Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 15 tháng 11, 2017

Văn học miền Nam 54-75 (451): Trùng Dương (3)

Mưa không ướt đất

Năm 1956 tôi vượt tuyến vào đây với hai bàn tay trắng. Nói là vượt tuyến thì không đúng. Thực ra tôi vào đây với sự thỏa thuận của ông Hồ, sau khi chịu thế chân bằng những sản nghiệp tôi có dạo ấy. Nếu tôi không trở về thì coi như mất cả sản nghiệp đó. Cố nhiên là tôi chẳng dại gì trở về. Tôi ở lại đây, vay tiền buôn bán làm ăn và tạo nên cơ nghiệp như ngày nay. Năm nay tôi ba sáu tuổi đầu rồi mà vẫn chưa lập gia đình. Tôi không được may mắn như các anh các chị được học hành. Điều mà tôi ân hận là đã không làm sao mang được mẹ tôi vào để cùng hưởng với tôi...

Tiếng người đàn ông chủ nhà tan loãng vào trong bầu không khí cô tịch của buổi chiều nơi cư xá. Xa xa có tiếng trẻ con hát líu lo trong một cuộc rước đèn. Mặt trời đã lặn nhưng bóng tối chưa kịp buông xuống.

Thư dựa đầu vào thành ghế, lơ đãng nghe. Những âm thanh vội vã hấp tấp của người đàn ông có giọng nói đặc biệt của những người Bắc sinh sống trong các trại định cư, thỉnh thoảng có đá vào một đôi tiếng Nam với một pha trộn ngây ngô vụng về - những âm thanh ấy rơi xuống khô khan, không đủ khơi dậy một hào hứng nào. Thư xoải chân trong một dáng ngồi thoải mái, đôi mắt khép hờ nhìn về phía Phấn, góp chuyện một cách uể oải:

- Chưa lập gia đình, chắc tại anh còn kén đấy chứ phải không ạ?

Người đàn ông đối diện với Thư hơi có vẻ lúng túng. Duẩn quay nhìn Thư bắt gặp cái cười mỉm trên khuôn mặt trắng im lìm trong bóng chiều chạng vạng. Tự nhiên anh có cảm tưởng đó là khuôn mặt của một pho tượng. Cái ý nghĩ đó Duẩn có từ dạo quen biết Thư khi hai người còn học ở dự bị Văn khoa. Thuở ấy còn có cả Cương. Dạo ấy thật vui. Mỗi người đều như có điều gì muốn nói nhưng họ muốn nói lảng sang những chuyện khác để vui nhộn và quên đi những xao động mà chính họ không biết phải đặt tên cho chúng là gì. Duẩn, như tất cả những người đàn ông mập mạp khác, ưa giễu cợt, mặt luôn đỏ gay (có lẽ vì cười nhiều?) và không có ác ý. Anh quen với Thư qua lời giới thiệu của Cương. Về sau anh được biết hai người yêu nhau. Nhưng anh không hiểu được vì sao họ có thể yêu nhau, vì theo Duẩn nhận xét, họ như hai thái cực. Cương yếu ớt, hơi giống con gái, mặc dù nhiều lúc anh tỏ ra là một người trầm tĩnh - thực ra, Cương thiếu tính chất nóng nảy của một người đàn ông thật sự và vì người anh quá mảnh khảnh. Thư, ngược lại, tính nết cứng cỏi, hơi lạnh nhạt, mặc dù vẻ dịu dàng của những đường nét trên khuôn mặt và thân hình. Rồi Cương du học. Duẩn mất tin Thư. Bây giờ gặp lại, bắt chợt cái vẻ im lìm cố hữu trên nét mặt người con gái, Duẩn tưởng mọi sự chả thay đổi bao nhiêu. Có lẽ trông Thư trầm hơn, ở vẻ đẹp và lối nói chuyện. Ba năm rồi còn gì.

- Tôi đã gặp nhiều cô, nhưng họ làm tôi thất vọng. Tôi mong lấy được một người vợ làm cô giáo, làm cô giáo thì hẳn là biết dạy con hơn...

Duẩn cười trong cổ, có vẻ ngơ ngẩn:

- Thật hả anh?

Phấn, người chủ nhà cười hờ hờ. Thư tự hỏi không biết Phấn có biết là Duẩn đùa anh ta không. Thư có ý nghĩ mỗi lần gặp lại Duẩn, nàng thấy anh béo hơn và giễu hơn - phải chăng những người béo thường hay giễu? Thư không tin như vậy. Ông cụ nàng béo, nhưng ông chẳng giễu bao giờ. Lúc nào cũng lầm lì. Có lẽ ông không giễu được vì tuổi già và cái chết đang chờ ông. Những lúc về sau này ông đánh bạc nhiều hơn và thua đậm hơn, lầm lì và buồn bã hơn. Thư sống trong gia đình với cái bóng của ông đè nặng trong tâm hồn. Nói như vậy không có nghĩa là Duẩn hay giễu vì Duẩn trẻ và cái chết còn ở xa tầm tay anh.

Vài đứa trẻ cầm lồng đèn đi qua, gọi nhau ríu rít, mắt nhìn bọn người ngồi bên trong hàng rào, vẻ tò mò. Thư nhìn quanh lơ đãng:

- Có lẽ nên có vài cái đèn xếp treo lủng lẳng cho nó có vẻ...

Phấn bảo:

- Tôi quên mất vụ đó. Nhà có trẻ con thì tự nhiên mình nghĩ đến điều đó...

Giọng anh ta có vẻ bùi ngùi. Thư kiếm một cái cớ để đi ra ngoài. Nàng thấy thèm đi tung tăng - vẫn thèm đi tung tăng.

- Duẩn đi ra chợ Thủ Đức với tôi đi. Hình như nhà cũng không có đèn cầy phải không anh? Chả lẽ lại ăn và nhảy dưới ánh đèn tube hoặc trong bóng tối mò?

Duẩn:

- Định chơi lumière hay sao?

Tuy vậy anh cũng đứng dậy, bảo Khánh đưa chìa khóa xe và theo Thư ra ngoài. Một đôi người trong bọn ngồi hoặc đứng rải rác trên nền đất lẫn lộn gạch vụn và cát, hỏi Duẩn đi đâu đấy.

- Ra chợ mua đèn, Duẩn đáp.

Lúc hai người ra khỏi cư xá trời đã bắt đầu tối. Thư ngồi sát vào người Duẩn. Duẩn nhấn ga cho xe vọt đi. Con đường dẫn vào Thủ Đức cong cong. Những cây thánh giá trắng nhờ nhờ trong một nghĩa địa bên đường. Những ánh đèn dầu le lói trong một vài mái tranh. Tòa nhà cao của một trường đạo đối diện với những bức tuờng dài của trại lính bên kia đường. Chợ Thủ Đức tưng bừng dưới những ngọn đèn sáng. Những buổi chiều tan học kéo nhau lên đây cả bọn bốn năm đứa duy có mình Thư là con gái. Tại sao thích tham dự vào những buổi họp mặt của bọn con trai hơn là gần gũi với các bạn gái mà Thư thường cảm thấy quá e dè ngại ngùng? Duẩn nhớ rằng mình vẫn chỉ coi Thư là một người bạn trai, dù Thư là người yêu của Cương. Cương vừa thích có Thư tham dự vào những cuộc họp mặt này vừa không. Ở người con trai ấy có nhiều điều u ẩn và hơi lãnh đạm. Từ ngày anh đi ngoại quốc, trong những lá thư gửi về, Thư chợt “nhận ra” Cương. Người ta (không?) yêu người khác vì những tương đồng mà vì những điều có thể rất trái ngược. Thư sống như một con mèo hoang thì Cương khép mình trong khuôn khổ mực thước, hoàn toàn lệ thuộc gia đình. Cố nhiên chẳng phải vì người này hay người kia muốn thế, hay có muốn thì cũng chỉ một phần. Đứng trước Cương, Thư cảm thấy quá cô đơn nhưng không thể không yêu. Cương thương và yêu người con gái với một lý do gần giống thế.

- Thư nghĩ gì vậy?

Thư cười một tiếng ngắn:

- Ngày xưa dạo bọn mình thường kéo nhau lên đây ăn và bây giờ tôi thấy đói. Có lẽ mình nên ăn một cái gì đi.

Duẩn tán thành. Hai người vào một quán ăn trong chợ.

- Duẩn còn nhớ anh chàng Vĩnh không nhỉ?

- Nhớ, nhớ quá ấy chứ. Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp hắn ở phố.

- Còn sống với “ma-đàm” kia không không biết?

- Hình như còn. Không thấy nói đến. Hắn vào biệt kích rồi.

- Tôi không thấy ghét anh ta một mảy may. Tôi phục tài hoạt bát của anh ta. Làm sao mà anh ta đóng kịch giỏi thế?

- Thư còn nhớ một hôm anh ngồi ở trên xe đi chơi suối Lồ Ồ, anh ta giảng cho Thư nghe về danh từ “biên tế” không?

- Nhớ. Tôi chỉ thấy mơ hồ hơn sau khi nghe anh ta giảng - mơ hồ như... biên tế vậy! Nhưng tôi lại nghĩ những người học cao thường có một lối định nghĩ tối tăm nên tôi vẫn tin được. Đâu ngờ anh ta chỉ là một thứ mật vụ quá tài tình! Chính vì cái tài tình đó tôi lại thấy quí anh ta mới lạ chứ! Tôi còn nhớ một hôm anh ta cho tôi xem lá thư tình của một cô mà anh ta bảo là fiancée, cùng học lớp với bọn mình. Anh ta trỏ cho tôi cô gái ấy. Tôi cũng có dịp đứng ở xa nhìn thấy anh đi cặp kè và nói chuyện với cô nàng. Cô ta là một cô gái e lệ, tóc thề buông xỏa vai, lúc nào cũng ngậm góc khăn tay. Ở xa nhìn vào, làm gì mà không tin là nàng e thẹn trước vị hôn phu. Nghĩ cũng buồn cười. Tôi thấy thương bọn mình dạo ấy lạ, thương cái quá khứ hồn nhiên đến thơ ngây đó. Sau vụ phát giác đó, tôi thấy như có một mối nghi kỵ rơi xuống giữa bọn mình... Không biết Duẩn ra sao, tôi thấy Cương có vẻ buồn thành thật. Anh ta vốn sẵn tính đăm chiêu...

Những kỷ niệm kéo về chập chùng chập chùng và ô hợp. Giọng Duẩn trầm hẳn xuống:

- Cũng may hắn chưa khai thác gì được ở bọn mình. Mà nói cho ngay mình có hoạt động gì đâu mà khai thác?! Toàn một bọn chỉ đấu láo phất phơ...

Ừ tại sao mình chưa hề một lần tham dự? Mình sống như một kẻ đi dạo vậy. Một kẻ đi dạo không mấy chút hăng hái hay thảnh thơi. Làm như thể sinh ra thì phải sống, sống cho hết cuộc sống để chết. Và sống trở thành một bổn phận. Một bổn phận? Phải chăng tôi khất lần việc lấy Thục cũng chỉ vì sợ không dám chuốt thêm một thứ bổn phận nào khác? Tại sao không đủ can đảm hủy bỏ lễ đính hôn để cho Thục đi lấy chồng? Tôi không yêu nàng, không hề yêu nàng. Tôi không hủy bỏ lễ đính hôn vì có lẽ tôi chẳng đủ can đảm và cố gắng làm một việc như vậy. Tôi có hèn nhát lắm không? Tôi có bi quan không? Bạn bè thấy tôi cười nhiều - mặt tôi lúc nào cũng đỏ gay, hiện tượng của một người nhiều sinh lực? Buồn cười thật thôi! - chúng nó tưởng tôi không lo âu. Thực ra, tôi ngao ngán quá đấy thôi, ngao ngán hơn cả là mỗi bữa cơm tôi về nhà, thấy mâm cơm úp lồng bàn phần tôi trên bàn và mẹ tôi đi với một trăm hai chục quân, thằng em mười bốn tuổi bỏ đi lang thang. Chẳng có gì giữ tôi ở trong gia đình cả. Tôi cũng thiếu một cái điều mà tôi cho là đẹp và đáng theo đuổi ở ngoài đời. Tôi đi dạy như một cái máy, mê học trò con gái (một cách thầm kín cố nhiên vì bắt buộc thế) như một cái máy và không thấy điều đó là quan hệ, lê la các tiệm cà-phê quen tán dóc với tụi bạn như một cái máy, và đây chính là điều tôi cần. Duẩn nốc cạn ly ba ba, nhìn người con gái đối diện, đôi mắt cận thị không đeo kính - (Duẩn kỵ đeo kính cận) - hồn buồn bã...

*

Duẩn bước ra hiên, mở banh khuy áo ngực và thở ra: một ly sec làm anh chuếnh choáng. Thư ngồi bó chân trên bậc thềm, ngẩng lên, thấy anh, mỉm cười. Không biết có phải rượu làm Duẩn thấy Thư đẹp lạ thường hay vì khuôn mặt trắng của Thư hiện trong bóng mờ mờ trông đẹp như một pho tượng. Duẩn có cái cảm giác như một người sống ở ngoài thời gian. Mọi sự vật như ngưng đọng lại, ngưng đọng lại trên khuôn mặt im lìm của Thư. Anh hỏi mà như không nghe tiếng mình hỏi:

- Ngồi ở đây à?

- Trong ấy ngột ngạt quá.

- Có lẽ vì thế mà vừa nhảy với tôi cô Thủy vừa quạt... Cũng có lẽ cô ấy quạt hơi rượu...

Thư cười nhẹ, ngồi nhích sang một bên khi thấy Duẩn ngất ngưởng bước xuống khỏi thềm nhà. Tự nhiên Duẩn có cái ý thích ngồi dưới chân Thư. Điều đó gây cho anh một cảm giác vỗ về. Điều đó làm cho Thư cảm thấy diệu vợi...

- Còn nói được như vậy à?

Duẩn ngơ ngẩn một lúc, rồi bật cười:

- Thư tưởng tôi say à?

Thực sự là Duẩn chuếnh choáng. Mấy lần trong khi ôm Thủy, anh giẫm phải chân nàng. Duẩn tưởng tượng lại lúc ôm Thủy trong vòng tay. Ở Thủy có một vẻ mộc mạc của một cô gái miền Nam. Nàng không tỏ vẻ bực bội mỗi lần Duẩn giẫm phải chân, cũng như Duẩn coi việc nàng phe phẩy chiếc quạt trên tay là một điều thú vị. Ý nghĩ đó làm cho Duẩn bật cười một mình.

Bên ngoài, tiếng hát của bọn trẻ rước đèn quanh cư xá đã ngưng từ hồi nào. Trăng đã lên cao. Ánh sáng như có màu xanh. Trước giậu, vài ba cái đèn xếp bị cháy xém còn treo lủng lẳng.

- Trông Thư có vẻ buồn?

Duẩn rút điếu thuốc xòe lửa châm hút. Anh đưa bao thuốc mời Thư. Nàng mỉm cười lắc đầu:

- Tôi bỏ thuốc từ gần mấy tháng nay vì tự nhiên sợ mùi khói thuốc.

- Tôi hút có phiền không?

- Không, không...

Thư nói như cố không nói ra một điều mà trong thâm tâm nàng muốn nói, muốn khoe, với tất cả sự hân hoan. Duẩn cất bao thuốc vào túi áo, thở ra từng vòng tròn khói nhìn theo chúng uốn éo dưới ánh trăng thành từng sợi mỏng dài và tan loãng. Một sự im lặng bao quanh hai người. Tiếng một bản nhạc có tên Adieu Tristesse từ trong phòng vẳng ra hòa lẫn tiếng giày đi trên sàn nhà của những người khiêu vũ. Máy hát cũ quá. Tiếng kèn nghe rè rè.

- Bao giờ thì mình có thể “adieu tristesse” được?

Thư lên tiếng. Duẩn quay lại (anh có giọng nói hơi cao, như có một cái gì vừa gay gắt vừa giễu cợt ở trong đó), nhìn dáng Thư chao động:

- Hết buồn thì còn vui thế quái nào được!

- Nói là nói vậy thôi... Nỗi buồn thực ra tô điểm cho cuộc sống...

- Tối nay Thư vui chứ?

- Vui. Và thanh thản nữa... mặc dù bữa tiệc có phần nào luộm thuộm. Tôi tưởng Duẩn quen với anh Phấn.

- Quen gì. Tôi mới biết ông ta sáng nay.

- Nhân vật ấy cũng hay hay.

- Bây giờ ông ta chỉ thiếu có một cái, là một cô vợ có học thức một chút để cho ông ta có cái cảm giác là mình cũng có dính dáng tí chút trí thức.

Thư cười một tiếng ngắn:

- Kể ra việc đó đâu khó gì, đối với một người có của như ông ta. Nghĩ cũng buồn cười. Không biết ông ta nghĩ sao... Theo tôi, báu gì cái trí thức, nhất lại là một người đàn bà trí thức.

Duẩn quay nhìn Thư:

- Sao có vẻ chửi bới ghê thế?

- Nhiều khi tôi có ý nghĩ giá đừng học, đừng đọc nhiều, mình lại sống dễ hơn. Suy nghĩ lắm đầu óc đâm trì trệ. Lỡ rồi, đành chịu. Tôi có con, sẽ để nó sống hồn nhiên, như cây cỏ... Nói vậy, cũng khó làm như mình muốn. Có thể, rồi thế hệ con mình sẽ khác, không như bọn mình. Nhiều lúc tôi có cảm tưởng thế hệ bọn mình sinh ra để chịu một cuộc thí nghiệm...

- Thư nói như thể là Thư sắp có con rồi ấy!

Thư bỗng im, xúc động. Một lát nàng cười nhẹ:

- Tôi sắp có con thật, chẳng phải “như thể” đâu.

Duẩn không tin. Thư cảm thấy không thể không bộc lộ niềm vui vẫn lo âu của mình với Duẩn.

- Không tin tôi nói thật à? Hai tháng rồi...

Thư nói giọng run run, nhưng vẫn cố giữ vẻ bình tĩnh. Duẩn nhìn Thư, vẻ ngạc nhiên pha lẫn nét vui mừng trên khuôn mặt. Anh đặt tay lên bụng Thư giản dị, tự nhiên như Thư là người yêu của anh, và dường như đó là điều anh mong đợi.

- Thế... sao trông Thư... tỉnh thế?

Hỏi xong, Duẩn mới thấy mình có vẻ ngây ngô. Giọng Thư ráo hoảnh, thật nhỏ:

- Không tỉnh, thì say à?

Duẩn rút tay về, nói như nói một mình:

- Vui nhỉ?

Trong phút giây, Duẩn có cái ao ước được úp mặt vào lòng Thư và được Thư lùa những ngón tay vào trong tóc anh, cái cử chỉ của những người yêu nhau thường làm. Nhiều lúc cảm thấy quá thiếu thốn. Duẩn cần một thứ tình yêu pha lẫn tình bạn trong đó. Điều đó nghe thật giản dị. Nhưng sao trong thực tế thật hiếm.

Duẩn nghĩ đến Thục. Mặc dù đã đính hôn với nhau, Duẩn vẫn nghĩ đây là một việc làm trái với ý muốn của anh. Tại sao Thư không là Thục nhỉ? Và tại sao Duẩn không là người đàn ông đã cho Thư đứa con nhỉ? Duẩn lẩn thẩn tự hỏi. Tiếng Thư nghe xa vắng:

- Tôi giữ đứa nhỏ lại, dù tôi biết mình sẽ phải trả một giá rất đắt. Tôi nghĩ biết đâu sự có mặt của nó sẽ thay đổi cuộc sống và những suy nghĩ của mình phần nào chăng? Có thể nó sẽ là sợi dây ràng buộc tôi vào cuộc sống mà nhiều lúc tôi thấy quá chán ngán?...

Thư cảm thấy bị lôi cuốn bởi chính những điều nàng vừa nói ra. Mình có đang ngụy biện? Nàng thầm hỏi. Thực sự Thư không biết những gì đang chờ đón mình ở cuối cùng chặng đường này. Mặc, nàng cứ dấn bước.

Duẩn cảm thấy bất cứ câu hỏi nào đặt ra bây giờ cũng là thừa. Anh hút hơi thuốc cuối cùng, khum hai ngón tay cái và ngón giữa, búng điếu thuốc văng ra xa sang bên kia hàng rào, điếu thuốc đụng phải bức tường của ngôi nhà trước mặt, những tia lửa tóe vỡ như từ một quả pháo bông tí hon, và rơi xuống trong đám cỏ dưới chân tường. Anh đứng dậy:

- Thư vào nhảy với tôi bản này đi?

- Không. Tôi muốn ngồi nghỉ. Tôi muốn được yên tĩnh. Duẩn vào nhảy đi.

Duẩn tần ngần một lát, rồi quyết định đi vào nhà:

- Tôi đi kiếm rượu uống... Thư uống một ly nhé?

Tiếng Duẩn ngập đi trong tiếng nhạc dồn dập ồn ào...

*

Chiếc xe rời đường Võ Di Nguy rẽ qua đường Chi Lăng. Trời về khuya, đường phố xe cộ thưa thớt. Thư tưởng tượng cách đây vài tiếng, từng bầy trẻ náo nức cầm đèn lồng đi tung tăng trên các đường phố, và trên những sân thượng, từng mâm cỗ trông trăng được bày ra với bưởi, cam, hồng, bánh nướng bánh dẻo, và những con giống xinh xắn đủ màu. Xa rồi những ngày rằm cùng anh chị em náo nức mua sắm. Thư nhớ lại mùa trung thu dạo nào, mấy bố con xúm lại làm một cái đèn kéo quân. Thư có bổn phận vẽ và cắt những hình người - những hình người vẽ lại những mẫu chuyện cóp nhặt trong thần thoại cổ tích. Ông Lư và Thức vót tre làm đèn và dán giấy. Đèn đốt lên, ba vòng tròn đầy những hình người quay tròn quay tròn. Bố con cùng ngắm tác phẩm hoàn thành và đang sinh hoạt. Cô bé Lọ Lem đuổi theo nàng Bạch Tuyết và những chú lùn nối đuôi cô bé quàng khăn đỏ, xen vào đó là những nàng công chúa thủy cung nửa người nửa cá, những hoàng tử cưỡi ngựa uy nghi... Cả một thế giới thần thoại được dựng lên, đúc kết, sống động. Bây giờ là những buổi tối trống rỗng cần sưởi ấm bởi một ngọn lửa từ bên ngoài, từ những người bạn, từ một vòng tay của người khác phái. Nhưng những tìm kiếm đó chỉ khơi thêm lỗ hổng cô đơn. Vẫn mặc. Như bị lôi cuốn bởi cơn thác lũ, Thư vẫn tiếp tục lao đầu vào, với một đam mê cuồng nhiệt không tên. Bất giác Thư đặt tay lên bụng. Giọt máu này cũng giống như cơn đam mê kia. Nó chưa có hình dạng, chưa có giống, chưa có tên gọi. Và chưa được nhìn nhận bởi một ai ngoài người mang nó. Và Thư nhìn nhận nó với một nỗi ngây ngất kỳ diệu. Phải chăng đó chính là cái bản năng đầy nữ tính? Cử chỉ của Thư làm Duẩn thôi nhìn về phía trước quay nhìn theo bàn tay của Thư rồi nhìn Thư, mỉm cười. Thư tìm đọc trong nụ cười đó một ý nghĩa. Nàng chỉ thấy trong đó một sự bao dung có pha lẫn vẻ lạ lùng.

- Nó... đạp chưa?

Duẩn hỏi nhỏ vừa đủ cho Thư nghe. Thư lắc đầu, cười nhẹ:

- Làm gì mà mau thế?

Phấn im lặng lái xe không nghe những lời đối thoại giữa hai người. Với hắn, buổi họp mặt vừa rồi coi như lui vào dĩ vãng. Hắn không đạt được điều mà hắn mong muốn, là tìm được một cô vừa ý hắn. Có lẽ hắn thích Thư. Khuôn mặt có vẻ trong sáng. Cái nhìn khôn ngoan lanh lợi. Lối nói chuyện chứng tỏ người có học. Tính nết thâm trầm. Nhưng từ lúc Thư nhận lời đi với Duẩn, hắn tự ý loại nốt Thư khỏi đầu óc.

Thư cảm thấy bàn tay Duẩn vỗ vỗ nhẹ lên vai nàng. Và chiếc xe rẽ vào một ngõ hẹp đường Chi Lăng. Đường hẻm vẽ một hình cong, vắng ngắt, không một ánh đèn. Lờ mờ một vài bóng cây màu đen sậm. Chiếc xe quẹo thêm một lần nữa về tay trái và nằm lọt giữa hai dãy nhà có những bức tường cao, vôi loang lổ, ít những khung cửa sổ. Hẻm có vẻ một nơi gồm những xưởng - xưởng gì Thư không rõ - nhưng Thư có cảm tưởng như vậy. Vành trăng hiện ra trên bờ một bức tường cao đổ xuống lòng hẻm một ánh vàng nhạt mờ mờ. Thư có cảm giác đang đi vào một thế giới xa lạ không tên gọi. Điều đó gây cho Thư một thích thú như người tham dự vào một cuộc phiêu lưu. Thư có thể hỏi Phấn và sẽ được giải thích. Nhưng nàng im lặng để giữ cho mình cái cảm giác ban đầu. Thư cũng có thể bảo với Phấn và Duẩn nàng muốn về nhà và nàng sẽ trở về nhà, sẽ dùng chìa khóa riêng mở cửa, sẽ bỏ giày leo lên căn gác nhỏ bé thiếu khí trời, sẽ thay quần áo trong im lặng, sẽ nằm sấp trên chiếc giường sắt một người của nàng và sẽ tiếp tục nghe ngóng cái sự sống nhỏ bé đang nẩy mầm trong thân thể nàng với một niềm lo-âu-pha-lẫn-thích-thú-riêng-tư-không-chia-xẻ, không-thể-chia-xẻ. Nhưng một sức lôi kéo làm Thư vẫn cứ tiếp tục yên lặng. Bất giác Thư tự hỏi mà mình mong mỏi gì ở họ, ở Duẩn chứ? Thư biết rằng nếu nàng cứ tiếp tục im lặng, như thế có nghĩa là ngày mai trở về nhà, nàng phải chịu đựng cái nhìn trách móc và dò hỏi của bà Lư. Tại sao từ bao giờ đến giờ hai mẹ con vẫn vô cùng cách biệt? và dường như bà Lư cũng chẳng tỏ vẻ buồn bã, hay ít ra, ý thức về sự cách biệt này. Bà chỉ có một mối bận tâm: đi nhà thờ và cầu nguyện, cầu nguyện như một cái máy cho bà và cho phần hồn của cả gia đình đang dần dần phân tán, mỗi người một ngả. Từ đó Thư có ý tưởng cầu nguyện là một chứng tỏ của sự bất lực. Và Thư khước từ sự bất lực đó. Thư muốn được tin tưởng ở tương lai, tương lai của cuộc sống này, chẳng phải cuộc sống ở bên kia cõi sống phân cách bằng sự chết.

Phấn cho xe dừng lại trước một khung cửa sắt. Ánh đèn từ bên trong hắt ra đổ dài trên mặt hẻm thành một vệt sáng mờ. Một con chó bẹc-giê từ bên trong nhảy xô ra sủa vang. Âm thanh chát chúa như chợt đánh thức Thư dậy cùng với tiếng máy xe vừa tắt ngấm. Không gian tĩnh mịch của con hẻm bị xé toang, kéo theo vài tiếng sủa khác đáp lại từ xa. Phấn mở cửa xe xuống, quát khẽ:

- Ky Ky! Im nào! Đi vào trong nhà!

Con chó nghe tiếng chủ, im bặt, nhưng vẫn còn gầm gừ trước hai người khách lạ lúc ấy cũng vừa bước xuống xe. Tiếng giày đi, lết trên sàn xi-măng. Phấn loay hoay mở cửa sắt. Tiếng chìa khóa xoay trong ổ khóa và đọan xích sắt đập vào cửa vang lên những tiếng động khô khan. Con chó quýnh quít đập đuôi phía bên trong. Nhưng cửa vừa mở nó thoát ngay ra ngoài. Phấn quát gọi:

- Ky Ky! Đi đâu? Vào nhà mau!

Con chó không nghe, làm một vòng quanh chiếc xe đậu trước cửa rồi cuối cùng theo ba người vào nhà, lúc quấn bên chân chủ, lúc theo đánh hơi hai người khách. Thư bước chậm chậm, nhìn những khung gỗ la liệt trong ánh đèn vàng kệch hắt lại từ một ngọn đèn tù mù treo lủng lẳng cuối xưởng. Nàng đoán chừng đây là một xưởng dệt. Đồ đạc lộn xộn chật chội. Phấn bước vội vào phía trong bật thêm một ngọn đèn nữa rồi trở ra loay hoay tra chìa khóa vào ổ khóa một cái cửa ăn thông sang căn bên mặt. Thư đứng lại trong bóng tối. Bây giờ nàng mới cảm thấy mỏi rã rời, chỉ muốn được ngả lưng xuống một cái giường nệm nào đó. Nàng ngó Duẩn lúc ấy đang nhìn quanh dáo dác, vẻ chán chường. Tuy nhiên Duẩn đã có vẻ tỉnh táo hơn lúc ngồi ở tiệm cà-phê. Anh thọc tay vào túi tìm diêm quẹt lửa châm điếu thuốc. Bàn tay run run. Ánh sáng rung động hắt lên khuôn mặt nhiều thịt, lúc nào cũng đỏ gay của anh và mái tóc bơ phờ. Các bạn thường gọi đùa Duẩn là “Tây say”. Duẩn nhận biệt hiệu đó không phản kháng, không buồn phiền một cách dễ dãi như anh đã dễ dãi chấp nhận nhiều sự việc khác, như việc đính hôn với Thục, chẳng hạn. Tất cả chỉ là một lô những sự tình cờ đến nỗi đôi khi làm Duẩn ngơ ngác mỗi lần nghĩ lại. Duẩn còn nhớ những lý lẽ người ta đưa ra để buộc anh phải làm lễ đính hôn với Thục. Giá Duẩn đừng ra thăm Thục khi nhận được điện tín của nàng báo tin mẹ nàng chết... Thật ra mùa hè đó Duẩn cũng muốn có một lý do để rời Sài Gòn. Những người như Duẩn có thể làm bất cứ việc gì, đi bất cứ nơi nào không cần lý do. Nhưng đôi lúc để thi vị hóa cho một chuyến đi, Duẩn mong có một cái cớ. Và không có cái cớ nào mà lại thi vị cho bằng ra thăm người yêu và chia xẻ với người yêu nỗi buồn mất mẹ. Sự hiện diện của Duẩn trong đám tang đó ngày hôm sau được truyền đi khắp cái thành phố nhỏ bé nơi ông cụ thân sinh ra Thục giữ một chức vụ quan trọng, để rồi tiếp đó là một cuộc đính hôn giữa Duẩn và người con gái hơn anh đến ba tuổi. Vì thể diện của gia đình Thục và cá nhân Thục, Duẩn về Sài Gòn với chiếc nhẫn đính hôn trên ngón tay mà bà cụ Duẩn đã nghiêm trang đeo vào tay anh, chiếc nhẫn cưới của bà. Bà mẹ anh lại quí Thục vì tính nết hiền lành, ngoan ngoãn. Duẩn chỉ ý thức một điều là anh không thể yêu Thục và ngược lại anh không thể làm trái ngược với ý muốn của mẹ anh. Anh thường ngơ ngẩn mỗi khi nhắc lại cuộc đính hôn bất đắc dĩ này. Duẩn chỉ còn một cách là kéo dài thời kỳ đính hôn để có thể tự do sống với mấy người bạn trai mà anh thương hơn bất cứ ai, ngoài mẹ anh, ở trên đời, kể cả những người con gái mà anh đón nhận bằng một đam mê cuồng nhiệt nhưng chỉ trong một thời gian ngắn ngủi vài ba tháng để rồi lại nguội lạnh. Mặc dù Duẩn ý thức mình sống không thể không đam mê một hình bóng, nhưng đồng thời không thể sống mãi với một đam mê. Duẩn nghĩ mình là một nguời tình nhân không chung thủy song không thể không yêu đương. Cái gì đã thúc đẩy Duẩn muốn đổi mới mãi? Có lẽ vì mỗi ngày anh mỗi phải tiếp xúc với bầy học trò con gái lúc nào cũng náo nức trong lứa tuổi dậy thì, những người con gái mang đầy sức sống, những người con gái chứa đựng trong họ sự tươi mát mà cuộc sống nhàm chán và tù túng đang tước đi dần ở người con trai hai nhăm là anh, là những người bạn đồng nghiệp còn trẻ của anh. Chỉ ở họ, ở những người con gái mới lớn, nhiều mơ mộng ấy còn mang cái nguyên vẹn, không âu lo về thời cuộc về trận chiến đang cướp đi dần của anh những người bạn, những người bạn hôm nay còn cười nói trong một kỳ nghỉ phép, ngày mai ngày mốt đã nghe tin chết hay bị cụt tay cụt chân trong một trận đánh nào đó trong trăm ngàn những trận đánh đang diễn ra mỗi ngày. Tuy nhiên Duẩn cũng tự hào là anh chưa để khổ cho một người con gái nào. Bởi tình yêu của anh dành cho họ đến mau rồi cũng rụng mau, trước khi nó đưa đến những liên hệ sâu xa. Điều mà anh quan tâm, mà anh tha thiết, vẫn là những người bạn trai, cái đám bạn trai còn sót lại, đi học, đi dạy, tụ họp, đấu hót, giễu cợt - nhất là giễu cợt - và càng giễu cợt mỗi khi cuộc sống dồn họ vào ngõ bí, khép họ vào những mặc cảm nặng nề, không lối thoát, hoặc có, thì cũng là một ngỏ thoát để rồi lại rơi vào một bế tắc khác. Thỉnh thoảng, một đôi người trong bọn anh, như Cương, may mắn, có một lối thoát không phải là lên đường nhập ngũ, mà là du học. Và trong những lá thư họ gửi về, Duẩn đọc thấy một chán nãn khác mọc rễ, một thứ mặc cảm khác nẩy sinh. Trong bọn có người, như Quảng, đi xây dựng lại một mớ giá trị đã bị vuột mất, đã bị giễu cợt hóa, bằng cách đi xa, nhận việc huấn luyện những lớp người từ các nông thôn về theo học các lớp đào tạo một căn bản chính trị, tại Vũng Tàu. Quảng đã thành công một phần nào trong việc đi tìm lại những giá trị cần thiết đó. Nhưng phải nhận là Quảng trước đó, vẫn còn ít nhiều quan niệm đứng đắn trong đầu, nhờ giáo dục của ông bố. Duẩn bỗng nhớ đến cái nhìn tha thiết của Quảng lúc anh quyết định lên xe với Thư về đây và nhờ Quảng sáng mai đến trường xin phép hộ. Duẩn, mày về tao ngủ đi sáng mai mọi sự sẽ bình thường lại, hoặc mày sẽ đi dạy, hoặc mày sẽ nghỉ và ở chơi với tao. Duẩn nói như gắt, sáng mai nếu tao chưa về kịp mày cứ đến trường bảo là tao ốm, tao chán lắm nếu mai phải nhìn mặt tụi học trò, vì thực sự tao cũng đang chán tao nữa đây này. Khi Duẩn nói điều đó Duẩn nghĩ là đêm nay sẽ được nằm trong vòng tay Thư, có thể chỉ nằm trong vòng tay Thư hoặc anh sẽ ôm Thư vào vòng tay vuốt tóc nàng, an ủi nàng để nghe như chính mình an ủi mình. Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây. Duẩn có cảm tưởng từ mấy năm nay quen biết với Thư, lần đầu tiên anh biết nàng. Lúc ấy Thư im lặng trong xe nhìn Duẩn và Quảng dằng co nhau trên hè đường sau khi cả bọn ra khỏi tiệm cà-phê. Cuối cùng Duẩn lên xe, đóng cửa lại, bảo Phấn anh cứ lái đi. Phấn cho xe chạy đi. Tiếng Quảng gọi với theo Duẩn và mất hút ở phía sau. Có lẽ chính Quảng cũng đang cần sự có mặt của Duẩn. Qua tấm kính chiếu hậu, Duẩn thấy Quảng lầm lũi băng qua đường. Tự nhiên Duẩn thấy thương Quảng xót xa.

Phấn xô cánh cửa mở rộng. Duẩn bước theo Phấn vào phòng. Căn phòng bừa bãi những sổ sách và thư từ. Đằng cuối phòng có một khung cửa che rideau thông vào một căn buồng phía trong, Duẩn thả người xuống một chiếc ghế xa-lông kiểu cũ không có nệm đặt ngay chỗ ra vào, thở ra, đôi mắt nhắm lại. Phấn bật đèn ở trong buồng trong rồi quay ra nói với Duẩn:

- Trong này có giường màn, anh với cô Thư có thể nằm nghỉ.

Duẩn ôm lấy đầu bắt đầu nặng chình chịch. Mỗi lần uống rượu vào, Duẩn thường bị nặng đầu khi cơn say bắt đầu nhạt. Biết vậy nhưng Duẩn vẫn không thể không uống.

- Anh nhức đầu à? Có thuốc đấy. Hồi nãy uống có nhiều không? Nhảm quá. Lẽ ra phải có soda. Tôi quên khuấy mất chỉ vác có chai whisky lên... Để tôi lấy thuốc anh uống.

Duẩn xua tay, nói và cảm thấy xa lạ với giọng mình:

- Không sao đâu. Anh cứ để bọn này tự nhiên. Làm phiền anh quá đi.

- Có gì mà phiền. Bây giờ tôi để hai người ở đây. Cần gì cứ tự tiện. Có nước lạnh ở phía sau...

Thư bước vào phòng ngồi xuống trên chỗ tì tay của chiếc ghế Duẩn đang ngồi bóp trán:

- Anh không ở lại với tụi này? Anh đi đâu bây giờ? Giọng nàng bình thản, hơi mệt mỏi.

- Không, tôi phải trở về Thủ Đức.

- Bây giờ có lẽ đã tới giờ giới nghiêm anh về tận Thủ Đức, làm sao kịp?

- Kịp mà. Mới có mười một giờ rưỡi. Cô đi ra phía sau với tôi, tôi chỉ cho một vài nơi cần thiết...

Thư rời chỗ Duẩn, đặt chiếc ví tay lên mặt bàn, bước ra sau với Phấn. Phía sau là một cái xưởng lớn hơn chiếm cả hai căn, nhưng trống hơn. Những khung cửi đặt ngổn ngang. Thư ngước nhìn mái nhà cao, xung quanh gần như không có gì che đậy từ mép tường cao hai thước lên đến mái. Phấn trỏ tay về phía một khung cửa nhỏ nằm tận cuối xưởng:

- Nếu cô cần đi ngoài, lại đó...

Thư nói cám ơn anh. Thấy nàng nhìn cái máy điện đặt ở giữa xưởng, Phấn giải thích:

- Ở đây chúng tôi dùng điện để chạy máy.

Thư bắt gặp cái cảm giác lạc lõng giữa khung cảnh của một xưởng dệt vào lúc ngưng hoạt động. Nàng thấy mệt mỏi. Thoạt tiên là một bữa tiệc, rồi Duẩn say rượu và yêu cầu nàng ở lại với anh. Thư nhận lời với ý nghĩ là Duẩn đơn độc và cần sự có mặt và săn sóc của nàng. Thư đã từng có những lần say rượu nhưng lần say rượu làm Thư nhớ hơn cả là hôm đi ăn với Cương và Duẩn sau khi tan học ở Văn khoa. Lâu rồi. Hôm ấy Cương đã thức cả đêm với Duẩn, để săn sóc cho nàng. Trong cơn nửa say nửa tỉnh Cương đã hỏi nàng nhiều lần lý do khiến nàng khóc sướt mướt trong khi say. Làm sao có thể nói được? Một nỗi cô đơn thình lình úp chụp xuống và tôi bị mất hút trong đó, và cái thế giới vô thức trong phút chốc được cởi tung như một đoàn quân ô hợp kéo vây kín mọi ngả tâm hồn. Từ đó mở đầu cho một rạn nứt trong tình yêu giữa Cương và tôi. Tôi tưởng sự có mặt của mình có thể làm gì được cho Thư nhưng bây giờ tôi thấy rõ là mình chẳng làm được gì cả tôi bất lực hơn tôi tưởng. Thư cố níu kéo, anh nhầm rồi em không thể nói chẳng phải vì cố tình muốn giữ cho mình sự riêng tư, lỗi không ở anh, đừng nói như vậy. Nhưng dù muốn dù không, họ đã xa nhau. Một hôm, Cương đến cho Thư biết anh sắp đi Pháp. Họ trải qua với nhau một ngày trong dịp Cương có việc phải đi Kiến Hòa và đến rủ Thư đi cùng cho biết. Thư vẫn thích những chuyến đi xa gọi là “giang hồ vặt” như vậy. Thư nhớ lúc hai người ngồi ở bờ một cái hồ ở Kiến Hòa và tưởng tượng như đó là hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội - cái kỷ niệm cuối cùng họ có với nhau trước khi Cương lên đường sang Pháp. Chúng mình đã ngu xuẩn đâm đầu đi tìm cái tuyệt đối. Nhưng lạ là tôi chẳng hề hối tiếc. Mỗi một vấp ngã của tuổi trẻ là một kinh nghiệm, một kỷ niệm đáng yêu, nó giúp cho cuộc sống thêm sâu thêm phong phú. Có lẽ một đôi khi tôi thèm cái tuổi trẻ bình thản của nhiều người con gái bình thản và an phận. Nhưng tôi cũng còn kiêu hãnh về cuộc sống nhiều gai góc của tôi hơn. Phải chăng vì điều đó làm tôi thấy tôi là “một-người-nào-đó” chẳng thuộc về cái số đông?

Thư quay lại:

- Xưởng này của anh?

- Vâng.

- Ở tuổi anh mà gây dựng được một cơ nghiệp như thế này, thật là giỏi. Bọn chúng tôi bị chữ nghĩa, sách vở làm mụ đi và mất hẳn vẻ hoạt bát linh động cần thiết...

Phấn nói:

- Nhưng cô và các bạn cô có tuổi trẻ, có học thức...

Phấn có vẻ thành thực mến phục bọn Thư. Thư bật cười lên một tiếng ngắn, nói và biết là chẳng bao giờ Phấn nghĩ và thông cảm với điều nàng nói:

- Tuổi trẻ và học thức như bọn tôi mà làm gì, hả anh? Ra đời, có lẽ còn thua những người tháo vát như anh.

Thư bắt gặp một nỗi chua chát. Hình như chính mình cũng còn thích làm ra vẻ chua chát như vậy nữa? Thật khôi hài. Mình có đang sống thực tại hay thật ra đây chỉ là một lớp kịch? và Thư cũng ý thức là tra hỏi xem mình có thực không, chỉ làm cho mình trở nên không thực, mơ hồ hơn.

Thư hỏi mượn Phấn khăn mặt. Gã đàn ông sốt sắng một cách không ẩn ý, chạy đi lấy khăn mặt và không quên mang ra cho Thư một bánh xà-phòng thơm.

Thư nói: - Cám ơn anh. Thật phiền anh quá!..

Rồi nàng nói luôn, không đợi Phấn lên tiếng:

- Có lẽ Duẩn vẫn còn say. Duẩn là bạn thân với tôi từ dạo ở Văn khoa. Tôi không muốn để Duẩn nằm một mình đêm nay...

Thư ngừng lại, bỗng thấy sự lố bịch của mình. Việc gì phải phân trần với Phấn? Đêm nay mình sẽ trải qua một đêm ở đây với Duẩn, ngày mai rời đây, không tìm hiểu không cần tìm hiểu nơi này, và gã đàn ông này rồi sẽ chẳng bao giờ mình gặp lại, hắn không có gì để mình lưu luyến bận tâm, thì việc gì phải phân trần làm chi vô ích? Thư múc nước, xấp tay cho ướt rồi xát xà-bông và rửa tay. Nàng tưởng tượng khi vục nước lên rửa mặt, mùi thơm của xà-bông còn vương lại trên hai bàn tay sạch sẽ sẽ tỏa ra ôm lấy khuôn mặt mệt mỏi của mình, và làm dịu đi những suy nghĩ day dứt đang xâm chiếm tâm tư nàng. Thư rửa sạch nước xà-bông ở tay, múc một gáo nước khác và thực hiện ý nghĩ trên. Nước lạnh thấm vào da mặt, thấm vào đầu óc, thấm vào tâm hồn! Nàng nghe người nhẹ nhõm. Nàng muốn cứ tiếp tục vục nước lên mặt như vậy hoài hoài. Thư nhớ có một dạo nàng thích tắm buổi sáng, và ra phố với những hạt nước lấm tấm trên da thịt. Từ cái ý thích đó, ở nàng nảy sinh ra cái thú đầm mình dưới mưa cho nước mưa ngấm vào tận tâm tư. Nhưng từ hai tháng nay, Thư mất thói quen tắm sáng. Nàng đâm sợ nước.

Tiếng giày của Phấn đi lên đi xuống thu xếp một vài vật dụng. Có tiếng hắn bảo Duẩn đi rửa mặt cho mát. Tiếng Duẩn đáp lại vâng anh mặc tôi, phiền anh quá bây giờ anh lại về Thủ Đức à. Tiếng Phấn đáp thường tôi về trên ấy ngủ đêm, nhưng nhiều khi bận công việc tôi cũng ngủ lại dưới này, anh thấy bớt chưa. Dạ cũng khá ạ. Tiếng Phấn, chắc hồi nãy ở tiệm cà-phê anh ói ra hết. Duẩn nói vâng cũng nhờ ói ra hết với ly nước chanh nên mới khá thế này, không hiểu sao lần này tôi uống rượu tồi thế, bậy thật. Phấn nói may mà lúc nãy không gặp gió; anh có nóng cứ bật cái quạt này nó tự động, mà cứ chạy một giờ thì nó ngừng lại, tôi gắn thêm cái đồ tự động này để đề phòng đêm mình có ngủ quên đi cũng không sợ, à tôi dặn anh và cả cô Thư đừng đụng gì đến những lọ thuốc này của tôi. Duẩn hỏi sao thế anh. Phấn nói dặn là dặn phòng hờ vậy vì có thể nguy hiểm. Duẩn cười, được mà anh yên trí...

Thư đổ gáo nước xuống hai bàn chân trong khi dùng khăn mặt lau khô nước trên da mặt, và cọ hai chân vào với nhau gượng nhẹ, cố không gây tiếng động. Phấn trở xuống nhà:

- Tôi phải xem xét lại một vài thứ máy móc xem buổi chiều họ đã tắt đi chưa...

Tiếng giày của Phấn đi về phía cuối xưởng. Thư chống tay lên miệng lu nước, một nửa người nghiêng về phía trước, nàng soi bóng mình trong nước. Mái tóc xõa về phía trước. Mặt nàng là một khoảng tối tăm. Trong cái khoảng tối tăm ấy, những ý nghĩ ngổn ngang. Mình đến đây trong đêm nay, làm gì nơi nầy. Nơi đây là sự xa lạ. Duẩn cũng trở thành một kẻ xa lạ. Thư nhớ lại ngày nào còn có cả Cương. Bây giờ hình ảnh đó không còn đủ sức gợi cho nàng dù một chút thương nhớ. Lâu quá rồi. Sau Cương đã có những khuôn mặt khác đến thay thế. Họ đến rồi đi như những cái bóng. Thư chấp nhận dễ dãi và cũng dễ dãi buông lỏng vòng tay khi thấy đã đến lúc không thể lưu giữ. Buồn chán ngập tràn, tình yêu chẳng phải là một phép mầu. Nhưng mình vẫn cố sục sạo tìm kiếm ở mỗi một người đàn ông - tìm gì? một mảnh bản ngã chưa chịu tìm lấy đường về? Cũng phải có một thay đổi nào đó. Thư đã lựa chọn, dù biết rằng mình sẽ phải trả một giá rất mắc về sự hiện diện của đứa con trong tương lai. Vả lại, có gì đâu mà phải băn khoăn kia chứ? Thư mơ hồ cảm thấy như chính mình cũng muốn nhận một thử thách. Thư nhớ dạo còn ở bậc trung học, mỗi lần phải lựa một trong những đề tài giáo sư ra, Thư thường chọn những đề tài khó và phức tạp. Đôi khi phải bỏ dở và lựa một đề tài khác dễ hơn. Nhưng Thư biết lần này không thể bỏ cuộc. Thư đã đánh cuộc và nàng sẽ phải đi đến cùng. Phấn trở ra, móc túi đưa cho Thư mớ chìa khóa:

- Tôi đưa cho cô chìa khóa cổng sắt. Sáng mai khi rời đây cô mở cổng rồi để chìa khóa lên nóc cái hộp đựng công-tơ điện ở bên tay mặt - tôi sẽ chỉ cho cô thấy cái hộp đó - rồi cứ thế dập cửa vào. Nếu mấy người thợ của tôi lại, cô cứ để cho họ vào nhưng nhớ là để chìa khóa nơi tôi dặn cô...

Thư gật đầu nói vâng vâng. Hai người cùng lên nhà. Thư có ý nghĩ giá hồi nãy cứ đóng kịch với Phấn và biết đâu... Nàng mỉm cười với ý nghĩ đó. Hắn có của nhưng không phải là type người của mình và nhất là hắn có nhiều cái tinh ranh nhỏ nhặt và buồn cười. Vả lại, dẫu chưa có ý niệm gì về giọt máu trong người, Thư cũng cảm thấy không muốn đứa nhỏ sẽ có một ngộ nhận về người cha của nó. Mình đã, đang và sẽ còn nhìn thẳng vào cuộc sống với đôi mắt mở lớn, không lý gì đứa con làm bằng xương bằng thịt bằng máu của mình lại có thể mang trong nó một sự ngộ nhận lớn lao như vậy về cái thân thế của nó. Hãy phán đoán tôi, hãy xa lánh, nếu cần. Nhưng xin cho tôi được sống chân thực. Thư cúi mặt nhìn xuống hai chân, nghe xót xa dâng lên. Phấn đi rồi, Thư dập và khóa cổng xong bước chầm chậm trở vào nhà. Duẩn đã bỏ ra sau rửa mặt. Tiếng nước rơi lã tã trên nền xi-măng vỡ. Thư nghe cả tiếng súc miệng sục sục của Duẩn. Nàng kéo chiếc rideau che cửa thông vào buồng trong sang một bên và bước vào. Bên trong đồ đạc cũng gồm những sổ sách và chai lọ lộn xộn bừa bãi. Một chiếc tủ gương kê tại cuối phòng. Các bàn kê gần bên. Không có ghế. Nơi duy nhất có thể ngã lưng là một chiếc divan. Một đống chăn màn xếp tại góc divan. Không có chiếu. Thư ngó chiếcdivan, nàng vừa thất vọng vì đó không phải là một nơi nằm mà nàng mong muốn, vừa ngượng ngập. Thư vẫn thường có những ngượng ngập như vậy mỗi khi nhìn vào nơi nằm nghỉ của một người đàn ông. Thư chưa làm quen được với hình ảnh về nơi sinh hoạt thân thiết đó của người đàn ông, dù người đó là một người bạn thân hoặc có thể là một người tình. Thư cũng biết là nỗi ngượng ngập của mình có vẻ vô lý. Thư không xa lạ gì với người đàn ông cả. Nhưng nàng cũng không cố gắng bỏ sự ngượng ngập đó. Đối với nàng đó là sự nguyên vẹn duy nhất nàng còn giữ được. Thư bước lại đứng trước gương. Nàng nhìn vào đôi mắt mình rồi thả cái nhìn xuống thân thể đang nẩy nở hơn lúc bình thường. Thư đưa tay vuốt bụng. Nàng rời chỗ đứng lại divan ngồi khi nghe tiếng chân Duẩn bước vào phòng. Duẩn vừa đi vừa lau mặt lau cổ bằng khăn mùi-xoa riêng. Anh dừng lại nhìn quanh căn buồng rồi đến ngồi xuống bên Thư. Một bầu không khí im lặng bao phủ lên hai người. Duẩn úp hai bàn tay lên đầu gối. Một lát Thư lên tiếng:

- Duẩn thấy đỡ chưa?

- Còn mệt. Đầu nhức như búa bổ.

Anh ngó chung quanh, như chợt ngạc nhiên về sự có mặt của mình giữa một nơi hoàn toàn xa lạ này. Duẩn bật cười một tiếng ngắn, tiếng cười nhuốm vẻ chua chát thoát ra từ một bất lực. Những cố gắng để thoát ra khỏi cuộc sống chật chội tù túng chỉ làm cho con người ngột ngạt hơn và muốn phát điên. Chấp nhận không phải là một ổn định cho tất cả. Đó chỉ là một giải pháp tạm thời để rồi đến một lúc nào đó... Duẩn nắm lấy bàn tay Thư áp lên má. Những giọt nước lạnh còn lấm tấm nơi chân tóc anh. Tiếng Thư hỏi nhỏ:

- Cười gì vậy?

Duẩn lắc đầu từ chối trả lời. Anh khép đôi mắt lại trong giây lát, nghe sự êm ả thoát ra từ lòng bàn tay người con gái.

- Duẩn biết tôi đang nghĩ gì không?

Duẩn đáp không, vẻ chờ đợi. Thư nói, mắt ngó thẳng về phía trước, giọng mơ hồ:

- Tôi nghĩ giá mình đang sống ở miền biển lúc này đây tôi sẽ chạy ra bãi biển, sẽ bỏ dép chạy chân không trên nền cát ướt lạnh và đôi khi đứng lại lắng nghe tiếng sóng từ xa dội lại như những lời thì thầm đầy bí mật.

- Còn tôi, tôi tưởng như ngày mai mà phải thức dậy, phải vác bộ mặt mô phạm vào lớp, phải nhìn bọn học trò chắc tôi chịu không nổi. Nhiều buổi sáng thức dậy, chỉ còn mười lăm phút để rửa mặt đánh răng mặc quần áo và uống vào một ly cà-phê pha vội, tôi thấy ngao ngán kinh khủng. Nhưng vẫn không đủ can đảm thay đổi lại cuộc sống. Cuộc sống mà tôi hiện đang sống tuy cũng đòi hỏi sự cố gắng, nhưng là những cố gắng thụ động. Có lẽ tôi hèn nhát. Có lẽ...

Duẩn chặc lưỡi, ngưng nói. Nét mặt anh đăm chiêu, buồn bã. Anh ngửa bàn tay lên đùi và nhìn vào đó bất động.

- Độ nhỏ tôi có một giấc mơ, cho đến bây giờ mỗi lần nghĩ đến tôi vẫn còn tưởng như mới đêm qua mình nằm mơ vậy thôi. Tôi mơ thấy tôi trôi giạt vào một hòn đảo nhỏ xíu ở giữa biển sóng lớn nước mênh mông. Ở giữa đảo là một cái cây trụi lá, lớn như một cây cổ thụ và rễ chiếm hết đảo. Tôi như không thấy mình đâu nữa. Và tôi mơ hồ lo sợ một lúc nào đó cái cây bị sóng biển đánh bật rễ và mình sẽ không còn nơi nào để bấu víu...

Duẩn im lặng nghe Thư kể. Anh cảm thấy một nỗi xúc động mãnh liệt đang xâm chiếm người con gái.

- Rồi ra sao?

- Chả ra sao cả. Những giấc mơ vẫn vậy. Duẩn tưởng tôi nghĩ đó là một cái điềm gì à? Không đâu. Tôi vẫn nghĩ và tin là cuộc sống của tôi do tôi tự tạo một phần lớn. Tôi kể lại giấc mơ đó vì thấy là đã lâu rồi mà cái hình ảnh đó vẫn có thể làm tôi thấy sởn gai ốc mỗi khi nghĩ đến.

Duẩn châm điếu thuốc, hút một hơi, rồi sực nhớ ra cơn nhức đầu của mình, anh dụi điếu thuốc, đứng dậy đi vòng quanh phòng nhìn vào đống chai lọ nhiều màu sắp lộn xộn trên các kệ đóng sát vào tường. Thư trải một tấm mền lên divan và ngã lưng nằm xuống, tâm hồn lãng đãng. Một tay nàng để sau đầu làm gối, tay kia đặt trên bụng. Mong con sẽ là con trai, làm con trai để chịu đựng, chịu đựng cuộc đời, và nhất là để thương mẹ. Đôi khi tôi cũng tự hỏi mình có đang bi thảm hóa cuộc sống? hay thực sự tự nó cuộc sống đã có cái vẻ bi thảm? Tôi băn khoăn và thường chọn thái độ dửng dưng. Chả ích gì. Tất cả chả ích gì. Tôi nhắm mắt lại và tôi tự nhủ với tôi tạm thời hãy quên đi hết cả. Tôi cảm thấy Duẩn đang đến và ngồi xuống bên tôi, cúi nhìn tôi. Tự nhiên tôi muốn khóc lạ. Tôi lấy tay bưng mặt và cười lên một tiếng ngắn, nghe khô và buồn, như tiếng một viên sỏi bị vất xuống lòng giếng cạn nước, mất hút trong bóng tối của đáy sâu.

*

Vào cái lúc người con gái chờ đợi nhất để sẵn sàng buông thả vào trong cơn sốt rạo rực của cơ thể, Duẩn bỗng ngừng lại, im lặng, đăm chiêu. Hơi thở anh bớt dồn dập hơn trong một cố gắng tự kìm hãm. Duẩn mím môi, thở một cách khó khăn như người bị nghẹt mũi. Khoảng cách còn lại thật dễ dàng để vượt qua. Duẩn ngừng lại, ngơ ngẩn, chợt nghe buồn bã. Anh khẽ buông tiếng thở dài, gục đầu xuống vai người con gái, mắt nhắm lại. Rất lâu, trong bóng tối, anh nghe tiếng người con gái cất lên, rụt rè:

- Sao thế?

Có một cái gì như hờn tủi và cũng thật ráo hoảnh trong giọng nói. “Tôi cũng không hiểu sao tôi lại ngừng lại. Tôi tự thấy mình không có quyền tiến xa hơn.” Duẩn đáp và cũng nghe giọng mình thật ráo hoảnh:

- Tại... không muốn...

Duẩn bỏ lửng câu nói, một sự im lặng rơi xuống giữa hai người. Duẩn mơ hồ thấy mình khổ sở, day dứt: Trong phút giây tôi muốn được gọi Thư là “em” và xưng “anh” với em, Thư ạ. Em im lặng, có thể em đang hờn giận. Nhưng anh không muốn anh sẽ ân hận bởi anh bắt đầu cảm thấy yêu em. Điều đó có vẻ khôi hài. Nhưng điều đó làm anh xúc động. Cũng như anh vẫn khôi hài trong cuộc sinh hoạt của anh đồng thời cảm thấy một xúc động sâu xa. Hình như trong khi mình giễu cợt là mình ý thức rõ hơn cả về cái thân phận của mình giữa cuộc sống ồ ạt xô bồ này, giữa cuộc sống mà cá nhân chẳng nghĩa lý gì và người ta bị cưỡng bức phải làm những việc mà mình không muốn. Và anh, anh muốn không làm cái việc mà anh rất đang tha thiết. Để mọi sự còn nguyên vẹn. Vả lại, cái giọt máu mà em đang mang trong người với anh đã là một cái gì, một con người mà anh tự thấy mình không được quyền xúc phạm. Cho anh được quý trọng. Đó là điều duy nhất anh muốn giữ lại, một cách tự nhiên, không cố gắng, như một thứ báu vật.

Thư trở mình, vuột khỏi tay anh, xoay lưng lại phía Duẩn. Duẩn cảm thấy có một sự vùng vằng. Lẽ ra anh phải kéo em lại, ôm chặt lấy em, vuốt ve và nếu cần giải thích. Nhưng anh sợ chính anh rồi sẽ không giữ nổi bởi thằng người phá phách trong anh đang trổi dậy, đòi hỏi. Duẩn nằm yên lặng nhìn khoảng da thịt trắng hiện ra mờ mờ dưới mắt thành một vệt chảy dài bất động. Một nỗi nghẹn ngào chận ngang cổ. Tự nhiên anh thấy thèm vô cùng được gục vào chỗ trũng nơi chiếc gáy trắng mờ mờ kia, và nếu có thể, để khóc lặng lẽ...

*

Thư mở mắt. Phải một lúc nàng mới định thần và nhớ ra mình đang nằm ở đâu. Bên cạnh gã con trai đã thiếp ngủ, lưng trần lớn quay lại phía nàng trong một dáng nằm rút cong như con tôm, hơi thở đều đều của một người say ngủ. Thư nghe cổ họng mình khô ran. Thư cảm thấy muốn ra sau vô cùng. Nhưng nàng nằm nán lại, ngần ngại khi nghĩ đến lối đi chật chội, lỗ mỗ và tối mò của xưởng dệt. Trong yên lặng có tiếng vó ngựa gõ lóc cóc và tiếng xe thổ mộ lăn uể oải qua trước nhà. Có lẽ vào khoảng bốn năm giờ sáng gì đó. Thư cảm thấy rã rời và nghe cô đơn kỳ lạ. Hình ảnh những đêm thao thức bên người đàn ông thiếp ngủ một cách thoả mãn đến trong trí nhớ. Tại sao không bao giờ mình thấy thoả mãn cả? Luôn luôn là một khoảng trống sau đó với những dày vò không nguyên do không đối tượng. Và với một biến đổi một mình mình biết một mình mình hay. Tôi bỗng cảm thấy tất cả cái cô đơn mênh mông của một Grégoire khi hóa thân thành con bọ để rồi chết khô trong sự cô đơn và bị ruồng bỏ. Tôi đã khủng khiếp khi đọc đến đoạn Grégoire tuyệt vọng nhìn xuống sự thay đổi của thân thể mình. Có lẽ tôi tuyệt vọng và bàng hoàng, nhưng tôi còn cảm thấy một-cách-không-thể-tự-kiềm-chế-được một sự rung động kỳ lạ...

Tôi đang hóa thân để trở thành một người mẹ, một người đàn bà thực sự. Có lẽ tôi đang tìm về tôi, cái TÔI thực sự...? Thư khóc lúc nào không hay.

*

Thư mở mắt lại vào lúc có những tiếng động đổ xuống, thoạt tiên từ từ, đều đều, rồi nhanh dần, và nàng bỗng cảm thấy bị vây tỏa trong một thứ âm thanh dồn dập của một cơn mưa rào. Trời mưa...! Thư nhẩm với mình. Căn phòng vẫn tối om. Thư nghe một cảm giác lành lạnh. Nàng kéo tấm mền lên ngang ngực, lần hồi nhớ lại những việc đã xảy ra. Thư thấy hai má mình khô. Nàng nhớ ra vào lúc gần sáng hình như nàng đã khóc. Cũng có lẽ mình khóc trong giấc mơ. Trời mưa...! Trời mưa làm Thư thấy nhẹ nhõm hay chính vì những giọt nước mắt trong đêm...? Thư chỉ thấy một sự thanh thản. Bên cạnh Duẩn vẫn thiếp ngủ. Vẫn dáng nằm cũ. Và một hơi thở đều đặn, mệt nhọc. Thư cảm thấy tức bụng. Nàng lần mò trở dậy, vén màn bước ra, lấy chiếc áo sơ-mi của Duẩn vất trên bàn mặc vào rồi lặng lẽ vén rideau đi ra. Trời đã sáng rõ. Thư sững sờ nhìn qua lớp cửa sắt. Bên ngoài trời khô ráo. Thư chợt nhận rõ ra tiếng rào rào mà nàng nghe lúc còn nằm trong màn thực ra là tiếng của những chiếc khung cửi bắt đầu hoạt động ở xung quanh hàng xóm. Thư bước nhanh ra phía sau. Những khung gỗ nằm bất động. Lát nữa đây bọn thợ sẽ đến và bắt đầu làm việc một cách ồn ào... Thư bỗng cảm thấy bị tràn lấn bởi những tiếng động đều đều dồn dập xung quanh. Nàng súc miệng rửa mặt, rồi trở lên nhà. Duẩn vẫn còn ngủ. Thư mặc áo quần, chải đầu xong vén màn lay bạn dậy. Duẩn ú ớ một lúc rồi tỉnh hẳn. Sự mệt mỏi còn nặng trĩu trên đôi mắt đỏ ngầu. Anh ngáp dài, nhận ra Thư.

- Sáng rồi à? A... Trời mưa?!...

Thư bật cười:

- Không phải đâu! Tiếng máy dệt đấy. Lúc nãy tôi cũng có cảm giác như Duẩn...

Duẩn nhỏm dậy, hai tay vòng lấy đầu gối, vẻ ngơ ngẩn, giọng anh đặc sệt:

- Thế à?

Thư nói:

- Duẩn dậy sửa soạn đi. Bọn thợ sắp đến bây giờ. Mình nên rời đây trước khi họ đến.

Duẩn uể oải đứng dậy, bước ra sau. Khi Thư đang loay hoay thu dẹp chăn màn thì có tiếng gọi và đập vào cửa sắt. Tiếng Duẩn trả lời tôi ra đây. Thư đứng trong phòng ngó ra, Duẩn mình trần loay hoay. Một tốp bốn, năm người đàn ông kéo vào, tiếng nói chuyện giọng ngái ngủ, đứt quãng...

Lúc Duẩn trở vào, Thư đang dở xem một tập hình trên bàn. Anh nhìn mái tóc nghiêng của Thư và cảm thấy một bông hoa nhỏ vừa hé nụ trong anh. Anh đứng lại bên khung cửa, bỡ ngỡ ngây ngất. Anh tự hỏi tại sao từ mấy năm nay, bây giờ anh mới cảm thấy thế, từ dạo quen Thư đến giờ. Người con gái có cảm giác bị nhìn. Nhưng nàng vẫn giữ nguyên thế đứng cũ, không nhìn thấy gì trong những tấm hình trên tay - như thể nàng biết là quay lại sẽ làm cho bông hoa e thẹn không nở nữa.

Sài Gòn, 13-10-1966

Nguồn: https://banvannghe.com/a281/mua-khong-uot-dat-trung-duong