Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 13 tháng 9, 2017

Mục đích của chúng tôi là thấy được một tâm hồn Việt ở từng tế bào xã hội

NHÀ GIÁO PHẠM TOÀN

(GDVN) - Các nhà giáo dục chúng ta hãy nghĩ đến mục tiêu bất biến này: làm sao tạo dựng được một tâm hồn Việt Nam cho đến tận mỗi tế bào của xã hội.

LTS: Hiện nay đang có cuộc “tháo chạy” khỏi chương trình VNEN ở nhiều địa phương (cũng tương đương với cuộc tháo chạy khỏi việc “nhập” chương trình Giáo dục phổ thông cho vùng núi xa xôi nước Columbia để làm “nhà trường mới Việt Nam”).

Chính điều đó đã thúc giục nhà giáo Phạm Toàn viết bài báo này với hi vọng đưa đến các nhà chuyên môn, nhà quản lý những gợi ý để tháo gỡ khỏi tư duy "nhập ngoại" như vậy.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của nhà giáo Phạm Toàn.


Khi các bạn ở nhóm Cánh Buồm – cả những bạn non tuổi và những bạn già lão – đặt cho tôi câu hỏi:

Suy cho đến kiệt cùng, mục đích và mục tiêu hành động của nhóm Giáo dục này là gì?”.

Tôi đã trả lời rất nhanh một điều mình đã ngẫm nghĩ không biết đã bao lâu rồi:"Mục đích và mục tiêu của chúng ta là được thấy một tâm hồn Việt Nam ở từng tế bào xã hội". 

Một người bạn cùng họ, anh Phạm Ch. có lần cũng nói với tôi:“Đọc bộ sách giáo khoa của nhóm Cánh Buồm anh, tôi có cảm giác anh đang lo sợ ta bị mất nước. Có đúng vậy không?

Tôi đã không ngần ngại trả lời ngay: “Ông đoán đúng!?”. Và tôi diễn giải thêm “Không đưa được một tâm hồn Việt Nam vào từng tế bào xã hội thì cải cách giáo dục bao nhiêu cũng uổng công”.

Thực vậy, Việt Nam ta đã nhập chương trình Giáo dục nước ngoài từ bao giờ nhỉ?

Rõ ràng, chúng ta đã nhập ít ra là từ thời các “bạn” hai chữ vàng đô hộ có tên Tích Quang, Nhâm Diên và Sĩ Nhiếp sang làm thái thú đất Việt ngon lành và ngoan ngoãn này chứ còn gì nữa!

Việc nước ta có một thời đại gọi là Nhà Triệu hay không, chuyện đó đang còn tranh cãi, không bàn ở đây.

Nhưng giả sử như nước ta từng có giai đoạn Nhà Triệu, thì ở giai đoạn đó các bạn thượng thư bộ Học vẫn chỉ cho dân ta “ăn chữ Nho, ngủ chữ Nho, thở chữ Nho” mà thôi.

Giữa chừng công cuộc đô hộ nghìn năm, cụ Lý Nam Đế xưng vương, thì ngay từ cái tên nhà vua cũng theo từ pháp Hán.

Chữ Nho được phát âm theo tiếng bản địa Việt càng dễ len lỏi vào từng gia đình, tạo thành một nền văn hóa Nho… một nền văn hóa giáo điều, khước từ mọi dấu hiệu toàn cầu hóa…

Đến độ các nhà ngôn ngữ học người ta làm cho bộ chữ Quốc ngữ thuận lợi bao nhiêu cho sự phát triển và hiện đại hóa dân tộc này, vậy mà vẫn bị chối đây đẩy.

clip_image001

Theo nhà giáo Phạm Toàn, không đưa được một tâm hồn Việt vào từng tế bào xã hội thì cải cách sẽ uổng công (Ảnh: Thùy Linh)

Giá mà sang đầu thế kỷ thứ 20 người Pháp không ra lệnh cho dùng chữ Quốc ngữ, thì có lẽ đến tận hôm nay “chữ Thánh Hiền” vẫn đang nằm gọn trong ba lô các em học sinh đang cưỡi xe điện đến trường!

Cá nhân ông Khổng Tử là một nhân vật đáng kính. Ông thực lòng muốn khai hóa. Ông ăn đói nhịn khát để đi “phổ cập giáo dục” khắp vùng Trung Nguyên. Ảnh hưởng của “Chương trình Giáo dục Khổng Tử” hoàn toàn không nhỏ. Nhưng việc du nhập chương trình học của nước ngoài đầu tiên trong lịch sử giáo dục nước ta cũng cho thấy điều này: nguy cơ mất gốc văn hóa Việt Nam.

Để có một sự so sánh, hãy nhìn công trình của vua Thế Tông (Sejong) nước Hàn Quốc.

Từ cách đây năm trăm năm, Vua Thế Tông xứ Hàn đã nghiên cứu ngữ âm tiếng Hàn và soạn ra bộ chữ ghi âm tiếng Hàn ngày nay đang hiện diện trên khắp thế giới từ gói kẹo, đến lọ thuốc và củ sâm, cho tới những “con” iphone, smartphone gọn xinh và đầy quyền lực… [1]

Người Hàn quật cường nhờ có bộ Huấn dân chính âm của Vua Thế Tông, hay công trình ngữ âm thực hành của Ngài đã khiến người Hàn quật cường, nhờ từ rất sớm đã thoát khỏi vành đai Hán Ngữ?

Thử tưởng tượng nếu người Hàn vẫn bám khư khư chương trình giáo dục nhập từ Trung Hoa xưa, thì ngày nay họ sẽ ra sao?

Trăm năm Pháp thuộc, Việt Nam lại đã nhập chương trình giáo dục từ đâu?
Một cách tình cờ của Lịch sử, chương trình Giáo dục phổ thông thời thuộc Pháp chính là chương trình nhập từ nước Pháp.

Đầu thế kỷ 20, thế hệ cụ Trần Tế Xương còn cố đi thi vét vài bốn khoa khi Nhà nước ba năm mở một khoa / Trường Nam thi lẫn với trường Hà … để tàn lụi dần…

Thoắt cái, đến năm 1930, đã hình thành hệ thống trường phổ thông do người Pháp thiết lập:

Với tổng số 390.076 học sinh phân bố trong 7852 trường các loại, trong đó có:

42 trường theo chương trình thuần Pháp (trong đó có 3 trường Phổ thông cấp 2 cho dân Tây hoặc dân Việt đã “vào làng Tây” và 6 trường Cao đẳng tiểu học cho người bản xứ),

7.810 trường Pháp-Việt (2 trường Tây, 21 trường Cao đẳng tiểu học theo chương trình bản xứ, 397 trường Tiểu học Pháp Việt, 2.835 trường Sơ học, 13 trường học nghề, 11 trường cao đẳng).

Các trường này có đội ngũ giáo viên gồm 688 người Pháp (trong đó có 28 giáo sư thạc sĩ, 160 giáo sư có bằng cử nhân hoặc có chứng chỉ tương đương), 12.014 giáo viên bản xứ …” [2].

Ngay từ thời thuộc Pháp, nhìn ra sự thiếu thốn tâm hồn Việt Nam trong chương trình và sách học, đã có nhiều tiếng nói đòi thay đổi hoặc cải tiến chương trình giáo dục phổ thông do người Pháp nhập vào Việt Nam.

Phạm Quỳnh rõ ràng muốn “lên lớp” cho dân Pháp về nền văn hóa Việt! Ông còn muốn đưa tiếng Việt vào các bậc học [3].

Còn Hoàng Xuân Hãn thì công phu chuẩn bị một chương trình Giáo dục phổ thông mới cho Việt Nam độc lập không dùng tiếng Tây nữa, chỉ có tiếng Việt là chuyển ngữ [4].

Vào cái thời mới được độc lập, những năm 1950 thế kỷ trước, những lời phê phán hệ thống chương trình “ngu dân”, “đô hộ”, “đào tạo tay sai” đó thật đầy rẫy vào những kỳ chỉnh huấn hoặc học tập chính trị.  

Cái chương trình nhập từ Pháp qua Việt Nam ấy nhiều “tội” lắm! Toán Số học ư? Cái vòi chảy vào cái vòi chảy ra học để làm gì? Tây nó nấu rượu nó mới cần chứ ta có nấu rượu đâu mà cần học cái thứ đó? Tổ tiên chúng ta là người Việt, đâu có là người Gaulois, sao phải học theo sách Lịch sử của họ như thế?  Lại nữa, chương trình của Pháp (dùng ở Đông Dương) dạy theo lối đồng tâm – đúng là một “âm mưu” chia rẽ người học thành hai loại, loại chỉ cần có trình độ tiểu học rồi dừng lại, và loại có điều kiện học lên cao, tham gia vào tầng lớp thống trị! 

Tiếc thay, vừa mới phê phán cách người Pháp bắt ta nhập chương trình và sách giáo dục phổ thông xong, thì đã kịp xảy ra việc ta tự nguyện nhập chương trình và sách Liên Xô!

Có thể nói mà không sợ sai, việc chuyển đổi chương trình Giáo dục phổ thông 12 năm thời Pháp sang hệ 9 năm, sau đó là hệ 10 năm, thực chất là “nhập” hệ thống giáo dục theo mô hình Liên Xô. Dĩ nhiên, việc nhập khi đó mang động cơ tốt, không có chuyện lợi ích nhóm gì sất.

Các thày cô ngồi chật ngôi nhà số 6 phố Lê Thánh Tông ở Hà Nội, vừa cùng nhau tự học tiếng Nga (bỗng dưng được tuyên gọi thành “tiếng của Lê Nin”) vừa dịch sách môn Toán và các môn khoa học tự nhiên Lý., Hóa, Sinh vật,… và cả nhiều chương của môn Địa Lý nữa! May mà chưa dịch sách Lịch Sử! Nhưng cái tinh thần của Pi-ốt Đại đế, của Lomonosov, … dường như đã được kéo dài sang thời sau trong những bài học “có tính lịch sử”. Ngay sách Ngữ văn tiếng Việt cũng “vinh dự” được học cách soạn kiểu Liên Xô.

Ông Nguyễn Kỳ, trước khi lên làm thứ trưởng Giáo dục, trong cuộc giới thiệu sách mới tại trường Chu Văn An cuối những năm 1950, đã hào hứng giới thiệu cách dạy Ngữ văn theo kiểu chuyện kể với minh họa là chuyện con dơi đi dự cả Đại hội loài chim và Đại hội loài chuột. Và các nhà giáo Việt Nam thông minh đã kịp hưởng ứng và lục tìm ngay được trong kho tàng dân tộc về cách đặt tên các loài rau. Giời gọi các loài rau lại và đặt cho mỗi cây một tên, đến cây cuối cùng Giời còn mải nghĩ chưa ra, “mày thì lên là … thì là … à thì là mà … thì là …” thế là có cái tên rau thì là!

Đó là những năm 1950 chuyển sang những năm 1960 của thế kỷ trước. Đó là những năm mối quan tâm chiến tranh được đặt lên cao hơn mọi điều. Đó là những năm mối quan tâm thiếu đói cũng được đặt lên cao hơn mọi điều. Đó là những năm không chỉ đói lương thực mà đói cả thông tin là cái đói nguy hiểm vô cùng.

Người viết bài này còn nhớ, trong một cuộc nghe phổ biến nghị quyết, một vị có chức vụ cao ở Ủy Ban Khoa Học Nhà Nước đã nói đến tia la de kèm theo lời bình ngắn gọn và khinh miệt cái tia la de ba gie gì đó. (“Ba gie” là một từ miền Trung người ta không bao giờ dùng để khen nhau hết).

Ấy vậy mà, đó cũng chính là thời điểm máy bay Mỹ vượt tọa độ lửa dùng tia la de điều khiển bom trúng cái vòm chính của Ga Hàng Cỏ Hà Nội.

Nhưng, đó cũng là thời điểm, tuy người ta chưa một ai dám nghi ngờ sức mạnh của Liên Xô – càng tuyệt nhiên chưa ai dám nghĩ Liên Xô có ngày tan vỡ song trong lĩnh vực giáo dục, đã có những “sáng kiến” nhìn sang Cu Ba, rồi nhìn sang Đức, và cuối cùng là nhìn cả sang Nhật nữa.

Cũng là một thứ đầu óc vọng ngoại, mà về sau này, nếu có thêm những Dự án này nọ, thì chẳng qua chỉ là những biến dị không trông đợi trên một cơ thể đang có những cơ hội hữu cơ cho sự ra đời những biến dị.

Điều quan trọng ta cần phân tích với nhau là ở câu hỏi này: làm sao nên nỗi?

Và câu hỏi này được đặt ra chỉ cho các nhà nghiên cứu giáo dục mà thôi, người khác ai quan tâm thì quan, không thì thôi.

Các nhà giáo dục chúng ta hãy nghĩ đến mục tiêu bất biến này: làm sao tạo dựng được một tâm hồn Việt Nam cho đến tận mỗi tế bào của xã hội. Mục tiêu bất biến đó đòi hỏi nhà giáo dục quan tâm đến chỉ một đối tượng phục vụ bất biến là những em bé Việt Nam. Tạo ra những em bé Việt Nam khác hẳn sẽ thay đổi dần dần cả cái gia đình hiện thời của các em và những tế bào xã hội do chính các em nhân bản sau này mà thành.

Với một phương tiện chỉ nhà trường mới có là chương trình học, sách giáo khoa và phương pháp học thì xin các nhà giáo dục hãy nghiên cứu cách trao vào tay các em những điều bất biến thay vì những kiến thức xổi.

Tóm lại, bài viết này muốn những nhà khoa học giáo dục Việt Nam hãy tự hào đảm đương trách nhiệm cho dân tộc.

Điều chúng ta làm đúng hay gần đúng là vì chúng ta làm chính công việc đó trên mảnh đất văn hóa Việt chứ không vì cái đúng ấy phù hợp với Columbia hoặc Liên Minh châu Âu hoặc Phần Lan hoặc Singapore. Nó đúng cho văn hóa Việt vì nó là Việt Nam, đơn giản vậy thôi.

Các nhà giáo dục hãy tiếp tục công việc mình đang làm dở. Ai làm VNEN cứ làm tiếp VNEN [5]. Nơi nào bỏ, cho bỏ, còn lại cứ củng cố cho đẹp. Ai Công nghệ Giáo dục cứ Công nghệ Giáo dục.

Dĩ nhiên Cánh Buồm cứ là Cánh Buồm! Ở nơi chúng tôi có điều kiện thực hành, vào bữa ăn trưa tập thể của học sinh, chúng tôi cũng dạy các em mời nhau bằng câu ca dao “Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”, để dạy các em sống Việt Nam, sống tiết kiệm.

Nói ví von cho vui, ngày xưa anh Phạm Tuân lên vũ trụ với súp bắp cải Nga. Ngày nay nếu anh trở lại chuyến đi, đó sẽ là típ súp từ cây rau má lá rau muống cuộng rau đay…

Sao lại không thể?

Có thể kiên nhẫn chờ một trăm năm nữa cái mầm văn hóa non nớt được gieo hôm nay sẽ đi vào từng tế bào của xã hội, và ta cứ hy vọng…  

Mỗi nhóm tác giả hãy thể hiện sứ mệnh Tự do đóng góp cho Dân tộc. Nhưng đừng nghĩ đến thành công chóng vánh. Chính vì thế mới là chuyện trăm năm trồng người!

Tài liệu tham khảo:

[1] Xin coi Nguyễn Thị Minh Chung về bộ chữ Hangul của người Hàn quốc trong sách Tiếng Việt 6 Cánh Buồm, được cung cấp miễn phí trên mục Sách Mở trang Canhbuom.edu.vn

[2] L'Instruction publique en Indochine en 1930 (Giáo dục quốc dân ở Đông Dương năm 1930, tiếng Pháp) Đại học Hoa Sen: http://gas.hoasen.edu.vn/fr/gas-page/linstruction-publique-en-indochine-en-1930

[3]  Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp 1932-1942 bản dịch do Phạm Toàn chọn, hiệu đính, giới thiệu, Trung tâm Đông Tây và Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội 2004.

[4]  Hoàng Xuân Hãn người khai sinh nền Trung học Việt Nam, (tr. 105-109) cuốn Suy nghĩ về văn hóa giáo dục Việt Nam, Nxb Trẻhttp://www.sachhay.org/cao-thom/ChiTiet/49/giao-su-hoang-xuan-han-nguoi-khai-sinh-nen-trung-hoc-viet-nam.

[5] Ai chủ trương công bố khảo sát của Ngân hàng Thế giới về tiếp nhận VNEN thế nhỉ?

Nhà giáo Phạm Toàn

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Muc-dich-cua-chung-toi-la-thay-duoc-mot-tam-hon-Viet-o-tung-te-bao-xa-hoi-post179588.gd