Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 5 tháng 9, 2017

Đọc thơ Nguyễn Thị Khánh Minh

Phan Tấn Hải


Hôm Chủ Nhật ngày 3 tháng 9/2017 sẽ có buổi ra mắt Tuyển Tập Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại tại Quận Cam, California. Tuyển tập thực hiện do chủ biên là nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, trong đời thường là một bác sĩ y khoa tại Canada.

Danh sách 53 nhà thơ có thơ in trong tuyển tập gần như đầy đủ các nhà thơ hải ngoại. Tuy nhiên, hình như cũng có thiếu sót...

Thiếu sót là phải có, dĩ nhiên. Bởi vì bất kỳ những gì trên đời này đều có phần thiếu sót. Riêng bản thân tôi, nếu có ai hỏi, tôi sẽ nói rằng tôi rất hân hạnh có mặt trong tuyển tập. Và sẽ nói thêm, rằng, tiếc rằng tuyển tập vắng mặt nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, một trong vài khuôn mặt thi ca dị thường. Thiếu sót hẳn là vì kỹ thuật, vì đường xa cách trở, và có thể vì nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh sang Hoa Kỳ định cư khá trễ, chỉ mới vài năm gần đây, chưa kịp mang nhãn hiệu "hải ngoại."

Nói chị là nhà thơ dị thường chỉ vì thơ chị dị thường. Tản văn cũng dị thường. Chữ nghĩa như viết chơi, mà sức lay chuyển có sức mạnh sâu thẳm.

Tuần lễ này cũng là mùa Lễ Vu Lan, nơi đây chúng ta trích một đoạn trong tuyển tập tản văn “Bóng bay, gió ơi” của Nguyễn Thị Khánh Minh phát hành đầu năm 2015, bài “Theo Cảm Xúc Mà Đi” với những chữ rất đời thường và rất thiết tha của người con nhớ tới ba mẹ, trích:

"…và phổ độ hơn hết trên đời, “ba ơi mẹ ơi!” tiếng gọi đánh thức từng tế bào nhỏ trong thân thể ta, xao xuyến những dòng li ti màu đỏ đang chở nhịp sống. Mỗi bước ta đi là say mê theo mùi hương núm ruột đã một lần cắt lìa khỏi ta trong giây phút nhiệm mầu của khai sinh, “con ơi!” tiếng oa oa cột ta một kiếp người, lặn lội trôi theo…"

Vâng, đó là văn xuôi, cũng có thể gọi là thơ xuôi. Nếu bạn muốn đọc thêm, chúng ta có thể dẫn ra môt bài, thí dụ như bài thơ 5 chữ, có chen vào một bất ngờ:

.

XIN LỖI

Đừng bật thêm đèn nữa

Ngày đã sáng lắm rồi

(Xin lỗi)

hay vì con mắt tôi

Đã quen rồi bóng tối…

.

Như thế, thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh như rớt ra khỏi trang giấy, rơi vào đời thường của mọi người, chen vào những xao động của sáng và của tối, của tiếng nói năn nỉ "đừng bật" và rồi bất chợt một lời "xin lỗi" cho dịu dàng hơn, lịch thiệp hơn... Và đó là chữ trong hoàn cảnh đời thường.

Có phải nơi đây, chính thơ là hình ảnh của những vùng sáng và tối trước mắt? Có phải thơ là tiếng bật đèn và rồi một thế giới của trầm tư chợt biến mất? Chúng ta không có câu trả lời, nhưng chính thơ của chị gần như thường khi là một chất vấn về cuộc đời quanh mình.

Chúng ta thấy nhà thơ NTKM nhạy cảm về ánh sáng, và thường nói về bóng đêm. Và trong bóng đêm, là hướng tới một vầng trăng...

Thí dụ như trong bài:

.

VÌ NHAU

Tại nửa vầng trăng khuyết

Nên bài thơ đi tìm

Tại bài thơ tứ tuyệt

Nửa vầng trăng như nguyên

.

Và có những lúc cõi đất trời trở nên đau đớn, đó là khi trăng tan thành giọt lệ, như trong bài:

.

SẮC ĐÊM

Sắc lạnh rơi vào đêm

Soi trần cơn mộng mị

Tan màu ánh trăng im

Thinh không bàng bạc lệ

.

Lẽ ra, với một người nhạy cảm với ánh sáng và bóng đêm, với ánh trăng và giọt lệ trăng, hình như hội họa sẽ gần hơn thi ca? Xin thưa không biết, vì nơi đây không có câu trả lời. Tất cả các dòng thơ của chị như dường là câu hỏi, là chất vấn về cõi sâu thẳm của đời. Hay phải chăng cũng là hóa thân của một tiếng hú làm buốt lạnh hư không của một thiền sư năm xưa?

Như thế... có phải thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh là những câu hỏi vang lên từ trang giấy? Thí dụ, như bài sau đăng trên trang Gio-o vào dịp Tết 2016.

.

NGÀY QUA

.

Có một người ngồi niệm…

.

Bảng pha mầu lấm lem ngày tháng bụi

Tiếng gió ngày xưa thổi ngoài khung tranh

Trời đóng lại. Một đường đêm thăm thẳm

.

Ánh nhìn lui tàn lụi những hoài mong

Không bước nữa, chân đóng đinh ngày tháng

Rêu trong người mối ẩm rủ nhau xông

.

Ai ngồi đó vệt màu bạc thếch

Sông thời gian đặc quánh ảnh hình

Vừa ngó xuống đã muôn trùng đá lạnh

.

Chợt trông lên trần gian thân thiết lắm

Những con chim ngược gió thất thanh

Ra bức tranh còn có gì rung động…

.

Thả xuống ngày tiếng hót. Chút sinh sôi

.

1.2016

.

Hiếm hoi vậy, cực kỳ hiếm hoi vậy, một tiếng thơ như Nguyễn Thị Khánh Minh. Làm thơ mà ghi được những đớn đau của đời người, qua những dòng chữ như:

...Tiếng gió ngày xưa thổi ngoài khung tranh...

cũng như những chữ:

...chân đóng đinh ngày tháng...

cũng như những chữ:

...Ai ngồi đó vệt màu bạc thếch/Sông thời gian đặc quánh ảnh hình...

cũng như những chữ:

...Chợt trông lên trần gian thân thiết lắm/Những con chim ngược gió thất thanh...

.

Đó là nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh.

Đó là những dòng thơ, có khi đọc tới, và rồi có những lúc tôi đứng bật dậy, trân trọng đọc đi, đọc lại từng chữ, từng dòng.

Đó là những dòng thơ, từng chữ một, khi được đọc tới đã hiện ra như một thiếu nữ bước rời khỏi trang sách để len vào đời thường, và rồi các chữ còn lại trên giấy đã tự trở thành những ẩn ngữ thơ mộng.

Nơi đó, thực với mộng không hề cách biệt.

.