Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu (kỳ 3)

Hoàng Tuấn Công


Nhiều trường hợp, GS Nguyễn Lân giảng giải, chú thích sai hoặc quá mơ hồ, chung chung về các sự vật, hiện tượng, kinh nghiệm dân gian trong thành ngữ tục ngữ:

○ “theo voi hít bã mía (Voi ăn mía nhả bã) Chê kẻ hùa theo người khác để mong được hưởng ơn thừa”.

Giải thích nghĩa đen không đúng. Con voi to lớn, nên đôi hàm răng khổng lồ của nó cực khoẻ. Voi lại rất thích ăn mía. Bó mía đối với nó cũng giống như bó cỏ non mềm mà thôi. Bởi vậy, khi ăn mía, nó không “nhả bã” như người, mà dùng vòi cuộn cả cây vào mồm, rồi nhai nuốt cả. Vậy, tại sao dân gian lại nói “Theo voi hít bã mía”? Mía là thức ăn ưa thích nhất của voi. Bởi vậy, quản tượng thường dùng thứ thức ăn vừa mềm, vừa ngọt này để dụ dỗ, thuần dưỡng voi sau những ngày bỏ đói chúng, hoặc làm “phần thưởng” cho những con phải làm việc nặng nhọc. Trong câu tục ngữ “Theo voi hít bã mía”, dân gian đã liên tưởng cách ăn mía của người, để chế giễu sự ngộ nhận, nhầm lẫn về cách ăn mía của voi. Tuy nhiên, có một thực tế là khi ăn, voi tiêu hoá không hoàn toàn. Nghĩa là trong phân voi vẫn còn nguyên sợi xơ thô, thân bã thực vật. (Người Thái Lan có nghề làm giấy thủ công lấy nguyên liệu đã được “sơ chế” từ phân voi). Từ sự quan sát ấy, ý dân gian muốn ám chỉ kẻ “theo voi hít bã mía”, nhưng “bã mía” chẳng thấy đâu, có chăng chỉ là “bã mía” ở trong đống phân voi mà thôi! Và “hít” ở đây vừa có nghĩa dùng răng, lưỡi để chắt, ép lấy chút “cái ngọt thừa” của bã mía tươi, vừa ám chỉ “hà hít” đống bã mía đã được “sơ chế” bởi ông voi khổng lồ!

Về cách hiểu nghĩa bóng mà GS Nguyễn Lân đưa ra có thể tạm chấp nhận được. Chúng tôi nói “tạm chấp nhận được”, vì thực ra ở đây, dân gian không nói chuyện “hùa theo” (a dua, cùng một giuộc), mà là theo đuôi (làm tay sai, cơ hội, nịnh bợ) kẻ có sức mạnh, quyền thế, hòng kiếm chác chút lợi lộc rơi vãi, nhưng cuối cùng chẳng xơ múi được gì. Dân gian thâm thuý là vậy!

Tham khảo: Trong Hải ngoại kỉ sự, Nhà sư Thích Đại Sán ghi chép về một cuộc thao diễn voi như sau: “Cờ lệnh trên đài phất lên. Ba quân múa đao thương, nhắm hàng voi xông tới. Hoả-khí đốt lên, khói bay mù mịt, voi vẫn đứng yên. Bỗng chốc, trống đồng đánh liên hồi, các quân phấn dõng xông vào voi, bọn nài bổ câu liêm vào đầu, võ-sĩ đâm vào đùi. Bầy voi chạy thẳng đến rượt đuổi. Quân lính lui tránh; mỗi con voi lấy vòi quấn một bù-nhìn bằng rơm đem về. Thớt voi nào chạy hơi chậm, liền bị thương đâm búa bổ, chảy máu đứt da, đến nỗi có con quá mệt, phục quỵ không thể dậy nổi. Tan trận, lấy đó làm hơn thua.” Hậu cần cho buổi thao diễn voi, người ta thấy có một thứ voi rất thích, đó là “mía”. Hải ngoại kỉ sự chép: “Tả hữu la liệt những đồn lính và xưởng tượng, cỏ rơm và mía để chất đống”. Chắc hẳn, “mía” ở đây dùng làm “phần thưởng” cho voi thắng trận, cũng là để chăm sóc những con bị thương.

○ “rau bợ là vợ canh cua (Rau bợ là loài dương xỉ mọc ở chỗ đất ẩm, không ai trồng, nhưng ăn được) Ý nói rau bợ nấu canh cua thì hợp”.

Tuy cùng bộ dương xỉ, nhưng hình dáng cây rau bợ (marsilea quadrifolia) không hề giống cây dương xỉ. Giải thích như GS Nguyễn Lân rất dễ khiến người ta hình dung rau bợ chính là cây dương xỉ thường mọc ở bờ bụi rậm hay dưới tán rừng. Vả lại “rau bợ nấu canh cua thì hợp”, nhưng “hợp” như thế nào? Sao không giải thích? Đây vẫn là cách phỏng đoán của người làm từ điển, nhưng thiếu hiểu biết thực tế.

Rau bợ thuộc họ Rau bợ, bộ Dương xỉ, không phải “loài dương xỉ (GS Nguyễn Lân đã không hiểu rõ “bộ” với “loài” khác nhau thế nào). Rau bợ, hay cỏ bợ, thực chất là một loại cỏ mọc hoang dại, ở môi trường bán thuỷ sinh. Mùa hè, nắng mưa xen kẽ là mùa của cua đồng béo ngậy và rau bợ xanh non. Canh cua nấu với rau bợ không những rất thơm ngon, “phải mùi”, mà theo y học dân gian còn có tác dụng chữa viêm, giải nhiệt, an thần đối với người mắc chứng mất ngủ, khó ngủ. (Thế nên có câu ca: Rau bợ mà nấu canh cua, Người chết nửa mùa sống lại mà ăn). Ngày xưa, nông dân thường thu hái rau bợ mọc trên ruộng hoang hoặc mương nước để chăn nuôi lợn. Cám lợn nấu với rau bợ toả mùi thơm hấp dẫn, tưởng chừng có thể ăn được ngon lành.

Tham khảo: Rau bợ còn có các tên chữ là tứ diệp thảo 四葉草 (Cỏ bốn lá, do mỗi chiếc lá chia làm bốn mảnh lá nhỏ); điền tự thảo 田字草 (Cỏ chữ điền, do lá cỏ chia 4 mảnh, hình giống chữ điền 田). Theo Bách khoa nông nghiệp: “Ở Việt Nam rau bợ mọc hoang dại ở những nơi ẩm ướt, ruộng nước nông, các chân ruộng mạ. Thân lá được dùng làm thức ăn nuôi lợn, cho ăn sống hoặc nấu với cám. Đặc biệt rau bợ có hàm lượng protein cao (4,6% trong rau tươi) so với các loại rau cỏ khác và có hàm lượng vitamin C đáng kể (760mg%). Là vị thuốc trong nhân dân chữa sưng đau, rắn cắn, sắc uống lợi tiêu.” Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam chép: Rau bợ thuộc “họ Tần Marsileaceae, bộ Dương xỉ (Hydropterides)... Nhân dân Việt Nam có nơi hái về làm món rau ăn sống. Có khi hái về sao vàng hoặc phơi khô, sắc đặc uống làm thuốc mát thông tiểu tiện, chữa bạch đới, khí hư, mất ngủ. Có nơi còn giã cây tươi, ép lấy nước uống chữa rắn độc, bã đắp lên những chỗ sưng đau, sưng vú, tắc tia sữa”. Như vậy, có thể thấy, “rau bợ nấu canh cua” là món ăn dân dã, nhưng cũng là bài thuốc dân gian.

○ “sấm động giá tan Nói một sự việc nổ ra làm cho sự việc khác hết tác dụng”.

Giải thích rất chung chung, tối nghĩa. Trước tiên, “Sấm động giá tan”, đơn giản chỉ là đúc kết kinh nghiệm về thời tiết chuyển mùa: cuối tháng 3, đầu tháng 4, hễ tiếng sấm nổi lên là báo hiệu mùa giá lạnh đã chấm dứt, trời bắt đầu chuyển thời tiết mùa hè. Thế nên mới có câu tục ngữ: “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ, hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”. Sấm động, mưa rào đem đến cho cây lúa nguồn đạm thiên nhiên, cộng tiết trời ấm áp, nhiều ánh sáng, khiến cây lúa sinh trưởng rất nhanh. Nghĩa mà GS Nguyễn Lân giảng, có chăng chỉ là nghĩa bóng mơ hồ.

○ “sầu đông trong héo ngoài tươi, vui là vui gượng, cười là cười khuây (sầu đông là một thứ cây có quả) Nói lên tâm sự của một người có nỗi đau lòng, nhưng bề ngoài vẫn tỏ ra vui vẻ”.

Phần chú giải về “sầu đông”, giải thích mà như không giải thích gì. Trên đời này ngàn vạn thứ cây có quả, chú thích “sầu đông là thứ cây có quả” thì ai biết đường nào mà lần? Hơn nữa, loài cây đi vào thơ ca, nhạc hoạ này không phải vì nó là “cây có quả”, mà chính bởi đặc điểm “trong héo ngoài tươi và cái tên “sầu đông” gợi cảm của nó. Cây sầu đông (ở Thanh Hoá gọi là cây xoan đâu, xoan đu, thầu đâu hoặc gọi tắt là cây xoan) có đặc điểm rụng lá theo mùa. Đông về, xoan đâu cành nhánh khẳng khiu như đã chết khô. Mùa xuân, xoan đâu nẩy lộc, tưng bừng hoa tím từng chùm, trông rất đẹp mắt. Thế nhưng, nếu đốn hạ xuống, chẻ ra thấy lõi gỗ bên trong màu nâu nâu, bìa gỗ trăng trắng, khô khốc như khúc củi. Mặt khác, cây xoan dễ bị bệnh “sầu ruột”, chết trong ruột, mặc dù bên ngoài xanh tươi, đốn hạ mới biết không làm gỗ được. Đặc điểm “trong héo ngoài tươi” này của cây xoan mang đến nghĩa đen cho câu ca dân gian.

○ “nhanh như cái cắt (Cắt là loài chim bay rất nhanh) Khen ai làm gì rất nhanh”.

Thứ nhất, giải thích về con chim cắt như vậy quá chung chung. Thứ hai, bởi hiểu nghĩa đen không rõ ràng nên GS giải thích nghĩa bóng là “Khen ai làm gì rất nhanh” là chưa trúng ý. Chim cắt, thuộc bộ Cắt - Accipitridae (270 loài), họ Cắt - Falconidae (khoảng 58 loài) là loài chim dữ săn mồi. Chóp mỏ trên của nó nhọn, sắc, quặp xuống và trùm lên mỏ dưới, bộ móng chân rất khoẻ, vuốt cong sắc nhọn, cứng như mỏ. Bình thường chúng không bay nhanh, mà liệng tà tà trên bầu trời, khi phát hiện mục tiêu mới lao vút xuống như một mũi tên, chộp gọn con mồi. “Nhanh” ở đây không chỉ tốc độ chim bay nói chung, mà là “nhanh” ở động tác săn mồi. Theo đó, thành ngữ chỉ hành động cụ thể, không phải việc làm nói chung. Thành ngữ cũng không hẳn chỉ là “khen ai”, mà là lời nhận xét, so sánh hành động, cử chỉ của ai đó rất nhanh, mạnh, táo bạo và dứt khoát. Ví như có thể nói: Nhanh như cắt, tên lưu manh đã moi được cái ví.

○ “ba hoa chích choè (Chích choè là một loài chim nhỏ hay kêu chiêm chiếp) Chê những kẻ hay nói lung tung về những chuyện linh tinh”.

Thế giới loài chim vô số con thuộc loại “chim nhỏ hay kêu chiêm chiếp”. Giải thích như vậy cũng là “lung tung”, linh tinh” rồi! Chim chích choè có nhiều giống, loài. Chích choè trong thành ngữ là giống Copsychus saularis musicus cỡ trung bình, thuộc Phân họ Chích choè (Turdinae), họ Đớp Ruồi (Muscicapidae). Bộ lông vũ của chích choè trống có 3 khoang trắng: một từ ngực, bụng, kéo dài tới phía dưới đuôi; hai vệt trắng hai bên cánh. Nó thường xuyên kêu “choè, choè, chi... ích, choè... oè” nên thành tên chích choè. Chích choè không “kêu chiêm chiếp” như gà nhiếp (gà con) mà có tiếng hót hay. Giọng chích choè thánh thót, líu lo, luyến láy nhiều làn, nhiều giọng, có khi vút lên cao rồi lại đột ngột hạ xuống thấp, bộ dạng vừa hót vừa “đầu gật, đuôi xoè”; hoặc khi đứng yên thì đuôi vểnh cong lên từng cái một, xoay bên nọ, trở bên kia, giống người khoa chân múa tay, nên dân gian mượn hình ảnh và giọng hót để chỉ những người ba hoa khoác lác, nói nhiều, không đáng tin. Không phải nói “lung tung về những chuyện linh tinh như GS giảng. “Nói lung tung đâu có nghĩa là ba hoa khoác lác?

○ “sống được miếng dồi chó, chết được bó vàng tâm. Giễu kẻ tham ăn”.

Không đúng. Đó là cách giảng theo kiểu của “từ điển hài hước”! Nếu hiểu như GS Nguyễn Lân, thì vế thứ hai “chết được bó vàng tâm” cũng là giễu kẻ “ham chết” hoặc người chết “tham” cỗ quan tài vàng tâm hay sao? Đây là cách đề cao nhu cầu vật chất có tính đặc trưng về cuộc sống và cái chết theo quan niệm của dân gian: Khi sống được thưởng thức món dồi chó; khi chết được chôn trong cỗ quan tài bằng gỗ vàng tâm, là hai điều sung sướng, mãn nguyện. Với những người ưa, thịt chó là món ăn cực khoái khẩu. Thế nên còn có dị bản: Sống trên đời ăn miếng dồi chó, Chết xuống âm phủ biết có hay không (hoặc Chết xuống âm phủ chẳng có mà ăn). Gỗ vàng tâm đẹp, nhẹ, thơm, làm quan tài chôn dưới đất càng lâu càng bền, muôn thuở không bị mục mại, hay mối ăn. Người Tàu cũng có cách thậm xưng, hàm ý khen món thịt chó hấp dẫn như sau: “狗肉袞三袞神仙也站不穩 - Cẩu nhục cổn tam cổn, thần tiên dã trạm bất ổn - Thịt chó luộc thơm phức, thần thánh cũng phải ứa nước miếng.” (Tục ngữ Hán).

○ “sống để dạ, chết mang đi Nói người ta nhớ đời một cái ơn lớn, hoặc một mối thù sâu sắc”.

Theo chúng tôi, ở đây không nói đến chuyện ơn huệ. (GS Nguyễn Lân nhầm với câu “Sống tết, chết giỗ” chăng?). Nghĩa của câu tục ngữ là: Giữ kín điều bí mật nào đó suốt đời, và mang nó theo xuống mồ chứ dứt khoát không nói với ai. Tục ngữ Mường cũng có câu: “Chết không nói với ma trong đống, sống không nói với người trần gian” [Chệt chăng veé ôống ma troong đôồng, khôồng chăng veé ôống trấn gian]”. Câu tục ngữ Mường hay ở chỗ: ngay cả khi chết đi cũng không nói với người (ma) ở thế giới bên kia!

○ “thịt thối hơn muối bùi Ý nói: Ăn cơm có thịt vẫn hơn là không có (Nhưng thịt thối thì rất hại vệ sinh)”.

○ “vảy cá còn hơn lá rau Ý nói: Vật có chất lượng dù ít cũng hơn vật không có chất lượng (Thực ra rau lại rất cần cho sự dinh dưỡng)”.

Không biết phương pháp sáng tác của dân gian, làm sao bình xét được ý nghĩa lời ăn tiếng nói dân gian? Ngày trước, thực phẩm cá thịt rất khan hiếm. Cơm chủ yếu là rau, muối, nên dân gian có những cách nói thậm xưng: Thịt thối hơn muối bùi”, hoặc Cứt cá hơn lá rau [dị bản: Nước cá hơn lá rau, Vảy cá hơn lá rau], nhằm đề cao chất lượng bữa ăn có thịt cá. Nhưng do không hiểu cách nói của dân gian, GS Nguyễn Lân nhầm tưởng dân gian coi món “thịt thối” hơn “muối bùi” thật, nên lo lắng cảnh báo: “thịt thối thì rất hại vệ sinh”(!).

Ở câu thứ hai: Vảy cá còn hơn lá rau”, GS Nguyễn Lân vẫn tiếp tục đứng trên quan điểm về chế độ dinh dưỡng khoa học ngày nay để bẻ lại dân gian: “Thực ra rau lại rất cần cho sự dinh dưỡng”. Nhưng, như chúng tôi đã nói, xưa kia lương thực, thực phẩm thiếu thốn, “ăn rau xanh ruột” là chuyện thường ngày của người nghèo. Thế nên, Nguyễn Công Trứ mới có câu thơ tự trào về cảnh ăn rau trừ bữa của kẻ “hàn Nho”: “Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch, Người quân tử ăn chẳng cầu no”. Thử hỏi một khi thực phẩm thịt cá khan hiếm, chỉ triền miên ăn rau, thì lúc này rau có còn “rất cần cho sự dinh dưỡng” nữa hay không?

○ “to như hộ pháp (Hộ pháp là bức tượng rất to đặt ở trước bàn thờ Phật trong chùa) Tả người to lớn khác thường”.

Đúng là trong chùa có tượng Hộ Pháp (hộ vệ phật pháp, bảo vệ phật pháp, Tam Bảo) rất to, nhưng không phải “đặt ở trước bàn thờ Phật”. Viết như GS Nguyễn Lân là không hiểu nơi chùa chiền thế nào. Thực tế, tượng Hộ Pháp thường đặt hai bên gian tiền đường, ở giữa là ban thờ Phật. Cũng có khi tượng Hộ Pháp đặt ở ngay hai bên mái hiên Phật điện, hoặc trước cửa Phật điện. Nhưng chẳng có tượng Hộ Pháp nào lại được “đặt ở trước bàn thờ Phật” (tức đứng quay lưng lại trước mặt bàn thờ Phật) như cách tưởng tượng của GS Nguyễn Lân.

○ “người trần mắt thịt Lời người mê tín cho rằng người thường không linh thiêng như thần thánh”.

Không phải “người thường không linh thiêng như thần thánh”, mà “mắt thịt” của người phàm trần không phải là mắt thần, nên không thể nhìn thấy thần thánh, không hiểu hết ý của thần thánh, dễ phạm sai lầm, tội lỗi với các ngài. Bởi thế, khi khấn khứa, người ta thường nói: chúng con người trần mắt thịt, có điều gì sất sá (tức sai sót, không hiểu hết được ý tứ của thần thánh) cúi xin các ngài đánh hai chữ đại xá là vậy. Tục ngữ Hán: “Mắt thường khó biết - Nhục nhãn nan tri - 肉眼難知 - Kẻ tầm thường thì khó hiểu nổi những điều sâu xa, cao siêu của các bậc thần thánh”; Việt Nam tự điển: “nhục-nhãn Mắt thịt, tức là mắt của người trần không trông thấy sự huyền-bí của tạo-hoá <> Nhục-nhãn vô-tri”; Từ điển Bửu Kế giảng: Mắt tục: Do chữ “tục-nhãn”, mắt của kẻ trần tục. Nghĩa bóng: mắt của kẻ tầm thường, không biết xét đoán người, không trông thấy xa rộng. Tập di ký: Tục nhãn bất thức thần tiên (Mắt tục không biết thần tiên) Đỗ-Phủ thi: Đồ cùng phản tạo tục-nhãn bạch (Đường cùng lại gặp nhãn tục trắng)”, đều gần nghĩa với “Người trần mắt thịt” cả.

○ “tiếc thay hạt gạo tám xoan, thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà (Đồng điếu là đồng nguyên chất, màu đỏ) Thường dùng để nói một người con gái đẹp lấy phải một người không xứng đáng”.

Không đúng. “Đồng điếu” không phải “đồng nguyên chất”. Đồng điếu được xem là một trong những phát minh về hợp kim sớm nhất của nhân loại (khoảng 3000 năm trước Công nguyên). Từ điển bách khoa Britannitca cho biết: “đồng điếu còn gọi đồng đỏ, đồng thanh: Hợp kim theo truyền thống gồm đồng và thiếc (...). Đồng điếu cứng hơn đồng nguyên chất, dễ nóng chảy hơn và dễ đúc. Nó cũng cứng hơn sắt và chịu ăn mòn tốt hơn nhiều. Kim loại đúc chuông (tạo ra âm thanh êm tai khi gõ) là đồng điếu với hàm lượng 20-25% thiếc. Đồng đúc tượng với dưới 10% thiếc và hỗn hợp kẽm và chì, về mặt kỹ thuật là đồng thau...”. Thế nên dân gian mới có câu: Chuông già đồng điếu chuông kêu, Anh già anh nói em xiêu tấm lòng (Ca dao). Cơm nấu đồng điếu hấp thu nhiệt tốt, đủ hơi, chín kỹ mà không bén cháy nên ngon cơm. Kinh nghiệm dân gian, nếu nồi đồng pha nhiều thiếc, khi đun nấu đít nồi sáng loé lên ngọn lửa xanh lè. Còn đồng nguyên chất tuy rất quý, nhưng không ai dùng để đúc nồi nấu cơm như GS Nguyễn Lân lầm tưởng, bởi đồng nguyên chất mềm, dễ méo.

○ “chó già, gà non Ý nói: Thịt chó già không tanh, thịt gà non mới mềm”.

Sai! Câu này không có ý khen hai món ăn đều ngon như cách hiểu của GS Nguyễn Lân. Ngược lại, chó già, gà non đều là hai thứ không ngon. Chỉ cần xem các quán thịt chó trương tấm biển Cầy tơ bảy món cũng đủ hiểu. Cầy tơ chính là thịt con chó tơ. Thịt chó già dai nhách, ăn làm sao ngon được? Còn gà non chỉ phù hợp để nấu cháo. Nếu dùng để ăn thịt (luộc, rang), ít nhất gà cũng phải ở tuổi trưởng thành. Theo kinh nghiệm dân gian, ngon nhất là gà mái tơ trưởng thành, bắt đầu có trứng và nhảy ổ đẻ, tức chưa đẻ, hay đang đẻ. Thịt gà thời kỳ này ngon mềm, trong thịt chứa nhiều chất bổ dưỡng nhất. Bởi thế nên mới có câu Cải ngồng (vồng, vòng) non, gái một con, gà nhảy ổ đẻ. Gà nhảy ổ đẻ là con gà đã trưởng thành, đến kỳ sinh đẻ. Hoặc Gà lấm lưng, chó sưng đồ. Gà lấm lưng là con gà đã chịu trống (chịu để con trống nhảy lên lưng đạp mái), chuẩn bị đẻ; chó sưng đồ là con chó tơ đã ở độ tuổi thuần thục (đồ ở đây là bộ phận sinh dục của nó), sẵn sàng phối giống thì thịt mới ngon.

Câu “Chó già, gà non” là dị bản rút gọn của câu Chó thiến già, gà thiến non hoặc Chó hoạn già, gà hoạn non, nói về kinh nghiệm chăn nuôi, sản xuất chứ không phải lựa chọn món ăn ngon. Cách rút gọn này ngắn gọn đến nỗi chỉ còn tính quy ước. [Giống như câu Khôn chi khôn trẻ, khoẻ chi khoẻ già được rút gọn thành Khôn trẻ, khoẻ già, nếu không tìm hiểu kỹ rất dễ sai lầm]

○ “ăn một bát cháo, chạy ba quãng đồng Ý nói: Phải đi xa ăn cơm, ăn tiệc thì ngại lắm”.

Thoạt nghe cũng được. Nhưng thực chất, GS Nguyễn Lân chưa giải thích, mà mới nói nôm na về cách dùng với nghĩa hẹp. Hơn nữa, dân gian nói ăn “cháo”, soạn giả lại giải nghĩa thành “ăn cơm, ăn tiệc”, khiến bản chất vấn đề thay đổi. Nếu được “ăn cơm, ăn tiệc thì cũng bõ công, có gì đáng phàn nàn? Ở đây, là ăn “cháo” kia mà? Lại chỉ có “một bát cháo”! Cháo là đồ ăn nhanh đói, ngày xưa xem là món ăn tầm thường (bát cháo cầm hơi) của nhà thiếu gạo, đói ăn. Cháo lá đa là thứ bố thí cho “ma đói, ma khát” không người thờ cúng. Người ta chửi kẻ lười biếng: Làm như vậy thì cháo cũng không có mà ăn. Ngay như câu Ăn cháo đái bát, thì cháo ở đây cũng được hiểu là bát cháo bố thí, cứu giúp kẻ đói lòng. Nay phải vượt “ba quãng đồng” (ý nói lặn lội hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) để ăn một bát cháo, bụng chẳng no thêm mà còn đói mệt hơn. Thế nên dân gian rất hữu ý khi dùng phép so sánh: một với ba; bát cháo với quãng đồng; ăn với chạy (hoặc “lội”). [dị bản Ăn một bát cháo lội ba quãng đồng]. Câu tục ngữ GS Nguyễn Lân giải thích, dân gian hiểu theo nghĩa rộng hơn nên có nhiều cách nói khi vận dụng vào thực tế: Phải bỏ nhiều công sức chỉ để hưởng điều quá tầm thường, không xứng đáng.

○ “đầu đàn quan mốt, rốt đàn quan hai Ý nói: Trong một đàn súc vật thì những con đi sau cùng bán đắt hơn, vì nặng cân hơn”.

Tại sao “con đi sau cùng” lại “nặng cân hơn” con đi trước? Phải chăng vì nó “nặng cân” nên đi chậm lại sau cùng? Nhưng có ai cho súc vật xếp thành hàng lối rồi bán tuần tự từ con đi đầu đến “con đi sau cùng” như cách hiểu của GS không? Về nghĩa đen: “Đầu đàn” không phải là con đi đầu tiên trong đàn, mà là con vật đẹp nhất trong đàn, cũng là con được người mua lựa chọn trước, nên bán trước; “rốt đàn” (hay gọi là con chẹt) không phải là “con đi sau cùng” mà là con nhỏ nhất, xấu nhất trong đàn còn lại, bán sau cùng. Do bán chạy, nên càng về sau người bán càng nâng giá, ép giá, thành thử con to bán rẻ, con nhỏ bán đắt. Nghĩa bóng: Giá cả lộn xộn, càng về sau càng bị ép giá, do hàng ít, khan hiếm.

Nhìn chung, những sai sót na ná như trên xuất hiện rất nhiều trongTừ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân. Bạn đọc còn thấy nó được copy lại để sử dụng vào sáchTừ điển từ và ngữ Việt Nam xuất bản sau đó hơn 10 năm, tiếp tục nối dài hành trình dĩ hư truyền hư”.