Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

Nói Chuyện Thơ Người Việt Ngoài Nước

(Nhân dịp Ra Mắt Sách 40 Năm Thơ Việt Hải Ngoại của Nguyễn Đức Tùng)

Bùi Vĩnh Phúc


Trước hết, tôi xin cám ơn Ban Tổ Chức đã mời tôi lên phát biểu một vài suy nghĩ về thơ Việt ngoài nước trong khoảng 40 năm qua, về người làm thơ Việt, cũng như về hoàn cảnh và tâm hồn của người Việt lưu xứ nói chung, được phản ánh trong thơ.

Lúc nãy, nhà thơ Đỗ Quý Toàn và nhà thơ Cung Trầm Tưởng, trong phần phát biểu và đọc thơ của mình, đã cho chúng ta một số hình ảnh thơ thật đáng yêu. Rất thơ, và rất đặc thù trong chữ nghĩa họ. Mấy câu thơ cũ của Đỗ Quý Toàn, một bài thì tập trung nói về cổ và bài kia thì nói về đôi chân của người nữ “riêng quý” của nhà thơ, làm tôi rất nhớ đến thơ của Pablo Neruda, đặc biệt trong bài đầu tiên của tập “Hai mươi bài thơ tình và một khúc ca tuyệt vọng”: “Thân xác đàn bà kia ơi, những ngọn đồi trắng, những dải đùi trắng / thái độ khuất phục, hiến dâng làm ngươi giống như thế giới / Thân xác kẻ nông phu thô bạo ta cày xới, xoi cắt mi / và đã làm vọt sinh đứa con từ cõi miền thẳm sâu của đất…” (Cuerpo de mujer, blancas colinas, muslos blancos / te pareces al mundo en tu actitud de entrega. / Mi cuerpo de labriego salvaje te socava / y hace saltar el hijo del fondo de la tierra.)

Còn Cung Trầm Tưởng, với mấy bài thơ mới mà ông vừa đọc, thi sĩ đã cho chúng ta thấy ông vẫn luôn tiếp tục cái nỗ lực làm mới ngôn ngữ của mình. Tôi nhớ, với 4 câu thơ này trong bài “Chiều” của ông, Cung Trầm Tưởng đã là một trong những người phá nhịp chẵn của lục bát Việt một cách thật đặc sắc. Từ gần 60 năm trước:Hồn tôi cái đĩa thâu thanh / Tròn nguyên nét nhạc trung thành ý ca / Do ré mi fa sol la / Ngẫm từng âm điệu nghe ra chiều buồn.”

Xin cám ơn hai nhà thơ.

Bây giờ, tôi xin phép trình bày một vài suy nghĩ của tôi về những gì tôi đã nói lúc đầu. Về thơ Việt ngoài nước trong khoảng 40 năm qua, về người làm thơ Việt, cũng như về hoàn cảnh và tâm hồn của người Việt lưu xứ nói chung, được phản ánh trong thơ.

Và về quyển sách về Thơ của tác giả Nguyễn Đức Tùng.

Trong cái nhìn của tôi, Thơ Việt ngoài nước là một dòng chảy liên tục sau biến cố 30 tháng Tư, 1975. Nó phản ánh tâm hồn, tâm thế, tâm cảnh và tâm thức của người Việt lưu xứ.

Lúc đầu, nó cho thấy một cảm thức lưu vong rõ nét. Buồn, đau và xa xót. Thơ Mai Thảo:

Những hàng dây điện mắc song song

Chở những buồn vui tới khắp cùng

Đường dây ta mắc qua đời lạnh

Chỉ một u u tín hiệu trùng.

Hay trong thơ Cao Đông Khánh:

Tôi một bữa ngồi yên như bàn ghế

Nắng rọi trong đầu những trắng bao la

Còn đôi mắt tôi ở Nhà Bè, Gia Định

Ở Ngã Tư Bảy Hiền ly nước mía, má, môi

Em đạp xe mini trời gió mềm trong áo

Thành phố bập bềnh trôi giữa nắng mênh mông

Sợi tóc chẻ hai gần đường xích đạo

Vạt áo sau lưng khép hở Sài Gòn …

Những câu thơ ấy cho thấy cái cô đơn, đau buồn của người xa xứ. Và chúng làm cho ta nhớ nhà, nhớ quê. Và còn trong biết bao nhiêu nhà thơ khác nữa, cái tâm tình cô đơn, hoài hương thiết tha đó.

Đúng thế, có thể nói, người ta có thể nhìn ra cái tâm trạng buồn thương, nhớ tiếc này trong thơ của bất cứ một nhà thơ Việt xa xứ nào. Nó như một hải lưu chảy ngầm bên dưới đời sống của chúng ta, những đứa con lưu lạc khỏi quê hương. Cho dù, ở những giai đoạn sau, những nhà thơ Việt ngoài nước có thể, trong sự hòa nhập vào đời sống mới, học hỏi, tiếp cận được những tiếng nói, những ngôn ngữ mới, tìm được cho mình những phong cách khác, phản ánh một thái độ sống, một tâm thái mới, sự buồn đau, nỗi nhớ-về cũ kỹ kia vẫn ghi lại một dấu ấn, đậm hay nhạt, đâu đó, trong những dòng chữ viết của họ.

Việc ghi nhận lại tiếng nói, tâm hồn của người Việt ngoài nước, qua thơ, như thế, là một sự cần thiết. Nó cho thấy khuôn mặt và trái tim của người Việt ngoài nước. Nó là lịch sử tâm hồn của người Việt lưu xứ. Cái lịch sử này, như tôi đã có dịp nói đến trong bài Tựa cho quyển sách 40 Năm Thơ Việt Hải Ngoại, có nhiều nét sinh động hơn, thiết tha hơn, cái lịch sử mà các nhà nghiên cứu xã hội có thể vẽ ra, với những thống kê và thăm dò nghiêm cẩn. Cái lịch sử người Việt lưu vong, xa xứ, trong Thơ, nó giống như những cái nẩy bật của trái tim người. Trái tim của người Việt lưu vong. Và sau đó, mở rộng ra, trái tim của những di dân, những con người vẫn luôn thấy trong mình cái gốc rễ Việt, cái gốc rễ làm nên chính con người, làm nên tính cách họ.

Lưu vong là một khía cạnh của cuộc sống con người, từ xa xưa. Nhưng đặc biệt trong mấy thế kỷ trở lại đây, nó lại càng trở nên rõ nét hơn khi lịch sử thế giới đã cho thấy có những đường nứt địa chấn chạy qua lịch sử của bao nhiêu dân tộc. Với những vết cắt, những chấn động in hằn dấu tích của chúng trên những trang lịch sử ấy. Nhưng, dù có những nét chung nhất, lưu vong, với mỗi dân tộc, mỗi tập thể người chịu đựng bi kịch ấy, lại cho thấy có những sắc thái, những định mệnh riêng, làm nên những vết đau, tạo nên những chấn thương riêng trong tâm hồn họ.

Nhưng, như Vladimiro Ariel Dorfman, một nhà tản văn, tiểu thuyết gia, kịch tác gia, và cũng là một nhà tranh đấu cho nhân quyền, đã nói, “Tôi nghĩ rằng cuộc sống lưu vong là một lời nguyền rủa, một lời chúc dữ, và bạn cần phải biến nó thành một ân sủng. Bạn bị ném vào cuộc lưu vong để chết, thật sự như thế, để làm bạn câm lặng đến nỗi bạn không còn tìm được tiếng nói của mình. Tiếng nói của bạn trở nên thất lạc. Và, bởi thế, cả cuộc đời tôi đã dồn tất cả cho việc lên tiếng rằng, ‘Tôi sẽ không để mình bị bắt trở nên câm lặng.’”

Và, như vậy, những con người Việt bật rễ kia phải sống ra sao? Làm thế nào để tìm lại tiếng nói của mình. Để không bị ném vào sự chết. Không bị ném vào cuộc thất tung. Câu trả lời đã được một nhà thơ miền Nam Việt Nam trước 1975 thể hiện rõ qua phát biểu, bằng thơ, “Tôi đi tìm tiếng nói / Cho cổ họng của tôi” . Thơ Thanh Tâm Tuyền. Để tìm được tiếng nói, hoặc để tìm lại tiếng nói của mình, người ta phải nhờ vào ký ức. Ký ức là quá khứ. Quá khứ là những gì đến trước hiện tại, nhưng nó lại khuôn nắn hiện tại. Nó “cấu trúc” hiện tại. Con người là tổng hợp của tất cả những sự cấu trúc và tái cấu trúc của đời mình. Qua quá khứ và qua ký ức. Trong cuộc lưu vong, xa nhà biệt xứ kia, nói như Richard von Weizsaeker, vị tổng thống nổi tiếng của Cộng hòa Liên bang Đức từ 1984 đến 1994, “Nếu anh chọn lựa lãng quên như một phương thuốc chữa trị cho những đau khổ, dằn vặt của mình, anh sẽ, một cách nào đó, tự làm mất chính anh. Chỉ có một sự cứu chuộc duy nhất: anh phải nhớ lại.” Nhớ lại, nhìn tận mặt những vết thương, những đau đớn cũ. Từ đó, anh sẽ có cơ hội hồi phục. Con người bình thường sẽ chọn cuộc nhớ lại của mình theo một cách thế bình thường, bằng bất cứ một con đường nào khả hữu. Kẻ cầm bút, hắn sẽ vịn vào văn chương mà đứng dậy.

Với người làm thơ, Thơ (viết hoa) sẽ trả lại tiếng nói cho họ. Thơ là một liệu pháp tốt. Và cần thiết.

Một vài ý trong nhữn điều vừa nói trên, tôi đã có cơ hội phát biểu trước đây. Nhưng, tại diễn đàn này ngày hôm nay, trong buổi ra mắt tập thơ 40 Năm Thơ Việt Hải Ngoại, tôi xin phép được nhắc lại chúng. Một lần nữa. Để tự nhắc nhở mình, và, nếu được phép, cũng để nhắc nhở mỗi một chúng ta, những người Việt đang sống cuộc đời lưu lạc, xa biệt mái nhà xưa, nhưng lòng vẫn luôn nghĩ về, ngóng về chốn cũ, những điều đáng lưu ý ấy.

clip_image002

Nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc

Như thế, thơ của người Việt 40 Năm Lưu Xứ là vết đau, vết cắt, là ghi nhận về những chấn thương của người Việt xa quê, nhưng nó cũng là một liệu pháp, một cách thức chữa trị cho những vết đau, vết cắt, cho những chấn thương đó. Nhìn vào thơ, người ta thấy được tất cả. Thấy được những tan hoang, chia lìa, và đau đớn. Thấy những vệt máu tươi, hay những bệt máu cũ. Thấy những vết thương vẫn còn mới, hay những vết cắt đã thành sẹo. Nhưng người ta cũng, qua đó, thấy được cái sức sống, cái sinh lực đang trào lên sau cơn địa động. Thấy được sự xây dựng lại. Sự hồi phục, vươn lên. Người ta thấy được tự do và niềm tin. Thấy được ánh mắt sáng của người xa xứ, cái ánh mắt chấp nhận cuộc thử thách để đứng thẳng người, không gục ngã, trước cuộc sống mới. Và, trong tất cả những điều ấy, bùng bốc hoặc thấp thoáng đâu đó, vẫn là cái ánh lửa kia. Cái ánh lửa mà con người xa xứ đã mang theo trong lòng, trong trái tim họ. Nó vẫn luôn cháy sáng. Và nó thắp lên những tia hy vọng mới. Cho tương lai.

Nỗ lực của những người chủ trương dự án 40 Năm Thơ Việt Hải Ngoại, đặc biệt của tác giả, nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, là một đóng góp tốt cho việc tìm hiểu khuôn mặt, tiếng nói và tâm hồn của người Việt xa xứ, nói chung. Ở một khía cạnh nào đó, nó như một tâm động đồ, một tâm chấn kế, tìm bắt được những rung động, những thiết tha ở những độ rung khác biệt, cho thấy sắc thái tâm hồn của chính chúng ta, những người con xa xứ. Cái nỗ lực ấy, dù sao, trong hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống hiện tại, với cái sống rải rác khắp nơi trên khắp mặt địa cầu của bao nhiêu con người Việt, với những mảnh sống khác nhau, những tiếng nói đặc thù, riêng biệt, với giới hạn của sự giao tiếp, với tới, của sự kết nối, tập hợp, và với cái khó khăn, giới hạn của thời gian, tác giả của quyển sách, tôi nghĩ, chắc chắn vẫn cảm thấy mình có sự thiếu sót và tiếc nuối vì mình đã không ôm trọn được đủ, được đầy, những tiếng nói, những khuôn mặt thơ cần thiết phải có trong quyển sách, hay những tiếng nói thơ còn chưa được nhận diện, hoặc chưa được nhận diện kỹ, trong nỗ lực của mình.

Chắc chắn, tôi nghĩ, tác giả và nhóm chủ trương sẽ có những nhận xét, trình bày của riêng mình về những cố gắng của họ trong việc thực hiện dự án. Cá nhân mỗi người, chúng ta có thể đánh giá tác phẩm, trong cái nhìn riêng của mình, nhưng, nói chung, vì đây là tiếng nói thơ của người Việt ngoài nước, có lẽ chúng ta vẫn phải để dành phần đánh giá tối hậu cho tất cả các người đọc khắp nơi, sau khi họ có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu tác phẩm này.

Ở đây, như một người được mời phát biểu trong dịp ra mắt quyển sách, tôi xin chia vui cùng tác giả và nhóm thực hiện trong nỗ lực riêng của họ và trong việc hoàn thành cuốn sách. Mong là nỗ lực này, trong những giới hạn riêng và những điều kiện khó khăn để thực hiện nó, ít nhất, sẽ để lại một điều gì tốt đẹp trong cố gắng ghi nhận lại lịch sử tâm hồn người Việt ngoài nước. Qua thi ca.

Tâm hồn, tâm thế, tâm cảnh, và tâm thức của những con người Việt lưu xứ, ở một mức độ nào đấy, tôi nghĩ, có thể tìm thấy được ở đó.

Xin cám ơn quý vị.

Bùi Vĩnh Phúc

California, IX – 2017