Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

Tản mạn văn hóa văn nghệ và … văn gừng (10)

Quanh quanh chuyện “thơ thiền hiện đại” (1)

Nguyễn Thanh Văn


1. Vài mốc lịch sử

Không thể không đặt câu hỏi có dòng Thơ Thiền hiện đại thực không, thậm chí khái niệm và thuật ngữ Thơ Thiền áp dụng cho một dạng thơ trong nền thi ca hiện đại được công nhận chưa. Khỏi cần tranh luận rằng đối với nhà thơ việc ai đó công nhận hay không tên thể loại, lối thơ họ đang làm là gì không quan trọng. Thực tế, với độc giả cũng không khác lắm, họ đón nhận cảm hứng thi ca qua xác thịt nghệ thuật cụ thể mà ít bận tâm hỏi name card lôi thôi, điều mà nhà nghiên cứu xem trọng.

Tạm thời chúng ta có thể nhận xét rằng dạng thơ được quen gọi là Thơ Thiền có tên họ rất chậm, do đám hậu bối đặt cho. Nói khác đi, các vị sư thời nhà Lý, Trần và có thể trước đó nữa không định sáng tạo ra thể loại văn chương chi cả. Cũng tạm để lại những nghi án – có trường hợp được giải mã có phần bất lợi cho “copyright” của phía tác giả Việt Nam – có không ít thơ vẫn cho là thơ Ta được cho là “gốc” thơ Tàu, thì việc trong lịch sử (tôi tránh nói là “lịch sử văn học”) các nhà sư có thơ với cảm hứng Phật Pháp (và cá biệt có vị không chỉ cảm hứng từ Phật Pháp) là hoàn toàn có thực. Và chúng ta không thể không cảm thấy tự hào và thú vị về chuyện này.

Không cần khẳng định chắc nịch mần chi – mà làm chi có tư cách mà khẳng định – có thể tin cảm hứng thành thơ của các nhà sư Việt đến từ nhiều nguồn. Trước hết là truyền thống Gāthā (Kệ) trong Kinh Phật, hẳn có gốc gác ngay trong truyền thống văn hoá Ấn Độ cổ đại. Đức Phật thường tóm tắt bài kinh thành một dạng “thơ” (vần hoá) ngắn, súc tích – ít ra qua các bản kinh Nikāya (Kinh Bộ hay Bộ Kinh) cổ chúng ta tiếp xúc được.

Sau đây là vài đoạn trích:

“Sao ta nói Chánh Pháp

Được chứng ngộ khó khăn?

Những ai còn tham sân

Khó chứng ngộ Pháp này.

Đi ngược dòng, thâm diệu,

Khó thấy, thật tế nhị,

Kẻ ái nhiễm vô minh,

Không thấy được Pháp này.

(Kinh Thánh Cầu/Ariyapariyesanā Sutta – Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Kinh Trung Bộ/Majjihima Nikāya, tập 1,  trang 211)

1. Lạc thọ hay khổ thọ

Cùng bất khổ bất lạc,

Nội thọ và ngoại thọ,

Phàm có cảm thọ gì.

2. Biết được: “Đây là khổ,”

Hư nguỵ và biến hoại,

Thấy xúc, xúc biến diệt,

Ở đây sống ly tham.

(Kinh Tương Ưng Bộ/Samyutta Nikāya, tập 2, Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, 2013, trang 275)

Nhưng những sưu tập các bài Kệ lừng danh nhất thuộc về hai tập “Trưởng Lão Kệ” và “Trưởng Lão Ni Kệ” (ở Việt Nam đã có bản dịch phổ biến và cũng là bản dịch đầu tiên của cố Hoà thượng Thích Minh Châu), được xem là những cảm hứng được vần hoá – gần với một định nghĩa Thơ – của các bậc sư ni, một số là đệ tử của Đức Phật, nói lên (tôi không dùng từ “sáng tác”) vào thời điểm giác ngộ, đạt quả A La Hán. Để bạn đọc tham khảo – và so sánh – tôi trích vài bài Kệ của các ngài (dẫn theo bản Kinh Tiểu Bộ, tập 2, dịch từ Kinh Khuddaka Nikāya, tiếng Pali, của Hoà thượng Thích Minh Châu, nxb Tôn Giáo, 2013).

1. “Thành tựu Chánh Tinh Tấn,

Sở hành trên Niệm Xứ,

Tràn đầy hoa giải thoát,

Sẽ nhập diệt, vô lậu.”

(Trưởng Lão Tăng Kệ, Kệ Devasabha, Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, 2013, trang 254)

2. “Năm uẩn được rõ biết,

Tồn tại sẽ cắt đứt,

Vòng sanh tử đoạn tận,

Nay không còn tái sanh.”

(Trưởng Lão Tăng Kệ, Kệ Sāmidatta, Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, 2013, trang 248)

3. “Ta đã chế ngự được

Thân, miệng và tâm tư,

Ta chinh phục khát ái

Cho đến tận gốc rễ,

Ta sống được mát lạnh

Trong tịch tịnh, an lặng.

(Trưởng Lão Ni Kệ, Kệ Uttarā, Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, 2013, trang 536)

4. “Dầu ta có đau đớn,

Sức yếu, tuổi trẻ qua,

Dựa trên gậy, ta đi,

Ta leo lên đỉnh núi.

Với đại y vắt ngang,

Với bình bát lộn ngược,

Ta ngồi trên tảng đá,

Tâm ta được giải thoát,

Ba minh chứng đạt được,

Thành tựu lời Phật dạy.

(Trưởng Lão Ni Kệ, Kệ Mettikā, Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, 2013, trang 541)

Tôi cố ý trích minh hoạ không chỉ một hai bài để một số bạn tiếp xúc với dạng Gāthā (Kệ thời Phật giáo nguyên thuỷ), một số tăng ni là đệ tử chân truyền của Đức Phật, và dễ nhận ra – qua bản dịch của Ngài Thích Minh Châu – tính chân phương, mục đích nói kệ và nội dung minh bạch của các vị hoàn thành Phạm Hạnh, đạt Thánh Quả. Đối với riêng Kệ của chính Đức Phật, có thuyết cho có thể một số do người chép kinh đời sau tạo ra vì mục đích sư phạm, tóm tắt bài Kinh; điều này khó xác quyết nhưng qua so sánh văn bản cổ như bộ Kinh Pháp Cú hay chính Trưởng Lão Tăng Kệ, Trưởng Lão Ni Tăng Kệ ta vừa trích dẫn thì phong cách, ngôn ngữ, mục đích khai kệ hoàn toàn tương đồng.

Theo thiển ý, nguồn thứ hai là sáng tác có âm hưởng và ảnh hưởng Phật Pháp của các nhà thơ Trung Hoa, trong đó có dạng Kệ của các nhà sư (dù chưa thuyết phục với các bạn, tôi xin phép được cố chấp, “cố” phân biệt “thơ” và “kệ” ra vậy, theo truyền thống từ giới luật, lời dạy thời nguyên thuỷ của bậc Giáo Chủ về chuyện tu sĩ không tham gia “văn nghệ” thế gian, dù do dự không rõ mục đích của một số nhà sư là “vần hoá” một cảm hứng/cảm nghĩ về đạo pháp hay do quán tính, đào tạo mà còn giữ nếp thơ và hơi thơ của các bậc nửa sư cụ nửa túc nho). Chỉ mạo muội ngờ rằng ngay các nhà thơ thế gian “thuần tuý” – Tô Đông Pha là một ví dụ – không xem thơ có tí ý vị Phật giáo của mình là một dòng thơ đặc biệt, có tên riêng (thơ thiền) hay đặt riêng một vị trí nào trong di sản thi ca của mình. Dù kiến thức văn học Trung Hoa giới hạn hay có khi chính vì giới hạn này tôi có câu hỏi: Phải chăng giới nghiên cứu Trường An - Bắc Kinh không chủ trương đặt các sáng tác có chủ đề này thành một thi phái hay có sự đề cao, khu biệt chi. Và liệu có phải vì đất Trung Nguyên đã có quá đủ thành tựu văn chương để tự tín tự hào; mặt khác, tính văn học chuyên nghiệp phát triển sớm đủ để phân biệt nghệ thuật tính và nội dung văn chương (dù là nội dung sâu sắc, uyên thâm tới đâu, có là nội dung liên quan “Đạo” hay Triết học – chưa nói từ thời cổ đại, người ta đã có khu vực Triết học khá rành mạch cả rồi, trừ trường hợp độc đáo của Nam Hoa Kinh chăng). Ngược lại, không dám bất kính, nhưng ở nước ta đến trước thời Lý khó nói là giai đoạn có thành tựu văn chương lớn (và cũng không đủ tài liệu chứng minh). Đây là một hoàn cảnh giải thích sự đón chào đặc biệt sáng tác Việt và rất có thể giải thích cả việc tiếp nhận các trước tác mà không nhất thiết phân biệt nguồn nào, thơ hay kệ, mục đích đạo hay đời (không trừ khả năng và tâm thức muốn khẳng định tự hào dân tộc và văn hoá độc lập của dân tộc), nếu không nói giải thích ngay cả vấn đề liên quan “copyright” của các tác giả Tàu Ta. Riêng lưu ý cuối cần nhớ rằng không cần nhắc tới ngàn năm nằm trong tay đế quốc phương Bắc, đến tận giữa thế kỷ 19, vua Tự Đức còn dùng cách nói “văn minh Trung Hoa ta”. Nhớ thêm sau khi đuổi được quân Tàu về địa điểm xuất quân, vua ta vẫn trích dẫn tích sử Tàu để giáo huấn quan dân và không những đền Văn Thánh thờ Khổng Tử và đủ 72 vị thánh hiền Trung Hoa mà cũng khá lạ lùng đền Võ Thánh không quên thờ đức Quan Công! Chưa bàn công lao thiệt của ông này trong lịch sử Tàu là gì, khó nói nữa là ý do vì sao vua và dân ta phải thờ ngài võ tướng Tam quốc này mà theo thiển ý là lại thêm một chuyện khá tào lao – bình dân gọi là “bao đồng”. Nói linh tinh vậy để biết chuyện láy vụ “copyright” là có chút đùa vui từ góc độ hiện đại, chứ không đến độ nghĩ sai hay dám kết án cha ông.

Còn một lý do nữa, theo tôi hiểu từ xa xưa các vị sư Việt học kinh kệ từ tiếng Hán vốn được giải thích qua lăng kính Trung Hoa, riêng các sách học tiếng Hán nội dung cũng mượn sách giáo khoa nhà nho soạn nên khoác áo cà sa mà văn hoá nửa Phật nửa Nho không có chi lạ. Trên có thuyết Tam Giáo, ngoài dân gian thì pha chế đủ rượu tâm linh, luân lý. Giới tu sĩ có nếp sống, nếp nghĩ có khi gần Tàu hơn Thiên Trúc, thỉnh thoảng khai bút, ngâm nga ta không lạ vậy.

Bây giờ thử lang bang qua thời kỳ sau thời Lý Trần. Kiến thức giới hạn không cho tôi xác định được liệu thao tác sưu tập chính thức loạt “thơ và kệ” tạm gọi có chủ đề “Thiền” – không chủ đề Thiền thì thử hỏi các bậc tu hành viết chủ đề nào – bắt đầu từ lúc nào và tài liệu bảo chứng gì. Chỉ lạm bàn nếu có ghi nhận của người đời sau và nếu có gọi tên (đại khái) là (dòng)Thơ Thiền thì hẳn chỉ nhắm vào phần thơ do người nhà chùa là tác giả. Nói rõ hơn, y như trường hợp ở đất Trung Hoa lưu ý ở trên, các trước tác có tí thiền vị, ảnh hưởng đạo Phật của các tác giả ngoài đời chỉ là một phần trong di sản sáng tác cá nhân, quá lắm là một dạng chủ đề trong loạt chủ đề của họ.

Thử nhận xét rằng dù có yếu tố tài hoa – cá biệt đối với một số vị có thể dùng khái niệm “kỹ năng thi ca” – nhưng tính nhất quán trong “thơ” của giới sư sãi là nội dung tập trung vào giáo pháp nhà Phật và cái nhìn với nhãn quan giải thoát Phật giáo. Do đó dạng này gần với chức năng của Kệ trong truyền thống Phật giáo tính từ thời Giáo Chủ cho tới các bài kệ mang tính giải công án của những Huệ Khả, Thần Tú, Huệ Năng… ở đất Trung Hoa – tạm chưa bàn đấy là tư liệu lịch sử hay hư cấu. Để nêu rõ chỗ so sánh với trước tác của phía các nhà thơ “thế gian” tôi thử lái qua văn học dân gian. Giả sử có tư liệu về một nghệ nhân sáng tác dân gian, tác giả câu ca dao “Tu đâu cho bằng tu nhà / Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”, “Tu là cội phúc, tình là dây oan” (mượn tạm của Nguyễn Du), rồi cũng chính vị này là tác giả bài ca dao chế giễu thầy chùa, kiểu “Hai cô đội gạo lên chùa…” hay nối thêm dù có phần lòng lẻo với khí vị “chay mà mặn, mặn mà chay” chủ trương “ngủ mặn, lòng chay” thì không có phản ứng chi cả, thậm chí sự chỏi nhau về nội dung chỉ thêm ưu điểm cho người sáng tác. Điều này bất khả với một phát ngôn của giới tu hành, giới mà theo thiển ý mới sát với danh xưng “nhà thơ thiền” nếu cố dùng danh xưng này cho được (Còn quan niệm này có hơi hướm máy móc, phân biệt, “phàm nhãn”, chắc chắn có người phê còn ở “bên này bờ” còn dịp xin quay trở lại). Lý do khá rõ, dù Thiền Pháp nhà Phật được sớm giới thiệu minh bạch trong Kinh gốc – theo ý nghĩa phân biệt với Thiền trong truyền thống Ấn trước đó, bao gồm Thiền Yoga, truyền thống Thiền Bà la môn và phân biệt với những “sáng tạo” của các tông phái Phật giáo đời sau – đã được giải thích quá đa dạng, nếu không nói có phần tuỳ tiện và thậm chí xa bản ý của Giáo Chủ, thì điểm căn cứ vẫn là những chuẩn giáo lý, đạo đức thiết yếu phù hợp Phật pháp, điều mà khác với thi sĩ nhân gian, các nhà sư không thể không tôn trọng. Tất nhiên không cần nói là địa điểm chùa chiền hay hình ảnh khói hương tự nó không tạo ra “thơ thiền”, nên hình ảnh Nguyễn Công Trứ lên chùa sau lưng đủng đỉnh một vài “em” hay màn ngay đền thiêng, quý bà canh tranh tối tranh sáng để “thướt tha dưới án nguýt sư ông” của Trần Tế Xương là thơ thiền được.

Dù tản mạn giải khuây là chính, học thuật thì hẻo, hy vọng ý tôi đã khá rõ. Nội dung truyền thống Kệ trong lịch sử Phật giáo cốt thành ý, giáo pháp tất nhiên tránh xa sự huê dạng, hình thức có được để tâm chăng không ngoài mục đích “dễ nhớ, dễ niệm” và trong trường hợp cảm hứng do viên mãn thánh quả đem lại thì tính “thông báo” có phẩm hạnh bảo hiểm chứ tuyệt không nhờ yếu tố “bên ngoài” dù với tên gọi sang trọng là nghệ thuật.

Vậy không có tính nghệ thuật không thể gọi là thơ? Thưa, rất chính xác. Ý tôi đang loay hoay chứng minh không khác: Kệ trong nhà Phật không phải là thơ. Có “vần hoá” chưa phải là thơ, và người làm “Kệ” không nhắm được công nhận là nhà thơ, nếu không lạm bàn bậc thiền sư không ý thức mình làm thơ khi “thốt ra” cảm hứng có nội dung giải thoát. Ngay cả trong trường hợp bài Kệ có hiệu quả mà người ngoại cuộc là ta gọi là hiệu quả nghệ thuật hay thi ca đi nữa. Quá lắm là một dạng biện tài, nhưng chớ quên những dẫn chứng trong Kinh (gốc) cho thấy đó là kỹ năng ngẫu nhiên của các tỳ kheo vốn là nhà thơ hoặc nhạc sĩ trước khi đi tu. Sự thực có vị được Đức Phật trực tiếp khen vì Ngài thấy có dạng kệ nội dung đúng chánh pháp và các tu sĩ dễ học, dễ thuộc (chú ý hai yếu tố mà Đức Phật xét: đúng Chánh Pháp và dễ thuộc). Đấy là một xen hãn hữu, không nên so với sự cảnh giác của Đức Giáo Chủ về tật ngân nga khi tụng kinh. Do lịch sự tôi không nhắc tên một Hoà thượng nổi tiếng khi phát biểu – có quảng bá trên băng đĩa, mạng – đã xuýt xoa tán thán ba vị cao tăng cùng một ưu điểm “giọng tụng kinh cực hay” (thậm chí “đặc biệt vào đêm hôm!”). Tôi mạn phép đề nghị nên ca ngợi một giọng “cực hay” là đủ, còn lại thông báo vị cao tăng nào đọc kinh nào, tu pháp môn nào, phẩm hạnh cụ thể ra sao, có ngữ lục nhan đề là gì… có khi có lợi ích cho số tín đồ đam mê giọng Đàm Vĩnh Hưng và Mỹ Tâm hơn, mà khỏi sa vào cái sai lầm nương theo sắc, âm thanh… để cầu chánh pháp mà Đức Từ Phụ đã căn dặn thường xuyên. Tìm “nghệ thuật thi ca” trong Kinh và Kệ do đó là trò chơi thanh nhã trong cõi nhân sinh không thanh nhã với nhau, không nên vượt rào nhà chùa, đưa vào tiêu chí định giá kinh kệ có khi mang tội, chứ không phải làm sang cho Phật Pháp – có gì sang trọng hơn Phật Pháp mà bàn vụ nương tựa và trang trí! – hay kéo Chánh Pháp cho gần các chung cư bình dân và các khu biệt thự mô tề. Tôi đọc đâu đó có vị tu sĩ gọi hẳn Kệ là thơ (Phật giáo), qua lập luận bạn các đang theo dõi có thể hiểu ý tôi: Kệ nhà Phật quyết không phải là Thơ theo định nghĩa của từ điển và trong lòng thành tín của tín đồ. Và không cần xen vào điạ vị “thế gian” của thơ làm chi, dù ngầm tỏ ra Đạo muốn đi với Đời. Ngài A Nan trí thức uyên bác, ngôn ngữ biện tài đến con kiến trong hang cũng phải bò ra (nghe kinh), được Đức Phật yêu thương, đồng tu ái mộ nhưng lần mò nửa vạn trang Kinh Bộ (Nikāya) không thấy một dòng nào bậc Đại Sư đánh giá phạm hạnh hay đạt thánh quả cao hơn đức Ca Diếp, cụ tì kheo già “khó tính” – không được quý tì kheo ni ái mộ cho lắm – và ngôn ngữ nói theo đời thường có phần chậm lụt đến độ thường xuyên từ chối thuyết pháp với đám đông dù đích thân Đức Phật gợi ý. Sự thực ngược lại, ai theo dõi kinh sách đều rõ Đức Phật – và cả ngài A Nan – xem Ngài Ca Diếp là bậc Thánh và riêng ngài A Nan xem là bậc Thầy! Chính cụ tì kheo khó tính – từng có những lời phê phán đặc biệt nặng nề với hậu bối A Nan (ví dụ do ngài A Nan không nghiêm khắc đủ với đệ tử đến độ khi gặp cảnh khất thực khó khăn rủ nhau hoàn tục sạch và bất chấp tuổi tác mà ngài A Nan tự mô tả là “đầu tôi đã hai thứ tóc”, đức Ca Diếp ‘nỡ” gọi sư đệ danh tiếng lẫy lừng đất Thiên Trúc – thực tế còn hơn hẳn tiếng tăm của đại huynh khó tính – là: “Nè, gã thiếu niên [tương đương “chàng trai” và “young boy”/”young guy”] kia ơi!” và tiếp theo là một tràng góp ý – theo cách nghĩ thế gian – hình như “trên mức thẳng thắn”) lại là người đã thay Đức Thầy dìu dắt sư đệ bằng nhiều phương tiện, và trước khi nhập Niết Bàn uỷ nhiệm vai trò trông nom Thánh Chúng mà Ngài đảm nhận sau khi Đấng Giáo Chủ và hai ngài Xá lợi Phất và Mục Kiền Liên nối nhau nhập diệt.

Ở một bài kinh khác cho thấy Đức Phật đã gạt thẳng đề nghị của hai anh em tì kheo vốn dòng nhạc sĩ, đề nghị cho họ thêm “ca từ” hấp dẫn và “phổ nhạc” các đoạn kinh. Không sát với ý chính lắm, nhưng tiện nói thêm Ngài cũng một lần quở trách một đề nghị của một đệ tử “nhiều chuyện” đề xuất chọn độc một “thánh ngữ” tụng chép Kinh Phật, cấm sao chép qua bất cứ ngôn ngữ nào. Qua đó ít ra cũng lờ mờ thấy hình như không thể bảo đảm hễ là tì kheo ắt không sản xuất ra ý bất lợi cho Chánh Pháp.

Để kết luận đoạn văn dài dòng có khi quá mức cần thiết – một nhược điểm chẳng hay ho chi của bản thân, tới độ phải trương cái bảng “tản mạn” để phòng thân (vì ai mất thì giờ đôi co với một tên tán nhảm!) – xin các bạn rảnh và có thiện ý tìm hiểu hỏi qua các tu sĩ Phật giáo chuyện Đức Phật đã chỉ trích việc tụng kinh ngân nga của một vị tỳ kheo (kính Ngài tha thứ cho, xin ví với giọng sướt mướt của Chế Linh nhờ bà con ngán ngẩm mấy chục năm liền nghe hùng ca “Bác cùng chúng cháu hành quân”, hiểu là “vừa hành quân tấn công thực dân vừa thỉnh thoảng tấn công nhầm đồng bào vô tội”, nên hình ảnh người anh em Champa bỗng phục sinh thành idol “nhạc sến” y như thời xửa thời xưa) và nội dung cùng các bậc thiền Ngài giảng dạy rõ và hoàn toàn minh bạch, đến ngôn ngữ còn phải quên nói chi vụ loay hoay đánh vật với vần điệu bằng trắc lỉnh kỉnh.

Tới đây đã có thể đặt hai câu hỏi – có câu hỏi vì có thắc mắc, chứ không phải để tranh luận. Thứ nhất, vì sao khi nói tới Thơ Thiền chỉ chủ yếu nhắc tới đời Lý Trần. Do vị trí của Phật giáo nổi bật trong thời kỳ này, kèm phần đóng góp văn hoá đặc sắc do cơ duyên “thiên thời địa lợi” của các nhà sư; vậy thì có trước tác cùng dạng, cùng dòng và nối dòng của các thời sau – như đời Hậu Lê, Trịnh Nguyễn, triều Nguyễn – hay không, hoặc không có thành tựu đáng chú ý, hoặc đơn giản bị giới nghiên cứu bỏ sót. Thứ hai, chỉ vì không có khái niệm “dòng” thơ thiền trong văn học sử Việt, mà chỉ có hiện tượng các nhà sư trước tác mạnh vào thời kỳ Phật giáo hưng thịnh – đời Lý Trần. Khuôn khổ bài tản mạn có giới hạn mà tác giả không xem là đề tài đi sâu của mình nên tạm bỏ lửng.

Cái ý chủ quan mà cũng “tạm” phát triển tiếp là vấn đề hoá ra còn để ngỏ cho những đề xuất. Chỉ tới đây người viết đã lợi dụng sự kiên nhẫn của bạn đọc mà chủ quan cho rằng cứ thử đi theo hướng là chỉ có dạng “kệ” của các sư sãi – đúng truyền thống Phật Giáo – mà riêng dấu ấn thời Lý Trần không thể phủ nhận. Việc tán thán họ với tư cách những nhà thơ (bất đắc dĩ) là của người đời sau do nhu cầu thế đạo (không hàm ý tích cực hay tiêu cực), như tôi phân tích qua ở trên. Và không khó để đoán ra không phải do thay đổi xu hướng sáng tạo hay vấn đề thi pháp đặc thù gì mà dòng “văn thiền” – tạm gọi như thế – thời Lý Trần dừng đột ngột vào triều đại Hậu Lê mà chỉ do mùa chính trị “thiên thời địa lợi” của Phật giáo đã qua, kèm theo mọi thứ liên quan như tư tưởng, cách sống, thông tin kể cả “trước tác” của họ khó phổ biến và rõ nhất là các triều vua Lê, kể cả vua Lê Thánh Tông nổi tiếng hay chữ và sính thơ phú, đều hướng cảm hứng dựng triều đại trên cơ sở tư tưởng Khổng giáo, dù mùi pháp trị bắt đầu lấn chủ thuyết “nhân trị” của đức Khổng Phu Tử. Cần nhớ Luật Hồng Đức ra đời thời Lê Thánh Tông và ngài là vị vua tay thơ tay kiếm, thứ kiếm trấn áp quân Champa không thiếu hiếu chiến một thời và cũng là thứ vũ khí áp dụng cho cả quần thần dại dột can gián đức vua không đúng lúc đúng nơi, dù đó là tay chân móng vuốt của chính mình và khi vua tôi đang trên đất chiến địa quê người hay chính là thầy cũ thuở hàn vi, ơn nghĩa sâu nặng. Tóm lại, không dám thiếu tôn kính công trạng và hình ảnh vị quân vương bề thế bậc nhất trong lịch sử Việt, nhưng chắc chắn sự cai trị và ứng xử tôi vừa mạo muội nhắc qua đã thiếu khí vị khoan hoà của Phật giáo. Và thế đó, lịch sử là lịch sử, vốn không quen màu mè lịch sự, không nương tay cho kẻ yếu tim!

Các nhà nghiên cứu dễ thống nhất rằng dù còn yếu tố Kệ đã bàn trên, những yếu tố mới xuất hiện trong thơ thiền Lý Trần đặc biệt in dấu trên cả mặt tạm gọi là nghệ thuật và nội dung. Việc chịu ảnh hưởng văn chương Trung Quốc – thi sĩ nước ta thời này còn sáng tác bằng tiếng Hán như bao thế kỷ trước – đã rõ, ví dụ lịch sử văn chương hoá, nghệ thuật hoá Kệ hẳn đã manh nha từ thời người Trung Quốc bắt đầu tiếp nhận Phật pháp. Người Trung Hoa công khai chủ trương “Trung Hoa hoá” Phật giáo thì ngán chi chuyện vận dụng truyền thống thơ văn, làm mới dạng “sáng tác” có nhà nghiên cứu gọi tên là Kệ-Thơ. Vậy nói thơ thiền Việt thời Trung đại có nhận ảnh hưởng thơ thiền Trung Hoa, bao hàm ý đấy là dạng thơ thiền đã ngấm quá trình nghệ thuật hoá, nói nôm na thì khác truyền thống cổ ở Thiên Trúc xa xôi, nay đã có thứ kệ vần hoá trong đó thi tính chuyên nghiệp nổi lên như một yếu tố chính cạnh tranh được với yếu tố thiền. Và cũng nhận xét thêm – mà không đủ không gian để minh hoạ – rằng quà nhận kèm còn là sự nhập nhằng quá lộ liễu giữa yếu tố Lão (cùng biến thể là Đạo giáo), Khổng và Phật. Một lần nữa nhắc tới lớp nho sĩ và cả đạo sĩ của một quốc độ Trung Hoa giàu mạnh, thừa thãi kinh thư, trường phái triết học mà vẫn nghèo nàn đời sống tâm linh, nhiệt tình chào đón một tôn giáo và triết học ngoại lai thách thức truyền thống văn hoá Trung Nguyên, nhưng chủ yếu – nhất là suốt thời kỳ đầu – bằng kiến giải qua nếp nghĩ và thuật ngữ Lão Khổng. Và đồng thời nhắc tình hình Đại Việt, lớp quan lại có thể chủ yếu là Phật tử, trong đó có đội ngũ sư sãi sở hữu vốn chữ nghĩa qua tiếng Hán, có tinh thần khoan dung nhà Phật nhưng cơ bản vận dụng bộ máy chế độ với kỹ thuật cai trị kiểu Khổng gia và Pháp gia. Ảnh hưởng tiếp tục của đạo Khổng trên mọi mặt là không thể khác. Nói hơi thiếu tế nhị, ngay một bậc Chuyển Luân Thánh Vương cũng không thể tìm nghệ thuật binh pháp trong Kinh Pháp Hoa hay cách trị nước trong Kinh Hoa Nghiêm được. Học khí nhà Khổng với thiên hướng “sính” thơ văn – trong giáo dục đào tạo và lối hưởng nhàn còn chỗ đứng, dù trong thế Tam Giáo Đồng Nguyên, thì hương vị thiền chân phương thời Giáo Chủ còn “bay đi ít nhiều” – nói chi phó phẩm thơ thiền!

Cái mới rõ nhất và được giới nghiên cứu chú ý nên nói thẳng là yếu tố dân tộc, pha chút màu “dân tộc chủ nghĩa” – được giai cấp lãnh đạo ngấm ngầm hoặc công khai cổ vũ – thường có ở những quốc gia hưng thịnh sau thời kỳ dài bị mất tự chủ hoặc đã có thời gian tự chủ nhưng cần phục hưng quốc khí. Điều độc đáo là khí vị độc lập, tự tại này ảnh hưởng ngay trong thơ thiền của thời đại, khi tu sĩ Phật giáo đồng thời là lớp người gánh vác trách nhiệm nhà nước. Nếu liên tưởng người Trung Quốc sử dụng cả khái niệm “trượng phu” trong văn hoá nhà để dịch kinh Thiên Trúc thì cái “thiền chất” tráng kiện, hào khí, lý tính kèm chút ngang ngạnh của thời đại Lý Trần và thơ thiền Lý Trần cũng dễ giải thích được vậy.