Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 5 tháng 9, 2017

Ngày khai trường

Tạp bút Đào Như


Trong cái nắng oi bức trời cuối tháng Tám, các con em ở Mỹ lại bắt đầu ngày tựu trường. Nhìn cha mẹ dẫn con nhỏ mỗi buổi sáng đón xe bus màu vàng cam để đi đến trường, lòng tôi lại nao nao nhớ lại ngày khai giảng hàng năm ở quê nhà…

Bấy giờ là trời tháng Chín. Ôi “chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê” qua vội quá! Màu “Huyết phượng nở thành bông” (1) cũng tàn lụi trong sự lãng quên của mấy cậu học trò. Tiếng ve sầu râm ran gọi mùa hè cũng tắt lịm tự bao giờ… Các cậu học trò ở quê tôi lại tấp tểnh sách vở lên đường nhập học…

Có cậu bé năm ấy, được mẹ âu yếm dẫn đi đến trường trong buổi nhập học đầu tiên. Mỗi khi nhớ lại về buổi nhập học đầu tiên đi cùng với mẹ, tôi nhớ đến bài viết chan chứa hoài niệm về mẹ và những ngày tựu trường của nhà văn Thanh Tịnh. Tôi say mê đọc đi đọc lại nhiều lần, gần như đã thuộc lòng bài viết ấy: “Hàng năm cứ vào cuối thu khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường… Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương Thu và đầy gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi, dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn. Hôm nay tôi đi học…”.

Hà Nội có mùa Thu. Phan Rang quê tôi chỉ có hai mùa Mưa, Nắng… Buổi sáng mai hôm ấy, mẹ tôi âu yếm dẫn tôi đi qua con đường làng Xóm Động, rồi đến đường cái quan tráng nhựa. Mẹ tôi nắm lấy tay tôi dẫn tôi đi qua cầu “Ông Cọp”, rồi cầu “Nước Đá” và đến tận cửa trường tiểu học Phan Rang. Tôi cúi đầu đi qua cổng trường có tấm biển lớn có hàng chữ Tây: “Indochine Française - École Primaire de Phanrang”. Giữa sân trường có cột cờ với lá cờ ba màu của Pháp treo tận chót vót. Trường của tôi hình như vừa mới quét nước vôi và có cửa kiếng, tôi thoáng nghe mùi cửa sổ mới sơn.

Gặp được thầy giáo Trần Thế Sô ở cửa lớp, tôi nép mình bên mẹ và nắm chặt chéo áo dài của mẹ. Mẹ tôi trịnh trọng bảo tôi “Cúi đầu chào thầy đi con”. Sau khi thưa gửi vài lời ân cần với thầy Trần Thế Sô, mẹ tôi cúi đầu chào thầy và ra về. Tôi có cảm tưởng lần đầu tiên xa mẹ, lòng tôi bâng khuâng lạ thường, gần như muốn khóc.

Sau đó vài năm, trong lúc cả nước vang vang lời kêu gọi “toàn quốc kháng chiến. Thời gian cứ xuôi dòng chảy. Thấm thoắt chúng tôi vừa đi qua sáu mùa tựu trường (2) Chúng tôi tốt nghiệp Primaire vào tháng 6-1949. Các bạn tôi, có người đã mười bảy, mười tám tuổi, hay lớn hơn nữa (3). Phần nhiều, sau khi đậu Primaire, các anh ấy thoát ly gia đình, theo Việt Minh kháng chiến. Trong đó có các anh từng chung sách, chung đèn với tôi: Nguyễn Châu Kiên, Nguyễn Diệm, Trần Nhật Đoàn…

Không đầy một năm sau, một số các anh ấy, trong đó có anh Trần Nhật Đoàn đã hy sinh tại mật khu núi Cà Đú. Khi được hung tin ấy, tôi ngồi bên thềm cửa, tay bưng mặt khóc rưng rưng. Mẹ tôi lại âu yếm vuốt tóc tôi: Các anh ấy lớn tuổi hơn con nhiều… Con đừng bắt chước các anh ấy để rồi mẹ phải sống cô quạnh một mình….

Khi nói câu đó, mẹ tôi đâu ngờ bốn mươi bảy năm sau – năm 1997, mẹ tôi qua đời tại quê nhà, trong lúc tôi vẫn sống lưu lạc nơi xứ người. Chắc chắn trong phút lâm chung, mẹ tôi thế nào cũng nhớ đến tôi, nhất là những phút giây âu yếm mẹ nắm lấy tay con dẫn con đi đến lớp trong ngày tựu trường đầu tiên.

Bây giờ, khung trời cũ, màu đất cũ còn nguyên vẹn đó, nhưng mẹ tôi đã không còn nữa, cậu bé năm xưa nay đã ngoài tám mươi. Mái tóc nhuộm màu thời gian giờ đã trắng xóa. Tôi vẫn không ngừng cám ơn cậu bé đã đem lại cho đời tôi những kỷ niệm quá chua xót mà cũng quá ngọt ngào.

Màu thời gian có thể làm tóc ai cũng trắng xóa, nhưng không thể nào làm phai mờ những hoài niệm về mẹ và về ngày khai trường đầu tiên trong đời… 

Tôi muốn nói với các bạn, đó là lý do vì sao càng về già tôi càng thích thú ôn lại những hình ảnh của những mùa tựu trường xa xưa ở quê nhà…

Aug-21-2017

------------------------------------------------

Chú thích

(1) Trích từ bài thơ Nghỉ hè của nhà thơ Xuân Tâm viết năm 1941.

(2) Trước năm 1952, Chính phủ Toàn Quyền Đông Dương - Pháp chủ trương chương trình tiểu học Việt Nam gồm có sáu lớp: Cours Enfantin, Préparatoire, Élementaire, Cours Moyen Première Année, Cours Moyen Deuxième Année và Cours Superieur.

(3) Thuở chúng tôi trẻ con, quyền đi học sớm nhất là 9 tuổi, có người 12, 13 tuổi mới bắt đầu học cours Enfantin (tức lớp 1 hoặc còn gọi là lớp Đồng Ấu).