Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 10 tháng 10, 2017

Ở miền đất ấy (kỳ 2)

Tiểu thuyết Nguyễn Thanh Hiện 

thế giới là cuộc tháo chạy ngẫu nhiên của các sự vật


12.

Ông Phưa trưởng làng Mung bảo trước khi có mưa lớn, chính mắt ông trông thấy Liêu đi ngang qua nhà ông. Tôi hỏi sau đó bao lâu thì trời đổ mưa. Ông Phưa nói ước chừng Liêu vừa qua khỏi suối Mung. Ông nói thế là nghĩ rằng Liêu qua suối Mung để đến trường dạy học. Nhưng ông Din hiệu trưởng nói một cách chắc chắn rằng hôm đó Liêu không đến lớp. Như thế có nghĩa Liêu qua suối Mung, rồi qua suối Dang, để đến lâm trường Núi Đưng, và bà Mãng đã trông thấy. Ông Phưa bảo nếu quả thế thì khi Liêu ở lâm trường quay về sẽ gặp lũ đang xuống trên suối Dang. Tôi và ông Phưa đi dọc theo lòng suối Dang đã cạn hết nước, và đưa ra bao nhiêu giả dụ. Giả dụ Liêu bị lũ cuốn, dạt ở đâu đó ở suối Dang, thì còn trông thấy xác. Giả dụ Liêu bị lũ cuốn ra sông Cái, rồi trôi luôn sang nước Lào, thì coi như chẳng còn tung tích. Ở núi Đưng, suối nào cũng đổ ra sông Cái. Còn sông Cái thì chảy sang nước Lào. Người làng đã đi hết các sông suối ở núi Đưng. Đã tới chỗ con sông Cái chảy sang nước Lào. Nó không còn nằm ở đất này đâu. Ông Phưa bảo.

13.

Một ngày cuối đông có nắng nhạt. Núi rừng vẫn còn im vắng tiếng chim như những ngày có mưa. Tôi và ông Phưa đã ngồi lại ở một gộp đá cao nơi bờ suối Dang, nơi có thể nhìn thấy làng mạc, ruộng nương bốn phía. Con đường rừng từ làng Riềng sang trường học làng Dang trông tựa con rắn khổng lồ ngoằn ngoèo bò qua bao nhiêu bến suối bao nhiêu mảng rừng cây. Đám học trò ở trường học làng Dang đang ra về. Từ ngày Liêu mất, ông Din hiệu trưởng phụ trách các trường học ở núi Đưng phải điều các cô giáo ở các trường làng khác thay nhau đến đó để dạy thay cho Liêu. Biết đâu con Liêu bị nước cuốn đến chỗ nào đó thì có người cứu sống. Ông Phưa nói. Từ ngày Liêu mất, tôi chưa nghe ai giả dụ như thế. Nhưng xưa nay, đã bao giờ xảy ra vậy chưa? Tôi hỏi thử. Ông Phưa bảo có, đấy là chuyện con gái ông Nua.

Do có đôi mắt sáng như mắt chim đa, nên Hơ Linh, con gái ông Nua, được người làng gọi là con chim đa của núi Đưng. Như ngày nào cũng có em ra vô trong nhà, thì có đi tận đầu nguồn cuối suối để tìm cho được mật con ong sinh sanh cho em chải tóc, anh cũng chẳng từ nan. Như ngày ngày có em ở trong nhà để anh được nhìn đôi mắt sáng của em, thì dẫu sáng nhìn em chiều phải từ bỏ cõi đời, anh cũng bằng lòng. Đấy là những lời tỏ tình của lũ con trai trong làng. Nhưng cuối cùng Hơ Linh chỉ chọn được Din, chàng trai dũng mạnh của núi Đưng.

Lúc xây nhà ở cho vua, mỗi mình Din lãnh việc mang đá núi để làm nền nhà. Lúc xây đập chắn nước trên suối Riềng, cũng mỗi mình Din lãnh việc đi lấy đá núi để làm bờ chắn. Lũ voi tự dưng xuống phá lúa ở các nương rẫy. Din bảo đừng lo. Đêm mỗi mình Din leo lên cành cây cao chỗ gần các nương rẫy, để chờ. Hãy trở lại chốn núi cao đi thôi. Din nói, lời anh nói dội vào vách núi. Lũ voi cuống cuồng bỏ chạy. Hỡi chàng trai dũng mạnh của rừng núi Đưng, nếu đã thật lòng thương con Hơ Linh, con gái ông Nua, thì hãy đi lấy lá khư trên núi Đưng về làm đèn hoa để đốt trong ngày cưới. Người làng khuyên. Lá khư đem phơi khô, rồi gói trong vải, đem đốt thì thành đèn hoa. Hơ Linh bảo là sẽ đẻ cho Din những đứa con trai cũng dũng mạnh như cha nó. Nhưng chưa kịp đẻ thì lũ người không có ống máu kéo tới núi Đưng. Din cầm đầu lũ trai tráng trong nước để chống giặc. Mỗi lần Din giương cây cung lên thì lũ người không có ống máu ngã hàng đàn. Nhưng lập tức bọn chúng lại đứng lên, tiếp tục xông lên làm công việc chém giết. Cho đến khi Din ngã xuống vì máu ở cánh tay anh chảy nhiều quá, thì thấy đám người không có ống máu đã bị trúng tên của anh vẫn còn sống. Lũ người ấy đã ném xác Din xuống suối Riềng. Đang mùa nắng mà tự dưng suối Riềng đầy nước. Hơ Linh bị lũ người không có ống máu đuổi bắt, cũng nhảy xuống suối Riềng. Khi tỉnh lại thì thấy Din đang ẵm mình đứng ở bờ con sông đầy nước. Đây là chốn nào? Hơ Linh hỏi. Din bảo đấy là nước Thường.

Tôi hỏi ông Phưa có phải người không có ống máu còn gọi là người Xoát hay không. Ông Phưa kêu phải, và hỏi làm sao tôi biết được. Tôi nói là Liêu đã kể đoạn sử Giót đó cho tôi nghe. Phải, đó là chuyện lấy ở trong Giót. Ông Phưa nói. Và hỏi tôi có biết nước Thường ở đâu không. Tôi nói là mình có nghe Liêu nói nước ấy rất xa cõi trần gian, chỉ vào thời cổ sơ mới có người đến được. Ông Phưa hỏi thời cổ sơ là thời nào, và vì sao chỉ thời ấy mới có người đến được nước Thường. Tôi nói thời ấy xảy ra đã lâu lắm, và đã xảy ra ở chỗ chúng ta đang ngồi đây, gọi là thời văn minh núi Đưng. Ông Phưa lấy thuốc lá nhồi vô ống điếu, hút mấy hơi liền, rồi hỏi tôi liệu mai kia người núi Đưng có đến được nước Thường hay không. Tôi nói là tôi chỉ biết, như sử Giót nói, có một nền văn minh đã bị chôn vùi bên dưới mặt đất, bên dưới chỗ ông ấy đang ngồi hút thuốc lá bằng ống điếu, còn mai kia người núi Đưng có đến được nơi đó hay không thì tôi chẳng rõ.

14.

Tự dưng chuyện nàng Hơ Linh trôi đến nước Thường lại thôi thúc tôi đi tìm Liêu. Tôi một mình đi dọc theo dòng suối Dang đã cạn hết nước, rồi chuyển sang bờ con sông Cái. Nước sông chỉ còn mỗi dòng nhỏ chảy ở giữa lòng sông. Đây là con sông lớn ở Tây Trường Sơn, thuộc miền trung của Việt Nam. Có nghĩa nước con sông ấy chảy sang nước Lào, rồi đổ ra sông Mê Kông, rồi chảy trở lộn về Việt Nam. Như thế, nếu như Liêu bị lũ cuốn ra sông Cái, thì cuối cùng, một phần xương thịt cô ta cũng nằm lại trên đất nước tôi. Kẻ nào khi nằm xuống mà chẳng còn để lại chút xương thịt nào trên đất nước mình thì thật là bất hạnh.

15.

Ở trạm thủy văn đo lũ kiệt chẳng thấy có người trực. Quả tình đã có một cuộc sống lẻ loi diễn ra nơi căn nhà xây bằng gạch, mái vách đều rêu phong, nằm trên bờ con sông Cái. Trước khi đến đây tôi có nghe nói trạm đo nước ấy xây tự thời thuộc Pháp. Nhà không có người, tôi không dám vào, chỉ đứng nhìn từ xa. Bếp nấu kê bằng đá núi ngay trước sân, có vẻ tro tàn lạnh lẽo. Còn nồi niêu chén đũa thì úp trên một tấm ván gỗ kê ở hiên hè.

Rừng cây vắng lặng. Dòng sông vắng lặng. Tôi định đi tiếp, chợt có người thanh niên khoảng hai mươi tuổi từ dưới bờ sông bước lên. Anh tìm thầy em? Người thanh niên hỏi. Thấy anh ta tỏ ra như đã thân quen với mình, nên tôi cũng làm ra vẻ thân quen. Cậu học nghề thủy văn? Tôi hỏi vậy vì đoán thầy anh ta là người coi trạm thủy văn. Người thanh niên lắc đầu. Anh Kế trưởng trạm thủy văn về xuôi rồi. Anh ta nói. Vậy thì người coi trạm tên Kế. Còn thầy anh ta là kẻ khác. Thầy em cũng về xuôi? Tôi hỏi, cũng làm như mình quen biết thầy anh ta. Thầy em lên suối Rưng chiều tối mới về, mời anh vào nhà đi. Anh ta nói. Tôi liền theo chân anh ta. Có thể nói đó là một phòng trưng bày tranh tượng ở trên rừng. Trong lúc người thanh niên đi đun nước, tôi ngồi nhìn thử các thứ tác phẩm đang bày la liệt trước mắt. Tranh lớp treo, lớp cuộn. Còn tượng bằng đất thì nằm ngổn ngang trên nền nhà lót bằng gạch nung nhưng đã sờn tróc gần hết. Thầy trò của một họa sĩ nào đó ở nhờ nhà trạm thủy văn để sáng tác.

Em học hội họa đã lâu chưa? Tôi gợi chuyện để biết người họa sĩ đó là ai. Người thanh niên rót nước sôi từ ấm nhôm ra mấy cái ly nhựa đặt trên tấm ván kê ở giữa nhà. Gần hai năm rồi. Nhưng lâu lâu cậu em lại bảo, thằng Nhiên, mày hãy về xuôi thôi, vì theo cậu khổ lắm. Anh ta nói. Như vậy, người thanh niên tên Nhiên, còn thầy dạy anh ta cũng là cậu của anh ta. Nhưng sao hôm nay em không lên suối Rưng với ông ấy? Tôi hỏi. Người thanh niên chợt nhìn tôi có ý dò xét. Tôi đoán là mình hỏi không hợp lúc, khiến anh ta có ý không bằng lòng. Nhưng rồi anh ta cũng trả lời câu hỏi của tôi. Thế là cậu cháu người họa sĩ đã bắt đầu thu hút sự chú ý của tôi. Như mọi hôm, bữa nay cậu Phác em cũng lên suối Rưng đãi vàng. Anh ta nói. Vậy là người họa sĩ tên Phác. Nhưng sao không đi vẽ, mà đi đãi vàng? Thế, trước khi theo học vẽ với cậu Phác, em đã làm gì? Tôi nghĩ, cứ tra vấn anh thanh niên tên Nhiên sẽ rõ mọi sự. Và quả nhiên, anh ta đã khai ra hết mọi thứ cho tôi nghe.

Đã nuôi mộng làm họa sĩ tự lúc học lớp hai. Do là cô giáo phụ trách lớp bảo vẽ con bò, thì anh ta liền vẽ con bò, nên được khen là có năng khiếu. Suốt những năm học tiểu học, rồi trung học, anh ta vẫn vẽ. Lúc nào rảnh việc học, rảnh việc nhà, là lại vẽ. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Khi cha anh ta còn sống vẫn thường nói thế. Nên anh ta quyết nuôi mộng ấy suốt những năm còn ngồi trên ghế học trò. Thế là em đã thi vào đại học mỹ thuật, ra trường, thì đi vẽ với ông cậu? Tôi hỏi. Anh ta lắc đầu, bảo là mình không có duyên trường, nhưng lại có cái duyên là có ông cậu ruột, em mẹ, một họa sĩ đã nhận anh ta làm đệ tử. Nhưng cũng chẳng phải được làm đệ tử một cách đường hoàng. Anh ta đã phải trốn nhà ra đi. Quả tình là anh ta vẽ cũng khá nhiều. Đến lúc ấy anh ta mới mở các tranh vẽ ra cho tôi xem. Tranh về các con vật ở nông thôn. Tranh đồng ruộng, nhà cửa, cây cối. Có cả tranh về thần tiên. Đến lúc ấy tôi mới rõ những tranh treo ở trạm đo nước là do anh ta vẽ từ hồi mới tập vẽ đến lúc ấy. Gần hai năm lên đây, em đã chuyển sang nặn tượng. Anh ta nói. Tôi đã ở lại trạm đo nước để ăn cơm trưa theo lời mời của anh ta. Cho đến lúc ngồi ăn cơm trưa, anh ta cũng chẳng hề hỏi tôi lên rừng làm gì, và quen biết thế nào với thầy anh ta. Chỉ nói chuyện hội họa, rồi điêu khắc. Những con thú rừng nặn bằng đất sét đen lấy ở con suối ở đây là để bán ra nước ngoài. Cứ vài tháng là có một ông buôn đồ cổ lên đây. Cứ thế này, thầy trò em sống trên rừng bao lâu cũng được. Anh ta nói.

16.

Tôi nói là mình lên rừng để tìm tư liệu cho một cuốn sách. Ông ấy nhìn tôi, tỏ ra không tin. Ta cũng đang đi tìm đây. Ra khỏi lòng mẹ là ai nấy đều bắt đầu một cuộc tìm kiếm. Ông ấy nói. Còn tôi thì ngồi nghe. Theo lời yêu cầu của tôi, ăn cơm trưa xong, người thanh niên tên Nhiên đã đưa tôi đến suối Rưng gặp ông Phác, cậu anh ta. Đến nơi, anh ta liền quay lại trạm thủy văn. Cũng như người thanh niên tên Nhiên, ông ấy cũng chẳng hỏi tôi từ đâu đến, và tìm ông là có việc chi. Tôi nhắc lại là mình đang tìm tư liệu cho một cuốn sử truyền miệng của người núi Đưng, và rất cần nhiều nguồn cung cấp. Ông Phác nhìn tôi, cười. Ở thành phố đó, ta là thần tượng của hội họa, và coi như cũng đã được chép thành pho sử truyền miệng. Ta sống ở thành phố đó gần mười năm. Ta có phòng vẽ riêng. Có cả một đám người tuổi trẻ ngưỡng mộ ta. Ta vẽ. Còn bọn họ thì ngày ngày đến để ca ngợi tranh vẽ của ta. Ông Phác nói. Còn tôi thì ngồi nghe.

Từ lúc có tôi, bàn tay ông vẫn không rời khỏi cát sỏi nơi lòng suối. Nước suối Rưng đã cạn từ lâu. Chỉ còn những cát sỏi đang bày nơi lòng suối. Vừa nói, ông vừa lựa những hòn sỏi ra khỏi cát. Tôi cứ muốn hỏi ông làm thế để làm gì, nhưng lại thôi, vì không muốn làm gián đoạn câu chuyện kể của ông. Tranh của ta hầu hết là vẽ ngựa. Không như các họa sĩ Trung Hoa, vẽ ngựa để thể hiện vẻ đẹp của ngựa, kiểu con ngựa dẫm hoa trở về móng còn thơm. Ta vẽ ngựa là để làm hừng lên nét kiêu hùng của một loài sinh vật đã cùng loài người tham gia chinh chiến. Ngựa của ta có con trên đường đến trận mạc, có con đang vào trận mạc, có con từ trận mạc trở về. Có những bức ta vẽ cảnh ngựa ngã xuống hàng loạt trên chiến địa. Phải vẽ cảnh chết nhiều như thế mới làm lộ ra chất kiêu hùng của loài ngựa chiến. Khi có những bài báo ca ngợi tranh ngựa của ta chẳng kém tranh ngựa của danh họa Lý Long Miêu thời Tống- Trung Hoa, ta liền làm thêm tượng về ngựa. Đám khách nước ngoài đã đổ xô đến mua tượng ngựa chiến của ta. Những lời ngợi ca ta tiếp tục xuất hiện trên báo chí. Còn tiền bán tranh bán tượng thì ta dùng vào việc mở mang phòng vẽ cho to lớn hơn. Không phải ta chỉ ngồi ở phòng tranh của mình để vẽ. Mà còn được ngồi ở nơi để phán tài cao thấp của lớp họa sĩ trẻ tuổi hơn ta. Danh ta lan ra cả nước.

Cho đến một hôm ta nằm mơ thấy đám ngựa ta đã đưa vào tranh và nặn thành tượng. Con nào mình cũng đầy máu me. Chúng bảo ta có được như hôm nay là nhờ lũ chúng, và đòi chia một nửa những gì ta có được. Ta có phần bối rối. Những lời ngợi ca thật ra là của người khác. Còn tiền bán tranh tượng, lúc ấy cũng chẳng còn đồng nào. Ta xin chúng hoãn lại một thời gian để ta xoay xở. Bọn chúng bỗng cất tiếng cười to. Để xem lũ người trần gian của ngươi còn bày những trò chi nữa với nắm xương tàn của bọn ta. Hôm nay đến là để đổi chỗ cho ngươi đây. Chúng thét lên, như sắp xảy trận mạc. Ta thức dậy, nghe mồ hôi ướt đầm áo. Không phải sợ chết. Mà hoảng hốt, vì bấy lâu vẫn lầm tưởng là ta đã tìm được một chỗ đứng giữa trần gian, chẳng gì lay chuyển nổi.

Tôi hỏi có phải vì thế mà ông đã lên rừng để tìm một chỗ đứng khác cho mình. Không, ta còn đến bao nhiêu nơi nữa, trước khi lên đây. Ta ra hòn đảo ấy. Và đã gặp tiên. Ông Phác nói, tay vẫn tiếp tục làm công việc lựa những hòn sỏi ra khỏi cát. Thật sự, đấy là đãi vàng? Hay là để tìm nguồn sáng tạo? Tôi chẳng dám hỏi, vì ông đang hứng thú kể chuyện gặp tiên cho tôi nghe. Đấy là cô gái tên Duyễn, con nhà làm nghề cá ở đảo Cỏ. Ông Phác ra hòn đảo ấy vào mùa nồm thổi. Tương truyền, ông tổ của dân đảo Cỏ cũng đến vào mùa nồm thổi. Ông tổ ấy vừa đặt chân lên hòn đảo thì tất cả những quạnh hiu trên đảo bỗng biến thành những nàng tiên nữ có gương mặt tươi vui như buổi sớm mai trên biển cả. Dân đảo Cỏ là sự kết hợp giữa quạnh hiu và máu của người trần thế. Rời thành phố ấy là ông Phác vứt bỏ hết những gì có liên quan đến hội họa. Nhưng khi ra đến đảo Cỏ, nghe chuyện cũ, ông quyết thể hiện lại bằng sắc màu sự kết hợp kỳ diệu kia. Mực màu là mài từ đá san hô lấy ở ghềnh đá. Cọ vẽ là cành cây. Giấy vẽ là áo đương mặc của ông. Mặt trời vừa nhô lên biển cả là ông Phác ra ngồi ở ghềnh đá phía đông hòn đảo. Sáng nào cũng vậy, lúc ông đã yên vị nơi ghềnh đá, Duyễn lại mang ra cho ông ấm nước nấu đọt vừng, thứ lá duy nhất ở đảo Cỏ vừa làm rau vừa làm trà uống. Ông ra đảo Cỏ trọ ở nhà Duyễn. Bữa cơm sum hợp chỉ xảy vào buổi tối, khi cha mẹ anh em Duyễn đi thuyền cá đã về. Bữa cơm trưa nào cũng chỉ có ông và Duyễn. Có hai người, có nghĩa không còn quạnh hiu. Nhưng trên khuôn mặt Duyễn ông thấy như lúc nào cũng phảng phất niềm vắng lặng được lưu truyền từ nỗi quạnh hiu cố cựu. Nào ai biết duyên do nào, ngoài ba mươi tuổi Duyễn vẫn chưa lấy chồng. Và cũng nào ai biết trong lòng Duyễn có nảy ra cái ý nghĩ rằng việc ông ra đảo để gặp Duyễn là do duyên trời.

Cho nên, vào những bữa cơm chỉ có hai người, ông thường hay bắt gặp trên khuôn mặt vốn buồn của Duyễn những lấp lánh của niềm vui. Vào các buổi sáng, lúc mang trà đọt vừng ra cho ông, Duyễn thường ngồi lặng nhìn những đám cỏ nồm đương trổ hoa nơi ghềnh đá. Trên hòn đảo chỉ có mỗi loài cỏ nồm tương truyền là do ông tổ dân đảo đã mang ra vào mùa gió nồm ấy. Hoa cỏ nồm tươi vui như ánh mặt trời buổi sớm. Nhưng Duyễn lại hay giấu tiếng thở dài mỗi lần nhìn loài hoa ấy.

Vào một chiều ở nơi bãi ghềnh phía tây hòn đảo, ông vừa xong nét vẽ cuối cùng chân dung nàng tiên hiu quạnh, ngồi mỉm cười với ánh hoàng hôn đương sửa soạn buông xuống biển khơi, thì có tiếng thở nhẹ phía sau ông. Ông quay lại thì thấy Duyễn đang đăm đắm nhìn chân dung nàng tiên hiu quạnh. Chẳng có chỗ nào là không giống em. Duyễn nhìn ông, nói, mắt lấp lánh niềm vui của màu hoa Cỏ. Ông cũng nhìn Duyễn, và cứ thấy hoảng hốt ở trong lòng.

Vào một sớm tinh mơ nơi bãi ghềnh phía đông hòn đảo, Duyễn đã tiễn ông về lại đất liền. Em cứ giữ lại bức vẽ này. Ông nói, và trao cho Duyễn bức vẽ nàng tiên hiu quạnh. Rồi hôn lên môi người con gái ấy, và bước vội lên thuyền. Ta không dám ở lại nơi đó, vì đã lỡ chạm vào chỗ thiêng liêng của hòn đảo. Ông Phác kết thúc câu chuyện ông gặp tiên bằng câu ấy. Tôi hỏi có phải là ông đã cảm thấy sợ hãi ông tổ dân đảo Cỏ hay không. Ông Phác nói nếu nói là sợ hãi thì có rất nhiều thứ trên đời khiến người ta sợ hãi. Tôi hỏi có phải sau khi rời hòn đảo thì ông lên rừng. Ông Phác bảo là ông đã lên rừng, nhưng không phải là rừng núi Đưng. Ta đã theo đám người đi đãi vàng lên khu rừng thuộc thượng nguồn con sông ấy. Một ông bầu mang theo một đãy bạc đầy, và dẫn theo đám đệ tử gồm những thằng con trai rất khỏe chuyện đánh đấm. Ông bầu bỏ tiền ra mua bến bãi. Ban ngày đám đệ tử của ông xuống sông đãi vàng. Đêm đến thì bọn chúng ăn nhậu, và ngủ với gái điếm ở cái thị trấn nhỏ trên rừng ấy. Vàng thì chưa được hột nào. Nhưng cái túi bạc của ông bầu thì có vẻ đã vơi. Có lẽ để cho chắc ăn, vào một đêm có mưa gió, ta đã chứng kiến cảnh đám đệ tử của ông cắt cổ ông để lấy cái túi bạc đã vơi kia. Cắt cổ ông bầu xong, bọn chúng kéo đi hết. Còn ta thì lấy máu của ông ta để viết ngày tháng lên hòn đá làm bia mộ cho ông. Ta theo đám người tìm vàng kia lên núi rừng là để chiêm nghiệm thêm sự quạnh hiu. Nhưng chôn cất ông bầu xong, ta đã rời rừng núi đó. Tôi hỏi thế thì do đâu ông lại lên đây làm công việc đãi vàng. Tôi hỏi chỉ cho có hỏi, chứ thật ra bấy giờ cũng chẳng biết có phải ông đãi cát tìm vàng hay không.

Ông Phác lặng lẽ đứng lên đi lấy chiếc ba lô vải đặt ở gần đấy. Mặt trời sắp khuất. Tôi cũng đứng lên. Thằng cháu ta trốn mẹ, theo ta, chỉ mang theo mỗi cái ba lô vải đó. Ông Phác vừa mang ba lô vào vai, vừa nói. Tôi nói lúc trưa mình cũng có nghe cậu ta kể chuyện đó. Ông ấy hỏi là tôi có thấy đám tượng thú rừng của cậu ta hay không. Tôi bảo có, tượng nào cũng giống như thật. Thằng cháu ta được cái là nặn tượng rất nhanh, mỗi ngày nặn đến mấy chục tượng voi tượng gấu. Năm mười hôm thì tay buôn đồ cổ lại lên đây. Đất sét để nặn tượng ở núi rừng này nhiều vô khối. Chỉ lo một ngày nào, lũ thú rừng tìm đến xé xác nó. Ông Phác nói. Tôi bảo là khó có chuyện kỳ diệu đó xảy ra. Ông ấy bảo là trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra hết. Tôi liền quay lại chuyện đãi vàng, hỏi làm theo cách ông đang làm thì liệu có tìm được vàng hay không. Cứ nghĩ là tìm được. Phải tự huyễn hoặc mình để sống. Ông Phác nói. Rồi mang chiếc ba lô rỗng không bước đi, chẳng nửa lời từ biệt tôi, cũng chẳng nửa lời hỏi tôi sẽ đi đâu, về đâu.

17.

Nếu như phải tự huyễn hoặc mình để sống, như ông Phác nói, thì tôi cũng đang tự huyễn hoặc mình? Tự dưng tôi cứ thấy thích đọc đi đọc lại những lời Lung nói với Hơ Mia trong sử Giót, lúc Hơ Mia đang cơn hấp hối.

Hãy ngủ nữa đi Hơ Mia

Không phải là anh không biết em đang đau đớn vì chân em đã bị dập nát

Thường thì vào giờ này lũ chim xin xao vẫn còn gọi nhau, đang là mùa chim xin xao kết đôi em không nhớ sao?

Nhưng đêm nay có nỗi đau đớn của em khiến con nai trên rừng không dám bước nặng chân

Và lũ chim xin xao cũng không dám cất tiếng gọi nhau.

Gió cũng đang đau nỗi đau của em

Trong lúc em thiếp đi thì gió nói với anh rằng gió đã mang tiếng hát em đi khắp rừng sâu núi thẳm

Rằng tiếng hát em làm dịu cơn hung hãn của con hổ đói mồi làm dịu cơn khát của con nai con lạc mẹ

Gió nói với anh rằng em đã mang đến cho gió niềm cao sang bất tận

Khi có tiếng hát em gió khiến cho tiếng suối trở nên thanh thoát khiến cho tiếng cây lá thành lời ca hát của rừng.

Chớ nghĩ ngợi nữa Hơ Mia

Dẫu lũ người Xoát đã làm dập nát đôi chân em.

Bỡi giờ thì chúng đã mãi mãi biến thành sắt đá chôn vùi bên dưới mặt đất này

Lúc em thiếp đi gió đã nói với anh

Rằng Giót đã bảo gió hát cho em nghe cho đến khi đôi chân em lành lặn

Để cùng anh làm cho thật nhiều những lưỡi cuốc lưỡi cày và những dao cắt lúa

cho người núi Đưng

Và để em sinh cho anh những đứa con trai cũng dũng mạnh như cây khư trên núi Đưng.

18.

Tôi cũng không biết có phải là Lung trong sử Giót cũng tự huyễn hoặc mình. Theo sử Giót, sau đó Lung cũng chết, vì anh ta cũng bị thương nặng trong cuộc chiến với người Xoát. Và ông Nư Năng đã làm Bài Ca Trước Mộ để hát tặng tất cả những người núi Đưng đã ngã xuống trong cuộc chiến đó. Chớ nghĩ ngợi nữa, hỡi những người núi Đưng thân thiết của ta, bỡi anh em đã ra khỏi giống vật khôn hơn hết thảy các giống vật ở trần gian… Như thế, theo sử Giót, chết không phải là mất, mà là ra khỏi.

19.

Tôi lại đi lâm trường Núi Đưng để gặp bà Mãng. Nhưng bà ấy lại về xuôi. Tôi nghĩ ngợi một lúc rồi thẳng xuống huyện. Đứng ở cổng trường trung học của huyện, tôi nghe rõ tiếng giảng bài của thầy giáo ở các lớp học. Sắp mãn buổi học chiều. Sân trường vắng hoe. Tôi nửa muốn quay ra, nửa muốn vào. Nhưng vào để làm gì, tôi cũng chẳng biết. Chỉ vì Liêu đã học lớp sư phạm ngắn ngày ở ngôi trường đó, nên tôi mới rẽ vào đó. Theo lời Liêu thì cô ta với một số cô gái vùng cao đã học cách làm thầy giáo ở ngôi trường đó suốt ba tháng trời, học để về làm thầy dạy lại đám học trò ở các làng vùng cao. Có nghĩa là Liêu đã từng đi lại trên khoảnh sân trường có ánh nắng chiều cuối đông đương rải lên mặt đất thứ sắc màu lạnh lẽo, và đã từng ra vào ở ngõ cổng nơi tôi đang đứng phân vân chẳng biết là có nên vào hay không.

Tôi cứ nghĩ ngợi phân vân như thế cho đến khi thấy mình đứng trước một căn phòng có biển đề là phòng hiệu trưởng. Cho đến khi đã yên vị trên ghế ngồi ở phòng hiệu trưởng, tôi cũng chẳng biết là mình đến đó để làm gì. Chắc là anh muốn tìm hiểu về trường học của huyện nhà? Chưa rót xong chén trà để mời khách, ông hiệu trưởng đã mở lời. Cái túi vải đựng bản thảo sử Giót tôi vẫn thường mang theo đã cứu tôi thoát nạn. Như thế, nhìn bề ngoài thì bấy giờ tôi giống anh nhà báo. Nhưng từ lâu tôi đã lỡ đóng vai nhà nghiên cứu lịch sử. Tôi nói là mình đang tìm hiểu về nền văn minh cổ ở Núi Đưng, biết ông ấy là người am hiểu về vùng đất ấy, nên muốn đến hỏi xin một số tư liệu. Tôi nghĩ cứ tôn vinh ông hiệu trưởng như thế cũng chẳng sao, miễn sao cho việc tôi có mặt ở phòng ông là có lý do chính đáng.

Ông hiệu trưởng làm động tác rùn vai để tỏ khiêm tốn. Mình ở dưới xuôi lên làm việc ở vùng dân tộc ít người lâu năm thế thôi, chứ không dám nhận là am hiểu về các dân tộc ở đây. Ông hiệu trưởng nói. Tôi nói hôm nay đến để xin ý kiến về việc giúp đỡ tư liệu, nếu ông đồng ý, thì sẽ gặp nhau vào một ngày khác. Tôi hẹn thế cốt để tạo đường tháo lui. Ông ấy liền đồng ý với ý kiến của tôi. Nhưng thiết nghĩ, anh đã đến đây thì cũng nên biết một số nét chủ yếu về trường học huyện nhà. Ông hiệu trưởng nói, và lại rót trà mời, để cầm chân tôi. Tôi nói dẫu làm công việc nghiên cứu lịch sử, tôi cũng phải biết những gì đang xảy ra trong cuộc sống hiện tại, nhất là công việc giáo dục của huyện nhà. Tôi nói cốt để ông ấy vui trước khi mình ra đi, tất nhiên là chẳng đời nào có chuyện gặp nhau vào hôm khác. Nhưng không ngờ câu nói của tôi lại làm bùng lên ngọn lửa nhiệt tình trong ông. Phải, nền giáo dục của huyện nhà nói riêng, và nền giáo dục của đất nước nói chung, còn nhiều vấn đề phải bàn cãi. Anh là người nghiên cứu lịch sử, chắc cũng nghĩ thế. Ông hiệu trưởng nói, vẻ rất phấn khích. Tôi nói mình cũng có nghĩ nhiều về vấn đề giáo dục, vì đấy là một trong những việc lớn của xã hội loài người.

Ông hiệu trưởng chợt đứng lên, thọc hai tay vào hai túi quần, rồi ngồi xuống lại. Phải. Thời đại nào cũng phải bàn về giáo dục. Loài người mỗi ngày một văn minh thì giáo dục cũng phải thay đổi. Riêng đây là huyện miền núi, chín mươi phần trăm học trò là thuộc các dân tộc ít người. Nên việc dạy và học còn bao nhiêu vấn đề bức thiết. Nếu không có trống tan học buổi chiều, ông hiệu trưởng vẫn còn nói. Anh chờ tôi một tí. Ông ấy nói, và bước ra cửa phòng, đứng nhìn theo học trò và các thầy giáo đang ra về. Như thế là ông hiệu trưởng vẫn còn muốn cầm chân tôi. Khó khăn ban đầu là tự dưng tôi lại vào ngồi ở đây thì tôi đã vượt qua được, giờ có ngồi lại bao lâu lại chẳng được.

Ông hiệu trưởng lại trở lại thời trường học mới thành lập, chỉ có vài ba lớp, và ông ấy đã bị đày lên đây. Thời ấy tôi nghĩ là mình bị đày. Nhận bằng tốt nghiệp sư phạm xong lập tức tôi được đưa đến vùng núi non xa lạ này thì không phải bị đày là gì? Nhưng con người là loài động vật có khả năng tự thích nghi với hoàn cảnh mới rất cao. Đâu chừng vài tháng đã thấy quen với việc sáng thức dậy nghe chim rừng kêu, ngoảnh nhìn đâu cũng thấy núi, và quen với việc thiếu thốn đủ thứ trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Quả tình con người ta có thêm sức mạnh để vượt qua gian khó khi đã có tình yêu. Tôi đã có người yêu, đó là cô giáo dạy cùng trường, là vợ tôi. Cô cũng từ miền xuôi lên đây như tôi. Nhưng khi đứa con gái đầu lòng chúng tôi được năm tuổi thì cô ấy chết vì sốt rừng. Nếu bóng tối của đêm không ập vào phòng, ông hiệu trưởng vẫn còn nói. Hay là đêm nay anh về nhà tôi nghỉ. Ông ấy nói. Cũng chẳng biết vì lẽ gì, tôi bắt đầu thấy yêu mến con người ấy. Đứa con gái ông hiệu trưởng thấy có khách đến nhà vào giờ ấy thì có vẻ lúng túng. Không sao. Con chạy ra quán mua thêm một ít bánh tráng với mấy quả trứng là xong. Chú ấy là nhà nghiên cứu đấy. Ông hiệu trưởng nói với con gái của mình.

Trong bữa cơm khách đột xuất, ông ấy có vẻ còn phấn khích hơn lúc gặp tôi ở phòng hiệu trưởng. Ngôi nhà gạch hai gian với đứa con gái mười hai tuổi là những thứ mà ông gọi là gia sản riêng của mình. Ngoài gia sản riêng ấy, tôi còn có núi rừng, là nơi lưu giữ thịt xương cô ấy. Rồi đến lượt tôi, và rồi đến lượt con gái của tôi, cũng sẽ gửi thịt xương lại nơi này. Hỏi anh làm sao tôi có thể đến nơi khác để sống khi thịt xương của vợ tôi nằm ở đây. Cho nên còn sống ngày nào tôi còn phải nghĩ đến việc làm sao cho cuộc sống ở chốn núi rừng này cũng bằng được cuộc sống ở dưới xuôi. Nhưng nếu đem so với cuộc sống thành thị thì cuộc sống nơi đây còn cách xa cả thế kỷ.

Suốt bữa ăn tối, cả khi đã chui vô mùng, ông hiệu trưởng vẫn nói về cuộc sống của người miền núi. Vì có khách đột xuất, đứa con gái phải ngủ trên bàn ăn ở gian bếp phía sau, để nhường giường ngủ cho khách. Hai chiếc giuờng ngủ của hai cha con được kê hai bên bàn nước ở gian nhà khách phía trước. Để tránh muỗi đốt, cả tôi lẫn ông ấy đều chun vô mùng ngồi trò chuyện. Đột nhiên ông hỏi tôi ông nói thế là có bi quan không. Đến lúc ấy tôi gọi ông bằng thầy. Thầy nghĩ thế là nghiêm túc nhìn thực tại. Nếu không có sự đột phá nào dành cho cuộc sống của người miền núi, thì khoảng cách thầy vừa nói vẫn còn mãi. Tôi nói. Ông ấy chợt im lặng. Tôi nghe rất rõ tiếng động cơ máy phát điện chạy bằng dầu đặt ở đâu đấy. Bóng đèn điện tròn bốn chục oát treo nơi cửa thông phòng khách với nhà bếp chỉ vừa đủ sáng cho tôi nhìn thấy ông ấy ngồi xếp bằng trong mùng với dáng vẻ ưu tư. Nhưng nếu đem so cuộc sống ở huyện với cuộc sống các làng trên núi thì khoảng cách ấy cũng đến vài ba mươi năm. Tôi buột nói, vì chợt nghĩ đến ngôi nhà sàn của ông bà Dên ở núi Đưng. Đến lúc ấy tôi cứ muốn chuyển câu chuyện sang chuyện đào tạo sư phạm cấp tốc năm nào ở trường trung học của huyện, chuyển sang chuyện đó để may ra ông hiệu trưởng còn nhớ đến cô học viên sư phạm ở núi Đưng, tôi vừa nghĩ thế thì nghe ông ấy hỏi rằng đã bao giờ tôi nghĩ đến cách rút ngắn khoảng cách đó chưa. Tôi chưa kịp trả lời, ông đã nói tiếp. Có thể nói những lời ông nói ra như một thứ phác thảo về xây dựng đất nước. Những nhà khoa học kỹ thuật ở miền xuôi hay ở các thành thị của đất nước ta lên núi làm công việc xây dựng cuộc sống cho người miền núi như thể người của nước văn minh đến giúp cho nước nghèo nàn lạc hậu. Có nghĩa, làm xong công việc thì quí vị quay về. Cho nên công việc đầu tiên ở trên núi là làm sao cho người miền núi không còn dốt nát, tức là làm sao cho có chữ nghĩa. Phải có chữ nghĩa thực sự mới học được khoa học kỹ thuật. Tức phải có học thức, phải có tri thức, mới xây dựng được cuộc sống mới. Chỉ có người trên núi mới gầy dựng được nền văn minh ở trên núi. Ông ấy ngồi xếp bằng ở trên giường để nói. Nghe ông ấy nói, tôi có cảm tưởng như đang nghe một nhà giáo dục nói, hay nghe chính phủ nói. Cho đến lúc máy phát điện ngưng phát điện, vì đã đến giờ ngưng phát điện, ông ấy vẫn còn ngồi ở trong mùng thao thao về việc nước. Anh còn nghe tôi nói đó không? Ông hỏi. Tôi đáp là đang nghe. Và chợt nhớ đến vua Đưng trong sử Giót. Vua Đưng trong sử Giót không xếp bằng trên giường, mà xếp bằng trên đá pơtan để bàn việc nước.

20.

Tôi nhớ Liêu đã đưa tôi đi làng Mừa vào một ngày có mưa núi. Cơn mưa mùa hạ có vẻ bất ngờ. Đang nắng chói chang, bỗng mây đen ùn tới, và mưa ập xuống. Tôi và Liêu chui vào một hốc đá ở bờ suối Dang, tựa hai con người thời tiền sử đang khiếp sợ trước phép màu của trời đất. Cũng may là lúc mưa ập xuống thì tôi và Liêu đã đi đến thượng nguồn suối Dang, nơi bờ suối có nhiều hang hốc. Mưa như trút nước. Sợ tôi bị tạt ướt, Liêu cứ kéo tôi sát vào người cô ta. Mưa mùa hạ ở núi Đưng thường là mưa đá. Ngồi trong hốc đá nghe như mưa đang xé rách hết thảy lá trên rừng. Ông Khơn nói ma xoát rất sợ mưa đá. Không có mưa đá, ma xoát còn làm khổ người núi Đưng nhiều lắm. Liêu nói. Tôi hỏi vì sao ma xoát lại sợ mưa đá. Liêu bảo hồi còn sống ông Khơn nói mưa đá cũng sinh ra từ nước mắt của Giót, nên ma xoát sợ mưa đá là phải. Vừa nghe Liêu nói, tôi vừa nhìn những hạt mưa đang tan chảy trên lòng suối đá. Một cuộc chơi của tạo hóa. Cuộc chơi chỉ xảy chốc lát. Lại trở lại trời quang, nắng sáng.

Theo lời truyền, rừng cây tiếp giáp bờ tây suối Dang xưa là đồng ruộng. Vua Đưng từng đi cày ở đồng ruộng này, nên được gọi là đồng pơtan. Người núi Đưng đã xây cung pơtan cho vua. Nhưng vua vẫn ở trong làng, ngày ngày cùng người làng đi cày ở đồng pơtan. Làng có vua ở xưa gọi là làng pơtan, nay là làng Mừa. Khi bàn việc nước, vua Đưng ngồi ở hòn đá lộ thiên chỗ đầu làng, nên đá được gọi là đá pơtan.

Này Nư Năng, ta thấy ở làng Nhút làng Dìng đàn ông đàn bà ra đường còn thích ở trần. Như thế là còn cổ lỗ. Vua Đưng nói. Ông Nư Năng bảo là sẽ làm bài hát để dạy cho người làng Nhút làng Dìng biết thế nào là cổ lỗ. Vua Đưng hỏi bài hát thế nào. Ông Nư Năng liền hát. Chim xin xao có lông năm sắc, khi bay lượn trên trời thì mây khen chim có quần áo đẹp. Con người ra đường không mặc áo là không bằng loài chim. Vua Đưng nghe xong, bảo bài hát rất hay, nhưng chưa thể đem dạy cho dân. Như đã sắm nổi áo quần mà ra đường không chịu mặc là chê được. Còn chưa sắm nổi, khi ra đường phải ở trần thôi. Cho nên có đem chuyện chim xin xao ra nói cũng chẳng ích chi đối với kẻ chưa sắm nổi áo quần để mặc. Ông Nư Năng hỏi vậy phải nói thế nào cho hợp. Vua bảo ông ấy vốn là cha đẻ của những điều tốt đẹp nên phải nghĩ cho được cách nói thế nào cho hợp. Vua Đưng vẫn ngồi xếp bằng trên hòn đá lộ thiên chỗ đầu làng để nói. Này Nư Năng, phải làm cho dân trong nước biết con người là giống vật cao hơn hết thảy các giống vật ở trần gian. Chỗ ở của con người không phải là hang con chồn, áo quần để con người mặc không phải như lông con chim. Áo quần của con người là lấy từ sợi của cây bông vải, là lấy từ tơ của con tằm ăn dâu. Ai cũng biết được thế thì hết cổ lỗ. Ông Nư Năng liền hát. Hỡi những người núi Đưng hãy nghe kỹ lời này. Là chỉ con người mới biết là mình sinh ra từ Giót, nên con người là giống vật cao hơn mọi giống vật ở trần gian. Vua Đưng nói bài hát rất hay, nhưng cũng chưa thể đem dạy cho dân. Lúc đầu thì nên nói những điều ai cũng hiểu. Chẳng hạn con gái khi đi lấy chồng phải biết nói lời từ biệt mẹ cha, khi đã về nhà chồng thì phải biết yêu chuộng chồng, phải làm được thế thì mới được gọi là người con gái có đức hạnh. Lúc đầu phải nói những điều dễ hiểu như thế, sau mới nói những điều cao hơn…

Liêu cũng ngồi trên đá pơtan chỗ đầu làng Mừa để kể Giót. Những ngày nghỉ dạy học, Liêu lại đưa tôi đến những nơi có liên quan với sử Giót, để kể Giót cho tôi nghe. Ở núi Đưng ai cũng biết cô giáo Liêu là người kể Giót hay nhất. Nên khi nghe có cô giáo Liêu kể Giót, lũ nhỏ làng Mừa ùa đến chỗ đá pơtan. Rốt cuộc thì cả trẻ nhỏ lẫn người lớn ở làng Mừa đều kéo đến chỗ đá pơtan. Liêu cũng ngồi xếp bằng trên đá pơtan như vua Đưng để kể Giót. Còn tôi và dân làng thì ngồi xếp bằng trên đất để nghe. Thế là thời vua Đưng đã có chế độ phụ quyền. Lúc Liêu ngừng kể, tôi đã nói cho dân làng biết thời vua Đưng thì người đàn ông có quyền hơn người đàn bà. Giót không có nói như thế. Cô giáo dạy học ở làng Mừa liền cãi. Liêu cũng bảo Giót không nói như thế. Tôi phải bắt đầu từ chuyện sinh đẻ của người phụ nữ, để nói đến chế độ mẫu hệ. Rồi lại nói về việc loài người biết chăn nuôi trồng trọt để nói đến chế độ phụ hệ. Trong sử Giót, vua Đưng đã dạy cho đám con gái phép tắc lấy chồng, tức là bấy giờ đàn ông có quyền hơn đàn bà. Tôi nói. Cả Liêu, cả cô giáo dạy học ở làng Mừa, đều bảo tôi tài giỏi. Tôi nói Liêu mới là tài giỏi. Thuộc được sử sách tổ tiên để lại để kể lại cho người khác nghe, không phải ai cũng làm được. Em cũng nghĩ ra rồi, thời ấy cũng như ngày nay, con gái thì theo chồng, con gái ông Khơ Nan là Hơ Lia theo chồng là vua Đưng, con gái ông Nư Năng là Hơ Mia cũng về nhà chồng là nhà của Lung. Liêu nói.

Làng Mừa nằm sát chân núi Đưng. Từ nơi đây có thể nhìn thấy các dòng suối nhỏ đổ về con suối Cái.

Này Nư Năng, ta thấy ở làng này đàn bà còn giành đàn ông đi cày. Đàn bà còn cầm cày trên ruộng đồng là còn cổ lỗ. Vua Đưng ngồi ở đá pơtan nhìn xuống đồng pơtan thấy có cả đàn ông lẫn đàn bà đương cày ruộng, nên nói với ông Nư Năng như thế.

Liêu lại tiếp tục kể Giót. Còn tôi thì vừa nghe, vừa thử mường tượng buổi đầu của tộc người từng tồn tại dưới chân núi Đưng. Người đàn ông đầu tiên chỉ sống được trong bể khơi ấy là ai? Theo sử sách ngày nay, các tộc người vùng núi Đưng thuộc hệ ngôn ngữ Mã Lai Đa Đảo. Có phải khi nói chỉ sống được trong bể khơi là nói về người của hải đảo? Đã từng xảy ra cuộc di dân từ bể Đông đến cao nguyên miền trung Việt Nam? Còn người đàn bà đầu tiên chỉ sống được giữa thinh không ấy có phải là tiên không? Lại có vẻ như là truyền thuyết Rồng Tiên của dân tộc Việt?

21.

Trưa hôm ấy, ở nhà ông Đung trưởng làng Mừa, tôi lại được nghe Liêu kể Giót. Tôi gọi là kể, nhưng ông Đung và bà con trong làng gọi là khan, tức là hát. Loáng cái, dân làng Mừa lại kéo tới chật nhà ông Đung để nghe Liêu hát Giót.

Hỡi người bạn tình đương gieo lúa rưng chớ quên.

Khi thấy trăng tròn thì hãy đem lá khư đặt dưới gối gối đầu.

Được chín chiếc lá khư dưới gối gối đầu thì lúa rưng trên đồng trổ.

Được chín chiếc lá khư dưới gối gối đầu thì hai ta cũng thành chồng vợ,

Hỡi người bạn tình của ta chớ quên

Nhờ Giót mới có đất

Nhờ Giót mới có lúa

Nhờ Giót mới có hai ta

Đất với lúa với hai ta là một

Đấy là Bài Ca Lúc Mặt Trời Lên. Buổi sáng sớm ra đồng, con trai con gái thường hát bài ấy. Liêu nói lúc tôi và cô ta rời khỏi làng Mừa. Lúc rời làng Mừa thì đêm đã buông xuống. Do có mưa trong buổi sáng, nên đường rất trơn. Từ làng Mừa đến suối Dang là quãng đường dốc, là xuống dốc. Phải cẩn trọng từng bước, tôi mới khỏi bị tuột chân. Khi tiến tới đồng pơtan thì hết thảy người Xoát đều bị giết chết, nên hồi ấy ở vùng này nhiều ma xoát lắm. Liêu đi trước tôi, vừa đi vừa nói, tưởng tôi chẳng có chuyện chi trong việc đi đứng. Sử Giót chép thế? Tôi hỏi. Liêu bảo Giót chỉ chép việc người Xoát bị người núi Đưng giết chết ở đồng pơtan. Còn chuyện ma xoát là ông Khơn kể. Hồi ấy ma xoát nhiều lắm. Khi lũ chúng bị nhốt vào hang núi Trớt, người núi Đưng mới được yên. Tôi hỏi ai nhốt ma xoát vào hang Trớt? Liêu nói không nghe ông Khơn nói chuyện ấy. Như vậy là cho tới lúc ấy tôi đã biết được chỗ ở của vua Đưng, biết được đồng pơtan, nơi đã chôn vùi một dân tộc có tên là dân tộc Xoát, tiếp đến là biết được vong hồn dân tộc ấy một thuở vật vờ khắp cả núi non, tiếp đến nữa là biết được những biến đổi của sơn xuyên, xưa là đồng ruộng nay lại là rừng. Có một điều, đến lúc đó tôi rất muốn biết, nhưng vẫn chưa biết, có quả hang Trớt là hang ma hay không, và nếu quả vậy thì ai nhốt ma ấy vào hang ấy? Cuối cùng tôi cũng bị tuột chân ngã trên quãng đường rừng ai đó đã mở ngang qua một vùng dâu bể. Là do anh chưa quen đấy thôi. Liêu nói, đỡ tôi đứng lên. Và một hai bảo tôi phải vịn vào cô ta cho khỏi ngã nữa. Tôi nói phải vịn vào người khác để bước thì xấu hổ lắm. Ai vô đây thấy mà xấu hổ. Liêu nói. Phải, bấy giờ chỉ có mỗi tôi với rừng đêm, với người con gái hồn nhiên đến thánh thiện ấy.

(Còn tiếp)