Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017

Những bảng đường và vết chim bay

FB Thận Nhiên

"sao không, nhật nguyệt đều tăm tối
tự thuở chim hồng rét mướt bay " - Mai Thảo

Hôm qua, tôi đang chạy xe gắn máy ở quận 7, khu Phú Mỹ Hưng, bất chợt nhác thấy bảng tên của một con đường nhỏ. Cái bảng màu xanh kẽ hai chữ “Nguyễn Bính”.

Tôi dừng xe lại ngó cái bảng một lát, rồi thốt nhiên bật cười. Tôi tiếc không mang theo máy ảnh để chụp lại cái bảng cho vui.

Ý nghĩ đầu tiên bật ra trong đầu tôi trong lúc đó là: Oái oăm chưa kìa, sao cái ông thi sĩ tài hoa, giang hồ bạt mạng, nghèo thê thảm, hình như suốt đời không có mảnh đất để cắm dùi, mà giờ đây danh tính lại hiện diện ở cái khu vực sang trọng giàu có nhất Sài Gòn, thậm chí nhất Việt Nam này? Cái khu vực mà mỗi căn hộ hay mỗi biệt thự có giá đắt ngoài sức tưởng tượng của người dân thường. Có người cho rằng để tính giá đất ở đây thành tiền thì phải lấy tờ 100 đô-la ra mà trải xuống đất, cứ diện tích mỗi tờ là ngang bằng với diện tích của chừng đó đất.

Ờ, chuyện người ta đặt tên cho con đường là tên của nhà thơ Nguyễn Bính, thật ra cũng là bình thường. Sao mình lại liên tưởng một cách cà chớn về cuộc đời thật của ông và cái vẻ hào nhoáng, xa hoa của cái nơi được đặt tên của ông? Nhảm chưa kìa?

Cái bảng đường ở một ngã tư bình thường. Lẽ ra thì tôi sẽ không quan tâm gì đến nó. Thấy thì thấy vậy thôi. Nó cũng như hàng trăm cái bảng đường khác ở thành phố này, mà trong số đó có rất nhiều những cái tên lạ hoắc, hoàn toàn không gợi lên trong tôi một chút ký ức nào về chúng, cho dù tôi sống ở thành phố này tới nay là gần hết 2/3 cuộc đời. Chẳng những chúng xa lạ, mà thậm chí tôi còn thấy buồn cười. “Buồn cười”, tôi thú thật vậy đấy, dù có thể bị buộc tội khiếm nhã. Hay tệ hơn: bất kính.

Có lần, một người bạn kể câu chuyện vui về thi ca nhạc nhẽo, có liên quan tới những cái tên đường trong thành phố, chuyện như thế này:

Một hôm nọ, một ông quan to, cỡ chủ tịch hay bí thư thành phố gì đó, than thở và phân bì rằng “Sao Hà Nội và những thành phố khác lại thơ mộng quá, hay ho quá. Có vô số bài thơ, bài nhạc viết về chúng, mà toàn là nhạc tình, thơ tình đẹp đẽ. Còn thành phố Hồ Chí Minh chúng ta thì chẳng có mấy bài ra hồn. Sao các anh chị văn nghệ sĩ không nỗ lực sáng tác về thành phố mình đi chứ? Để nở mày nở mặt với người ta! Để có cái mà khoe với người ta! Dù sao đây cũng là thành phố lớn nhất nước. Chứ gì đâu mà bao nhiêu năm nay, khi nói về, hát về thành phố này, thì người ta còn nhớ chỉ có đúng một bài ‘Sài Gòn Đẹp Lắm’ [*] của ông nhạc sĩ nguỵ từ thời nảo thời nào. Chứ, tôi nói thiệt, mấy bài nhạc sau này viết về thành phố có nổi đình nổi đám thì cũng chỉ nổi nhất thời, cũng chỉ để phục vụ cho yêu cầu chính trị. Khi tới mùa thì mang ra xài, khi hết mùa thì cất vô kho, rồi lâu ngày chắc người ta cũng quên béng mất. Biết bao nhiêu cuộc vận động, biết bao nhiêu cuộc thi viết về thành phố mà chẳng đọng lại chút gì. Kể cả khi thành phố mượn cái tên của Bác Hồ thì cũng chẳng thể đánh bại được bài hát ‘Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi!’ đó! Ờ, cái kho lưu giữ tốt nhất, lâu bền nhất cho một tác phẩm là trí nhớ của con người ta, chứ hổng phải ở trong băng nhạc, trong sách vở, trong thư viện, phải không nào? Nghĩ thiệt là rầu!”

Một anh văn nghệ xin phát biểu, “Thưa đồng chí, một trong những khó khăn để sáng tác về thành phố ta là do những cái tên đường. Ở Hà Nội chẳng hạn, có những địa danh, những tên đường rất là hay, rất là thơ mộng như: Cổ Ngư, Khâm Thiên, Yên Phụ... nên thơ thẩn có nhạc nhẽo cũng thơ mộng, cũng hay ho theo. Ví dụ, ‘tình yêu chúng ta lớn lên bên hàng cây con đường Cổ Ngư mà đêm đêm anh dìu em về...’ Nghe là thấy mùi mẫn liền. Còn trong thành phố ta thì không như thế. Hổng lẽ bài thơ tả cảnh đưa người yêu đi chơi về mà ‘khuya nay anh đưa em qua Huỳnh Văn Bánh, xuống Đoàn văn Bơ, tạt ngang Nguyễn Văn Đậu, rồi về Mạc Thị Bưởi...’ sao?”

Tất nhiên, có thể anh bạn tôi hơi phóng đại, có thể anh không kể lại chính xác từng câu nói, nhưng đại ý của câu chuyện là như vậy. Chừng đó cũng đủ làm cho mọi người không thể nín cười.

Ờ, mà sao nhiều phần các cái tên này đều dính dáng đến thực phẩm, đến các món ăn vậy cà? Tôi lại nghĩ, nếu họ, những người mang tên có nghĩa chân phương đó, mà có dịp ra thủ đô thì ắt hẳn họ đã có những cái tên khác mang khí thế cách mạng hừng hực như Quyết Tâm, Trung Kiên, Trường Sơn... rồi. Cái tên đẹp không làm nên con người đẹp. Nhưng chắc chắn phần nào nó cũng tiết lộ cái kỳ vọng mà bậc cha mẹ đã đặt vào đứa con của mình, vào thế hệ kế thừa của mình.

Đồng thời, nó tiết lộ cái xuất thân của con người.

Tất nhiên, cái xuất thân của con người không hẳn đã làm nên con người. Đối với những người đặt cho những con đường, những địa danh bằng những cái tên đó, thì hẳn chúng (những cái tên) là tên của anh hùng, của danh nhân, của liệt nữ. Nhưng với số người khác, thì chúng là tên của kẻ khủng bố. Còn riêng mình thì tôi thấy mình không có chút liên quan gì với chúng. Và ngộ, sau bao nhiêu năm rồi vẫn chưa từng thấy quen thuộc với chúng. Mà, bao nhiêu năm ấy lại có khi là mãi mãi. Mà, đành vậy chứ biết làm sao được, bi giờ?

____

Chiều nay, khi ngồi gõ lại những ý nghĩ loáng thoáng hiện ra trong đầu, bất chợt tôi nhớ đến Mai Thảo. Ông viết trong những ngày cuối đời nơi xứ người:[**]

ta thấy tên ta những bảng đường

đời ta, sử chép cả ngàn chương

sao không, hạt cát sông Hằng ấy

còn chứa trong lòng cả đại dương

...

Nhưng đẹp nhất là ở câu cuối của đoạn này:

ta thấy ta đêm giữa sáng ngày

ta ngày giữa tối thẳm đêm dài

sao không, nhật nguyệt đều tăm tối

tự thuở chim hồng rét mướt bay

Tôi nghĩ, thuở sinh tiền, bất chợt trong một đêm cô quạnh, Mai Thảo “thấy” tên mình trên bảng đường ở chốn nào đó, một nơi xa lạ nào đó, nhưng hẳn là ông chẳng hề “mong” điều này.

Ông “thấy”, nhưng ông không hề “mong”!

Vì, dấu vết của những tâm hồn mẫn cảm, lồng lộng và kiêu hãnh như tâm hồn Nguyễn Bính, như tâm hồn Mai Thảo, để lại trên cõi đời này, không phải là ở những bảng đường, ở những địa danh thành phố.

Mà, là dấu vết, ở xa xôi, ở mờ mịt, ở cuối chân trời, của những chim hồng rét mướt bay.

NAM ĐAN

_________________________

[*] “Sài Gòn Đẹp Lắm”, ca khúc của nhạc sĩ Y Vân.

[**] “Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền”, thơ Mai Thảo.

https://www.facebook.com/nhan.ton.50/posts/1649737051764485