Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

Văn học miền Nam 54-75 (441): Túy Hồng (11)

Tôi nhìn tôi trên vách (kỳ 8)

Tôi lên xe lam về nhà, bước xuống hấp tấp say lịm trong cơn giận đục ngầu lý trí. Tôi trút bỏ áo dài ra thở mạnh bảo Trâm:

– Hồi nãy tau bị một thằng cha cư xử hỗn.

Trâm cười:

– Chuyện ngoài đường thì để lại nhiều đường, mang nỗi tức giận về nhà mà làm chi.

Tôi lững thững xuống bếp rót một ly nước nguội uống ừng ực.

Tôi ngâm mình dưới vòi nước mát, da thịt giãn ra và tâm hồn nguội lại. Sự cuồng giận lẫn tủi nhục nhòe đi như người say dần dần giã rượu. Ngọn nắng phẫn nộ nhiều đường đã hết xoay tít tôi, đã hết hoảng hốt khi tôi gội xong mớ tóc để bẩn đã ba tuần.

Tối hôm qua Nghiễm bảo:

– Đầu em bẩn quá rồi đấy, mai gội đi.

Cái đầu gội xong tôi nhẹ thênh như trút được một gánh nặng nào đó. Tôi bảo Nghiễm thỉnh thoảng anh nhớ nhắc em gội đầu với nghe, em lười lắm, hay quên lắm. Tôi đưa bàn tay ra trước mặt Nghiễm: Anh coi, em không dám để móng tay, sợ móng nhọn chích con, để móng tay nhọn tắm cho con không được. Tôi nghĩ đến Phi lắc đầu cười. Tôi không đủ liến thoắng, không đủ tinh quái như Trâm, như Thảo để nói sạch bách sự thật rằng:

– Cái thằng cha Phi hắn hun tay tau, hắn rì cái bàn tay tau, hắn đòi ngủ… Cái thằng cha Phi mặt mày trắng dẻ dẻ như cá cơm. Khi hắn cầm tay tau, tau mới thấy là sức khoẻ hắn không có. Cả người hắn không có xương, cả người hắn toàn sụn… hai bàn tay mềm xèo ướt nhẹp.

Tôi đứng dậy nhún vai trở ra mở cái lồng bàn đậy thức ăn trưa. Hôm nay cả nhà ăn thịt gà, một đĩa thịt xé phay bóp muối tiêu rau răm với một đĩa thịt luộc chặt từng miếng vừa vừa. Lát nữa cả nhà về đủ, lát nữa cả nhà quây quần, Thảo, Trâm sẽ cầm đũa gắp liên tiếp món thịt gà xé phay bóp muối tiêu rau răm vừa nhai vừa nói:

– Trời ơi, người Huế ăn thịt gà xé phay thật sang trọng quý phái… chứng tỏ người Huế không thèm ăn xương.

Nghiễm sẽ gắp một miếng thịt chặt, chấm vào nước mắm chua nhai với hành sống, nói cũng nhồm nhoàm như nhai:

– Người Bắc ăn miếng thịt gà chặt chứng tỏ người Bắc ăn một con gà vừa to vừa béo, miếng thịt chặt vừa vàng vừa dày… còn thịt gà xé nhỏ ra, xé vụn ra… ôi, người ta có thể làm một con gà mới nở rồi xé vụn ra, ai biết.

Tôi bốc một miếng thịt gà xé phay ăn chùng rồi vào phòng riêng sửa soạn cho con bú. Bé Khanh Hiền táp lấy nắm vú cao su bú một hơi hết một trăm tám mươi chữ vừa sữa vừa nước. Nghiễm bảo con nó ăn tham như mẹ, hai mẹ con ăn hết cả phần bố. Nghiễm bảo lớn lên anh sẽ luyện cho con bé ăn món Bắc, ăn rau, ăn đậu, ăn cà pháo chứ không cho ăn cá nục như người Huế. Tôi nựng con, lớn lên mẹ sẽ dạy con nói tiếng Huế. Bà ngoại bảo: Con bé lớn lên một trăm phần trăm là nói tiếng Saigon. Nghiễm cũng bảo tiếng Nam nghe ngọt và ấm.

Nghiễm bước vào cúi xuống hôn con, tôi nói:

– Trưa nay ăn thịt gà, anh chấm nước mắm hay là chấm với nước mù tạt để em đi làm.

Nghiễm vứt chiếc khăn tay ra giường:

– Chiều em giặt khăn tay cho anh, mấy ngày nay nước mũi ra nhiều quá.

– Em cũng vậy, hai lỗ mũi đặc sệt nước.

Tôi lầm thầm đọc: “Qua cầu ngắt ngọn rau răm, bỏ vô thang thuốc sắc đi sắc lại cho đúng bảy phần. Tay em bưng chén thuốc, tay em lại vén mùng, khuyên cùng chàng uống lấy, kẻo công trình em sắc ra…”. Hồi đó tôi thường ngồi bệt dưới đất đánh thẻ mười hai và hát những câu hát đó khi sang tay chuyền, những câu của bài đánh thẻ thông dụng nhất mà bất cứ gái Huế nào cũng tha thiết thuộc lòng những câu răn dạy thường xuyên về đạo làm vợ… Mẹ người Huế bảo con gái rằng khi ngồi sắc thuốc cho chồng phải đọc ba trăm lần bài đánh thẻ thì thuốc cô lại đúng bảy phân. Tôi bắc siêu thuốc xuống chắt lấy nước vào chiếc bình thủy nhỏ cất đi đổ tất cả bã thuốc vào cái đĩa lớn mang lên trên lầu:

– Ê… đứa mô ăn không?

Mấy đứa em xáp lại tranh giành hai quả táo. Cúc nhón bốc vài miếng cam thảo, Út cầm lên miếng nhục quế, Trâm đưa mũi vào đĩa bã thuốc ngửi, cầm miếng phục linh lên ngửi, le lưỡi liếm miếng tần giao, cắn thử chút đào nhân lắc đầu bỏ đi. Thảo nhai một cách ngon lành từng miếng phòng phong, bạch truật, xuyên khung, thục địa, trần bì…

– Hồi nhỏ tôi mê ăn thứ này lắm, bây giờ vẫn còn mê.

Trâm hỏi:

– Anh Nghiễm uống thuốc bổ há?

– Ừa, toa thuốc này bổ lắm, nghìn bạc đây. Người bị liệt dương uống vào có thể có con được. Người nói tiếng nhỏ uống vào có thể nói tiếng to ra. Bán thân bất toại hoặc bại xuội hai chân uống vào có thể đi được.

– Trời ơi, bổ quá ta.

– Anh Nghiễm uống cho hết phong thấp.

– Anh Nghiễm xài thứ gì cũng sang! Mai chị Khanh sắc cho cha một thang thuốc này đi.

– Ừa…

Thảo nhắc lại:

– Mai chị nhớ sắc cho cha một thang thuốc này nhé, như anh Nghiễm nhé. Chị thì lúc nào cũng thương chồng hơn thương cha.

– Vô duyên.

Thảo đọc khẽ, “Thương chồng nấu cháo le le, Nấu canh bông bí nấu chè hột sen”, rồi Thảo lấy lược gỡ tóc cầm giỏ đi chợ. Có tiếng đỗ xe xình xịch trước cửa rồi có tiếng Nghiễm la:

– Khanh ơi, có khách.

Tôi vội cầm cái đĩa xuống cất rồi bước ra nhà ngoài. Tôi cảm tưởng như bao nhiêu tiếng trống hát bội đều dội vào tai, bao nhiêu tiếng tù và của người Koho đều xoáy lên một hồi, bao nhiêu tiếng hét của các thầy Mo đều vang lên một lượt. Phi đang ngồi đó, trước mắt Nghiễm cách cái bàn đặt chiếc gạt tàn thuốc. Tôi ngồi xuống thì Nghiễm đứng dậy đi vào phòng riêng.

– Không biết oan hồn nào nhập vào anh báo oán tôi thế này!

Phi cười, một chân vắt lên đầu gối:

– Lần này đích thật là tôi vào hang hổ… tôi đến đây xin lỗi chị về những thái độ mạnh tôi đã cư xử với chị từ bấy nay.

– Anh đã cư xử với tôi như du đãng đón đường…

– Vâng, tôi đã có thái độ lầm to rồi. Tôi đã húc đại vào chị… mà tình yêu thì phải vờn nhau thật lâu, phải giỡn bóng nhau thật lâu, thật đẹp như chuột bạch đánh vồng.

Phi cau có chép miệng cười. Tôi lắc đầu:

– Nhưng… không phải vậy, anh làm bậy, tôi vừa có chồng vừa có con, vừa mới làm hôn thú.

Phi đốt thuốc lá nhìn vào trong, tôi nhắc lại:

– Anh bậy hết sức, tôi có chồng rồi mà. Thôi anh nên về, ngồi đây lâu có hại.

– Chị ác đức lắm.

– Anh không nên ngồi đây nữa… chồng tôi…

Tôi đứng lên. Phi đứng lên. Phi xoay mình. Phi đưa tay nắn vào ngực tôi một cái rồi quày quả đi ra. Động tác đột ngột nhanh như cắt tôi không ngờ tới và không kịp phản kháng tự vệ. Tôi dáo dác nhìn ra hai bên vắng vẻ đứng sững một hồi thất lạc hồn vía. Anh Nghiễm ơi, vết đòn bẩn ở đây, nằm ở đây. Anh Nghiễm ơi, nói không được, không được… tắc họng em rồi. Anh Nghiễm… Tôi bước ra sau nhà âm thầm khóc tức tưởi, khóc hấp tấp. Tôi cảm thấy nhục và tanh. Nhục và tanh đánh úp tôi bất ngờ. Tôi đấm ngực phản kháng, tôi giựt tóc uất ức, tôi cắn ngón tay út của tôi. Tôi bước vào phòng, Nghiễm đã ngủ, tờ báo rơi ra, chàng gầy như con dế. Tôi vấp vào cái chân tủ, Nghiễm mở mắt ra. Tôi nói để em lấy thuốc bắc cho anh uống, chàng xua tay, để lát nữa. Tôi mếu chứ không khóc, tôi mếu như con tôi mếu. Con tôi mếu thật giống cha nó chép miệng sau một ngụm bia vừa uống. Một bài thời trang nhạc tuyển cất lên: “Em ơi em ơi nếu em thành thật yêu lính, mấy núi mấy sông…”. Tôi nhấc bình thủy rót thuốc ra tách để lên nóc bàn ngủ khi trong đầu óc nhào lộn bài đánh thẻ thời nhỏ dại: “Qua cầu ngắt ngọn rau răm, bỏ vô thang thuốc, sắc đi sắc lại cho đúng bảy phân, tay em bưng chén thuốc, tay em vén mùng khuyên chàng uống lấy kẻo uổng công trình em sắc ra”.

– Anh Nghiễm uống thuốc. Em sắc thuốc khéo lắm, em ngồi canh suốt buổi.

– Đắng thấy mẹ.

– Để em uống một hớp trước, anh uống sau.

– Anh có bệnh gì đâu mà uống thuốc?

– Anh uống cái này vào, cuối năm em đẻ con trai.

Nghiễm cầm chén thuốc:

– Lần này mà được đứa con trai thì sướng quá nhỉ!

– Con trai chứ sao không. Lần này em thấy những triệu chứng khác hơn lần trước. Với lại ai nhìn cái chân của con bé Hiền cũng bảo lần này em sinh con trai, bà ngoại nói chân bé Hiền một ngấn.

Nghiễm uống hết chén thuốc mặt nhăn như trái táo Tàu. Tôi ra nhà ngoài rửa chén cất vào tủ lạnh.

– A, suýt nữa quên, chiều nay vợ chồng Thăng mời vợ chồng mình đi ăn.

– Ui… sướng quá… Thăng là ai vậy anh?

– Mới quen thôi.

Tôi chúm miệng huýt sáo mấy câu đầu một bài hát “chủ đề” quê hương khi chợt nghĩ chiếc áo dài màu khói thuốc chiều sẽ mặc. Nghiễm dặn em ở nhà sửa soạn sẵn chiều anh về là đi liền. Mẹ ở nhà trên xuống nói con bé Hiền từ trưa đến giờ chưa đái. Nghiễm lo lắng ngồi lên nhìn vợ. Tôi múc một thau nước lã pha thêm nửa bình thủy nước sôi cho âm ấm, bế con lên tháo tã lót, nhúng cái đít vào rồi té nước lên cho đến khi con bé đái được.

Buổi tối, khi hai vinh danh đi ăn về, Thảo chạy xuống nói bé Hiền ọc sữa ở cữ bú sáu giờ chiều. Nghiễm vén mùng cúi xuống nôi còn ờ ờ mấy tiếng rồi vội vã ra bàn viết ngồi làm việc. Tôi lót tã chêm gối sửa soạn giấc ngủ suốt đêm cho con rồi cầm tờ báo nằm ra giường. Bữa cơm chúng tôi vừa đi ăn là một buổi tiếp tân lớn. Bước vào, Nghiễm dẫn tôi đến ngồi vào một bàn toàn các bà để đi ra chỗ mấy người bạn cùng “đảng” văn nghệ. Nghiễm bảo:

– Em ngồi đây với các chị nhé.

– Không, em muốn ngồi đây với anh cơ!

Nghiễm huýt lên một tiếng gió búng ngón tay cái tróc bỏ đi luôn. Bà bạn áo hồng kéo tôi ngồi xuống:

– Ngồi với tụi này đi, để ông ấy độc thân trong chốc lát đi mà…

Những người đàn bà có chồng xếp vào một loại với nhau, cùng xếp hàng bên nhau đứng sau xã hội, kéo tay nhau ngồi vào những buổi tiếp tân rực rỡ thơm nồng nói nhỏ cười nhiều. Bà Bích gắp vào bát tôi miếng bào ngư:

– Ông xã nhà bà còn trẻ quá nhỉ.

– Thập thò bốn mươi rồi đó.

– Ông xã nhà bà cũng gầy như ông xã nhà mình vậy đó.

– Nhà em ăn ít uống nhiều.

– Ông xã nhà tôi gầy lắm. Nhìn người đàn ông gầy là biết ngay người đàn ông khó tính.

– Tại sao vậy?

– Họ ăn uống khó khăn lắm, đòi hỏi nhiều mà ăn ít… còn mấy ông chồng mập thì ăn nhiều, ăn nhiều nên có máu nhiều, nó làm cho con người vui vẻ.

– Em bắt nhà em uống thuốc bắc đó, chị ạ!

Ở phòng ngoài có tiếng Nghiễm kéo ghế, miệng tôi ho một cái. Nghiễm đi vào đóng cửa nằm xuống hỏi sao đêm nay ngủ khuya vậy. Tôi nói:

– Anh hãy mập lên, anh hãy béo lên, anh hãy có nhiều máu, anh hãy dễ tính…

– Cái gì?

– Những người đàn ông mập là những người có nhiều máu, dễ tính, vui vẻ.

– Lộn xộn, ngủ đi!

Rồi Nghiễm ngủ ngon ngay sau một lát ngắn nói vài câu. Chàng nằm thẳng, hai tay vòng lên ngực bên tôi thao thức. Tôi ngồi dậy đưa ngón tay trỏ bét mắt chàng ra. Hai mí mắt của chàng không kháng cự, ấy là chàng ngủ ngon rồi. Tôi cầm hai tay chàng để xuống dọc theo thân thể. Nghiễm giật mình thức giấc:

– Để anh ngủ, phá hoài!

– Em sửa lại thế nằm của anh cho ngay ngắn, nằm ngủ mà hai tay gác lên ngực, đè lên là dễ bị thấy ác mộng lắm.

Nghiễm kéo tôi nằm xuống, tôi nói:

– Lúc ăn tiệc, em thấy anh cứ nhìn cô áo xanh một cách lén lút.

– Bậy nào, anh buồn ngủ quá.

Tôi đặt bàn tay của chàng lên bụng tôi:

– Hồi hôm, bà Bích bảo hai vợ chồng mình anh người Bắc, em người Huế, đẻ con ra là người Saigon, vì người Saigon cũng là người từ đâu tới.

Tôi nằm xuống ôm chiếc gối dài nhắm mắt quay vào tường. Ôi! Khuôn mặt Phi trắng bệch như từ một căn bệnh bạch tạng phát ra với vừng trán lạnh, gò má chênh vệnh, râu hoang lởm chởm. Hai lòng bàn tay ướt cầm lấy cổ tay tôi kéo giật và một cái chụp hỗn láo trên cồn ngực tôi hoang mang nghi hoặc. Tôi xoay lưng vào vách. Nghiễm nằm ngủ trong một dáng thẳng cho tôi thấy một nửa khuôn mặt chàng. Đôi mắt nhắm khép lại hai cánh mi cong chiếc mũi chạy dài và cao, miệng ngậm lại đều đặn. Tóc của chàng còn giữ nếp chải. Anh Nghiễm, cát bụi của anh đã vào trong em cho em đẻ ra đứa con thứ nhất giống anh rồi. Đứa con thứ hai em sẽ hết sức cố gắng ước mơ giống anh nhiều hơn nữa. Suốt chín tháng mười ngày em sẽ tâm niệm nặn ra một khuôn mặt Nghiễm con cho anh cho em cho thừa tự của chúng ta khi hết một cuộc đời.

Tôi đưa tay thoa khắp miền bụng dày thật thân yêu, thật trìu mến dịu dàng mơn trớn như thể bàn tay tôi là bàn tay Nghiễm. Miền da bụng quê hương, quê hương có một tử cung với hai buồng trứng từ đó lọt lòng những đứa con. Đôi mắt ướt sũng khi tôi nhìn Nghiễm, bàn tay cồn cào tôi xoa bụng, tôi thương quý con cực độ dù con đang còn là máu. Con ơi, cha con thật cao, con hãy giống cái kích thước đó đừng sai một ly, cha con thật hiền, thật thẳng, con hãy học cái đức tính đó, cha con thật khôn ngoan lanh lẹn, con hãy mang bí quyết đó vào đời, cha con thật thông minh kinh nghiệm, con hãy hứng lấy trí óc cha con.

Tôi cắn ngón tay trỏ khóc âm thầm đầm đìa, hình ảnh Phi lem luốc hiện ra như một cơn mê tanh nồng. Bàn tay xúc phạm đã rải muối đọc một chỗ hai chỗ trên vùng bình yên da thịt.

Giấc ngủ từ thinh không kéo nặng đôi cánh mi.

Buổi mai thức dậy cho con bú cữ sáu giờ xong tôi nằm xuống ngủ nữa cho đến lúc trong nhà vắng hoe kẻ đi làm người đi học. Tôi cột gọn mái tóc, mở vòi nước đưa cả cái mặt vào hứng rửa. Bầu trời đầy ắp những tia sáng trắng chói, tiếng ồn sinh hoạt ngoài đường phố là một dòng động kinh liên tục. Tôi vo gạo bắc lên cho con một nồi cháo trộn với nhánh tỏi tây rau đậu cà rốt, rồi cầm cái tô lớn ra đường mua thức ăn điểm tâm. Saigon có một điểm sung sướng là bất cứ người dân nào cũng có thể mặc áo cụt bà ba đi khắp thành phố, còn Huế thì chịu, Huế có mấy hạng người không được mặc áo ngắn ra ngoài đường phố. Ra ngoài thì phải áo dài quần dài, ra đường thì phải sơ-mi quần tây. Tôi đứng trước một rổ bún trắng với một rổ rau xanh:

– Bà bán cho một tô bún chả, đừng cho rau diếp cá vào, đừng cho rau muống chẻ vào.

– Ăn toàn rau diếp không có ngon.

– Bà cứ bán cho cháu như vậy đi.

Tôi đưa tờ giấy năm trăm ra, bà hàng loay hoay chưa có tiền thối thì bàn tay ai đã chìa ra bốn chục bạc lẻ từ đàng sau.

– Tiên lẻ đây, cất đi.

Tôi quay lại, Phi méo miệng cười lệch:

– Phiền chưa… ai khiến.

– Chị có biết đã ba hôm nay tôi tới ăn điểm tâm ở đây để chờ chị cầm tô đi mua bún không?

– Đồ hôi như chợ cá… Ai khiến. Bà hàng trả lại bốn chục đi, thối lại tiền cho tôi.

– Chị không được hỗn đấy nha, đánh chị liền bây giờ.

– Mày có giỏi đạp vào ngón chân út của tau xem nào.

– Tại sao lại không giỏi chớ?

Phi đưa mặt lại cần cười lở loét, một chút hành lá của tô mì vừa ăn còn mắc dính vào hàm răng ám khói, tôi bước thụt lùi bặm miệng nhìn xiên đi chỗ khác. Phi cười rộng miệng hơn nữa đưa tay kéo cằm tôi cho hai khuôn mặt đối nhau.

– Đồ cái mặt hip-pi tôm thịt, hip-pi chợ búa.

– Bạt tai liền nghe.

Đôi hàm răng ám khói lại nhe cười với một chút hành lá còn mắc dính. Tôi sực nhớ một lời nói của Nghiễm trong câu chuyện: một hôm anh lại đài phát thanh để thu thanh, nhìn vào chiếc micro, anh thấy ai khạc vào đó cục đờm nhỏ dính chút hành lá, anh phát ói lên đấy, phải bỏ buổi thu băng. Từ đó, anh ghê sợ hành lá. Tôi nhìn lại Phi, tôi ghét hắn đến độ phải thương xót cho mình. Tôi chỉ tay vào Phi:

– Anh có bộ mặt mà tôi thích trời thủ tiêu đi để tôi đừng bao giờ thấy nữa!

Phi vung tay đấm tới, tôi tức giận liệng cả tô bún chả vào người hắn rồi bỏ chạy. Phi đuổi theo nắm lấy vai tôi.

– Buông tau ra, bây giờ thì tau không sợ, tau hét lên được. Tau hét lên được.

Có vài người chạy tới coi chuyện, tôi bỏ đi và Phi cũng kéo tôi bỏ đi, Phi nói vào tai tôi:

– Thằng này sẽ theo phá chị đến cùng. Công cuộc này đã loang lổ thì sẽ cho loang lổ luôn.

– Tau sẽ giết mi.

– Thằng này bằng lòng chết trên bụng chị.

Phi cầm phắt cả hai bàn tay tôi rồi buông ra bỏ đi. Tôi nhổ nước bọt theo. Tôi cần bôi một tí dầu cù là vào hai bên thái dương, tôi cần bôi một tí dầu cù là vào miệng khi tôi quay quả bước vào nhà. Mẹ hỏi:

– Cái đọi đâu? Mang đọi đi mua bún rồi không mang đọi về?

– Con làm bể rồi.

– Uổng tình cái đọi kiểu.

– Con vấp vào cục đá rớt bể.

– Cháo sôi rồi, vô pha sữa cho con bú đi.

Đồng tiền hiện ra nhỏ xíu trên đôi má hoa sữa khi con tôi táp núm vú. Tôi đang bế con tôi trên tay. Qua hình ảnh con tôi là chồng tôi. Chồng tôi đang đứng thẳng, nghiêm trang. Đôi mắt sáng rực chàng nhìn tôi vừa tra hỏi vừa dỗ dành, bàn tay lớn chàng cầm vai tôi vừa thúc giục vừa bao dung, chiếc miệng tươi chàng phán xét và chàng an ủi… Danh dự của chàng, thể diện của chàng, giá trị của chàng, tôi cũng có ba thứ đó, nhưng ba thứ đó của tôi thật nhỏ… Những giọt nước mắt chảy ra ngoài má một nửa chảy vào trong mũi một nữa. Trong mũi tôi không có hai mụt ruồi thương phu, trên má tôi có hai mụt ruồi thương phu. Tôi hỉ mũi, lau vào tay áo rồi kêu mẹ:

– Mẹ ơi, sao con nhỏ cứ vừa bú vừa mếu thế này… con nhỏ mếu hoài không chịu bú mẹ ơi. Tôi gọi hốt hoảng giọng gần phát khóc. Mẹ ơi, sao nó mếu luôn thế này?

Mẹ mặc áo dài cầm giỏ đi chợ chạy vào:

– Mụ dạy đó mà… khi mô cũng cứ cuống lên, nuôi con phải bình tĩnh chứ!

– Trông nó mếu thương quá.

Mẹ cầm giỏ đứng dậy hỏi có muốn ăn chi để mẹ mua về cho, một trái đu đủ nhé.

Buổi trưa Thảo đi học về, Trâm ở trên gác xuống thấy gọt đu đủ liền la lên:

– A… trái thù đủ ngon quá ta. Trái thù đủ ni mấy chục đồng một trái rứa?

Mẹ nói:

– Sáu chục đó.

Nghiễm xen vào:

– Trái đu đủ tại sao gọi là trái thù đủ, thù đủ?

Tôi cười:

– Người Bắc gọi là trái đu đủ, nhưng người Huế thì gọi là trái thù đủ, nghĩa là thù khắp cả thiên hạ oán đủ cả bầu trời, giận hết mọi người, thù đủ mà.

Mẹ gọt vỏ đu đủ, cắt ra từng khẩu nhỏ cho vào máy xay với đường và sữa pha thêm nước lạnh cho mỗi người một ly.

Tôi nói nhỏ vào tai Trâm: Buổi chiều mọi người đi hết, mi xuống tau nói nhỏ cái ni.

Thảo, Trâm mỗi người cầm ly đu đủ lên uống một hơi hết rồi dặn mẹ mai mua thêm hai trái thù đủ uống mới đã. Tôi sực nhớ đến nhận xét của Nghiễm: Con Thảo con Trâm lớn sầm sầm mà không đi chơi, không bắt nhân tình, cứ ở nhà ham ăn ham uống.

Ngủ trưa dậy, Trâm đợi Nghiễm đi làm mới xuống nằm bên tôi:

– Có chuyện chi lớn rứa chị?

– Hồi sáng này tau đi mua bún chả về ăn bị cái thằng Phi làm nhục.

– Thằng Phi nào?

– Cái thằng hip-pi học cùng lớp với tau. Có đến nhà mấy lần, mặt mày trắng nuồn nuột ra như đau bệnh bạch tạng đó.

– Biết rồi… răng nữa?

– Hắn ve vãn tau như một con vật ve vãn một con vật.

Trâm ôm chiếc gối của Nghiễm gục cổ xuống cười ré:

– Chuyện đó một chút mà làm thôi, hắn ve chị sao chị không ve lại đi.

Tôi cau có lắc mạnh đầu:

– Mi thúi miệng lắm.

Trâm vẫn ôm gối cười:

– Có một chút chuyện mà làm quan trọng hơn cả đảo chánh.

Tôi nổi xung:

– Thôi, không nói chuyện với mi nữa.

– Thôi không cười nữa, nói đi.

– Bộ mi tưởng chuyện dễ nói lắm đó. Thôi được, để tau kể với con Bích Khuê, không thèm tâm sự với mi nữa.

– Thì cứ kể đi, làm khó người ta hoài.

Tôi nằm xuống cuối giường và Trâm nằm xuống trên đầu giường. Những đứa em gái của tôi vô duyên, chưa nói đã cười, chưa đi đã chạy là người vô duyên. Những đứa em gái của tôi vô duyên phơi quần đến cứ trở đáy ra ngoài và ngồi khi nào cũng thượng lên đầu giường của người ta. Tôi bắt đầu kể từ phút Phi làm quen với tôi, đề nghị đi ăn thịt bò bảy món, cá lóc nướng trui, cái nắm tay ngột ngạt ngửa mặt lên trời cười như đươi ươi giữ giống, cái hôn buồn và nhột và hai lần hăm dọa đột nhập thân thể.

Bộ mặt cười cợt của Trâm dần dần hồi tỉnh lại:

– Tại sao cái thằng khỉ đó nó không tán tôi nhỉ?

– Mi đừng có lúc nào cũng tỏ ra tỉnh táo khô queo như vậy được. Tùy từng lúc, lúc nào nên biết điều, lúc nào nên không biết điều. Con người nên có một chút ít lẽ phải.

– Chuyện đó tui coi không ra cái mùi vị gì cả. Thằng cha Phi hắn xài thuốc mọc tóc mọc râu nhiều quá nên bị lạm thuốc. Khi mô mà hắn tới gần chị thì chị giậm chưn giậm cẳng đuổi hắn đi. Còn hắn nói hỗn thì chị mặc kệ hắn. Làm thinh cho khoẻ.

– Làm thinh… làm thinh…

– Ừ… coi như chuyện qua đường, vết bẩn ngoài da. Mấy thằng con nít bây giờ còn làm nhiều chuyện quái dị nữa cơ.

– Nhưng… khó mà phớt lạnh được. Mi không có chồng mi không biết. Nhưng lúc bị làm nhục mình cảm thấy mình thương chồng lắm, thương chồng quá sức, thương xót xa chảy nước mắt nước mũi.

– Có chảy nước bọt không? Trâm vứt cái gối ra xa ngồi dậy, chăm bẳm nhìn vào mặt tôi: Chị thương anh Nghiễm nhiều lắm phải không chị? Trâm bẻ ngón tay, một bên mép miệng nhếch lên, hai con mắt tròn chao chao như hai hòn kẹo trứng chim ngó tôi sốt sắng chờ câu trả lời.

Tôi nạt:

– Thôi đi, để mà đi mét cho mấy đứa biết mà cười với nhau.

– Thúi chưa, đàn bà có chồng thương chồng mà cũng trẽn. Thiệt thúi.

Tôi cười:

– Anh Nghiễm bảo đàn bà con gái không được nói chữ “thối”. Anh bảo là đàn bà con gái phải nói những câu thanh cao, tao nhã.

– Anh Nghiễm thì bao giờ cũng nhiều điều kiện.

Trâm nằm xuống, đặt chiếc gối lên bụng nói tiếp:

– Chị Khanh nè, khi mô gặp mấy chuyện bực mình, chị về nhà cười giỡn là quên ngay.

– Nhưng khi nghĩ đến chồng thì lại khóc.

Thảo đứng ở cửa hỏi, Trâm ăn cháo không? Trâm kê thêm một chiếc gối dưới đầu nửa xoi móc nhìn chiếc quần mỏng như giấy viết thư Thảo đang mặc. Vô ý thôi, mang quần lụa mà lại đứng giữa cửa ra vào chân trước chân sau. Trâm kêu giật thì Thảo quay lưng ra:

– Anh Nghiễm tối mới về, mình nằm đây ngủ một giấc đã.

Trâm ngửa mặt nhìn chiếc đèn ống, với một tay lên đầu giường lấy cuốn truyện mở ra bắt đầu đọc ở đoạn giữa. Đọc bất cứ sách gì nằm bên cạnh, sau lưng, trước mặt, không tìm kiếm, không lục lạo lựa sách, không nghĩ không nhớ và cũng không quên. Cả mấy đứa em tôi đều lười biếng, mỏi rã, tê cóng. Trâm đạp chân lên mặt chiếc gối xoay người bẻ ngón tay nói:

– Chán quá, cái thằng cha văn sĩ đàn ông mà viết văn diêm dúa lòe loẹt son phấn như đàn bà. Bần tiện!

Tôi cười:

– Rứa mà gái mê lắm đó.

Trâm vứt cuốn sách ngồi lên nhìn tôi:

– Em ngó cái mặt chị sao hao hao giống anh Nghiễm.

– Hứ.

– Mặt chị với mặt anh Nghiễm hao hao giống nhau.

– Nói nghe tức cười… vợ chồng mà mi làm như anh em.

– Không phải rứa, tui muốn nói là cách nhìn của chị giống cách nhìn của anh Nghiễm, điệu cười của chị giống điệu cười của anh Nghiễm, miệng chị nói cũng nhanh như miệng anh Nghiễm.

– Mặt tau vuông, còn mặt anh Nghiễm thuẩn thuẩn.

– Không phải hai người giống nhau như tui giống con Thảo, mà hai người có cái điệu, cái hồn giống nhau.

Đã có lần Trâm nói chị Sương giống chồng chị Sương. Từ ngày chị Sương lấy anh Lãng, chị hay cười nửa miệng như anh Lãng, chị nói to như anh Lãng, đôi mắt mở lớn như mắt anh Lãng, chị ghét đi xi-nê và ham đọc sách như anh Lãng. Hai vợ chồng học nhau bộ điệu nói cười cùng cách đi đứng, hai vợ chồng bắt chước nhau lề lối ăn ở, những thói quen, những đức tính. Từ ngày chị Sương lấy anh Lãng, chị càng ngày càng bớt giống cha mẹ em út, chị học chồng, chị bắt chước chồng. Chị từ từ bước ra khỏi tập đoàn ruột thịt của chị. Mấy chị em tôi đại khái giống nhau đôi mắt, đại khái một tính một nết, đại khái là một, nhưng chia ra thì lai khác thành hai, thành ba, thành bốn… Đại khái Trâm bảo tôi và chị Sương đã bị chồng đồng hóa.

Thảo cũng nói:

– Thật rất hiếm nghe thấy một người vợ nói xấu chồng mà toàn là thứ đàn bà bị chinh phục, bị công phá bởi chồng của họ để biến thành những con trùn.

Trâm cong môi:

– Lấy chồng là một sự học tập dài suốt đời, họ chiếm cứ, họ nô lệ hóa chồng mình bằng cách đánh du kích, du kích mỗi ngày một miếng.

Trâm ngáp dài, nghe tiếng kêu, ôm gối đặt lên bụng:

– Giường của chị với anh Nghiễm nằm thơm quá, em thích nằm mãi, lạy trời tối nay anh Nghiễm không về để em ngủ với chị.

Đối với những đứa em gái nghèo cực như Thảo, như Trâm, như Cúc, như Út, tôi là một mụ chị lấy được chồng giàu. Mẹ tôi lại triệt để áp dụng chính sách kinh tế khắc khổ đối với con cái. Buổi sáng ăn cháo đậu xanh, buổi trưa ăn cơm với cá nục, buổi tối ăn cơm với măng tươi xào tôm. Vật giá bây giờ leo vút lên một cao điểm tàn khốc, thức gì, vật gì cũng lên cả trăm phần trăm, mười một phần mười, chỉ thuốc tây là còn dềnh dàng giậm chân tại chỗ, dợm lên dợm xuống chưa nỡ vọt, thành ra mỗi khi cả nhà cảm cúm, mặt trận không cho lũ em tôi ăn cam, mẹ không cho lũ em tôi ăn chuối, mẹ đến ông chú dược sĩ mua rẻ một lúc cả thùng két thuốc bổ về chia cho cả nhà, ép buộc mỗi người phải uống ba bốn hộp cho mau lại sức.

Mỗi lần Trâm kêu:

– Chị Khanh ơi, pâté gan Việt Nam làm cách nào?

Tôi đọc lên:

– Gan bầm nhỏ với mỡ, nêm tỏi, tiêu, muối đặt lên hấp, hấp xong nướng lại ăn càng ngon.

Nói xong tôi dúi vào tay mẹ bốn trăm bạc mua một ký gan với vài lạng mỡ.

Khi Thảo kêu:

– Bánh “cake” làm cách nào?

Tôi lại đọc:

– Sáu cái hột gà, năm muỗng canh bơ, nửa đọi đường, một chén bột mì. Hột gà đánh trước thật nhuyễn rồi trộn lại mấy thứ đánh chung cho thiệt dậy, dậy hết sức vậy đó, rồi cho vào một cốc nhỏ rượu rum rồi lại đánh nữa, rồi đem hấp.

Thảo chìa tay lấy năm trăm bạc mua đồ về làm bánh. Khi Nghiễm đi làm về, Thảo bưng ra chiếc đĩa đựng ổ bánh nhỏ:

– Bánh em vừa mới đổ hồi chiều để dành anh cái đẹp nhất đầy đủ cả góc cạnh, anh gắng ăn một miếng đi, anh ăn cho cuối năm nay em lấy chồng được!

Bánh ngọt không ăn được với rượu. Nghiễm nhón một thẹo rồi giao cho tôi hết. Trưa hôm sau Nghiễm đi làm về đưa Thảo một hộp giấy màu xanh:

– Bột Mỹ đấy, bột làm bánh sẵn, em chỉ việc cho nước vào đánh dậy rồi đem hấp.

Cả tụi em ôi xúm lại mỗi đứa bốc một tí bột đưa lên miệng nếm. Nghiễm tiếp:

– Muốn ngon hơn thì cho thêm hột gà.

– Hột gà có sẵn rồi mà.

– Cho thêm vào thì ngon hơn chứ sao?

Cúc đi học vào nhìn không thấy Nghiễm liền chạy vào nằm bên Trâm. Một lát Cúc ngồi dậy bế bé Hiền nạt nộ cho con bé mếu để cười chơi. Tôi cũng cười giọng phụ và nói thôi đừng la lớn cháu nữa tội nghiệp. Nghiễm thường nhăn mặt bảo những đứa em tôi coi bé Hiền như búp bê, như một món đồ chơi đẹp, chứ không như một trách nhiệm cho dù là nhỏ nhặt. Một bữa Cúc xức nước hoa vào người bé Hiền thơm ngào ngạt. Nghiễm quát tôi:

– Ai cho xức nước hoa vào người con bé. Trẻ con phải để cho nó có mùi thơm của sữa, xức nước hoa vào nó ngộp hơi nó chết.

Tôi nguýt:

– Có một giọt Chanel mà làm náo.

Nghiễm xông tới:

– Nuôi con phải biết bảo vệ con, bộ cứ để cho ai thọc tay vào vọc phá cũng được hay sao? Tôi nói lần này là lần chót, lần sau mà còn như vậy nữa thì đừng trách tôi.

Cúc thường lấy đôi hoa tai của Trâm kẹp vào tai bé Hiền. Thảo vừa quấn tã cho bé vừa nhét khẩu súng lục vào một bên bụng. Trâm cho bé Hiền đeo một xâu chuỗi hột vàng xanh tím, mang kiếng mát vào mắt bé Hiền, cột bốn cái bong bóng vào tứ chi bé Hiền, sơn đỏ móng tay móng chân bé Hiền. Những việc làm đó Nghiễm giận cành bụng, chàng chống đối ngay cả việc tôi cầm kéo cắt cụt những sợi lông mi của bé Hiền.

– Bao nhiêu người ám hại nó, còn em nữa.

Tôi cười:

– Phải cắt đi nó mới mọc ra lại rậm hơn dài hơn cong hơn.

– Ngộ nhỡ mũi kéo đâm vào mắt nó thì sao?

– Làm sao mà đâm vào mắt được.

– Mà cần gì phải làm vậy. Sau này mua cặp về cặp cho nó.

Thảo và Út đi học về nghiêng đầu dòm vào rồi bước vô. Tôi bảo Trâm:

– Coi cháu một chút để tao đi giặt mấy cái tã.

Tôi hát quanh quẩn một bài hát không tên như con kiến mãi bò vòng vo trong miệng chén. Mỗi ngày bé Hiền thay một đống tã, nhưng giặt tã con không cực bằng giặt áo chồng. Hai cái tay, một cái cổ! vừa đánh bằng bót vừa rũ chất… đen bám vào đấy hầu như đã thành tinh… Nghiễm đề nghị bán máy rang bắp để mua máy giặt.

Tôi vừa mang quần áo lên nhà phơi thì ở dưới Nghiễm gọi giật giọng, Khanh ơi, Khanh ơi. Mẹ bảo đẻ đó tau, xuống nhà coi hắn kêu chi.

Bọn đếm bỏ đi ra ngoài hết còn lại mình Nghiễm đi làm về chưa thay áo. Mặt Nghiễm cũng đỏ như đôi mắt chàng, hai hàm răng cắn lấy môi trên:

– Cô vào đây mà xem con cô.

Bé Hiền nằm cười toe toét giơ lợi. Bọn em tôi đã lấy bút chì nguyên tử vẽ cái dấu hồng thập tự lên trán con nhỏ, vẽ hai quệt râu trê lên mép miệng, hai chiếc má cùng bàn tay, bắp đùi con nhỏ cũng đầ những dấu chấm phẩy. Nghiễm tức giận hốt hoảng, nổi cục, cúi xuống cầm chiếc guốc lên rồi lại để xuống. Chàng đứng phắt dậy mắt long tròn:

– Đấy cô xem con cô, người ta vẽ rồng vẽ rắn…

Tôi đập tay xuống giường:

– Không biết đứa mô chơi mà kỳ lạ thế này.

Nghiễm hầm hừ:

– Mấy bà cô nhà này chứ còn ai nữa. Có ngày con bé chết.

– Để lấy bông gòn tẩm rượu chùi cho sạch.

Nghiễm càng nhăn nhó:

– Cô phải có thái độ sao đối với chúng nó, có ngày chúng nó mang con mình ra làm vật hy sinh.

Tôi cảm thấy lòng cay cay cười gằn đáp gọn:

– Để tôi bắt đền chúng nó.

– Đền gì mà đền. Chúng nó coi cô ra gì mà đền, chúng khinh cô như cỏ rác.

– Ừ đấy, bọn em tôi không sợ tôi đấy. Chúng nó là bầy chó lùn hỗn manh xấc láo chanh chua đấy. Tôi sợ chúng lên lét cái thần hồn đấy.

– Còn gì nữa.

– Còn chứ! Còn rất nhiều điều bẩn thỉu mà anh chưa gán cho tôi.

Nghiễm cầm cái radiô liệng vào tường:

– Có im đi không, có câm họng đi không. Cô mà nói nữa thì tôi tiến lên… cô đừng trách.

Sự tức giận là những bọt nước trồi lên cổ họng, tôi nặng mặt câm nín cầm miếng bông gòn thấm cồn lau mãi một chỗ trên mặt con bé hồng cả lớp da.

– Anh Nghiễm, giữa chúng ta căng thẳng lắm rồi, em sợ đứt lắm, em bó tay rồi. Lỗi về em hết cả, anh hãy bỏ đi ra ngoài chốc lát cho người nguội lại rồi hãy về.

Nghiễm bước ra ngoài tay chỉ cầm một điếu thuốc lá cháy dở. Tôi thấm cồn vào miệng gòn lớn lau tiếp bắp đùi cho bé Hiền. Sự chà xát với rượu mạnh làm da con nhỏ đỏ gay lên tội nghiệp. Tôi đau xót đưa tay xoa mãi má con. Thảo, Cúc, Út bước vào đưa thay che miệng cười:

– Anh Nghiễm bố tụi này lắm không?

Tôi nhăn mặt cười:

– Ẩu, tụi bay chơi ẩu. Anh ấy bỏ đi rồi.

– Anh đi ra thì tụi này đi vào.

Tôi từ nhỏ đến giờ chưa và không bao giờ muốn la mắng em lần nào, những đứa em gái sắc nhọn và nóng như loài ong thích châm chích và dài mồm lý sự. Tôi từ nhỏ đến giờ vẫn tốt nhịn, vẫn tranh ăn với các em, vẫn đùn việc cho các em. Tôi từ nhỏ không bao giờ nghĩ đến chuyện sửa lưng lũ em mà cứ lo bị lũ em sửa lưng mình thôi. Tôi từ nhỏ không bao giờ giận lũ em mà chỉ lo lũ em giận mình mà thôi. Thảo nói:

– Tui mãi nói chuyện với bà Trâm, lúc liếc sang thấy con Cúc con Út cười ha hả mới biết.

Cúc cãi:

– Không phải em, con Út… con Út hắn vẽ cái chữ thập lên trán bé Hiền cho giống đàn bà Ấn Độ.

Buổi cơm tối qua rất lâu Nghiễm mới về tới nhà khi tôi cho con bú cữ chín giờ. Chàng ngồi xuống xoa tay lên má bé Hiền nặng mặt im lim. Miệng chàng thơm mùi Martell, bao tử chàng bây giờ không phải là bọc chứa cơm, bao tử chàng bây giờ là một cái chai không nút đựng rượu bay hơi ra miệng. Tôi đau xót nghĩ đến buồng gan cứng của chàng, nghĩ đến túi mật lỏng lẻo của chàng trong khi nhìn chăm chăm vào chiếc bụng chàng. Nghiễm gắt nhỏ cho con bú mà nhìn đâu đâu sữa chảy xuống hết cổ con rồi. Tiếng của chàng nhanh quá, từng chữ từng âm dính nhẹt vào nhau, tiếng nói ngâm rượu say mèm. Bình thường chàng nói nhanh, bạn bè nghe không kịp, lúc rượu vào, tiếng chàng lùa lùa như gió tôi nghe không kịp. Nghiễm hỏi tôi đã la mắng lũ em chưa. Bọn chúng vô trách nhiệm lắm, anh sợ có ngày chúng cho con nhỏ ăn ớt, cho con nhỏ uống giấm, nhét muối sống vào miệng con nhỏ.

Nghiễm thay áo quần nằm lăn ra ngủ hai ngón tay còn gắp nửa điếu thuốc đang cháy. Một giờ đêm chàng thức dậy mở tủ lạnh cầm chai nước ngửa cổ uống rồi ngủ lại cho đến khi trời sáng bạch ra, ăn hai tô cháo rồi hấp tấp đến tòa soạn.

Mấy con em còn nằm ưỡn ẹo trên gác chưa xuống rửa mặt nên nhà vắng hoe.

Lúc tôi ngồi cắm cúi gọt khoai, cà rốt, su su để cho vào nồi cháo của con thì Trâm trên gác xuống chạy tới sau lưng tôi chụp vai hù một tiếng:

– Hôm qua anh Nghiễm say đứ đừ, say tàn nhẫn…

Thảo chêm:

– Say cho quên tình đời, cho quên tình anh rể em vợ.

Tôi cau mặt:

– Tụi bay thiệt ẩu. Ảnh có khi mô lên lầu phá tụi bay mà tụi bay cứ xuống lầu phá anh ấy hoài.

Thảo đưa tay ra:

– Tụi tui có một tủ đựng quần áo trên lầu, mời anh ấy lên phá.

Trâm cười:

– Thôi từ nay không phá phách không cười không giỡn không nói năng chi với anh Nghiễm nữa hết… phải giữ một khoảng cách, không sợ anh ấy khinh.

– Ừa, ừa… thế gian có một ông anh rể khinh em vợ nhất là anh Nghiễm.

– Những nhà khác anh rể thương em vợ lắm, lãnh lương ra cho ba nghìn bạc.

– Cho một áo dài, cho một đôi giày…

Tôi cười thành tiếng nhưng miệng không mở, những nụ cười của lũ em tôi đẹp hơn tôi, những đôi mắt của lũ em tôi đen hơn mắt tôi. Những đứa em cổ cao cẳng dài đầu dại đội nón trong nhà mà sống, mang áo mưa trong nhà mà sống, đóng hết cửa sổ lại mà sống, kín tiếng kín tăm như gái Chiêm thành. Những đứa em gái rầm rộ, ầm cửa, ầm nhà, tay chân luôn luôn ở thế động. Những đứa em gái ăn to nói lớn và thường ôm bụng mình mà cười. Những đứa em gái giống tôi lúc chưa lấy chồng thì dại, lấy chồng rồi tự nhiên khôn ra.

Tôi chỉ tay ra ngoài:

– Tụi bay ngó cái tủ sách của anh Nghiễm thì biết. Lúc mới dọn tới đây thì tủ đầy sách, bây giờ chỉ còn cái tủ.

Bùng lên những tiếng ồn, bùng lên những tiếng cãi cọ. Con Cúc đem sách đến lớp cho bạn mượn, con Út xem sách xong bạ đâu bỏ đó. Chị Trâm đem vào cầu tiêu đọc. Chị Thảo buổi tối nào cũng coi để ngủ. Anh Mạnh, anh Khang đến mượn rồi không trả.

Nghiễm đi làm về đột ngột và yên lặng chỉ một mình Cúc thấy. Cả bọn đưa mắt nhìn nhau bỏ lên gác. Tôi vội đi vào:

– Hôm nay anh mệt nên về sớm, anh có mệt nhiều không?

– Mệt quá!

– Ngủ một chút là lại sức liền. Để em rót rượu ngâm thuốc cho anh uống.

– Thôi, thôi… Hôm qua đứa nào quẹt bút chì nguyên tử vào bé Hiền?

– Bọn nó chối quanh, chẳng biết đứa nào.

– Từ nay em hãy cẩn thận trông chừng con.

Nghiễm vói tay lên đầu giường mở chiếc radiô nhỏ. Bài hát “Suối mơ” của một thời xưa cũ dâng lên, xoáy vào lòng không gian những mật đàm tình ái ngái ngủ, bài hát là bàn tay mát rượi sờ lên vầng trán tôi hâm hấp sốt. Tôi dại người, tâm hồn lâng lâng bay lên. Tôi lẩm bẩm: “Từng hẹn cùng nhau cùng xây nhà bên suối nghe tiếng suối róc rách…”. Tôi mê bài “Suối mơ”, mê những lời ân ái toàn bích vì thương nhau mà hát vì nhớ nhau mà hát. Tôi mê bài “Suối mơ” đến nỗi phát ghét người nữ ca sĩ đã hát dở bài đó.

Có tiếng gõ cửa và tiếng gọi Nghiễm, Nghiễm. Ông luật sư lại đến gửi chai rượu và con vịt quay để chiều gọi anh em đến nhậu.

– Thôi để cho nó nghỉ. Chiều hãy đến phá.

Sáu giờ chiều tôi xách giỏ đi lấy soda và lấy đá về tới nhà thì mấy người bạn đã đến đông đủ mang theo một chai champange, hai con lươn xối mỡ, gói nem cuốn với chục con chim quay. Nghiễm bảo:

– Đồ nhậu đem tới nhiều quá rồi, em hãy chặt con vịt đem ra sau cho cả nhà ăn đi rồi ra đây ngồi uống tí champange.

Trong câu chuyện, mọi người kể tên những kẻ quen thân lấy vợ Huế. Đại khái đàn bà Huế lãng mạn thi vị trong khi đàn bà Bắc lo làm ăn bon chen rít chặt đồng tiền. Nghiễm gật gù:

– Gái Bắc lo làm giàu cho chồng lắm.

Ông luật sư tiếp lời:

– Gái Huế thì lo duy trì hạnh phúc giữa chồng với mình.

Tôi cười:

– Nghiễm muốn nói rằng vì lấy tôi mà Nghiễm nghèo.

Anh bạn từ lâu vẫn rụt cổ ngồi trong góc giờ lên tiếng:

– Tôi nhất định lấy vợ Huế.

Tôi rót một ly lớn champagne đem vào nhà cho cha, ngồi xuống ăn chén cơm. Cả nhà rối rít khen thịt vịt quay ngon béo, thịt vịt quay khéo quá, miếng da ăn giòn rụm cả lưỡi. Nghiễm gọi Út ra cho hai cuốn nem.

Bỗng có tiếng Út la lớn ở nhà ngoài:

– Chị Sương, chị Sương, mẹ ơi!

Chị Sương ở Đà Lạt về chấm thi, cả bọn con gái ríu rít vứt đũa chạy ra ôm cháu Nguyện và bê đồ đạc vào. Đồ đạc của chị Sương càng nhiều thì nỗi vui của các em càng lớn, Thảo chun mũi cười chê chị Sương:

– Người Đà Lạt tốt máu, mát da mát thịt quá!

Trâm thêm:

– Ăn dưa leo xà lách củ cải quá nhiều nên người to lớn đại chang ra.

Tôi gục gặc:

– Chị Sương to như một vị đại thần.

– Một vị đại vương.

Chị Sương cúi xuống xoa bụng với lưng:

– Ở Đà Lạt thét rồi quên việc duy trì đường nét. Ăn thì ngon miệng, ngủ thì ngon giấc, ở thì tiện nghi. Quanh năm quàng áo lên lên người thành ra phát mập hồi nào không hay. Chừng về Saigon cởi áo len ra thì…

– Muốn trở lại Đà Lạt ngay.

Cúc và Út đã soạn ra mấy bịch củ năng, mận, dâu, khoai tây, tỏi. Tôi lấy đĩa xúc một ít mận đem ra nhà ngoài cho Nghiễm và các bạn nhắm rượu. Chị Sương trợn mắt:

– Thương chồng quá vậy ta!

Trâm lắc đầu:

– Rứa đó… chị Sương nói ra chứ em nói thì không ai tin.

Cúc và Út soạn ra ê hề dưới đất những món đồ chị Sương đem về. Rau sống dưa leo su hào xanh rờn sinh tố khiến người đàn bà bừng mắt dậy thấy ngay cả một trời hạnh phúc. Cầm trái mận vàng óng ả trên tay, người đàn ông tưởng được như hôn vào đôi má rám hồng của người vợ lười đánh phấn. Đà Lạt lạnh mát lịm. Lạnh là hạnh phúc, lạnh là giấc ngủ nồng béo của đôi môi đè lên một đôi môi, của cánh tay làm áp lực trên một cánh tay. Đà Lạt lạnh bên nhau, lạnh thì thầm những lời nói nhỏ và vì tình yêu con người sẵn sàng chịu lạnh, Nghiễm và tôi yêu nhau ở Đà Lạt và lấy nhau ở Saigon.

Tối hôm đó, sau nhiều chuyện nói với chị Sương tôi xuống lầu lắc vai Nghiễm:

– Lên Đà Lạt ở đi anh. Saigon hành hạ mình nhiều quá rồi. Em hết chịu nổi Saigon.

Nghiễm nheo mắt:

– Em lên một mình thì được.

Tôi trợn mắt:

– Ly thân hả?

– Anh lên đó thì ai đưa công việc gì tới cho mà làm ăn. Làm sách làm báo mà lại dám lìa Saigon.

Sáng hôm sau chị Sương xuống nhà thật sớm trao cho Nghiễm một chai Bisquit:

– Anh gởi cho chú, biết chú là người ngoài rượu ra thì không thương ai hết.

Nghiễm cười:

– Năm nào chị cũng về Saigon chấm thi?

– Tôi xin chấm thi ở Saigon để về thăm gia đình luôn thể.

Nghiễm cười lạt như tô canh quên nêm muối:

– Cháu Nguyện lên mấy rồi chị nhỉ?

– Năm tuổi rồi đấy chú… chướng như quỷ, cả ngày ba cháu đập luôn.

Nghiễm chào chị Sương đi làm, chị Sương cười bảo tôi:

– Người chi mà nói mau dữ!

– Khi anh ấy nói, anh nuốt vào trong hết một nửa số chữ.

Nụ cười chị Sương căng lai láng hai gò má mạnh khoẻ, chị ngó vào trong nhà, kéo một chân đặt lên ghế nệm rồi vẫy tay:

– Mi qua ngồi đây tau nói nhỏ cái ni.

Tôi cũng nhìn vào trong rồi lại ngồi bên chị:

– Nói chi… có hồi hộp không?

– Nì, răng mà dại rứa, mi răng mà dại rứa. Lấy chồng mà còn đem chồng về ở chung với gia đình mà làm chi… Răng mà dại rứa. Lấy chồng rồi là phải dông, phải đi thẳng. Ở riêng ra mới có hạnh phúc. Bằng tất cả mọi cách hãy tìm cách đi ở riêng đi.

Tôi tần ngần:

– Ban đầu em định về ở tạm đây ít lâu rồi thuê hoặc sang một cái nhà cho kha khá. Nhưng mà nhà cửa Saigon là vấn đề sinh tử, ngày nào đêm nào cũng tâm niệm mà vẫn thuê không ra.

Chị Sương chắc lưỡi:

– Răng thì răng cũng phải đi.

Chị Sương trông ra cửa xem giờ trên cổ tay:

– Ê Khanh, đi phố chơi không?

Tôi lắc đầu:

– Ở nhà coi con chớ!

– Chủ nhật, mọi người vợ đều có quyền đi phố ngày chủ nhật. Đi phố chơi đi. Giao con cho bà ngoại. Đi nghe! Mấy khi tau về Saigon.

– Cái thằng cha chồng em rít chặt lắm. Đi đâu mà không nói trước là về chết một cửa với hắn.

Tôi lên gác theo chị Sương ngồi vào bàn viết của Trâm nhìn cả bọn sửa soạn đi chợ Bến Thành. Chị Sương ngồi điềm đạm vẽ môi trước hộp đựng đồ làm đẹp, còn Trâm, Thảo, Cúc, Út thì loay hoay, hấp tấp, gây gổ, xô đẩy trợt té. Cúc chải đầu cột nơ xong vứt ngay cái lược ở đâu, Út kiếm không ra kêu réo om sòm lược mô lược mô. Hai tấm gương đã bể một, Thảo và Trâm cùng chúc đầu vào đánh phấn, cụng đầu vào nhau, xô nhau đùi đụi, lược, cây son, bút chì than, kẹp tóc rơi tung ra trên sàn gỗ. Sửa soạn mặt mày tóc tai xong rồi kéo tấm màn lại thay đồ. Thảo tìm không ra xì-líp, Trâm lạc mất áo lót, Cúc mặt quần jean nhảy ra trước. Chiếc tủ áo quần bị xáo tung tam bành lên để tìm quần lót, áo lót. Thảo, Cúc cãi nhau chí chóe, Cúc mặc lộn sơ-mi của Thảo, Trâm sai Út ra chỗ sợi dây thép phơi áo quần coi có cái áo phơi ngoài đó lấy vô mặc. Út kêu áo chưa khô. Trâm la to: Chưa khô cũng lấy vô đây cho tau mặc, mặc vào người năm phút sẽ khô.

Tôi lắc đầu:

– Ngồi ngó tụi này một chập hoa mắt ù tai.

Chị Sương cười:

– Mỗi lần đi chợ Bến Thành là tau nhớ tới những lần đi chợ Đông Ba ngoài Huế.

Tôi nói:

– Tụi này con gái mà đoản hậu. Con gái gì mà nhảy như cóc, kêu như ệnh oạng.

Thảo vênh mặt:

– Chẳng bằng sợ chồng quá nên không dám đi phố.

Chị Sương cầm xấp bạc dong lên:

– Giao hẹn tụi bay chỉ được mua sắm trong mười lăm ngàn này thôi.

– Em hai áo dài.

– Em một đôi dép.

– Em hai áo đầm.

– Em cái bóp thật sang.

Chị Sương nói:

– Tụi bay thiếu áo lót, quần lót phải mua này, thiếu áo quần mặc nhà phải mua này. Sắm đồ đi ra ít ít thôi…

Cả bầy rầm rộ xuống gác gỗ tiến ra ngoài còn lại vắng vẻ mẹ và tôi. Mẹ định mặc áo dài đi chợ. Tôi nói:

– Me trông cháu để con đi chợ mua đồ về làm chả giò đãi chị Sương ăn một bữa cho phè bụng ra.

Tôi đi chợ về chưa đầy nửa giờ, đi nhanh, mua nhanh, về nhanh. Mẹ nhìn ba ký cua để dưới gật gù khen cua chắc, mẹ thái củ đậu, nhặt giá trong khi tôi hấp chả giò đã rán xong liền lớn tiếng hoan hô. Thảo, Cúc bị chỉ định bày bàn dọn cơm khi tôi vào sửa soạn pha sữa cho bé Hiền. Nhà ngoài mấy chị em nói to, giỡn lớn, con tôi chưa bú xong đã bị gọi mau mau ra ăn. Chị Sương nói:

– Đợi chú Nghiễm hay là để phần?

– Để phần thôi, anh ấy đi không có giờ về. Mọi người cho rau bún, gắp chả giò vào chén chan nước mắm chua ngọt ngâm đu đủ cà rốt thái chỉ. Chị Sương nói:

– Huế mình không có món này.

Trâm cười giữa hai môi bóng lẫy:

– Món này người Huế gọi là ram đó.

– Ram khác, chả giò khác… Ram khác xa, chả giò nhiều nhân, ram thì bất cứ cua tôm, trứng thịt cũng đều ram được hết, ram cuốn với bánh tráng dày, còn chả giò thì gói bằng bánh tráng mỏng.

Những đôi mắt cùng sáng, những chiếc miệng nhai lách nhách gợi thèm cho nhau, đọt rau muống chẻ làm bốn rối rắm trộn chung những lá xà lách dà dặn xanh nõn ăn vào tới đâu mát tới đó. Thảo hỏi:

– Sáng nay ai đi chợ có mua đồ về nấu súp không?

– Tau đi… không có mua đồ về nấu súp.

Thảo bĩu môi:

– U mê một cách dã-man-mán-mọi. Bao nhiêu cà rốt khoai tây bắp cải chị Sương mang từ Đà Lạt về còn tươi rói mà không mua một cái đuôi bò về nấu súp.

– Đi chợ Bến Thành mà không mua. Chợ Thái Bình mà bán đuôi bò?

Nói cười xô bồ lay chuyển bàn tròn, chị Sương đong đưa chiếc cổ mỡ đọng hỏi mọi người có muốn uống coca-cola không? Chị hỏi vậy chứ mười phút qua mà chị vẫn chưa dợm dậy lên gác lấy tiền. Thảo nói:

– Món chả giò này là món Bắc. Chị Sương đừng khen chả giò ngon trước mặt anh Nghiễm nghe.

– Răng rứa?

– Hễ trước mặt anh Nghiễm thì chị cứ khen món ăn Huế, chê món ăn Bắc cho tui, không thì sống không nỏi.

Chị Sương cười bỡ ngỡ:

– Tại răng rứa?

Thảo trở lại trong lúc nhồm nhoàm nhai:

– Anh ấy chửi món Huế của tụi mình.

Trâm cười mũi:

– Nếu những món ăn Huế bị chê thì người con gái Huế không biết đẹp ở chỗ nào.

Chị Sương cười đầy vun hai má thịt nõn nà:

– Gay cấn thật. Sự xích mích của những người con nít.

Trâm bĩu môi:

– Sự xích mích này đem kể ra thật buồn cười, chị phải ở thật lâu trong nhà này để đích thân nhận xét.

Thảo chỉ ngón tay vào trán tôi:

– Nguyên do cũng tại bà Khanh quá sợ chồng mà ra.

– Bà ấy quan niệm chồng là cọp, đàn ông là cọp là hổ beo rắn trăn.

Tôi cảm thấy cái bụng đã chắc chắn, sự kích thích của những cuốn chả rán giòn cùng những sợi cà rốt đu đủ ngâm giấm không còn sôi động như hồi đầu nữa. Tôi nghỉ tay đặt đũa gác lên chén, lấy tăm xỉa răng. Trâm bảo ăn thêm đi chị Khanh, còn cả xú dưới bếp, tôi lắc đầu nói no quá nặng bụng rồi.

Buổi chiều Nghiễm vẫn chưa về, mấy đứa em ngủ dậy ở trở nên gác xuống hỏi anh Nghiễm chưa về há rồi vào lục trạn lấy đĩa chả giò để phần Nghiễm ra ăn với nhau.

Chị Sương lắc đầu:

– Con Thảo, con Trâm, con Cúc, con Út… tham ăn bao nhiêu thì lười đi học bấy nhiêu.

Bốn cái đầu cùng gật:

– Học hành dễ như ăn ớt, chăm làm gì. Được đi học là quá sung sướng ròi…, đỗ đạt bằng cấp mà làm gì.

Tôi ngậm miệng mà cười. Bọn em tôi nhét sự học vao một góc tối, một xó xỉnh nào đó. Chúng sống đứng sững giữa trời, cắm vào đất một cứu cánh và do đó cỏ cây đều mọc thành dấu hỏi. Chúng sống nhìn lên thấy tương lai thấp như cái sống mũi và cuộc đời tàn lụn như chiếc lưng gù già. Mấy đứa con gái trẻ em tôi tuồng như muốn nói không học có thành người không? Trâm: Tôi chỉ lớn lên chứ không thành ra cái chi cả. Thảo: Tôi không hóa ra ai cả, bao giờ tôi cũng là người. Tôi từ thuở nhỏ thế nào thì lớn lên làm vậy, sách vở không là chất tiêu hóa nuôi dưỡng tôi. Chỉ biết rằng ăn,ngủ, vui, buồn, thương, ghét, dậy thì, trưởng thành v.v… Bao nhiêu thứ gối cuộn thành một cuộc đời và trong ấy có nhét vào chuyện học. Thỉnh thoảng vẫn đến lớp, thỉnh thoảng vẫn ghi “cua”. Thời gian trôi qua suông đuột dễ dàng như tháo chỉ, như đan len… Ngày thi có nắng thức dậy, làm tốt ra đi, vào phòng ngồi tỉnh táo, yên tâm và tự tin như ngày thường. Ngồi hết số giờ ấn định, kéo vạt áo dài đứng lên, ký góp tên bài đi ra, về nhà bình an như thường. Soi mặt vào gương bình yên như thường, mạnh giỏi và vui vẻ, trơ ra, chắc nịch, tự tin. Đậu cũng thế mà đậu phải cành mềm cũng thế. Không có những dịp thức tỉnh, bàng hoàng ngó quanh, ngó lui, ngó tới để mà nản, để mà sợ, để mà thấy cái ngán chồng cao trước mặt. Trâm thì vẫn nói: Tôi chỉ lớn lên chứ không thành cái chi hết. Thảo thì vẫn nói: Tôi từ thuở nhỏ thế nào lớn lên làm vậy chứ không hóa ra ai cả. Đúng rồi, đúng rồi. Em tôi lớn là cái xác to ra, tay chân dài ra, làn da dày ra chứ sự vô tư, sự lãnh đạm thì vẫn ở lại để kéo dài vô tận sự làm con gái như tôi ngày xưa. Như tôi ngày xưa vẫn không biết sợ, vãn vững như thông.

Ngày xưa, chị Sương vừa đút cháo cho con ăn vừa kêu: Khanh ơi, con Vi lấy chồng đó, tuần sau đám cưới. Khanh ơi, con Tuyết lấy một ông bác sĩ. Con Thương mới mười bảy tuổi đã có người đi hỏi. Chị Sương vẫn kêu như vậy, đã mấy lần chị Sương kêu như vậy. Nghĩa là ngấm ngầm và rõ ràng chị Sương muốn thức tỉnh tôi, muốn báo động. Tôi cười:

– Chị biết không, cái thằng Phục bạn em đó, cái thằng Phục cao lớn dềnh dềnh đeo kính trắng đó, học một lớp với em, hắn lấy vợ năm tê đó, vợ hắn chết rồi, chết cách đây hai tháng.

– Rứa hả?

– Ừa, vợ hắn chết rồi. Chắc chắn một điều là thằng Phục hắn lấy hai vợ mà em vẫn chưa lấy chồng.

– Hử… hử…

– Chị ái ngại giùm em với.

Thảo, Út, Cúc, Trâm ăn hết nhẵn đĩa chả giò phần Nghiễm và còn đang ní nạnh nhau không ai chịu đi rửa đĩa bẩn đũa bẩn.

Buổi cơm tối Nghiễm không về, mười giờ đê Nghiễm vẫn chưa về. Trâm ở trên gác chạy xuống nói:

– Chắc anh ấy ngủ lại ở “Đêm màu hồng” rồi, chị Khanh lên gác ngủ cả với mấy chị em cho vui.

– Mười hai giờ mà anh ấy vẫn chưa về thì tau bồng cháu lên. Ngủ dưới này sợ chuột lắm.

Hai kim đồng hồ đã nằm lên nhau trên con số mười hai rồi chiếc kim dài nhích ra. Tôi sửa soạn tã lót, khăn lông, gối chèn cho con, định khóa cửa lên gác thì Nghiễm về, hơi men sực nức lỗ mũi.

Nghiễm gạt mạnh tôi ra bên, đi thẳng vào phòng nằm lăn quay trên giường để cái mặt ra ngoài mùng. Tôi chạy mau ra sau vừa kịp lấy cái chậu lớn đem vào để chàng nôn mửa cho tôi ngửi đủ mùi tân khổ. Tôi ép ly nước lọc vào miệng chàng, Nghiễm chỉ súc miệng có một hớp rồi ngủ khò. Tôi đổ chậu bẩn vào cầu tiêu xối nước rửa tay rồi trải chiếu nằm ngủ bên dưới nôi con. Những con muỗi đốt mặt, ức hiếp hai lỗ tai tôi, tôi trùm mền kín cả mặt, mắt nhắm ngủ cho cơn khóc nhỏ chảy ra. Chiếc lưng đặt trên nền gạch đau ê ê, tôi vùng vằng đắp chăn lên tận mặt nằm duỗi thẳng. Cơn khóc thút thít trở nên đầm đìa. Hai cục thịt thừa trong mũi nở to ra chận cứng hơi thở. Mỗi lần nước mắt dâng cao là hốc mũi bưng bít như trám xi măng phải há miệng thở dốc thở dài. Tôi ngạt quá ngồi lên lấy chai Rhinex nhỏ vào mũi vài giọt rồi hô hấp thật mạnh, rồi hỉ nước vào đống tã bẩn của con. Đợi cho hai lỗ mũi hơi ráo ráo, nhỏ thêm vài giọt thuốc ngồi năm phút rồi nằm xuống, nằm tê liệt nghe tiếng tim nện mạnh trong buồng ngực. Hai lỗ mũi tôi đau bệnh kinh niên giờ không biết thối biết thơm gì nữa.

Tiếng động Nghiễm cựa mình trên giường rồi tiếng động Nghiễm xuống giường tìm dép. Nghiễm bước tới và ngồi xuống kéo tấm mền đắp mặt tôi ra. tôi nằm xoay phía khác:

– Sao vậy Khanh? Sao lại thế này được?

Tôi ngồi dậy, dựa lưng vào tủ lạnh. Nghiễm tiếp:

– Sao không đơn giản một tí? Sao phiền phức thế này?

Tôi phản kháng bằng một tiếng kêu gằn trong mũi. Nghiễm bóp tay tôi:

– Cách dựng cảnh của em thật phiền hà… chiếc chiếu thì rách, chiếc mền dùng để ủi áo quần có vết cháy in hình chiếc bàn ủi, khăn lau nước mắt la tã của con…

Tôi quay mặt lại:

– Kính bái sự tàn nhẫn của anh.

– Bao giờ em cũng nghĩ mình là kẻ đau khổ, kẻ thiệt thòi… rồi em sống theo ý nghĩ đó, em tự đày đọa em.

– Thôi đừng lên giọng lớn nữa. Tám giờ sáng ngày chủ nhật anh mặc bộ đồ này ra đi cho đến 4 giờ sang ngày thứ hai, tức là bây giờ anh vẫn còn mặc bộ đồ đó chưa thay. Phải, lúc nửa giờ đêm anh hoàn toàn không say sưa như một con gà ướt, anh không hề kê họng ra giường mửa ra một chậu đầy đồ ăn với rượu … Phải, anh bao giờ cũng là người phải, anh có hai cánh tay phải một lượt…

– Em cứ hay đặt điều thảm thiết tự hành hạ mình, đau khổ theo cái khối tưởng tượng … khi không trải chiếu dưới đất mà nằm rồi tưởng thật mình khổ, rồi khóc…

– Công nhận là từ khi lấy anh, miệng mồm tôi được ăn nhiều miếng ngon miếng lạ… nhưng cái tinh thần nó đau đừ, nó bị anh chèn ép… anh hạ thủ… anh độc địa…

– Dở cái giọng xóc óc ra rồi. Có lên giường nằm không? Thôi lên giường nằm đi.

– Tôi lên giường nằm thì anh phải tụt xuống đất nằm… nằm chỗ này.

– Cái đó không thành vấn đề.

Hai con mắt nhắm dỗ tôi nhưng tôi vẫn thao thức. Khuôn mặt người dì bạc bẽo chập chờn giăng ngang qua màn lệ mỏng dính: cháu ơi lấy chồng thì lấy chứ đừng có lấy cái tật nghiện rượu khổ lắm. Đối với bợm rượu, mình là vợ lớn, rượu là hầu non, bợm yêu rượu, bợm mê rượu hơn mình, bợm vì rượu mà đánh đập chửi bới mình, bợm có thể ly dị mình chứ không bao giờ ly dị rượu. Tôi đã cười xòa xòa. Chồng cháu làm sao có thể so sánh với dượng được, dượng ghiền rượu là tại cái căn phần, cái nghiệp chướng từ thuở tiền sinh, chứ chồng cháu thì nốc ba hớp để chuốc lấy một tí hào hoa. Với lại chồng cháu không có võ, có say rượu chắc cũng đánh cháu không đau lắm đâu. Tôi suy nghĩ đến cuộc tình sấm sét của dì bên cạnh dượng. Dượng ngày đêm uống rượu say đừ đầu, đôi mắt đỏ ân sủng đánh chửi tì tàn tệ, rách nát, tiếng kêu khóc của dì cả họ ngoại nghe thấy và phẫn nộ. Những buổi chiều mây trắng như muối chuyển động từng khối lớn, dượng ngửa cổ tu hết hũ lớn đế cay ngâm quế rồi líu lưỡi nói lắp bắp tay đấm chân đá vào người vợ dềnh dàng đứng giữa cuộc đời như một chướng ngại chình ình to lớn.

Mẹ chép miệng:

– Dượng Tiêu đã nghèo đến như vậy mà còn đeo uống rượu… Té ra rượu nó đeo theo người chứ không phải người đeo theo rượu.

Tôi ngồi dậy lay vai Nghiễm:

– Rượu sẽ đeo anh tới già, sẽ tiễn chân anh vào áo gỗ… và em sẽ là nạn nhân trực tiếp.

Nghiễm xì xào gay gắt rồi nói:

– Họ hàng nhà em cứ hay bày ra những lý lẽ lôi thôi. Bao nhiêu thằng uống rượu ra đó có chi đâu.

– Người ta uống lưng lưng dạ dày thôi, uống có lúc có thì thôi… còn anh thì thiên thu vạn tải uống hoài uống hủy.

Qua khe cửa đã thấy trời sáng, những tiếng động thường ngày đã trỗi dậy: tôi ra ngoài mở hộc tủ lấy miếng vải cột tóc rồi đi rửa mặt vào pha sữa cho con. Bé Hiền bú một hơi ngắn hết bình bò. Nghiễm ngồi dậy đút cho con thìa nước nhỏ rồi nằm lăn ra ngủ ngay… trưa nửa ngày mới dậy.

– Sáng nay em ở nhà?

– Em ở nhà để thăm giấc ngủ của anh, sợ anh bị gió vật.

Sáng nay mẹ không nấu cháo vì chị Sương đãi cả nhà ăn phở đặc biệt, tôi phải cầm tô đi mua cháo đậu xanh cho Nghiễm ăn giã rượu. Nghiễm múc hai thìa đường vào tách nước trà pha tí giọt chanh. Chàng xẻ cho tôi một chén nhỏ:

– Em uống vào cho tỉnh người.

– Em bao giờ cũng tỉnh, anh bao giờ cũng say.

– Hôm qua anh đi nhiều quá, xuống tận Biên Hòa. Đi nhiều quá mệt, chứ anh uống ít lắm.

Nghiễm ngó tôi cười nụ nhỏ. Tôi nguýt dài cho đôi mắt có đuôi, tôi bím mạnh môi cho chiếc miệng có quai, tay tôi đưa lên đầu gãi cảm thấy tóc đã có mồ hôi và da nhấm ướt. Đầu tôi bẩn quá rồi mà không ai nhắc tôi gội, người nằm chung một chiếc gối với tôi chưa nói: Tóc em chua quá, Khanh ơi, gội đi…

Thương chồng, thương luôn những ly rượu của chồng. Thương chồng, thương cả chiếc miệng nói nhanh. Thương chồng, thương luôn cả tật rung đùi, thương từ ngón chân cái, ngón chân út đến sợi tóc sớm bạc trên đỉnh đầu, thương từ đầu gối thương lên đôi môi lười biếng tạo những chiếc hôn, đôi môi chỉ biết hôn khi có chuyện cần.

Buổi sáng dễ dàng qua đi như người ta ăn hết nửa trái mít, chúng tôi ngủ trưa mê mệt tới năm giờ chiều. Nghiễm nằm trong phòng mở đèn đọc sách, tôi lên gác đợi chị Sương về nói chuyện.

Đêm hôm qua chị Sương nói rằng rượu đối với Nghiễm là tình yêu, rượu đối với đàn ông nghiện là tình yêu, tình yêu đó đến với chàng trước tôi. Tôi và rượu chàng đều yêu, chàng không thể bênh ai bỏ ai.

Ngay đêm hôm qua chồng tôi đi uống rượu tôi trải chiếu nằm đất, tôi đã ghen trong bất bạo động. Chị Hoa, bạn tôi ở Huế, cũng đã từng ghen trong bất bạo động với chồng chị, anh Tháp. Lần đầu tiên anh Tháp đi uống rượu nửa đêm về, chị Hoa đánh đầu mình vào tường kêu binh binh. Lần thứ hai, chị Hoa đưa tay lên giựt từng nạm tóc mình, vả vào miệng mình. Lần thứ ba, chị Hoa kêu đích danh thân phận mình ra chửi. Lần thứ tư, chị Hoa cầm dao cứa vào thịt mình… Nhưng anh Tháp vẫn không thôi rượu. Uống rượu là làm chuyện sinh lý. Anh Tháp uống rượu là làm chuyện sinh lý. Nghiễm của tôi uống rượu là làm chuyện sinh lý.

Chị Sương nói:

– Thằng Nghiễm uống rượu ít hơn anh Tháp nhiều, làm sao bì được với anh Tháp.

Tôi chạy xuống lầu nâng tay Nghiễm lên nói:

– Anh Nghiễm, kiếp này em khuyên anh bỏ rượu không được, kiếp sau em vẫn còn lấy anh chắc em khuyên anh bỏ rượu được.

Nghiễm đập nhẹ vào vai tôi:

– Sợ kiếp sau em hóa thành đàn ông, anh hóa thành đàn bà.

– Thì anh lại khuyên em.

Nghiễm cười:

– Ở nhà với vợ thì lại thèm rượu nhớ bạn bè, đi ra với bạn bè uống rượu thì lại thấy thương vợ ở nhà.

Tôi nguýt:

– Ui cha ơi, bạn bè anh thằng cha nào cũng uống rượu, nhưng uống ít cơ, có đâu như anh, ọc ọc như cái hũ chìm.

– Bây giờ lấy em, anh tu đến tám phần. Ngày xưa… tiền làm ra bao nhiêu, cứ tháng ngày rong chơi lêu lổng.

Bé Hiền nằm trong nôi đã thức dậy. Dạo này bé Hiền vẫn nằm sấp để ngủ, ngủ trong khi lật lẫy. Nghiễm đã nhờ ông bạn làm đài phát thanh bấm cho con cái số tử vi thật tốt. Chữ thọ thật dài, đường tình thật dài, thẳng tắp, và đường trí tuệ thì vô cùng sáng suốt. Con bé phải lấy chồng chậm, lấy chồng chậm như mẹ nó thì mới hay, lấy chồng chậm như các dì nó thì lại càng hay.

Tôi cãi:

– Các dì nó đâu có lấy chồng chậm. Trong nhà chỉ một mình em cao số.

Nghiễm cười:

– Bọn con Trâm còn nhỏ lắm sao?

– Con Trâm năm nay hai mươi lăm tuổi. Bên hông nó vẫn có một thằng theo dõi, nó chỉ búng ngón tay một cái là thằng đó đám cưới liền.

– Thế tại sao nó không búng đi?

– Cả gia đình bây giờ trông cậy vào con Trâm. Anh thấy có con gái nhà nào ngoan hơn không? Đi làm được bao nhiêu tiền đưa về cho mẹ bấy nhiêu, may một cái áo cũng xin đến khản cổ, sắm một cái quần cũng nói đi nói lại của tuần lễ mẹ mới cho… không ra đường cả ngày ru rú trong nhà chơi với các em, gây lộn với các em.

Chị Sương đi chấm thi về đứng giữa nhà gọi to Khanh ơi, Khanh ơi, đi uống nước mía. Thảo ơi, Trâm ơi, đi ăn bò vò viên.

Nghiễm trông ra cười to:

– Chị Sương vào đây bọn con Trâm, con Út vớ được của béo mừng quá.

Tôi nói nhỏ:

– Bà Sương tốn ngót hai chục ngàn cho chúng rồi đấy.

– Bở quá nhỉ?

– Cả năm đi dạy dành dụm lóp ngóp được chừng đó để vào Saigon cho em út.

– Vợ chồng chị Sương giàu lắm phải không?

Tôi nhảy mũi hai cái liền, tôi kêu ngầm trong bụng mình cảm rồi mình cúm rồi.

– Chị Sương đi dạy thì nhiều nhỏi gì. Anh Lãng làm luật sư thì khá. Nhưng lâu lâu mới bắt được món tiền lớn. Với lại… hai người không có để dành được. Bà Sương tiêu tiền như chiếc rựa chẻ củi, chẻ bao nhiêu củi cũng được.

Nghiễm chép miệng:

– Gái Huế ích lợi cho cha mẹ chứ không ích lợi cho chồng.

– Nói tầm bậy, vậy mà cũng nói. Mọi người đều công nhận, sách vở báo chí đều công nhận phụ nữ Huế là những người vợ ích lợi cho chồng về cơm cá, về thể xác cũng như về tinh thần.

Nghiễm đọc:

“Một đêm gái Huế nằm kề…”.

Tôi bịt miệng chàng:

– Thơ xuyên tạc, đốt đi…

Nghiễm lạc giọng hẳn khi chàng hát nhỏ: “Nắng chia nửa bãi chiều rồi. Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu. Sợi buồn con nhện giăng mau, em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây. Lòng anh mở với quạt này. Trăm con chim mộng về bay đầu giường. Ngủ đi em, mộng bình thường…, ngủ đi em… mộng bình thường…”.

Tôi ngắt tiếng chàng đang hát:

– Mộng bình thường, em bây giờ mộng bình thường cũng không đủ điều kiện nữa.

Nghiễm quay lại:

– Đó, lại sắp giở cái giọng cành nanh so bì mình với người này người nọ rồi.

– Anh lại nói xấu em rồi.

– Anh bây giờ không có thì giờ để nói xấu ai nữa, kể cả nói xấu em.

– Phải rồi, em biết mà, anh dùng hết cả thì giờ để làm việc, để kiếm tiền mà.

Nghiễm gật gù:

– Anh không nói xấu em đâu, nói xấu em mất thì giờ hơn nói xấu người khác, nói xấu em phí của lắm, phí của hơn nói xấu kẻ khác.

Tôi lẩm bẩm:

– Nói xấu ai cũng là phí của…

Tôi ngồi bật dậy khi nghe chị Sương với lũ em đi ăn về kêu réo:

– Khanh ơi, Khanh ơi, bánh đây nè.

Bữa cơm tròn buổi tối Nghiễm ngồi vào bàn sau hết khi đũa đã so, cơm đã xới. Chị Sương tỏ ra khoái món ăn dưa chua với thịt đông, Nghiễm chan nước muối dưa vào bát cơm thứ hai và lua lua. Chị Sương bấm tôi nói nhỏ:

– Trượng phu của mi ăn cái gì kỳ cục vậy, nước muối dưa người ta bỏ chứ ai lại ăn.

Tôi nói to:

– Nghiễm cho là ngon lắm.

Nghiễm ngơ ngác:

– Nói cái gì vậy?

– Ai thèm nói xấu anh… phí của lắm.