Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

Giải sân hận

Inrasara


01. Chết oan
HamuCrok1985-NVK.02


Tinh thần giải sân hận bàng bạc trong trường ca Ariya Glang Anak. Tôi đã viết nguyên một chương về tinh thần này trong Hàng Mã Kí Ức, và lần nữa nhấn mạnh ở Minh Triết Cham.
Tôi nhớ lần đầu tiên đề cập đến cụm từ “giải sân hận” ở web Inrasara.com, bị một bạn phê bình Sara muốn thế hệ trẻ Cham quên quá khứ. Hiểu vậy là sai. Nhớ quá khứ, hiểu lịch sử để lấy lịch sử làm bài học cho hôm nay và mai sau.
Sinh mệnh Cham trên đe dưới búa, cần học khôn từ sai lầm cũng như nỗi oan của thế hệ đi trước, để sống sót. Các câu chuyện đau buồn nay được kể ở đây, cũng nên hiểu từ và trên tinh thần đó.



Buh Kalih-KM.05
Cộm nhất là hai đứa con ông Huyện nổi tiếng Dương Tấn Phát.
Năm 1944 (?), ông Dương Tấn Dũng phụ trách Thanh niên và ông Dương Tấn Thành nắm Thể dục Huyện bị tố giác với Việt minh. Ông […] gài hai anh em đi tắm ở Croh Karan [Bblang Kasơic] cách palei Padra 2km. Thấy Dương Tấn Dũng bị bắt, Dương Tấn Thành bỏ chạy, bị ném thuổng trúng cổ, cả hai bị giết chết sau đó.
Hai người là con ông Huyện “cộng tác với Tây” thì không nói làm gì, dù sự kiện làm chấn động cả cộng đồng Cham, và chắc gì họ là ác ôn.
Ngay cả người làm làng đã hưu cũng bị tìm diệt. Đàng Thận Lik klơng ở Hiếu Lễ đã hưu, đi tìm con 15 tuổi, bị bắt trói thả sông, xác tìm thấy ở Trường Sanh. Rồi ông Đàng Tấn là con Klơng Thận làm lí trưởng sau đó không nợ máu với ai cũng bị bắt và xử bắn ở Canah Tang CK7, một năm sau dân làng mới tìm lấy xác về làm đám.
Cũng vào năm 1944, 3 người palei Chakleng, như tôi đã kể: Ông nội tôi, ông Kiểm và ông Phok Jiơng chồng bà Tiếu cũng bị giết với nguyên nhân rất vu vơ: do người trong làng tố liên lạc cho Tây.
Có lẽ đây là chỉ tiêu “ác ôn” được dành cho các làng Cham hay sao ấy!? Không ai hiểu được…

Năm 1947, chuyện ở Pabblap An Nhơn.
7 người Cham Pabblap trong đó có Pô Gru Dhar Muk và con trai là Bbôn Jơh Kei, bị hai anh em là người của Việt minh […] dụ đi lên rừng săn thỏ, rồi giết. Riêng ông Nhờ Wa bị cắt cổ, lấy đá đè đầu, đã sống sót trở về kể lại dân làng mới hay.
Sự việc oan không tưởng: Hai ông đã “đóng thuế” khá nhiều cho Việt minh, tội là các thuế kia không được/ hay chỉ đưa rất ít cho tổ chức, mà lọt vào tư túi của chúng, chúng giết người để diệt khẩu.
Giải phóng, cách mạng biết công gia đình, muốn làm sổ ghi công nhưng gia đình từ chối, vì oan lớn kia chưa được giải oan. Vợ Gru mất năm 1983, thọ 101 tuổi.

Và đây là vụ thê thảm nhất. Năm 1947, 4 học sinh Cham là ông Bàng, ông Thơ (Ram), ông Xây (Hamu Tanran), ông Khỏi (Boh Dana) học xong Écoles de Cardes, lên Ban Mê để học cao hơn.
Về quê, khoảng 5 giờ chiều, 4 người lên xe ngựa trên đường từ bến xe Cà Ná (đầu cầu Đạo Long 1 hiện nay) về Phú Quý, đến Bình Quý thì bị Việt minh chặn bắt xuống xe.
Ông Xây nhỏ tuổi nhất bị dẫn đi trước vào rẫy mía, bị đâm, kêu thét. Ông Khỏi và ông Bàng bị trói chung với nhau, bắn, ông Khỏi giả vờ ngã xuống và thoát chết; chạy vào Chakleng trốn. Còn ông Thơ bỏ chạy về tận Văn Lâm.
Ông Châu Văn Mỗ kể sau vụ đó, ông có làm đơn kêu lên trên núi rằng, họ là thanh niên Cham hoàn toàn không làm gì nên tội cả.

Nhiều vụ nữa, ở Phước Nhơn, ở Thành Tín… Tôi chỉ nêu các vụ tiêu biểu, gồm các thành phần khác nhau. Dù ông “cộng tác” với địch làm to [Huyện] hay bé [làng] (làm sao tránh?), dù ông là chức sắc tôn giáo [Pô Gru, Paxêh], hay chỉ là anh học sinh vô tội cũng bị. Vì đâu? – Chiến tranh? Tại sao? – Không biết được!

02. Từ câu chuyện người Việt đến cải chính sự vụ Jaya Mrang

Bắc Nam Triều Tiên thống nhất, chuyện gì xảy ra, không ai có thể đoán biết được. Nước Đức thì rõ rồi: Bức tường Berlin sụp đổ, bên bại cuộc không bị truy tố, không bị tù tội, không vượt biên. Để rồi chỉ cần sau ba thập niên, Đức nằm trong top 3 nước châu Âu ngon lành nhất.
Việt Nam thì sao?
Đòi Việt Nam như nước Đức, là không thể rồi. Tại sao?
– Trước 45, hai bên đã từng vay nhau nợ máu.
– Đất nước chia cắt, hai phe ta địch đánh nhau chí mạng.
– Việt cộng nằm vùng, mênh mông nợ máu gây nên từ hai bên.
– Cuối cùng, “giải phóng” miền Nam, bên thắng cuộc trả thù và đày ải, trưng thu tài sản và kinh tế mới, vượt biên và chết chóc.
Máu kêu gọi máu, căm thù kêu gọi căm thù. Không lạ, nên suốt 30 năm ta kêu đòi hòa giải hòa hợp dân tộc mà công cuộc vẫn chưa nhúc nhích tới đâu, là vậy. Căm thù và nợ máu chồng chất, người CS cảm nhận điều đó, nên cố giữ “nước”.
Nói dại miệng, nhỡ nay mai CS thất bại, cánh DC không thể bỗng chốc hóa thánh để “giải sân hận” tha thứ hết, mà sẽ tính đường trả thù. Ý hướng chung tay xây dựng đất nước, ai mà chả. Nhưng sinh linh Việt Nam ngày càng mắc kẹt trong thế bí của tâm sân hận và giải sân hận có mặt đồng thời.

Chuyện quốc gia đại sự là vậy, cộng đồng Cham “cảnh mọn” thôi mà cũng đã diễn ra bao nhiêu là “tang thương”.
Sau giải phóng, đầu tháng 5-1975, ông Bia Ông ở Văn Lâm bị giết, sau đó ông Sinh và ông Hùng ở Hữu Đức bị dẫn lên vùng rừng núi palei Thôn thủ tiêu, mười ngày sau bà con mới cắp mủng đi lượm nhặt các mảnh thi thể về làm đám. Nợ máu! Tin đồn mỗi palei Cham bị điểm danh cho biết ít nhất 2-3 người.
Ai là kẻ có nợ, và phải trả nợ? – Không biết!
Bà con Cham hoang mang. Con cháu Từ Công Xuân cựu Dân biểu và Thiên Thiện nguyên Xã trưởng thúc hai ông và hơn chục người được cho là “có nợ máu”, lên núi trốn. Họ thành… Fulro lúc nào không hay.
Tôi nghĩ, nếu “ta” đừng trả thù, nếu ta khoan hồng cho bà con nhìn thấy tận mắt thái độ khoan hồng kia, thì tất cả sẽ khác rất nhiều? Nhưng không. Đó là một trong những nguyên nhân chính Cham lên núi làm Fulro.

Cải chính cho Jaya Mrang
Có người ca tụng Jaya Mrang là anh hùng, bên cạnh không ít người tố cáo ông đẩy thanh niên Cham vào chỗ nguy hiểm [và chết]. Lời lẽ tố cáo mạnh hơn cả, là chuyện tình cảm riêng tư của ông.
Xin hãy dẹp qua bên mấy thị phi ấy. Dù tôi là học trò ông, đồng hương, sau đó được ông nhiều lần tâm sự và quá hiểu ông; và dù nhà văn là kẻ biện minh cho con người, ở đây [qua tâm sự người trong cuộc và gần gũi ông nhất] tôi chỉ muốn cải chính [minh oan] cho ông một việc duy nhất.
Rằng, Jaya Mrang không kêu gọi thanh niên Cham lên núi làm Cá Rô.
– Hơn 300 sinh linh trẻ người non dạ ào ào lên núi, không phải là ít! Ông không dại dột thế.
– Ngày lên núi đúng vào “đêm trăng hết” cuối năm, là điều tối kị với Cham; ông là người hiểu biết không thể yếu kém như thế.
– Điều ông mong muốn khi ấy, là giải thoát thành phần có nợ máu, còn chuyện lâu dài tính sau.
Sự cố xảy ra là do nhầm lẫn ở truyền miệng, và từ sự sợ hãi bị trả thù. Chỉ thế thôi, mà gây ra bao nhiêu chuyện. Căm thù gọi căm thù là vậy.
Làm thế nào chúng ta có thể dứt triệt tận căn tâm sân hận, để bắt đầu từ điểm không [0]?

03. Cộng hưởng câu chuyện từ 5 hướng nhìn

Tôi hiếm khi dùng chữ “đoàn kết”, càng không hô hào kêu Cham đoàn kết. Đoàn kết được hiểu lâu nay là: Ai không theo ta, ai có suy nghĩ khác ta là kẻ ấy thiếu đoàn kết. Đó là chưa nói đến người chống lại ta.
Điều tôi nhấn mạnh là: giải sân hận. Tôi lấy tác phẩm nổi tiếng nhất trong truyền thống văn học Cham để giải minh tinh thần này.
Rằng, khi tâm hồn ta còn trì nặng nỗi oán trách nhỏ bé, suy nghĩ nhỏ bé, không biết cảm thông và tha thứ, hay khi ta còn nuôi ý định âm u triệt tiêu ai đó, là ta chưa hiểu tinh thần Glơng Anak. Khi ta chưa mở lòng ppalai tung tian với con người hèn yếu xung quanh, là ta chưa thể sẵn sàng đón nhận thông điệp Glơng Anak.
Tóm lại, khi mỗi sinh thể Cham đã giải sân hận ở ngay tâm hồn mình thì dù “mất đoàn kết” tới đâu, Cham cũng sống tốt lành, và hứa hẹn làm nên việc.
Đây là 5 chiều nhìn.

QUÁ KHỨ
Trước hết là Cham với Việt, từ quá khứ. Qua Ariya Glang Anak, tôi đã vài lần mổ xẻ tinh thần giải sân hận thể hiện qua ngôn từ, và không khí toát ra từ trường ca này.
Lịch sử là chuyện của ông bà thuộc quá khứ, chúng ta không trách nhiệm về những sai lầm với bạt ngàn xung đột với nhau và với người ngoài của thuở ấy – qua đó mênh mông thù oán rơi rớt lại. Trách nhiệm của ta là về hôm nay, và cho mai sau.
Học và hiểu quá khứ là để phụng sự cho con người của ngày hôm nay.

TỐ XUÔI
Sinh phận Cham giữa biến thiên thời cuộc Việt Nam, đã chịu bao nhiêu khổ ải. Ta từng làm việc với Pháp, từng cộng tác với chế độ Cộng hòa, và hôm nay ta đang sống và phục vụ chế độ hiện tại.
Cham từng bị giết oan: Làm lớn hay bé, chức sắc tôn giáo hay học sinh vô tội; có khi do chính người của ta tố cáo ta.
Bài học rút ra là gì? – Palek palam gaup tố giác nhau là điều tối kị.
Ông nội tôi bị chính người trong làng tố rồi chết oan bởi cây búa Việt minh. Thời chiến tranh, gia đình tôi với gia đình dì Mơi chung khuôn viên nhà, ai cũng biết nhà dì chứa Việt cộng; sống với nhau cho dù giận nhau tới mấy, gia đình tôi không bao giờ hó hé sự việc này. Không ít người làng biết bí mật đó, nhưng cũng không ai tố cáo. Tại sao? Bởi biết đâu dì Mơi vì thế buộc đã làm thế.

TỐ NGƯỢC
Người cộng tác với chế độ hiện hành, là đảng viên hay quan chức quyền hành ứng xử với quần chúng cần nhận ra rằng, chớ đừng va chạm đời thường mà tố người mình, hoặc chớ vì sợ người giỏi hơn ta “nguy cơ” làm ta mất ghế. Ia pabah drei taprah njaup drei nước miếng mình văng trúng mình thôi.
Riêng bộ phận ghét chế độ cũng không nên nặng lời với những người đương chức đương quyền. Rằng họ là “chó săn”, Chàm gian, hay “đồng lõa với chế độ”.
Họ cần việc làm để sống. Là điều không thể tránh. Dù họ chưa/ không lên tiếng bênh vực khi người đồng tộc hữu sự, miễn sao anh chị em ấy chớ ỷ quyền, dựa hơi người mà hiếp đáp bà con. Tại sao? – Bởi trên họ còn có nhiều người ở trên nữa. Mà chế độ ta, không nói ai cũng hiểu rồi.

TỐ CHẾ ĐỘ
Bênh vực, bảo vệ quyền lợi đồng tộc là cần. Cần hơn nữa là sự việc cần cụ thể với dẫn chứng rõ rang, ngôn từ giản đơn với lập luận thuyết phục. Chỉ như vậy ta mới chinh phục sự đồng thuận từ người ngoài. Nếu chính quyền vì nguyên do nào đó không giải quyết, ta cũng đã cho “thế giới” biết lẽ phải thuộc về ta.
Chứ ta không cần thiết phải xỏ xiên, không cần thiết kết án chế độ với những lời lẽ nặng nề, rằng CS thế này thế nọ, hay người Việt mang tư tưởng này kia. Vừa vô ích vừa không dẫn vấn đề tới đâu cả.

NGƯỜI VIỆT VỚI NGƯỜI CHAM
Cuối cùng chính người Việt cũng cần giải sân hận với Cham. Tại sao?
– Chuyện năm 2001, vị GSTS chủ biên 23 nhà khoa bảng viết Mấy vấn đề lí luận và thực tiễn cấp bách liên quan đến mối quan hệ dân tộc hiện nay trong đó có chương về Cham. Đau là, trong 23 tác giả này, có không ít vị quan hệ thân mật với Cham, từng mấy năm ăn cơm Cham ngủ nhờ nhà Cham để nghiên cứu, vậy mà họ viết quá nhiều sai lầm tệ hại rặt giọng điệu căm thù, để đưa nhau vào nhà đá.
20 thân hào nhân sĩ Cham đã phản ứng bằng thư kiến nghị, và đại diện NXB đến tận Phan Rang giải quyết. Cham đã đưa ra 5 chi tiết, và đặt câu hỏi:
– Tại sao các ông xuyên tạc, vu khống đầy căm thù Cham như thế, trong khi bà con đang sống an ổn? Ở năm đầu thế kỉ XXI?
Vị đại diện kia không biết đằng nào mà rờ.