Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

100 năm ''Cách mạng tháng 10'': Chính quyền Nga lẩn tránh lịch sử

Trọng Thành

clip_image001

Một cuộc tuần hành của công nhân trong những ngày đầu tiên của Cách mạng tháng Hai 1917, tại cố đô Petrograd, nay là St Petersburg. Ảnh : Wikipedia

Theo L’Obs, « cuộc lật đổ chính quyền » tháng 10/1917 của phe Bônsêvích (Bolshevik) đã được ca ngợi trong suốt thời Liên Xô như là « cuộc cách mạng vô sản quang vinh », trên thực tế là một cú đảo chính, dẫn đến sự ra đời của một trong những chế độ toàn trị lớn nhất của thế kỷ XX. Đúng một thế kỷ sau, « lịch sử » đang trở lại thách thức những thế lực đã nhấn chìm sự thật.

· Đọc thêm : Vì sao Nga muốn lãng quên cuộc Cách mạng 1917 ?

Matxcơva chắc chắn sẽ tổ chức dịp kỷ niệm tròn 100 năm biến cố này « một cách lặng lẽ ». Bởi lẽ tổng thống Nga Putin không hề có thiện cảm với các cuộc nổi dậy, ngược lại rất hâm mộ nhà độc tài Stalin. Vì vậy, khó hình dung một cách tưởng niệm nào khác hơn là các cuộc tuần hành với « những ngọn nến leo lắt » của một vài đảng phái « anh em » với điện Kremlin.

L’Obs nhận xét không khí thờ ơ này thật là « đáng tiếc ». Không phải tiếc cho một dịp tưởng niệm long trọng, mà là tiếc cho một cơ hội bị bỏ lỡ, bởi lẽ ra công chúng đã có dịp để hiểu rõ hơn về giai đoạn rối ren, trắng đen lẫn lộn, đầy uẩn khúc này.

L’Obs nhấn mạnh là trong số « hai cuộc cách mạng » tại Nga năm 1917, thực ra « chỉ có cuộc cách mạng đầu tiên là xứng đáng với tên gọi ». Tháng Hai năm 1917 (tức tháng 3, theo Tây lịch), dân chúng thủ đô Petrograd – kiệt sức vì đói, chiến tranh triền miên – đã liên tục biểu tình trên đường phố, buộc Sa hoàng thoái vị, nhờ hậu thuẫn của binh sĩ.

Cuộc nổi dậy lật đổ chế độ Nga hoàng xứng đáng được gọi là « cách mạng », bởi đây là một phong trào quần chúng mang lý tưởng tự do, bác ái. Cuộc Cách mạng tháng Hai đã mở ra một thời kỳ biến động chính trị lớn, sau hàng thế kỷ độc tài. Chính quyền lâm thời, do phe Xã Hội và những người theo quan điểm tự do lãnh đạo, đã ban hành nhiều chính sách được đánh giá là « tuyệt vời », như chấm dứt kiểm duyệt, tự do tôn giáo, phụ nữ có quyền bầu cử… Thế nhưng mặt trái của những thay đổi này là « bất ổn ».

Chính phủ lâm thời, Duma và các Xô viết

Chính phủ lâm thời phải khẳng định được uy tín của mình trước hai thế lực cạnh tranh khác. Một bên là Duma, tức Hạ viện, chính thức được thành lập từ năm 1905 (sau cuộc cách mạng Nga lần thứ nhất 1905), bao gồm « những người có địa vị, có tư tưởng tự do » và bên kia là các « Xô viết », tức các ủy ban đại biểu công nhân và quân nhân, trong đó Xô viết Petrograd là hùng mạnh nhất.

Trong hàng ngũ các Xô viết giai đoạn đầu này, đa số nằm trong tay một số nhóm cánh tả, đặc biệt là nhóm Mensêvich (Menshevik) (1), và phe Xã Hội ôn hòa. Chủ trương của phe đa số trong các Xô viết lúc đó là « không thể tiến hành một cuộc cách mạng xã hội, nếu không thiết lập được nền dân chủ ».

Lực lượng Bônsêvich lúc đó chỉ là thiểu số. Lênin - lãnh tụ của phe này – trở về nước hồi tháng Tư. Lực lượng Bônsêvich cho dù rất chia rẽ, nhưng đoàn kết với nhau ở một điểm, là rút khỏi cuộc chiến với Đức. Đây là một lập trường thu hút mạnh mẽ quần chúng, đúng vào lúc quân đội Nga đang kiệt quệ và mất tinh thần.

Tháng 7/1917, chính phủ lâm thời dưới sự lãnh đạo của Kerenski tổ chức một cuộc phản công cuối cùng chống Đức, nhưng thất bại. Phe Bônsêvich tranh thủ cơ hội nổi dậy tại thủ đô. Nổi dậy không thành. Lênin trốn sang Phần Lan.

Tuy nhiên, chính phủ lâm thời Nga trở nên hết sức mong manh sau mưu toan lật đổ của tướng Kornilov, tư lệnh quân đội, tháng 9/1917. Để « bảo vệ cách mạng », chính phủ Kerenski kêu gọi toàn dân hậu thuẫn. Phe Bônsêvich được phép vũ trang trở lại. Lênin ngay lập tức về nước, chuẩn bị kỹ càng cho cuộc đảo chính.

Đảo chính diễn ra mau lẹ trong hai ngày 24 và 25/10. Cung điện Mùa Đông, trụ sở của chính phủ lâm thời, bị chiếm. Theo lệnh của Lênin, tất cả các vị trí then chốt đều do phe Bônsêvich nắm giữ. «Cuộc thay đổi chính quyền diễn ra trong không khí gần như rất thờ ơ của dân chúng ».

Những ngày sau đó, phe Bônsêvich kiểm soát các Xô viết, đóng cửa báo đối lập. Tháng 12, lực lượng an ninh đặc biệt Tcheka được thành lập, nhằm đặt toàn xã hội trong vòng kiểm soát.

Do đã hứa trước, Lênin vẫn cho tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến vào tháng 11. Kết quả không có gì ngạc nhiên khi phe Bônsêvich chỉ được 168 trên 709 ghế. Chính quyền mới cũng cho phép Quốc Hội Lập Hiến được họp một lần duy nhất vào tháng Giêng năm 1918, rồi sau đó màn hạ.

Chính phủ Cách mạng tháng Hai bị coi là « ngụy »

Giai đoạn chính phủ cách mạng lâm thời Nga tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi từ tháng 2 đến tháng 10/1917, bị chính quyền Nga hiện nay cố gắng gạt khỏi lịch sử chính thức, như một thứ « ngụy triều ».

Một phân tích trên Vzgliad, một báo mạng thân Kremlin, được đặc san Le Courrier International tháng 9-10-11 đăng tải, nêu ra một quan sát : « Cho dù không có sự thống nhất về cách đánh giá các biến cố năm 1917, người ta có thể nói một cách hơi phóng đại rằng, hiện nay đa số mọi người vừa nuối tiếc việc Sa hoàng bị lật đổ đầu năm, nhưng cũng đồng thời hoan ngênh chiến thắng của phe Bônsêvich cuối năm… và điều này không có gì mâu thuẫn ».

· Đọc thêm : 100 năm Cách mạng tháng 10 : Hòa giải hay xét tội đều bất khả

« Nước Nga không ra đời năm 1917 » là tựa đề bài viết. Trang mạng thân chính quyền Putin đưa ra một giải thích mới, mà theo báo này đang ngày càng được dân chúng ủng hộ. Đó là « Lênin đã lật đổ chính kẻ lật đổ Sa hoàng ».

Việc phe Bônsêvich chiếm quyền là để phản ứng lại việc lực lượng thân phương Tây (tức chính phủ cách mạng lâm thời) phá hủy Nhà nước Nga, và « chiến thắng của Bônsêvich là khả năng duy nhất khôi phục lại sự thống nhất quốc gia, cho dù với cái giá khủng khiếp. Viễn cảnh ngược lại không phải là sự thắng lợi của phe Bạch Vệ, mà là sự sụp đổ của Nhà nước Nga ». Nối lại với truyền thống nghìn năm của nước Nga là mục tiêu của bài viết (bất kể những bế tắc không đường cứu vãn của chế độ Sa hoàng).

Phim về Sa hoàng bị lên án « phạm thượng »

Cuộc chính biến Bônsêvich tháng 10/1917 không phải là ưu tiên của Matxcơva, trong khi đó chính quyền rõ ràng đang dung túng các thế lực muốn khôi phục lại Sa hoàng. Một vụ việc có vẻ rầm rĩ nhất trong mùa thu năm nay là các phản ứng dữ dội nhân việc ra mắt bộ phim « Matilda » (của đạo diễn Alexei Outchitel) nói về mối tình của Sa hoàng Nicolas II với một ngôi sao vũ ba lê.

· Đọc thêm : Putin : Người kế nghiệp Sa hoàng Nicolas I

Phe bảo thủ nhất trong giáo hội Chính Thống Giáo Nga lên án một hành động « phạm thượng », bởi Nicolas II đã được Giáo hội phong thánh năm 2000. Xúc phạm đến Sa hoàng là xúc phạm Giáo hội và đất nước. Le Courrier International cho hay xưởng phim của đạo diễn bị tấn công bằng chai xăng, nhiều rạp chiếu bộ phim này bị phóng hỏa. Trong khi đó, cảnh sát tỏ ra rất thụ động.

Trại tập trung thời Stalin : Cần bảo tàng tầm cỡ thế giới

Đối với hồi ức về chế độ toàn trị Xô Viết, Le Courrier International có bài phỏng vấn dài với đạo diễn Alexandre Sokourov, với tựa đề « Cần một viện bảo tàng về Goulag (tức hệ thống trại tập trung thời Stalin) tầm cỡ thế giới ». Đạo diễn Alexandre Sokourov nổi tiếng với bốn bộ phim về chủ nghĩa toàn trị thế kỷ XX (« Moloch » về Hítler, « Taurus » về Lênin, « Mặt trời » về hoàng đế Nhật Hirohoto, và « Faust » [đọc lại câu chuyện về con người bán linh hồn cho quỷ dữ trong vở kịch thơ của Goethe]).

Trong số hàng nghìn trại tập trung trên khắp nước Nga, nơi 2 triệu con người bị đày đọa như trong địa ngục, chỉ duy nhất còn trại Perm-36, là được bảo tồn đầy đủ. Thành phố Perm, ở vùng Ural, tuy xa xôi, nhưng là một trung tâm văn hóa lớn của nước Nga.

Rời khỏi cuộc thăm quan trại tập trung thời Stalin, đạo diễn Alexandre Soukourov vừa bàng hoàng, vừa thất vọng. Cũng giống như các bảo tàng về trại tập trung phát xít, hay về bom nguyên tử ở Nhật, theo Alexandre Soukourov, một bảo tàng xứng đáng tầm cỡ thế giới về trại tập trung thời Stalin « không nên chỉ là một cú sốc về cảm xúc, mà cả một cú sốc đối với nhận thức ».

Bảo tàng cần xây dựng được một trục chính, cần giúp người xem hiểu được những gì đã dẫn đến địa điểm tội ác này, giúp họ hiểu về các phong trào ly khai, về các nạn nhân của đàn áp chính trị.

Cuộc phỏng vấn tản mạn về một loạt chủ đề, về Nhà nước, về Giáo hội, về giám đốc dàn nhạc giao hưởng Perm nổi tiếng, về các lãnh đạo địa phương thế hệ mới, có giáo dục hơn … Nhưng điều xuyên suốt qua câu chuyện là những suy ngẫm của nhà đạo diễn về những góc khuất của « tâm hồn Nga », « tính cách Nga », những thách thức vô cùng lớn đối với các lãnh đạo, đặc biệt trong khả năng đối thoại với những người khác quan điểm.

Nguồn: http://m.vi.rfi.fr/phap/20171007-100-nam-cach-mang-thang-10-chinh-quyen-nga-lan-tranh-lich-su