Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Lí luận văn học Nga hậu xô viết (7)

Lã Nguyên

II. Lí thuyết tiến hóa văn học của Y.N. Tynhianov

Ta đều biết, Trường phái Hình thức Nga được tiếp nhận vào phương Tây cùng với sự hình thành của chủ nghĩa cấu trúc vào những năm 60 của thế kỉ trước. Diễn giải tư tưởng của Trường phái này theo tinh thần của chủ nghĩa cấu trúc, học giả phương Tây thường chỉ nhìn thấy hướng tiếp cận đồng đại, mà không nhận ra quan điểm lịch đại trong những công trình lí thuyết và lịch sử văn học của Y.N. Tynhianov, B.M. Eikhenbaum, V.B. Shklovski và nhiều nhà nghiên cứu khác. Họ thấy nhân tố cốt lõi làm nên linh hồn của Trường phái ấy là tham vọng biến nghệ thuật học thành vương quốc tri thức tự trị, khép kín, không có quan hệ gì với các lĩnh vực tri thức khác, kể cả triết học, chính trị học, xã hội học. Theo họ, vương quốc tri thức tự trị này được kiến tạo trên nền tảng của bốn cặp đối lập, có thể xếp theo các cấp độ như sau:

Nghệ thuật

Đời sống thường nhật

Lạ hóa

Tự động hóa

Thủ pháp/chức năng

Chất liệu

Truyện kể (sujet)

Cốt truyện/câu chuyện (fabula)

Cặp đối lập thứ nhất là phạm trù “gốc”, ba cặp tiếp theo là sự cụ thể hóa cặp đối lập ấy về mặt lí thuyết. Đời sống thường nhật dựa vào quán tính và thói quen, diễn ra theo nguyên tắc tự động hóa. Đặc trưng nghệ thuật không phải là tính hình tượng, mà ở sự lạ hóa. Nguyên tắc tự động hóa biến hoạt động lời nói trong đời sống thường nhật thành “nghĩa địa ngôn từ”. Hình thức lạ hóa trong nghệ thuật làm “phục sinh lời nói”, giúp con người cảm nhận đời sống tươi mới như được “nhìn thấy lần đầu”. Cuộc sống thường nhật là chất liệu của nghệ thuật. Nghệ sĩ dùng “thủ pháp” (với lí thuyết của V. Shklovsi, V. Eikhenbaum), hoặc các cấu trúc “chức năng” (trong lí thuyết của Y. Tynhianov, V. Propp) để “lạ hóa” đời sống, tổ chức chất liệu thành văn bản nghệ thuật. Trong tác phẩm tự sự, cốt truyện/câu chuyện (fabula) là chất liệu; truyện kể (sujet) là tổ chức nghệ thuật. Diễn giải như thế, các học giả phương Tây đánh giá cao lí thuyết lạ hóa, thi pháp học thủ pháp (của V. Shklovski, V. Eikhenbaum), hình thái học chức năng (của V. Propp) và lí thuyết truyện kể (V. Shklovski, B. Tomashevski) xem đó là những đóng góp to lớn làm nên “danh thiếp” của Trường phái hình thức Nga.

Vào những năm 60 của thế kỉ trước, khi Trường phái Hình thức Nga được tiếp nhận vào Tây Âu, thì ở Liên Xô, di sản của họ vẫn còn là khu vực cấm kị. Phải đến giữa những năm 1970, di sản ấy mới được giới học thuật Nga tiếp cận một cách dè dặt và từ cuối những năm 1980 thì được tái bản ồ ạt. Thế tức là, khi các học giả Nga có thể tiếp cận Trường phái Hình thức một cách cởi mở, thì cách diễn giải của chủ nghĩa cấu trúc phương Tây dành cho di sản tinh thần của trường phái này đã trở thành khuôn mẫu. Có cơ sở để chứng minh giới học thuật Nga và các nhà nghiên cứu Việt Nam trong mấy chục năm gần đây đã tiếp nhận tương đối trọn vẹn cách diễn giải ấy. Cho nên, nhìn chung, hướng tiếp cận văn bản nghệ thuật và các hiện tượng tự sự từ góc độ lịch đại trong các công trình nghiên cứu của Trường phái Hình thức Nga vẫn nằm ngoài tầm quan sát của cái nhìn khoa học khách quan[1].

Quả thật, mối quan tâm hàng đầu của các nhà hình thức luận Nga là xác lập nguyên tắc cấu trúc của tác phẩm nghệ thuật. Nhưng họ không xem cấu trúc của văn bản nghệ thuật là cái gì nhất thành bất biến. Khẳng định sự phát triển không ngừng của văn học nghệ thuật là tư tưởng xuyên suốt nhiều công trình nghiên cứu lí thuyết và phân tích văn học sử của Y. Tynhianov, V. Eikhenbaum, V. Shklovski và không ít nhân vật khác của Trường phái Hình thức Nga.

Tiểu luận này được dành riêng để phân tích quan điểm lịch đại và lí thuyết về sự tiến hóa của văn học của Y. Tynhianov.

Yuri Nhikolaevich Tynhianov (1894 - 1943), một trong những chủ soái của Trường phái hình thức Nga, là người đề xướng lí thuyết về sự tiến hóa của văn học. Năm 1924, trên tạp chí Nghệ thuật cánh tả (Lef, số 2, tr.101 – 116), ông công bố tiểu luận nổi tiếng Về thực tế văn học[2], đặt những viên gạch đầu tiên cho việc xây dựng lí thuyết về sự tiến hóa của nghệ thuật ngôn từ. Có thể nói, lí thuyết về sự tiến hóa của văn học là toàn bộ lí thuyết về văn học của Y. Tynhianov. Ông dự định sẽ thực hiện một công trình dài hơi dành cho chủ đề này. Ngày 01 tháng 10 năm 1925, trong thư gửi Shklovski, Tynhianov thông báo: “Tôi đang viết cuốn sách về sự tiến hóa của văn học”[3]. Ý đồ của Tynhianov được cả Eikhenbaum lẫn Shklovski nhiệt liệt hưởng ứng. Ngày 25 tháng 6 năm 1925, Eikhenbaum viết cho Shklovski: “Chúng ta cần xuất bản một tuyển tập công trình nghiên cứu về sự tiến hóa của văn học và lịch sử văn học. Đó thật là việc đáng làm. Chừng nào chưa bắt tay giải quyết vấn đề ấy, chúng ta sẽ chẳng nhúc nhích được tí nào đâu – đó là vấn đề không thể bỏ qua. Yuri đã bắt đầu giải quyết rất hay vấn đề chung về tiến hóa. Cậu ấy giầu nghị lực - mình nghĩ, cậu ấy sẽ khuấy động được một cái gì đó”[4]. Ngày 04 tháng 10 năm1925, Eikhenbaum ghi vào nhật kí: “Tynhianov tạt qua […], nói say sưa về công trình bàn về tiến hóa[5]”. Trong thư gửi V. Shklovski (ghi thời gian gửi là tháng “ba – tư”, năm 1927), Y. Tynhianov đã vạch kế hoạch làm việc cho những năm tiếp theo: “Sẽ hoàn thành cuốn tiểu thuyết, làm xong mấy công việc khác nhau, sẽ đi Kavkaz đổ nát, sẽ viết về tiến hóa văn học. Mình đã nghĩ rất kĩ về chủ đề này và có lẽ sẽ nghĩ ra được một cái gì đó. […] Thiết nghĩ, chắc chắn chúng ta sẽ làm nên chuyện. Chắc chắn sẽ phải sống thêm 15 năm nữa. Chúng ta sẽ chứng minh ý nghĩa của đời mình đối với sự sống, chứ không phải với cái chết – đó chính là công việc của các nhà thơ” (Trung tâm Lưu trữ văn học và nghệ thuật quốc gia Nga). Khi công trình dài hơi ấy chưa thể hoàn thành, vào cuối năm 1927, trên tạp chí Trên vọng gác văn học (số 10, tr. 42 - 48), Y. Tynhianov công bố tiểu luận Vấn đề về sự tiến hóa của văn học[6]. Những luận điểm quan trọng nhất của lí thuyết về sự tiến hóa của văn học được ông trình bày dưới dạng cô đúc trong công trình này. Năm 1929, Y.N. Tynhianov cho xuất bản Những kẻ thủ cựu và các nhà cách tân (L., Priboi), một trong những chủ đề trung tâm của nó vẫn là sự tiến hóa của văn học.

Lí thuyết tiến hóa văn học của Y. Tynhianov được xây dựng trên nền tảng của một loạt phạm trù, ví như “hệ thống” (“система”), “chức năng” (“функция”), “chủ âm” (“доминанта”), “định hướng” (“установка”), “thực tế văn học”(“литературный факт”)… Lôgic lập luận được ông gói gọn như sau: “Chỉ có thể nghiên cứu sự tiến hóa của văn học khi tiếp cận nó như một dãy, một hệ thống có quan hệ mật thiết với các dãy, các hệ thống khác mà nó chịu sự chi phối. Việc khảo sát phải tiến hành từ chức năng cấu trúc đến chức năng văn học, từ chức năng văn học tới chức năng lời nói”[7].

Ông nói: “Tác phẩm văn học là một hệ thống và văn học cũng là một hệ thống”. Nền tảng của hệ thống là cấu trúc. “Văn học là một cấu trúc lời nói, được cảm nhận như một cấu trúc lời nói, có nghĩa, văn học là một cấu trúc lời nói đang vận động”. Mỗi hệ thống có “nhân tố cấu trúc” và “nguyên tắc cấu trúc” riêng. “Nguyên tắc cấu trúc” sẽ xác lập các mối liên hệ nội tại của “dãy” (“ряд”) cấu trúc và xác lập mối quan hệ giữa “nhân tố cấu trúc” với các nhân tố phụ thuộc vào nó theo những kiểu khác nhau. Chẳng hạn, yếu tố cấu trúc của thơ là “thanh”, là “tiết tấu”, của văn xuôi là “nghĩa”. “Dùng vai trò của nghĩa làm cho thanh biến dạng là nguyên tắc cấu trúc của văn xuôi; dùng vai trò của thanh làm cho nghĩa biến dạng là nguyên tắc cấu trúc của thơ. Thay đổi một phần tỉ lệ của hai yếu tố ấy là nhân tố động của cả văn xuôi lẫn thơ”[8]. Đem cấu trúc “áp vào chất liệu”, chất liệu sẽ biến thành “hình thức”. Với mọi cấu trúc đã định, “chất liệu” và “yếu tố cấu trúc” là những phạm trù bất biến, nhưng “nguyên tắc cấu trúc” lại là phạm trù phức tạp, luôn biến đổi, tiến hóa. “Hình thức mới” thực chất là nguyên tắc cấu trúc mới, là sử dụng mối quan hệ giữa “nhân tố cấu trúc” và “chất liệu” theo những cách mới.

Y. Tynhianov và V. Propp đã đưa lí thuyết của Trường phái Hình thức Nga chuyển từ “thi pháp học thủ pháp” sang “hình thái học chức năng”. Họ xem các “nhân tố cấu trúc” trong văn học là hệ thống các đơn vị chức năng, chứ không phải là “tập hợp” của những “thủ pháp”. Trong quan niệm của Ju. Tynhianov và V. Propp, “chức năng” là phạm trù cấu trúc, chứ không phải là phạm trù giá trị hay mục đích được gán cho văn học từ bên ngoài, ví như chức năng nhận thức, giáo dục, hay thẩm mĩ, mà mấy chục năm qua các giáo trình lí luận của chúng ta vẫn viết. Nó được các ông sử dụng để chỉ mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố của hệ thống văn học. Y. Tynhianov định nghĩa: “Quan hệ tương hỗ của mỗi yếu tố trong tác phẩm văn học như một hệ thống với các yếu tố khác và, do vậy, với toàn hệ thống, tôi gọi là chức năng cấu trúc của yếu tố đó”[9]. Nhưng ông không xem cấu trúc chức năng làm nên tác phẩm văn học là một trình tự không thể đảo ngược của một số lượng hữu hạn các chức năng. Trong quan niệm của ông, chức năng là một “hiện tượng phức tạp”, vì mỗi yếu tố cấu trúc cùng lúc có hai quan hệ: quan hệ với các yếu tố khác trong cùng một hệ thống và quan hệ với những yếu tố tương tự như thế, nhưng thuộc các tác phẩm khác, hệ thống khác cùng một “dãy”, thậm chí ở những “dãy” khác. Cho nên, yếu tố cấu trúc nào cũng đồng thời có hai chức năng: chức năng trong hệ thống và chức năng ngoài hệ thống. Y. Tynhianov gọi loại thứ nhất là “chức năng kết hợp” (“синфункция”), loại thứ hai là “chức năng tự động” (“автофункция”). Chức năng tự động chỉ là “điều kiện” của chức năng kết hợp. Hạt nhân của cả hai loại chức năng ấy là “chức năng lời nói” (“речевая функция”). Chức năng lời nói tạo ra “chủ âm” (“доминанта”) cho các hệ thống nghệ thuật, đặt các yếu tố cấu trúc vào trật tự lệ thuộc lẫn nhau. Chức năng lời nói còn tạo ra “định hướng” (“установка”), nối kết chức năng nghệ thuật với chức năng xã hội của văn học. Chẳng hạn định hướng tụng ca của Lomonoshov là hùng biện với ngôn ngữ được viết ra là để đọc to trong cung điện hoặc giữa quảng trường. Theo Tynhianov, thời đại của ông “đã cung cấp một sự đối đầu giữa hai định hướng: định hướng mít tinh om sòm của câu thơ Maijakovski (“tụng ca”) và định hướng tình ca thính phòng của câu thơ Exênhin (“bi ca”)”. Có thể khái quát, văn học là một thực tế (“литературный факт”), tính chất “đa thành phần” là đặc điểm cơ bản của nó. Đặc điểm này khiến nhà nghiên cứu không thể tiếp cận văn học từ quan điểm tĩnh tại với những định nghĩa cứng nhắc.

Dựa vào những khái niệm nói trên, Y. Tynhianov đã đặt nền móng cho lí thuyết liên văn bản, mở đường cho việc nghiên cứu sự tiến hóa của văn học như một hiện tượng văn hóa lịch sử. Ông viết: “Khái niệm chính yếu của tiến hóa văn học là sự chuyển đổi của các hệ thống”[10]. Sự chuyển đổi hệ thống kéo theo sự thay đổi chức năng của các thủ pháp và các yếu tố cấu trúc khác. Ví như, nếu từ cổ trong tụng ca của Lomonoshov tạo ra sự trang trọng, thì đến thời Pushkin, nó lại có chức năng tạo ra sự giễu nhại. Hoặc với loại “văn xuôi được gọi là truyện kể (sujet) đã bị “khuôn sáo”, thì cốt truyện (fabula) của nó trong tác phẩm có những chức năng rất khác so với văn xuôi truyện kể trong hệ thống văn học chưa bị “khuôn sáo”. Ở đây, cốt truyện chỉ còn là cái cớ tạo phong cách hoặc phương thức triển khai chất liệu”[11].

Theo Tynhiavov, sự chuyển đổi hệ thống này “không phải là sự tiến triển bình ổn mà là sự nhảy vọt, không phải là sự phát triển mà là sự đột biến[12]. Động lực tạo nên sự “đột biến”, “nhảy vọt” ấy là sự chuyển đổi của các nguyên tắc cấu trúc trong hệ thống văn học. Kết quả của sự “nhảy vọt”, “đột biến” ấy là sự tiến hóa của chức nănghình thức văn học. Dựa vào các bước “đột biến”, “nhẩy vọt” của “nguyên tắc kết cấu”, Tynhiavov chỉ ra 4 giai đoạn của quá trình tiến hóa: 1) Một nguyên tắc cấu trúc bị tự động hóa, một nguyên tắc cấu trúc khác đối lập với nó sẽ được xác lập; 2) Nguyên tắc cấu trúc mới được vận dụng, nó sẽ tìm cách vận dụng dễ dàng nhất; 3) Nó được vận dụng đại trà; 4) Nó bị tự động hóa và đòi hỏi phải có một nguyên tắc cấu trúc đối lập khác.

Y. Tynhianov đã chỉ ra nhiều dạng khác nhau của sự chuyển đổi hệ thống trong tiến trình văn học.

Có sự chuyển đổi hệ thống như là quá trình hình thành các biến thể lịch sử của một thể loại tưởng như bộ xương cấu trúc của nó đã vững chắc. Sự thay đổi chức năng và hình thức của trường ca là ví dụ tiêu biểu cho trường hợp này. Tynhianov quả quyết: “Toàn bộ bản chất cách mạng trong trường ca Ruslan và Lutmila của Pushkin là ở chỗ nó thuộc loại “phi-trường ca” (cũng giống như trường hợp Người tù Capkaz), kẻ tấp tểnh tiếm ngôi của “anh hùng ca” hóa ra là thể “truyện cổ” nhẹ tênh của thế kỉ XVIII”[13]. Trường ca thế kỉ XIX không giống với trường ca của thế kỉ XVIII và càng khác xa với anh hùng ca cổ đại. Tynhianov chỉ ra, tiểu thuyết cũng là một thể loại có nhiều biến thể như thế. Nó là thể loại không hoàn bị. Nó thay đổi cùng với sự thay đổi của chất liệu từ hệ thống này sang hệ thống khác, cách thức thu nhận chất liệu ngôn từ ngoài văn học vào văn học cũng thay đổi và bản thân các dấu hiệu nhận biết của nó cũng luôn luôn tiến hóa. Các biến thể của tiểu thuyết đa dạng và phức tạp tới mức buộc người ta phải dựa vào qui mô tự sự để xác định đặc điểm chung của chúng. Độ dài trở thành dấu hiệu cơ bản phân biệt tiểu thuyết, truyện vừatruyện ngắn.

Có sự chuyển đồi hệ thống văn học giống như sự vận động biện chứng của một sinh thể, trải qua các giai đoạn: sinh thành, phát triểntan rã. Một thể loại mới sẽ sinh ra từ những “mầm mống” và “mảnh rời” của một hệ thống khác. Đến lượt mình, thể loại mới này lại bị suy thoái và biến thành “cơ quan thô sơ” của các hệ thống khác nữa. Quá trình này làm thay đổi số phận lịch sử của các hình thức thể loại: “Một thể loại văn học nào đó ở vào thời kì tan rã sẽ chuyển từ trung tâm ra ngoại biên, và từ sân sau, dưới đáy của văn học, từ những thân phận bé mọn, các hiện tượng mới sẽ ngoi lên, tiến vào trung tâm chiếm giữ vị trí của nó”[14]. Với ý nghĩa như thế, V. Shklovski từng nói về hiện tượng “xâm lăng” của các thể loại trẻ. Còn Tynhianov thì ghi nhận “tiểu thuyết phiêu lưu giải trí và truyện tâm lí tình cảm” như những thân phận bé mọn, từ sân sau, dưới đáy của văn học, đã tiến vào trung tâm và trở thành thể loại “cái” của hệ thống văn học ở cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX[15].

Có sự chuyển đổi hệ thống như là sự mở rộng nguyên tắc cấu trúc của thể loại này sang thể thể loại khác. Tynhianov trở đi trở lại nhiều lần và phân tích khá kĩ trường hợp mở rộng nguyên tắc cấu trúc của thơ sang văn xuôi và ngược lại, khiến câu thơ tự do không vần “vẫn cứ là thơ” và văn xuôi có tiết tấu “vẫn cứ là văn xuôi”. Nhưng do sự mở rộng nguyên tắc kết cấu ấy mà hình thức và chức năng của văn xuôi trong thơ và chức năng của câu thơ trong văn xuôi hoàn toàn thay đổi. Cũng chính vì thế, theo ông, đến một lúc nào đó, “tác phẩm được viết bằng câu thơ hay câu văn xuôi không còn gì là quan trọng nữa”[16].

Cuối cùng là sự tiến hóa như sự chuyển đổi hệ thống của các hiện tượng đời sống vào văn học và, ngược lại, từ văn học bị đẩy ra khu vực đời sống. Lập luận của Tynhianov có thể tóm lược thế này: Đời sống là một hệ thống đa thành phần. Nó đầy ắp những hoạt động trí tuệ thô mộc. Xét theo thành phần cấu trúc, “sinh hoạt đời sống chính là khoa học thô mộc, nghệ thuật và kĩ thuật thô mộc”. Nó chỉ khác khoa học, nghệ thuật và kĩ thuật phát triển ở cách thức ứng xử với chúng. Cho nên, xét về chức năng nghệ thuật, “đời sống nghệ thuật thường nhật” quả có gì đó khác với nghệ thuật, nhưng về mặt hình thức của các hiện tượng, chúng thường xuyên tiếp xúc với nhau. Khi một nguyên tắc cấu trúc trung tâm, chính yếu phát triển, rồi bị tự động hóa, thì một nguyên tắc cấu trúc mới sẽ tìm kiếm cho mình những hiện tượng khác, mới mẻ hơn, tươi tắn hơn. Những hiện tượng này dĩ nhiên không thể là các hiện tượng quen thuộc, đã thành khuôn sáo gắn với nguyên tắc kết cấu đang tan rã. Nó phải hướng tới đời sống thường nhật để tìm kiếm những hiện tượng như những hiện tượng tươi tắn, mới mẻ ấy. Và thế là đời sống tràn vào nghệ thuật và nghệ thuật thì tan rã vào đời sống. Tynhianov dẫn ra một thí dụ điển hình là vai trò của thư tín trong lịch sử văn hóa Nga từ nửa sau thế kỉ XVIII cho tới những năm đầu thế kỉ XX. Từ nửa đầu thế kỉ XIX trở về trước, thư tín chỉ là hiện tượng đời sống thuần túy. Dù thư tín vay mượn không ít phong cách của văn xuôi nghệ thuật, nhưng nó xa lạ với văn học và không ai xem nó là văn học. Thời ấy, thơ ca là thể loại thống soái, và trong thơ ca, thể loại cao bao giờ cũng chiếm vị trí hàng đầu. Không có khe hở nào để thư tín với đủ loại văn bản hành chính như ghi chép, biên nhận, thỉnh thị, thư riêng… có thể lách được vào lâu đài văn học và trở thành hiện tượng văn học. Nhưng sau đó hệ thống văn học này suy thoái. Tụng ca trở thành thơ khen tặng sáo rỗng và bị đẩy ra khu vực sinh hoạt xã hội. Văn xuôi và các thể loại nhỏ tiến vào trung tâm, thay thế vị trí của tụng ca và những thể loại chính yếu. Xuất hiện các hình thức nhỏ, xúc cảm nhỏ và chủ nghĩa tâm lí thay thế cho các loại phúng dụ. Rồi “salon văn học” và “văn học salon” ra đời. Cuối cùng, thư tín, vốn chỉ là một thứ tài liệu, trở thành hiện tượng văn học. Lối nói lấp lửng, ám chỉ, những trích đoạn, hình thức văn tự nhỏ mang tính “gia đình”, những thủ pháp phong cách tương phản với thủ pháp “hoành tráng” ở thế kỉ XVIII được sử dụng trong thư tín chính là loại chất liệu tạo ra nguyên tắc kết cấu mới. Như đã nói, loại chất liệu này vốn nằm ngoài văn học, ở trong đời sống và từ chỗ là chất liệu đời sống nó tiến thẳng vào văn học. Trong sáng tác của A. Turgheniev, P. Viazemski, Pushkin và nhiều nhà văn khác, thể thư tín được hoàn thiện không ngừng. Nhưng ai cũng biết, sau khi đã hoàn tất vai trò lịch sử của mình, nó lại lặng lẽ trở về với đời sống thường nhật.

Khi phân tích mối quan hệ qua lại giữa đời sống và văn học, Y. Tynhianov luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt của bình diện ngôn từ. Chính bình diện ngôn từ đã nối liền văn học với đời sống, thống nhất chức năng nghệ thuật với chức năng xã hội, biến văn học thành hiện tượng văn hóa.

Để khép lại bài viết, cần nói rõ thêm: lí thuyết tiến hóa của Y. Tynhianov có hai điểm hệ trọng. Thứ nhất: Theo ông, mục đích của việc khảo sát sự “chuyển đổi”, “đột biến” của các hệ thống văn học là “phải làm sáng tỏ quan hệ tương tác tạo nên sự tiến hóa của các chức năng và các hình thức văn học”[17]. Ông chỉ ra sự tiến hóa không đồng đều giữa hình thức và chức năng cấu trúc như một qui luật phát triển của văn học nghệ thuật. Sự thay đổi của các chức năng cấu trúc thường diễn ra liên tiếp, nhanh chóng. Trong khi đó, các hình thức văn học lại thay đổi chậm rãi, có thể kéo dài nhiều thập kỉ, thậm chí hàng trăm năm[18]. Sự hoàn thiện của thể thư tín, hay sự tiến hóa của thơ văn xuôi và văn xuôi có tiết tấu là những thí dụ tiêu biểu.

Thứ hai: Tynhianov không phân tích các hệ thống văn học như những cấu trúc lí tưởng, mà khảo sát chúng như những loại hình lịch sử. Chẳng hạn, ông nói về các loại hình của thể thư tín trong lịch sử văn học Nga. Ông chỉ ra, trường ca của Pushkin là “thể loại mới, tổng hợp, pha tạp, chưa có “tên gọi” sẵn từ trước”; hoặc với tiểu thuyết của L. Sterne, thì “nền móng của truyện kể là những dấu hiệu ngoài cốt truyện”, hay “tiểu thuyết lịch sử của Tolstoi chẳng dính dáng gì với tiểu thuyết lịch sử của Mikhail Zagoskin, mà có quan hệ mật thiết với văn xuôi ở thời đại ông”.


[1] Về cách diễn giải của các học giả phương Tây, Nga và Việt Nam dành cho Trường phái hình thức Nga, xin xem:

a) A. Hansen-Löve – Trường phái hình thức Nga: Giải cấu trúc sự phát triển về mặt phương pháp luận dựa vào nguyên tắc lạ hóa (Nguyên bản tiếng Đức. Bản tiếng Nga của dịch giả S.A. Romasko). M.: “Các ngôn ngữ văn hóa Slave”, 2001.

b) V. Erlich – Trường phái hình thức Nga: lịch sử và lí thuyết (Nguyên bản tiếng Anh. Bản tiếng Nga của dịch giả A.v. Glebovskaja). Spb.: “Academic project”, 1996.

c). O.N. Kulishkina, L.N. Polubojarinova – Phương pháp hình thức (hình thức luận) trong thi pháp học//Thi pháp học: Từ điển thuật ngữ và khái niệm thông dụng. Nxb.,M.: “Intrada”, 2008, tr. 284-285

d) Huỳnh Như Phương - Trường phái hình thức Nga. Nxb. ĐHQG tp. HCM, 2007.

g) Lã Nguyên - Nhìn lại sự tiếp nhận Trường phái hình thức Nga ở Việt Nam// “Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật”, số 44, tháng 3. 2016

[2] Trong Y.N. Tynhianov - Sự tiến hóa của văn học: Tuyển tập tác phẩm (V.I. Novikov biên soạn và chú thích. M.: “Agraf”, 2002), nhan đề bài viết được rút gọn thành Thực tế văn học và có thêm đề tặng dành cho Boris Eikhenbaum. Đào Tuấn Ảnh dịch nhan đề ấy (tiếng Nga: Литературный факт) sang tiếng Việt là Hiện tượng văn học (xem: Nghiên cứu văn học, số 406, tháng 12/2005, tr. 101). Tuy không tán thành dịch chữ “Fact” (“Факт”) là “Hiện tượng”, nhưng ở đây chúng tôi không có ý định thảo luận về vấn đề này.

[3] Lưu trữ văn học và nghệ thuật quốc gia Nga, Fund 562, Folder 1, số lưu trữ 782.

[4] Trung tâm lưu trữ văn học và nghệ thuật quốc gia Nga, Fund 1527, Folder 1, số lưu trữ 782.

[5] Tlđd., Fund 1527, Folder 1, số lưu trữ 245.

[6] Trong các tuyển tập sau này, ví như: Y.N. Tynhianov - Thi pháp học. Lịch sử văn học. Điện ảnh. M., 1977, nhan đề bài viết được rút gọn thành Về sự tiến hóa của văn học và có thêm đề tặng dành cho Boris Eikhenbaum. Đào Tuấn Ảnh dịch nhan đề ấy (tiếng Nga: O литературной эволюции) sang tiếng Việt là Sự tiến triển của văn học (xem: Nghiên cứu văn học, số 401, tháng 7/2005, tr. 115). Tuy tôi không tán thành dịch “Évolution” (“Эволюция”) là “tiến triển”, nhưng ở đây chúng tôi không có ý định thảo luận về vấn đề này.

[7] Y. N. Tynhianov. - Thi pháp học. Lịch sử văn học. Điện ảnh. M., 1977, tr.281.

[8] Y.N. Tynhiavov – Tlđd, Tr. 58.

[9] Ju.N. Tynhiavov – Tlđd, Tr. 272.

[10] Y.N. Tynhiavov – Tlđd, Tr. 270.

[11] Y.N. Tynhiavov – Tlđd, Tr. 273.

[12] Y.N. Tynhiavov – Tlđd, Tr. 256.

[13] Y.N. Tynhiavov – Tlđd, Tr. 255

[14] Y.N. Tynhiavov – Tlđd, Tr. 258.

[15] Y.N. Tynhiavov – Tlđd.

[16] Y.N. Tynhiavov – Tlđd, Tr. 275

[17] Y.N. Tynhiavov – Tlđd, Tr. 281.

[18] Ở Việt Nam, Trần Đình Sử đã chứng minh thuyết phục quy luật vận động không đồng đều giữa chức năng cấu trúc và hình thức văn học qua lịch sử thơ trữ tình chính trị từ thơ ca yêu nước đầu thế kỉ XX tới sáng tác của Tố Hữu. Xem: Trần Đình Sử - Thi pháp thơ Tố Hữu. Nxb Tác phẩm mới. H., 1987, tr. 24-95.