chạm không thể nào tránh khỏi. Tôi hy vọng đây sẽ là kiểu mẫu cho những kibbutzim đào tạo giáo dục người Thượng mau sống kịp với thời đại chúng ta trong tương lai.

Giống với một tờ báo sinh viên, một lần nữa Davis đề nghị một công thức kibbutz cho vùng đất hứa cao nguyên. Tôi bảo một mai khi hòa bình thì đó cũng là điều đang suy nghĩ tới.

- Không, kibbutz là một công thức hữu hiệu trong thời chiến. Tôi có cảm tưởng các căn cứ biên phòng của LLĐB Mỹ chỉ là một mô phỏng vụng về mà thôi.

- Đó chỉ là những căn cứ quân sự thuần túy của Mỹ mà căn bản cứu trợ chỉ là sự bố thí. Chữ kibbutz sẽ không có ý nghĩa gì nếu trong đó không bao hàm một tinh thần cộng đồng kibbutz.

- Vậy thì những trại tỵ nạn cộng sản này được tổ chức theo quan niệm chiều hướng nào?

- Nguyên mấy chữ tỵ nạn đã nói lên tính cách tạm bợ của nó. Thật ra đây là một cơ hội bằng vàng để thực hiện những dự định tốt đẹp manh nha từ nhiều năm trước, quy tụ những cư dân thiểu số sống rải rác trong các hẻm hóc rừng rú, tổ chức thành những Buôn Hdíp Mrâo kiểu như các đại xã gần các trục giao thông, giúp đỡ giáo dục họ làm quen với nếp sống cộng đồng, chấp nhận cải tiến lề lối canh tác và tin tưởng vào khoa học văn minh hơn là phó mặc cho thần linh và sự cúng quảy. Ngoài những eo hẹp về vật chất, theo tôi những sửa soạn về tâm lý mới thật sự là vấn đề khó khăn cho chánh phủ. Một thí dụ nhỏ như kế hoạch cải tiến nông cụ, vấn đề không phải có đủ liềm phân phát cho nông dân mà chính là làm sao thuyết phục họ chịu dùng liềm để gặt thay vì dùng tay tuốt từng bông lúa mà khỏi sợ các đấng thần linh quở phạt.

Davis có vẻ chú tâm tới những điều tôi nói, hắn luôn luôn đưa ra những câu hỏi để có một xác định chi tiết. Mô phỏng từ một một tư tưởng của Einstein, tôi tiếp:

- Để trừ bỏ những thành kiến mê tín dị đoan có lẽ khó hơn phá vỡ một nguyên tử. Anh có biết không, cũng thiện chí đó đem ra áp dụng vội vã, ông Diệm đã gặp phải sự chống đối và phong trào tự trị ly khai cũng phát xuất từ đó. Điều tôi muốn nhắc lại đó là một sửa soạn tâm lý.

Tôi không rõ Davis đã đặt chân lên cao nguyên từ bao lâu, nhưng rõ ràng hắn có những am hiểu về cả những khúc mắc chánh trị dính dáng đến phe tranh đấu. Davis hỏi tôi: - Đã có giấy bảo đảm của Thủ tướng chánh phủ tại sao lãnh tụ phe thiểu số ly khai còn đòi hỏi một văn kiện khác có bảo đảm của tòa Đại sứ Mỹ mới chịu ra mặt thương thuyết?

Đó là một sự kiện hoàn toàn mới mẻ, có lẽ Davis biết nhiều hơn tôi ở một lãnh vực nào đó. Bằng luận lý suy diễn, chính tôi cũng đang tự tìm một giải thích:

- Xa hơn cả nguyện vọng tự trị đã có lúc họ đòi trở thành một tiểu bang của Hiệp Chủng quốc. Sự chất phác ngây thơ của họ là một kích thích không mỏi mệt cho những tay phù thủy chánh trị muốn đưa đẩy số phận cao nguyên theo những bước phiêu lưu xa hơn. Khôn ngoan như người Pháp cũng đã chẳng làm được gì trong ngót một trăm năm ngăn chặn bưng bít, huống chi bây giờ mọi cánh cửa đã hé mở, dù nhất thời bị lôi cuốn vào cơn lốc chánh trị, thực tế sẽ phá vỡ những áo tưởng. Bằng cớ là đã có một số lãnh tụ trong phe ly khai trở về, tôi muốn nói tới sự giác ngộ của chính những người Thượng. Điều đó chỉ có được bằng giáo dục và nâng cao dân trí. Cũng như cuộc chiến tranh đang diễn ra ở nông thôn Việt Nam, cuộc chiến bị bỏ quên này sẽ đương nhiên tắt lịm dần đi khi đã thực hiện được những cuộc cải cách xã hội và nâng cao nếp sống.

Hình như trong thâm tâm tôi không lạc quan được đến như vậy, nỗi lo sợ gia tăng khi tôi nghĩ tới căn bản thiếu thốn về nhân sự, tâm trạng dửng dưng và sự rã mục về những hy vọng của quần chúng. Cả cái gọi là chánh sách của cấp lãnh đạo cao nhất cũng không ngoài việc bưng bít những lỗ vỡ của một ống nước đã cũ nát. Hình ảnh những Ross, Tacelosky và Denman nhắc nhở tôi rằng là xa hơn một ly rượu tới môi, con đường dẫn tới một tốt đẹp ở cao nguyên còn phải trải qua nhiều máu và nước mắt.

- Theo anh người Mỹ có lợi gì để hành động mâu thuẫn như vậy khi họ đang phải sát cánh chiến đấu sống chết bên cạnh đồng minh Việt Nam?

Davis đưa ra một câu hỏi trực tiếp và đột ngột nhưng tôi nhớ mang máng là có một ký giả người Nhật tên Takashi Oka đã từng hỏi tôi như vậy. Tôi cũng đã tự hỏi và câu trả lời là những chuyến đi liên tiếp trên cao nguyên. Cùng một lúc tôi ý thức được rằng mình đang là một nhà báo, một thành phần trong cuộc với những thao thức lo âu cho vận mệnh của tổ quốc. Đã nhiều lần tôi bị giằng co giữa những sự lựa chọn: chỉ phô bày hay phải đánh giá tác dụng của những dữ kiện mình có. Ở trường hợp này tôi chỉ có thể trả lời gián tiếp. Hình như Davis không hiểu được ngụ ý tôi định nói gì, hắn cười không hỏi thêm, cả hai chúng tôi rảo bước tới trụ sở quản trị với hy vọng thiếu tá Y Ksor tới đón chúng tôi ở đó. Davis cũng nhờ tôi dẫn qua một phòng phát thuốc. Phản ứng của thuốc chủng làm hắn bắt đầu phát sốt, riêng tôi chỉ thấy hơi đau nhức ở một cánh tay. Những dấu hiệu này có thể làm cho hơn một ngàn người vùng dậy bất chợt chỉ vì những dị đoan lo sợ hoảng hốt.

Rồi tới buổi chiếu phim tối cho khoảng ngót năm trăm người hiếu kỳ đông đảo, bỗng dưng bị tan vỡ chỉ vì một đám cháy trên màn bạc, đó là điều mà cả tôi và Davis không tưởng tượng nổi. Từng sinh hoạt với họ, tự hào về những hiểu biết phong tục tập quán của họ, tôi vẫn luôn luôn đụng đầu với những khám phá và va chạm mới. Davis hỏi tôi về tình trạng ra sao của đồng bào Thượng Du miền Bắc. Tôi nói:

- Nếp sống của họ đã cao hơn vì những giao tiếp thông thương dễ dàng với các người ở đồng bằng châu thổ nhưng những khó khăn chủng tộc không phải không có. Riêng ở cao nguyên miền Nam kể từ ngày bác sĩ Yersin đặt chân tới, cho đến nay hơn một trăm năm như anh đã thấy vừa rồi kết quả chánh sách khai hóa của người Pháp. Cùng với những cây cổ thụ hàng ngàn năm, thời gian như ngủ im lìm trong các đồi nương buôn sóc. Kể cũng đáng buồn là vào cuối thế kỷ hai mươi tại một quốc gia tự hào với bốn ngàn năm văn hiến mà vẫn tồn tại mấy chục sắc dân với trình độ văn minh chưa quá xa thời đại thạch khí.

- Tôi được đọc một tài liệu của viện Đại học Stockholm, chính một nhà nhân chủng học Việt Nam mà tôi không nhớ tên chống lại quan niệm đồng hóa các người thiểu số ở miền núi, ông ta chỉ chịu chấp nhận cái mà ông gọi là thích nghi văn hóa.

Có lẽ tôi cũng biết ít nhiều về ông ta, nguyên là giáo sư Đại học Văn khoa hiểu rõ các sắc dân Thượng và có tham vọng nối gót những người như Rondon lập các sở bảo vệ thổ dân Mỹ châu ở Ba Tây. Là nhà báo nhìn vấn đề theo khía cạnh chánh trị và xã hội nên tôi không có những thắc mắc như ông. Tôi cười và bảo Davis:

- Đối tượng của khoa nhân chủng là những giống người mà nhà khoa học định nghiên cứu, cũng như đề tài đối với họa sĩ, ông ta càng thích thú khi có được những đề tài mới lạ và khan hiếm. Sự pha trộn chủng tộc và những biến đổi về tập quán thường khiến ông ta tỏ ý tiếc. Hãy để cho nghệ sĩ say sưa với đề tài của ông ta, chuyện lập hội bảo vệ cũng không phải là một cần thiết vì ở đây không hề có cảnh lùng giết người Da Đỏ như người ta đi săn thú ở bên châu Mỹ. Vấn đề cấp thiết chính là san bằng cách biệt bằng một chánh sách quy mô tiến bộ và khai hóa. Chẳng hạn trong những buôn ấp sơn thôn mới, chúng ta có thể khuyến dụ người Thượng thôi đóng khố, sống theo phương pháp vệ sinh mà vẫn không đụng tới cái gọi là những mỹ tục về văn hóa riêng của họ. Không thể bình tĩnh nhìn sự lạc hậu bán khai là văn hóa và méo mó nhìn mỗi thổ dân như các cổ vật nghiên cứu và cần phải bảo trì.

Hình như tôi đang ngấm ngầm bất mãn với một con người không biết và vắng mặt, có lẽ bởi thái độ trí thức tiêu cực của ông ta quá tương phản với một hình ảnh không mỏi mệt của ông Mục sư. Sự mỉa mai đến cay đắng khi Davis bảo muốn tìm hiểu vấn đề sắc tộc ở Việt Nam không có cách gì hơn là tìm đọc các tác giả ngoại quốc. Tôi đã có hơn một lần có kinh nghiệm đó, và tôi cũng có lý do để khỏi hối tiếc bỏ cơ hội trải qua những năm dài ở Đại học Việt Nam. Văn hiến bốn ngàn năm mà tựa hồ hoàn toàn trống vắng. Dù sao chuyến về Sài Gòn lần này, tôi cũng định sẽ tìm gặp ông ta, vào nghề báo tôi đã quen với những gặp gỡ ngoài ý thích.

- Anh cũng biết ở một tình trạng chánh trị rối bời như Việt Nam, cả khoa nghiên cứu nhân chủng cũng bị xử dụng như một phương tiện cho mục tiêu phân hóa chánh trị không hơn không kém.

Buổi tối không khí dịu mát lại, bầu trời thấp xuống. Dàn đại pháo của trại binh Mỹ đang nhả từng loạt đạn vào mãi xa trong rừng sâu, tiếng nổ rung chuyển cả đồi núi làm lung lay tới tận trăng sao. Nạn nhân có thể là những tên cộng sản lẩn lút, đám người Thượng nào đó còn sót lại hoặc là cả những con thú vô phước có mặt trong một khu được coi là oanh kích tự do. Súng đạn dù không thù nghịch vẫn làm những người Thượng kinh hãi. Rồi bất chợt im lặng trở lại, sự im lặng cũng ngỡ ngàng như một náo động khởi đầu, không nguyên do, không một cảm xúc buồn vui. Ở những lúc này tôi chợt nghĩ và nhớ tới Nguyện tha thiết. Phải chi Davis là nàng, tôi sẽ vui sướng để nhận lời mời của mấy vị chủ làng buổi tối. Nguyện cũng sẽ tập uống rượu cần, tôi sẽ chỉ dẫn cho nàng cách nhận một ống triêng bằng tay phải, bởi vì tôi nhớ Nguyện có thói quen dùng bàn tay trái mà người Thượng thì lại không mấy quý bàn tay trái, xử dụng nó được coi như dấu hiệu khiêu khích và khinh bỉ. Cái không biết và vô tình của nàng có thể làm suy giảm mối giao hảo thân hữu giữa chủ và khách. Nhưng tôi hiểu rằng Nguyện không thể nào chọn quê hương là nơi đây và để có được tình yêu tôi và Nguyện, một trong hai người phải hy sinh cái thế giới mộng tưởng của mình. Và dẫu sao, tôi cũng đã có một quyết định dứt khoát bỏ nghề báo và ra Huế.

Thiếu tá Y Ksor cho người mời chúng tôi trở lại nhà làng. Trong bữa ăn tối, Davis bảo lần đầu tiên hắn được thưởng thức bữa thịt rừng nướng ngon như thế. Dù có những khó khăn về ngôn ngữ, chủ và khách đối xử với nhau bằng tất cả sự kính trọng và mối thâm tình. Có mấy người cà răng bị đau nên ăn một cách khó khăn, ngày thường họ chỉ có thể ăn cháo hay một thứ gạo kê lên men thật mềm nhuyễn. Đến tuần rượu, Davis là người bỏ cuộc đầu tiên, có lẽ tại vị rượu không quen mà hắn cho là hơi chua và đắng. Tôi theo bén gót Y Ksor, khật khưỡng sang tuần thứ ba bên ghè rượu lúc nào cũng được vị chủ làng đổ thêm nước nên đầy ắp. Độ rượu không có vẻ gì phai lạt vẫn ngọt ấm và hơi cay. Mọi phiền muộn và lo âu như dừng lại từ ngoài khung cửa và tôi hiểu tại sao người Thượng có thể đói từ ba dến năm tháng trong một năm nhưng vẫn không thiếu gạo để cấy rượu vui xuân dòng dã suốt mấy tháng.

CHƯƠNG BỐN

Điện tín báo tin Như Nguyện chờ tôi ở Đà Lạt, vẫn tại ngôi biệt thự như một tòa lâu đài ở đường Hoa Hồng. Tôi thì còn phải bận rộn trong ít hôm nữa. Thời gian làm việc thật gấp rút vì viên Trung tá phòng Năm sắp bị tướng Trị đổi đi. Trên đường tới Quân đoàn, tôi rẽ qua ty bưu điện nhỏ như cái hộp gởi một điện tín cho Nguyện hẹn có thể gặp nàng trong vòng hai hôm nữa. Biết tính Nguyện, tôi không hy vọng Nguyện chờ đợi và có thể nàng sẽ trở lại Sài Gòn ngay buổi chiều. Phải chi tôi có Nguyện lúc này, đó là những phút hạnh phúc mà Nguyện chẳng thể chia xẻ hoặc chẳng bao giờ nàng nghĩ tới. Lúc này bỗng dưng tôi cảm thấy ngại khi nghĩ tới tối nay trở về căn phòng khách sạn tồi tàn, một mình lụi cụi gõ chiếc bàn máy để có bài gửi kịp chuyến bay buổi sáng. Có lẽ chỉ là một bài tạp ghi những điều tai nghe mắt thấy trong những ngày theo chân chiến dịch định cư đồng bào Thượng. Khi ném cây cọ để cầm bút, tôi vốn chán sự chỉ trích dù là xây dựng, không phải tôi ngại sự khó khăn xảy ra với các giới chức nhất là với tướng Trị, nhưng là mức độ hữu dụng của ngòi viết. Tôi không muốn cố gắng cái mà người Thượng Rhadé gọi là dìm sâu những ống tre khô dưới mặt nước. Ở một hoàn cảnh đã quá nhiều đen tối, hy vọng phải được thắp lên dù chỉ là một vài đốm sáng yếu ớt.

- Tôi xuống thế này là hết rồi, đưa đi đâu cũng chỉ có khá hơn, đổi sang đơn vị tác chiến càng thích hợp với khả năng của tôi nữa.

Đến lúc sắp ra đi, đây là lần đầu tiên ông Trung tá tỏ lộ sự bất mãn. Đó là một sĩ quan xuất sắc dưới thời ông Diệm, nguyên làm tỉnh trưởng Bến Tre và chịu biện pháp đầy ải lên cao nguyên sau cách mạng. Đó thực sự là một công bộc quốc gia với tất cả tận tâm và cần mẫn, ngay ở địa vị hiện tại. Tôi cũng được biết thêm chi tiết rằng những năm đầu dưới thời ông Diệm khi ông là thiếu tá thì tướng Trị mới là sĩ quan cấp úy và hiện giờ ông được kể là thâm niên nhất ở nguyên vị cấp bậc của mình.

Khi trao vào tay tôi tập giấy đóng bìa cứng, viên Trung tá bảo nếu có thể anh hãy cho tôi một đặc ân là đừng phổ biến gì lên trên mặt báo. Đây là một hồ sơ mật, đối với tướng Trị nó như một cái xương hóc nuốt không trôi cũng chẳng thể lấy ra. Tôi cũng không hiểu tại sao ông Trung tá đã xử sự tôi với đặc biệt cảm tình, ông bảo mới gặp lần đầu tiên ông đã tin cậy tôi ngay và cho đến bây giờ ông vẫn tin ở trực giác của mình đúng. Dầu sao thì ông cũng vẫn tỏ lộ sự e ngại và khuyên tôi nên thận trọng:

- Anh coi chừng ông Tướng cũng chẳng ưa gì đám nhà báo. Sự có mặt của anh nơi đây như một cái gai mà ai cũng muốn nhổ đi. Sự khó dễ lúc nào cũng có thể có. Riêng đối với tôi còn ở đây ngày nào tôi còn cố sức giúp anh trong quyền hạn có thể của mình. Tôi trọng kỷ luật và nguyên tắc nhưng cũng biết đâu là giới hạn và cả ngoại lệ nữa.

Ông cười nhưng không dấu được vẻ thoáng buồn trong câu nói. Tôi đang có trước mặt những cặp hồ sơ đầy dấu chữ đỏ mật hoặc tối mật. Một lần nữa trí óc tôi phải làm việc chứ không thể cầm viết ghi chép. Đây là những bức thư và tài liệu của phe ly khai, phần lớn viết bằng tiếng Pháp kể cả truyền đơn hô hào người Thượng nổi dậy, đám người mà ai cũng biết có tới 99 phần trăm mù chữ dốt nát. Cả lịch sử bi hùng của cao nguyên như gói trọn trong huyền sử cuộc đời của một người đàn ông Thượng đã từng được mang họ cụ Hồ để chiến đấu bên cạnh người Mỹ. Và những chữ nối nhau chỉ là những chi tiết của một trang sử máu. Và thường tình máu chỉ gọi tới máu, đó cũng là giai đoạn không nương tay của tướngThuyêát, khi ông còn ngự trị trên đồng rừng cao nguyên.

Khi biết tướng Trị sắp tới, tôi gấp trả lại tập hồ sơ với lời hứa cho phép trở lại của viên Trung tá. Lúc này còn quá sớm cho cuộc hẹn gặp Davis. Tôi rảo một vòng xuống phố mua mấy tờ báo. Báo gửi chậm một ngày nhưng vẫn ghi đúng ngày tháng. Và giữa những trang báo quen thuộc, tôi lại thấy xuất hiện cái bút pháp kịch liệt của ông Hoàng Thái Trung khi chỉ trích cuốn sách của một tác giả Mỹ viết về những người lính Mũ Xanh. Ngoài cái sắc bén thâm sâu, giọng ông lúc này còn đượm nhiều vẻ ngầy ngà cay đắng. Lần đầu tiên ông để mất cái phong thái trầm tĩnh cố hữu để bị lôi cuốn vào những luận cứ đầy cảm tính. Cái trẻ trung của một trí thức đáng mến ở chỗ còn nguyên chất lửa ấy. Tôi nghĩ tới ông Trung, tới Huế và những ngày sẽ sống với Nguyện ở ngoài đó, chính tôi cũng không thể ý niệm rõ. Lần gặp gỡ đầu tiên với ông Trung trong một hoàn cảnh đặc biệt với những kỷ niệm thật đậm đà. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, sau lần triển lãm có vẻ thành công, có một cuộc họp mặt của những văn nghệ sĩ thời danh do sáng kiến của ông Ngoại giao. Ở một thời kỳ mệnh danh là cách mạng, ai cũng thấy phải làm một cái gì. Bộ Giáo dục thì tấp nập thành lập những phái đoàn sinh viên xuất ngoại để giải độc dư luận gây thành tích ngoại giao, trong khi Bộ Ngoại giao thì lại có cả một kế hoạch giải tỏa văn hóa rộng lớn. Hôm đó ngoài số họa sĩ bạn thân, tôi còn thấy hiện diện một số khuôn mặt văn nghệ lớn. Một nhà văn tiêu biểu chống cộng thuộc thế hệ bốn mươi, một văn trẻ thuộc thế hệ lạc lõng với nhân vật tôi cố hữu là đàn bà, một kịch tác gia nổi tiếng chưa hề viết kịch. Tôi chú ý tới sự có mặt của nhà phê bình văn học Hoàng Thái Trung. Ông vừa là một nhà báo, một giáo sư đại học rất trẻ, luôn đề cao sự hoài nghi về ý nghĩa mù mịt của trận chiến tranh hiện tại. Ngòi bút của ông ảnh hưởng mạnh mẽ trong giới trẻ và được coi như biểu hiệu một thái độ trí thức đứng đắn. Cũng bởi đó ông bị nhiều người gán cho là cộng sản, cũng rất may ông là người Thiên chúa giáo, mà đã là công giáo thì không thể sống chung với cộng sản. Nhưng tiền đề này cũng không hoàn toàn đúng khi được biết sau này ông Trung đã rời hàng ngũ để đi sang con đường bên kia. Cũng bởi sự có mặt của nhân vật Hoàng Thái Trung hôm đó đã gây cho ông Ngoại giao những cảm giác khớp kháp khó chịu. Khi còn là nhà báo, hai người đã có những xung khắc thể hiện bằng mấy cuộc bút chiến và sau đó Hoàng quân bị chánh quyền và người Mỹ liệt xếp vào thành phần thiên tả nguy hiểm. Riêng với ông Ngoại giao, từ lâu tôi vẫn chỉ được nghe tiếng ông hơn là biết mặt. Ông xuất thân từ một giòng dõi Nho học nhiều tiếng tăm, vậy mà dư luận vẫn gán cho ông là một trong những thành phần nội các có dính líu nặng nề với người Mỹ. Ở một thời đại mà lời đồn đãi quá nhiều khiến người ta nghi ngờ tất cả ngay như đó là một hành vi tố cáo. Tôi chỉ biết nguyên ông ta là chủ bút một trong hai tờ báo Anh ngữ ở Việt Nam, có thái độ thân Mỹ rõ rệt và bênh vực vô điều kiện sự có mặt của quân đội Mỹ trong vùng Đông Nam Á châu. Ông có thái độ chống cộng thật hăng hái, điều đó không ai có thể phủ nhận. Đó cũng là lý lẽ ông được người Mỹ tin dùng nhưng theo nhận định của giới thân cận thì ông ta là hình ảnh của một tinh thần quốc gia mờ nhạt đến độ đáng phàn nàn. Là nhà ngoại giao Việt Nam nhưng ông là phát ngôn viên trung thực cho chánh sách đang theo đuổi của người Mỹ.

Trở lại mục đích cuộc họp mặt là cố gắng giới thiệu các công trình văn hóa ra ngoại quốc, như điều mà miền Bắc cũng đã làm. Dự định to lớn nhưng đúc kết buổi nói chuyện thật còm cõi và chẳng đưa tới một kết quả cụ thể nào. Tôi không muốn nhắc tới những đường hướng dẫn lối của ông Ngoại giao bắt đầu từ một quan niệm nghệ thuật vô cùng sơ đẳng, tôi cũng không muốn nhắc lại những chi tiết không mấy đẹp hôm đó do thái độ cầu cạnh của một số mệnh danh là văn nghệ sĩ. Tôi cũng gặp Như Nguyện, người đàn bà mua tranh tôi trong vai trò tùy viên văn hóa của sứ quán và tôi cũng không thể nghĩ rằng sẽ có những ràng buộc định mệnh giữa tôi và nàng sau này. Thực sự cho đến bây giờ tôi không biết gì hơn về người đàn bà ngoài cái hiện tại của một cuộc sống phóng thả và rất nhiều tai tiếng. Nguyện đối với tôi có một sức hấp dẫn kỳ lạ của một loài chim bay rất cao để có một tiếng hót hay. Có lần từ Tokyo, Nguyện viết thư cho tôi, thư khá dài không đề cập tới một chuyện gì rõ rệt nhưng chứng tỏ tâm hồn nàng đang có những dao động. Nguyện bảo, nàng như một con chim nhỏ đi trốn tuyết và rất cô đơn. Phải chi Nguyện được anh giam hãm như anh đã từng giam hãm con mèo đen trên cái ấm áp của một thảm hồng. Tôi thấy nhớ Nguyện và nghĩ rằng nếu tôi trở lại với hội họa cũng bởi tại một nỗi thầm kín riêng tư nào. Tôi trở lại chỗ hẹn, Davis đang nôn nóng chờ tôi tới. Y Ksor khẩn cấp cho người mời chúng tôi lại nhà làng. Không khí đang trở nên thù nghịch, sự căng thẳng lên tới cực điểm khi có nhuốm vẻ thần linh tôn giáo. Cả Buôn Hdíp Mrâo vừa ổn định cuộc sống hiền hòa hôm qua nay bỗng trở lại nhốn nháo như sẵn sàng cho một cuộc nổi loạn.

- Kdi rai Cam, ram Yuăn.

Y Ksor bảo thế, mọi sự đã tan tành như sau trận chiến giữa người Chàm với người Kinh. Bao nhiêu công trình sửa soạn cho khu định cư bỗng dưng thất bại trở thành mây khói. Hơn một ngàn người nhất tề đứng dậy đòi trở lại rừng sâu. Họ sợ hãi nhưng quyết liệt chống cự lại những người lính ngăn cản.

- Tại sao vậy, thiếu tá Ksor? Hay là họ bất mãn vì trợ cấp quá thiếu thốn?

- Đâu có, đây chính là thí điểm tiếp cư kiểu mẫu nên khả năng tiếp liệu được coi là dư thừa nhất. Chỉ tại ông Trung úy thì còn trẻ và hăng hái quá lại là người miền xuôi nên không biết rõ họ.

Nghe nói vậy viên Trung úy tỏ vẻ kháng cự Y Ksor, hắn quả quyết nạn nhân là một tên Thượng cộng nằm vùng và chính tên này bày đặt ra bùa phép xúi dục dân chúng. Ở những trường hợp bối rối khó khăn, thiếu tá Y Ksor tỏ ra bình tĩnh hơn bao giờ:

- Tôi biết và cả phục Trung úy nữa về những kinh nghiệm chiến tranh rừng rú nhưng còn sự am hiểu người Thượng với tập quán phong tục đầy mê tín dị đoan của họ chắc Trung úy không thể nào bằng tôi bởi rõ ràng chính tôi là một người Thượng. Không phải tôi cố ý quy lỗi nhưng chính vì sự bắt bớ tra tấn người thầy cúng của họ nên mới gây ra tình trạng căng thẳng. Điều mà tôi lấy làm tiếc là với những đồng bào còn quá mê tín như vậy lẽ ra phải tìm cách thuyết phục người thầy cúng của họ trước.

Thì ra đã quen với nếp sống du mục đốt rừng làm rẫy, khi dời tới một địa điểm mới nào dân làng đều có nhờ một vị thầy cúng làm lễ xin phép thần Nhang xem có cho họ ở lại vùng đất mới hay không. Nếu không thì họ tin rằng thần linh sẽ quở phạt, làm ra bệnh tật và chết chóc và bây giờ họ đang tìm cách chạy xa mảnh đất mà họ tin là nhiều ma quỷ và chết chóc. Y Ksor nói với tôi giọng bày tỏ:

- Ông nhà báo thấy không dù phương tiện trang bị tới mức nào cũng rất có thể thất bại nếu quên khía cạnh chuẩn bị tư tưởng trong việc di dời.

Viên Trung úy tỏ vẻ biết phục thiện và hỏi lại thiếu tá Y Ksor là hắn ta và những người lính có thể làm gì được trong giới hạn hiện tại. Dường như đã nắm vững tình thế, viên Thiếu tá đưa ra ngay một giải pháp khả hữu:

- Những người Thượng bản chất rất hiền lành nhưng họ trở nên hung bạo khi sợ hãi. Việc ngăn chặn lưu giữ họ lâu thêm trên mảnh đất này chỉ làm tăng thêm mối sợ hãi đó. Theo tôi, Trung úy cứ để họ ra đi và tiếp tục canh chừng cũng như giúp đỡ, họ cũng chẳng vào ngay trong rừng sâu để bị bắn lầm hoặc gặp lại những tên du kích cộng sản mà họ vốn thù ghét. Địa điểm này chắc chắn không còn dùng thêm được nhưng cũng không thể bỏ phí, chúng ta sẽ di dời họ tới một nơi cách đây chừng vài cây số, cũng bên trục quốc lộ và tôi sẽ cố thuyết phục người thầy Nhang của họ chấp nhận nơi đó.

Y Ksor còn phải giải quyết thật nhiều những khó khăn, trong đó có việc mua chuộc người thầy cúng vô tội đã bị tra tấn xưng vù cả mặt mũi. Ông cũng tỏ ý lo ngại sự hiện diện của mấy nhà báo Mỹ vì rất có thể sự đụng chạm này được họ giải thích như hậu quả của sự miệt thị và bạc đãi đối với những người Thượng bị dồn vào những nơi mà họ gọi là trại tập trung để đầy đọa và tiêu diệt và vì thế người Thượng phải vùng dậy liều chết trở lại rừng sâu. Có lẽ Mục sư Denman đã khôn khéo rút lui trước để tránh một ngộ nhận tai tiếng như thế.

Cả buổi tối bên ghè rượu, như một nhà ngoại giao đại tài, Y Ksor đã thuyết phục thiệt hơn với người thầy cúng và cả những vị chủ làng với lời nhận lỗi và hứa hẹn tiếp tục giúp đỡ. Ông cũng hứa sẽ bắt đầu xây cất lại một Buôn Hdíp Mrâo mới trên một vùng đất lành mà vị thần Nhang cho phép tới.

Không khí có vẻ hòa hoãn và dịu hẳn xuống nhưng cũng không tránh được quyết định cho họ ra đi. Buổi sáng, viên Trung úy cho lệnh vòng vây được giải tỏa, từng đoàn người bồng bế với gia súc đi thành hàng dài về phía mặt trời mọc, hướng về dãy núi lam và khu rừng xanh phía xa. Chưa ai có một ý niệm gì về cái đích sẽ đặt chân tới. Khi đám những người Thượng cuối cùng đi khỏi, nhìn ngôi làng mới lấp loáng nắng trên những mái tôn, vắng hoe như một ngôi chợ dựng lên rồi bỏ hoang, thiếu tá Y Ksor mắt nhòa lệ, nét mặt đanh lại để cố dằn một tiếng khóc.

CHƯƠNG NĂM

Vẫn theo lời viên Trung tá phòng Năm, kể từ ngày tướng Thuyết phải đổi ra Trung, ông Tướng mới rất được lòng người Mỹ vì chủ trương chung sống hòa thuận. Trong một cuộc chiến tranh mà ông hiểu rằng đã Mỹ hóa, ông không quá khó khăn để có những đòi hỏi và dễ dàng thỏa mãn những yêu sách của họ. Đó là một đặc điểm khiến ông khác xa với tướng Thuyết. Chẳng hạn vấn đề Thượng đã gây nhiều phiền nhiễu cho tướng Thuyết khi ông ấy cố ôm lấy, bây giờ được giao trọn vào tay người Mỹ và mọi sự đối với tướng Trị đều có vẻ êm thấm. Có thể đó là cái êm thấm giết người và đến một lúc nào đó sẽ vô phương cứu chữa. Kế hoạch Đồng Tiến đang tiến những bước chập chững với mọi nỗi khó khăn không thể lường trước. Quân đội chỉ có thể mở những cuộc hành quân vào rừng sâu và di tản đồng bào ra bờ quốc lộ nhưng mọi kế hoạch định cư và cứu trợ phụ thuộc nặng nề vào khả năng tiếp vận của người Mỹ. Và những đòn chí tử khi cần sẽ được giáng vào đó.

Vụ hỗn loạn của Buôn Hdíp Mrâo vừa mới được thiếu tá Y Ksor dàn xếp êm thấm với người thầy cúng, bất ngờ tướng Trị lại phải đối đầu với một khó khăn mới. Số là hôm qua có một người đàn ông Thượng đã can đảm vượt vòng vây và nhiều cây số rừng rậm sống sót để về đây xin được quân đội tiếp cứu. Vấn đề đặt ra là có hơn sáu trăm đồng bào Thượng ở Dakto bị Việt cộng cưỡng bách đi dân công và sắp bị lùa qua bên kia biên giới chậm nhất là trong vòng ba ngày. Ngoài khả năng quyết định, Y Ksor phải dẫn người đàn ông vào gặp tướng Trị. Tiếng Việt của gã phát âm khó khăn và các chữ dùng thì thô kệch, nếu cố chấp thì có thể cho hắn là vô lễ ngay đối với cả ông Tướng. Thấy tướng Trị có vẻ bực, Y Ksor hỏi gã ngay bằng một câu tiếng Pháp, gã đàn ông hiểu dễ dàng và đáp lại lưu loát. Ông Tướng cho phép hắn được xử dụng ngôn ngữ quen thuộc. Khi được hỏi về cảm tình của dân chúng đối với cộng sản, gã bảo:

- Nói đến Việt cộng là chúng tôi hết hồn vía, dân làng vẫn thường gọi chúng là chim Dụng tức là con dơi, còn nói về tàn bạo thì chúng tôi sợ họ như cọp dữ. Họ bắt đồng bào chúng tôi đi dân công tải đạn, chúng lại còn thâu thuế cướp bóc gạo và gia súc của dân làng. Nếu chúng tôi có ý định bỏ đi thì họ dọa bắn giết cả làng, không ai có thể đi xa khỏi vùng quá mấy cây số.

Tướng Trị hỏi vặn ngay gã:

- Vậy sao mày mò được tới đây, hay chính tụi nó sai mày tới nói với chúng tao như vậy.

Mối nghi ngờ của ông Tướng làm gã đàn ông hoảng hốt, nhưng khi thấy nét mặt mọi người vẫn hiền dịu gã an tâm hơn, giọng lắp bắp trở sang mấy câu tiếng Việt:

- Ông Tướng biết chớ, khổ quá mà. Tôi có nói dối thì cả nhà vợ con tôi chỉ có lên trời mà ở. Mấy trăm dân làng chúng tôi chỉ có cầu nguyện được chánh phủ che chở để khỏi bị chúng bắt sang kia biên giới làm nô lệ cho chúng.

Không cần chú ý tới vẻ khẩn cầu của gã đàn ông Thượng, tướng Trị hất cằm về phía Y Ksor hỏi:

- Sao Thiếu tá, có thể tin được bao nhiêu phần trăm lời khai tên đó.

Y Ksor chưa trả lời ngay ông Tướng, ông nói với gã đàn ông Thượng bằng một tràng thổ ngữ, người kia cũng hối hả đáp lại. Vẫn những âm thanh rổn rảng nối tiếp như những chu kỳ hùng biện. Ngoài Y Ksor và hắn, còn lại bộ tham mưu chẳng ai hiểu gì. Nếu có tướng Thuyết, ông ta có thể nói thẳng với người này bằng ngôn ngữ của họ. Y Ksor cho gã đàn ông ra ngoài chờ, sau đó ông trở lại nói bằng một giọng cả quyết với tướng Trị:

- Tôi xin bảo đảm với ông Tướng bằng cấp bậc của tôi về sự thật vụ này; điều không thể phủ nhận được là lòng chán ghét của đồng bào chúng tôi đối với cộng sản. Điều đó cũng dễ hiểu là tại sao, sau bao nhiêu năm thả cán bộ ăn nằm với dân làng để chiêu dụ mua chuộc, cả đến chuyện họ mài răng đóng khố, nói tiếng thổ ngữ mà cho đến hôm nay họ vẫn không được lòng dân chúng. Đồng bào Thượng chúng tôi đã giác ngộ, biết ai thực sự giúp đỡ, họ biết ai bóc lột và lợi dụng. Chánh phủ ta cũng nên biết đây là lúc chứng tỏ cho dân làng là mình thực lòng muốn giúp đỡ họ và đối với một cử chỉ tốt như vậy chắc họ không bao giờ quên ơn.

Y Ksor giọng đầy xúc cảm và nói miên man khiến tướng Trị phải cắt ngang, ông hướng câu hỏi về mọi người:

- Thì tôi biết rồi, chúng ta sẽ giúp đỡ họ nhưng bằng cách nào?

Như chưa bằng lòng với chỗ ngưng vừa rồi, viên thiếu tá Y Ksor lại nói tiếp ngay sau ông Tướng:

- Xin ông Tướng lưu ý cho vấn đề thời gian. Gã đàn ông nói với tôi rằng chỉ còn hai ngày nữa là Việt cộng sẽ lùa tất cả hơn sáu trăm dân làng sang vùng bên kia biên giới. Đồng bào lấy cớ phải làm xong vụ gặt nên chúng mới cho hoãn, vả lại chúng cũng đang thiếu lúa. Thành ra vấn đề không phải chánh phủ có thiện chí cứu giúp mà là sao kịp giải thoát họ khỏi sự kìm kẹp nô lệ. Hơn nữa cái gọi là Phong trào Tự trị Tây nguyên chỉ mong thấy sự bất lực của ta để làm đề tài xách động khai thác.

Hướng về viên sĩ quan trưởng phòng Ba hành quân, tướng Trị đòi bản tóm tắt tình hình. Viên sĩ quan cầm chiếc gậy bước ra trước tấm bản đồ xoáy vòng một vùng, bắt đầu cất tiếng nói:

- Đây là một khu nằm giữa ngã ba biên giới, gần cực nam giáp ranh với Cam Bốt, trên đường mòn Hồ Chí Minh theo ngả Lào. Đó là một khu lòng chảo cô lập với mọi phía, trước đây tạm có an ninh nhờ một trại LLĐB Mỹ trấn đóng. Sau vụ nổi loạn thất bại với đa số binh lính Thượng đem cả khí giới trốn qua Cam Bốt, các cố vấn Mỹ gặp nhiều khó khăn cũng rút đi thì đó là một nơi vô chánh phủ và là hậu cứ cho những đơn vị Việt cộng trú đóng ở đó. Tính theo đường chim bay thì nơi này xa ta không đầy một trăm cây số, toàn là rừng với rải rác các quân du kích, rất nhiều mìn và cạm bẫy. Mặc dù chúng không thể tập trung đủ quân số để đánh những trận lớn nhưng địch vẫn có thể gây tổn thất cho ta bằng vô số phương kế nếu đi sâu vào đất chúng. Đối với các tiểu đoàn Biệt Động quân thiện chiến, họ có thể tới đây bằng những đơn vị nhỏ nhưng sau đó lại rút đi. Vấn đề đặt ra cho chúng ta bây giờ có hai khía cạnh: thứ nhất là làm sao đem tới một lực lượng đủ hùng hậu trong vòng hai ngày để trì hoãn bọn chúng lùa dân làng sang bên kia biên giới, thứ hai là phương tiện di chuyển cho hơn sáu trăm người với gia tài của họ. Cả hai khía cạnh đó chỉ thực hiện được với sự giúp sức của không lực Mỹ.

Tướng Trị nghe tới giải pháp phải nhờ người Mỹ ông có vẻ ngao ngán khi nghĩ tới khuôn mặt lạnh như tiền của viên Trung tá cố vấn. Không có một giúp đỡ nào mà không phải là một cuộc trả giá trơ trẽn. Bằng một giọng dứt khoát, viên sĩ quan trưởng phòng Ba tham mưu đi vào những trình bày chi tiết của cuộc hành quân và cuối cùng ông kết luận:

- Tóm lại phương tiện mà chúng ta cần là năm mươi chuyến trực thăng dùng cho việc chuyển quân và di tản, chỉ có căn cứ An Khê mới đủ khả năng giúp ta vụ này. Chuyện đó phải nhờ tới sự can thiệp của ông Tướng.

Viên Trung tá trưởng phòng Năm đưa ra một nhận định không mấy lạc quan với ông Tướng:

- Làm sao có thể liên lạc thẳng với tướng Peter Hunting bên An Khê gúp chúng ta phương tiện một cách trực tiếp mà không phải qua tay của Tacelosky. Chuyện gì qua tay hắn cũng có thể bị làm săn-ta một cách dễ dàng nhất là hắn muốn chứng tỏ sự bất lực của chánh phủ Việt Nam trong việc giúp đỡ che chở bọn Thượng.

Kế hoạch phải được kể là chu đáo và được sự đồng ý hoàn toàn của tướng Trị. Cho gọi ngay người đàn ông Thượng trở vào, ông Tướng công khai hứa hẹn giúp đỡ và cũng cho biết những khó khăn có thể xảy ra. Phòng truyền tin được lệnh thiết lập ngay liên lạc với căn cứ An Khê. Rất may tướng Hunting cũng vừa từ Sài Gòn trở về. Đó là một vị tướng lãnh Mỹ rất hòa nhã và nguyên tắc, xuất thân trường võ bị West Point. Ông tạo được mối giao hảo thân hữu với các sĩ quan Việt Nam. Ông tỏ ý mau mắn giúp đỡ tướng Trị và hứa đồng ý trên nguyên tắc. Nhưng cũng chính vì nguyên tắc mà ông phải hỏi lại ý kiến của bộ Tư lệnh Viện trợ mà sĩ quan liên lạc là Tacelosky.

Mặc dầu không ưa gì viên Trung tá này, tướng Trị vẫn phải cho mời hắn tới dùng cơm trưa với ông tại tư dinh. Và quả là tướng Trị đã có lý khi e ngại về khó khăn của một cuộc gặp gỡ như thế. Để tránh khỏi bị “fuite” ra ngoài về một đụng độ có thể xảy ra và cũng vì thể diện ông Tướng chỉ để hai sĩ quan thân tín cùng có mặt. Câu chuyện khởi đầu bâng quơ bằng những chi tiết về mấy ngày Đại hội. Nhưng Tacelosky đặt vấn đề thẳng băng với ông Tướng:

- Tôi đã nghe tướng Hunting đủ cả, vấn đề thực ra không có gì để mà phản đối nhưng có một vài chi tiết mà tôi muốn được nói chuyện thêm với ông Tướng.

Lại vẫn chữ “nhưng”, tướng Trị hiểu rằng tất cả vấn đề khởi đầu và cũng kết thúc ở đó. Chính ông đã thối lui nhiều bước để có lại cái không khí hòa hoãn của những ngày hôm nay. Và bây giờ hắn lại đòi ông phải nhân nhượng điều gì, ông đang chờ đợi và cũng không biết nữa. Tướng Trị cố thu hẹp một vấn đề mà ông cho là vắn tắt:

- Kế hoạch của cuộc hành quân chúng tôi đã phác họa xong cả rồi, chỉ còn một vấn đề cần Trung tá giúp đỡ: năm mươi chuyến trực thăng cần cho cuộc di chuyển. Tôi cũng đã điện đàm với tướng Hunting sáng nay và ông ta đã chấp thuận trên nguyên tắc.

Tacelosky ngắt lời tướng Trị, hắn đi vào vấn đề nhưng với một ngả khác:

- Ông Tướng có biết Dakto ngày hôm nay là kết quả của chánh sách nào không, trước đây đó là một khu đầy đủ an ninh với một trại LLĐB rất kiên cố ở đó. Từ ngày ông Thuyết xô đẩy những người lính Thượng can đảm sang bên kia biên giới thì đó là một khu tệ hại nhất, hoàn toàn nằm ngoài vòng kiểm soát của chánh phủ Sài Gòn. Có bao nhiêu lầm lẫn như vậy của tướng Thuyết trên vùng cao nguyên này mà nay chính ông Tướng phải gánh chịu hậu quả. Lịch sử là một sự liên tục chứ không tái diễn, theo tôi ngày phải trả lại cho một nền tự trị cao nguyên là điều không thể tránh được.

Phải rồi tướng Thuyết đã lầm lẫn, và ông đã phải trả giá bằng sự ra đi của mình. Dù có điểm không đồng ý, dù không làm giống tướng Thuyết, tướng Trị vẫn thầm phục sự rắn rỏi và hành động thẳng băng như ông ta. Rồi ông tự hỏi mình phải chơi trò leo dây này đến bao giờ. Tướng Trị như ngồi trên đống lửa, ông chỉ còn 48 tiếng phải đuổi chạy trước kế hoãn binh của viên Trung tá Mỹ. Ông nói:

- Trung tá nên nhớ chúng ta chỉ có không đầy 48 tiếng để thực hiện một cuộc hành quân qua nhiều giai đoạn như vậy.

Tướng Trị tỏ vẻ lo âu, riêng Tacelosky vẫn giữ vẻ mặt bình thản của một tên sa-đích trơ trẽn, hắn trắng trợn vật con bài xuống trước mặt ông Tướng:

- Dakto phải được coi là một trường hợp điển hình của bao nhiêu buôn ấp khác, đồng ý là nếu có phương tiện di chuyển, ông Tướng có thể đem mấy trăm dân làng về đây nhưng sau đó vấn đề sẽ đặt ra thế nào? Bắt họ bỏ hết đất đai gia súc rồi lại ném họ vào mấy trại tỵ nạn sống lây lất như những con vật là điều mà người Mỹ hoàn toàn không muốn. Chúng tôi luôn luôn phải nghe những lời ta thán của đám người tỵ nạn rằng đồ viện trợ dù thừa thãi cũng chẳng bao giờ tới được tay họ, có bao giờ ông Tướng tự hỏi về trách nhiệm của những viên chức Việt Nam.

Tướng Trị bắt đầu thấy rát mặt vì những sỗ sàng của viên Trung tá với lớp da mặt lúc nào cũng dày cộm lún những lỗ và không gợi chút cảm xúc. Rồi ông lại tự hỏi, ở vị trí tướng Thuyết khi ngồi đây thì mọi sự sẽ ra sao, chắc chắn ông Thuyết sẽ chẳng bao giờ để Tacelosky nói những câu như thế. Phải chi nếu không có những cái “gaffes” tầy trời của bà Tướng mà ông chắc bọn Mỹ cũng đã biết, ông sẽ làm mạnh một lần rồi rũ áo ra đi, bây giờ thì ông kẹt quá rồi. Chỉ còn cách leo tiếp một đoạn dây để chờ một tình thế biến đổi khác. Ông cố đưa ra một giải pháp hòa dịu với viên Trung tá:

- Vấn đề cải thiện các trung tâm tỵ nạn là điều mà chúng tôi hoàn toàn đồng ý với Trung tá nhưng cần yếu tố thời gian. Việc cấp bách bây giờ là làm sao giải thoát kịp thời những người dân lành ở đó trước khi Vi-xi có thể lùa họ đi.

Như một cuộc đối thoại giũa hai kẻ điếc, Tacelosky vẫn đi trên lối cũ của mình:

- Tại sao ông Tướng không nghĩ là nên giao việc tổ chức và phân phát đồ cứu trợ vào chính tay những người Thượng này, họ chỉ cần liên lạc trực tiếp với các ban cố vấn chúng tôi và như vậy chính nhân viên các ông lại khỏi phải mang tiếng. Cũng như việc bảo vệ cao nguyên, huấn luyện và nuôi dưỡng những người lính Thượng can đảm và kỷ luật là điều rất nên làm, tôi không hiểu tại sao các ông lại muốn chống. Điều quan trọng là một cuộc chiến nhân tâm với đối phương. Người Việt Nam các ông đã thất bại trong việc thu phục lòng tin cậy, thiết tưởng ông Tướng cũng nên để yên cho chúng tôi chu đáo làm công việc đó.

Viên Trung tá Mỹ còn nói với ông Tướng nhiều điều nữa và xem ra

hắn không chút nao núng vì những đuổi chạy của thời gian. Tướng Trị cố gắng chịu đựng suốt bữa ăn, sau đó là phần briefing sơ lược về cuộc hành quân. Khi rời bộ Tư lệnh, Tacelosky nói với ông Tướng:

- Tôi sẽ gặp lại tướng Hunting ngay chiều nay để bàn định về kế hoạch giúp đỡ. Tôi hứa với ông Tướng sẽ hết sức cố gắng trong giới hạn có thể của không lực Mỹ tại đây.

Tướng Trị có vẻ rất bi quan về một hứa hẹn nhiều mơ hồ như vậy. Ông lại triêu tập ngay bộ tham mưu phác họa thêm một kế hoạch khác nếu không có sự trợ giúp của không lực Mỹ, cùng một lúc ông cố gắng bắt liên lạc một lần nữa với tướng Hunting để hy vọng sự giúp đỡ trực tiếp.